Cách chăm sóc nướu răng đúng cách – Ngừa viêm, nha chu

Thực tế cho thấy, người Việt chỉ chú ý làm sạch răng mà bỏ qua việc chăm sóc mô nướu – cơ quan có vai trò cố định chân răng và ngăn ngừa sự xâm nhập của các vi khuẩn có hại. Không chăm sóc nướu răng đúng cách chính là một trong những nguyên nhân gây ra hàng loạt các bệnh lý nha khoa như viêm nướu, viêm nha chu,…

Cách chăm sóc nướu răng
Chăm sóc nướu răng đúng cách giúp giữ gìn sức khỏe răng miệng và phòng ngừa viêm nha chu

Vì sao phải chăm sóc nướu răng?

Nướu răng (lợi) là phần niêm mạc có màu hồng bao xung quanh chân răng và cổ răng. Cơ quan này có chức năng ổn định răng trên cấu trúc hàm và bảo vệ ổ răng khỏi sự xâm nhập của các vi khuẩn có hại. Thông thường, nướu có màu hồng nhạt nhưng khi bị viêm nhiễm và tổn thương, mô nướu có thể chuyển sang màu đỏ tươi hoặc đỏ sẫm.

Trên thực tế, mọi người chỉ có thói quen vệ sinh răng mà quên mất việc chăm sóc mô nướu. Theo thống kê của Hội Răng hàm mặt Việt Nam (VOSA), có đến hơn 80% dân số ở nước ta mắc các bệnh lý về răng miệng. Trong đó phổ biến nhất là bệnh viêm nướu răng (chiếm khoảng 75%).

Viêm nướu là dấu hiệu đầu tiên cho thấy mô nướu bị tổn thương. Nếu không khắc phục, tổn thương ở mô nướu có thể phát triển và dẫn đến viêm nha chu – một trong những bệnh nha khoa có mức độ nghiêm trọng, đe dọa đến trực tiếp đến sức khỏe răng miệng và có thể gây mất răng vĩnh viễn.

Có khá nhiều nguyên nhân gây ra các bệnh lý ở mô nướu. Trong đó, chăm sóc kém được xem là yếu tố quan trọng nhất. Vì vậy bên cạnh việc làm sạch răng, bạn cũng cần chú ý chăm sóc mô nướu đúng cách để duy trì hàm răng chắc khỏe và phòng ngừa các bệnh lý nha khoa thường gặp.

Hướng dẫn chăm sóc nướu răng đúng cách

Nướu răng giữ vai trò quan trọng đối với sức khỏe răng miệng. Vì vậy để phòng ngừa các bệnh lý nha khoa, bạn nên thực hiện các biện pháp chăm sóc mô nướu sau đây:

1. Chải răng 2 lần/ ngày – Cách chăm sóc nướu răng đơn giản

Chải răng 2 lần/ ngày là biện pháp quan trọng nhất để duy trì hàm răng chắc khỏe và ngăn ngừa các bệnh lý ở mô nướu. Nếu không được vệ sinh thường xuyên, các mảng bám từ thức ăn có thể tương tác với vi khuẩn Streptococcus mutan thường trú trong khoang miệng tạo thành cao răng. Cao răng tích tụ nhiều ở kẽ răng và cổ răng khiến cho mô nướu bị kích thích, dẫn đến hiện tượng sưng đỏ và đau nhức.

Chính vì vậy, chải răng từ 2 – 3 lần/ ngày được xem là biện pháp chăm sóc nướu răng đơn giản và hiệu quả. Tuy nhiên để làm sạch răng hoàn toàn và bảo vệ mô nướu tối đa, cần chải răng đúng cách. Đã có không ít trường hợp bị xây xước và chảy máu nướu răng do đánh răng quá mạnh hoặc thao tác sai cách.

Cách chăm sóc nướu răng
Đánh răng đều đặn 2 – 3 lần/ ngày là cách chăm sóc nướu răng đơn giản và hiệu quả

Hướng dẫn chải răng đúng cách giúp bảo vệ răng và mô nướu:

  • Đầu tiên, cần súc miệng với nước sạch để loại bỏ thức ăn thừa và mảng bám trong khoang miệng
  • Sau đó, rửa sạch bàn chải với nước sạch và lấy một lượng kem đánh răng vừa đủ
  • Đặt bàn chải nằm ngang và mặt bàn chải nghiêng khoảng 45 độ so với viền nướu
  • Tiến hành chải răng nhẹ nhàng từ mặt ngoài và mặt trong, chú ý làm sạch cả mặt nhai của răng cối
  • Trong quá chải răng, nên chú ý để mặt lông bàn chải tiếp xúc với cả răng và mô nướu để làm sạch hoàn toàn mảng bám
  • Sau chải răng, nên thao tác chải răng theo đường dọc (chải từ trên xuống dưới và ngược lại) để làm sạch thức ăn thừa và vi khuẩn tích tụ ở kẽ răng
  • Cuối cùng, làm sạch khoang miệng bằng cách súc miệng với nước sạch
  • Thời gian chải răng dao động khoảng 2 – 3 phút và chỉ nên chải răng từ 2 – 3 lần/ ngày. Không nên đánh răng dưới 2 lần và quá 3 lần trong một ngày. Các thói quen này đều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe răng miệng và mô nướu.

Lưu ý: Chỉ chải răng sau bữa ăn ít nhất 30 phút. Vì sau khi ăn, một số loại axit trong thực phẩm có thể tác động đến men răng. Nếu chải răng trong thời gian này, men răng có thể bị phá hủy và hư hại.

2. Súc miệng thường xuyên

Nhiều người chỉ có thói quen chải răng 2 – 3 lần/ ngày. Tuy nhiên, việc đánh răng đơn thuần không thể làm sạch mảng bám và thức ăn thừa hoàn toàn. Vì vậy, bạn cần súc miệng thường xuyên để làm sạch khoang miệng, bảo vệ chân răng và mô nướu.

Cách chăm sóc nướu răng
Súc miệng thường xuyên giúp làm sạch khoang miệng và hạn chế hình thành mảng bám

Sau khi đánh răng, nên súc miệng bằng nước muối pha loãng hoặc sử dụng các dung dịch súc miệng chuyên dụng. Các sản phẩm này thường chứa flour, canxi, một số khoáng chất và hoạt chất sát trùng. Súc miệng sau khi chải răng giúp làm sạch khoang miệng hoàn toàn, ngăn chặn sự hình thành vôi răng và giúp cải thiện sức khỏe răng miệng đáng kể. Ngoài ra, sau mỗi bữa ăn nếu chưa thể đánh răng, bạn nên súc miệng bằng nước sạch để loại bỏ mẩu thức ăn thừa trong khoang miệng.

3. Sử dụng chỉ nha khoa sau bữa ăn

Thông thường, chải răng không thể làm sạch hoàn toàn mảng bám ở kẽ răng. Do đó sau khi đánh răng, bạn nên sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch thức ăn thừa và ngăn ngừa hình thành vôi răng hình thành giữa các kẽ. Biện pháp này không chỉ tốt cho răng mà còn giúp bảo vệ mô nướu và phòng ngừa các bệnh lý liên quan đến lợi như viêm nướu răng, viêm nha chu,… Chỉ nha khoa thường được sử dụng sau khi chải răng và trước khi súc miệng.

Cách chăm sóc nướu răng
Sử dụng chỉ nha khoa 2 lần/ ngày giúp làm sạch mảng bám tích tụ trong kẽ răng

Nên sử dụng chỉ nha khoa chuyên dụng, tuyệt đối không sử dụng tăm tre để làm sạch răng. Tăm có kích thước khá lớn và cứng có thể gây tổn thương men răng, kích thích mô nướu và làm chảy máu chân răng.

4. Làm sạch lưỡi

Rất ít người chú ý làm sạch lưỡi trong quá trình vệ sinh răng miệng. Lưỡi có cấu tạo là mô mềm với các rãnh nhỏ trên bề mặt nên rất dễ tích tụ thức ăn thừa, vi khuẩn và nấm men. Do đó khi vệ sinh răng miệng, bạn cần chú ý làm sạch lưỡi để bảo vệ mô nướu và phòng ngừa các bệnh lý liên quan.

Cách chăm sóc nướu răng
Bên cạnh làm sạch răng và mô nướu, cần chú ý làm sạch lưỡi để phòng ngừa các bệnh lý nha khoa

Cách làm sạch lưỡi giúp chăm sóc nướu răng, phòng ngừa viêm nha chu:

  • Sử dụng các loại bàn chải có mặt chải lưỡi. Bên cạnh thao tác đánh răng, nên dùng mặt chải lưỡi chà xát nhẹ lên lưỡi để làm sạch vi khuẩn và thức ăn thừa ứ đọng. Sau đó, súc miệng với nước để làm sạch hoàn toàn khoang miệng.
  • Đối với những người có rêu lưỡi trắng dày, nên sử dụng dụng cụ rơ lưỡi để làm sạch.
  • Ngoài ra, bạn cũng có thể làm sạch lưỡi bằng một số loại thực phẩm chứa hàm lượng axit nhẹ như sữa chua, chanh, cam, dâu tây, táo,… Axit tự nhiên trong các loại thực phẩm này có thể tăng số lượng lợi khuẩn trong khoang miệng, ức chế sự phát triển quá mức của hại khuẩn và làm sạch hoàn toàn thức ăn dư thừa ứ đọng ở mô lưỡi.

5. Uống đủ nước – Cách chăm sóc nướu răng đơn giản

Một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh lý nha khoa mà nhiều người bỏ qua là thói quen ít uống nước. Thói quen này làm giảm lượng nước bọt được sản xuất và gây mất cân bằng môi trường sinh lý của khoang miệng.

Ngoài chức năng làm mềm và hỗ trợ tiêu hóa thức ăn, nước bọt còn cung cấp hydroxyl, phosphate và ion canxi có khả năng hỗ trợ làm sạch mảng bám ở các kẽ răng, tái khoáng hóa và duy trì độ pH ổn định (5.5) trong khoang miệng.Thực tế cũng cho thấy, người bị chứng khô miệng thường có nguy cơ sâu răng, viêm nướu và viêm nha chu cao hơn bình thường.

Cách chăm sóc nướu răng
Uống đủ nước là biện pháp đơn giản giúp bảo vệ răng và mô nướu khỏi tác động của các vi khuẩn có hại

Để bảo vệ sức khỏe răng miệng nói chung và mô nướu nói riêng, bạn cần bổ sung đủ nước. Tuy nhiên, cần sử dụng nước lọc, nước khoáng và nước ép từ rau củ nguyên chất. Tránh dùng nước ngọt, cà phê và các loại nước trái cây chế biến sẵn.

6. Thay đổi thói quen ăn uống

Thói quen ăn uống là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe răng miệng. Thường xuyên dùng các loại thực phẩm gây hại cho răng và nướu chính là nguyên nhân gây sâu răng, viêm nướu răng và viêm nha chu.

Cách chăm sóc nướu răng
Bổ sung thực phẩm có tính axit nhẹ giúp làm sạch khoang miệng và ngăn ngừa hình thành mảng bám

Vì vậy để bảo vệ sức khỏe của nướu răng, bạn cần hình thành các thói quen ăn uống khoa học như:

  • Tránh sử dụng các loại thực phẩm chứa nhiều axit như giấm, chanh, nước ngọt có gas, me,… Axit từ các loại thực phẩm này có thể làm thay đổi môi trường sinh lý của khoang miệng và gây mòn men răng. Khi độ pH trong khoang miệng mất ổn định, vi khuẩn có thể phát triển mạnh gây viêm và tổn thương mô nướu.
  • Ngoài ra, bạn cũng cần hạn chế thực phẩm giàu tinh bột và đường. Các loại thực phẩm này rất dễ gây mảng bám và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý nha khoa như sâu răng, viêm nha chu, viêm nướu răng,…
  • Không nên dùng thực phẩm quá nóng hoặc quá lạnh. Vì nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp đều tác động xấu đến men răng và mô nướu.
  • Hạn chế dùng thực phẩm có kết cấu cứng, khô và dai. Sử dụng các loại thực phẩm này có thể gây hư hại men răng, kích thích mô nướu và ảnh hưởng không nhỏ đến chức năng của khớp thái dương hàm.
  • Bên cạnh đó, cần tránh thói quen nhai quá nhanh. Thói quen này không chỉ gây hại cho dạ dày và các cơ quan tiêu hóa mà còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý răng miệng.
  • Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm và đồ uống có màu đậm.
  • Thay vào đó, nên tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu probiotic (lợi khuẩn) và chất xơ để ngăn ngừa hình thành mảng bám ở kẽ răng, bảo vệ mô nướu và ổn định môi trường sinh lý trong khoang miệng.

7. Thăm khám răng miệng định kỳ

Thống kê cho thấy, chỉ có khoảng 10% dân số nước ta có thói quen thăm khám răng miệng định kỳ 6 tháng/ lần. Đây là một trong những nguyên nhân khiến các bệnh lý ở răng miệng không được phát hiện sớm và có nguy cơ phát triển nặng, dẫn đến chân răng lung lay hoặc thậm chí là mất răng vĩnh viễn. Do đó, bạn nên thăm khám định kỳ 6 tháng/ lần để được cạo vôi răng và đánh giá sức khỏe răng miệng.

Cách chăm sóc nướu răng
Thăm khám và lấy vôi răng định kỳ 6 tháng/ lần là cách chăm sóc nướu răng hiệu quả

Ngoài ra, ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường như nướu răng bị sưng đỏ, đau nhức, chảy máu, chân răng lung lay,… bạn cũng cần chủ động tìm gặp nha sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời. Tình trạng chủ quan có thể khiến bệnh tình chuyển biến nặng và gây ra các biến chứng nặng nề.

Bài viết đã hướng dẫn một số cách chăm sóc nướu răng khoa học giúp duy trì sức khỏe răng miệng và phòng ngừa viêm nướu, viêm nha chu,… Tuy nhiên để được tư vấn cụ thể hơn về vấn đề này, bạn nên liên hệ với bác sĩ chuyên khoa Răng hàm mặt.

Tham khảo thêm:

5/5 - (4 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *