Viêm lợi trùm có mủ – Cách xử lý và điều trị an toàn

Viêm lợi trùm có mủ là tình trạng viêm nhiễm mô nướu bao trùm lên một phần hoặc toàn bộ răng, đi kèm với hiện tượng ứ mủ. Tình trạng này gây đau nhức, ê buốt dữ dội và ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động ăn uống, giao tiếp. 

Viêm lợi trùm có mủ
Viêm lợi trùm có mủ là gì? Có nguy hiểm không?

Viêm lợi trùm có mủ là gì?

Viêm lợi trùm là tình trạng phần lợi bao trùm lên toàn bộ hoặc 1 phần của răng (thường là răng khôn/ răng số 8) bị viêm nhiễm và sưng đau. Ban đầu, mô nướu chỉ bị sưng nóng, đỏ rát và đau nhức nhưng nếu không can thiệp điều trị, vi khuẩn có thể phát triển mạnh và tạo thành các ổ mủ sâu bên trong mô nướu dẫn đến tình trạng viêm lợi trùm có mủ.

So với giai đoạn viêm lợi trùm đơn thuần, viêm lợi trùm có mủ gây đau nhức nhiều và ảnh hưởng không nhỏ đến chức năng nhai, cuộc sống sinh hoạt,… Nếu không điều trị sớm, ổ mủ có thể lan rộng và gây tổn thương chân răng, làm tăng nguy cơ bị viêm nha chu, viêm nướu răng và gây sâu răng số 7.

Dấu hiệu nhận biết viêm lợi trùm có mủ

Viêm lợi trùm có mủ thường gây ra các triệu chứng nặng hơn so với viêm lợi trùm đơn thuần, vì lúc này mô nướu bị viêm nhiễm nặng và đã xuất hiện ổ mủ. Bạn có thể nhận biết bệnh lý này qua một số dấu hiệu sau:

viêm lợi trùm răng khôn có mủ
Viêm lợi trùm có mủ gây đau nhức và ê buốt răng dữ dội – nhất là khi ăn uống và giao tiếp
  • Nướu răng bị sưng đỏ, nóng rát và xuất hiện ổ mủ. Khi dùng tay ấn nhẹ vào có cảm giác đau nhức nhiều và xuất hiện mủ có màu trắng đục, mùi hôi
  • Gây đau nhức, ê buốt và khó khăn trong quá trình ăn uống. Với những người có cơ địa nhạy cảm, răng số 8 có thể gây đau nhiều – ngay cả khi uống nước và giao tiếp thông thường.
  • Viêm lợi trùm có mủ không chỉ gây đau nhức tại chỗ mà còn làm tổn thương nướu và răng bên cạnh. Vì vậy, bạn có thể nhận thấy tình trạng đau xuất hiện ở cả răng số 8 và số 7.
  • Viêm lợi trùm có mủ thường gây sốt nhẹ đến sốt cao, xuất hiện hạch ở cổ và má. Các triệu chứng này đều là hệ quả do hoạt động miễn dịch của cơ thể khi có nhiễm trùng.
  • Một số trường hợp còn có thể xuất hiện tình trạng hơi thở có mùi. Nguyên nhân là do vi khuẩn, mủ, mảng bám, thức ăn thừa,… trong khoang miệng tỏa ra mùi khó chịu. Ngoài ra, vi khuẩn phát triển quá mức còn làm tăng quá trình phân hủy protein trong khoang miệng và tạo ra mùi hôi.
  • Dễ chảy máu chân răng
  • Khó há miệng khi ăn uống, giao tiếp

Viêm lợi trùm có mủ gây ra các triệu chứng rất dễ nhận biết. Ở một số trường hợp, triệu chứng có thể thuyên giảm chỉ sau vài ngày nhưng tái phát nhiều lần. Mặc dù không gây ra triệu chứng liên tục nhưng tình trạng viêm nhiễm ở lợi và răng vẫn tiếp tục xảy ra. Vì vậy nếu không điều trị sớm, bạn có thể phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề nha khoa nghiêm trọng như viêm nha chu, sâu răng lân cận, áp xe chân răng, mất răng,…

Nguyên nhân gây viêm lợi trùm có mủ

Viêm lợi trùm có mủ thực chất là tình trạng viêm nhiễm ở phần lợi bao trùm lên răng. Trong đó, tác nhân chủ yếu là các vi khuẩn thường trú bên trong khoang miệng như Streptococcus mutans. Ngoài ra, tình trạng viêm nhiễm ở phần lợi trùm cũng có thể xảy ra do một số loại vi khuẩn, virus từ bên ngoài (phổ biến nhất là virus, vi khuẩn gây viêm họng, viêm amidan và một số bệnh hô hấp).

Tuy nhiên, tình trạng viêm lợi trùm có mủ chỉ xảy ra khi có những yếu tố sau:

– Vị trí răng mọc:

Tình trạng lợi trùm xuất hiện chủ yếu ở răng số 8 (răng khôn). Vì mọc khá muộn nên răng không có đủ vị trí để mọc thẳng như răng ở những vị trí khác. Do đó, răng số 8 thường có xu hướng mọc xiên, vẹo, mọc ngầm khiến phần lợi có xu hướng bao trùm lên 1 phần hoặc toàn bộ răng.

viêm lợi trùm răng khôn có mủ
Tình trạng viêm lợi trùm có mủ thường xuất hiện ở răng khôn (răng số 8)

Hơn nữa, răng khôn nằm ở vị trí cuối cùng của cung hàm nên rất khó vệ sinh. Thức ăn thừa dễ dàng tích tụ trong hốc răng, tạo điều kiện cho hại khuẩn xâm nhập và phát triển mạnh. Ngoài ra, tình trạng viêm lợi trùm có mủ cũng có thể xuất hiện ở những người có nhiều răng thừa.

– Một số yếu tố khác:

Viêm lợi trùm có mủ còn có thể xảy ra khi có những yếu tố thuận lợi như:

  • Thói quen vệ sinh kém
  • Thường xuyên sử dụng các loại thức uống và đồ uống dễ gây sâu răng, viêm nướu như tinh bột, đường, nước ngọt có gas,…
  • Hút thuốc lá thường xuyên
  • Trào ngược dạ dày thực quản
  • Đang mang thai
  • Người bị tiểu đường, thiếu hụt vitamin C hoặc mắc các bệnh lý có liên quan đến suy giảm miễn dịch

Viêm lợi trùm có mủ có nguy hiểm không?

Viêm lợi trùm có mủ là dấu hiệu cho thấy mô nướu bao trùm lên răng bị viêm nhiễm và tổn thương nặng. Nếu không điều trị sớm, ổ mủ có thể lan rộng, ăn sâu vào mô nướu, cấu trúc răng và lây lan sang các răng lân cận. Khác với viêm nướu răng thông thường, viêm lợi trùm có mủ gây ra không ít phiền toái trong quá trình sinh hoạt, ăn uống và giao tiếp. Trong trường hợp không can thiệp điều trị, bệnh có thể tái phát nhiều lần và gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống.

Theo thời gian, tình trạng viêm nhiễm có thể lây lan sang các răng lân cận, dẫn đến sâu răng, thậm chí là viêm nha chu, áp xe chân răng, chảy máu chân răng và làm tăng nguy cơ mất răng.

viêm lợi trùm răng khôn có mủ
Viêm lợi trùm có mủ có thể tiến triển nặng dẫn đến tổn thương các răng lân cận

Mặc dù không phổ biến nhưng trong một số ít trường hợp, viêm lợi trùm có mủ có thể gây nhiễm trùng các cơ quan lân cận như niêm mạc cổ họng, amidan, thanh quản hoặc thậm chí là gây nhiễm trùng máu. Do đó ngay khi phát hiện các triệu chứng bất thường, bạn nên chủ động thăm khám để được điều trị và xử lý kịp thời.

Các phương pháp điều trị viêm lợi trùm có mủ

Viêm lợi trùm có mủ là tình trạng cấp tính cần được điều trị trong thời gian sớm nhất. Sau khi thăm khám răng miệng tổng quát, bác sĩ có thể đề nghị chụp X-Quang để quan sát rõ cấu trúc răng. Bởi trong một số trường hợp, viêm lợi trùm có mủ có thể bị nhầm lẫn với viêm nướu răng, viêm nha chu, sâu răng, viêm tủy răng và một số bệnh lý nha khoa khác.

Sau khi có kết quả chẩn đoán, bạn có thể được chỉ định can thiệp một số phương pháp sau:

1. Vệ sinh răng miệng đúng cách

Khi đang bị viêm lợi trùm có mủ, bạn cần giữ vệ sinh răng miệng đúng cách để hạn chế sự phát triển quá mức của vi khuẩn. Bên cạnh đó, thói quen chăm sóc răng miệng khoa học còn tránh được tình trạng hơi thở có mùi và làm dịu hiện tượng viêm ở mô nướu.

viêm lợi trùm có mủ ở trẻ em
Vệ sinh răng miệng giúp giảm đau nhức và ngăn chặn tiến triển của hiện tượng viêm nhiễm lợi trùm

Cách vệ sinh răng miệng khi điều trị viêm lợi trùm có mủ:

  • Đánh răng 2 – 3 lần/ ngày với bàn chải có lông chải mềm và mảnh. Ưu tiên sử dụng các loại kem đánh răng có chứa oxit kẽm và một số chất làm sạch, sát trùng. Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng kem đánh răng chứa trà xanh, bạc hà, hoa cúc,… để cải thiện tình trạng hôi miệng.
  • Sử dụng một số loại nước súc miệng sát trùng có chứa Chlorhexidin, Hydrogen peroxide hoặc pha loãng với muối với nước và dùng súc miệng 2 – 3 lần/ ngày. Ngoài tác dụng làm sạch khoang miệng, biện pháp này còn giúp khử mùi hôi khó chịu và làm dịu mô nướu bị sưng đỏ, đau nhức.
  • Dùng chỉ nha khoa để làm sạch mảng bám ở kẽ răng.

Với những trường hợp viêm lợi trùm có ổ mủ nhỏ, vệ sinh răng miệng đúng cách có thể loại bỏ mủ, giảm viêm nhiễm và cải thiện tình trạng đau nhức đáng kể. Đồng thời hạn chế tình trạng nhiễm trùng lan rộng và gây tổn thương các răng lân cận.

2. Dùng thuốc để kiểm soát nhiễm trùng

Đối với trường hợp viêm lợi trùm có mủ nặng, gây sốt, đau đầu và nổi hạch, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc làm giảm triệu chứng và kháng sinh để kiểm soát nhiễm trùng. Nếu chân răng xuất hiện ổ mủ lớn, bác sĩ sẽ tiến hành rạch, dẫn lưu mủ và dịch ứ đọng trước khi chỉ định thuốc.

viêm lợi trùm có mủ ở trẻ em
Bác sĩ có thể chỉ định kháng sinh và thuốc giảm đau, hạ sốt để kiểm soát tình trạng nhiễm trùng ở phần lợi trùm

Các loại thuốc được sử dụng để điều trị viêm lợi trùm có mủ, bao gồm:

  • Thuốc giảm đau, hạ sốt: Paracetamol là thuốc giảm đau, hạ sốt được sử dụng phổ biến trong điều trị các bệnh lý nha khoa. Thuốc có thể dùng cho cả trẻ nhỏ, người lớn và tương đối an toàn ở liều điều trị.
  • Kháng sinh: Kháng sinh được sử dụng để kiểm soát tình trạng viêm nhiễm ở phần lợi trùm lên răng. Loại kháng sinh thường được sử dụng thường là kháng sinh nhóm beta-lactam, Metronidazole và Clindamycin. Nhóm thuốc này được dùng liên tục trong 7 – 10 ngày tùy theo mức độ viêm nhiễm.

Dùng thuốc có thể giảm nhanh các triệu chứng khó chịu do viêm lợi trùm có mủ gây ra. Đồng thời ngăn chặn hiện tượng viêm nhiễm lan rộng và gây tổn thương các răng lân cận. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời. Vì vậy sau khi tình trạng viêm nhiễm được kiểm soát, bạn nên can thiệp một số biện pháp chuyên sâu để điều trị bệnh dứt điểm.

3. Tiểu phẫu cắt bỏ lợi trùm

Cắt bỏ lợi trùm là tiểu phẫu đơn giản được thực hiện nhằm loại bỏ phần lợi bao trùm lên răng (thường là răng khôn). Phương pháp này được thực hiện khi răng khôn mọc thẳng, không bị sâu và hoàn toàn không chèn ép lên răng số 7. Loại bỏ mô lợi bao trùm giúp răng có đủ không gian để tiếp tục mọc, hạn chế tình trạng thức ăn ứ đọng và gây viêm nhiễm.

Các bước tiểu phẫu cắt bỏ lợi trùm:

  • Vệ sinh khoang miệng để ngăn ngừa viêm nhiễm
  • Gây tê phần lợi cần cắt bỏ
  • Bác sĩ sử dụng tia laser để cắt phần lợi bao trùm lên răng
  • Cầm máu và tư vấn các biện pháp chăm sóc

Tiểu phẫu cắt bỏ lợi trùm có quy trình khá đơn giản và thực hiện nhanh chóng. Chỉ sau 1 – 2 tuần, mô lợi sẽ lành hoàn toàn và tình trạng viêm lợi trùm có mủ sẽ được kiểm soát triệt để.

4. Nhổ bỏ răng

Nhổ răng khôn là giải pháp dành cho những trường hợp viêm lợi trùm có mủ do răng khôn mọc lệch, mọc xiêu vẹo và chèn ép các răng khác trong cung hàm. Nhổ bỏ răng có thể hạn chế tình trạng viêm lợi tái phát, đồng thời tránh tình trạng sâu răng và gây lệch vẹo các răng lân cận. Ngoài ra, nhổ răng số 8 còn giúp quá trình vệ sinh răng miệng diễn ra thuận lợi hơn. Vì vậy, đây là phương pháp được các bác sĩ ưu tiên thực hiện trong quá trình điều trị viêm lợi trùm có mủ.

viêm lợi trùm có mủ ở trẻ em
Nhổ bỏ răng là giải pháp tối ưu trong trường hợp viêm lợi trùm có mủ do răng khôn mọc lệch, mọc ngầm

Răng số 8 nằm ở vị trí khuất và bị lợi bao trùm lên 1 phần hoặc toàn bộ răng. Do đó, việc nhổ bỏ răng số 8 tương đối phức tạp hơn so với răng ở những vị trí khác. Vì vậy, bạn nên lựa chọn cơ sở uy tín để tiểu phẫu nhổ bỏ răng khôn. Ngoài ra trước khi nhổ răng, cần tránh dùng các loại thuốc gây chảy máu kéo dài (thuốc chống đông, Aspirin,…), đồng thời nên hạn chế dùng rượu bia và thuốc lá.

5. Các biện pháp chăm sóc

Bên cạnh các biện pháp điều trị, bạn cũng có thể áp dụng một số cách chăm sóc tại nhà để kiểm soát tình trạng đau nhức do viêm lợi trùm có mủ hoặc giảm nhẹ một số triệu chứng sau khi nhổ bỏ răng, cắt lợi trùm. Dưới đây là một số biện pháp chăm sóc bạn có thể áp dụng để cải thiện các triệu chứng khó chịu:

  • Chườm đá xung quanh hàm và má để giảm sưng đỏ, đau nhức. Ngoài ra, bạn cũng có thể áp dụng biện pháp này sau khi nhổ răng và cắt lợi trùm để cầm máu, hạn chế tình trạng chảy máu kéo dài.
  • Trong thời gian điều trị viêm lợi trùm có mủ, nên hạn chế nước ngọt có gas, rượu bia, món ăn chứa nhiều gia vị, đường, thực phẩm khô, cứng,… Các món ăn và thức uống này có thể gây kích thích mô nướu và làm nghiêm trọng các triệu chứng đau nhức, sưng đỏ và gây chảy máu chân răng.
  • Có thể sử dụng một số loại thảo dược tự nhiên như gừng, bạc hà, đinh hương,… để khử mùi hôi trong khoang miệng, sát trùng và giảm viêm mô nướu. Nếu chưa có thời gian đến phòng khám, bạn có thể tận dụng một số loại thảo dược này để kiểm soát tình trạng viêm lợi trùm có mủ và cải thiện một số triệu chứng khó chịu.
  • Uống nhiều nước để điều hòa thân nhiệt, giảm hôi miệng và hỗ trợ làm dịu tình trạng viêm ở mô nướu.
  • Sắp xếp công việc và chủ động đến phòng khám trong thời gian sớm nhất. Với những trường hợp đã can thiệp điều trị, nên tái khám theo lịch hẹn để nha sĩ đánh giá mức độ hồi phục và kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường (nếu có).

Phòng ngừa viêm lợi trùm có mủ

Viêm lợi trùm có mủ có thể xảy ra với những người chưa mọc răng khôn. Để phòng ngừa bệnh lý này, bạn có thể áp dụng một số phương pháp sau:

viêm lợi trùm có mủ ở trẻ em
Nên thăm khám định kỳ và chủ động nhổ bỏ răng trong trường hợp răng khôn mọc ngầm, mọc lệch
  • Vệ sinh răng miệng đúng cách là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất. Khi vệ sinh, nên chú ý làm sạch mảng bám và thức ăn thừa ở những vị trí khuất như răng số 7 và số 8.
  • Kết hợp với súc miệng bằng nước muối ấm và dùng chỉ nha để làm sạch răng miệng hoàn toàn.
  • Thăm khám răng miệng định kỳ 6 tháng/ lần – đặc biệt là trong giai đoạn mọc răng khôn. Nếu phát hiện răng khôn mọc ngầm, bác sĩ sẽ yêu cầu nhổ bỏ sớm để phòng ngừa viêm lợi trùm có mủ.

Viêm lợi trùm có mủ gây ra không ít phiền toái khi ăn uống và sinh hoạt. Hơn nữa nếu không điều trị, bệnh có thể tiến triển nặng, dẫn đến tổn thương răng lân cận và làm tăng nguy cơ mất răng. Vì vậy, bạn nên chủ động thăm khám và can thiệp các phương pháp điều trị trong thời gian sớm nhất.

Tham khảo thêm:

5/5 - (2 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *