Mang thai tuần thứ mấy thì hết nghén? 7-8-9-…?
Nội dung bài viết
Mang thai tuần thứ mấy thì hết nghén là thắc mắc của hầu hết phụ nữ mang thai, đặc biệt là những người nghén nghiêm trọng. Bà bầu có thể tham khảo một số thông tin cơ bản trong bài viết để cải thiện cơn ốm nghén và có kế hoạch chăm sóc sức khỏe phù hợp.
Ốm nghén là gì?
Ốm nghén là một triệu chứng phổ biến khi mang thai, bao gồm cảm giác buồn nôn và nôn. Đôi khi ốm nghén được xem là dấu hiệu mang thai ở phụ nữ trong giai đoạn đầu. Trên thực tế có 4 trên 5 phụ nữ xuất hiện các triệu chứng ốm nghén khi mang thai trong 3 tháng đầu.
Các triệu chứng phổ biến của ốm nghén bao gồm buồn nôn, nôn và chán ghét một số loại thực phẩm nhất định. Một số nhà nghiên cứu cho rằng ốm nghén có liên quan đến một loại hormone được sản xuất trong thời kỳ mang thai, gọi là gonadotropin màng đệm ở người. Các chuyên gia cũng cho rằng, ốm nghén là cách cơ thể người mẹ bảo vệ thai nhi khỏi các bệnh lý do thực phẩm và hóa chất có hại.
Các dấu hiệu và triệu chứng khác của ốm nghén bao gồm:
- Buồn nôn
- Nôn
- Đau đầu
- Thay đổi thói quen ăn uống đột ngột
- Không thích một số loại thực phẩm
- Tim đập loạn nhịp
Mặc dù gây khó chịu nhưng ốm nghén được xem là một dấu hiệu của thai kỳ khỏe mạnh. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những phụ nữ bị ốm nghén có thể giảm đáng kể nguy cơ sảy thai trong vòng 8 tuần đầu của thai kỳ. Tuy nhiên, cơ thể mỗi phụ nữ là khác nhau, do đó một số bà bầu có thể không nghén hoặc nghén không nghiêm trọng. Do đó, đôi khi một số bà bầu có thể mang thai không nghén.
Mang thai tuần thứ mấy thì hết nghén?
Khoảng 80 – 90% phụ nữ mang thai xuất hiện các cơn ốm nghén đầu tiên vào tuần thứ năm của thai kỳ. Một số phụ nữ có thể bị ốm nghén trước khi mất kinh nguyệt, tuy nhiên hầu hết phụ nữ bắt đầu buồn nôn khoảng một tuần rưỡi sau chu kỳ kinh nguyệt cuối cùng.
Tình trạng ốm nghén bắt đầu trở nên nghiêm trọng hơn vào tuần thứ 6, 7, 8 của thai kỳ. Đỉnh điểm của ốm nghén ở mỗi phụ nữ thường khác nhau, tuy nhiên thường phổ biến vào tuần thứ 9. sau thời gian này, cơn ốm nghén thường bắt đầu giảm vào tháng thứ 3 hoặc thứ 4. Gần như phụ nữ mang thai bắt đầu bước vào tuần thứ 14 của thai kỳ mà không xuất hiện bất cứ dấu hiệu ốm nghén nào.
Tuy nhiên, đôi khi cơn ốm nghén có thể kéo dài suốt cả thai kỳ và không biến mất. Mặc dù điều này hiếm khi xảy ra, nhưng bà bầu bị ốm nghén liên tục nên đến bệnh viện để được hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe phù hợp.
Do đó, để giải đáp thắc mắc mang thai tuần thứ mấy thì hết nghén, các chuyên gia cho biết, hầu hết các trường hợp, cơn nghén sẽ được cải thiện vào tam cá nguyệt thứ hai, thường là tuần thứ 14. Tuy nhiên thời gian kết thúc tình trạng ốm nghén có thể không giống nhau ở mỗi phụ nữ.
Ốm nghén có nguy hiểm không?
Ốm nghén là một dấu hiệu sớm của thai kỳ và thường không dẫn đến các rủi ro nghiêm trọng. Tuy nhiên có một dạng ốm nghén nghiêm trọng, gọi là Hyperemesis gravidarum. Tình trạng này dẫn đến buồn nôn và nôn mửa nghiêm trọng trong suốt thai kỳ. Ốm nghén nghiêm trọng thường hiếm khi xảy ra và hiện tại vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Khác với ốm nghén thông thường, ốm nghén nghiêm trọng có thể dẫn đến các dấu hiệu như:
- Buồn nôn không thuyên giảm
- Buồn nôn kèm theo nôn mửa dữ dội
- Nôn mửa dẫn đến mất nước nghiêm trọng
- Giảm hơn 4.5 kg hoặc 5% trọng lượng cơ thể do nôn
- Cảm thấy chóng mặt và lâng lâng
Nếu không được điều trị phù hợp, ốm nghén nghiêm trọng có thể dẫn đến mất nước và tăng cân kém trong thai kỳ. Tình trạng này cũng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của phụ nữ và tăng nguy cơ trầm cảm khi mang thai.
Ốm nghén nghiêm trọng thường kéo dài ngoài tam cá nguyệt thứ nhất và được cải thiện vào tháng thứ năm của thai kỳ. Bên cạnh đó, một số phụ nữ có thể bị ốm nghén trong suốt thai kỳ và không được cải thiện.
Đến bệnh viện nếu bà bầu bị nôn nhiều lần trong ngày và không thể ăn, uống bất cứ thứ gì kể từ lúc bị ốm nghén.
Các biện pháp cải thiện chứng ốm nghén
Không có cách nào có thể ngăn ngừa cơn ốm nghén, nhưng có nhiều cách để kiểm soát các triệu chứng. Bác sĩ có thể đề nghị bà bầu sử dụng vitamin B6 bổ sung, thuốc kháng histamine hoặc thuốc chống buồn nôn để cải thiện chất lượng cuộc sống. Trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc, vitamin hoặc thảo mộc nào trong thai kỳ. Một số hoạt chất có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của bé.
Ngoài ra, bà bầu có thể tham khảo một số biện pháp cải thiện cơn ốm nghén tại nhà, chẳng hạn như:
1. Bổ sung gừng
Gừng là một phương thuốc tự nhiên được sử dụng để điều trị cơn ốm nghén và chống buồn nôn. Các chuyên gia cho rằng, các hợp chất có trong gừng có thể hoạt động như một loại thuốc chống buồn nôn.
Tiêu thụ gừng trong thai kỳ được xem là an toàn và phù hợp. Tuy nhiên những người huyết áp thấp, có lượng đường trong máu cao hoặc đang sử dụng thuốc làm loãng máu nên hạn chế sử dụng gừng.
Thêm gừng vào chế độ ăn uống, uống trà gừng hoặc ngậm một lát gừng có thể hỗ trợ ngăn ngừa tình trạng buồn nôn và cải thiện cơn ốm nghén.
2. Ăn các bữa ăn nhỏ và thường xuyên
Buồn nôn khi ăn có thể khiến một số phụ nữ hạn chế ăn khi mang thai. Tuy nhiên không ăn có thể khiến cơn ốm nghén trở nên nghiêm trọng hơn và gây ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi. Do đó, để tránh bị đói, bà bầu nên ăn các bữa ăn nhỏ và thường xuyên hơn thay vì ba bữa lớn mỗi ngày.
Để ngăn ngừa cơn buồn nôn vào buổi sáng, bà bầu có thể ăn một ít bánh quy giòn, bánh mì khô hoặc ngũ cốc với một số lượng nhất định ngay khi thức dậy.
3. Hạn chế một số loại thực phẩm
Phụ nữ mang thai cần cố gắng tránh các loại thức ăn nhiều chất béo hoặc dầu mỡ. Ngoài ra thức ăn quá ngọt, thức ăn cau và thức ăn có thể sinh khí trong dạ dày cũng cần hạn chế tiêu thụ.
Thay vào đó, phụ nữ mang thai nên tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu protein, nhiều carbohydrate, thức ăn ít chất béo, nhạt và khô để ngăn ngừa cơn ốm nghén. Bên cạnh đó, bà bầu cũng có thể chống buồn nôn trong các bữa ăn bằng cách tránh ăn và uống cùng một lúc.
4. Tránh các mùi mạnh
Các mùi hương mạnh từ môi trường có thể kích thích các cơn buồn nôn. Do đó phụ nữ mang thai nên tránh các chất có mùi lạnh, chẳng hạn như nước hoa và khói thuốc lá. Khi nấu ăn hãy mở cửa sổ để giảm thiểu mùi khi nấu nướng và hạn chế cơn ốm nghén.
5. Áp dụng liệu pháp mùi thơm
Ngửi mùi bạc hà, chanh hoặc cam có thể giảm cảm giác buồn nôn và ngăn ngừa cơn ốm nghén. Phụ nữ mang thai có thể sử dụng ống hít có mùi bạc hà, chanh cam hoặc uống trà bạc hà để cải thiện cơn buồn nôn.
6. Bổ sung vitamin trước khi sinh
Một số loại vitamin trước khi sinh có chứa chất sắt, điều này có thể làm trầm trọng hơn các cảm giác buồn nôn và ốm nghén. Do đó, để cải thiện các triệu chứng, bà bầu nên uống vitamin trước khi đi ngủ, thay vì vào buổi sáng.
Nếu các triệu chứng không được cải thiện, bà bầu có thể trao đổi với bác sĩ để thay đổi loại vitamin. Ngoài ra, không được tự ý ngừng sử dụng vitamin bổ sung mà không nhận được sự đồng ý của bác sĩ để tránh tình trạng thiếu sắt khi mang thai.
7. Hít thở chậm
Hít thở sâu và chậm có thể giảm cảm giác buồn nôn và ốm nghén. Một số nghiên cứu cho biết việc hít thở từ từ bằng mũi và thở ra bằng miệng ba lần có thể ngăn ngừa cơn buồn nôn hiệu quả.
8. Châm cứu và bấm huyệt
Châm cứu và bấm huyệt là hai kỹ thuật được sử dụng trong Y học cổ truyền để cải thiện tình trạng buồn nôn và ngăn ngừa các ốm nghén. Bác sĩ y học cổ truyền sẽ sử dụng lực tác động hoặc các kim dài mỏng để đưa vào các huyệt đạo cụ thể trên cơ thể. Điều này có thể hỗ trợ kích thích các sợi thần kinh, dẫn truyền tín hiệu đến não, tủy sống và ngăn ngừa cơn buồn nôn.
Một số nghiên cứu cho biết, châm cứu và bấm huyệt có hiệu quả tương tự như thuốc chống buồn nôn. Tuy nhiên châm cứu và bấm huyệt nên được thực hiện bởi người có chuyên môn để tránh các rủi ro không mong muốn.
9. Điều trị y tế
Nếu các cơn ốm nghén nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị bà bầu sử dụng thuốc chống buồn nôn và hỗ trợ giữ thức ăn, chất lỏng. Các loại thuốc thường được sử dụng bao gồm:
- Thuốc kháng histamine có thể giảm cảm giác buồn nôn
- Phenothiazine hỗ trợ ngăn ngừa các cơn buồn nôn và nôn mửa nghiêm trọng
- Metoclopramide hỗ trợ da giày di chuyển thức ăn vào ruột và giảm cảm giác buồn nôn, nôn
- Thuốc kháng axit có thể hấp thụ axit dạ dày, ngăn ngừa trào ngược dạ dày thực quản và cải thiện cơn buồn nôn
Phụ nữ mang thai không nên tự ý sử dụng thuốc mà không nhận được sự chỉ định của bác sĩ chuyên môn để tránh các rủi ro không mong muốn.
Khi nào nên đến bệnh viện?
Bà bầu nên đến bệnh viện nếu các cơn ốm nghén nghiêm trọng hoặc nôn mửa dẫn đến mất chất lỏng và mệt mỏi. Các dấu hiệu mất nước bao gồm nước tiểu sẫm màu, chóng mặt, tim đập nhanh hoặc chóng mặt, choáng váng khi đứng lên từ tư thế ngồi.
Bên cạnh đó, đến bệnh viện ngay khi bà bầu nôn ra máu.
Tình trạng ốm nghén thường giảm bớt khi mang thai tháng thứ tư. Đôi khi một số phụ nữ có thể bị ốm nghén trong suốt thai kỳ, điều này là hoàn toàn bình thường. Ốm nghén thường không nghiêm trọng và có thể được điều trị bằng các biện pháp khắc phụ tại nhà. Tuy nhiên nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng, bà bầu nên đến bệnh viện để được hướng dẫn các biện pháp khắc phục phù hợp.
Có thể bạn quan tâm: 10+ cách giảm ốm nghén nhanh nhất tại nhà – Mẹo hay
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!