Chi tiết lịch khám thai 3 tháng cuối và điều cần biết

Tuân thủ lịch khám thai 3 tháng cuối là việc hết sức cần thiết mà mẹ bầu nên lưu ý. Đây là giai đoạn chuẩn bị cho sự chào đời của đứa trẻ. Thông qua thăm khám, bác sĩ sẽ hướng dẫn thai phụ những dấu hiệu liên quan đến việc chuyển dạ, sinh con. Đồng thời, nếu có xảy ra những bất thường, việc thăm khám định kỳ sẽ giúp bác sĩ kịp thời có biện pháp xử trí giảm thiểu rủi ro cho mẹ và bé.

Chi tiết lịch khám thai 3 tháng cuối và điều cần biết
Chi tiết lịch khám thai 3 tháng cuối và điều cần biết

Khám thai 3 tháng cuối để làm gì?

Mang thai là một hành trình không đơn giản. Phụ nữ sẽ phải trải qua nhiều sự thay đổi lớn về cả thể chất lẫn tinh thần. Đặc biệt là với những cô nàng lần đầu tiên làm mẹ. Chính vì thế, để vững chắc hơn trong tương lai, trước khi em bé chào đời, phụ nữ nên tìm hiểu những kiến thức cần thiết về các giai đoạn phát triển của thai kỳ cũng như tiến hành khám thai theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Khám thai định kỳ, nhất là ở ba tháng cuối phải thực hiện, bởi vì những lý do sau đây:

  • Người mẹ sẽ biết được sự phát triển của em bé trong bụng thông qua những lần thăm khám. Đồng thời, nếu có những bất ổn, bác sĩ có thể hỗ trợ xử lý để giảm thiểu các nguy cơ sinh non cho mẹ và bé. Đảm bảo sự phát triển toàn diện của thai nhi.
  • Các chuyên gia sẽ tư vấn cho các mẹ những thực phẩm nên và không nên sử dụng trong giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ. Thông qua đó, giúp thai nhi khỏe mạnh và thông minh hơn.
  • Thông thường, các kết quả kiểm tra sẽ có độ chính xác vào các thời điểm nhất định. Bởi vì, thai nhi vẫn tiếp tục phát triển không ngừng trong suốt thời kỳ mang thai. Chính vì thế, thai phụ cần thăm khám định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ để theo dõi sự phát triển của trẻ và sức khỏe của mẹ.
  • Theo thống kê, tỷ lệ tử vong của thai nhi sẽ giảm đáng kể nếu mẹ thực hiện đúng lịch khám thai 3 tháng cuối. Bên cạnh đó, sức khỏe cũng như thể chất của đứa trẻ cũng tốt hơn so với những bé không được theo dõi định kỳ.

Có nên khám thai thường xuyên trong 3 tháng cuối?

Trong 3 tháng cuối thai kỳ, thai nhi đã phát triển khá lớn. Chính vì thế, cơ thể người mẹ cũng gặp nhiều khó khăn hơn, nhất là vấn đề di chuyển và nghỉ ngơi. Nhiều người rơi vào tình trạng mệt mỏi thường xuyên, đôi khi kiệt sức nguy hiểm. Chính vì thế, việc tuân thủ lịch khám thai 3 tháng cuối là hết sức cần thiết. Bác sĩ có thể theo dõi và điều chỉnh giúp phụ nữ trải qua giai đoạn tam cá nguyệt thứ 3 dễ dàng hơn.

Có nên khám thai thường xuyên trong 3 tháng cuối?
Khám thai định kỳ 3 tháng cuối theo lịch hẹn của bác sĩ để giảm thiểu các rủi ro cho mẹ và bé

Thông thường, trong 3 tháng cuối, ngày hẹn cho lịch khám sẽ khá gần với nhau. Bởi vì, thời gian này người mẹ có thể có những dấu hiệu sinh con vì thế cần được thăm khám thường xuyên. Các bác sĩ sẽ giúp thai phụ kiểm tra tim thai để đảm bảo rằng em bé vẫn đang phát triển khỏe mạnh, không có hiện tượng suy thai nguy hiểm và kịp thời nhận biết các dấu hiệu chuyển dạ.

Chi tiết lịch khám thai 3 tháng cuối

Như trên đã nói, tuân thủ lịch khám thai 3 tháng cuối là cần thiết. Vì, thông qua việc thăm khám, bác sĩ có thể giúp thai phụ ổn định về mặt tinh thần lẫn hướng dẫn cho thai phụ các dấu hiệu cho giai đoạn sinh nở sắp đến. Chị em nên lưu ý lịch khám thai như sau:

Khám thai tuần 28 – 35

Thai nhi lúc này đã hình thành gần như toàn diện. Các bác sĩ sẽ bắt đầu thăm khám từ đo bề cao tử cung, thực hiện đo vòng bụng cho người mẹ và nghe tim thai. Ngoài ra, cổ tử cung cũng được thăm khám để xác định độ dài và độ mở. Thông qua đó, bác sĩ có thể nhận định và chẩn đoán nếu thai phụ có nguy cơ sinh non.

Ngoài ra, thai phụ cũng sẽ được chỉ định thực hiện biện pháp siêu âm để quan sát sự phát triển của thai nhi. Đây là cách giúp bác sĩ xác định được ngôi thai và hướng dẫn thai phụ xoay ngôi thai, chuẩn bị cho việc sinh nở sắp diễn ra. Bên cạnh đó, thông qua siêu âm, bác sĩ sẽ xem xét sự phát triển của thai nhi có gặp vấn đề gì bất ổn không. 

Không những thế, siêu âm còn giúp đưa ra những thông tin cần thiết về nước ối, vị trí và sự phát triển của bánh nhau. Kiểm tra vòng đầu, chiều dài xương đùi và bụng của thai nhi, dự đoán cân nặng.

Trong khoảng tuần 28 – 32 của thai kỳ, các mẹ bầu sẽ được chỉ định tiêm ngừa uốn ván. Việc này là cần thiết để giúp giảm thiểu nguy cơ uốn ván rốn cho em bé. Thông thường, mũi thứ 1 được tiêm cách 1 tháng so với mũi thứ 2. Và mũi thứ 2 này sẽ cách ngày sinh dự kiến khoảng 1 tháng hoặc hơn, tùy vào chỉ định của bác sĩ.

Chi tiết lịch khám thai 3 tháng cuối
Tiêm ngừa uốn ván thai kỳ trong 3 tháng cuối

Càng gần với ngày sinh thời gian khám thai sẽ diễn ra lâu hơn so với những lần thăm khám trước, đặt biệt là từ tuần 35 trở đi. Mẹ bầu ngoài thực hiện các kiểm tra cơ bản, xét nghiệm nước tiểu để sàng lọc bệnh lý còn được đo biểu đồ tim thai và theo dõi cơn gò. Từ tuần thứ 28 đến 35 của thai kỳ, bác sĩ sẽ đặt lịch thăm khám cho mẹ bầu cách 2 tuần 1 lần.

Khám thai tuần 36 – 38

Tương tự các quy trình thăm khám trước đó, các thai phụ cũng được theo dõi chiều cao của tử cung, vòng bụng và nghe tim thai. Bác sĩ sẽ kiểm tra các dấu hiệu báo sinh và kiểm tra cổ tử cung cho mẹ bầu. Đặc biệt, việc xét nghiệm nước tiểu vẫn sẽ được duy trì. Việc này giúp phát hiện kịp thời các vấn đề như tiểu đường thai kỳ, tăng huyết áp thai kỳ hoặc các vấn đề tiết niệu và sinh dục khác,…để kịp thời điều trị.

Phương pháp siêu âm vẫn được áp dụng để các bác sĩ nhận biết ngôi thai và tiến hành xoay ngôi khi khi cần thiết. Ngoài ra, vị trí nhau và độ trưởng thành của bánh nhau cũng được kiểm tra kỹ lưỡng. Cân nặng của thai nhi cũng sẽ được ước lượng thông qua vòng đầu, chiều dài xương đùi, vòng bụng,…để biết em bé có phát triển khỏe mạnh hay không.

Từ tuần thứ 37, thai phụ chưa được xét nghiệm máu tổng quát cũng sẽ được thực hiện trong thời gian này. Thông qua kết quả xét nghiệm, bác sĩ có thể xác định mẹ bầu có mắc các bệnh liên quan đến đường tình dục như HIV, viêm gan B, giang mai,…không. Các kiểm tra và xét nghiệm này là thực sự cần thiết để theo dõi sự phát triển của thai nhi và tình trạng sức khỏe của mẹ. Thời gian cho lịch hẹn tiếp theo sẽ được rút ngắn 1 tuần 1 lần.

Khám thai tuần 39

Thời gian này một số bà mẹ sẽ bắt đầu có dấu hiệu chuyển dạ. Chính vì thế, lịch khám thai sẽ giãn cách mỗi 3 ngày 1 lần. Bác sĩ sẽ theo dõi và chẩn đoán xem thai phụ có thể sinh thường không hay phải tiến hành mổ lấy thai. Nếu có những biểu hiện không thể áp dụng phương pháp sinh con tự nhiên, thai phụ sẽ được thực hiện các biện pháp can thiệp nhằm chấm dứt thai kỳ.

Chi tiết lịch khám thai 3 tháng cuối
Thăm khám thai tuần 39 để bác sĩ xác định mẹ bầu có thể sinh thường hay sinh mổ

Tương tự như các tuần trước đó, giai đoạn này thai phụ cũng được thăm khám và thực hiện các xét nghiệm tương tự. Ngoài ra, từ tuần 39, mẹ bầu còn được kiểm tra phần khung chậu thông qua chụp X quang và khám trong. Từ tuần 40, việc theo dõi nước ối và sức khỏe của em bé được thực hiện thông qua phương pháp siêu âm màu.

Một vài lưu ý cho mẹ bầu trong 3 tháng cuối thai kỳ 

Thực hiện đúng lịch khám thai 3 tháng cuối theo chỉ dẫn của bác sĩ sẽ giúp thai phụ kiểm soát được một số vấn đề như tiểu đường thai kỳ, cao huyết áp, ngôi thai ngược,…Ngoài ra, các nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé cũng được giảm thiểu mức thấp nhất. Chính vì thế, mẹ bầu nên chú ý và thực hiện đúng theo lịch mà bác sĩ đã đưa ra.

Trong quá trình mang thai 3 tháng cuối, nếu mẹ bầu thấy những bất ổn cần nhanh chóng đến bệnh viện để kiểm tra:

  • Âm đạo xuất hiện nhiều cơn co thắt, kèm theo đó là tình trạng xuất.
  • Thai nhi có những cử động bất thường. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy em bé đang bị nhau thai quấn cổ hoặc gặp sự cố nào đó. Chính vì thế, nếu cảm nhận được những chuyển động khác lạ của con, mẹ nên nhanh chóng đến bệnh viện kiểm tra để được hỗ trợ.
  • Xuất hiện nhiều cơn co giật bất thường. Đừng chủ quan, đây là dấu hiệu có thể cảnh báo mẹ bầu có nguy cơ sinh non.
  • Phù chân nghiêm trọng vào tháng cuối. Phù nề chân là hiện tượng bình thường khi mang thai. Tuy nhiên, nếu tình trạng này nghiêm trọng hơn, mẹ bầu cần đến bệnh viện để xác định nguyên do. Một số trường hợp, chân phù nề là dấu hiệu tiền sản giật hoặc các biến chứng thai kỳ nguy hiểm, ảnh hưởng sức khỏe của mẹ và em bé. 

Trên đây là lịch khám thai 3 tháng cuối mà các mẹ bầu nên tuân thủ để theo dõi sự phát triển cũng như chuẩn bị chào đón em bé ra đời. Đây là cách tốt nhất để hạn chế các rủi ro, đảm bảo an toàn cho mẹ và con.

Có thể bạn quan tâm:

5/5 - (2 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *