Sốt Nhẹ Có Phải Dấu Hiệu Mang Thai Không Hay Bị Gì?
Nội dung bài viết
Những phụ nữ đang cố gắng mang thai thường rất nhạy cảm với các dấu hiệu thay đổi trong cơ thể, bao gồm thắc mắc sốt nhẹ có phải dấu hiệu mang thai không. Bạn đọc có thể tham khảo một số thông tin cơ bản trong bài viết để xác định tình trạng hoặc có biến pháp xử lý phù hợp.
Sốt nhẹ có phải dấu hiệu mang thai không?
Khi mang thai cơ thể trải qua nhiều thay đổi, dẫn đến nhiều dấu hiệu và triệu chứng khác nhau. Điều này khiến nhiều phụ nữ thắc mắc sốt nhẹ có phải dấu hiệu mang thai không hay là dấu hiệu của các bệnh lý trong cơ thể.
Theo các chuyên gia, cảm thấy nóng, đỏ mặt hoặc sốt nhẹ có thể là một triệu chứng của thai kỳ. Trong quá trình thụ thai, cơ thể phụ nữ dễ bị nhiễm trùng virus, dẫn đến cảm lạnh và cúm. Mang thai cũng làm suy giảm hệ thống miễn dịch để tránh việc cơ thể tự đào thải thai nhi. Điều này có thể gây sốt nhẹ hoặc bệnh cảm.
Những thay đổi bên trong hệ thống hô hấp cũng có thể khiến phụ nữ mang thai dễ bị cảm lạnh hoặc cảm cúm. Trong đó, sốt nhẹ được xem là một dấu hiệu phổ biến của các tình trạng này.
Do đó theo các chuyên gia, một người phụ nữ đã quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp tránh thai và bị sốt nhẹ sau vài ngày, điều này có thể là dấu hiệu mang thai sớm. Ngoài ra, sau khi mang thai nhiệt độ cơ thể cơ bản có thể tăng nhẹ. Điều này khiến người phụ nữ luôn cảm thấy ấm hoặc nóng trong người.
Khi bị sốt trên 38 độ C hoặc cao hơn, người bệnh có thể xuất hiện các dấu hiệu khác như:
- Rùng mình
- Đau đầu
- Cảm thấy mệt mỏi hoặc buồn ngủ
- Mất nước
- Đổ nhiều mồ hôi
Sốt nhẹ thường là dấu hiệu xuất hiện khi cơ thể đang cố gắng chống lại nhiễm trùng. Do đó, nếu bạn bị sốt nhẹ kèm theo các dấu hiệu mang thai sớm khác hoặc đã quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp tránh thai gần đây, hãy đến bệnh viện để được chẩn đoán phù hợp. Bác sĩ có thể kiểm tra các triệu chứng, loại trừ các nguyên nhân nghiêm trọng và hỗ trợ loại bỏ các biến chứng có thể gây ảnh hưởng đến thai nhi đang phát triển.
Tại sao phụ nữ bị sốt nhẹ khi mang thai?
Khi phụ nữ mang thai, lượng máu trong cơ thể tăng lên. Tăng cường lượng máu lưu thông khiến cơ thể trở nên ấm hơn và thậm chí là xuất hiện các cơn bốc hỏa, nóng và đổ nhiều mồ hôi.
Vào khoảng tuần thứ 6 của thai kỳ, lượng máu trong cơ thể tăng đột ngột. Điều này cần thiết để đảm bảo lượng máu cung cấp cho thai nhi, nuôi dưỡng thai nhi và hỗ trợ sự phát triển của nhiều cơ quan quan trọng.
Vào tuần thứ 16 của thai kỳ, lượng máu đến thận sẽ tăng 75% và tiếp tục tăng đến khi thai nhi chào đời. Lượng máu tăng thêm này là dấu hiệu tăng sự trao đổi chất trong cơ thể và tạo ra nhiều nhiệt lượng hơn. Vì vậy, hầu hết phụ nữ đều cảm thấy ấm áp khi mang thai.
Cơ thể phụ nữ sẽ thay đổi một cách đáng kể sau khi quá trình thụ thai thành công. Nồng độ hormone dao động, tử cung mở rộng để tạo không gian cho thai nhi phát triển. Bên cạnh đó, một cơ quan hoàn toàn mới, là nhau thai đang phát triển để hỗ trợ thai nhi. Điều này có thể gây sốt nhẹ và nhiều thay đổi khác trong cơ thể phụ nữ. Mặc dù không phải tất cả phụ nữ mang thai đều xuất hiện các dấu hiệu giống nhau.
Các dấu hiệu mang thai sớm khác
Khi mang thai, cơ thể phụ nữ trải qua nhiều thay đổi để chuẩn bị cho thời gian sắp tới. Các triệu chứng và dấu hiệu mang thai thành công có thể khác nhau ở mỗi phụ nữ, tuy nhiên hầu hết phụ nữ mang thai để xuất hiện một số dấu hiệu phổ biến như:
- Trễ kinh: Trễ kinh là dấu hiệu phổ biến và đầu tiên cho thấy một người phụ nữ đang mang thai thành công. Tuy nhiên đôi khi trễ kinh có thể liên quan đến nhiều nguyên nhân khác, bao gồm các bệnh lý về hệ thống sinh sản.
- Chảy máu báo thai: Chảy máu có thể xảy ra khi hợp tử bám vào thành tử cung. Chảy máu báo thai thường là chảy máu nhẹ, không kéo dài như chu kỳ kinh nguyệt bình thường và thường xuất hiện dưới dạng chất dịch màu hồng hoặc nâu nhạt. Mặc dù chảy máu âm đạo thường phổ biến trong 3 tháng đầu sau khi thụ thai, gây ảnh hưởng khoảng 15 – 25% phụ nữ, tuy nhiên bạn nên đến bệnh viện để được tư vấn phù hợp.
- Đau đầu và chóng mặt: Khi mang thai lưu lượng máu thường tăng lên có thể dẫn đến đau đầu và chóng mặt. Bên cạnh đó, việc thay đổi nội tiết tố trong cơ thể có thể dẫn đến ngất xỉu trong một số trường hợp.
- Đau ngực: Ngực căng, sưng tấy, mềm có thể là do thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ đầu của thai kỳ. Bên cạnh đó, một số phụ nữ mang thai có thể bị sưng núm vú, ngứa ran bầu ngực hoặc cảm thấy nặng và căng ở ngực.
- Buồn nôn và nôn: Một số người có thể bị buồn nôn hoặc nôn trong thời kỳ đầu sau khi mang thai. Tình trạng này được gọi là ốm nghén.
- Thường xuyên đi tiểu: Trong thời kỳ đầu sau khi mang thai, phụ nữ thường đi tiểu nhiều hơn do việc giải phóng gonadotropin màng đệm ở người (hCG), một loại hormone làm tăng lưu lượng máu đến vùng xương chậu. Ngoài ra, ở giai đoạn sau của thai kỳ, tử cung sẽ mở rộng và gây áp lực lên bàng quang, điều này cũng có thể dẫn đến đi tiểu thường xuyên.
- Thay đổi thói quen ăn uống: Phụ nữ mang thai có thể bắt đầu thèm một số loại thực phẩm cụ thể và có xu hướng chán ghét một số loại thực phẩm.
- Thay đổi tâm trạng: Những thay đổi về nội tiết tố có thể dẫn đến thay đổi tâm trạng. Điều này khiến một số phụ nữ dễ cảm thấy thoải mái, hạnh phúc hoặc buồn bã một cách nhanh chóng.
- Chảy máu cam hoặc chảy máu nướu răng: Lưu lượng máu tăng lên khi mang thai có thể khiến một số phụ nữ gặp tình trạng này.
- Nghẹt mũi: Các mạch máu ở đường mũi có thể mở rộng trong thời kỳ đầu sau khi mang thai. Điều này dẫn đến tắc nghẽn, nghẹt mũi hoặc dẫn đến các dấu hiệu cảm lạnh bao gồm sốt nhẹ.
- Xuất hiện các cơn bốc hỏa: Một số phụ nữ có thể xuất hiện các cơn bốc hỏa, kèm theo sốt trong giai đoạn đầu sau khi mang thai.
Sốt nhẹ là bị gì?
Sốt nhẹ là tình trạng nhiệt độ cơ thể một người cao hơn bình thường. Đối với hầu hết mọi người, nhiệt độ cơ thể bình thường là 37 độ C. Sốt nhẹ thường có nhiệt độ cơ thể khoảng 37.5 – 38.3 độ C và kéo dài hơn 24 giờ. Bên cạnh dấu hiệu mang thai, sốt nhẹ đôi khi có thể liên quan đến nhiều nguyên nhân khác như:
- Nhiễm trùng đường hô hấp: Khi nhiễm trùng đường hô hấp, cơ thể có thể tăng nhiệt độ nhẹ khi tiêu diệt virus hoặc vi khuẩn khi nhiễm trùng. Viêm phổi do virus hoặc viêm phế quản là hai loại nhiễm trùng đường hô hấp phổ biến nhất có thể gây sốt nhẹ.
- Nhiễm trùng đường tiết niệu: Sốt nhẹ kéo dài vài ngày có thể là dấu hiệu nhiễm trùng đường tiết niệu do vi khuẩn gây ra. Các dấu hiệu khác có thể bao gồm đau và nóng khi tiểu, đi tiểu thường xuyên và nước tiểu có màu sẫm.
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc: Một số người có thể bị sốt nhẹ sau khi sử dụng các loại thuốc mới, phổ biến là kháng sinh.
- Bệnh lao: Bệnh lao là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra. Các dấu hiệu bệnh lao phổ biến bao gồm sốt nhẹ, ho ra máu hoặc có đờm, mệt mỏi và đổ mồ hôi đêm. Bệnh lao có thể dẫn đến sốt nhẹ dai dẳng, đặc biệt là vào ban đêm và có thể dẫn đến đổ mồ hôi đêm.
- Vấn đề về tuyến giáp: Viêm tuyến giáp có thể dẫn đến sốt nhẹ trong một số trường hợp. Các triệu chứng khác có thể bao gồm đau cơ, mệt mỏi, đau gần tuyến giáp, đau tai, đau cổ thường xuyên.
- Ung thư: Một số bệnh ung thư, đặc biệt là u lympho và ung thư bạch cầu có thể dẫn đến sốt nhẹ. Tuy nhiên tình trạng này thường không phổ biến, sốt không phải là dấu hiệu đặc hiệu của ung thư. Các dấu hiệu khác của các bệnh bạch cầu bao gồm mệt mỏi mãn tính, đau xương khớp, đau đầu, đổ mồ hôi đêm, khó thở hoặc ăn mất ngon.
Làm thế nào để xác định thai kỳ?
Các duy nhất để xác định thai kỳ là thử thai tại nhà hoặc thực hiện xét nghiệm tại bệnh viện. Hầu hết các trường hợp, thử thai có thể cho kết quả chính xác đến 99%, mặc dù độ chính xác khi xét nghiệm phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau.
Sau khi phụ nữ mang thai, nồng độ hormone hCG bắt đầu tăng lên. Nếu một người phụ nữ thực hiện thử thai quá sớm, hormone tích tụ chưa đủ có thể dẫn đến kết quả thử thai không chính xác. Do đó, để tăng độ chính xác khi thử thai, bạn nên đợi đến khi trễ kinh và tiến hành thử thai vào buổi sáng.
Nếu kết quả của que thử thai tại nhà không rõ ràng, bạn có thể đến bệnh viện để thực hiện xét nghiệm thai kỳ.
Sốt nhẹ khi nào cần đến bệnh viện?
Sốt nhẹ có thể là dấu hiệu sớm của thai kỳ, tuy nhiên trong một số trường hợp, tình trạng này có thể là dấu hiệu của các vấn đề nghiêm trọng hơn, cần điều trị y tế.
Bên cạnh đó, cảm thấy nóng là điều bình thường của thai kỳ. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai sốt từ 37.7 độ C trở lên nên liên hệ với bác sĩ để được hướng dẫn, chẩn đoán các nguyên nhân và có biện pháp khắc phục phù hợp. Sốt khi mang thai có thể dẫn đến các rủi ro không mong muốn cho thai nhi.
Sốt nhẹ khi mang thai có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Bên cạnh đó, những phụ nữ đang nghi ngờ mang thai không nên tự ý sử dụng thuốc hạ sốt hoặc các sản phẩm hạ sốt không kê đơn khác. Điều này có thể gây tác động đến thai kỳ. Nếu cơn sốt trở nên nghiêm trọng, gây khó chịu, bạn nên đến bệnh viện để được hướng dẫn cụ thể.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!