Viêm gan A có lây hay di truyền không? Cách phòng ngừa

Mặc dù không đe dọa đến sức khỏe nhưng viêm gan A có thể khiến cơ thể mệt mỏi, suy nhược và làm giảm chất lượng cuộc sống đáng kể. Vì vậy, cần chủ động phòng ngừa bệnh để bảo vệ sức khỏe nói chung và chức năng gan nói riêng. Tuy nhiên để biết cách phòng bệnh, cần hiểu rõ Viêm gan A có lây hay di truyền không?

bệnh viêm gan a có lây không
Viêm gan A có lây hay di truyền không?

Bệnh viêm gan A có lây hay di truyền không?

Viêm gan A là tình trạng gan bị tổn thương do Hepatitis A virus (HAV). Đây là một trong những loại viêm gan do virus tương đối phổ biến bên cạnh viêm gan B và viêm gan C. Tương tự như các bệnh viêm gan siêu vi khác, viêm gan A gây ra các triệu chứng không điển hình và có rất ít bệnh nhân phát hiện bệnh qua biểu hiện lâm sàng.

Mặc dù vậy, viêm gan A chỉ khởi phát cấp tính, không chuyển sang giai đoạn mãn tính và hầu như không để lại di chứng vĩnh viễn hay biến chứng lâu dài. Sau khoảng 15 – 30 ngày ủ bệnh, cơ thể bắt đầu xuất hiện những biểu hiện như đau hạ sườn phải, đầy hơi, chướng bụng, buồn nôn, nôn, ăn uống kém, vàng da, vàng mắt, đau nhức xương khớp, da nổi mề đay,…

Tuy nhiên chỉ sau khoảng vài tuần đến vài tháng, Hepatitis A virus sẽ bị tiêu diệt và bị đào thải ra khỏi cơ thể. Lúc này, tế bào gan giảm viêm và bắt đầu hồi phục trở lại. Ở những người có hệ miễn dịch tốt và thể trạng khỏe mạnh, viêm gan A hầu như không gây ra bất cứ triệu chứng nào bất thường và có thể thuyên giảm chỉ sau một thời gian ngắn.

Ngược lại, phụ nữ mang thai, người có sức khỏe kém hoặc đã có các bệnh gan từ trước có nguy cơ gặp phải biến chứng viêm gan tối cấp (suy gan) và các biến chứng thai kỳ. Chính vì vậy, vấn đề “Viêm gan A có lây hay di truyền không?” được khá nhiều bạn đọc quan tâm.

1.Viêm gan A có lây không?

Tất cả các bệnh viêm gan do siêu vi đều có khả năng lây nhiễm. Trong đó, virus gây viêm gan A chủ yếu lây qua đường tiêu hóa. Loại virus này có trong thức ăn, nước uống bẩn, một số nguồn nước ô nhiễm, đất cát và trong phân, nước bọt và nước tiểu của người nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, bệnh cũng có thể lây gián tiếp thông qua tay, vật dụng cá nhân, bề mặt chứa Hepatitis A virus.

bệnh viêm gan a có lây không
Viêm gan A có thể lây qua đường tiêu hóa do sử dụng thức ăn, nước uống chứa virus

Khi sử dụng thức ăn, nước uống hoặc dùng vật dụng chứa virus, HAV nhanh chóng đi vào cơ thể và tấn công vào tế bào gan. Tế bào gan bị viêm khiến gan tăng kích thước, dẫn đến đau tức hạ sườn phải và giảm chức năng hoạt động. Một số nghiên cứu cũng cho thấy, Hepatitis A virus có khả năng lây nhiễm qua đường máu nhưng thực tế, khả năng lây nhiễm qua đường lây này hiếm khi xảy ra.

2.Bệnh viêm gan A có di truyền không?

Viêm gan siêu vi nói chung và viêm gan A nói riêng đều không có khả năng di truyền. Tuy nhiên, trẻ có thể bị lây nhiễm virus từ mẹ do tiếp xúc với máu hoặc nước bọt. Đối với viêm gan A, tỷ lệ lây mẹ sang con là rất thấp nhưng không phải là không có khả năng.

bệnh viêm gan a có lây không
Viêm gan A không có khả năng di truyền nhưng có thể lây nhiễm từ mẹ sang con

Ngoài ra, mẹ bầu nhiễm viêm gan A khi mang thai phải đối mặt với các biến chứng nguy hiểm như vỡ ối sớm, vỡ nhau thai và tăng co bóp tử cung. Trong trường hợp thai nhi bị lây nhiễm HAV từ mẹ, trẻ có thể bị thủng hồi tràng, nhiễm viêm gan A, viêm màng bụng meconium và cổ trướng thai nhi.

Các biện pháp phòng ngừa viêm gan A hiệu quả

Mặc dù không chuyển sang giai đoạn mãn tính và để lại nhiều di chứng, biến chứng nhưng viêm gan A có thể ảnh hưởng đến sức khỏe trong một thời gian nhất định. Ngoài ra, việc nhiễm Hepatitis A virus còn tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh cho những người xung quanh và có nguy cơ phát triển thành ổ dịch.

Vì vậy để bảo vệ sức khỏe của chính bản thân và cộng đồng, cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau:

1. Tiêm vaccine phòng ngừa viêm gan A

Hiện nay đã có vaccine phòng ngừa viêm gan A và viêm gan B. Tiêm vaccine được đánh giá là biện pháp phòng ngừa viêm gan A hiệu quả nhất hiện nay. Bạn có thể tiêm vaccine ngừa viêm gan A đơn lẻ hoặc tiêm mũi kết hợp giữa viêm gan A và viêm gan B.

bệnh viêm gan a có lây không
Tiêm vaccine là biện pháp phòng ngừa viêm gan A hiệu quả nhất hiện nay

Các thực nghiệm lâm sàng cho thấy, vaccine ngừa viêm gan A cho hiệu quả đến 95% đối với người trưởng thành có thể trạng tốt và hiệu quả có thể kéo dài đến 20 năm hoặc hơn. Đối với trẻ em, tỷ lệ phòng bệnh của vaccine là 85% và thời gian hiệu lực kéo dài từ 15 – 20 năm.

Trẻ từ 12 tháng tuổi và người trưởng thành đều có thể tiêm vaccine phòng ngừa viêm gan A. Loại vaccine này gồm có 2 mũi tiêm, mũi thứ 2 cách mũi đầu khoảng 6 – 12 tháng. Ngoài ra, người bị nhiễm viêm gan B và C cũng nên chủ động tiêm ngừa viêm gan A vì gan có thể bị tổn thương nặng và xơ hóa nếu đồng nhiễm nhiều loại siêu vi.

2. Vệ sinh cá nhân tốt

Viêm gan A chủ yếu lây qua đường tiêu hóa do sử dụng nước uống, thức ăn hoặc do sử dụng các vật dụng chứa virus như bàn chải, thìa, muỗng,… Do đó để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm bệnh lý này, cần thực hiện vệ sinh cá nhân tốt.

phòng bệnh viêm gan a
Rửa sạch tay với xà phòng sau khi đi vệ sinh và tiếp xúc với vật dụng công cộng
  • Rửa tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh, sau khi tiếp xúc với các vật dụng công cộng, trước khi chế biến món ăn và trước khi ăn. Biện pháp này không chỉ giảm lây nhiễm HAV mà còn giúp phòng ngừa các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp và một số vấn đề tiêu hóa khác.
  • Không dùng chung vật dụng cá nhân với người khác ngay cả khi không mắc bệnh viêm gan A. Ngoài Hepatitis A virus, rất nhiều loại virus và vi khuẩn có khả năng lây nhiễm qua vật dụng trung gian.
  • Thống kê cho thấy, viêm gan A chủ yếu bùng phát mạnh ở những nơi có điều kiện sống kém và môi trường ô nhiễm. Vì vậy nên vệ sinh không gian sống, giữ môi trường và nguồn nước sạch.

3. Chú ý thói quen ăn uống

Sử dụng nước uống và thực phẩm chứa virus là nguyên nhân chính gây ra bệnh viêm gan A. Vì vậy để giảm thiểu nguy cơ lây bệnh, cần chú ý một số thói quen ăn uống:

phòng bệnh viêm gan a
Cần rửa sạch thực phẩm và nấu chín hoàn toàn trước khi ăn
  • Tuyệt đối không sử dụng thực phẩm tái, sống (trừ những thực phẩm đã được kiểm định về độ an toàn và có thể dùng sống). Đồng thời không dùng nước chưa được đun sôi hoàn toàn. Ăn chín uống sôi có thể giảm thiểu nguy cơ nhiễm viêm gan A vì Hepatitis A virus có thể bị tiêu diệt hoàn toàn nếu đun sôi ở nhiệt độ 85 độ C trong vòng 1 phút.
  • Lựa chọn thực phẩm rõ nguồn gốc – xuất xứ và cần ngâm với nước muối pha loãng trước khi chế biến.
  • Khi đi du lịch, nên lựa chọn nước uống đóng chai thay vì sử dụng nguồn nước tại địa phương. Thực tế cho thấy, viêm gan A có xu hướng bùng phát thành ổ dịch do lây nhiễm qua nguồn nước chứa virus.
  • Vệ sinh tay trước khi ăn và chế biến món ăn. Tay có thể vô tình chạm vào virus, lây gián tiếp qua thực phẩm và tạo điều kiện cho Hepatitis A virus xâm nhập vào cơ thể.

4. Không tiếp xúc thân mật với người nhiễm bệnh

Thực tế cho thấy, không có nhiều trường hợp nhiễm viêm gan A lây từ người mắc bệnh. Vì nồng độ virus trong nước bọt và nước tiểu không nhiều mà chủ yếu tập trung ở phân. Tuy nhiên để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh, cần tránh tiếp xúc với thân mật với người nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, không nên sử dụng chung vật dụng cá nhân có khả năng chứa virus như khăn mặt, bàn chải, thìa, đũa, muỗng, ly, chén, tách,…

Ngoài ra, người bị viêm gan A nên chủ động thông báo với mọi người xung quanh tình trạng sức khỏe để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm bệnh cho người khỏe mạnh. Mặc dù Hepatitis A virus có thể bị kiểm soát và tiêu diệt hoàn toàn trong một thời gian ngắn nhưng thực tế, một số bệnh nhân có hệ miễn dịch kém có thể bị suy giảm sức khỏe và gặp phải biến chứng khi nhiễm loại viêm gan này.

5. Thăm khám định kỳ 1 – 2 lần/ năm

Hầu hết các bệnh lý về gan đều có biểu hiện mờ nhạt ở giai đoạn đầu. Do đó, cần chủ động thăm khám định kỳ 1 – 2 lần/ năm để kịp thời phát hiện và điều trị nếu có vấn đề bất thường.

Bài viết đã giải đáp thắc mắc Bệnh viêm gan A có lây hay di truyền không và đề cập đến một số biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Hy vọng qua thông tin trên, bạn đọc có thể hiểu rõ hơn về đường lây của viêm gan A và chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng.

Tham khảo thêm:

Đánh giá bài viết

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *