Đau răng vào ban đêm không ngủ được phải làm sao?

Đau răng vào ban đêm có thể được cải thiện bằng nhiều biện pháp tại nhà và hỗ trợ chất lượng giấc ngủ của người bệnh. Tuy nhiên, những người bị đau răng kéo dài nên đến gặp nha sĩ để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Đau răng vào ban đêm
Đau răng vào ban đêm có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của người bệnh

Tại sao đau răng nghiêm trọng hơn vào ban đêm?

Đau răng có thể xảy ra vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, tuy nhiên cơn đau thường trở nên nghiêm trọng hơn vào ban đêm.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến cơn đau răng nghiêm trọng hơn vào ban đêm là do khi nằm xuống, máu sẽ dồn lên đầu. Lượng máu tăng lên trong khu vực sẽ làm tăng cảm giác đau và áp lực đến răng, khiến cơn đau răng nghiêm trọng hơn.

Bên cạnh đó, đau răng vào ban đêm trở nên tồi tệ hơn bởi vì thường có ít sự phân tâm hơn. Nếu không có điều gì khác phân tán sự chú ý, mọi người thường có xu hướng tập trung vào cơn đau răng. Điều này khiến cơn đau trở nên nghiêm trọng và khiến người bệnh khó đi vào giấc ngủ.

Nguyên nhân gây đau răng vào ban đêm

Nguyên nhân phổ biến nhất có thể gây đau răng là sâu răng. Sâu răng xảy ra khi axit và vi khuẩn phá vỡ men răng, ăn mòn các mô mỏng bên trong răng. Điều này có thể làm lộ các dây thần kinh và dẫn đến các cơn đau răng từ nhẹ đến nghiêm trọng.

Đau răng vào ban đêm có thể liên quan đến các bệnh lý về nướu hoặc các bộ phận khác trên cơ thể. Cụ thể, các nguyên nhân có thể gây đau răng bao gồm:

1. Chấn thương hàm

Các chấn thương hàm có thể bao gồm gãy hoặc lệch hàm là một chấn thương xảy ra ở một hoặc cả hai khớp nối xương hàm dưới với hộp sọ. Các triệu chứng chấn thương có thể từ nhẹ đến nghiêm trọng, chẳng hạn như:

  • Sái quai hàm gây đau đớn, khó chịu khi nhai, cứng hàm hoặc các ảnh hưởng đến răng miệng, chẳng hạn như tê nướu, đau răng liên tục hoặc lung lay răng.
  • Lệch hàm dẫn đến tình trạng hàm nhô ra quá mức, khiến răng không thẳng hàng hoặc không thể ngậm miệng hoàn toàn.
  • Đau răng âm ỉ hoặc nghiêm trọng, đặc biệt là vào ban đêm. Cơn đau này thường xảy ra do các chấn thương mạnh tác động lên vùng mặt, ảnh hưởng đến răng.

Chấn thương hàm nghiêm trọng có thể dẫn đến các vấn đề về hô hấp hoặc ăn uống. Các triệu chứng này cần điều trị y tế ngay lập tức để tránh các rủi ro không mong muốn.

2. Viêm xoang

Viêm xoang và nhiễm trùng xoang  xảy ra khi các mô lót trong xoang bị viêm và sưng tấy. Đau răng, đặc biệt là đau răng vào ban đêm là dấu hiệu phổ biến của bệnh viêm xoang. Điều này được gây ra bởi các áp lực xoang và do dịch thoát ra từ xoang nhiễm trùng. Cảm giác đau thường nằm ở phía sau các răng hàm trên, ở gần với xoang.

Tại sao hay nhức răng vào ban đêm
Đau răng là một trong những dấu hiệu của viêm xoang

Bên cạnh gây đau răng, các triệu chứng khác của nhiễm trùng xoang bao gồm:

  • Áp lực hoặc đau quanh mũi, mắt hoặc trán
  • Chất nhầy mũi đặc và thay đổi màu
  • Chảy nước mũi có mùi vị khó chịu
  • Hôi miệng
  • Sốt
  • Đau tai hoặc ù tai
  • Mệt mỏi
  • Mất khả năng nhận biết mùi và vị
  • Đau họng
  • Giọng khàn

Thông thường các cơn đau răng do nhiễm trùng xoang có thể được cải thiện tại nhà trong 1 – 2 tuần. Tuy nhiên nhiễm trùng cần được điều trị y tế để tránh các rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe.

3. Trám răng bị hỏng

Miếng trám răng sâu không tồn tại mãi mãi và đôi khi miếng trám có thể bị hỏng hoặc rơi ra ngoài. Có nhiều nguyên nhân có thể làm hỏng miếng trám, chẳng hạn như:

  • Sâu răng hoặc tổn thương răng mới xung quanh miếng trám
  • Nhai thức ăn cứng hoặc lạm dụng răng
  • Nghiến răng hoặc nghiến răng khi ngủ
  • Chấn thương răng hoặc chân răng

Miếng trám răng bị hỏng có thể dẫn đến các cơn đau răng âm ỉ, đặc biệt là vào ban đêm khi các áp lực tác động lên răng.

Bên cạnh đó, nếu không được thay thế trong vào ngày, tình trạng này có thể gây tổn thương răng nghiêm trọng. Vi khuẩn và các mảnh thức ăn có thể dính vào chỗ trống và gây tổn thương răng. Ngoài ra, miếng trám răng bị hỏng có thể làm lộ ngà răng, điều này khiến răng trở nên nhạy cảm, gây ê buốt, đau đớn và có thể ảnh hưởng đến tủy răng. Do đó, nếu miếng trám răng bị hư hỏng, người bệnh cần có biện pháp xử lý, thay thế kịp thời.

4. Thức ăn và mảnh vụn nhét vào răng

Các loại thức ăn, chất vô cơ và các chất hữu cơ có thể bám vào răng, dẫn đến kích thích hoặc tổn thương răng. Bên cạnh đó, nếu không làm sạch răng vào ban đêm, các mảnh vụn thức ăn có thể kết hợp với axit và dẫn đến tình trạng đau răng vào ban đêm.

Tình trạng này có thể dẫn đến khó chịu, đau răng và làm tăng nguy cơ sâu răng. Do đó, mọi người nên đánh răng hai lần mỗi ngày và sử dụng chỉ nha khoa 1 lần mỗi ngày để làm sạch răng và ngăn ngừa các cơn đau răng.

5. Nhiễm trùng răng

Áp xe răng hay nhiễm trùng răng là tình trạng hình thành một túi mủ chứa vi khuẩn ở các vùng khác nhau của răng. Áp xe quanh răng thường xảy ra do sâu răng không được điều trị, chấn thương răng hoặc tác dụng phụ của các biện pháp chăm sóc răng.

hiện tượng nhức răng vào ban đêm
Nhiễm trùng răng có thể dẫn đến các cơn đau răng dữ dội vào ban đêm

Các dấu hiệu và triệu chứng nhiễm trùng răng phổ biến bao gồm:

  • Đau răng, đặc biệt là đau răng vào ban đêm dữ dội
  • Đau nhói có thể lan đến xương hàm, cổ hoặc tai
  • Nhạy cảm với nhiệt độ nóng và lạnh
  • Sốt
  • Sưng lợi, má hoặc mặt
  • Đau và sưng các hạch bạch huyết ở cổ hoặc hàm
  • Chảy dịch mủ có mùi hôi, mặn trong miệng (nếu áp xe bị vỡ)

Áp xe răng cần được điều trị dẫn lưu để loại bỏ nhiễm trùng. Nha sĩ có thể đề nghị lấy tủy răng hoặc nhổ răng nếu cần thiết. Nếu không được điều trị, áp xe răng có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, thậm chí là gây nguy hiểm đến tính mạng.

6. Mọc răng khôn

Răng khôn là răng mọc cuối cùng bằng cách đâm thủng một phần hoặc toàn bộ nướu. Điều này có thể dẫn đến các cơn đau răng, dữ dội và nghiêm trọng và ban đêm. Một người có tổng cộng 4 chiếc răng khôn và răng thường không mọc cùng lúc, do đó cơn đau do mọc răng khôn có thể lặp lại tại nhiều thời điểm khác nhau.

Ngoài ra, răng khôn mọc khi hàm đã ổn định. Do đó, nếu không có đủ không gian để phát triển, răng khôn có thể gây ảnh hưởng đến các răng bên cạnh và dẫn đến các cơn đau răng âm ỉ.

7. Bệnh nướu răng

Các bệnh nướu răng, chẳng hạn như viêm lợi và viêm nha chu có thể dẫn đến các cơn đau răng vào ban đêm. Các triệu chứng và dấu hiệu phổ biến của bệnh nướu răng bao gồm:

  • Nướu sưng, đỏ hoặc mềm
  • Chảy máu khi đánh răng hoặc dùng chỉ nha khoa
  • Răng lung lay
  • Có mủ giữa răng và lợi
  • Đau khi nhai
  • Răng nhạy cảm
  • Hơi thở có mùi hôi

Bệnh nướu răng có thể được cải thiện bằng cách vệ sinh răng miệng phù hợp, hạn chế hút thuốc lá và làm sạch răng chuyên nghiệp. Nếu không được điều trị phù hợp, bệnh nướu răng có thể gây tổn thương chân răng và gây mất răng.

8. Nghiến răng

Tật nghiến răng và nghiến răng khi ngủ là tình trạng người bệnh nghiến răng hoặc nghiến chặt hàm trong vô thức. Tình trạng này có thể dẫn đến cơn đau răng vào ban đêm, đau đầu, đau hàm, mặt hoặc tai. Bên cạnh đó, nghiến răng cũng làm mòn răng, hư hỏng và tăng nguy cơ mất răng.

Do đó người nghiến răng hoặc nghi ngờ nghiến răng khi ngủ nên đến gặp nha sĩ để được hướng dẫn các biện pháp khắc phục phù hợp.

9. Rối loạn khớp thái dương hàm

Các khớp thái dương hàm là khớp nối xương hàm với hộp sọ. Các khớp này hoạt động mỗi khi nói, nhai và nuốt. Rối loạn khớp thái dương hàm xảy ra khi có vấn đề ở khớp hàm và cơ hàm. Thông thường tình trạng này thường xảy ra sau các chấn thương hàm, viêm nhiễm hoặc viêm khớp do hoạt động quá mức.

đau nhức răng vào ban đêm
Rối loạn khớp thái dương hàm có thể gây đau răng vào ban đêm hoặc đau khi vệ sinh răng miệng

Các dấu hiệu và triệu chứng rối loạn khớp thái dương hàm bao gồm:

  • Đau răng khi nhai
  • Đau ở tai, mặt, hàm và cổ
  • Đau đầu
  • Có âm thanh khi mở và đóng miệng

Rối loạn khớp thái dương hàm cũng có thể dẫn đến cơn đau răng vào ban đêm hoặc đau khi vệ sinh răng miệng, chẳng hạn như đánh răng, dùng chỉ nha khoa và làm sạch răng miệng chuyên nghiệp định kỳ.

Trong một số trường hợp, rối loạn khớp thái dương hàm có thể tự khỏi. Nếu các triệu chứng không được cải thiện, người bệnh có thể thực hiện các bài tập để cải thiện các triệu chứng và giảm đau. Trao đổi với bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Đau răng vào ban đêm không ngủ được phải làm sao?

Đau răng vào ban đêm cần được kiểm soát và điều trị để ngăn ngừa mất ngủ và suy nhược cơ thể. Tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, người bệnh có thể tham khảo các biện pháp, chẳng hạn như:

1. Uống thuốc giảm đau không kê đơn

Các loại thuốc giảm đau không kê đơn chẳng hạn như ibuprofen, acetaminophen hoặc aspirin có thể cải thiện các cơn đau răng nhẹ đến trung bình một cách nhanh chóng, đơn giản và hiệu quả cao. Nếu cơn đau răng nghiêm trọng, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ nha khoa về việc sử dụng thuốc giảm đau mạnh hơn.

Sử dụng thuốc theo hướng dẫn sử dụng và không lạm dụng thuốc để tránh các rủi ro không mong muốn.

cách trị nhức răng vào ban đêm
Sử dụng thuốc giảm đau để cải thiện các cơn đau răng hiệu quả

2. Sử dụng thuốc mỡ gây tê

Có nhiều thuốc mỡ hoặc gel gây tê được sử dụng để cải thiện các cơn đau nhức răng hiệu quả. Các loại gel, thuốc mỡ không kê đơn thường có chứa benzocaine để làm tê khu vực, giảm đau và giúp người bệnh dễ ngủ hơn.

Tuy nhiên, benzocaine không phù hợp cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Do đó, không sử dụng sản phẩm gây tê chứa hoạt chất này cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi.

3. Nâng cao đầu

Nâng cao đầu hơn cơ thể khi nằm có thể giúp máu không dồn lên đầu. Điều này có thể ngăn ngừa máu đọng trong đầu, hạn chế chế áp lực lên răng và hạn chế các cơn đau răng vào ban đêm.

Ngoài ra, máu tụ ở đầu có thể gây viêm và khiến cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn. Do đó, người bị đau răng nên kế thêm một hoặc hai chiếc gối để giảm đau và giúp người bệnh dễ ngủ hơn.

4. Chườm lạnh

Chườm lạnh là một trong những cách điều trị đau răng hiệu quả. Người bệnh có thể chườm túi đá được bọc trong khăn lên khu vực mặt bị ảnh hưởng hoặc dọc theo xương hàm để làm dịu răng bị tổn thương và làm co các mạch máu trong khu vực. Điều này có thể hỗ trợ giảm đau và giúp người bệnh đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn.

Chườm lạnh lên khu vực răng đau trong 15 – 20 phút mỗi lần và vài giờ một lần vào buổi tối trước khi đi ngủ cũng có thể ngăn ngừa cơn đau khi ngủ.

5. Súc miệng với nước muối

Nước muối là một chất kháng khuẩn tự nhiên, do đó thường được sử dụng để giảm viêm, bảo vệ răng bị tổn thương khỏi nhiễm trùng. Súc miệng với nước muối là một cách đơn giản và hiệu quả để chữa đau răng tại nhà.

điều trị đau răng vào ban đêm
Súc miệng với nước muối có thể loại bỏ vi khuẩn và cải thiện cơn đau răng hiệu quả

Người bệnh có thể hòa tan 1 – 2 muỗng cà phê muối vào một cốc nước ấm, dùng nước này súc miệng trong 2 – 5 phút sau đó nhổ ra.

Súc miệng bằng nước muối cũng có thể hỗ trợ loại bỏ mảnh vụn thức ăn hoặc mảnh vụn khác mắc kẹt trong răng hoặc nướu.

6. Súc miệng với hydro peroxit

Súc miệng với hydro peroxit thường được đề nghị sử dụng ở người đau răng liên quan đến các bệnh nướu răng, chẳng hạn như viêm nha chu. Hydro peroxit có thể làm giảm các mảng bám, ngăn ngừa đau răng, hạn chế tình trạng chảy máu chân răng và các triệu chứng khác của viêm nha chu.

Người bệnh có thể pha loãng hydro peroxit với một lượng nước phù hợp, dùng nước này để súc miệng. Không nuốt dung dịch để tránh các rủi ro liên quan.

Ngoài ra, biện pháp súc miệng với hydro peroxit cũng không thích hợp dùng cho trẻ em, bởi vì trẻ có thể nuốt hỗn hợp này.

7. Sử dụng đinh hương

Đinh hương có chứa hợp chất Eugenol, có thể làm giảm đau răng hiệu quả. Eugenol hoạt động như một loại thuốc giảm đau và làm tê khu vực bị tổn thương.

Để cải thiện cơn đau răng vào ban đêm, người bệnh có thể cắn một nụ đinh hương ở răng bị tổn thương, để yên trong 5 – 10 phút và nhổ ra. Ngoài ra, ngâm đinh hương vào nước nóng để tạo thành thành hỗn hợp sền sệt. Thoa hỗn hợp này lên răng để hỗ trợ giảm đau.

Phương pháp này cũng không thích hợp sử dụng cho trẻ em, bởi vì trẻ có thể nuốt quá nhiều đinh hương. Các nụ đinh hương có thể chứa các cạnh nhọn và gây đau đớn nếu nuốt phải.

8. Tỏi chữa đau răng

Tỏi là một loại dược liệu được sử dụng phổ biến để chữa đau nhức răng. Hợp chất allicin trong tỏi có tính kháng khuẩn mạnh, hỗ trợ tiêu diệt vi khuẩn trong miệng và ngăn ngừa cơn đau răng hiệu quả.

Để cải thiện cơn đau răng với tỏi, người bệnh có thể nhai một nhánh tỏi và đặt vào răng bị tổn thương để giảm đau.

nhức răng vào ban đêm phải làm sao
Nhai một tép tỏi để vào răng đau có thể hỗ trợ giảm đau hiệu quả

9. Tránh thức ăn có tính axit

Trước khi ngủ, sử dụng các loại thức ăn có tính axit, lạnh hoặc cứng có thể gây kích thích răng, dẫn đến khó chịu và đau răng khi ngủ. Ngoài ra, các loại thực phẩm này cũng có thể khiến các triệu chứng sâu răng trở nên nghiêm trọng hơn.

Do đó, người bị đau răng vào ban đêm, sâu răng hoặc có các bệnh lý răng miệng, nên hạn chế hoặc tránh sử dụng các loại thực phẩm có tính axit, lạnh hoặc cứng ngay trước khi đi ngủ.

Đau răng vào ban đêm khi nào cần gặp nha sĩ?

Những người bị đau răng vào ban đêm nên đến gặp nha sĩ càng sớm càng tốt. Các biện pháp giảm đau tại nhà hoặc thuốc chỉ là phương pháp tạm thời và không thể điều trị các nguyên nhân cơ bản gây đau răng.

Răng nhiễm trùng cần được điều trị bằng kháng sinh. Răng khi nứt, sâu hoặc vỡ cần được trám hoặc điều trị nha khoa chuyên môn để tìm ra giải pháp hiệu quả nhất. Bỏ qua các triệu chứng tổn thương răng, chẳng hạn như đau răng vào ban đêm có thể khiến các vấn đề trở nên nghiêm trọng và tăng nguy cơ rụng răng.

Cụ thể, các nha sĩ khuyến cáo người bị đau răng nên đến phòng khám nha khoa nếu xuất hiện các dấu hiệu như:

  • Đau răng dữ dội
  • Cơn đau kéo dài hơn 2 ngày
  • Người bệnh bị sốt, đau đầu hoặc khó mở miệng
  • Khó thở hoặc khó nuốt

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau răng, nha sĩ có thể đề nghị các phương pháp điều trị phù hợp. Do đó, người bệnh nên đến gặp nha sĩ để được hướng dẫn và tư vấn các phương pháp chăm sóc răng miệng phù hợp.

Thông tin thêm: 15 cách chữa đau răng hiệu quả – Giảm đau nhanh nhất

5/5 - (8 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *