Nướu răng bị sưng nhưng không đau có cần lo lắng?
Nội dung bài viết
Nướu răng bị sưng nhưng không đau có thể liên quan đến nhiều nguyên nhân khác nhau. Các tốt nhất để cải thiện tình trạng này là đến gặp nha sĩ để được chẩn đoán và có biện pháp điều trị thích hợp.
Nướu răng bị sưng nhưng không đau có cần lo lắng không?
Sưng nướu răng có thể là dấu hiệu của bệnh viêm nướu. Viêm nướu là bệnh nướu răng phổ biến, thường nhẹ và có thể được cải thiện bằng nhiều biện pháp khác nhau. Tuy nhiên, viêm nướu thường đi kèm các triệu chứng khác, chẳng hạn như:
- Nướu đỏ, mềm hoặc sưng
- Tụt nướu, là tình trạng nướu bị tụt khỏi răng
- Chảy máu răng khi đánh răng hoặc sử dụng chỉ nha khoa
- Răng lung lay
- Có mủ giữa răng và lợi
- Đau khi nhai
- Răng nhạy cảm, đặc biệt là khi dùng thức ăn và đồ uống nóng hoặc lạnh
- Hơi thở có mùi hôi và không biến mất ngay cả khi đã đánh răng
Viêm nướu răng có thể cải thiện bằng cách vệ sinh răng miệng đúng cách. Ngoài ra, người bệnh cũng nên ngừng hút thuốc lá và thực hiện các hướng dẫn của nha sĩ để tránh các rủi ro không mong muốn.
Viêm nướu răng có thể dẫn đến nướu sưng đỏ ở nướu. Tuy nhiên điều này không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến sưng nướu, đặc biệt là khi người bệnh không bị đau. Tình trạng này có thể liên quan đến một số nguyên nhân, chẳng hạn như thiếu dinh dưỡng, khô miệng, mang thai, thậm chí là do các thiết bị nha khoa không phù hợp.
Hầu hết các trường hợp, tình trạng nướu răng bị sưng nhưng không đau không nghiêm trọng và có thể được khắc phục với nhiều biện pháp khác nhau. Tuy nhiên đôi khi tình trạng này cần được đánh giá y tế để tránh các rủi ro không mong muốn. Do đó, tốt nhất người bệnh nên đến gặp nha sĩ để được chẩn đoán và hướng dẫn phù hợp.
Nướu răng bị sưng nhưng không đau do đâu?
Suy dinh dưỡng, khô miệng, mang thai và thậm chí cả các thiết bị nha khoa đều có thể biểu hiện thành mô nướu bị sưng. Cụ thể, các nguyên nhân như sau:
1. Suy dinh dưỡng
Cơ thể cần vitamin và khoáng chất để duy trì sức khỏe, bao gồm cả nướu răng. Do đó, khi không bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, người bệnh có thể gặp các vấn đề về nướu răng, bao gồm khiến nướu răng bị sưng nhưng không đau.
Những người ăn uống không ngon miệng hoặc mắc chứng rối loạn hấp thụ do tuổi tác hoặc các vấn đề khác, người bệnh sẽ khó nhận được tất cả các chất dinh dưỡng mà cơ thể cần.
Tình trạng sưng nướu răng thường là biểu hiện khi mô nướu bị thiếu Vitamin B, C, A, D, K hoặc sắt. Điều này có thể dẫn đến mệt mỏi, mất cân bằng và một số bệnh lý liên quan khác. Do đó, những người không nhận đủ chất dinh dưỡng cần thiết nên trao đổi với bác sĩ hoặc nha sĩ chuyên môn để được hướng dẫn cụ thể.
2. Chứng khô miệng
Khô miệng là tình trạng các tuyến nước bọt trong miệng không tiết đủ nước bọt để giữ cho miệng luôn ướt. Chứng khô miệng thường là do tác dụng phụ của một số loại thuốc, các vấn đề lão hóa, xạ trị do ung thư.
Nước bọt giúp ngăn ngừa sâu răng bằng cách trung hòa axit do vi khuẩn tạo ra, hạn chế sự phát triển của vi khuẩn và hỗ trợ loại bỏ các mảnh thức ăn. Nước bọt cũng giúp tăng cường chức năng vị giác và hỗ trợ quá trình nhai, nuốt hơn. Ngoài ra, các enzym trong nước bọt có thể hỗ trợ tiêu hóa.
Tình trạng khô miệng liên tục gây mất lớp nước bọt bảo vệ mô nướu. Điều này dẫn đến viêm nướu hoặc khiến nướu răng bị sưng nhưng không đau. Đôi khi chứng khô miệng được xem là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sưng nướu mà không đau.
Khi không tiết đủ nước bọt, người bệnh sẽ nhận thấy các dấu hiệu và triệu chứng, chẳng hạn như:
- Khô miệng hoặc có cảm giác dính trong miệng
- Nước bọt trở nên dày và đặc
- Hôi miệng
- Khó nhai và nuốt
- Khô, đau họng và khàn giọng
- Lưỡi khô và có rãnh
- Thay đổi về khả năng cảm nhận mùi vị
- Có vấn đề khi mang răng giả hoặc các thiết bị nha khoa khác
Việc điều trị chứng khô miệng phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng này. Do đó, người bệnh nên đến bệnh viện hoặc đến gặp nha sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
3. Thai kỳ
Các hormone thai kỳ là một phần quan trọng đối với phụ nữ mang thai. Trong thời kỳ mang thai, sự gia tăng tự nhiên của hormone thai kỳ sẽ gây ra sự gia tăng lưu lượng máu đến mô nướu. Điều này có thể khiến một số phụ nữ bị sưng nướu, có thể đau hoặc không đau.
Sự gia tăng lưu lượng máu này cũng có xu hướng khiến mô nướu tăng cường phản ứng với các mảng bám hiện có trong miệng. Tình trạng này có thể dẫn đến bệnh viêm lợi ở phụ nữ mang thai.
4. Các thiết bị nha khoa
Những người đeo răng giả có thể gặp tình trạng răng giả bắt đầu không vừa và lệch ra khỏi hàm. Điều này là hoàn toàn bình thường do sự thay đổi tự nhiên theo thời gian. Do đó, người dùng có thể cân nhắc việc làm lại răng để ngăn ngừa tình trạng sưng nướu hoặc kích ứng nướu răng.
Chỉnh hình răng giả là một thủ thuật đơn giản nhằm định hình lại mặt dưới của hàm giả để tạo cảm giác thoải mái hơn. Điều này cũng giúp răng bám vào nướu, ngăn ngừa kích ứng mô và hạn chế tình trạng nướu răng bị sưng nhưng không đau.
Cách tốt nhất để xác định nguyên nhân gây sưng nướu là đến gặp nha sĩ để xác định các triệu chứng liên quan. Trao đổi với nha sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
Nướu răng bị sưng nhưng không đau phải làm sao?
Sưng nướu răng là tình trạng phổ biến và có thể cải thiện bằng nhiều biện pháp tại nhà. Tuy nhiên nếu nướu vẫn sưng trong vòng một tuần sau khi áp dụng các biện pháp cải thiện, người bệnh nên đến gặp nha sĩ để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Một số biện pháp xử lý khi nướu răng bị sưng nhưng không đau bao gồm:
1. Súc miệng bằng nước muối
Súc miệng bằng nước muối có thể làm giảm số lượng vi khuẩn có hại trên nướu và hỗ trợ giảm sưng. Để súc miệng với nước muối, người bệnh có thể:
- Trộn 1 thìa cà phê muối và 220 ml nước ấm
- Dùng nước này súc miệng trong 30 giây
- Nhổ nước muối sau khi súc miệng và không nuốt nước này
- Thực hiện biện pháp 2 – 3 lần mỗi ngày cho đến khi nướu răng không còn sưng
2. Chườm ấm và chườm lạnh
Chườm nóng hoặc chườm lạnh có thể giúp giảm sưng ở nướu răng bị ảnh hưởng.
Người bệnh có thể nhúng khăn vào nước ấm, vắt ráo nước, sau đó giữ khăn này trên má, bên ngoài miệng, nơi nướu răng bị sưng trong 5 phút. Không trực tiếp chườm ấm lên nướu răng để tránh kích ứng nướu.
Bọc đá lạnh bên trong một túi vải hoặc khăn sạch sau đó chườm lên má khoảng 5 phút.
Lặp lại chu kỳ ấm, lạnh này thêm 2 – 3 lần để cải thiện các triệu chứng sưng ở nướu.
3. Sử dụng nước súc miệng Hydrogen peroxide
Các chuyên gia cho biết, nước súc miệng Hydrogen peroxide (oxy già) có thể cải thiện tình trạng sưng nướu, đỏ, đau và hỗ trợ làm sạch vi khuẩn ở nướu. Cụ thể, người bệnh có thể thực hiện như sau:
- Trộn 3 thìa nước Hydrogen peroxide 3% với 3 thìa nước
- Dùng hỗn hợp này súc miệng trong khoảng 30 giây
- Nhổ hỗn hợp sau khi súc miệng và không được nuốt
- Thực hiện biện pháp này 2 đến 3 lần một tuần cho đến khi nướu hết sưng tấy
4. Gel nghệ chữa sưng nướu
Củ nghệ có chứa hoạt chất curcumin, có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm. Theo một số nghiên cứu, gel nghệ có thể ngăn ngừa mảng bám trên răng, cải thiện tình trạng sưng nướu và viêm lợi hiệu quả.
Để cải thiện tình trạng sưng nướu, người bệnh có thể:
- Đánh răng, súc miệng với nước muối
- Bôi gel nghệ dành cho nướu hoặc các vấn đề răng miệng lên nướu bị sưng
- Để gel trên nướu khoảng 10 phút
- Súc miệng với nước sạch để loại bỏ gel nghệ và không nuốt nước này
- Thực hiện biện pháp 2 lần mỗi ngày để khi nướu hết sưng
5. Nha đam chữa sưng nướu răng
Súc miệng với nước nha đam có thể cải thiện tình trạng sưng nướu răng hiệu quả. Theo một số nghiên cứu, hiệu quả này tương tự như chlorhexidine – một loại thuốc điều trị viêm nướu theo đơn.
Người bệnh nướu răng bị sưng nhưng không đau có thể súc miệng với nước súc miệng có chứa nha đam 2 lần mỗi ngày, trong 10 ngày liên tục để cải thiện các triệu chứng.
Biện pháp chăm sóc nướu răng tại nhà
Người có nướu răng bị sưng nhưng không đau có thể tham khảo một số cách chăm sóc nướu răng tại nhà như sau:
- Đánh răng ít nhất hai lần một ngày và dùng chỉ nha khoa thường xuyên để loại bỏ vi khuẩn, mảng bám hoặc thức ăn thừa. Hầu hết các trường hợp nướu bị sưng là do viêm nướu, do đó vệ sinh răng miệng tốt là một biện pháp phòng ngừa và chăm sóc nướu răng hiệu quả.
- Đảm bảo rằng kem đánh răng (hoặc nước súc miệng) không gây kích ứng nướu. Nếu nghi ngờ các sản phẩm vệ sinh răng miệng gây kích ứng nướu răng, hãy thử một nhãn hiệu khác.
- Tránh hút thuốc là và các sản phẩm thuốc lá. Thuốc lá có thể gây kích ứng nướu răng và gây sưng nướu.
- Tránh đồ uống có cồn vì các loại đồ uống này có thể gây kích ứng nướu và gây sưng nướu.
- Thêm trái cây và rau quả vào bữa ăn của bạn để đảm bảo chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ chất dinh dưỡng và khoáng chất cần thiết.
- Không ăn thức ăn như bỏng ngô hoặc các loại thực phẩm có thể mắc kẹt giữa răng và nướu.
- Hạn chế tiêu thụ đồ uống và thức ăn có đường.
Ngoài ra, người bệnh nên đến gặp nha sĩ khi nướu răng bị sưng, kể cả đau hoặc không đau. Mặc dù các biện pháp chăm sóc tại nhà có thể mang lại hiệu quả cao, tuy nhiên nếu các phương pháp này không hiệu quả, hãy đến gặp nha sĩ để đảm bảo tình trạng sưng nướu không phải là triệu chứng của các bệnh lý nghiêm trọng hơn.
Nướu răng bị sưng nhưng không đau là tình trạng phổ biến, thường không nghiêm trọng và có thể cải thiện bằng nhiều biện pháp khác nhau. Có một số biện pháp có thể cải thiện tình trạng này, chẳng hạn như vệ sinh răng miệng tốt, súc miệng bằng nước muối và điều chỉnh chế độ ăn uống. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài hơn một tuần, hãy đến gặp nha sĩ để được hướng dẫn và điều trị theo phác đồ chuyên nghiệp.
Tham khảo thêm: Viêm lợi nên ăn gì, kiêng gì giảm nhanh sưng đau?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!