Nổi bật với cơ chế trị bệnh từ gốc đến ngọn, gìn giữ những giá trị tinh hoa YHCT, Xương khớp Đỗ Minh đã giúp bệnh nhân xương khớp khắp tỉnh thành cả nước hết bệnh, phục hồi vận động. [CHI TIẾT]

Đau lưng khi mang thai (tháng đầu – cuối) – Ai cũng bị!

Đau lưng khi mang thai là tình trạng thường xảy ra ở hầu hết những mẹ bầu. Đây là hiện tượng thường gặp nhưng nó cũng cảnh báo nhiều rủi ro nguy hiểm cho sức khỏe của mẹ và thai nhi. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn tình trạng đau lưng khi mang thai và những biện pháp khắc phục hiệu quả. 

Hiện tượng đau lưng khi mang thai là như thế nào?

Đau lưng khi mang thai là tình trạng xảy ra do sự phát triển của thai nhi ảnh hưởng trực tiếp đến cột sống và vùng xương chậu của người mẹ. Đau lưng khi mang thai là cảm giác đau nhức kéo dài và vùng khớp ở lưng bị căng cơ, đơ cứng.

Thỉnh thoảng, các cơn đau sẽ lan xuống vùng mông và chân. Theo một thống kê , có đến 50 – 70% mẹ bầu sẽ cảm thấy đau lưng trong suốt thời gian mang thai. 

Bị đau lưng ở bà bầu là một tình trạng xảy ra khá phổ biến
Bị đau lưng ở bà bầu là một tình trạng xảy ra khá phổ biến

Theo các nghiên cứu, tình trạng đau lưng ở phụ nữ mang thai có thể bắt đầu khá sớm. Nhiều phụ nữ đã cảm thấy đau nhức lưng trong những tháng đầu của thai kỳ. Tuy nhiên, hầu hết mẹ bầu đều cảm thấy đau lưng nhiều hơn từ tuần thứ 18.

Tình trạng này sẽ kéo dài và diễn ra nặng hơn trong những tháng giữa của thai kỳ. Đặc biệt, đau nhức lưng sẽ trầm trọng hơn khi bạn bước vào những tháng cuối và cho đến khi sinh con. 

Nguyên nhân, triệu chứng đau lưng khi mang thai

Tình trạng đau lưng ở mẹ bầu sẽ xuất hiện từ tháng đầu tiên cho đến tháng cuối theo nhiều nguyên nhân khác nhau. Phụ thuộc vào từng thời kỳ, mẹ bầu sẽ cảm nhận được những tình trạng đau lưng riêng biệt. 

Nguyên nhân gây bệnh

Hiện tượng đau lưng ở mẹ bầu xảy đến do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhìn chung, tình trạng này xảy ra do một số nguyên nhân chính dưới đây:

  • Thay đổi hormone trong cơ thể

Trong suốt thai kỳ, cơ thể người mẹ sẽ tiết ra hormone relaxin, chất này có công dụng làm khung chậu giãn nở để chuẩn bị cho quá trình sinh nở. Khi đó, các cơ và dây chằng ở vùng chậu sẽ không đủ mạnh cho sự giãn nở, dẫn đến tình trạng căng cơ và đau dây chằng.

Bên cạnh đó, khung chậu giãn nở sẽ làm giảm sự liên kết của các khớp, khiến các khớp xương trở nên lỏng lẻo và thường xuyên gây đau. 

  • Tăng cân

Khi mang thai, tăng cân là điều mà không thể tránh khỏi. Khi cơ thể tăng trọng lượng, cột sống và xương chậu phải chịu một sức nặng để nâng đỡ cơ thể, điều này dẫn đến tình trạng đau lưng.

  • Thay đổi tư thế

Trong thời gian mang thai, tử cung và thai nhi lớn dần làm cho cột sống lưng bị cong về phía trước và trọng tâm của cơ thể sẽ thay đổi. Do đó, mẹ bầu thường phải ngả lưng về phía sau để giữ thăng bằng cho cơ thể trong khi di chuyển. Điều này làm gia tăng tình trạng đau nhức lưng.

Thói quen chống hai tay ra sau sẽ khiến đau lưng khi mang thai trầm trọng hơn
Thói quen chống hai tay ra sau sẽ khiến đau lưng khi mang thai trầm trọng hơn

Ngoài ra, mẹ bầu thường có thói quen ngồi bệt, chống hai tay ra sau và cố định gót chân xuống sàn khiến lưng phải chịu một áp lực lớn. Chưa hết, nhiều mẹ bầu có thói quen chống tay vào lưng khi đứng lên, ngồi xuống và khi di chuyển khiến lưng bị tổn thương. 

  • Căng thẳng lo âu

Tâm trạng căng thẳng và lo âu thường xuyên dẫn đến cơ thể bị căng cứng và đau nhức vùng lưng. Triệu chứng đau lưng sẽ càng ngày càng trầm trọng hơn nếu mẹ bầu luôn cảm thấy lo lắng và mệt mỏi.

  • Cơ bụng yếu đi

Các cơ vùng bụng có vai trò chịu đựng sức ép của cơ thể khi nằm sấp hoặc co dãn khi gập người lại. Tuy nhiên, khi mang thai, các cơ vùng bụng sẽ yếu đi và co dãn quá mức do sự lớn dần của thai nhi. Điều này sẽ khiến cơ lưng bị chèn ép và gây đau đớn. 

  • Vị trí của thai nhi

Vào những tháng cuối của thai kỳ, thai nhi sẽ đạt cân nặng tối đa, dẫn đến các cơn đau lưng ở người mẹ sẽ trầm trọng hơn. Bên cạnh đó, khi bé nằm trong bụng, vị trí lưng của bé ngược lại so với mẹ thì sẽ gây một sức ép lớn lên lưng của người mẹ. 

  • Động thai

Đau bụng, đau thắt lưng, ra huyết âm đạo, tiết dịch âm đạo bất thường là những triệu chứng của động thai. Do vậy, nếu mẹ bị đau lưng kèm những triệu chứng trên thì nên đến bác sĩ kiểm tra tình trạng của thai nhi sớm nhất.

Triệu chứng đau lưng khi mang thai

Biểu hiện đau lưng khi mang thai sẽ tùy thuộc vào từng giai đoạn mang thai khác nhau. Cụ thế:

  • Đau lưng khi mang thai tuần đầu: Các cơn đau lưng xuất hiện thỉnh thoảng, không dữ dội và tập trung ở vùng lưng dưới. Đôi khi, vùng lưng trên cũng đau nhức nhưng chỉ ở mức độ nhẹ.
  • Đau lưng 3 tháng đầu: Các cơn đau lưng sẽ xuất hiện nhiều hơn, đau âm ỉ ngang vùng thắt lưng và vùng xương chậu. Các cơn đau thường ở mức độ nhẹ và kèm theo ê ẩm, đau nhức. Vào tuần 18 – 24, mẹ bầu sẽ cảm nhận rõ được các triệu chứng đau lưng.
  • Đau lưng tháng thứ 4: Đây là tháng đầu tiên khi bước vào giữa thai kỳ, các cơn đau sẽ xuất hiện dày đặc hơn.
  • Đau lưng ở tháng thứ 5,6,7,8: Các cơn đau lưng sẽ càng rõ ràng hơn và tăng cường độ ở những tháng giữa và gần cuối của thai kỳ. Các cơn đau sẽ xuất hiện nhiều ở vùng thắt lưng và hông.
  • Đau lưng tháng cuối: Lúc này, người mẹ không chỉ đau lưng mà còn ê ẩm cả cơ thể khi thai nhi đạt trọng lượng tối đa. Các cơn đau dữ dội thường xuất hiện ở vùng thắt lưng và kéo dài dai dẳng. 

Trong thời gian mang thai, mẹ bầu nên hạn chế vận động mạnh, nghỉ ngơi thường xuyên hoặc áp dụng các bài tập thể dục nhẹ nhàng để hạn chế tình trạng đau lưng.

Khi mang thai bị đau lưng có nguy hiểm không?

Theo các bác sĩ, đau lưng khi mang thai là tình trạng thường gặp. Tuy nhiên, tình trạng này cũng có thể là những dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm. Người mẹ cần đến bác sĩ thăm khám khi gặp những dấu hiệu sau:

  • Đau lưng kèm triệu chứng ra máu âm đạo, đau tức bụng dưới, vì có thể là nguy cơ sảy thai, đặc biệt trong 3 tháng đầu.
  • Đau lưng kèm đau rát, nóng buốt khi đi tiểu, đây có thể là triệu chứng của bệnh viêm đường tiết niệu hoặc sỏi thận. 
  • Cơn đau lưng kéo dài dữ dội không dứt và đau lan sang ra vùng hông, mông, đùi. 
Khi bị đau lưng dai dẳng và kèm triệu chứng ra máu âm đạo, nóng rát cơ thể thì mẹ bầu cần đến bác sĩ thăm khám
Khi bị đau lưng dai dẳng và kèm triệu chứng lạ thì mẹ bầu cần đến bác sĩ thăm khám

Do vậy, khi phát hiện đau lưng kèm triệu chứng bất thường, mẹ bầu không nên chủ quan mà cần đến bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời. 

Các biện pháp xử lý bị đau lưng khi mang thai

Mẹ bầu có thể tự khắc phục những cơn đau lưng tại nhà bằng những cách sau:

Sử dụng thuốc giảm đau

Mẹ bầu vẫn có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau thông thường để điều trị tại nhà như Paracetamol hay thuốc dán Salonpas. Tuy nhiên, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để tránh gây hại cho thai nhi. Mẹ bầu không nên lạm dụng thuốc giảm đau và sử dụng miếng dán giảm đau lên vết thương hở hoặc khi bị dị ứng. 

Mẹo dân gian chữa đau lưng cho bà bầu

Mẹ bầu có thể điều trị đau lưng ngay tại nhà bằng cách mẹo dân gian như sau:

  • Rượu gừng trị đau lưng: Gừng có tính ấm và có công dụng điều trị các bệnh đau lưng. Bạn chỉ cần cho gừng vào hũ rượu (tỷ lệ 2 phần gừng, 3 phần rượu) rồi ngâm khoảng 3 ngày là sử dụng được. Lấy rượu gừng xoa bóp nhẹ nhàng lên những vùng lưng bị đau nhức.
  • Lá ớt trị đau lưng: Lá ớt cũng là một vị thuốc dân gian chữa bệnh đau nhức xương khớp hiệu quả. Lấy lá ớt sao nóng, cho vào một ít rượu trắng và tiếp tục sao. Bạn cho hỗn hợp vào túi vải và chườm lên vùng lưng bị đau. 

Bài thuốc dân gian chỉ có tác dụng giúp bà bầu giảm đau lưng tức thời và không có công dụng điều trị dứt điểm tình trạng bệnh. Do đó, khi bị đau lưng dữ dội, mẹ bầu không nên tự điều trị tại nhà mà cần đến bác sĩ phụ sản kiểm tra và điều trị sớm nhất. 

Cải thiện tư thế

Trong thời gian mang thai, tư thế của người mẹ sẽ thay đổi dẫn đến tình trạng đau nhức xương khớp. Do đó, mẹ bầu nên ghi nhớ những lưu ý sau để điều chỉnh tư thế:

  • Luôn đứng thẳng người
  • Ưỡn ngực, không khom lưng
  • Hạ hai vai xuống tự nhiên
  • Thả lỏng hai đầu gối

Bên cạnh đó, khi đứng bà bầu nên dang rộng hai chân để tạo sự thoải mái và giữ thăng bằng cho cơ thể. Nếu ngồi làm việc, bạn nên kê chân trên một chiếc ghế nhỏ và nên dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn. 

Sử dụng các sản phẩm hỗ trợ

Mẹ bầu có thể cân nhắc và lựa chọn các sản phẩm hỗ trợ để giảm tình trạng đau nhức lưng. Cụ thể, bạn có thể sử dụng ghế dành riêng cho bà bầu hoặc lót một chiếc gối nhỏ sau lưng khi ngồi nhằm tạo cảm giác êm ái, thoải mái. Mẹ bầu có thể lựa chọn và sử dụng đai đỡ khi bụng bầu đã quá lớn.

Mẹ bầu nên sử dụng sản phẩm hỗ trợ để giảm tình trạng đau lưng
Mẹ bầu nên sử dụng sản phẩm hỗ trợ để giảm tình trạng đau lưng

Khi ngủ, mẹ bầu nên nằm nghiêng một bên và sử dụng một chiếc gối kẹp đùi để tránh cảm giác khó chịu ở vùng lưng. 

Massage, xoa bóp cơ thể

Những tác động massage và xoa bóp nhẹ nhàng ở vùng lưng sẽ giúp bà bầu cảm thấy dễ chịu hơn và thư giãn hơn. Cách này có tác dụng rất tốt để điều trị bệnh đau nhức xương khớp cho mẹ bầu trong những tháng mang thai. Bên cạnh đó, xoa bóp còn có tác dụng lưu thông máu và giảm phù nề cho mẹ bầu. 

Ngoài ra, mẹ bầu có thể áp dụng phương pháp bấm huyệt trị đau lưng. Phương pháp này có công dụng đả thông kinh mạch, thúc đẩy máu lưu thông làm ấm cơ thể và giảm tình trạng đau nhức. 

Tập luyện thể dục mỗi ngày

Tập luyện thể dục mỗi ngày sẽ giúp bà bầu giảm tình trạng đau lưng và ê ẩm toàn cơ thể. Cách này sẽ giúp cột sống lưng trở nên chắc khỏe, dẻo dai và giúp máu lưu thông đều đặn trong cơ thể. Theo các chuyên gia, mẹ bầu nên chọn lựa những môn thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, yoga hoặc các bài tập vật lý trị liệu. 

Một số bài tập yoga mà mẹ bầu nên áp dụng như sau:

Tư thế yoga con bướm:

  • Bước 1: Ngồi trên sàn và giữ cho lưng thẳng, đưa chân khoanh ra phía trước sao cho hai lòng bàn chân chạm vào nhau, hai tay đặt trên đầu gối.
  • Bước 2: Ép hai đầu gối xuống sàn sao cho thấp nhất. Duy trì như thế trong khoảng 5 nhịp thở rồi trở về tư thế ban đầu.
  • Bước 3: Lặp lại động tác như thế khoảng 10 – 15 lần để kiểm soát các cơn đau nhức.

Tư thế yoga nghiêng lườn:

  • Bước 1: Ngồi xếp bằng trên sàn nhà và giữ cho lưng thẳng, hai tay đặt lên đầu gối hoặc đặt bên cạnh người.
  • Bước 2: Đưa tay phải lên cao qua đầu và nghiêng lườn về bên trái, khuỷu tay trái chống vuông góc với mặt sàn.
  • Bước 3: Duy trì tư thế khoảng 1 phút rồi trở về vị trí ban đầu. Tiếp tục thực hiện động tác như thế với bên còn lại. Mẹ bầu nên thực hiện 10 – 15 lần cho mỗi lần tập.

Bà bầu đau lưng khi mang thai cần lưu ý gì?

Mang thai là khoảng thời gian rất khó khăn và mẹ bầu nên lưu ý rất nhiều điều để hạn chế tình trạng đau nhức xương khớp đồng thời nuôi dưỡng thai nhi phát triển một cách tốt nhất.

Do vậy, bên cạnh các phương pháp điều trị đau lưng, mẹ bầu nên lưu ý những vấn đề sau để hạn chế xảy ra những rủi ro không mong muốn cho sức khỏe của mẹ và bé: 

  • Mẹ bầu nên lựa chọn những đôi giày đế thấp, đế bằng, không trơn trượt và ôm cả bàn chân. Không nên đi giày cao gót vì dễ bị té ngã. 
  • Khi mang thai, bà bầu không nên mang vác các vật nặng. Ngoài ra, mẹ bầu không nên cúi gập người để lấy vật vì có thể làm dây thần kinh, dây chằng kéo dãn gây đau nhức.
  • Luôn giữ nhiệt độ cơ thể người mẹ ở mức độ ổn định. Vì khi bị nhiễm lạnh, xương khớp sẽ bị co lại làm giảm độ đàn hồi và ngăn chặn lưu thông máu trong cơ thể, gây nên những cơn đau nhức lưng tồi tệ.
  • Mẹ bầu không nên lựa chọn quần áo bó sát hoặc quá rộng gây vướng víu và dễ gây té. Thay vào đó, bạn nên chọn trang phù phù hợp, thoải mái, có giãn và thấm hút mồ hôi tốt. 
  • Mẹ bầu nên bổ sung đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho cơ thể như canxi, vitamin, magie… Một số loại thực phẩm mẹ bầu nên tăng cường bổ sung như các loại rau xanh, sữa cho bà bầu, các loại trái cây, trứng, cá hồi… 
Bà bầu nên bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng mỗi ngày để tăng cường sức khỏe
Bà bầu nên bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng mỗi ngày để tăng cường sức khỏe

Thông qua những chia sẻ trong bài viết trên, bạn đã hiểu rõ hơn về tình trạng đau lưng khi mang thai và các biện pháp khắc phục hiệu quả. Tuy nhiên, khi đau lưng kèm theo những triệu chứng nguy hiểm như đau bụng, ra huyết, cần đưa mẹ bầu đến bác sĩ  ngay lập tức để điều trị kịp thời và không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi. 

Có thể bạn quan tâm:

5/5 - (2 bình chọn)

GỢI Ý XEM THÊM

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *