Răng khôn bị lợi trùm – Coi chừng đau, viêm nhiễm
Nội dung bài viết
Vì mọc muộn và nằm ở vị trí cuối cung hàm nên răng khôn dễ bị lợi trùm hơn so với các răng còn lại. Nếu không xử lý sớm, mô nướu có thể bị viêm nhiễm, hoại tử hoặc thậm chí gây tổn thương xương hàm. Khác với vấn đề nha khoa thông thường, để điều trị triệt để tình trạng này bắt buộc phải tiến hành cắt lợi trùm hoặc nhổ bỏ răng khôn.
Răng khôn bị lợi trùm là gì? Dấu hiệu nhận biết
Lợi trùm là tình trạng mô lợi (tổ chức bao xung quanh răng) che phủ gần như toàn bộ răng và chỉ để hở 1 phần rất nhỏ. Tình trạng này thường gặp nhất ở răng khôn (răng số 8). Nguyên nhân là do răng khôn nằm ở vị trí cuối của cung hàm, mọc muộn, bị chèn ép và dễ dẫn đến hiện tượng lợi trùm.
Lợi trùm răng khôn khiến thức ăn dễ mắc kẹt ở kẽ răng dẫn đến hàng loạt các vấn đề nha khoa như viêm nướu, sâu răng, viêm tủy răng và thậm chí là viêm nha chu. Để kịp thời can thiệp các biện pháp điều trị, bạn cần nhận biết tình trạng răng khôn bị lợi trùm thông qua một số dấu hiệu sau:
- Phần lợi xung quanh răng số 8 có dấu hiệu sưng đỏ và bao phủ gần như toàn bộ răng
- Răng số 8 chỉ hở 1 phần rất nhỏ trên cung hàm
- Mô lợi ở răng khôn có xu hướng nhô lên và có thể bị chảy mủ, máu khi nhấn vào
- Mô nướu sưng đau và gây khó khăn khi ăn uống
- Một số trường hợp có thể sưng hàm, nổi hạch và sốt nhẹ
- Hơi thở có mùi
- Có cảm giác cộm vùng lợi khi giao tiếp, ăn uống
Lợi trùm răng khôn thường không phát sinh triệu chứng ở giai đoạn đầu. Sau một khoảng thời gian nhất định, cao răng cùng với thức ăn thừa ứ đọng ở kẽ răng, thúc đẩy sự phát triển của hại khuẩn và dẫn đến hiện tượng viêm nhiễm, đau nhức. Ngoài ra, các triệu chứng do lợi trùm răng khôn có xu hướng nghiêm trọng hơn vào các giai đoạn sinh lý như hành kinh, mang thai, tiền mãn kinh,…
Nguyên nhân gây lợi trùm răng khôn
Nguyên nhân trực tiếp gây lợi trùng răng khôn là do tính chất của răng khôn (răng số 8). Khác với răng ở những vị trí thông thường, răng số 8 mọc khá muộn (từ 17 – 25 tuổi). Lúc này, cung hàm đã phát triển đầy đủ nên răng dễ bị mọc lệch, chèn ép và bị lợi trùm kín. Tuy nhiên, tình trạng này còn phụ thuộc vào cấu trúc hàm của từng người.
Thống kê cho thấy, những trường hợp có răng khôn mọc lệch, mọc ngầm dễ bị lợi trùm hơn so với trường hợp răng khôn mọc thẳng. Tình trạng răng mọc lệch khiến mô nướu phát triển quá mức và che phủ gần như toàn bộ cấu trúc răng.
Răng khôn bị lợi trùm có nguy hiểm không?
Răng khôn bị lợi trùm là nguyên nhân dẫn đến viêm lợi trùm (tình trạng mô lợi bị viêm nhiễm do vi khuẩn). Khác với răng ở những vị trí thông thường, răng số 8 năm ở cuối cùng hàm, cấu trúc răng cứng chắc và chân răng sâu. Do đó nếu xảy ra viêm nhiễm, mô nướu và hàm có thể bị đau nhức, sưng đỏ nhiều, ảnh hưởng không nhỏ đến chức năng nhai, giao tiếp và chất lượng cuộc sống.
Hơn nữa ở một số trường hợp, các túi mủ xung quanh chân răng có thể lan rộng gây ra tình trạng tiêu xương hàm và làm phát sinh các biến chứng nặng nề khác. Do đó ngay khi phát hiện răng khôn bị lợi trùm, bạn nên tìm gặp bác sĩ sớm để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Các biện pháp khắc phục răng khôn bị lợi trùm
Răng khôn bị lợi trùm là điều kiện để phát triển các vấn đề nha khoa như viêm nướu răng, sâu răng, viêm nha chu, viêm tủy răng,… Do đó, cần điều trị sớm để bảo vệ sức khỏe răng miệng và phòng ngừa các biến chứng nặng nề.
Dưới đây là một số biện pháp điều trị, cải thiện tình trạng răng khôn bị lợi trùm:
1. Áp dụng các mẹo giảm đau tại nhà
Trong trường hợp răng khôn bị lợi trùm gây đau nhức, sưng viêm nhưng chưa thể đến phòng khám, bạn có thể áp dụng một số mẹo giảm đau đơn giản sau:
- Ngậm nước muối ấm: Ngậm nước muối ấm là biện pháp sát trùng, giảm sưng và đau nhức do răng khôn bị lợi trùm khá hiệu quả. Nên thực hiện biện pháp này đều đặn 2 – 3 lần/ ngày để giảm các triệu chứng khó chịu và ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn.
- Chườm đá: Trong trường hợp lợi trùm răng khôn gây viêm đỏ và cứng hàm, bạn có thể chườm đá ở xung quanh hàm và má. Nhiệt độ lạnh từ túi chườm có tác dụng làm dịu hiện tượng nóng rát, hỗ trợ giảm phù nề và sưng đau. Tuy nhiên khi chườm, cần tránh chườm đá trực tiếp lên da vì có thể gây bỏng lạnh và kích ứng.
- Ăn sữa chua không đường: Ăn sữa chua không đường là mẹo giảm đau nhức mô nướu khá hiệu quả. Sữa chua giúp làm mát mô nướu, từ đó cải thiện tình trạng sưng viêm và đỏ rát. Bên cạnh đó, loại thực phẩm này còn kích thích lợi khuẩn phát triển và ức chế sự phát triển của hại khuẩn trong khoang miệng.
Các mẹo giảm đau tại nhà chỉ mang lại hiệu quả tạm thời. Do đó, bạn nên sắp xếp thời gian để đến phòng khám nha khoa trong thời gian sớm nhất. Tình trạng chủ quan có thể khiến hiện tượng viêm nhiễm nặng dần theo thời gian và ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe răng miệng.
2. Sử dụng thuốc trị lợi trùm răng khôn
Đối với trường hợp lợi trùm răng khôn đã xuất hiện viêm nhiễm, bạn cần sử dụng thuốc trước khi can thiệp các thủ thuật nha khoa khác. Tùy vào triệu chứng cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc sau:
- Kháng sinh: Kháng sinh được sử dụng khi lợi trùm răng khôn bị viêm nhiễm do vi khuẩn. Các loại kháng sinh thường được sử dụng bao gồm Amoxicillin, Penicillin,… Khi sử dụng nhóm thuốc này, cần dùng đều đặn theo hướng dẫn của bác sĩ. Tuyệt đối không ngưng thuốc sớm hơn chỉ định vì có thể gây ra hiện tượng kháng thuốc.
- Thuốc chống phù nề: Lợi trùng răng khôn có thể gây viêm mô nướu bao xung quanh răng số 8. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể chỉ định thuốc Alphachymotrypsin để giảm viêm và phù nề. Thuốc thường được sử dụng bằng cách ngậm dưới lưỡi. Sử dụng ở dạng uống thường không mang lại hiệu quả như mong đợi.
- Thuốc giảm đau: Đa phần những trường hợp răng khôn bị lợi trùm đều gây đau nhức – đặc biệt là khi ăn uống. Để cải thiện cơn đau, bác sĩ có thể chỉ định Paracetamol. Ngoài tác dụng giảm đau, loại thuốc này còn có tác dụng giảm tình trạng sốt do viêm nhiễm mô nướu.
- Dung dịch súc miệng: Bên cạnh thuốc uống, bác sĩ có thể chỉ định dùng kèm với các loại dung dịch súc miệng có tác dụng kháng khuẩn để ức chế hiện tượng viêm đỏ và đau nhức. Đồng thời hạn chế sự phát triển quá mức của vi khuẩn bên trong khoang miệng.
Sử dụng thuốc là biện pháp khắc phục tình trạng viêm nhiễm mô lợi. Sau khi hiện nhiễm trùng được cải thiện hoàn toàn, bạn cần thực hiện các biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng lợi trùm.
3. Can thiệp các thủ thuật nha khoa
Thực tế, lợi trùng răng khôn chỉ có thể cải thiện dứt điểm bằng các thủ thuật ngoại khoa. Do đó sau khi điều trị bằng thuốc, nha sĩ có thể chỉ định các phương pháp sau:
- Cắt bỏ lợi trùm: Trong trường hợp răng số 8 mọc thẳng, có đủ không gian và không gây chèn ép các răng lân cận, bác sĩ sẽ chỉ định cắt bỏ lợi trùm. Phương pháp này được thực hiện bằng cách gây tê, sau đó loại bỏ 1 phần lợi để răng có thể phát triển bình thường.
- Nhổ răng khôn: Nhổ răng khôn được chỉ định khi răng số 8 mọc lệch, mọc ngầm hoặc đã bị sâu răng. Trong trường hợp này, nhổ bỏ răng không chỉ cải thiện tình trạng lợi trùm mà còn hạn chế được các biến chứng nghiêm trọng về lâu dài.
Sau khi điều trị, bạn cần giữ gìn vệ sinh răng miệng đúng cách để phòng ngừa viêm nhiễm tái phát. Bên cạnh đó, nên chủ động khám răng định kỳ 6 tháng/ lần để được kiểm tra sức khỏe răng miệng và can thiệp điều trị khi cần thiết.
Răng khôn bị lợi trùm là tình trạng khá phổ biến. Mặc dù có nhiều phương pháp điều trị nhưng giải pháp tối ưu đối với tình trạng này là nhổ bỏ răng. Nếu không xử lý sớm, mô nướu xung quanh răng có thể bị viêm nhiễm, hoại tử và gây ra hàng loạt các biến chứng nặng nề khác.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!