7 bài thuốc đông y trị mất ngủ và lưu ý khi dùng
Nội dung bài viết
Mặc dù có tác dụng chậm và hiệu quả hạn chế hơn so với thuốc Tây, tuy nhiên bài thuốc Đông y trị mất ngủ vẫn được khá nhiều bệnh nhân lựa chọn vì có độ an toàn khá cao. Hơn nữa, thuốc Đông y không chỉ cải thiện chất lượng giấc ngủ mà còn hỗ trợ bồi bổ chức năng ngũ tạng, khí huyết và nâng cao thể trạng.
Có nên điều trị mất ngủ bằng Đông y?
Mất ngủ là tình trạng thường gặp ở người cao tuổi và người làm việc, học tập căng thẳng. Thông thường, tình trạng này có thể thuyên giảm sau khi điều chỉnh thói quen sinh hoạt, nghỉ ngơi, tránh căng thẳng và xây dựng lối sống khoa học, lành mạnh.
Tuy nhiên ở một số trường hợp, mất ngủ có thể kéo dài trong nhiều tháng và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tổng thể. Với những trường hợp này, bệnh nhân bắt buộc phải thăm khám và sử dụng thuốc.
Đa phần các loại thuốc Tây trị mất ngủ (thuốc an thần, giải lo âu) có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng và không thật sự phù hợp với mọi đối tượng. Chính vì vậy, hiện nay nhiều bệnh nhân lựa chọn điều trị chứng mất ngủ bằng bài thuốc Đông y.
Theo quan niệm Đông y, mất ngủ (thất miên) là hệ quả do tình chí bị kích động, tâm hư đởm khiếp hoặc bẩm tố tiên thiên bất túc gây ra tình trạng bất an, bồn chồn và dẫn đến tình trạng khó ngủ, ngủ chập chờn, ngủ không sâu giấc và thường xuyên tỉnh giấc giữa đêm.
Khác với tân dược, thuốc Đông y điều trị chứng thất miên thông qua việc điều hòa khí huyết, âm dương và cải thiện công năng của các tạng phủ trong cơ thể. Khi cơ thể được điều hòa, tâm thần ổn định và khí huyết được lưu thông, chất lượng giấc ngủ sẽ được cải thiện đáng kể. Với cơ chế này, bài thuốc Đông trị mất ngủ có thể tác động toàn diện đến sức khỏe và hầu như không xảy ra hiện tượng phụ thuộc, lạm dụng thuốc quá mức như tân dược.
Tuy nhiên, hiệu quả của thuốc Đông y thường hạn chế và có tác dụng chậm hơn so với thuốc Tây y. Vì vậy ở một số trường hợp, bệnh nhân nên sử dụng tân dược theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
7+ Bài thuốc Đông y trị mất ngủ, cải thiện sức khỏe
Mất ngủ mãn tính có thể khiến tâm thần bất ổn, ảnh hưởng đến công năng của ngũ tạng, thể trạng rã rời, thiếu sức lạnh, xanh xao, ăn uống kém, ngực sườn bí bách. Tình trạng này kéo dài còn tác động tiêu cực đến tâm lý, làm giảm chất lượng cuộc sống và hiệu suất lao động – làm việc.
Đông y chia chứng thất miên thành nhiều thể bệnh dựa trên căn nguyên, đặc tính giấc ngủ và các biểu hiện đi kèm. Để đạt được hiệu quả cao, bệnh nhân nên lựa chọn bài thuốc phù hợp với thể bệnh.
1. Bài thuốc Đông y trị mất ngủ do âm hư
Mất ngủ do âm hư đặc trưng bởi tình trạng cả đêm không ngủ được, cơ thể khó chìm vào giấc ngủ, tâm lý buồn bực, bứt rứt, đau lưng mỏi gối và ù tai. Nam giới thường gặp phải tình trạng di tinh (xuất tinh nhưng không có khoái cảm), nữ giới bị bạch đới (khí hư ra nhiều), mạch tế sác và hay đi kèm với chứng táo bón.
Với thể bệnh này, nên dùng bài Thiên vương bổ tâm đan nhằm giáng hỏa và tư âm. Sử dụng bài thuốc ngày 1 thang cho đến khi giấc ngủ được cải thiện và ổn định trở lại.
- Chuẩn bị: Hoài sơn, đan sâm, thăng ma và đẳng sâm mỗi thứ 12g, bá tử nhân, phục thần và quy đầu mỗi thứ 12 – 16g, chu sa (để riêng) 2g, viễn trí, cát cánh, ngũ vị và liên nhục mỗi thứ 6g, lá vông, lạc tiên và sinh địa mỗi thứ 16g, táo nhân và phục thần mỗi thứ 12 – 20g, mạch môn 20g.
- Thực hiện: Tán các dược liệu thành bột mịn, sau đó làm thành hoàn, chu sa dùng làm vỏ. Mỗi lần dùng 12g, dùng đều đặn trong thời gian dài. Hoặc có thể dùng sắc uống, ngày sử dụng 1 thang.
2. Bài thuốc chữa chứng thất miên do tâm tỳ hư
Chứng thất miên thể tâm tỳ hư thường gây mất ngủ cả đêm hoặc lúc ngủ lúc tỉnh, ngủ không sâu giấc và hay thức giấc đột ngột do nằm mơ. Người mắc thể bệnh này hay rơi vào trạng thái hồi hộp, hoảng hốt không nguyên do, đầu óc hay quên, ăn kém, sắc mặt vàng, thiếu sức sống, chân tay mỏi và không có sức.
Đông y sử dụng bài Quy tỳ thang gia giảm để an thần và bổ tâm tỳ nhằm cải thiện chứng thất miên thể tâm tỳ hư.
- Chuẩn bị: Táo nhân, thục địa, bá tử nhân và hoài sơn mỗi thứ 20g, liên nhục, quy đầu, hoàng kỳ, bạch truật và long nhãn mỗi thứ 12g, phục thần và viễn trí mỗi thứ 8g, liên nhục, bạch truật, hoàng kỳ, quy đầu và long nhãn mỗi thứ 12g, đẳng sâm, lá vông và liên nhục mỗi thứ 16g, mộc hương 6g, sinh khương 5g.
- Thực hiện: Sắc uống ngày dùng 1 thang.
Với chứng thất miên thể tâm tỳ hư, cần kết hợp bài thuốc với nghỉ ngơi hợp lý, tránh xúc động và lo âu quá mức.
3. Bài thuốc Đông y chữa chứng mất ngủ do đờm nhiệt
Mất ngủ do đờm nhiệt đặc trưng với tình trạng cả đêm khó ngủ, người choáng váng, tính tình nóng nảy hoặc sợ sệt bất thường. Hay đi kèm với triệu chứng dạ dày ứ trệ, ăn uống khó tiêu, đầy hơi, chướng bụng, miệng đắng, rêu lưỡi vàng, ven lưỡi và đầu lưỡi đỏ, thường xuyên bị hoa mắt và chóng mặt.
Với thể đởm nhiệt, cần sử dụng bài Ôn đởm thang để hóa đờm ứ trệ và thanh nhiệt cơ thể.
- Chuẩn bị: Lạc tiên và lá vông mỗi thứ 16g, hoàng liên 6g, sinh khương 3 lát, bạch linh và chi tử mỗi thứ 12g, cam thảo 4g, táo 2 quả, bán hạ và trần bì mỗi thứ 8g.
- Thực hiện: Sắc uống, dùng đều đặn 1 thang cho đến khi chất lượng giấc ngủ được cải thiện.
Với chứng mất ngủ do đờm nhiệt, cần tránh sử dụng rượu bia, dùng thức ăn có tính nóng và không nên bị kích động quá mức. Có thể uống các loại trà có tính mát và nghỉ ngơi trong vòng vài ngày để thanh nhiệt và cải thiện sức khỏe tổng thể.
4. Thuốc Đông y chữa chứng thất miên do trường vị bất hòa
Chứng thất miên thể trường vị bất hòa thường gặp ở người bị đau dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản hoặc viêm đại tràng co thắt. Các chứng bệnh ở trường vị thường gây đau, đại tiện thất thường, ợ hơi, buồn nôn vào buổi đêm khiến cơ thể khó chịu, mệt mỏi, ngủ không sâu giấc và thường rơi vào trạng thái uể oải sau khi ngủ dậy.
Với thể trường vị bất hòa, Đông y không dùng bài thuốc có tác dụng an thần hay bình thần chí mà sử dụng bài Lục quân tử thang gia giảm nhằm điều hòa trường vị và giảm các triệu chứng ở đường tiêu hóa. Khi các triệu chứng do trường vị bất hòa được kiểm soát, tình trạng khó ngủ, mất ngủ, thức giấc giữa đêm sẽ được cải thiện đáng kể.
- Chuẩn bị: Bạch truật và thần khúc mỗi thứ 8 – 12g, mạch nha, bạch linh, lạc tiên và táo nhân mỗi thứ 12g, sơn tra, bán hạ, trần bì, chỉ thực và mộc hương mỗi thứ 8g, liên nhục 20g, lá vông 16g và cam thảo 4g.
- Thực hiện: Rửa sạch dược liệu, cho vào ấm và sắc kỹ. Ngày dùng 1 thang đều đặn đến khi triệu chứng thuyên giảm.
Bên cạnh việc sử dụng bài thuốc, nên ăn uống điều độ, tránh ăn quá no, ăn sát giờ ngủ, kiêng bia rượu, chất kích thích và các loại thực phẩm khó tiêu, dễ gây dị ứng.
5. Bài thuốc Đông y trị bệnh mất ngủ do can đởm hỏa vượng
Mất ngủ thể can đởm hỏa vượng đặc trưng bởi triệu chứng ngủ không ngon, thường xuyên nằm mơ, hay thức giấc giữa đêm,… Ngoài ra người bệnh còn gặp phải tình trạng đau đầu, ngực sườn đau, đầy trướng, tâm trạng hay tức giận, cáu gắt, miệng đắng và mạch huyền.
Với thể bệnh này, Đông y dùng bài Tiêu dao tán để sơ can thanh nhiệt. Bên cạnh đó, bệnh nhân cần uống nhiều nước, tránh dùng thức ăn cay nặng, nội tạng, thực phẩm chứa hàm lượng đạm quá cao và cần kiêng cử rượu bia để đảm bảo hiệu quả của bài thuốc.
- Chuẩn bị: Đương quy, thảo quyết minh, bạch thược, sài hồ và bạch linh mỗi thứ 12g, bán hạ, trần bì và trúc nhự mỗi thứ 8g, liên nhục và táo nhân mỗi thứ 20g, chỉ thực và bạch truật mỗi thứ 10g, trích thảo 6g.
- Thực hiện: Sắc uống, ngày dùng 1 thang.
6. Thuốc Đông y trị chứng thất miên thể tâm hỏa thượng khang
Chứng thất miên thể tâm hỏa vượng khang xảy ra do tâm bất ổn, loạn nhịp hoặc đập mạnh bất thường. Tâm phiền kéo dài khiến cơ thể nóng nảy, dễ cáu gắt, khó ngủ, mất ngủ và ngủ không ngon. Bệnh nhân có một số biểu hiện đi kèm như tiểu tiện ngắn, nước tiểu đỏ, miệng khô, lưỡi táo, đầu và rìa lưỡi đỏ, rêu lưỡi có màu vàng và chất mỏng.
Với thể tâm hỏa vượng khang, cần dùng bài Châu sau hoàn gia giảm để định tâm, an thần và thanh tâm tả hỏa.
- Chuẩn bị: Đương quy, liên kiều và hoàng cầm mỗi thứ 10g, sinh địa, châu sa và hoàng liên mỗi thứ 16g.
- Thực hiện: Tán bột làm hoàn, điều chỉnh liều lượng theo triệu chứng.
7. Bài thuốc Đông y chữa chứng mất ngủ do tâm thần bất giao
Bệnh nhân bị mất ngủ do tâm thần bất giao thường khó ngủ, mất ngủ cả đêm, người bồn chồn không yên. Đánh trống ngực thường xuyên, hay đổ mồ hôi trộm, lưng đau gối mỏi, nam giới thường có hiện tượng di tinh (xuất tinh nhưng không có khoái cảm).
Với thể bệnh này, Đông y kết hợp bài Giao thái hoàn và Lục vị địa hoàng hoàn để tư âm giáng hỏa, thanh tâm an thần và giao thông tâm thận.
- Chuẩn bị: Đan bì, hoàng liên, phục linh và trạch tả mỗi thứ 120g, sơn thù và hoài sơn mỗi thứ 160g, nhục quế 40g, thục địa 320g.
- Thực hiện: Đem các vị tán thành bột mịn, sau đó trộn với mật ong làm thành hoàn. Mỗi lần dùng 8 – 12g, ngày dùng 2 – 3 lần uống với nước đun sôi để nguội.
8. Một số bài thuốc Đông y dùng ngoài
Bên cạnh bài thuốc uống, bệnh nhân cũng có thể kết hợp với các bài thuốc dùng ngoài để cải thiện chất lượng giấc ngủ, giảm tình trạng khó ngủ, ngủ không sâu giấc và mệt mỏi sau khi thức dậy.
Một số bài thuốc Đông y dùng ngoài có khả năng chữa chứng thất miên:
- Bài thuốc 1: Chuẩn bị hoàng cầm và cúc hoa mỗi thứ 10g, dạ giao đằng 30g và từ thạch 20g. Đem dược liệu rửa sạch, sắc lấy nước và ngâm chân 20 phút trước khi đi ngủ.
- Bài thuốc 2: Dùng hổ phách 3g, từ thạch và chu sa mỗi thứ 30g tán bột mịn. Sau đó cho thuốc bột bọc bên trong túi vải và để lên đầu (đội nón để cố định). Sáng thức dậy tháo ra.
- Bài thuốc 3: Chuẩn bị cỏ bấc đèn và cúc hoa mỗi thứ 250g dùng làm ruột gối nằm để cải thiện giấc ngủ, giảm mệt mỏi và tránh tình trạng thức giấc giữa đêm.
Lưu ý khi dùng bài thuốc Đông y trị mất ngủ
Các bài thuốc Đông y trị mất ngủ có công dụng điều hòa khí huyết, bồi bổ chức năng ngũ tạng, an thần và cải thiện sức khỏe tổng thể. Khác với tân dược, thuốc Đông y có độ an toàn khá cao và không chỉ tập trung triệu chứng mà còn tác động đến thể trạng.
Tuy nhiên để đảm bảo hiệu quả khi áp dụng, bệnh nhân cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Bài thuốc Đông y trị mất ngủ thường có tác dụng chậm và hiệu quả hạn chế hơn so với tân dược. Vì vậy trong trường hợp mất ngủ do lo âu và căng thẳng quá mức, có thể sử dụng một số loại thuốc an thần theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Không sử dụng đồng thời thuốc Đông y và tân dược. Việc kết hợp thuốc có thể làm tăng tác dụng an thần và gây ra một số tác dụng không mong muốn.
- Bệnh nhân nên tìm gặp thầy thuốc để được thăm khám, xác định thể bệnh và chỉ định bài thuốc phù hợp. Trên thực tế, thầy thuốc thường gia giảm liều lượng tùy vào tình trạng sức khỏe của từng người.
- Trong trường hợp cần thiết, có thể kết hợp bài thuốc với bấm huyệt và châm cứu để tăng tác dụng điều trị.
- Bên cạnh việc áp dụng bài thuốc và các phương pháp điều trị, bệnh nhân cần xây dựng lối sống lành mạnh, ăn uống khoa học, tránh làm việc quá sức và hạn chế căng thẳng, lo âu trong thời gian dài.
- Đối với người cao tuổi, nên bổ sung các món ăn có tác dụng bồi bổ sức khỏe và an thần để cải thiện tình trạng khó ngủ, tâm trạng bất an, hồi hộp,…
- Nên dành 15 – 30 phút/ ngày để tập thể dục thể thao. Các nghiên cứu cho thấy, hoạt động thể chất có thể kích thích não bộ sản sinh endorphin giúp làm giảm căng thẳng, mệt mỏi và cải thiện chất lượng giấc ngủ đáng kể.
Bài viết đã tổng hợp 7+ bài thuốc Đông y trị mất ngủ được lưu truyền trong dân gian. Tuy nhiên trước khi áp dụng, bệnh nhân nên tham vấn y khoa để được chỉ định bài thuốc và gia giảm liều lượng phù hợp với triệu chứng. Bên cạnh đó, nên kết hợp với lối sống khoa học và cân bằng tâm lý để ổn định giấc ngủ lâu dài.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!