Mang thai ngoài ý muốn – Suy nghĩ trước khi hành động
Nội dung bài viết
Mang thai ngoài ý muốn là tình trạng thụ thai ngoài mong đợi, thường phổ biến ở những người hoạt động tình dục sớm và không có biện pháp tránh thai an toàn. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến ý muốn phá thai, sinh non, sảy thai và gây ra các ảnh hưởng tâm lý của người phụ nữ.
Thông tin chung về mang thai ngoài ý muốn
Mang thai ngoài ý muốn là tình trạng thụ thai không mong muốn. Sinh hoạt tình dục không sử dụng biện pháp tránh thai hoặc áp dụng các biện pháp tránh thai không hiệu quả là nguyên nhân phổ biến nhất có thể gây có thai ngoài ý muốn. Tỷ lệ có thai ngoài ý muốn trên thế giới khác nhau ở các khu vực địa lý, quốc gia, chủng tộc và khả năng nhận thức của người dân. Bên cạnh đó, một số trường hợp mang thai ngoài ý muốn là do mang thai nhầm hoặc vỡ kế hoạch hóa gia đình giữa các cặp vợ chồng.
Mang thai ngoài ý muốn là nguyên nhân phổ biến nhất có thể dẫn đến phá thai, sảy thai, sinh non và gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người mẹ. Bên cạnh đó, trẻ em được sinh ra từ bào thai ngoài ý muốn thường không có môi trường phát triển toàn diện, thiếu tình yêu thương và có nguy cơ dẫn đến các suy nghĩ lệch lạc trong tương lai.
Bên cạnh đó, hầu hết các hướng giải quyết khi có thai ngoài ý muốn là chấm dứt thai kỳ. Tuy nhiên, hầu hết các phương pháp phá thai đều có nhiều rủi ro, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tâm lý của người mẹ trong tương lai.
Hiện tại, tỷ lệ có thai ngoài ý muốn trên toàn cầu là 44% (tính từ năm 2010 – 2014), điều này tương đương với 62 phụ nữ mang thai ngoài ý muốn trên 1000 phụ nữ trong độ tuổi từ 15 – 44. Tỷ lệ này đang giảm dần qua các năm, tuy nhiên có xu hướng cao hơn ở các nước Mỹ Latinh và châu Phi.
Tại Việt Nam, theo thống kê của Tổng Cục Thống kê, mỗi năm có khoảng 300.000 – 350.000 ca phá thai. Trong đó có 62% các nguyên nhân liên quan đến việc có thai ngoài ý muốn. Tỷ lệ phá thai, bao gồm phá thai ở trẻ vị thành niên, phá thai lặp lại, phá thai ở phụ nữ đã có 2 con và tỷ lệ vô sinh thứ phát tại Việt Nam có xu hướng tăng lên quá các năm.
Các yếu tố liên quan đến việc mang thai ngoài ý muốn
Mang thai ngoài ý muốn thường xảy ra sau khi sinh hoạt tình dục không sử dụng các biện pháp tránh thai. Tuy nhiên, đôi khi một số phụ nữ có thể có thai ngay cả khi áp dụng các biện pháp tránh thai, điều này thường là do sử dụng biện pháp tránh thai không đúng đắn.
Có nhiều yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến tình trạng có thai ngoài ý muốn. Cụ thể, các nguyên nhân và yếu tố có thể bao gồm:
1. Quan hệ tình dục sớm
Phụ nữ quan hệ tình dục sớm thường ít sử dụng các biện pháp tránh thai, như sử dụng bao cao su, hơn các nhóm tuổi khác. Điều này khiến tỷ lệ có thai ngoài ý muốn tăng lên. Có khoảng 18% phụ nữ vị thành niên từ 15 – 19 tuổi mang thai ngoài ý muốn do quan hệ tình dục sớm và không sử dụng biện pháp tránh thai. Trong khi tỷ lệ này ở là 13% ở phụ nữ 20 – 24 và 10% ở phụ nữ 25 – 44 tuổi.
Ngoài ra, theo các thống kê, tỷ lệ quan hệ tình dục ở nhóm tuổi từ 15 – 19 thường cao hơn các nhóm tuổi khác. Hầu hết các trường hợp này lựa chọn kết thúc thai kỳ, tỷ lệ khoảng 60 – 70%.
2. Tình trạng mối quan hệ
Tại Việt Nam, có khoảng 20 – 30% trường hợp có thai ngoài ý muốn và phá thai ở phụ nữ chưa kết hôn. Tình trạng sống thử, không đăng ký kết hôn thường có tỷ lệ phá thai cao.
3. Thu nhập thấp
Thu nhập thấp và mức sống thấp có thể tăng nguy cơ có thai ngoài ý muốn và dẫn đến tỷ lệ phá thai cao gấp 5 lần so với phụ nữ có thu nhập trung bình và cao.
4. Dân tộc
Theo thống kê, phụ nữ là dân tộc thiểu số có nguy cơ mang thai ngoài ý muốn cao hơn.
5. Trình độ học vấn thấp
Phụ nữ có trình độ học vấn trung học hoặc dưới trung học thường không được giáo dục về giới tính và khả năng mang thai. Điều này khiến một số phụ nữ không được hướng dẫn cách tránh thai hiệu quả.
Theo thống kê, có khoảng 45% trường hợp có thai ngoài ý muốn xảy ra ở phụ nữ có trình độ học vấn thấp. Tỷ lệ này cũng giảm theo trình độ học vấn và từng cấp bậc học.
6. Quan hệ tình dục không đồng thuận
Cưỡng bức tình dục, cưỡng hiếp hoặc thậm chí là cưỡng ép mang thai có thể dẫn đến tình trạng mang thai ngoài ý muốn. Các trường hợp này thường liên quan đến tội phạm tình dục, bạo lực gia đình hoặc các lạm dụng khác.
Theo một số thống kê, tỷ lệ có thai ngoài ý muốn liên quan đến việc quan hệ tình dục không đồng thuận chiếm khoảng 5.0% ở độ tuổi từ 12 – 45.
Ảnh hưởng của việc mang thai ngoài ý muốn
Tại Việt Nam mỗi năm có hơn 300.000 ca phá thai, trong đó 80% các trường hợp phá thai dưới 12 tuần tuổi, 60 – 70% các trường hợp mang thai ở trẻ vị thành niên (từ 15 – 19 tuổi) và 20 – 30% các trường hợp là phụ nữ chưa kết hôn. Trong hầu hết các trường hợp có thai ngoài ý muốn được kết thúc bằng việc phá thai và một số ít chọn các sinh con với một số rủi ro sức khỏe.
Cụ thể các ảnh hưởng và tác động của việc có thai ngoài ý muốn thường bao gồm:
1. Phá thai
Phá thai là chấm dứt thai kỳ, và là một trong những hậu quả chính của việc mang thai ngoài ý muốn. Trên thế giới, mỗi năm có khoảng 42 triệu ca phá thai mỗi năm, trong đó có 92% trường hợp phá thai là do mang thai ngoài ý muốn.
Phá thai an toàn tại bệnh viện thường ít gây rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp phá thai do mang thai ngoài ý muốn thường là phá thai không hợp pháp, kém an toàn và rủi ro cao. Trong một số trường hợp, thai phụ có thể phá thai khi thai nhi đã phát triển lớn, điều này có thể tăng nguy cơ tử vong.
Bên cạnh các ảnh hưởng đến sức khỏe, phá thai có thể gây ám ảnh tâm lý và tăng nguy cơ trầm cảm ở người phụ nữ trong tương lai.
2. Dẫn đến tử vong ở sản phụ
Theo thống kê có khoảng 64% các ca tử vong ở phụ nữ mang thai liên quan đến việc mang thai ngoài ý muốn. Trong đó có 1/3 các trường hợp liên quan đến biến chứng do phá thai không an toàn, không hợp vệ sinh hoặc phá thai khi thai nhi đã có kích thước lớn.
Nguy cơ khi sinh con ngoài ý muốn
Mang thai ngoài ý muốn có thể dẫn đến việc sinh con ngoài ý muốn với các rủi ro và biến chứng sức khỏe tiềm ẩn. Trung bình các trường hợp mang thai ngoài ý muốn thường sinh con thiếu tháng hoặc thiếu cân so với các trẻ được sinh ra trong dự định.
1. Không được chăm sóc sức khỏe tiền sản
Phụ nữ có thai ngoài ý muốn thường không được chăm sóc tiền sản và tư vấn trước khi thụ thai. Một số thai phụ có thể mang thai với một số bệnh lý kèm theo như bệnh tiểu đường, bệnh tự miễn dịch không được tư vấn và kiểm soát đúng cách có thể dẫn đến các rủi ro và biến chứng không mong muốn khi mang thai.
Bên cạnh đó, một số phụ nữ sử dụng các loại thuốc điều trị bệnh có thể gây quái thai chẳng hạn như thuốc điều trị bệnh động kinh, thuốc tăng huyết áp.
Ngoài ra, phụ nữ mang thai ngoài ý muốn có thể nguy cơ mắc các bệnh lây qua đường tình dục. Điều này có thể gây sinh non, nhiễm trùng sau khi sinh, truyền bệnh sang con hoặc tăng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh.
2. Chăm sóc sức khỏe trước khi sinh không phù hợp
Phụ nữ có thai ngoài ý muốn có thể bắt đầu thăm khám và siêu âm thai muộn hơn. Điều này có thể khiến bà bầu bỏ lỡ cơ hội xét nghiệm gen thai nhi trong tam cá nguyệt thứ hai. Các phương pháp này nhằm xác định các dị tật bẩm sinh và các rối loạn di truyền như Hội chứng Down.
3. Dẫn đến tình trạng trầm cảm khi mang thai
Phụ nữ có thai ngoài ý muốn rất dễ bị trầm cảm khi mang thai và trầm cảm sau sinh. Đây là một dạng rối loạn tầm thần liên quan đến quá trình sinh nở. Các triệu chứng phổ biến có thể bao gồm buồn bã đột ngột, ít năng lượng, lo lắng, hay khóc, thay đổi thói quen ngủ và ăn uống.
Trầm cảm liên quan đến vấn đề sinh nở thường có thể gây ảnh hưởng đến 15% phụ nữ, trong đó khoảng dưới 1% phụ nữ có ý nghĩ tự tử và sát hại trẻ dưới 1 tuổi.
4. Căng thẳng trong mối quan hệ
Phụ nữ mang thai ngoài ý muốn thường có xu hướng dễ bị bạo hành thể xác cao hơn. Ngoài ra, hầu hết các trường hợp, những người phụ nữ này thường cảm thấy bất ổn, thiếu an toàn trong mối quan hệ.
5. Tăng khả năng sử dụng chất gây nghiện trong thai kỳ
Phụ nữ mang thai ngoài ý muốn có nhiều khả năng hút thuốc lá và uống rượu khi mang thai. Điều này có thể dẫn đến tình trạng sức khỏe kém, tăng nguy cơ sảy thai và tử vong ở thai phụ.
Bên cạnh đó, trẻ sinh ra từ người mẹ nghiện rượu thường mắc Hội chứng rối loạn phổ rượu ở thai nhi hoặc Hội chứng nghiện rượu ở trẻ sơ sinh. Các triệu chứng có thể bao gồm dị dạng về ngoại hình, chiều cao bất thường, trọng lượng cơ thể thấp, kích thước đầu nhỏ, kém thông minh và rối loạn phối hợp hành vi.
6. Tăng tỷ lệ sinh non và sinh con nhẹ cân
Mang thai ngoài ý muốn có nhiều khả năng sinh con nhẹ cân hoặc sinh non cao hơn.
7. Giảm khả năng liên kết với trẻ sơ sinh
Có thai ngoài ý muốn có thể dẫn đến tình trạng quan đến tình trạng quan hệ mẹ con thấp. Ngoài ra, hầu hết phụ nữ sinh con ngoài ý muốn thường không muốn cho con bú. Điều này có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng sức khỏe và hệ thống miễn dịch của trẻ.
8. Tăng tỷ lệ trẻ bị bỏ rơi và bị lạm dụng
Mang thai ngoài ý muốn là yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến việc bỏ rơi con, ngược đãi hoặc khiến trẻ bị lạm dụng khi còn nhỏ.
9. Gây ảnh hưởng đến nhận thức và tương lai của trẻ
Trẻ em sinh ra do mang thai ngoài ý muốn ít có khả năng thành công ở trường học, thường có điểm số thấp với hoàn cảnh và điều kiện sống thấp. Ngoài ra, trẻ em được sinh ra từ kết quả của việc có thai ngoài ý muốn thường dễ có các hành vi phạm pháp và tệ nạn xã hội.
Phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn
Hầu hết các trường hợp mang thai ngoài ý muốn là do không sử dụng các biện pháp tránh thai phù hợp, hoặc do sử dụng các biện pháp tránh thai không đúng cách. Do đó, các biện pháp phòng ngừa thường bao gồm giáo dục giới tính toàn diện, cung cấp các kế hoạch hóa gia đình, tăng cường khả năng nhận thức về tình dục, xây dựng các phương pháp kiểm soát sinh sản hiệu quả và giải quyết các vấn đề xã hội.
1. Sử dụng các biện pháp tránh thai hiệu quả
Có nhiều phương pháp tránh thai được sử dụng bao gồm sử dụng bao cao su, vòng tránh thai, thuốc tránh thai, thắt ống dẫn tinh và thắt ống dẫn trứng. Một số phương pháp tránh thai phổ biến bao gồm:
- Các phương pháp rào cản khi quan hệ bao gồm bao cao su nam, bao cao su nữ, màng chắn âm đạo hoặc các miếng dán tránh thai.
- Các phương pháp nội tiết tác dụng ngắn như thuốc tránh thai, vòng âm đạo, miếng dán tránh thai và thuốc tiêm tránh thai. Đây được xem là các phương pháp các tác dụng ngắn cần thực hiện hàng ngày, hàng tuần hoặc hàng tháng.
- Các phương pháp tránh thai tác dụng lâu dài như vòng tránh thai chữ T bằng đồng, vòng tránh thai nội tiết, que cấy tránh thai. Các phương pháp này thường có tác dụng lâu dài, có thể đến 10 năm, tùy thuộc vào loại thiết bị.
- Phương pháp ngừa thai vĩnh viễn bao gồm thắt ống dẫn trứng ở nữ giới hoặc thắt ống dẫn tinh ở nam giới.
Hầu hết các biện pháp tránh thai mang lại hiệu quả cao, ít rủi ro. Tuy nhiên, có khoảng 5% các trường hợp biện pháp tránh thai không hiệu quả và dẫn đến việc mang thai ngoài ý muốn. Do đó, nếu bạn nghĩ các phương pháp tránh thai của bạn không hiệu quả, bạn nên sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp trong vòng 24 giờ kể từ lúc quan hệ tình dục. Các loại thuốc này có tác dụng ngăn ngừa trứng gặp tinh trùng và ngăn ngừa quá trình thụ thai xảy ra.
2. Phổ cập kế hoạch hóa gia đình
Cung cấp các kế hoạch kế hoạch kế hoạch hóa gia đình và dịch vụ tránh thai chi phí thấp cho người có thu nhập thấp có thể ngăn ngừa tình trạng mang thai ngoài ý muốn. Các biện pháp kế hoạch hóa gia đình phổ biến thường bao gồm kiêng quan hệ tình dục, sử dụng các biện pháp tránh thai (chẳng hạn như sử dụng bao cao su hoặc vòng tránh thai), quan hệ tình dục trong những ngày an toàn của chu kỳ kinh nguyệt hoặc tiêm thuốc tránh thai.
Bên cạnh đó, nếu bạn cảm thấy các biện pháp tránh thai không hiệu quả, bạn nên sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp trong vòng 24 giờ kể từ lúc quan hệ tình dục.
Ngoài ra, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, có quan hệ tình dục có thể mang thai ngoài ý muốn bất cứ lúc nào. Do đó, để giảm thiểu các rủi ro không mong muốn, bạn nên xây dựng lối sống lành mạnh và chuẩn bị tốt cho quá trình mang thai. Cụ thể, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản cần lưu ý một số vấn đề như:
- Bổ sung các loại thực phẩm chứa axit folic thường xuyên
- Duy trì cân nặng hợp lý và chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ các dưỡng chất
- Hạn chế hút thuốc lá, sử dụng rượu, bia và các chất kích thích khác
- Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao và vận động cơ thể
- Không tự ý sử dụng các loại thuốc mà không nhận được sự đồng ý của bác sĩ chuyên môn
- Sử dụng thuốc tránh thai hiệu quả, chính xác theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc bác sĩ kê đơn
Mang thai ngoài ý muốn có liên quan đến nhiều rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của mẹ và bé. Mang thai ngoài ý muốn cũng là nguyên nhân chính của tình trạng nạo phá thai tăng cao, nguy cơ sinh non, sảy thai và gây tử vong ở người mẹ. Do đó, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản cần tìm hiểu các biện pháp tránh thai an toàn, hiệu quả.
Bên cạnh đó, thực hiện kế hoạch hóa gia đình và tư vấn các biện pháp tránh thai cho phụ nữ có thu nhập và trình độ học vấn thấp có thể giảm thiểu tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!