Vì Sao Khó Ngủ Trưa Và 10 Mẹo Ngủ Nhanh, Ngon Cho Bạn
Nội dung bài viết
Khó ngủ trưa là hiện tượng rất nhiều người gặp phải, mặc dù không phải là bệnh lý nhưng nếu tình trạng này diễn ra kéo dài cũng sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. Dưới đây là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó ngủ trưa và 10 mẹo giúp ngủ nhanh chóng bạn có thể tham khảo.
Tác dụng của giấc ngủ trưa đối với cơ thể
Do ảnh hưởng của quá trình bài tiết trong cơ thể mà đồng hồ sinh học chúng ta chia thành 2 thời điểm ngủ sâu là 2 – 4 giờ sáng và 13 – 15 giờ. Vì vậy, ngủ trưa cũng tương tự như giấc ngủ đêm, đây là một trong những nhu cầu sinh lý tự nhiên của cơ thể. Chuyên gia cho biết, vào buổi trưa nhiệt độ cơ thể chúng ta sẽ giảm dần và khả năng phản ứng với các kích thích bên ngoài cũng bị ảnh hưởng, điều cần thiết lúc này đó là có một giấc ngủ trưa để cân bằng lại. Một số tác dụng của giấc ngủ trưa đối với cơ thể là:
- Ngủ trưa giúp cơ thể được nghỉ ngơi và xua tan cảm giác mệt mỏi sau một buổi sáng làm việc căng thẳng. Thói quen ngủ trưa tốt sẽ giúp bạn phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh về hệ tiêu hóa, đau đầu, mất ngủ và các bệnh làm tê liệt trí não.
- Ngủ trưa còn là một liều thuốc rất tốt đối với não bộ, đặc biệt là đối với những trẻ em đang trong giai đoạn phát triển. Ngủ trưa đầy đủ và đúng cách sẽ giúp giải tỏa cảm giác mệt mỏi ở đầu óc, từ đó giúp não bộ của trẻ phát triển tốt hơn. Còn đối với người lớn, ngủ trưa sẽ giúp bạn lấy lại tinh thần tỉnh táo để chuẩn bị cho một buổi chiều làm việc hiệu quả.
- Nếu bạn bị mất ngủ hoặc ngủ không đủ giấc vào ban đêm thì ngủ trưa là một trong những nhu cầu thật sự rất cần thiết. Giấc ngủ trưa này sẽ giúp bạn xua tan đi cảm giác mệt mỏi do thiếu ngủ gây ra, đồng thời bổ sung thêm năng lượng để có thể tập trung tinh thần cho buổi làm việc tiếp theo.
Ngủ trưa mang lại rất nhiều tác dụng tốt đối với sức khỏe, tuy nhiên bạn cần phải ngủ đúng giờ giấc. Chuyên gia cho biết, thời gian để ngủ trưa tốt nhất là từ 15 – 30 phút, có thể kéo dài hơn nhưng không nên quá 1 tiếng đồng hồ. Nếu bạn ngủ trưa quá ít sẽ không có đủ thời gian để giải tỏa hết mệt mỏi trong cơ thể, khiến tinh thần không được minh mẫn vào buổi làm việc chiều. Ngược lại, nếu bạn ngủ trưa quá lâu sẽ khiến đầu óc bị rơi vào trạng thái u mê, điều này sẽ làm cho đầu óc bị nặng nề và ảnh hưởng đến năng suất lao động,…
Vì sao bạn bị khó ngủ trưa?
Việc dành khoảng 30 phút để ngủ vào mỗi buổi trưa sẽ giúp bạn duy trì được tinh thần tỉnh táo, có đủ năng lượng để chuẩn bị cho buổi làm việc tiếp theo. Ngược lại, nếu bạn không có thói quen này thì cũng không sao nhưng chúng sẽ gây ra một số ảnh hưởng nhất định đến đời sống sinh hoạt hàng ngày như suy giảm trí nhớ do hoạt động của não bộ bị suy yếu, dễ bị căng thẳng và suy kiệt do làm việc quá sức, hiệu quả làm việc bị suy ảnh hưởng đáng kể, dễ mắc bệnh tim mạch,…
Khó ngủ trưa là tình trạng rất nhiều người gặp phải, chúng xảy ra chủ yếu là do tác động từ yếu tố tâm lý. Khó ngủ trưa mặc dù không được xếp vào hàng bệnh lý, tuy nhiên nếu tình trạng này diễn ra kéo dài cũng sẽ để lại những hệ lụy tương tự như căn bệnh mất ngủ kinh niên. Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó ngủ trưa thường gặp là:
– Do thói quen: Thói quen không ngủ trưa là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó ngủ trưa thường gặp nhất. Đây là thói quen ảnh hưởng không tốt đến cơ thể, nếu đang gặp phải tình trạng này thì bạn nên có các biện pháp khắc phục hợp lý. Tốt nhất, bạn nên dành từ 15 – 30 phút mỗi ngày để tập và ngủ trưa, điều này sẽ mang rất nhiều lợi ích đối với tinh thần và sức khỏe của bạn.
– Sinh hoạt thiếu lành mạnh: Việc sử dụng các chất kích thích thần kinh giúp bạn tỉnh táo hơn trong công việc (như cà phê, thuốc lá, nước trà đặc,…), ngủ quá nhiều hoặc thức trễ vào buổi sáng, đi du lịch hoặc làm việc ở nơi xa trái múi giờ, ăn quá no trước khi đi ngủ,… cũng là nguyên nhân khiến cho giấc ngủ trưa của bạn bị ảnh hưởng đáng kể. Các thói quen xấu ở trên sẽ khiến cho hoạt động của hệ vi mạch bị suy giảm, quá trình lưu thông máu và oxy đến não bị cản trở gây khó ngủ.
– Tác động của tâm lý: Áp lực từ công việc khiến tinh thần bị căng thẳng và tâm lý không ổn định cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó ngủ. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng của giấc ngủ trưa mà chúng còn khiến bạn bị khó ngủ vào ban đêm. Nếu bị khó ngủ kéo dài sẽ làm cho tình thần bị sa sút, cơ thể mệt mỏi và trí tuệ thiếu minh mẫn.
– Ảnh hưởng của không gian ngủ: Không gian ngủ cũng là một trong những yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp đến giấc ngủ trưa mà bạn không ngờ tới. Thường chúng ta sẽ rất khó để đi vào giấc ngủ nếu ngủ trong không gian chật hẹp, nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh, phòng ngủ ồn ào và không sạch sẽ,… Các tư thế như nằm gục, gối đầu quá cao hoặc quá thấp cũng sẽ khiến bạn bị khó ngủ.
– Nguyên nhân khác: Ngoài những nguyên nhân phổ biến được kể đến ở trên thì khó ngủ trưa cũng có thể là ảnh hưởng của một số bệnh lý (như viêm xoang, viêm mũi dị ứng, trầm cảm, bệnh viêm loét dạ dày,…) hoặc tác dụng phụ của một số loại thuốc (như thuốc giảm đau, thuốc đau đầu, thuốc kháng viêm, thuốc lợi tiểu,…).
10 mẹo ngủ trưa nhanh và ngủ ngon
Việc ngủ trưa đúng cách và đúng giấc sẽ giúp nâng cao sức khỏe, tăng cường chức năng hoạt động của não bộ cũng như nhiều cơ quan nội tạng khác trong cơ thể. Tùy thuộc vào nhu cầu của bản thân mà bạn có thể điều chỉnh thời gian ngủ trưa của bản thân sao cho phù hợp nhất, tuy nhiên thời gian ngủ nên ngắn nhất là 15 phút và kéo dài không quá 1 tiếng. Dưới đây là 10 mẹo ngủ trưa nhanh và ngon bạn có thể tham khảo:
Đi ngủ vào thời gian thích hợp
Chuyên gia cho biết, thời gian thích hợp nhất để ngủ trưa là sau khi ăn trưa. Tuy nhiên bạn không nên ngủ ngay sau khi ăn mà hãy dành khoảng 30 phút thư giãn để tiêu hóa thức ăn rồi hãy đi ngủ. Điều này sẽ giúp bạn tránh được nguy cơ mắc một số bệnh lý về dạ dày như đầy bụng khó tiêu, đau dạ dày,… Bên cạnh đó, việc đi ngủ ngay sau khi đi ăn cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó ngủ. Bạn có thể tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng về các loại thực phẩm có tác dụng hỗ trợ giấc ngủ để bổ sung vào thực đơn ăn uống hàng ngày.
Tập thói quen ngủ trưa đúng giờ
Nếu trước đây bạn không có thói quen ngủ trưa thì tốt nhất nên điều chỉnh lại, hãy tập thói quen ngủ trưa và thức dậy đúng giờ. Điều này sẽ giúp cho tinh thần trở nên tỉnh táo hơn vào ban ngày và ngủ ngon hơn vào giấc đêm. Nếu việc ngủ trưa và thức giấc lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ hình thành trong đồng hồ sinh học của bạn, tạo phản xạ buồn ngủ tự nhiên mỗi khi đến giờ ngủ trưa.
Lựa chọn không gian ngủ phù hợp
Ánh sáng mặt trời dễ gây kích thích đến đồng tử khiến bạn không có cảm giác muốn nghỉ ngơi. Vì vậy, không gian thích hợp để ngủ trưa nhất là nơi không có ánh sáng mặt trời chiếu vào. Ngoài yếu tố ánh sáng thì bạn cũng nên chú ý đến độ yên tĩnh của căn phòng. Tốt nhất, bạn nên đặt lưng và nằm nghỉ ngơi ở nơi cách xa với tiếng ồn, điều này sẽ giúp đầu óc dễ thả lỏng và đi ngủ vào giấc ngủ hơn. Nếu yên tĩnh vẫn không thể khiến bạn buồn ngủ thì hãy thử mở một bài nhạc nhẹ nhàng và du dương, chúng sẽ giúp đầu óc cảm thấy thoải mái và dễ chìm vào giấc ngủ hơn.
Đặt đồng hồ báo thức
Đặt chuông đồng hồ báo thức khi đi ngủ trưa giúp bạn thức dậy đúng giờ, tránh tình trạng ngủ quá nhiều khiến đầu óc trở nên mơ màng và mệt mỏi hơn khi thức dậy. Khó ngủ trưa cũng có thể xảy ra do áp lực thời gian quá ngắn, tạo nên tâm lý lo lắng sợ ngủ quên và khiến tình trạng khó ngủ trở nên tồi tệ hơn. Việc đặt chuông đồng hồ báo thức sẽ tạo cho bạn được cảm giác yên tâm và thoải mái khi ngủ, từ đó chất lượng giấc ngủ trưa sẽ được đảm bảo hơn.
Uống một tách cà phê trước khi đi ngủ
Cà phê là một trong những thức uống có tác dụng kích thích não bộ giúp chúng ta trở nên tỉnh táo và tập trung hơn. Tuy nhiên, tác dụng này chỉ phát huy sau khi bạn đã uống cà phê được 40 phút, vì vậy bạn có thể thoải mái uống cà phê trước khi đi ngủ. Ngoài ra, cách này còn có tác dụng làm tinh thần trở nên tỉnh táo và dễ tập trung vào công việc hơn sau khi thức dậy, tránh được tình trạng ngủ mê mang hoặc ngủ say đến mức không dậy nổi.
Hạ thấp nhiệt độ phòng
Nhiệt độ và độ ẩm cũng là một trong những yếu tố có tác động trực tiếp đến chất lượng giấc ngủ của bạn. Một số nghiên cứu khoa học đã chỉ ra, khi bạn rơi vào trạng thái ngủ say thì nhiệt độ của cơ thể sẽ có chiều hướng tăng lên. Nếu bạn ngủ ở một nơi quá nóng hoặc nơi có nhiệt độ phòng sẽ gây ra cảm giác khó chịu khi ngủ say và dễ tỉnh giấc.
Tùy thuộc vào thói quen mà bạn nên điều chỉnh nhiệt độ phòng ngủ sao cho phù hợp, điều này sẽ giúp bạn có được một giấc ngủ trưa đảm bảo chất lượng. Theo ý kiến chuyên gia thì nhiệt độ phòng lý tưởng nhất dành cho giấc ngủ trưa đó là từ 15 – 20 độ C.
Thư giãn đầu óc trước khi đi ngủ
Hầu hết những người gặp phải tình trạng khó ngủ đều có thói quen tập trung suy nghĩ vào những vấn đề tiêu cực hoặc khó khăn trong công việc trước khi đi ngủ. Điều này sẽ khiến cho tâm lý rơi vào trạng thái căng thẳng và rất khó để rơi vào trạng thái ngủ. Để cải thiện tình trạng này, bạn nên tập thả lỏng đầu có trước khi đi ngủ bằng cách tập trung thư giãn các nhóm cơ và hít thở chậm lại, tránh để cho não bộ tiếp tục hoạt động. Ngoài ra, bạn cũng có thể nghĩ đến những hình ảnh giúp thư giãn đầu óc như đi dạo trên biển, đếm cừu hoặc nghe một bài nhạc nhẹ nhàng nào đó.
Tránh phấn khích thái quá
Các hoạt động gây phấn kích thái quá như chơi thể thao, đùa giỡn hoặc vui mừng quá mức cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó ngủ thường gặp. Khi bị phấn khích quá độ, não bộ sẽ tăng sinh serotonin và giảm hormone căng thẳng, đồng thời nồng độ cortisol trong máu cũng tăng cao. Đây đều là những chất khiến cho não bộ trở nên tỉnh táo hơn và dẫn đến tình trạng khó ngủ.
Nếu bạn đang vui mừng quá mức gây khó ngủ trưa thì hãy dùng các ngón tay để massage vùng thái dương và mắt, cách này sẽ có tác dụng làm thư giãn tinh thần và dễ rơi vào giấc ngủ.
Rửa mặt bằng nước ấm
Một trong những cách giúp bạn dễ dàng đi ngủ hơn đó là rửa mặt bằng nước ấm, nhiệt độ ấm nóng từ nước sẽ mang lại cảm giác thư giãn và thoải mái cho cơ thể. Ngoài ra, nước nóng còn có tác dụng trì hoãn quá trình trao đổi chất diễn ra ở da, đây là một trong những điều kiện thuận lợi giúp bạn dễ chìm vào giấc ngủ hơn. Còn nếu bạn bị khó ngủ vào ban đêm thì hãy sử dụng nước ấm để ngâm chân, xông hơi hoặc tắm giúp dễ dàng chìm vào giấc ngủ hơn.
Sử dụng mùi hương tự nhiên
Nghiên cứu y học hiện đại đã chỉ ra, mùi hương của một số loại dược liệu tự nhiên có tác dụng giảm stress, thư giãn thần kinh và gây buồn ngủ rất tốt có thể kể đến như tinh dầu hoa hồng, tinh dầu hoa oải hương, tinh dầu đinh lăng,… Nếu bạn bị khó ngủ trưa, hãy chuẩn bị một lọ tinh dầu này và đặt tại văn phòng. Mùi hương của chúng sẽ hòa vào không khí, đi vào cơ thể thông qua đường hô hấp và kích thích cảm giác buồn ngủ một cách tự nhiên.
Trên đây là 10 mẹo giúp ngủ trưa nhanh và ngon hơn, bạn có thể tham khảo và áp dụng cho bản thân. Ngủ trưa có tác dụng rất tốt đối với sức khỏe nhưng chúng còn tùy thuộc vào nhu cầu của mỗi người, nếu bạn không cảm thấy mệt mỏi thì không cần thiết phải bắt ép cơ thể đi ngủ. Ngủ trưa mặc dù tốt nhưng không quan trọng bằng giấc ngủ đêm, nếu bạn hay bị khó ngủ vào ban đêm thì cũng nên hạn chế việc ngủ trưa.
Có thể bạn quan tâm:
TIN BÀI NÊN ĐỌC
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!