Sưng nướu răng có mủ: Nguyên nhân và cách khắc phục
Nội dung bài viết
Sưng nướu răng có mủ là tình trạng nhiễm trùng nướu hoặc vị trí ở giữa nướu và răng. Nếu không được điều trị phù hợp, nhiễm trùng có thể gây lung lay răng, chảy máu nướu răng hoặc gây mất răng.
Nguyên nhân gây sưng nướu răng có mủ
Nguyên nhân chính gây sưng nướu răng có mủ là do sự tích tụ vi khuẩn trong các mô giữa răng và nướu. Tuy nhiên, đôi khi có một số nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng nhiễm vi khuẩn ở nướu, bao gồm:
1. Vệ sinh răng miệng kém và bệnh nha chu
Sưng nướu răng có mủ thường phổ biến hơn ở những người thiếu vệ sinh răng miệng. Vệ sinh răng miệng kém có thể dẫn đến viêm nha chu hoặc bệnh nướu răng.
Bệnh nướu răng có thể phá hủy các nướu và các mô bên trong miệng, điều này có thể khiến răng bị xô lệch. Điều này tạo khoảng cách lớn ở giữa răng và nướu, tạo không gian sinh sống, phát triển của vi khuẩn, tăng nguy cơ dẫn đến hình thành mủ, áp xe.
Những người hút thuốc lá hoặc nhai thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh nha chu cao hơn những người khác. Ngoài ra, một số yếu tố nguy cơ khác có thể dẫn đến viêm nha chu bao gồm:
- Bệnh tiểu đường
- Béo phì
- Bệnh viêm khớp
- Bệnh tim
- Viêm gan C
- Thay đổi nội tiết tố ở phụ nữ
- Sử dụng thuốc làm ảnh hưởng đến dòng chảy của nước bọt và gây khô miệng
- Di truyền
2. Hệ thống miễn dịch suy giảm
Người có hệ thống miễn dịch kém thường dễ bị sưng nướu có mủ hơn, bởi vì cơ thể khó chống lại nhiễm trùng.
Các tình trạng có thể gây ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, chẳng hạn như HIV / AIDS, có thể khiến cơ thể gặp khó khăn khi chống lại nhiễm trùng và gây sưng nướu hoặc áp xe nướu.
3. Các bệnh lý nhiễm trùng khác
Sưng nướu răng có mủ có thể xảy ra do nhiễm trùng khác trong miệng, chẳng hạn như áp xe răng, nhiễm trùng túi nha chu hoặc áp xe nướu răng.
Túi nha chu là khoảng trống phát triển giữa nướu răng và răng do bệnh nha chu hoặc bệnh nướu răng. Các túi nha chu sâu hơn có thể tạo ra nhiều không gian hơn, khiến các hạt thức ăn nhỏ và vi trùng mắc vào. Điều này có thể dẫn đến sưng nướu răng, hình thành mủ, thậm chí là áp xe nướu.
Trong các trường hợp nghiêm trọng, sự tích tụ vi khuẩn có thể lây lan từ vị trí nhiễm trùng ban đầu và lây lan sang các nướu răng bên cạnh, tạo thành một ổ áp xe lớn. Nếu không được điều trị, tình trạng này có thể dẫn đến một số rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe.
Sưng nướu răng có mủ có nguy hiểm không?
Trong hầu hết các trường hợp sưng nướu răng có mủ có thể điều trị bằng nhiều biện pháp và thủ thuật nha khoa khác nhau. Nếu không điều trị, các biến chứng có thể xảy ra. Ngoài ra, ngay cả khi được điều trị hiệu quả, các biến chứng vẫn có thể xảy ra, mặc dù trường hợp này rất hiếm khi xảy ra.
Các biến chứng phổ biến của tình trạng sưng nướu răng có mủ bao gồm:
- U nang răng: Một khoang chứa đầy các chất lỏng có thể phát triển ở bên dưới chân răng nếu các khối nhiễm trùng nướu không được điều trị. Tình trạng này được gọi là u năng răng. Đôi khi u nang răng có thể dẫn đến nhiễm trùng, chảy máu chân răng và người bệnh có thể cần sử dụng kháng sinh hoặc phẫu thuật để ngăn ngừa các rủi ro.
- Viêm tủy xương: Vi khuẩn từ nướu răng có thể xâm nhập vào máu dẫn đến nhiễm trùng răng và tủy xương răng. Người bệnh thường cảm thấy nhiệt độ cơ thể tăng dần, đau đớn dữ dội ở răng bị tổn thương và có thể cảm thấy buồn nôn. Thông thường, tình trạng này ảnh hưởng đến các răng ở gần nướu sưng nướu răng có mủ. Tuy nhiên đôi khi vi khuẩn có thể lây nhiễm vào máu và gây ảnh hưởng đến bất cứ xương nào trong cơ thể. Tình trạng này có thể cần được điều trị bằng kháng sinh tiêm tĩnh mạch để ngăn các rủi ro có thể xảy ra.
- Huyết khối xoang hang: Sự lây lan của vi khuẩn có thể dẫn đến việc hình thành các cục máu đông tại xoang hang, một tĩnh mạch lớn ở đáy não. Đôi khi huyết khối xoang hang có thể dẫn đến tử vong, mặc dù không phổ biến. Tình trạng này cần được điều trị bằng kháng sinh hoặc phẫu thuật để dẫn lưu xoang.
- Viêm xoang hàm trên: Vi khuẩn gây sưng nướu răng có mủ có thể lây lan đến những khoảng nhỏ ở phía sau gò má, gọi là xoang hàm trên. Tình trạng này có thể dẫn đến sưng má, sốt và gây đau đớn. Viêm xoang hàm trên có thể được điều trị hiệu quả bằng thuốc kháng sinh.
- Đau thắt ngực Ludwig: Nhiễm trùng nướu răng có thể gây nhiễm trùng sàn miệng, dẫn đến sưng tấy và đau dữ dội ở cổ và lưỡi. Trong các trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể cảm thấy khó thở và đau ngực. Đau thắt ngực Ludwig có thể dẫn đến tử vong trong một số trường hợp. Tình trạng này được điều trị bằng kháng sinh hoặc phẫu thuật để mở đường thở và ngăn ngừa các vấn đề hô hấp liên quan.
Điều trị tình trạng sưng nướu răng có mủ
Người bệnh có dấu hiệu nhiễm trùng nướu nên đến gặp nha sĩ để được chẩn đoán và điều trị phù hợp. Những người gặp vấn đề khó nuốt và thở nên đến bệnh viện ngay lập tức để tránh các rủi ro không mong muốn.
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, nha sĩ có thể đề nghị các biện pháp điều trị phù hợp, chẳng hạn như:
1. Thủ tục nha khoa
Để cải thiện tình trạng sưng nướu răng có mủ, nha sĩ sẽ tiến hành làm tiêu áp xe và loại bỏ vi khuẩn ở nướu, các mô răng.
Nếu người bệnh có dấu hiệu tích tụ mảng bám hoặc viêm nha chu, nha sĩ có thể đề nghị các quy trình làm sạch chuyên nghiệp để loại bỏ mảng bám và cao răng tích tụ.
Bên cạnh đó, đôi khi nướu răng có mủ cần được dẫn lưu thông qua một vết rạch nhỏ ở vùng sưng tấy để dịch mủ thoát ra ngoài. Sau khi mở nướu răng, nha sĩ có thể ấn nhẹ vào khu vực tổn thương để mủ chảy ra ngoài hoàn toàn.
Ngoài ra, nha sĩ thường đề nghị người bệnh chụp X – quang nha khoa để xác định các vấn đề liên quan có thể gây sưng nướu răng có mủ, chẳng hạn như gãy xương hoặc tổn thương chân răng. Đôi khi các vấn đề ở chân răng có thể dẫn đến nhiễm trùng nặng, đặc biệt là khi không được điều trị trong một thời gian dài.
Nếu tình trạng nghiêm trọng, nha sĩ có thể đề nghị phẫu thuật hoặc các thủ thuật liên quan đến phục hồi xương răng và các mô liên quan.
Nếu áp xe nướu gây ảnh hưởng đến tủy răng, nha sĩ có thể đề nghị lấy tủy răng. Trong trường hợp cần thiết, người bệnh có thể cần nhổ răng để tránh các rủi ro không mong muốn.
2. Điều trị kháng sinh
Thuốc kháng sinh là một phần quan trọng trong việc điều trị tiêu chuẩn đối với tình trạng nhiễm trùng nướu. Kháng sinh có thể tiêu diệt vi khuẩn gây nhiễm trùng và giữ cho nhiễm trùng không lây lan hoặc tái nhiễm trùng trong khu vực này. Ngoài ra, kháng sinh cũng có thể giảm sưng và đau ở khu vực bị tổn thương.
Tuy thuốc thuốc kháng sinh không thể làm sạch cao răng, mảng bám và không thể tiêu mủ. Do đó, kháng sinh thường được chỉ định kết hợp với các thủ thuật nha khoa để tăng hiệu quả điều trị.
3. Thuốc giảm đau
Các loại thuốc giảm đau không kê đơn có thể hỗ trợ kiểm soát cơn đau trong thời gian người bệnh đang điều trị nhiễm trùng gây sưng và tụ mủ ở nướu răng. Tuy nhiên thuốc giảm đau chỉ có tác dụng giảm đau, không thể thay thế các biện pháp điều trị nha khoa.
Aspirin, ibuprofen hoặc paracetamol là những loại thuốc giảm đau hiệu quả và được sử dụng phổ biến. Tuy nhiên, các loại thuốc này có thể không phù hợp với một số người, chẳng hạn như:
- Người bệnh hen suyễn, viêm loét dạ dày hoặc có tiền sử viêm loét dạ dày không được dùng Ibuprofen
- Trẻ em dưới 16 tuổi, phụ nữ mang thai và đang cho con bú không được sử dụng Aspirin
4. Phẫu thuật
Sưng nướu răng có mủ thường không cần điều trị phẫu thuật. Tuy nhiên nếu nhiễm trùng tái phát, trở nên nghiêm trọng hoặc không đáp ứng các biện pháp điều trị thông thường, người bệnh có thể cần phẫu thuật để loại bỏ mô bệnh. Phẫu thuật được thực hiện bởi bác sĩ răng – hàm – mặt.
Người bệnh áp xe nha chu và nhiễm trùng tái phát có thể cần tạo hình lại mô nướu và loại bỏ các túi nha chu.
Nếu áp xe tái phát sau khi điều trị phẫu thuật, nha sĩ có thể đề nghị nhổ răng để ngăn ngừa các rủi ro.
5. Biện pháp khắc phục tại nhà
Nha sĩ cũng có thể đề nghị một số biện pháp khắc phục đơn giản tại nhà để cải thiện tình trạng sưng nướu răng có mủ. Các biện pháp khắc phục tại nhà có thể giúp kiểm soát các triệu chứng, hỗ trợ giảm đau nhưng túi vi khuẩn và mủ sẽ cần được điều trị bởi nha sĩ.
Các biện pháp chăm sóc tại nhà có thể bao gồm:
- Tránh đồ ăn và đồ uống quá nóng hoặc quá lạnh
- Nhai thức ăn ở phần miệng không bị ảnh hưởng đến tránh gây kích ứng
- Không xỉa răng ở khu vực bị ảnh hưởng
- Sử dụng bàn chải đánh răng có lông mềm
- Súc miệng bằng nước muối ấm hoặc nước súc miệng chứa chất kháng khuẩn để giảm vi khuẩn trong miệng
Biện pháp phòng ngừa sưng nướu răng có mủ
Thực hành vệ sinh răng miệng tốt có thể ngăn ngừa sưng nướu có mủ. Điều này cũng có thể phòng ngừa viêm nha chu và các bệnh lý răng miệng khác. Các biện pháp chăm sóc răng miệng phù hợp bao gồm:
- Đánh răng ít nhất hai lần một ngày với kem đánh răng có chứa fluor
- Sử dụng chỉ nha khoa hoặc dụng cụ làm sạch kẽ răng để làm sạch kẽ răng hàng ngày
- Thay bàn chải đánh răng sau mỗi 3 – 4 tháng một lần, hoặc bất cứ khi nào lông bàn chải bị sờn
- Sử dụng nước uống có chất fluoride
- Chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế đồ ăn có đường và tránh ăn vặt quá nhiều, đặc biệt là vào ban đêm
- Khám nha khoa định kỳ 2 lần một năm hoặc thường xuyên hơn để làm sạch răng chuyên nghiệp
- Cân nhắc sử dụng các chất khử trùng hoặc nước súc miệng có chứa florua để tạo thêm một lớp bảo vệ chống sâu răng
Sưng nướu răng có mủ có thể liên quan đến việc thiếu vệ sinh răng miệng, nhiễm trùng hoặc do các bệnh lý tiềm ẩn khác. Các phương pháp điều trị thường mang lại hiệu quả tốt. Do đó, người bệnh nên đến gặp nha sĩ để được hướng dẫn, điều trị và có biện pháp chăm sóc răng miệng phù hợp.
Tham khảo thêm: Cách chăm sóc nướu răng đúng cách – Ngừa viêm, nha chu
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!