Áp xe lợi vùng chân răng: Nguyên nhân, cách điều trị

Áp xe lợi vùng chân răng hay áp xe nướu là tình trạng hình thành một túi nhiễm trùng ở không gian giữa nướu và răng. Tình trạng này cần được điều trị bởi nha sĩ chuyên môn để tránh các rủi ro và biến chứng nghiêm trọng.

Áp xe lợi vùng chân răng
Áp xe lợi vùng chân răng cần được điều trị y tế để tránh các rủi ro liên quan

Áp xe lợi vùng chân răng là gì?

Áp xe lợi vùng chân răng là tình trạng hình thành một túi mủ do nhiễm trùng vi khuẩn ở lợi bên dưới chân răng.

Thông thường miệng và nướu chứa các vi khuẩn tốt và xấu ở trạng thái cân bằng. Tuy nhiên sự tích tụ của vi khuẩn xấu có thể góp phần tạo ra mảng bám, cao răng. Điều này có thể dẫn đến sâu răng, viêm nha chu và một số bệnh lý răng miệng khác.

Đôi khi vi khuẩn xấu có thể xâm nhập vào vùng mô hở và dẫn đến nhiễm trùng lợi. Khi vi khuẩn phát triển, cơ thể phản ứng bằng cách gửi các tế bào bạch cầu đến khu vực bị tổn thương để chống lại nhiễm trùng. Điều này có thể dẫn đến sưng tấy, đau đớn và gây áp xe lợi vùng chân răng.

Áp xe lợi vùng chân răng thường có hai dạng chính bao gồm:

  • Áp xe lợi: Loại áp xe này chỉ xảy ra ở các mô nướu và hoàn toàn không gây ảnh hưởng đến răng, mặc dù phát triển gần chân răng. Tình trạng này có thể xảy ra khi các mảnh thức ăn sắc nhọn mắc vào nướu và gây nhiễm trùng.
  • Áp xe nha chu: Áp xe nha chu là tình trạng nhiễm trùng và hình thành túi áp xe ở khoảng trống giữa răng và nướu. Loại áp xe lợi vùng chân răng này thường phổ biến ở những người bệnh nha chu. Tuy nhiên các chấn thương răng, nướu hoặc thức ăn kẹt ở giữa răng và nướu cũng có thể dẫn đến áp xe.

Áp xe lợi vùng chân răng có thể gây đau đớn dữ dội và tăng nguy cơ dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng. Do đó, điều quan trọng là người bệnh cần nhận biết các dấu hiệu áp xe và có biện pháp điều trị phù hợp.

Triệu chứng và dấu hiệu viêm lợi vùng chân răng

Đau và sưng là dấu hiệu chính của tình trạng áp xe lợi vùng chân răng. Tùy thuộc vào vị trí áp xe, người bệnh có thể bị đau khi nhai hoặc cắn hoặc xuất hiện các cơn đau đột ngột thoáng qua.

Cơn đau do áp xe thường kéo dài, dữ dội ở vùng bị ảnh hưởng. Đôi khi người bệnh có thể quan sát được tình trạng sưng và đỏ ở nướu răng.

áp xe nướu răng
Sưng đỏ vùng nướu ở chân răng là dấu hiệu áp xe phổ biến

Các triệu chứng và dấu hiệu nhận biết khác có thể bao gồm:

  • Nhạy cảm với đồ ăn và đồ uống nóng hoặc lạnh
  • Đau khi nhai
  • Răng lung lay
  • Chảy máu chân răng
  • Có vị hôi trong miệng, thường là do chảy mủ gây ra
  • Chảy mủ từ trong miệng
  • Đường viền nướu răng bị tụt
  • Sốt

Đôi khi các triệu chứng này có thể liên quan đến một số bệnh lý răng miệng khác, chẳng hạn như viêm nha chu hoặc áp xe răng. Do đó, tốt nhất người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị y tế phù hợp.

Nguyên nhân gây áp xe lợi vùng chân răng

Áp xe lợi xảy ra khi vi khuẩn trong miệng gây nhiễm trùng khoảng trống ở giữa răng và nướu. Thông thường áp xe là hậu quả của viêm nha chu không được điều trị phù hợp, thiếu vệ sinh răng miệng và ảnh hưởng của một số bệnh lý khác. Cụ thể, các nguyên nhân có thể gây áp xe lợi vùng chân răng bao gồm:

1. Vệ sinh răng miệng kém và viêm nha chu

Áp xe lợi thường xảy ra ở những người vệ sinh răng miệng kém. Thiếu vệ sinh răng miệng có thể dẫn đến viêm lợi, viêm nha chu và tăng nguy cơ nhiễm trùng, áp xe nướu răng.

nguyên nhân gây áp xe nướu răng
Vệ sinh răng miệng kém có thể gây viêm nha chu và tăng nguy cơ áp xe nướu

Theo thống kê, có khoảng 46% người trưởng thành trên 30 tuổi có dấu hiệu viêm nha chu, trong đó có khoảng 9% có các triệu chứng viêm nha chu nghiêm trọng.

Viêm nha chu có thể gây phá hủy mô nướu và các mô khác trong miệng. Điều này có thể khiến các mô bị xô lệch khỏi vị trí ban đầu, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển ở khoảng trống giữa răng và nướu, dẫn đến nhiễm trùng hoặc áp xe lợi dưới chân răng.

Bên cạnh việc vệ sinh răng miệng không phù hợp, một số yếu tố nguy cơ khác có thể gây viêm nha chu bao gồm:

  • Béo phì
  • Bệnh tiểu đường
  • Viêm khớp
  • Bệnh tim
  • Viêm gan C
  • Thay đổi nội tiết tố (ở phụ nữ)
  • Sử dụng một số loại thuốc gây khô miệng
  • Di truyền

2. Hệ thống miễn dịch suy giảm

Những người có hệ thống miễn dịch suy giảm, chẳng hạn như bệnh nhân HIV, hoặc sử dụng thuốc để điều trị một số tình trạng cơ bản, chẳng hạn như hóa trị, xạ trị, thường có nguy cơ áp xe lợi vùng chân răng cao hơn. Các tình trạng này có thể khiến cơ thể khó chống lại nhiễm trùng và tăng nguy cơ phát triển áp xe.

3. Ảnh hưởng của các bệnh lý khác

Đôi khi áp xe nướu răng có thể liên quan đến các bệnh lý nhiễm trùng khác trong khoang miệng, chẳng hạn như áp xe răng hoặc nhiễm trùng túi nha chu.

Túi nha chu là khoảng trống phát triển ở giữa răng và nướu, thường được hình thành ở bệnh nhân viêm nha chu. Các túi nha chu sâu sẽ tạo ra nhiều không gian, điều này khiến vi khuẩn và các hạt thức ăn nhỏ kẹt vào và gây nhiễm trùng.

Trong trường hợp này, nhiễm tùng thường tích tụ ở túi nha chu và gây ảnh hưởng đến lợi vùng chân răng.

4. Yếu tố rủi ro gây

Bên cạnh việc thiếu vệ sinh răng miệng và các bệnh lý tiềm ẩn, đôi khi áp xe nướu ở chân răng có thể liên quan đến một số thói quen và lối sống. Cụ thể, một số yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến áp xe lợi vùng chân răng bao gồm:

bị áp xe nướu răng
Sử dụng thức ăn ngọt có thể tăng nguy cơ sâu răng và áp xe nướu chân răng
  • Hút thuốc lá: Thuốc lá là yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe răng miệng, bao gồm viêm nướu, viêm nha chu và áp xe nướu răng.
  • Nghiến răng: Những người có thói quen nghiến răng hoặc gây áp lực quá mức lên răng có thể gây ảnh hưởng đến các mô nâng đỡ răng, phá hủy dây chằng răng và tăng nguy cơ áp xe.
  • Tiêu thụ đồ uống và thực phẩm chứa đường: Vệ sinh răng miệng kém kết hợp với chế độ ăn uống nhiều đường có thể làm tăng nguy cơ sâu răng. Sâu răng không được điều trị có thể lây lan đến tủy răng, dẫn đến hình thành áp xe lợi vùng chân răng và các mô xung quanh.
  • Chế độ dinh dưỡng kém: Chế độ ăn uống ít các chất dinh dưỡng có thể gây tổn thương nướu và tăng nguy cơ viêm nướu, áp xe nướu. Ngoài ra chế độ dinh dưỡng kém có thể khiến cơ thể khó chống lại nhiễm trùng và dễ bị áp xe, bao gồm áp xe nướu ở chân răng.
  • Sử dụng một số loại thuốc: Một số loại thuốc chẳng hạn như thuốc tăng huyết áp và thuốc chống trầm cảm có thể gây ảnh hưởng đến nướu răng và tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Áp xe nướu vùng chân răng có nguy hiểm không?

Áp xe lợi vùng chân răng không được điều trị có thể dẫn đến nhiễm trùng sâu hơn ở các mô nướu và ảnh hưởng đến các xương nâng đỡ răng. Điều này có thể gây đau, viêm và sưng phồng má. Ngoài ra, đôi khi nhiễm trùng có thể di chuyển đến các bộ phận khác của cơ thể, đặc biệt là đầu, cổ.

Trong một số trường hợp không phổ biến, nhiễm trùng có thể di chuyển vào máu và dẫn đến các biến chứng đe dọa đến tính mạng. Tình trạng này được gọi là nhiễm trùng huyết. Các triệu chứng và dấu hiệu nhiễm trùng huyết bao gồm:

  • Nhiệt độ cơ thể cao, trên 38 độ C
  • Khó thở
  • Đau bụng
  • Nhịp tim cao

Trong hầu hết các trường hợp, áp xe nướu không nghiêm trọng nếu được điều trị đúng lúc và đúng phương pháp. Do đó, nếu nhận thấy các dấu hiệu áp xe, người bệnh nên đến gặp nha sĩ để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Chẩn đoán áp xe nướu vùng chân răng

Những người nghi ngờ bị áp xe lợi vùng chân răng nên đến gặp nha sĩ càng sớm càng tốt. Nha sĩ có thể xác định tình trạng áp xe dựa trên các triệu chứng ở răng và nướu. Ngoài ra, nếu người bệnh bị đau răng kéo dài, có mùi vị khó chịu trong miệng hoặc sưng tấy nướu răng, người bệnh cũng nên đến gặp nha sĩ để được kiểm tra cụ thể.

Để xác định tình trạng áp xe nướu ở vùng chân răng, nha sĩ có thể đề nghị các biện pháp như:

  • Kiểm tra các triệu chứng: Nha sĩ có thể dùng tay để xác định các triệu chứng áp xe, chẳng hạn như nướu mềm hoặc đau.
  • Gõ nhẹ vào răng: Nha sĩ có thể sử dụng các dung cụ nha khoa, chẳng hạn như bộ gõ có tay cầm để gõ vào răng và xác định các triệu chứng. Răng bị áp xe thường nhạy cảm với bộ gõ, dẫn đến ê buốt hoặc đau nhói.
  • Chụp X – quang: Nha sĩ có thể sử dụng X – quang để kiểm tra nha chu (viêm nha chu) hoặc nhiễm trùng ở chân răng (áp xe lợi quang răng).
  • Chụp CT: CT thường được chỉ định để kiểm tra nhiễm trùng đã lây lan sang các khu vực khác của cơ thể hay chưa.

Điều trị áp xe lợi vùng chân răng

Áp xe, bao gồm áp xe răng và áp xe lợi thường không thể tự khỏi hoàn toàn. Nếu áp xe bị vỡ, các triệu chứng, chẳng hạn như đau đớn thường được cải thiện ngay lập tức. Tuy nhiên nhiễm trùng có thể tái phát trong tương lai. Do đó, người bệnh nên đến gặp nha sĩ và điều trị y tế chuyên môn cho tình trạng viêm nướu vùng chân răng.

Tùy thuộc vào nguyên nhân và các triệu chứng liên quan, nha sĩ có thể đề nghị các biện pháp điều trị như:

1. Thủ thuật nha khoa

Các thủ thuật nha khoa thường được sử dụng để điều trị áp xe nướu vùng chân răng thường bao gồm:

điều trị áp xe nướu chân răng
Nha sĩ có thể dẫn lưu áp xe để làm sạch nhiễm trùng
  • Dẫn lưu áp xe: Nha sĩ sẽ rạch một đường nhỏ ở nướu để dẫn lưu áp xe sau đó làm sạch nhiễm trùng. Đây là biện pháp làm sạch áp xe giảm đau nhanh chóng và hỗ trợ quá trình làm lành tổn thương hiệu quả. Ngoài ra, dẫn lưu áp xe cũng có thể hỗ trợ ngăn ngừa tình trạng áp xe tái phát.
  • Cạo vôi răng và bào láng gốc răng: Nha sĩ có thể thực hiện thủ thuật cạo vôi răng và bào láng gốc răng để loại bỏ cao răng và vi khuẩn khỏi bề mặt răng. Điều này hỗ trợ làm sạch răng và các túi nha chu, đồng thời tăng tốc độ chữa lành nướu răng bị tổn thương.
  • Phẫu thuật: Trong trường hợp nghiêm trọng, nha sĩ có thể đề nghị các phẫu thuật điều trị chẳng hạn như phẫu thuật thu nhỏ túi nha chu, ghép mô mềm và ghép xương răng.
  • Điều trị tủy răng: Nếu áp xe lợi vùng chân răng lây nhiễm đến tủy răng và các mô xung quanh răng, nha sĩ có thể đề nghị lấy tủy răng. Thủ thuật này hỗ trợ loại bỏ các mô tủy chết và làm sạch ống tủy bằng dung dịch khử trùng nha khoa.
  • Nhổ răng: Nếu răng bị tổn thương nghiêm trọng hoặc tiêu xương răng, nha sĩ có thể đề nghị nhổ răng bị ảnh hưởng đến tránh dẫn đến các tổn thương không mong muốn khác.

2. Thuốc kháng sinh

Nha sĩ có thể kê các loại thuốc kháng sinh để hỗ trợ điều trị nhiễm trùng và làm sạch áp xe. Kháng sinh có thể tiêu diệt vi khuẩn, ngăn ngừa nhiễm trùng lây lan và hạn chế nguy cơ tái nhiễm trùng hiệu quả. Ngoài ra, thuốc kháng sinh cũng có thể hỗ trợ làm giảm sưng và đau ở răng bị tổn thương.

Tuy nhiên kháng sinh không thể thay thế các thủ thuật nha khoa điều trị áp xe lợi vùng chân răng. Ngoài ra, thuốc chỉ được sử dụng dưới sự hướng dẫn của nha sĩ hoặc bác sĩ chuyên môn. Không tự ý sử dụng thuốc để tránh các rủi ro không mong muốn.

3. Biện pháp khắc phục tại nhà

Áp xe lợi vùng chân răng cần được điều trị y tế để ngăn ngừa tái nhiễm trùng. Tuy nhiên người bệnh có thể tham khảo một số biện pháp khắc phục tại nhà để hỗ trợ cải thiện các triệu chứng. Cụ thể các biện pháp điều trị bao gồm:

điều trị áp xe nướu chân răng tại nhà
Nghệ có đặc tính chống viêm, có thể hỗ trợ giảm sưng và điều trị áp xe nướu hiệu quả
  • Súc miệng với nước muối: Đây là phương pháp đơn giản có thể điều trị áp xe lợi gần chân răng hiệu quả. Nước muối có thể làm tăng nồng độ pH trong miệng, hạn chế môi trường phát triển của vi khuẩn và ngăn ngừa các biến chứng liên quan.
  • Tinh dầu bạc hà: Tinh dầu này có đặc tính khử trùng và chống viêm hiệu quả cao. Đây là một phương pháp điều trị tại nhà hiệu quả để giảm đau do áp xe nướu. Người bệnh có thể nhỏ ba giọt tinh dầu bạc hà vào một miếng bông gòn sau đó đặt lên nướu bị tổn thương. Thực hiện biện pháp hàng ngày cho đến khi các triệu chứng được cải thiện.
  • Chườm lạnh: Chườm lạnh có thể gây tê ở các khu vực bị tổn thương, hỗ trợ giảm sưng và cải thiện cơn đau hiệu quả. Người bệnh có thể bọc một viên đá lạnh vào một chiếc khăn mỏng, sau đó chườm đá lên da bên ngoài miệng trong vài phút.
  • Baking soda: Baking soda là một chất kháng khuẩn và khử trùng tự nhiên. Kết hợp baking soda với muối ăn có thể làm vỡ khối áp xe và hỗ trợ cải thiện các triệu chứng. Người bệnh có thể trộn một thìa muối ăn với một thìa cà phê baking soda và một lượng nước vừa đủ, thoa hỗn hợp lên răng bị tổn thương.
  • Nghệ: Nghệ có đặc tính chống viêm, có thể hỗ trợ giảm sưng và điều trị áp xe nướu hiệu quả. Người bệnh có thể thoa hỗn hợp nghệ với nước lên khu vực áp xe trong 15 phút để cải thiện các triệu chứng.
  • Hydrogen Peroxide: Hydrogen Peroxide có thể hỗ trợ loại bỏ các mảng bám và chống lại các tác nhân gây áp xe nướu vùng chân răng. Người bệnh có thể pha loãng Hydrogen Peroxide với nước, dùng súc miệng trong 15 phút sau đó nhổ ra. Súc miệng với nước ấm và không nuốt hỗn hợp.

Các biện pháp điều trị áp xe lợi vùng răng tại nhà có thể hỗ trợ cải thiện các triệu chứng hiệu quả. Tuy nhiên các biện pháp này không thể điều trị nhiễm trùng, do đó người bệnh nên đến gặp nha sĩ để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Biện pháp phòng ngừa áp xe lợi gần chân răng

Không thể phòng ngừa tất cả các nguyên nhân và yếu tố rủi ro gây áp xe nướu. Tuy nhiên, người bệnh có thể tham khảo một số lưu ý phòng ngừa, chẳng hạn như:

  • Vệ sinh răng miệng phù hợp: Đánh răng hai lần mỗi ngày, đặc biệt là trước khi ngủ và làm sạch kẽ răng bằng chỉ nha khoa ít nhất một lần một ngày.
  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh: Thường xuyên bổ sung các loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe răng và nướu, chẳng hạn như trái cây tươi và rau xanh. Bên cạnh đó, hạn chế thức ăn và đồ uống có đường và axit.
  • Kiểm tra nha khoa thường xuyên: Khám răng định kỳ ít nhất 6 tháng một lần và làm sạch răng thường xuyên để bảo vệ răng miệng và ngăn ngừa các rủi ro liên quan.

Áp xe lợi vùng chân răng là tình trạng hình thành một túi mủ và vi khuẩn ở nướu. Áp xe có thể phát triển do vệ sinh răng miệng không phù hợp hoặc nhiễm trùng do ảnh hưởng của các vấn đề sức khỏe khác.

Các biện pháp điều trị thường bao gồm dẫn lưu nhiễm trùng và làm sạch vi khuẩn. Ngoài ra, người bệnh có thể tham khảo các biện pháp tại nhà để cải thiện các triệu chứng. Trao đổi với nha sĩ để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Có thể bạn quan tâm: Áp xe răng là gì? Nguy hiểm không? Cách điều trị

5/5 - (2 bình chọn)

BẢNG GIÁ - DỊCH VỤ NHA KHOA

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *