15 Loại nước uống giúp dễ ngủ đơn giản, lại ngon
Nội dung bài viết
Trà tim sen, sữa ấm, sữa nghệ, trà sen vàng, trà hoa cúc,… là các loại nước uống có tác dụng an thần, giúp dễ ngủ và giảm mệt mỏi, căng thẳng. Sử dụng các thức uống này thường xuyên có thể cải thiện tình trạng mất ngủ, khó ngủ, ngủ chập chờn và ngủ không sâu giấc.
Uống nước gì để dễ ngủ?
Mất ngủ, khó ngủ có thể khiến cơ thể mệt mỏi, suy nhược, thường xuyên rơi vào trạng thái uể oải, hoạt động và suy nghĩ kém. Hơn nữa tình trạng này kéo dài còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý mãn tính như cao huyết áp, tiểu đường type 2, đau nửa đầu, rối loạn tiền đình, rối loạn lo âu, stress và trầm cảm.
Bên cạnh thói quen sinh hoạt khoa học và tập thể dục đều đặn, bạn có thể bổ sung một số loại nước uống có tác dụng thanh nhiệt, dưỡng tâm và an thần để cải thiện chất lượng giấc ngủ, giảm suy nhược thần kinh và tăng cường sức khỏe tổng thể.
Dưới đây là 15 loại nước uống giúp dễ ngủ, hỗ trợ giảm căng thẳng thần kinh và kéo dài giấc ngủ:
1. Trà tim sen giúp an thần dễ ngủ
Trà tim sen thường được sử dụng để chữa chứng mất ngủ, nhịp tim nhanh, tâm lý bất ổn, hồi hộp và lo âu. Theo y học cổ truyền, dược liệu này có vị đắng, tính hàn, tác dụng trấn kinh, thanh tâm và an thần. Dùng trà tim sen có thể cải thiện giấc ngủ, giúp dễ ngủ, ngủ sâu giấc và tránh tình trạng thức giấc giữa đêm. Ngoài ra, loại trà này còn giúp điều hòa huyết áp và cải thiện tình trạng hoảng hồn, bồn chồn, lo âu do ảnh hưởng của tuổi tác.
Thực tế, hiệu quả của tim sen không chỉ được ghi chép và lưu truyền trong phạm vi nhân dân mà đã được chứng minh trên cơ sở khoa học. Nghiên cứu dược lý hiện đại nhận thấy, các alkaloid trong thảo dược này (Asparagine và Niciferin) tác động trực tiếp lên não bộ, giúp làm dịu thần kinh trung ương và giãn mao mạch.
Hướng dẫn cách pha trà tim sen giúp dễ ngủ, ngủ ngon giấc:
- Cho 3g tim sen phơi khô vào tách
- Tráng sơ với 1 ít nước sôi và đổ bỏ nước đầu
- Sau đó hãm với 200ml nước sôi trong 10 phút
- Uống khi trà còn ấm, nên nhấp từng ngụm để thưởng thức hương vị của loại trà này và giúp não bộ thư giãn, thoải mái
Nên sử dụng trà tim sen trước khi đi ngủ khoảng 1 – 2 giờ đồng hồ. Thời gian này vừa đủ để hoạt chất từ thảo dược được chuyển hóa và kích thích não bộ sản sinh hormone tạo cảm giác buồn ngủ – melatonin.
2. Uống nước mật ong ấm giúp cải thiện tình trạng mất ngủ
Nước mật ong ấm là một trong những loại nước uống giúp dễ ngủ, giảm mệt mỏi và bồi bổ sức khỏe. Các loại vitamin, khoáng chất và axit amin trong mật ong có khả năng giảm tình trạng suy nhược, phục hồi cơ thể sau một ngày làm việc mệt mỏi và hỗ trợ cải thiện giấc ngủ.
Hoạt chất tryptophan trong nguyên liệu này có khả năng thúc đẩy hoạt động sản xuất hormone melatonin của tuyến tùng. Khi nồng độ hormone này tăng lên, cơ thể dễ dàng chìm vào giấc ngủ, ngủ ngon và sâu giấc hơn. Hơn nữa, hoạt động sản xuất hormone melatonin được thúc đẩy còn giúp hạn chế tình trạng khó ngủ, trằn trọc, dễ tỉnh giấc,…
Bên cạnh đó, uống nước mật ong ấm trước khi đi ngủ khoảng 60 phút còn giúp kiểm soát các triệu chứng ở đường tiêu hóa như đau bụng, đau dạ dày, trớ thức ăn, buồn nôn, đầy hơi, chướng bụng.
Cách pha nước mật ong ấm giúp ngủ ngon:
- Pha 4 – 5 thìa mật ong nguyên chất với 200ml nước ấm
- Khuấy đều và uống từng ngụm
- Nên dùng đều đặn mỗi ngày để đạt được hiệu quả tối ưu
3. Giảm khó ngủ, mất ngủ với trà hoa cúc
Trà hoa cúc là loại trà không chứa caffeine – chất kích thích hệ thần kinh hưng phấn và tỉnh táo. Ngược lại, loại trà này còn có tác dụng an thần, gây ngủ và giải tỏa căng thẳng. Các nghiên cứu cho thấy, hoa cúc chứa hoạt chất chống oxy hóa apigenin – hoạt chất này có tác dụng liên kết với một số thụ thể trong não bộ tạo ra cảm giác buồn ngủ, giúp cơ thể nhanh chóng chìm vào giấc ngủ và ngủ sâu.
Hơn nữa, apigenin còn giúp giải tỏa căng thẳng, mang lại cảm giác thư thái, thoải mái, làm chậm quá trình lão hóa và bảo vệ các tế bào của cơ thể. Nhiều công trình nghiên cứu đều nhận thấy, sử dụng loại trà này thường xuyên có thể giảm chứng mất ngủ, khó ngủ, hạn chế nguy cơ trầm cảm sau sinh và các vấn đề về tâm lý khác.
Cách pha trà hoa cúc:
- Dùng 1 túi lọc trà hoa cúc hoặc sử dụng 5g hoa cúc sấy khô
- Hãm với 200ml nước sôi và đợi trong 10 phút
- Sau đó có thể thêm 1 ít đường hoặc 3 – 4 thìa mật ong
- Khuấy đều và dùng uống khi trà còn ấm
4. Trà bạc hà tạo cảm giác thư giãn, ngủ sâu giấc
Bên cạnh các loại nước uống giúp dễ ngủ trên, bạn cũng có thể cải thiện giấc ngủ, giảm đau nửa đầu và căng thẳng thần kinh với trà bạc hà. Hoạt chất menthol trong thảo dược này có tác dụng thư giãn cơ, hỗ trợ giảm đau đầu và thúc đẩy tuần hoàn máu. Bên cạnh đó, tinh dầu thơm từ bạc hà còn đem lại cảm giác sảng khoái, thoải mái và thư giãn.
Ngoài việc uống trà bạc hà, bạn cũng có thể thêm tinh dầu này vào máy khuếch tán mùi hương hoặc thêm vào nước tắm, dùng xoa bóp, ngâm chân,… để cải thiện tình trạng khó ngủ, giúp ngủ sâu giấc và giải tỏa căng thẳng do làm việc – học tập cường độ cao.
Pha trà bạc hà trị mất ngủ, khó ngủ:
- Rửa sạch 1 nhúm lá bạc hà tươi và để ráo nước
- Sau đó cắt nhỏ và cho tách
- Thêm vào 200ml nước sôi và hãm trong 10 phút
- Dùng uống khi trà còn ấm
- Hoặc có thể sử dụng trà túi lọc nếu không có nhiều thời gian
5. Uống sữa nghệ giúp cải thiện giấc ngủ
Sữa nghệ là một trong những loại nước uống giúp ngủ ngon và ngủ sâu giấc. Củ nghệ chứa nhiều chất chống oxy hóa tốt cho cơ thể nói chung và não bộ nói riêng như polyphenol, curcumin và beta-carotene. Các chất chống oxy hóa này có khả năng làm sạch mạch máu, thúc đẩy tuần hoàn não, giảm căng thẳng và bảo vệ tế bào thần kinh.
Bên cạnh đó, củ nghệ còn có tác dụng chống hiện tượng viêm cấp và mãn tính ở trong cơ thể – kể cả tình trạng viêm ở hệ thần kinh trung ương. Vì vậy, uống sữa nghệ thường xuyên có thể duy trì hoạt động của não bộ, giảm căng thẳng, mệt mỏi và cải thiện sức khỏe tổng thể.
Hơn nữa một số nghiên cứu khoa học còn cho thấy, curcumin trong nghệ có khả năng tăng BDNF – hợp chất có chức năng giúp não bộ phát triển và tái tạo tế bào. Với cơ chế này, nghệ vàng có thể phòng ngừa các chứng bệnh thoái hóa thần kinh, cải thiện tâm trạng và ổn định chu kỳ giấc ngủ.
Cách pha sữa nghệ trị chứng mất ngủ, khó ngủ:
- Cho 300ml sữa bò vào ly và cho vào lò vi sóng qua trong 30 – 60 giây
- Sau đó thêm vào 1 thìa bột nghệ và khuấy đều
- Nên uống sữa nghệ ấm trước khi ngủ từ 30 – 60 phút
6. Trà hoa hòe – Khắc tinh của chứng mất ngủ
Trà hoa hòe có tác dụng an thần, thư giãn mạch máu, điều hòa huyết áp và giảm mất ngủ. Theo Đông y, hoa hòe có vị đắng, tính mát, tác dụng chỉ huyết và lương huyết nên thường được dùng để chữa các chứng huyết nhiệt. Trà hoa hòe thích hợp với người cao tuổi do cao huyết áp hoặc các trường hợp mất ngủ do ăn thực phẩm có tính nóng, hút thuốc lá và uống nhiều rượu bia.
Cách pha trà hoa hòe trị chứng mất ngủ:
- Sử dụng 20g trà hoa hòe cho vào tách
- Thêm vào 250ml nước sôi và hãm trong 5 – 7 phút
- Dùng trà khi còn ấm và nên uống trước khi ngủ 1 giờ đồng hồ
Đối với những trường hợp mất ngủ kéo dài, cả đêm trằn trọc không ngủ được, người xanh xao, hồi hộp,… có thể sử dụng bài thuốc từ hoa hòe kết hợp với một số thảo dược có tác dụng an thần khác.
Tham khảo thêm: Cách dùng hoa hòe chữa mất ngủ hiệu quả tức thì
7. Trị mất ngủ bằng trà gừng ấm
Gừng có tác dụng kiểm soát đường huyết, giảm buồn nôn, nôn mửa, trị đau đầu, điều hòa huyết áp và phòng ngừa các cơn đau tim. Với tác dụng thư giãn mạch máu, uống trà gừng có thể làm giảm áp lực ở não bộ, thư giãn cơ bắp và giúp cơ thể dễ dàng chìm vào giấc ngủ, ngủ ngon và sâu giấc.
Ngoài ra, các hợp chất chống oxy hóa (Gingerol, Zingerol) trong thảo dược này còn giúp tiêu trừ các gốc tự do, bảo vệ cơ thể – đặc biệt là các tế bào thần kinh ở não bộ. Việc giảm số lượng gốc tự do trong cơ thể có vai trò làm chậm quá trình lão hóa, giảm căng thẳng thần kinh, giúp ngủ ngon và ngủ sâu giấc.
Cách thực hiện:
- Rửa sạch 1 củ gừng tươi (nên giữ lại vỏ)
- Sau đó thái thành từng lát mỏng và cho vào tách
- Thêm vào 250ml nước sôi và hãm từ 5 – 10 phút
- Có thể cho thêm 2 thìa đường hoặc 4 – 5 thìa mật ong để tạo vị ngọt
- Uống khi trà còn ấm và nên dùng trước khi đi ngủ 30 – 60 phút
8. Uống sữa ấm giúp ngủ ngon và sâu giấc
Ngoài ra, bạn cũng có thể uống sữa ấm vào mỗi buổi tối để cải thiện giấc ngủ. Thực tế, sữa ấm chỉ được biết đến với tác dụng cung cấp năng lượng và khoáng chất cho cơ thể. Ít ai biết rằng đây là một trong những loại nước uống giúp dễ ngủ, đem lại cảm giác thư giãn và thoải mái sau một ngày làm việc, học tập mệt mỏi.
Tryptophan và peptide trong sữa có khả năng kích thích tuyến tùng sản xuất melatonin – hormone tạo cảm giác buồn ngủ, giúp giấc ngủ sâu và kéo dài. Bên cạnh đó một số nghiên cứu còn cho thấy, lactium và các protein có trong sữa còn giúp giảm cortisol (hormone gây căng thẳng), thư giãn cơ bắp và điều hòa huyết áp.
Bên cạnh lợi ích đối với hệ thần kinh, sữa ấm còn giúp cung cấp năng lượng cho cơ thể, hạn chế tình trạng đói bụng vào ban đêm, cải thiện sức khỏe xương và tăng cường chức năng đề kháng.
9. Trà hương thảo giảm mất ngủ
Hương thảo thường được trồng để làm cảnh, xua đuổi muỗi hoặc dùng để tạo mùi thơm cho món ăn. Ngoài ra, thảo dược này còn được dùng để pha trà. Trà hương thảo có mùi thơm tự nhiên, vị đắng nhẹ và đem lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe.
Các chất chống oxy hóa trong thảo dược này như axit rosmarinic, axit carnosic và polyphenolic có khả năng chống viêm, bảo vệ não bộ, tế bào thần kinh và các cơ quan trong cơ thể khỏi tác động của các gốc tự do. Với cơ chế này, hương thảo có thể cải thiện hoạt động của não bộ, cân bằng tâm trạng, giảm căng thẳng và ngăn ngừa các yếu tố tác động xấu đến giấc ngủ.
Uống 1 tách trà hương thảo trước khi ngủ từ 30 – 60 phút giúp não bộ thư giãn, giảm căng thẳng, giải phóng các suy nghĩ tiêu cực và lo âu. Hơn nữa, uống loại trà này còn giúp cơ thể sảng khoái và thoải mái sau khi thức dậy.
Hướng dẫn thực hiện:
- Dùng khoảng 3 – 5g lá hương thảo phơi khô
- Hãm với 250ml nước sôi trong 5 – 10 phút
- Lọc lấy bã và dùng trà uống khi còn ấm
- Có thể thêm mật ong hoặc đường để tạo vị ngọt
10. Trị chứng mất ngủ kéo dài với trà cam thảo
Cam thảo là vị thuốc quý có dược tính đa dạng. Dược liệu này không chỉ được dùng để trong các bài thuốc chữa bệnh mà còn được sử dụng để pha trà. Trà cam thảo có vị ngọt nhẹ, mùi thơm, tác dụng ích khí, thanh nhiệt, giải độc và ôn trung. Uống 1 tách trà cam thảo ấm trước khi đi ngủ giúp giải tỏa căng thẳng, thư giãn não bộ và giúp cơ thể dễ ngủ, ngủ sâu giấc.
Hơn nữa, thảo dược này còn giúp giảm lượng mỡ trong cơ thể, kháng viêm và làm lành niêm mạc bị viêm loét ở dạ dày, tá tràng (phần đầu của ruột non). Ngoài ra, trà cam thảo còn có tác dụng kiểm soát các triệu chứng tác động xấu và làm gián đoạn giấc ngủ như ho kéo dài, đau cổ họng, hắt hơi do các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp trên.
Cách pha trà cam thảo hỗ trợ làm giảm chứng mất ngủ:
- Dùng khoảng 10 – 15g rễ cam thảo thái lát, sấy khô
- Đem hãm với 300ml nước sôi trong 10 – 15 phút
- Sau đó vớt bỏ bã, thêm 1 ít đường hoặc dùng uống trực tiếp
- Nên sử dụng 2 ly trà cam thảo/ ngày (sáng sớm và tối trước khi ngủ)
11. Trà lạc tiên trị khó ngủ, ngủ chập chờn
Lạc tiên là vị thuốc nam quen thuộc và thường được sử dụng để chữa chứng mất ngủ. Thảo dược này có vị đắng nhẹ, hơi ngọt, tác dụng làm mát và an thần. Các chất chống oxy hóa trong cây lạc tiên như alkaloid, flavonoid và saponin có tính an thần (làm dịu hệ thần kinh trung ương), giải phóng căng thẳng và áp lực lên não bộ.
Bên cạnh đó, lạc tiên còn chứa nhiều khoáng chất, đường, vitamin, axit amin và một số hợp chất thực vật tốt cho sức khỏe nói chung và hệ thần kinh trung ương nói riêng. Hiện nay, thảo dược này không chỉ được dùng trong các bài thuốc và mẹo chữa dân gian mà còn được sử dụng trong nhiều chế phẩm hỗ trợ điều trị rối loạn giấc ngủ.
Cách pha trà lạc tiên hỗ trợ trị rối loạn giấc ngủ:
- Cho 10 – 12g lạc tiên phơi khô vào tách
- Sau đó thêm vào 300ml nước sôi và hãm từ 5 – 10 phút
- Vớt bỏ bã trà và thêm vào 1 ít đường
- Uống khi trà còn ấm và nên dùng trước giờ ngủ khoảng 1 giờ đồng hồ
Đối với người cao tuổi bị mất ngủ do các vấn đề về tim mạch, có thể dùng lạc tiên với lá vông, lá dâu tằm và tâm sen. Bài thuốc từ các dược liệu này có tác dụng hạ huyết áp, giảm tình trạng tim đập mạnh, hồi hộp và giúp ngủ ngon giấc.
12. Trà sen vàng tốt cho giấc ngủ
Đối với người không sử dụng được tim sen (người có tỳ vị hư hàn), có thể thay thế bằng trà hạt sen để bồi bổ sức khỏe, phòng ngừa suy nhược cơ thể và cải thiện chất lượng giấc ngủ. Theo Đông y, hạt sen (liên nhục) có vị ngọt chát, tính bình, tác dụng dưỡng tâm, bổ tỳ và an thần. Sử dụng trà sen vàng có thể giảm chức năng mất ngủ và suy nhược thần kinh do làm việc quá sức, suy nghĩ quá nhiều hoặc do ảnh hưởng của tuổi tác.
Các tác dụng của hạt sen cũng đã được chứng minh trên phương diện khoa học. Thành phần glicozit trong thảo dược này có khả năng thúc đẩy cơ thể sản sinh 5-hydroxytryptamine (5-HTP/ serotonin) – một hợp chất được tạo ra từ amino axit tryptophan. Serotonin có tác dụng điều chỉnh tâm trạng, hành vi và tác động tích cực đến chất lượng giấc ngủ.
Vì vậy uống trà sen vàng đều đặn có thể cải thiện tình trạng khó ngủ, ngủ chập chờn, ngủ không sâu giấc và thường xuyên tỉnh giấc giữa đêm.
Cách pha trà sen vàng giúp cơ thể ngủ ngon, chống suy nhược:
- Ngâm hạt sen với nước ấm trong 2 giờ
- Sau đó cho vào nồi đun nhừ với 500ml nước
- Thêm 1 ít đường phèn vào và khuấy đều
- Nên uống cả trà và ăn hạt sen để cải thiện giấc ngủ, giảm căng thẳng và bồi bổ sức khỏe
13. Uống nước đậu đen rang trị mất ngủ, đau nửa đầu
Nước đậu đen rang có vị ngọt, mùi thơm dễ chịu, có tác dụng cải thiện vóc dáng, giảm căng thẳng, mệt mỏi và hỗ trợ tăng cường chất lượng giấc ngủ. Các axit amin, khoáng chất và vitamin trong thảo dược này giúp phục hồi các tế bào thần kinh bị tổn thương, từ đó làm giảm tình trạng chóng mặt, đau nửa đầu và căng thẳng.
Bên cạnh đó, nước đậu đen rang còn chứa nhiều chất chống oxy hóa tốt cho sức khỏe, hỗ trợ giảm chứng thiếu máu do thiếu sắt, cải thiện trí nhớ và giảm nguy cơ thoái hóa thần kinh.
Cách nấu nước đậu đen rang hỗ trợ giảm mất ngủ và đau nửa đầu:
- Rang khoảng 50g đậu đen
- Đun vôi với 700ml nước và chia thành 2 lần uống (sáng – tối)
- Nên dùng đều đặn trong 2 – 3 tuần để cải thiện sức khỏe và giảm chứng mất ngủ, đau nửa đầu
14. Trị mất ngủ kinh niên với nước sắc từ cây nữ lang
Cây nữ lang có vị ngọt cay, tính ấm, tác dụng sát trùng, lợi trung tiện và làm dịu thần kinh trung ương. Thảo dược này được sử dụng trong nền y học cổ truyền của Ấn Độ để chữa chứng loạn thần kinh chức năng, động kinh, chứng múa giật,…
Hiện nay, cây nữ lang đã được ứng dụng trong các sản phẩm hỗ trợ cải thiện chứng mất ngủ, tăng cường hoạt động của não bộ và phòng ngừa suy giảm trí nhớ ở người cao tuổi. Các công trình nghiên cứu đều nhận thấy, thảo dược này có tác dụng tăng lưu lượng máu động mạch vành, hạ huyết áp, chống loạn nhịp tim, giảm đau, an thần và giúp ngủ ngon.
Cách dùng cây nữ lang trị mất ngủ:
- Dùng 10 – 15g dược liệu nữ lang (rễ và cây)
- Sắc uống, ngày dùng 1 thang
- Có thể dùng trong thời gian dài để cải thiện hoạt động của tim mạch và phòng ngừa các bệnh lý thần kinh
15. Nước sắc từ lá vông nem giảm mất ngủ, khó ngủ
Lá vông nem có tác dụng an thần, giúp ngủ ngon, ngủ sâu giấc và hỗ trợ điều trị chứng huyết áp cao. Không chỉ được sử dụng trong y học cổ truyền, thảo dược này đã được nghiên cứu và ứng dụng để sản xuất các viên uống, sản phẩm hỗ trợ trị mất ngủ và khó ngủ.
Các alkaloid (Erythramin, Erythroidin) và hypaphorin trong lá vông nem có tác dụng thư giãn cơ giúp cơ thể giảm đau nhức và mệt mỏi sau một ngày làm việc. Ngoài ra, các hợp chất trong thảo dược này còn có tác dụng hạ thân nhiệt, điều hòa huyết áp, gây ngủ và ức chế hệ thần kinh trung ương.
Cách dùng lá vông nem trị mất ngủ, khó ngủ:
- Dùng 15g lá vông nem sắc với 400ml nước
- Sắc đến khi còn 200ml nước thì tắt bếp
- Để nước nguội và dùng trước khi ngủ 30 – 60 phút
Bên cạnh những loại nước uống giúp dễ ngủ, bạn cần phối hợp với chế độ dinh dưỡng khoa học, tập thể dục thường xuyên, cân đối thời gian làm việc – nghỉ ngơi và thay đổi các thói quen tác động xấu đến giấc ngủ như sử dụng điện thoại, máy tính trước khi ngủ, uống rượu bia, cà phê hoặc ăn tối quá no.
Hy vọng với 15 loại nước uống giúp dễ ngủ được tổng hợp trong bài viết, bạn có thể dễ dàng cải thiện tình trạng mất ngủ, ngủ không sâu giấc, trằn trọc và dễ thức giấc. Trong trường hợp mất ngủ kéo dài liên tục trong vài tuần, nên cân nhắc tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị y tế.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!