Đau Răng Hàm: Nguyên Nhân Và Cách Khắc Phục Nhanh

Đau răng hàm có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó phổ biến nhất là viêm nướu, sâu răng, mọc răng khôn, nhai thức ăn quá cứng, dai,… Thông thường, tình trạng này sẽ nhanh chóng thuyên giảm sau khi dùng thuốc không kê toa và áp dụng một số biện pháp tại nhà. Tuy nhiên để hạn chế tái phát, nên cân nhắc điều trị y tế trong trường hợp cần thiết. 

Đau răng hàm
Đau răng hàm trên, hàm dưới do đâu? Có nguy hiểm không?

Nhận biết đau nhức răng hàm

Răng hàm là răng có chiều cao thấp, mặt nhai lớn và có nhiều rãnh, kẽ. Mỗi người có tất cả 20 chiếc răng hàm (bao gồm răng từ vị trí số 4 – 8), trong đó răng số 6 và số 7 là hai răng hàm có chức năng quan trọng nhất đối với hoạt động nhai. So với răng cửa và răng nanh, răng hàm phải phải chịu áp lực lớn khi ăn uống nên rất dễ bị đau nhức.

Dấu hiệu nhận biết đau nhức răng hàm:

  • Răng số 4 đến số 8 ở hàm trên hoặc hàm dưới xuất hiện cơn đau, đau âm ỉ hoặc đau nhói đột ngột
  • Chân răng có dấu hiệu lung lay, ê buốt răng
  • Vùng nướu bao xung quanh răng có hiện tượng sưng đỏ và phù nề, một số trường hợp còn có thể bị chảy máu, ứ mủ
  • Khó khăn khi ăn uống do răng đau nhiều
  • Hàm cứng, khó há miệng
  • Nổi hạch ở tai, cổ hoặc sau gáy
  • Có thể gây sốt nhẹ, cơ thể mệt mỏi và uể oải

Đau răng hàm cũng có thể đi kèm với một số triệu chứng nặng nề hơn nếu bắt nguồn từ những nguyên nhân nghiêm trọng. Tuy nhiên, đa phần đau răng hàm đều có mức độ nhẹ và có thể thuyên giảm tại nhà nếu chăm sóc, xử lý đúng cách.

Nguyên nhân gây đau răng hàm

Vì giữ vai trò quan trọng đối với chức năng sinh lý nên tình trạng đau răng hàm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống. Để kịp thời áp dụng biện pháp khắc phục phù hợp, bạn cần xác định nguyên nhân cụ thể gây đau răng hàm dưới và răng hàm trên.

Theo các chuyên gia, đau răng hàm có thể bắt nguồn từ những nguyên nhân sau:

1. Do các bệnh nha khoa

Đau nhức răng hàm dưới và hàm trên có thể là biểu hiện của các bệnh nha khoa như:

đau răng hàm thì phải làm sao
Sâu răng là một trong những nguyên nhân gây đau nhức răng hàm
  • Viêm nướu (viêm lợi): Viêm nướu được xem là nguyên nhân phổ biến nhất gây đau răng – đặc biệt là răng hàm. Bệnh lý này xảy ra khi vi khuẩn thường trú trong khoang miệng phát triển mạnh và tấn công vào mô nướu bao xung quanh chân răng gây đỏ, sưng, phù nề và chảy máu. Trong một số ít trường hợp, viêm lợi có thể xảy ra do virus, nấm và một số loại vi khuẩn từ bên ngoài xâm nhập vào.
  • Sâu răng: Sâu răng là bệnh lý nha khoa phổ biến ở mọi lứa tuổi, đặc trưng bởi tình trạng mất mô cứng của răng do quá trình hủy khoáng của hại khuẩn. Ban đầu, bệnh thường không gây đau nhức hay ê buốt mà chỉ biểu hiện thông qua đốm, lỗ nâu đen trên bề mặt răng. Tuy nhiên khi sâu răng tiến triển, vi khuẩn có thể xâm nhập vào ngà răng, tủy răng và gây đau nhức âm ỉ đến dữ dội.
  • Viêm nha chu: Viêm nha chu là tình trạng viêm nhiễm nặng, thường tiến triển từ bệnh viêm nướu không được điều trị dứt điểm. Bệnh lý này xảy ra khi vi khuẩn gây nhiễm trùng xâm nhập sâu vào các mô nướu bao quanh chân răng khiến răng suy yếu, tổn thương và tụt lợi. Viêm nha chu thường xảy ra ở răng hàm do thức ăn thừa dễ tích tụ ở các kẽ, hình thành vôi răng và tạo điều kiện cho hại khuẩn phát triển. Nếu không xử ý sớm, xương ổ răng có thể bị hư hại và dẫn đến răng lung lay hoặc thậm chí là mất răng.
  • Mọc răng khôn (răng số 8): Răng số 8 là răng hàm cuối cùng và có xu hướng mọc khá trễ (17 – 25 tuổi). Mỗi người có khoảng 4 răng khôn hoặc ít hơn tùy vào yếu tố di truyền. Vì mọc khá muộn và nằm ở vị trí cuối cùng của cung hàm nên răng khôn dễ mọc lệch, mọc ngầm và gây chèn ép các răng lân cận. Do đó, hơn 80% trường hợp răng khôn mọc đều gây sưng mô nướu, sốt nhẹ và đau nhức răng hàm. Tuy nhiên, vì răng chưa nhú lên toàn bộ nên nhiều người lầm tưởng cơn đau xảy ra ở răng số 6 và số 7.
  • Một số bệnh lý khác: Ngoài ra, đau răng hàm cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh lý như viêm tủy răng (sâu răng tiến triển), áp xe chân răng,… Các bệnh lý này đều có thể gây đau nhức và ê buốt răng. Ở những trường hợp nặng, bạn có thể gặp phải một số triệu chứng toàn thân như mệt mỏi, chán ăn, sốt, đau đầu,…

2. Nhai thức ăn cứng gây đau răng hàm

Răng hàm có chức năng chính là nhai và nghiền nát thức ăn. Do đó, răng có thể bị đau nhức nếu thường xuyên dùng các thức ăn cứng và dai. Để nghiền nát các loại thực phẩm này, răng phải chịu áp lực lớn dẫn đến kích thích chân răng, mô nướu và gây đau nhức. Ngoài ra trong quá trình ăn uống, mẫu thức ăn cứng có thể ma sát vào mô nướu gây chảy máu, viêm và đau nhức.

đau răng hàm thì phải làm sao
Ăn thực phẩm khô, cứng và dai có thể khiến răng hàm và mô nướu bị kích thích, sưng đỏ và đau nhức

Nếu xảy ra do nguyên nhân này, tình trạng đau nhức răng có thể thuyên giảm chỉ sau vài ngày. Tuy nhiên nếu duy trì thói quen này thường xuyên, men răng có thể bị phá vỡ, răng suy yếu và dễ mắc các bệnh lý nha khoa. Mặc dù không phổ biến nhưng đã có không ít trường hợp bị sứt mẻ răng do ăn thức ăn quá khô, cứng và dai.

3. Chấn thương

Ngoài những nguyên nhân kể trên, đau răng hàm còn có thể xảy ra do chấn thương khi sinh hoạt, lao động,… Tác động mạnh có thể khiến răng và mô nướu bị kích thích và đau nhức. Trong trường hợp nặng, răng có thể bị mẻ, nứt, mô nướu xây xước và chảy máu.

4. Do các thủ thuật nha khoa

Răng hàm cũng có thể bị đau nhức sau khi thực hiện các thủ thuật nha khoa như:

Cách chữa đau răng hàm
Răng hàm có thể bị đau nhức, ê buốt sau khi trám răng và thực hiện một số thủ thuật nha khoa
  • Trám răng sâu
  • Điều trị nội nha
  • Bọc răng sứ
  • Niềng răng – chỉnh nha
  • Nhổ răng
  • Tẩy trắng răng

Tình trạng đau nhức sau khi thực hiện các thủ thuật nha khoa có thể thuyên giảm sau khoảng vài ngày. Trong trường hợp đau nhiều, bác sĩ có thể kê toa một số loại thuốc chống viêm và giảm đau. Phản ứng viêm đau sau khi can thiệp các thủ thuật nha khoa là hiện tượng sinh lý bình thường. Do đó, bạn không nên quá lo lắng khi răng hàm bị đau nhức, ê buốt.

5. Ảnh hưởng của một số bệnh hô hấp

Ít ai biết rằng, đau răng hàm còn có thể là hệ quả do ảnh hưởng của các bệnh lý hô hấp sau:

Đau răng hàm
Đau răng hàm còn có thể là hệ quả của bệnh viêm xoang và một số bệnh hô hấp khác
  • Viêm xoang: Viêm xoang là bệnh lý hô hấp có khả năng gây đau răng hàm trên do các mô xoang nằm gần với dây thần kinh chi phối cảm giác của răng. Tình trạng viêm nhiễm mô xoang có thể khiến răng bị đau nhói, ê buốt và khó khăn khi ăn uống.
  • Các bệnh hô hấp khác: Trong một số trường hợp, đau răng hàm còn có thể là hệ quả do bệnh cảm lạnh, viêm họng, viêm amidan,… Các tác nhân gây ra những bệnh lý này có thể xâm nhập vào mô nướu bao xung quanh răng hàm, tích tụ và gây viêm nướu dẫn đến tình trạng răng đau nhức, chảy máu và lung lay.

Đau răng hàm có nguy hiểm không?

Như đã đề cập, răng hàm không chỉ có vai trò thẩm mỹ mà còn giữ chức năng nhai. Do đó, tình trạng đau răng hàm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động ăn uống, sinh hoạt và giao tiếp. Ở một số trường hợp, răng có thể bị đau nhức nhiều, chảy máu, ứ mủ,… tác động nghiêm trọng đến giấc ngủ và chất lượng cuộc sống.

Trên thực tế, đau răng hàm chủ yếu xảy ra do viêm nướu, sâu răng, nhai thức ăn cứng và mọc răng khôn. Hầu hết, các tình trạng này đều không quá nguy hiểm và có thể khắc phục hoàn toàn nếu phát hiện sớm. Ngược lại, tình trạng chủ quan có thể khiến tổn thương ở răng và mô nướu tiến triển nặng khiến chân răng lung lay, hàm co cứng, khó ăn uống, giao tiếp hoặc thậm chí gây mất răng.

Do đó khi răng hàm bị đau, bạn nên thực hiện các biện pháp xử lý tại nhà để kiểm soát cơn đau và một số triệu chứng đi kèm. Nếu nhận thấy tình trạng có mức độ nặng hoặc cơn đau kéo dài dai dẳng, nên chủ động thăm khám để được điều trị y tế kịp thời.

Cách khắc phục đau răng hàm nhanh chóng

Đau răng hàm gây ra cảm giác khó chịu, ảnh hưởng đến hoạt động ăn uống và chất lượng giấc ngủ. Do đó ngay khi triệu chứng bùng phát, bạn nên chủ động thực hiện các biện pháp khắc phục sau:

1. Áp dụng các biện pháp giảm đau tại nhà

Để giảm nhanh cơn đau ở răng hàm, bạn có thể áp dụng một số biện pháp giảm đau tại nhà như:

Cách chữa đau răng hàm
Súc miệng với nước muối – Cách chữa đau răng hàm an toàn và dễ thực hiện nhất
  • Chườm đá: Chườm đá là cách giảm đau nhức răng hàm đơn giản và hiệu quả. Chườm túi đá ở vùng xương quai hàm và má từ 10 – 15 phút có thể giảm đau nhức, cầm máu và cải thiện tình trạng mô nướu sưng viêm, phù nề rõ rệt. Biện pháp này thích hợp với những trường hợp bị đau răng hàm do nhổ răng, mọc răng khôn và viêm nha chu. Tránh chườm đá nếu bị sâu răng vì có thể khiến răng tăng cảm giác ê buốt.
  • Súc miệng với nước muối: Súc miệng với nước muối cũng là một trong những cách chữa đau răng an toàn và dễ thực hiện. Biện pháp này có tác dụng sát trùng, kháng khuẩn, hỗ trợ làm dịu mô nướu bị kích thích. Ngoài ra, muối còn chứa nhiều khoáng chất giúp phục hồi men răng và làm đầy các lỗ sâu li ti không nhìn thấy bằng mắt thường.
  • Dùng gừng tươi: Với đặc tính sát trùng, chống viêm và giảm đau tự nhiên, gừng thường được sử dụng để giảm đau răng. Cách chữa đau răng bằng gừng có thể cải thiện cơn đau nhanh, đồng thời giúp giảm tình trạng mô nướu phù nề, sưng đỏ, chảy máu và ứ mủ. Bạn có thể dùng gừng tươi giã nát, đắp trực tiếp lên chân răng bị tổn thương hoặc đun sôi gừng với nước, sau đó để nguội và dùng súc miệng vài lần trong ngày.
  • Súc miệng bằng lá chè xanh: Chè xanh có tác dụng diệt khuẩn, làm dịu mô nướu và giảm viêm. Do đó, nhân dân thường tận dụng lá chè để nấu nước súc miệng hằng ngày. Ngoài ra với hàm lượng fluor cao, nước lá chè xanh còn giúp răng chắc khỏe và phòng ngừa sâu răng hiệu quả. Tuy nhiên, súc miệng với lá chè xanh có thể gây vàng răng. Do đó, bạn chỉ nên áp dụng cách chữa này trong thời gian ngắn.

Có khá nhiều cách trị đau răng tại nhà. Do đó ngoài những mẹo đơn giản trong bài viết, bạn đọc có thể tận dụng một số loại thảo dược có đặc tính giảm viêm, tiêu sưng và kháng khuẩn như nha đam, đinh hương, lá trầu không, lá lốt, tỏi, mật ong,… để cải thiện tình trạng răng hàm đau nhức, khó chịu.

2. Sử dụng thuốc không kê toa

Nếu răng đau nhiều và không thuyên giảm khi áp dụng các biện pháp tại nhà, bạn có thể sử dụng một số loại thuốc không kê toa như:

cách giảm đau răng hàm
Bạn có thể sử dụng một số loại thuốc như Paracetamol, Alpha Choay, NSAID,… để giảm đau răng hàm
  • Alpha Choay: Alpha Choay là thuốc kháng viêm dạng men chứa thành phần chính là Chymotrypsin được chiết xuất từ tụy bò. Thuốc có thể được dùng ở dạng uống hoặc ngậm dưới lưới với tác dụng chính là giảm viêm, chống phù nề. Alpha Choay thường được dùng trong trường hợp đau răng hàm sau khi nhổ răng, chấn thương hoặc do viêm nhiễm mô nướu.
  • Paracetamol: Paracetamol và các chế phẩm chứa Acetamoniphen được sử dụng phổ biến trong điều trị đau răng hàm. Ngoài khả năng giảm đau, loại thuốc này còn giúp cải thiện tình trạng sốt do mọc răng khôn hoặc viêm nhiễm tổ chức mô mềm bao xung quanh chân răng.
  • Benzocaine: Benzocaine là hoạt chất có tác dụng gây tê, giảm đau tại chỗ. Nếu cơn đau chỉ khu trú ở một vị trí, bạn có thể sử dụng Benzocaine ở dạng bôi, chấm trực tiếp lên vùng nướu bị phù nề, đau nhức.
  • NSAID: Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID). NSAID có tác dụng giảm đau, chống viêm và hạ sốt (không đặc hiệu). Tuy nhiên, loại thuốc này có thể gây chảy máu kéo dài và dễ gây viêm, loét niêm mạc tiêu hóa nên chỉ được sử dụng khi các loại thuốc khác không mang lại hiệu quả.

Các loại thuốc không kê toa có thể giảm nhanh tình trạng đau răng hàm trên và hàm dưới. Tuy nhiên, thuốc chỉ có tác dụng kiểm soát triệu chứng. Do đó nếu cơn đau kéo dài hơn 5 ngày, bạn nên tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị.

3. Điều trị y tế

Hầu hết các trường hợp bị đau răng hàm do viêm nướu, nhổ răng, mọc răng khôn,… có thể thuyên giảm sau khi áp dụng các biện pháp tại nhà. Tuy nhiên để điều trị bệnh triệt để và hạn chế tình trạng tiến triển nặng, bạn nên tìm gặp nha sĩ để được thăm khám và điều trị.

Cách chữa đau răng hàm
Để kiểm soát dứt điểm tình trạng đau răng hàm, bạn nên tìm gặp bác sĩ chuyên khoa Răng hàm mặt

Tùy theo nguyên nhân cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp y tế sau:

  • Dùng kháng sinh + bổ sung fluoride
  • Trám răng
  • Cạo vôi răng
  • Nạo túi nha chu
  • Rút tủy răng
  • Bọc răng sứ
  • Nhổ răng
  • Phẫu thuật ghép xương, mô mềm trong trường hợp viêm nha chu gây tiêu xương ổ răng

Nếu nhận thấy đau răng có mối liên hệ với viêm xoang, bác sĩ sẽ chuyển bạn sang khoa Tai mũi họng để được chẩn đoán và điều trị theo phác đồ phù hợp.

Cách phòng ngừa đau răng hàm hiệu quả

Răng hàm có chức năng quan trọng đối với hoạt động nhai. Do đó, bạn nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa để hạn chế đau răng hàm bùng phát.

Cách chữa đau răng hàm
Chăm sóc và vệ sinh răng miệng là cách phòng ngừa đau răng hàm hiệu quả nhất

Dưới đây là một số cách phòng ngừa đau răng hàm tái phát đơn giản:

  • Đánh răng bằng bàn chải lông mềm từ 2 – 3 lần/ ngày. Bên cạnh đó, nên súc miệng với nước muối, sử dụng chỉ nha khoa và thường xuyên lấy cao răng định kỳ để bảo vệ sức khỏe răng miệng – đặc biệt là răng số 6 và số 7.
  • Chú ý thay bàn chải sau 2 – 3 tháng sử dụng. Ngoài ra, bạn cũng có thể thay bàn chải sớm hơn nếu lông chải bị tưa, rụng,…
  • Thay đổi các thói quen xấu như ăn quá nhiều đường, bánh kẹo, nước ngọt có gas, sử dụng các loại thức ăn có nhiều axit, màu nhân tạo, thức ăn khô cứng, rượu bia,… Bên cạnh đó, nên từ bỏ thói quen hút thuốc lá để bảo vệ sức khỏe nói chung và răng miệng nói riêng.
  • Tích cực điều trị các bệnh nha khoa ngay khi phát hiện ra dấu hiệu của bệnh. Tuyệt đối không để bệnh tiến triển gây tổn thương và đau nhức răng hàm.
  • Thận trọng khi sinh hoạt, lao động để hạn chế chấn thương răng hàm mặt.
  • Không sử dụng tăm hay vật nhọn để làm sạch kẽ răng. Thói quen này có thể khiến men răng bị hư tổn, tạo điều kiện để vi khuẩn xâm nhập và gây tổn thương răng, mô nướu.
  • Lựa chọn phòng khám và bệnh viện uy tín khi can thiệp các thủ thuật nha khoa như tẩy trắng, cạo vôi, nhổ răng, điều trị tủy, nạo túi nha chu,…
  • Chủ động nhổ răng khôn nếu phát hiện răng mọc lệch, mọc ngầm, xiêu vẹo gây chèn ép các răng lân cận.

Đau răng hàm là tình trạng khá phổ biến, có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Hy vọng qua bài viết, bạn đọc có thể hiểu rõ hơn về nguyên nhân và cách xử lý tình trạng này. Trong trường hợp răng hàm đau dữ dội, hàm co cứng, không thể há miệng và cơ thể sốt cao, nên tìm gặp bác sĩ để được xử lý kịp thời và hạn chế tối đa các rủi ro, biến chứng nguy hiểm.

Tham khảo thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *