Răng Sữa Bị Sâu: Dấu Hiệu Và Cách Xử Lý Cho Trẻ
Nội dung bài viết
Răng sữa bị sâu là tình trạng tổn thương răng do axit được tạo ra bởi vi khuẩn. Nếu không được điều trị, răng sữa có thể lung lay và rụng. Do đó, điều quan trọng nhất là nhận biết triệu chứng và có biện pháp xử lý phù hợp khi răng sữa bị sâu.
Nguyên nhân sâu răng sữa
Sâu răng là do các mảng bám, một lớp màng dính, không màu hình thành trên răng. Mảng bám có chứa vi khuẩn và những vi khuẩn này kết hợp với đường trong thức ăn sẽ tạo ra một loại axit ăn mòn răng. Nếu không được điều trị phù hợp, răng sữa bị sâu có thể lung lay và rụng. Do đó, điều quan trọng là cần nhận biết các dấu hiệu và nguyên nhân gây sâu răng sữa để có kế hoạch chăm sóc phù hợp.
Có nhiều nguyên nhân khác nhau có thể dẫn đến tình trạng sâu răng sữa. Cụ thể các nguyên nhân bao gồm:
1. Vệ sinh răng miệng kém
Răng liên tục xử lý thức ăn và nước uống trong ngày, đặc biệt là ở trẻ em. Do đó, các mảng vụn thức ăn có thể tích tụ trong miệng, giữa các kẽ răng và dẫn đến sự phát triển của vi khuẩn và hình thành các mảng bám trên răng. Sau một thời gian, các mảng bám này có thể khiến răng sữa bị sâu.
Vệ sinh răng miệng phù hợp, đánh răng hai lần mỗi ngày và dùng chỉ nha khoa một lần mỗi ngày là cách tốt nhất để loại bỏ vi khuẩn và ngăn ngừa hình thành mảng bám. Ngoài ra, đến gặp nha sĩ hai lần mỗi năm để được làm sạch răng chuyên nghiệp.
2. Chế độ ăn uống nhiều đường và carbohydrate
Một chế độ ăn nhiều đường và carbohydrate cũng có thể góp phần làm răng sữa bị sâu, bởi vì thức ăn sẽ bám vào răng và làm hỏng men răng.
Đường hỗ trợ nuôi dưỡng vi khuẩn. Càng nhiều vi khuẩn trong miệng, càng có nhiều axit trong miệng. Nếu trẻ ăn quá nhiều thức ăn có đường và không chải răng thường xuyên, men răng (là lớp ngoài cùng của răng) có thể bị phá vỡ nhanh hơn và gây sâu răng.
Tương tự, tiêu thụ quá nhiều đồ uống có tính axit (soda và nước trái cây) hoặc mắc bệnh trào ngược axit dạ dày thực quản cũng có thể dẫn đến các triệu chứng sâu răng. Axit trong đồ uống có thể làm tan men răng dần dần theo thời gian. Trong khi đó, trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản, axit từ dạ dày sẽ trào ngược lên thực quản đến miệng và gây ăn mòn men răng.
3. Khô miệng
Mọi người đều cần có một lượng nước bọt trong miệng để duy trì sức khỏe răng miệng thích hợp. Nước bọt giúp loại bỏ axit và vi khuẩn tích tụ trong miệng để tránh sâu răng và các bệnh lý răng miệng liên quan.
Nếu các tuyến nước bọt không sản xuất đủ nước bọt để làm sạch các mảng bám và vi khuẩn trong miệng, miệng trẻ có thể tích tụ nhiều mảng bám và axit hơn trong miệng. Điều này làm tăng nguy cơ sâu răng sữa ở trẻ.
4. Kẽ răng lớn
Nếu trẻ có các kẽ răng với kích thước lớn, răng sữa có thể bị sâu. Các kẽ răng này có thể khiến việc chải răng khó hiệu quả hơn. Điều này khiến các mảng bám tích tụ tại kẽ răng và ăn mòn bề mặt răng.
Để cải thiện tình trạng này, nha sĩ có thể đề nghị trám răng cho trẻ để ngăn ngừa sự tích tụ mảng bám.
5. Thiếu fluor
Fluor là một khoáng chất tự nhiên có thể tăng cường men răng, chống lại sâu răng. Trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi thường không bổ sung đầy đủ lượng fluor cần thiết. Điều này có thể khiến răng sữa bị sâu.
Trẻ em từ 3 tuổi trở lên có thể sử dụng kem đánh răng có chứa fluor với kích thước lớn bằng hạt đậu. Ngoài ra, trao đổi với nha sĩ về những chất bổ sung fluor cho trẻ để phòng ngừa sâu răng.
6. Sâu răng do bú bình
Răng sữa bị sâu, đặc biệt là ở trẻ em dưới 3 tuổi có thể liên quan đến việc bú bình sữa, uống nước trái cây hoặc ngậm sữa bột trong miệng. Ngoài ra, ngậm núm vú giả cũng có thể gây sâu răng sữa, nếu núm vú có chứa đường hoặc mật ong.
Tình trạng sâu răng do bú bình thường ảnh hưởng đến răng cửa. Tuy nhiên các răng xung quanh và các răng hàm cũng có thể bị sâu răng do sử dụng bình sữa.
7. Hệ thống miễn dịch kém
Mọi người cần có một sức khỏe tổng thể khỏe mạnh để bảo vệ sức khỏe răng miệng và chống lại nhiễm trùng gây sâu răng. Vi khuẩn phát triển là nguyên nhân chính dẫn đến sâu răng sữa và các bệnh răng miệng khác.
Những trẻ có hệ thống miễn dịch suy yếu, chẳng hạn như sinh non hoặc có các bệnh lý hệ thống, thường dễ bị sâu răng sữa hơn các trẻ khác. Ngoài ra, trẻ cần sử dụng thuốc điều trị bệnh, chế độ ăn uống kém hoặc tiếp xúc với chất kích thích sớm cũng có thể làm hỏng men răng và khiến răng sữa bị sâu.
Triệu chứng và dấu hiệu nhận biết răng sữa bị sâu
Răng sữa bị sâu có thể gây tổn thương bề mặt răng cho đến khi răng được thay bởi răng vĩnh viễn. Một số răng sữa bị sâu có thể không gây ra các triệu chứng điển hình, do đó điều cần thiết là đến gặp nha sĩ thường xuyên. Nha sĩ có thể xác định và điều trị sâu răng sớm để ngăn ngừa tình trạng sâu răng nghiêm trọng hơn.
Một lỗ răng sữa bị sâu không được điều trị có thể trở nên lớn dần và ảnh hưởng đến các răng khác. Cùng với việc hình thành lỗ sâu răng, răng sữa bị sâu có thể dẫn đến các triệu chứng khác, chẳng hạn như:
- Răng có màu đen: Vi khuẩn và mảng bám tích tụ trên răng bị sâu có thể khiến răng chuyển sang màu đen. Điều này thường là do chân răng bị chết, không còn men răng, tủy hoặc ngà răng bị lộ ra ngoài. Nếu không điều trị phù hợp, sâu răng ở trẻ em có thể lan rộng và ảnh hưởng đến các răng xung quanh.
- Chứng hôi miệng: Vi khuẩn có thể phân hủy bất cứ bộ phận nào trong cơ thể, bao gồm cả răng. Bất cứ bộ phận nào trên cơ thể bị nhiễm trùng đều có thể dẫn đến mùi hôi. Do đó, răng sữa bị sâu có thể dẫn đến chứng hôi miệng hoặc hơi thở có mùi hôi.
- Thay đổi kích thước răng: Sự thay đổi về hình dạng và kích thước răng có thể được nhận thấy dần dần do vi khuẩn tấn công trực tiếp gây ảnh hưởng đến răng. Vi khuẩn làm hỏng men răng, sau đó tấn công lên ngà răng và tủy răng. Lúc đầu răng sẽ thưa dần và kích thước răng sẽ giảm. Nếu không điều trị, vi khuẩn có thể khiến răng nhỏ dần, rất mỏng và có mùi hôi.
- Nhạy cảm với nhiệt độ: Men răng có tác dụng bảo vệ răng tránh khỏi cảm giác ê buốt với nhiệt độ cao hoặc thấp. Răng sữa bị sâu có thể dẫn đến ăn mòn men răng, gây đau nhức, ê buốt khi tiếp xúc với nhiệt độ cao hoặc thức ăn lạnh.
Một số trẻ nhỏ có thể không thể mô tả các triệu chứng sâu răng sữa. Do đó, nếu trẻ có vẻ khó chịu, quấy khóc hoặc không thể hiện được cơn đau, hãy kiểm tra bên trong miệng của trẻ và đưa trẻ đến nha sĩ.
Răng sữa bị sâu có sao không?
Một số người có xu hướng không điều trị tình trạng răng sữa bị sâu cho trẻ, bởi vì cho rằng răng sữa chỉ là tạm thời. Tuy nhiên, răng sữa cần thiết cho việc nhai, nói, cười và giúp trẻ phát âm chính xác. Răng sữa cũng đóng vai trò như răng định hình hàm và tạo vị trí phù hợp cho răng trưởng thành. Nếu răng sữa bị sâu không được điều trị phù hợp, có thể gây đau đớn, nhiễm trùng. Những chiếc răng sâu nghiêm trọng có thể cần phải nhổ đi.
Nếu răng sữa bị nhổ đi quá sớm, trẻ có thể hình thành thói quen ăn uống kém, có vấn đề về giọng nói, răng khấp khểnh và răng trưởng thành dễ bị hỏng, mọc lệch, hình dạng xấu. Ngoài ra, nếu không được hỗ trợ, răng trưởng thành cũng có thể bị khấp khểnh và ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
Do đó, duy trì sức khỏe răng miệng phù hợp, ngăn ngừa sâu răng và các bệnh nướu răng cho trẻ là điều cần thiết. Nếu trẻ bị sâu răng, hãy đưa trẻ đến gặp nha sĩ và có biện pháp xử lý phù hợp.
Răng sữa bị sâu phải làm sao?
Điều răng sâu răng cửa là điều cần thiết để bảo vệ cấu trúc răng, ngăn ngừa các bệnh răng miệng và hỗ trợ cải thiện các vấn đề ở răng vĩnh viễn. Tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, nha sĩ có thể đề nghị một số cách chữa răng sữa bị sâu, chẳng hạn như:
1. Xử lý fluor
Trong giai đoạn đầu, nha sĩ có thể đề nghị sử dụng kem đánh răng có chứa fluor để điều trị và ngăn ngừa sâu răng. Fluor là khoáng chất tự nhiên có thể khoáng hóa men răng, bổ sung canxi và photpho bị mất từ men răng do sâu răng. Điều này có thể giúp ngăn ngừa sự tiến triển của sâu răng sữa và phòng ngừa một số bệnh lý răng miệng liên quan.
Kem đánh răng và nước súc miệng thông thường có chứa fluor. Tuy nhiên trẻ bị sâu răng sữa có thể cần một lượng fluor cao hơn để chỉnh sửa các vấn đề ở răng. Do đó, đôi khi nha sĩ có thể điều trị bổ sung fluor tại phòng khám nha khoa thông qua gel, bọt hoặc các chất phủ bề mặt răng.
2. Trám răng sâu
Nếu tình trạng răng sữa bị sâu tiến triển và không thể phục hồi bằng fluor, nha sĩ có thể có thể đề nghị trám răng hoặc hàn răng sâu để khôi phục lại kích thước và hình dạng bình thường của răng.
Có nhiều vật liệu trám răng khác nhau, chẳng hạn như vật liệu tổng hợp, trám bạc, trám vàng hoặc trám răng sứ. Tùy thuộc vào nhu cầu và tình trạng răng, nha sĩ có thể đề nghị các lựa chọn trám thích hợp để điều trị răng sữa bị sâu.
3. Điều trị tủy răng
Nếu răng bị sâu nghiêm trọng và lây lan đến tủy răng, nha sĩ có thể đề nghị phương pháp điều trị tủy răng để ngăn ngừa các tổn thương nghiêm trọng. Trong phương pháp điều trị này, tủy răng bị hư hỏng hoặc sâu sẽ được loại bỏ hoàn toàn. Sau đó, sử dụng kháng sinh để đặt vào ổ răng và trám bít lỗ tủy răng.
Để đảm bảo tính thẩm mỹ và ngăn ngừa các rủi ro sâu răng trong tương lai, nha sĩ có thể đề nghị làm mão răng hoặc cầu răng phục hình trên những chiếc răng sữa bị sâu. Điều này có thể khôi phục hình dạng răng bình thường và giúp cải thiện hoạt động của răng.
4. Mão răng thay thế
Nếu các phương pháp điều trị, bao gồm lấy tủy răng không mang lại hiệu quả điều trị, nha sĩ có thể đề nghị thay thế mão răng để che phủ răng và làm cho răng hoạt động bình thường. Mão răng có thể được làm bằng sứ, gốm và một số vật liệu khác.
5. Răng sữa bị sâu có nên nhổ?
Nếu tình trạng sâu răng sữa nghiêm trọng, không thể điều trị và phần lớn cấu trúc răng đã bị mất hoặc bị phá hủy hoàn toàn, các cách chữa răng sữa bị sâu có thể không mang lại hiệu quả. Lúc này nha sĩ có thể đề nghị nhổ răng và xây dựng một mão hoặc cầu răng mới để thay thế răng đã bị nhổ.
Phòng ngừa sâu răng sữa
Răng sữa bị sâu có thể dẫn đến nhiều vấn đề ở trẻ em, chẳng hạn như trẻ có thói quen ăn uống kém, răng khấp khểnh và gây ảnh hưởng đến răng trưởng thành. Do đó, bên cạnh các biện pháp điều trị, cha mẹ hoặc người chăm sóc có thể lưu ý một số biện pháp phòng ngừa, chẳng hạn như:
- Bắt đầu đánh răng cho trẻ ngay khi trẻ mọc chiếc răng đầu tiên. Tuy nhiên không dùng kem đánh răng hoặc kem đánh răng không chứa fluor cho trẻ.
- Khi trẻ được 3 tuổi, có thể sử dụng một lượng kem đánh răng bằng hạt đậu để vệ sinh răng miệng cho trẻ.
- Sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch các kẽ răng.
- Không cho trẻ bú qua đêm mà không vệ sinh răng miệng trước khi đi ngủ.
- Dạy trẻ uống nước bằng cốc khi trẻ được 12 đến 15 tháng tuổi. Uống nước bằng cốc có ít nguy cơ khiến chất lỏng đọng lại trên răng hoặc xung quanh răng.
- Hạn chế tiêu thụ thức ăn ngọt và dính như kẹo, kẹo deri, bánh quy hoặc các loại bánh cuộn. Đường trong thực phẩm có thể gây ảnh hưởng đến men răng và gây sâu răng.
- Đến gặp nha sĩ để làm sạch răng định kỳ. Nha sĩ có thể phát hiện răng sâu hoặc tổn thương và có biện pháp xử lý phù hợp.
Một số mẹo đánh răng cho trẻ em
Tạo thói quen vệ sinh răng miệng là điều đầu tiên cần thiết để bảo vệ răng cho trẻ. Cha mẹ hoặc người chăm sóc có thể tham khảo một số lời khuyên vệ sinh răng miệng cho trẻ như sau:
1. Trẻ dưới 3 tuổi
Bắt đầu đánh răng và vệ sinh răng miệng cho trẻ khi trẻ mọc chiếc răng sữa đầu tiên (thường là khi trẻ được khoảng 6 tháng, nhưng có thể chậm hơn hoặc sớm hơn).
Chải răng cho trẻ nhẹ nhàng khoảng 2 phút mỗi lần và 2 lần mỗi ngày (vào buổi sáng sau khi thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ).
Sử dụng kem đánh răng có fluor dành riêng cho trẻ em.
Chỉ sử dụng một lượng kem đánh răng bằng hạt gạo khi vệ sinh răng cho trẻ.
Đảm bảo trẻ không nuốt hoặc liếm kem đánh răng.
2. Đối với trẻ từ 3 – 6 tuổi
Đánh răng ít nhất hai lần mỗi ngày (vào buổi tối trước khi đi ngủ và buổi sáng sau khi thức dậy) trong khoảng 2 phút mỗi lần với kem đánh răng có chứa fluor. Việc đánh răng của trẻ nên được giám sát bởi cha, mẹ hoặc người chăm sóc.
Chỉ sử dụng một lượng kem đánh răng bằng hạt đậu khi đánh răng và nhổ ra sau khi súc miệng.
3. Trẻ em từ 7 tuổi trở lên
Chải răng ít nhất hai lần mỗi ngày trong khoảng 2 phút mỗi lần với kem đánh răng có fluor. Chải răng lần cuối vào buổi tối trước khi đi ngủ và vào buổi sáng sau khi ngủ dậy hoặc các dịp khác trong ngày.
Nhổ ra sau khi đánh răng và không súc miệng lại với nước súc miệng. Nếu cho trẻ súc miệng, chất florua sẽ mất tác dụng bảo vệ răng.
Trẻ từ 7 tuổi trở lên có thể tự đánh răng, tuy nhiên cha mẹ vẫn nên theo dõi trẻ để đảm bảo trẻ chải đúng cách và trong khoảng 2 phút.
Răng sữa bị sâu có thể nhẹ hoặc nghiêm trọng. Do đó đến nha sĩ là điều cần thiết để làm sạch răng, điều trị sâu răng và bảo vệ sức khỏe răng miệng phù hợp.
Mặc dù răng sữa có thể rụng tự nhiên và được thay thế bởi răng vĩnh viễn, tuy nhiên việc điều trị sâu răng là cần thiết. Bởi vì răng sữa bị mất quá sớm có thể khiến răng vĩnh viễn mọc lệch chỗ. Trao đổi với nha sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
Tham khảo thêm: Cách vệ sinh răng miệng cho bé – Phòng ngừa sâu răng
BẢNG GIÁ - DỊCH VỤ NHA KHOA
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!