Siêu âm đo độ mờ da gáy ở tuần thứ mấy? Ở đâu?
Nội dung bài viết
Siêu âm đo độ mờ da gáy là kỹ thuật sàng lọc trước sinh được thực hiện vào tuần thứ 11 – 14 của thai kỳ. Phương pháp này có thể đo lượng dịch tích tụ ở vùng da gáy, từ đó đánh giá được nguy cơ thai nhi mắc hội chứng Down và các dị tật bẩm sinh khác.
Siêu âm/ Kiểm tra đo độ mờ da gáy là gì? Mục đích thực hiện
Siêu âm/ kiểm tra đo độ mờ da gáy (Nuchal translucency) là phương pháp sử dụng kỹ thuật siêu âm nhằm xác định độ mờ da gáy (khoảng dịch tích tụ nằm phía sau gáy của thai nhi). Dựa vào kỹ thuật này, các bác sĩ có thể sàng lọc được nguy cơ trẻ mắc các dị tật bẩm sinh như hội chứng Down.
Theo các chuyên gia, lượng dịch tích tụ ở vùng da sau gáy có chức năng chính là bảo vệ thai nhi từ tuần thứ 9 – 14 thai kỳ. Bởi ở thời điểm này, hệ thống xương sọ của thai nhi chưa phát triển hoàn chỉnh. Tuy nhiên, lượng dịch tích tụ quá lớn lại là dấu hiệu cho thấy các bất thường về nhiễm sắc thể. Do đó, việc kiểm tra độ mờ da gáy có thể đánh giá nguy cơ và phát hiện sớm các hội chứng di truyền ở thai nhi.
Đây là một trong những kỹ thuật sàng lọc dị tật bẩm sinh quan trọng, được khuyến khích áp dụng với tất cả các mẹ bầu. Siêu âm đo độ mờ da gáy thường được thực hiện vào đầu thai kỳ. Trong trường hợp xét nghiệm này cho kết quả bất thường, các bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện thêm các kỹ thuật sàng lọc chuyên sâu và có thể cân nhắc về việc đình chỉ thai kỳ nếu dị tật quá nghiêm trọng.
Nên đo độ mờ da gáy vào tuần thứ mấy?
Tất cả các thai nhi đều có một lượng dịch nhất định tích tụ ở vùng da sau gáy. Tuy nhiên, lượng dịch này chỉ tồn tại ở mức độ nhất định. Trong trường hợp dịch tích tụ nhiều bất thường, thai nhi có nguy cơ cao mắc các dị tật bẩm sinh – đặc biệt là hội chứng Down. Ngoài ra, thông qua xét nghiệm này bác sĩ cũng có thể sàng lọc được nguy cơ thai nhi mắc các hội chứng do bất thường ở nhiễm sắc thể.
Mặc dù có thể sàng lọc được nguy cơ dị tật bẩm sinh nhưng độ chính xác của kỹ thuật này phụ thuộc nhiều vào thời điểm thực hiện. Theo các chuyên gia, đo độ mờ da gáy cho kết quả chính xác nhất khi thực hiện vào tuần thứ 11 – 14 của thai kỳ hoặc khi thai có chiều dài đủ 45 – 84mm. Thực hiện xét nghiệm này vào những thời điểm khác có thể không phản ánh khách quan tình trạng sức khỏe của thai nhi.
Có nhất thiết phải đo độ mờ da gáy?
Thai nhi khỏe mạnh và phát triển tốt là mong muốn của tất cả các mẹ bầu. Do đó, đo độ mờ da gáy là kỹ thuật sàng lọc mẹ bầu nên thực hiện trong thời gian mang thai. Thực hiện kỹ thuật này giúp đánh giá nguy cơ trẻ mắc hội chứng Down và các dị tật bẩm sinh ngay từ tuần thứ 11 – 14 của thai kỳ. Hơn nữa, kỹ thuật này được thông qua phương pháp siêu âm nên không gây ra rủi ro và hệ lụy như chọc ối và chọc cuống rốn.
Do đó, tất cả mẹ bầu đều nên thực hiện kiểm tra đo độ mờ da gáy để đánh giá tình trạng sức khỏe của thai nhi và can thiệp các biện pháp xử lý trong trường hợp nhận thấy các triệu chứng bất thường. Ngoài siêu âm đo độ mờ da gáy, thai phụ cũng có thể can thiệp một số kỹ thuật sàng lọc trước sinh an toàn như Double test, Triple test, NIPT,… Tuy nhiên, đa phần các xét nghiệm này đều có chi phí cao hơn so với siêu âm đo độ mờ da gáy. Do đó, mẹ nên kiểm tra độ mờ da gáy trước và chỉ thực hiện các kỹ thuật sàng lọc khác khi có chỉ định của bác sĩ.
Quy trình đo độ mờ da gáy
Kiểm tra độ mờ da gáy được thực hiện thông qua phương pháp siêu âm. Trước tiên, bác sĩ sẽ sử dụng sonographer (máy đo) để tính tuổi của bào thai hoặc đo chiều dài từ đầu đến phần cuối xương sống để xác định thời điểm đo phù hợp. Sau đó, thông qua kỹ thuật siêu âm, bác sĩ có thể xác định được phần dịch tích tụ sau gáy của thai nhi (phần màu đen).
Quá trình siêu âm đo độ mờ da gáy được thực hiện tương đối nhanh chóng và an toàn tuyệt đối với phụ nữ mang thai lẫn thai nhi. Tuy nhiên trong trường hợp mẹ bầu bị béo phì hoặc có tử cung nghiêng, bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm đầu dò để cho kết quả khách quan nhất.
Đọc kết quả xét nghiệm độ mờ da gáy
Lượng dịch tích tụ ở vùng da gáy của thai nhi có sự thay đổi theo tuổi thai. Theo các chuyên gia, thai khoảng 11 tuần tuổi có độ mờ da gáy khoảng 2mm và 2.8mm nếu đo vào tuần thứ 13. Kết quả đo độ mờ da gáy bình thường dao động từ 2 – 3mm. Trong trường hợp kết quả hơn 3mm, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán chuyên sâu để sàng lọc nguy cơ bị hội chứng Down và các dị tật bẩm sinh khác.
Thực tế, xét nghiệm đo độ mờ da gáy có thể cho kết quả chính xác đến 75%. Do đó, nếu kết quả xét nghiệm cho thấy có sự bất thường, phụ huynh nên cân nhắc thực hiện thêm một số xét nghiệm chuyên sâu theo hướng dẫn của bác sĩ để phát hiện và xử lý sớm các dị tật bẩm sinh ở thai nhi.
Một số thắc mắc về siêu âm đo độ mờ da gáy
Đo độ mờ da gáy là kỹ thuật sàng lọc trước sinh phổ biến nhất hiện nay. Kỹ thuật này được thực hiện trong thời gian đầu thai kỳ và có thể phản ánh đúng 75% tình trạng sức khỏe của thai nhi. Tuy nhiên trước khi đo độ mờ da gáy, mẹ nên tham khảo thêm thông tin giải đáp về các thắc mắc xung quanh phương pháp này để đảm bảo quá trình thực hiện diễn ra thuận lợi.
1. Thai 11 tuần 5 ngày đo độ mờ da gáy được chưa?
Xét nghiệm đo độ mờ da gáy được khuyến khích thực hiện vào tuần thứ 11 – 14. Do đó, thai đủ 11 tuần 5 ngày có thể can thiệp kỹ thuật này để sàng lọc nguy cơ mắc hội chứng Down và các dị tật bẩm sinh khác.
2. Siêu âm vào 10 tuần 6 ngày có biết được độ mờ da gáy?
Siêu âm thai khi thai được 10 tuần 6 ngày không thể xác định đúng độ mờ da gáy và nguy cơ mắc các hội chứng bẩm sinh. Độ thai tối thiểu để thực hiện kỹ thuật là thai từ 11 tuần tuổi.
Việc kiểm tra trước và sau tuần thứ 11 – 14 đều không phản ánh đúng tình trạng sức khỏe của bé. Ở những thời điểm này, lượng dịch tích tụ ở vùng da sau gáy thường duy trì ở mức cân bằng, tức là dao động từ 2 – 3mm. Chính vì vậy, việc siêu âm vào khi thai được 10 tuần 6 ngày không thể đo độ được mờ da gáy.
3. Đo độ mờ da gáy tuần thứ 12 được không?
Đo độ mờ da gáy vào tuần thứ 12 được không là vấn đề được nhiều thai phụ quan tâm. Theo các chuyên gia, thai đủ 12 tuần có thể thực hiện đo độ mờ da gáy để sàng lọc nguy cơ bị hội chứng Down và các dị tật bẩm sinh có bất thường ở các cặp nhiễm sắc thể khác. Do đó khi thai đủ 12 tuần tuổi, mẹ có thể đến các bệnh viện lớn để thực hiện kỹ thuật này.
4. Cách tính tuổi thai để đo độ mờ da gáy
Cách tính tuổi thai để đo độ mờ da gáy là vấn đề được các thai phụ quan tâm. Bởi tuổi thai là yếu tố quan trọng, ảnh hưởng đến kết quả và tính khách quan của phương pháp siêu âm đo độ mờ da gáy.
Thai phụ có thể xác định tuổi thai thông qua chu kỳ kinh nguyệt và ngày quan hệ cuối cùng. Tuy nhiên, việc tính toán thủ công có thể gây ra tình trạng nhầm lẫn. Do đó giải pháp tối ưu để xác định tuổi thai là thực hiện siêu âm. Vì vậy ngay khi nghi ngờ mang thai, mẹ bầu nên siêu âm sớm để được đo tuổi thai và kiểm tra độ mờ da gáy vào thời điểm thích hợp.
Đo độ mờ da gáy cho kết quả bất thường phải làm sao?
Đo độ mờ da gáy có kết quả bất thường (>3mm) cho thấy thai nhi có nguy cơ cao bị hội chứng Down và các dị tật bẩm sinh khác. Do đó trong trường hợp này, thai phụ cần thực hiện thêm một số kỹ thuật chuyển sâu theo hướng dẫn của bác sĩ như:
– Chọc dò cuống rốn:
Chọc dò cuống rốn được thực hiện để lấy máu thai nhi nhằm sàng lọc, chẩn đoán các bất thường về di truyền. Phương pháp này được thực hiện vào tuần thứ 11 – 13. Do đó ngay sau khi siêu âm đo độ mờ da dày cho kết quả bất thường, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện chọc dò cuống rốn – đặc biệt là trong trường hợp kết quả cao hơn 5mm.
– Double test, Triple test:
Double test được thực hiện vào tuần thứ 12 của thai kỳ và Triple test được thực hiện từ tuần thứ 14 – 22. Do đó sau khi siêu âm đo độ mờ da gáy, thai phụ có thể thực hiện 1 trong 2 kỹ thuật này để sàng lọc nguy cơ dị tật bẩm sinh ở thai nhi.
Cả Double test và Triple test đều được thực hiện thông qua xét nghiệm máu nhằm kiểm tra chỉ số PAPP-A, beta-HCG tự do, estriol, AFP,… Qua kết quả từ các xét nghiệm này, bác sĩ có thể đánh giá nguy cơ thai nhi mắc các dị tật có tính chất di truyền như hội chứng Down, hội chứng Patau và hội chứng Edwards.
– Chọc dò ối:
Chọc dò ối là phương pháp sàng lọc trước sinh cho kết quả chính xác cao (99.99%). Do đó trong trường hợp siêu âm đo độ mờ da gáy, Double test và Triples có kết quả bất thường, bác sĩ có thể chỉ định chọc ối.
Kỹ thật này được thực hiện bằng cách dùng kim nhỏ, rộng xuyên qua bụng của sản phẩm và lấy khoảng 10 – 15ml nước ối. Đây là kỹ thuật sàng lọc trước sinh được thực hiện vào tuần thứ 16 – 24. Tuy nhiên do có nhiều rủi ro và hệ lụy nên chọc ối chỉ được thực hiện trong trường hợp cần thiết.
– Xét nghiệm NIPT:
NIPT (sàng lọc thai nhi không xâm lấn) là kỹ thuật sàng lọc trước sinh hiện đại nhất hiện nay. Phương pháp này sử dụng máu của mẹ bầu được lấy ở đường tĩnh mạch, sau đó tiến hành giải trình gen và phân tích ADN tự do của thai nhi trong máu của thai phụ.
Xét nghiệm NIPT giúp phát hiện nguy cơ mắc hội chứng Down, hội chứng Edward, hội chứng Patau, các thể tam bội và bất thường ở các cặp nhiễm sắc thể khác. NIPT có thể thực hiện từ tuần thứ 10 trở đi và hoàn toàn không gây hại cho thai nhi, mẹ bầu. Do đó hiện nay, NIPT là kỹ thuật sàng lọc trước sinh được áp dụng rất phổ biến – đặc biệt là sau khi kiểm tra độ mờ da gáy cho kết quả bất thường.
Thực tế, siêu âm đo độ mờ da gáy chỉ là kỹ thuật chẩn đoán sơ bộ về nguy cơ mắc các dị tật bẩm sinh. Kỹ thuật này chỉ cho kết quả chính xác khoảng 75% và cũng có không ít trường hợp bị sai lệch. Do đó, mẹ bầu không nên quá lo lắng khi kết quả siêu âm có dấu hiệu bất thường. Để đảm bảo tính khách quan, nên thực hiện thêm một số kỹ thuật sàng lọc trước sinh chuyên sâu theo hướng dẫn của bác sĩ.
Lưu ý khi siêu âm đo độ mờ da gáy
Siêu âm đo độ mờ da gáy là kỹ thuật sàng lọc trước sinh khá phổ biến. Phương pháp này có thể đánh giá được nguy cơ thai nhi mắc hội chứng Down và các dị tật bẩm sinh khác. Tuy nhiên trước khi thực hiện siêu âm đo độ mờ da gáy, mẹ bầu nên lưu ý một số vấn đề sau:
- Trước khi siêu âm, mẹ bầu không nhất thiết phải nhịn ăn nhưng chỉ nên dùng thức ăn nhẹ. Đồng thời nên tránh sử dụng bia rượu, nước ngọt có gas, thuốc lá, nước trái cây để tránh gây ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.
- Nên uống nhiều nước và nhịn đi tiểu để hình ảnh siêu âm sắc nét và chất lượng hơn.
- Ngoài ra, mẹ bầu nên mặc trang phục rời, rộng rãi và tránh mặc váy liền thân để tiện cho quá trình siêu âm, thăm khám thai.
- Đối với những mẹ bầu phát hiện/ nghi ngờ mang thai, nên tiến hành siêu âm sớm nhất để xác định tuổi thai và kịp thời làm xét nghiệm đo độ mờ da gáy. Bởi xét nghiệm này được thực hiện khá sớm (từ tuần thứ 11 – 14 thai kỳ). Nếu bỏ lỡ thời gian này, mẹ phải thực hiện các kỹ thuật sàng lọc trước sinh khác.
- Lựa chọn cơ sở y tế uy tín để đảm bảo siêu âm đo độ mờ da gáy cho kết quả khách quan.
Đo độ mờ da gáy ở đâu?
Đo độ mờ da gáy ở đâu là vấn đề được nhiều mẹ bầu quan tâm. Bởi thực tế đã có không ít trường hợp xét nghiệm này cho kết quả sai lệch khi thực hiện ở những cơ sở nhỏ lẻ, bác sĩ không đủ chuyên môn và không có đủ trang thiết bị.
Để dễ dàng lựa chọn được địa chỉ siêu âm đo độ mờ da gáy uy tín, mẹ bầu có thể tham khảo một số cơ sở y tế sau:
1. Địa chỉ đo độ mờ da gáy tại Hà Nội
Trên địa bàn thành phố Hà Nội có khá nhiều bệnh viện và phòng khám thực hiện đo độ mờ da gáy. Nếu đang sinh sống và làm việc tại đây, thai phụ có thể cân nhắc thực hiện kỹ thuật này tại những bệnh viện sau:
- Trung tâm chẩn đoán trước sinh và sàng lọc sau sinh – Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội: Tầng 5 nhà A, Số 929 Đường La Thành, Quận Đống Đa, Hà Nội. Số điện thoại đặt lịch khám: 1900 6922.
- Trung tâm chẩn đoán trước sinh – Bệnh viện phụ sản Trung ương: Tầng 3 nhà H, Số 43 Đường Tràng Thi, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Số điện thoại: 024 3825 2161.
- Khoa phụ sản – Bệnh viện Bạch Mai: Tầng 3 nhà Nhật, Số 78 Đường Giải Phóng, Quận Đống Đa, Hà Nội. Số điện thoại: 024 3869 3731.
- Khoa phụ sản – Bệnh viện Quân đội 108: Số 1 Đường Trần Hưng Đạo, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Số điện thoại: 069 572 400.
- Khoa phụ sản – Bệnh viện Thanh Nhàn: Số 42 Thanh Nhàn, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Số điện thoại: 0243 9714 363. Hotline: 091 122 4099.
- Trung tâm tư vấn di truyền – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội: Số 1 Tôn Thất Tùng, Quận Đống Đa, Hà Nội. Số điện thoại: 1900 6422 – 0982 873 112.
2. Cơ sở đo độ mờ da gáy tại Đà Nẵng
Nếu đang sinh sống tại Đà Nẵng và các tỉnh thành lân cận, thai phụ có thể đo độ mờ da gáy tại các địa chỉ sau:
- Bệnh viện đa khoa Tâm Trí Đà Nẵng: Số 64 Đường Cách Mạng Tháng Tám, Phường Khuê Trung, Quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng. Số điện thoại: 02363 679 555.
- Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng: Số 291 Đường Nguyễn Văn Linh, Quận Thanh Khê, Đà Nẵng. Số điện thoại: 0236 3650 676.
- Phòng khám Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Như Ngọc: Số 28 Hải Phòng, Đà Nẵng. Số điện thoại: 0927 599 711.
- Phòng khám siêu âm Bác sĩ Thái Lan: Số 68 Đường Nguyễn Thái Học, Hải Châu 1, Quận Hải Châu, Đà Nẵng. Số điện thoại: 0236 3828 028.
- Phòng khám siêu âm Bác sĩ Trương Thị Thu Hằng: Số 60 Đường Đinh Tiên Hoàng, Phường Thanh Bình, Quận Hải Châu, Đà Nẵng. Số điện thoại: 0236 3531 819.
3. Bệnh viện siêu âm đo độ mờ da gáy tại TPHCM
Thành phố HCM là địa phương có nhiều bệnh viện, phòng khám thực hiện đo độ mờ da gáy. Tuy nhiên, không hẳn địa chỉ nào cũng đảm bảo về cơ sở vật chất và đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm. Do đó để quá trình siêu âm diễn ra thuận lợi và cho kết quả khách quan, mẹ bầu có thể cân nhắc đo độ mờ da gáy tại những địa chỉ sau:
- Khoa Chăm sóc trước sinh – Bệnh viện Từ Dũ: Số 284 Đường Cống Quỳnh, Quận 1, TPHCM. Số điện thoại: 1900 7237 – 028 5404 2829.
- Bệnh viện Hùng Vương: Số 128 Đường Hồng Bàng, Phường 12, Quận 5, TPHCM. Số điện thoại: 028 3855 8532.
- Khoa chẩn đoán hình ảnh – Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc: 97 Đường Nguyễn Thị Minh Khai, Phường Bến Thành, Quận 1, TPHCM. Số điện thoại: 1900 6765.
- Bệnh viện Gia Định: Số 1 Đường Nơ Trang Long, Phường 7, Quận Bình Thạnh. Số điện thoại: 028 38 412 692.
- Bệnh viện Phụ sản Mekong: Số 243-243A-243B Đường Hoàng Văn Thụ, Phường 1, Quận Tân Bình, TPHCM. Số điện thoại: 028 38 442 988 – 028 38 442 986.
- Phòng khám đa khoa FV Sài Gòn: Lầu 3, tòa nhà Bitexco Số 2 Đường Hải Triều, Phường Bến Nghé, Quận 1, TPHCM. Số điện thoại: 028 6297 1167.
- Phòng khám Đa khoa Vietlife Sư Vạn Hạnh: 583 Đường Sư Vạn Hạnh, Phường 13, Quận 10, TPHCM. Số điện thoại: 028 3868 0220 – 028 3868 0909.
Siêu âm đo độ mờ da gáy là kỹ thuật sàng lọc trước sinh được áp dụng khá phổ biến. Kỹ thuật này giúp đánh giá nguy cơ mắc hội chứng Down và một số dị tật bẩm sinh ở thai nhi. Hy vọng qua những chia sẻ trong bài viết, mẹ bầu có thể hiểu rõ về tầm quan trọng của phương pháp sàng lọc này và chủ động thực hiện để bảo vệ sức khỏe của bản thân lẫn thai nhi.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!