Răng Khôn Là Răng Thứ Bao Nhiêu? Khi Nào Mọc?
Nội dung bài viết
Răng khôn là răng hàm thứ ba và là răng cuối cùng được mọc. Đôi khi răng khôn có thể là một phần trong cơ chế nhai, tuy nhiên trong một số trường hợp, răng cần được loại bỏ để tránh gây đau đớn hoặc gây ảnh hưởng đến các răng khác.
Răng khôn là gì? Khi nào mọc?
Răng khôn còn gọi là răng số 8, là răng hàm thứ ba và là chiếc răng cuối cùng mà hầu hết mọi người sẽ mọc ở tuổi thiếu niên hoặc những năm đầu của tuổi 20. Răng số 8 được gọi là răng khôn bởi vì răng thường mọc khi con người trưởng thành hơn, vào khoảng 17 – 21 tuổi. Mọi người đều có 4 răng số 8, hai chiếc ở hàm trên và hai chiếc ở hàm dưới. Sau khi mọc đầy đủ răng, một người sẽ có 32 chiếc răng trưởng thành hoàn chỉnh.
Đôi khi răng khôn có thể góp phần vào cơ chế nhai khỏe mạnh khi được mọc thẳng hàng. Tuy nhiên trong hầu hết các trường hợp răng thường mọc lệch và cần được loại bỏ để tránh gây ảnh hưởng đến các răng khác.
Khi răng số 8 mọc lệch, răng có mọc theo chiều ngang, lệch về phía xa so với răng hàm thứ 2 (hay răng số 7) hoặc lệch vào trong và gây ảnh hưởng đến răng số 6 và răng số 7. Răng số 8 mọc lệch có thể gây đau răng dữ dội, gây chen chúc giữa các răng hoặc tăng nguy cơ sâu các răng bên cạnh, tổn thương xương hàm và các dây thần kinh.
Bên cạnh đó, răng khôn cũng có thể bị tác động, do được bao bọc trong các mô mềm hoặc xương hàm và cần đâm thủng một phần (hoặc toàn bộ) nướu để mọc. Điều này có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào nướu, xung quanh chân răng và gây nhiễm trùng, dẫn đến đau đớn, sưng cứng hàm và một số bệnh lý khác.
Ngoài ra, răng khôn mọc một phần cũng dễ bị sâu răng và bệnh nướu răng hơn, do vị trí khó tiếp cận khiến việc đánh răng và làm sạch răng khó khăn.
Tại sao mọc răng khôn?
Tất cả những chiếc răng đều được tạo thành khi sinh ra, nằm ở vị trí cao hơn trong cấu trúc hộp sọ. Đầu tiên một bộ 20 răng sữa sẽ mọc lên và được thay thế bởi 32 chiếc răng vĩnh viễn. Bộ răng hàm đầu tiên sẽ mọc vào lúc 6 tuổi và bộ thứ hai vào khoảng 12 tuổi và bộ cuối cùng (răng khôn) sẽ mọc khoảng những năm 20 tuổi.
Răng hàm số 3 từng là một yếu tố cần thiết trong chế độ ăn uống của con người, chẳng hạn như rễ cây, lá, thịt và các loại hạt. Tuy nhiên hiện tại răng khôn không cần thiết, do thức ăn đã được làm mềm và con người không cần dùng răng để cắt, nghiền nát thức ăn.
Các nhà nhân chủng học tin rằng, còn người đã tiến hóa ngoài nhu cầu cần mọc răng hàm số ba. Do đó, một số người có thể không bao giờ mọc răng khôn.
Tuy nhiên hiện tại di truyền vẫn khiến hầu hết người trưởng thành mọc răng hàm số ba. Một số thống kê cho biết, ít nhất 53% người lớn mọc răng khôn và nam giới mọc nhiều hơn nữ giới.
Trong một số trường hợp, một người có thể không mọc răng khôn nhưng răng có thể nằm ở bên dưới nướu. Mặc dù không nhìn thấy nhưng răng khôn đôi khi có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe răng miệng. Răng chưa mọc thường có nhiều nguy cơ bị va chạm, dẫn đến đau đớn và gây ảnh hưởng đến cấu trúc răng.
Các vấn đề liên quan đến răng khôn
Hàm của con người nhỏ theo thời gian. Các nhà khoa học tin rằng não của con người lớn theo thời gian, do đó không gian hàm sẽ thu hẹp lại. Chế độ ăn uống và nhu cầu nha khoa cũng thay đổi theo thời gian. Điều này cũng khiến hàm trở nên nhỏ hơn.
Hàm nhỏ hơn có nghĩa là đôi khi hàm có thể không đủ chỗ cho tất cả các răng. Một người có 4 chiếc răng khôn, 2 răng ở hàm trên và 2 răng ở hàm dưới. Tuy nhiên đôi khi một số người có thể không mọc răng khôn.
Hầu hết hàm được hoàn thiện ở tuổi 18, trong khi răng hàm số 3 thường mọc vào những năm 20 tuổi. Do đó, hầu hết các vấn đề là do răng không đủ chỗ để mọc.
Cụ thể, các vấn đề liên quan đến răng khôn bao gồm:
- Răng khôn mọc ngầm: Đây là trường hợp răng vẫn còn ẩn trong nướu và không thể mọc lên bình thường. Răng sẽ bị mắc kẹt ở xương hàm, dẫn đến đau răng, nhiễm trùng, u nang và làm hỏng chân các răng khác hoặc xương nâng đỡ răng.
- Chỉ mọc một phần: Trong một số trường hợp, răng số 8 chỉ mọc một phần và không tiếp tục phát triển. Điều này đôi khi có thể làm tăng nguy cơ sâu răng và một số vấn đề liên quan khác.
- Răng bị ảnh hưởng: Răng số 8 nằm ở vị trí trong cùng của hàm nên thường không thể phát triển bình thường. Răng có thể bị kẹt lại ở xương hàm hoặc nướu và dẫn đến đến đau đớn dữ dội.
- Răng khôn mọc lệch: Đôi khi răng số 8 có thể mọc lệch ra bên ngoài hoặc đè lên các răng khác. Điều này dẫn đến đau răng, sâu các răng kế cạnh và có thể ảnh hưởng đến xương hàm hoặc dây thần kinh.
- Hàm không đủ chỗ: Hàm thường được hoàn thiện khi được 18 tuổi và không đủ chỗ để phát triển răng số 8.
- Sâu răng hoặc bệnh nướu răng: Răng số 8 phát triển ở vị trí trong cùng của răng, do đó thường khó tiếp cận, làm sạch. Điều này có thể dẫn đến bệnh sâu răng hoặc các bệnh nướu răng.
Có nên nhổ răng khôn không?
Trao đổi với nha sĩ về vị trí răng khôn và các vấn đề liên quan để được tư vấn cụ thể có nên nhổ răng khôn hay không. Nha sĩ có thể đề nghị chụp X – quang răng hoặc toàn bộ miệng để xác định các vấn đề liên quan và đề nghị các biện pháp xử lý phù hợp. Việc nhổ răng khôn có thể thuận lợi hơn ở người trẻ tuổi, khi chân răng chưa phát triển hoàn thiện. Ngoài ra, nhổ răng khôn ở những người lớn tuổi, thời gian phục hồi thường lâu hơn và nguy cơ biến chứng cao hơn.
Trong hầu hết các trường hợp, nha sĩ thường khuyên người bệnh nhổ răng khôn nếu răng không mọc hoàn toàn. Bên cạnh đó, nhiều nha sĩ cũng khuyến cáo răng cần được loại bỏ nếu dẫn đến các ảnh hưởng, chẳng hạn như:
- Đau răng
- Răng mọc lệch
- Gây nhiễm trùng các mô mềm ở phía sau răng
- Hình thành túi chứa các chất lỏng ở răng
- Hình thành khối u
- Tổn thương các răng lân cận
- Phát triển các bệnh về nướu răng
- Sâu răng
- Dẫn đến các vấn đề về xoang, chẳng như đau, áp lực hoặc tắc nghẽn xoang
- Viêm nướu răng
- Không đủ vị trí phát triển, gây chen chúc đến các răng khác, thậm chí là xô lệch các răng khác để phát triển
Làm thế nào để loại bỏ răng khôn?
Nha sĩ có thể đánh giá mức độ khó của phẫu thuật nhổ răng khôn phụ thuộc vào giai đoạn phát triển và vị trí răng. Một chiếc răng đã mọc hoàn toàn qua nướu được cho là có thể mọc dễ dàng hơn các răng khác.
Trong khi đó, một chiếc răng khôn nằm sâu dưới nướu và cắm sâu vào xương hàm có thể cần phải rạch nướu và loại bỏ phần xương ở răng. Thông thường nha sĩ sẽ chia răng là thành nhiều phần nhỏ để loại bỏ. Điều này có thể hạn chế cơn đau và ngăn ngừa các biến chứng liên quan.
Quy trình nhổ răng khôn
Trao đổi với nha sĩ về thời điểm và phương pháp loại bỏ răng số 8 an toàn và phù hợp nhất. Cụ thể, quy trình nhổ răng khôn như sau:
1. Trước khi nhổ răng
Trước khi nhổ răng nha sĩ sẽ làm tê răng và các mô xung quanh. Đôi khi người bệnh có thể được sử dụng thuốc an thần để kiểm soát lo lắng. Ngoài ra, người bệnh nên trao đổi với nha sĩ về các vấn đề liên quan, chẳng hạn như:
- Các vấn đề sức khỏe thường gặp
- Liệt kê các loại thuốc đang sử dụng
- Thảo luận về thuốc gây mê, thuốc tê và các loại thuốc an thần
- Lập danh sách các câu hỏi liên quan và quá trình phục hồi
- Lập kế hoạch nghỉ ngơi phù hợp sau khi nhổ răng, bởi vì hầu hết mọi người cần vài ngày đến một tuần để hồi phục
2. Trong khi phẫu thuật
Nhổ răng khôn tương tự như nhổ răng sâu, có thể mất khoảng 45 phút hoặc ít hơn. Người bệnh sẽ được gây tê hoặc gây mê trước khi nhổ răng. Các loại gây mê bao gồm:
- Gây tê tại chỗ: Nha sĩ sẽ gây tê miệng tại chỗ với thuốc tê cục bộ như novocain, lidocain hoặc mepivicaine. Người bệnh cũng có thể được hít thở khí nito oxit để thư giãn hoặc ngủ trong khi phẫu thuật.
- Thuốc an thần tiêm tĩnh mạch: Nha sĩ có thể làm tê miệng và cung cấp một loại thuốc thông qua đường tĩnh mạch ở cánh tay để người bệnh ngủ trong suốt quá trình phẫu thuật.
- Gây mê toàn thân: Người bệnh sẽ được tiêm thuốc gây mê toàn thân thông qua tĩnh mạch hoặc mặt nạ thở. Người bệnh sẽ ngủ trong suốt quá trình nhổ răng và tỉnh lại trong 1 giờ hoặc lâu hơn sau khi phẫu thuật.
Trong quá trình phẫu thuật, nha sĩ có thể cắt nướu hoặc xương để lấy răng ra. Trong trường hợp này, nha sĩ sẽ khâu nướu lại với chỉ tự tiêu để giúp vết thương nhanh lành. Ngoài ra, nha sĩ cũng có thể đặt một miếng gạc vào miệng để thấm bớt máu.
3. Sau khi phẫu thuật
Hầu hết mọi người sẽ bị sưng mặt và khó chịu nhẹ trong 3 ngày hoặc lâu hơn sau khi nhổ răng số 8. Các cơn đau có thể nhẹ hoặc nghiêm trọng, phụ thuộc vào mức độ khó của phẫu thuật loại bỏ răng.
Thực hiện các hướng dẫn của nha sĩ để quá trình phục hồi nhanh chóng và thuận lợi hơn. Cụ thể, một số lời khuyên cho ba ngày sau khi phẫu thuật bao gồm:
Nên làm:
- Chườm đá lên mặt để hạn chế sưng tấy hoặc đỏ mặt
- Chườm khăn ấm, ẩm đề hạn chế cơn đau hàm
- Thực hiện mở và đóng miệng nhẹ nhàng để vận động cơ hàm
- Ăn thức ăn mềm như cơm, súp hoặc mì
- Uống nhiều nước
- Đánh răng vào ngày thức hai sau khi nhổ răng, nhưng không chải vào cục máu đông
- Uống thuốc theo toa của nha sĩ để giảm đau hoặc sưng
- Gọi cho nha sĩ nếu cơn đau không được cải thiện hoặc khi người bệnh bị sốt
Không nên:
- Không uống nước bằng ống hút, bởi vì điều này có thể làm tan cục máu đông trong miệng
- Không súc miệng quá mạnh
- Không ăn thức ăn cứng, giòn hoặc dính để tránh gây tổn thương vết thương
- Không hút thuốc, bởi vì thuốc lá có thể làm chậm quá trình chữa lành của răng
4. Quá trình phục hồi sau khi nhổ răng khôn
Sau khi nhổ răng số 8, tốc độ phục hồi phục thuộc vào độ khó của ca phẫu thuật. Cụ thể, để quá trình phục hồi trở nên thuận lợi hơn, người bệnh có thể tham khảo một số lời khuyên, chẳng hạn như:
Trong 24 giờ đầu tiên:
- Chảy máu có thể xảy ra trong vài giờ sau khi nhổ răng. Để kiểm soát tình trạng, người bệnh có thể đặt một miếng gạc ẩm lên ổ răng trống và cắn chặt xuống. Ngoài ra, cắn một túi trà cũng có thể hỗ trợ cầm máu sau khi nhổ răng. Tránh súc miệng hoặc khác nhổ trong 24 giờ và tránh uống nước bằng ống hút, tránh đồ uống nóng để ngăn ngừa tình trạng mất cục máu đông sau khi nhổ răng.
- Sưng mặt có thể kéo dài đến 24 giờ sau khi nhổ răng. Để cải thiện, người bệnh có thể đặt một túi đá lên khu vực sưng trong 10 phút, nghỉ ngơi trong 20 phút và tiếp tục chườm nếu cần thiết. Quy trình này có thể cần lập lại trong khoảng 24 giờ đầu tiên sau khi nhổ răng.
- Sử dụng thuốc giảm đau, chẳng hạn như acetaminophen hoặc ibuprofen để cải thiện các cơn đau nhẹ. Trong trường hợp đau đớn nghiêm trọng, người bệnh nên trao đổi với nha sĩ về các loại thuốc phù hợp hơn.
- Sử dụng thuốc kháng sinh được kê đơn để tránh nhiễm trùng.
- Nên hạn chế tiêu thực phẩm lỏng cho đến khi thuốc tê (hoặc thuốc mê) hết tác dụng hoàn toàn. Ăn thức ăn mềm tỏng vài ngày và tránh uống rượu trong khi sử dụng thuốc giảm đau.
- Đánh răng nhưng tránh gây ảnh hưởng trực tiếp đến răng bị nhổ và các răng lân cận. Sau 24 giờ, người bệnh có thể đánh răng bình thường, nhẹ nhàng nhưng không sử dụng nước súc miệng để tránh gây kích ứng.
Sau 24 giờ:
- Sưng mặt ở vùng nhổ răng có thể được chườm nóng sau 24 giờ. Người bệnh có thể đắp khăn ẩm ấm lên da theo lịch trình 20 phút và nghỉ 20 phút, lặp lại nếu cần thiết. Tình trạng sưng thường nghiêm trọng nhất sau 2 – 3 ngày kể từ ngày nhổ răng và sẽ được cải thiện sau đó.
- Súc miệng bằng nước muối ấm sau bữa ăn và trước khi đi ngủ. Không sử dụng nước súc miệng khác trừ khi được nha sĩ hướng dẫn.
- Kiểm tra các dấu hiệu biến chứng liên quan và có biện pháp khắc phục phù hợp, kịp lúc.
Trong hầu hết các trường hợp các triệu chứng sau khi nhổ răng khôn sẽ được cải thiện sau 1 – 2 tuần. Do đó, nếu cơn đau hoặc các dấu hiệu liên quan kéo dài hơn 2 tuần, người bệnh nên trao đổi với nha sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
Nhổ răng khôn có nguy hiểm không?
Trong một số trường hợp, nhổ răng khôn có thể dẫn đến một số rủi ro không mong muốn. Trong đó, biến chứng nghiêm trọng nhất có thể bao gồm:
- Viêm ổ răng khô: Ổ răng khô là biến chứng phổ biến, xảy ra khi cục máu đông không hình thành sau khi nhổ răng hoặc bị mất đi do nhiều lý do khác nhau. Nếu không có cục máu đông, quá trình phục hồi sau khi nhổ răng thường bị trì hoãn. Nếu không có cục máu đông, sau 3 – 4 ngày kể từ lúc nhổ răng, người bệnh có thể cảm thấy các cơn đau âm ỉ liên tục và có mùi hôi trong miệng. Trao đổi với nha sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
- Dị cảm: Dị cảm là biến chứng hiếm gặp khi nhổ răng khôn và thường ảnh hưởng đến răng hàm số 3 mọc giữa xương hàm, gần dây thần kinh. Các dây thần kinh này có thể bị tổn thương, kích ứng trong quá trình nhổ răng và dẫn đến dị cảm, với các đặc trưng chẳng hạn như tê lưỡi, môi, cằm. Tình trạng này có thể kéo dài vài ngày, vài tuần, vài tháng hoặc thậm chí là vĩnh viễn.
Răng khôn là răng hàm số 3 và là răng mọc cuối cùng khi đã trưởng thành. Đôi khi chiếc răng này có thể đóng một phần quan trọng trong cơ cấu nhai của hàm khỏe mạnh, tuy nhiên hầu hết các trường hợp, mọi người được khuyến khích loại bỏ răng để tránh các rủi ro liên quan. Trao đổi với nha sĩ về các vấn đề liên quan và thời điểm cần thiết để loại bỏ răng khôn.
Tham khảo thêm: Răng khôn bị sâu có nguy hiểm? Nên nhổ hay trám?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!