Đánh răng bị chảy máu – Cảnh giác nếu bị nhiều!
Nội dung bài viết
Đánh răng bị chảy máu là tình trạng khá phổ biến, thường xảy ra do chải răng mạnh hoặc do sử dụng bàn chải thô cứng. Tuy nhiên, tình trạng này cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo cơ thể thiếu hụt vi chất dinh dưỡng, mắc các vấn đề nha khoa và một số bệnh lý nội khoa tiềm ẩn.
Nguyên nhân gây ra tình trạng đánh răng bị chảy máu
Răng được bao bọc bởi hệ thống mô mềm (nướu/ lợi). Tuy nhiên, hệ thống này tương đối nhạy cảm và dễ bị tổn thương. Vì vậy, chân răng có thể bị chảy máu trong quá trình ăn uống và sinh hoạt. Trong đó, chảy máu khi đánh răng là một trong những tình trạng thường gặp nhất.
Chảy máu khi đánh răng có thể xảy ra do chải răng quá mạnh, bàn chải cứng hoặc do cao răng tích tụ nhiều. Tuy nhiên, đây cũng có thể là dấu hiệu tiềm ẩn của các vấn đề nha khoa và một số bệnh lý nội khoa. Để tìm giải pháp khắc phục thích hợp, bạn cần xác định được nguyên nhân cụ thể. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến nhất có thể gây ra tình trạng này:
1. Đánh răng quá mạnh gây chảy máu
Đánh răng quá mạnh là nguyên nhân phổ biến nhất gây chảy máu chân răng. Như đã đề cập, răng và mô nướu là các cơ quan tương đối nhạy cảm. Vì vậy nếu chải răng quá mạnh, mô nướu có thể bị xây xước và rỉ máu.
Ngoài ra, tình trạng này cũng có thể xảy ra do sử dụng bàn chải quá cứng, mặt chải ma sát mạnh vào mô nướu trong quá trình vệ sinh răng miệng. Nếu bắt nguồn từ nguyên nhân này, tình trạng thường thuyên giảm sau khi điều chỉnh thói quen đánh răng và thay đổi bàn chải.
2. Vệ sinh kém khiến vôi răng tích tụ nhiều
Khi ăn uống, thức ăn thừa sẽ bám lên bề mặt răng và kẽ răng tạo thành mảng bám sinh học. Lúc này, vi khuẩn Streptococcus mutan sẽ xâm nhập vào mảng bám gây ra quá trình khoáng hóa và tạo thành cao răng. Mảng bám sinh học có thể làm sạch hoàn toàn bằng cách đánh răng và súc miệng. Tuy nhiên, vôi răng bám chặt vào bề mặt răng nên chỉ có thể làm sạch bằng cách lấy cao răng định kỳ.
Nếu không thăm khám răng miệng thường xuyên, cao răng có thể tích tụ nhiều ở chân răng và gây kích thích, sưng đỏ mô nướu. Theo thời gian, mô nướu trở nên nhạy cảm và dễ bị tổn thương khi có ma sát. Vì vậy trong một số trường hợp, đánh răng bị chảy máu có thể xảy ra do vôi răng tích tụ nhiều ở chân răng.
3. Do các bệnh răng miệng
Đánh răng bị chảy máu còn là dấu hiệu của các bệnh lý răng miệng thường gặp như:
- Viêm nướu răng: Viêm nướu răng là tình trạng mô nướu sưng đỏ và đau nhức do viêm nhiễm, chấn thương, dị ứng,… Tình trạng này khiến cho nướu răng phù nề và dễ bị chảy máu khi có tác động. Ngoài dấu hiệu chảy máu khi đánh răng, bạn cũng có thể nhận biết bệnh lý này thông qua một số triệu chứng như mô nướu chuyển sang màu đỏ sẫm, tấy đỏ, tụt lợi, hôi miệng,…
- Viêm nha chu: Viêm nha chu là tình trạng nhiễm trùng mô nướu có mức độ nặng. Khác với viêm nướu, bệnh lý này ảnh hưởng đến cả mô mềm và xương xung quanh chân răng. Do đó, chân răng và mô nướu dễ bị kích thích dẫn đến đau nhức và chảy máu khi đánh răng. Viêm nha chu còn biểu hiện qua các triệu chứng điển hình như nướu sưng, đỏ, tụt lợi, răng lỏng lẻo, hôi miệng, chân răng lung lay, đau nhức răng khi nhai,…
- Sâu răng: Sâu răng là tình trạng răng bị phá hủy dẫn đến hình thành các lỗ hổng màu đen, nâu ở bề mặt răng. Ở giai đoạn đầu, bệnh thường không gây ra triệu chứng lâm sàng. Tuy nhiên sau một thời gian, răng có thể bị tổn thương nặng. Trong trường hợp này, chân răng có xu hướng lỏng lẻo, lung lay và dễ bị chảy máu khi đánh răng, ăn uống. Ngoài ra, sâu răng còn có thể gây ra cảm giác đau nhức và ê buốt răng.
- Răng khôn mọc lệch: Răng khôn là răng nằm ở vị trí cuối cùng trên cung hàm. Vì mọc khá muộn nên răng thường bị mọc lệch dẫn đến kích thích lên mô nướu và xô đẩy các răng còn lại. Răng khôn mọc lệch có thể gây ra tình trạng chảy máu khi đánh răng, đau nhức hàm khi nhai,…
4. Thiếu hụt vi chất dinh dưỡng
Ít ai biết rằng, các biểu hiện ở mô nướu và răng có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể bị thiếu hụt vi chất dinh dưỡng. Theo các chuyên gia, tình trạng đánh răng bị chảy máu có thể khởi phát do thiếu hụt các loại vitamin và khoáng chất sau:
- Vitamin C: Thiếu hụt vitamin C là nguyên nhân phổ biến gây chảy máu khi đánh răng. Vitamin C là thành phần quan trọng trong quá trình tổng hợp collagen và elasin (các thành phần có vai trò liên kết các mô). Thiếu hụt loại vitamin này khiến liên kết giữa các mô nướu trở nên lỏng lẻo, nướu dễ bị chảy máu và xuất hiện các đốm máu tụ bất thường.
- Vitamin K: Vitamin K là loại vitamin quan trọng, tham gia vào quá trình sản xuất protein có tác dụng đông máu. Vì vậy nếu thiếu hụt vitamin K, cơ thể dễ bị chảy máu kéo dài, khó cầm máu và thường xuyên xuất hiện các vết bầm ở da không rõ nguyên do. Trong quá trình đánh răng, lông bàn chải có thể gây xây xước ở mô nướu và khiến máu chảy dai dẳng. Do đó, tình trạng chảy máu khi đánh răng cũng có thể bắt nguồn từ việc thiếu hụt vitamin K.
- Canxi: Canxi là khoáng chất cần thiết đối với xương khớp và cấu trúc răng. Thiếu hụt canxi khiến răng suy yếu, chân răng lung lay và lỏng lẻo. Vì vậy khi đánh răng, chân răng có thể bị kích thích dẫn đến tình trạng đau nhức và chảy máu.
5. Thay đổi nội tiết tố
Chảy máu khi đánh răng còn có thể xảy ra do thay đổi nội tiết tố (thường gặp ở phụ nữ mang thai). Khi thụ thai, cơ thể sẽ sản sinh một lượng lớn hormone progesterone để giữ phôi thai trong tử cung. Tuy nhiên, hormone này còn có thể làm tăng lưu lượng máu tuần hoàn đến mô lợi và khiến răng dễ bị chảy máu khi đánh răng, ăn uống và sinh hoạt.
Ngoài ra, tình trạng này còn có thể xảy ra trong một số giai đoạn sinh lý như giai đoạn hoàng thể (sau khi rụng trứng khoảng 5 – 7 ngày), dậy thì, tiền mãn kinh và mãn kinh.
6. Biểu hiện của các bệnh nội khoa
Ngoài những nguyên nhân kể trên, tình trạng đánh răng bị chảy máu còn có thể là dấu hiệu tiềm ẩn của một số bệnh lý nội khoa như:
- Tiểu đường: Chảy máu khi đánh răng xảy ra thường xuyên và mức độ chảy máu nhiều có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường. Nồng độ đường huyết cao làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể khiến cho hại khuẩn trong khoang miệng phát triển mạnh. Vì vậy, vi khuẩn dễ dàng tấn công vào mô nướu, chân răng và khiến răng dễ bị chảy máu khi ăn uống, chải răng và sinh hoạt.
- Ung thư máu: Ung thư máu là tình trạng số lượng bạch cầu trong máu tăng mạnh dẫn đến giảm số lượng tiểu cầu và hồng cầu. Trong đó, tiểu cầu là tế bào có chức năng cầm máu. Vì vậy, thiếu hụt tiểu cầu khiến mô nướu dễ bị chảy máu và rỉ máu kéo dài.
- Rối loạn đông máu: Rối loạn đông máu (máu khó đông) là bệnh lý có tính chất di truyền. Bệnh lý này đặc trưng bởi tình trạng máu loãng và khả năng đông máu chậm hơn so với bình thường. Do đó trong quá trình chải răng, lông bàn chải có thể ma sát vào mô nướu, dẫn đến tình trạng xây xước và chảy máu nhiều.
Trên thực tế, chảy máu khi đánh răng còn có thể là biểu hiện của nhiều bệnh lý nội khoa khác. Vì vậy, nếu tình trạng này xảy ra với tần suất thường xuyên và đi kèm với các biểu hiện bất thường khác, bạn nên tìm gặp bác sĩ trong thời gian sớm nhất.
7. Ảnh hưởng của một số loại thuốc
Trong một số trường hợp, chảy máu khi đánh răng có thể là hệ quả do sử dụng một số loại thuốc có khả năng chống ngưng tập tiểu cầu (gây chảy máu kéo dài). Các loại thuốc thường gặp có thể gây chảy máu mô nướu trong quá trình ăn uống và đánh răng bao gồm, Aspirin, NSAID khác, thuốc chống đông, thuốc ức chế tái thu hồi chọn lọc serotonin và thuốc ức chế tái thu hồi chọn lọc noradrenalin.
Ngoài ra, tình trạng này cũng có thể bắt nguồn từ việc sử dụng các loại thảo dược có tác dụng chống đông máu như đậu tượng lên men, đinh lăng, nhân sâm, nghệ, gừng, tỏi,…
Cách xử lý đánh răng bị chảy máu nhiều
Mặc dù có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng đa phần những trường hợp đánh răng bị chảy máu đều do chải răng quá mạnh, vôi răng tích tụ nhiều và do các bệnh lý nha khoa thường gặp. Vì vậy nếu kịp thời xử lý, bạn có thể cải thiện tình trạng này chỉ trong một thời gian ngắn.
Dưới đây là một số biện pháp khắc phục tình trạng đánh răng bị chảy máu bạn có thể áp dụng:
1. Áp dụng mẹo giảm đau, cầm máu cấp tốc
Trong trường hợp chảy máu khi đánh răng đi kèm với triệu chứng đau nhức và tấy đỏ, bạn có thể áp dụng một số mẹo cầm máu và giảm đau cấp tốc như:
- Súc miệng với nước muối ấm: Hòa 1 thìa cà phê muối với 300ml nước ấm, khuấy đều và súc miệng kỹ trong 30 giây. Nước muối có tác dụng làm dịu mô nướu, cầm máu và sát trùng hiệu quả. Sau khi súc miệng khoảng một vài lần, hiện tượng chảy máu sẽ được kiểm soát hoàn toàn.
- Sử dụng gạc: Dùng miếng gạc thấm trực tiếp lên mô nướu và giữ nguyên trong khoảng vài giây. Sau khoảng 30 giây, tình trạng chảy máu sẽ được cải thiện đáng kể.
- Chườm lạnh: Trong trường hợp đánh răng bị chảy máu kèm sưng đỏ và nóng rát, bạn có thể sử dụng gạc lạnh hoặc túi đá chườm bên ngoài má/ cằm. Nhiệt độ lạnh từ túi chườm có tác dụng co mạch, từ đó giúp cầm máu và giảm sưng hiệu quả.
Các biện pháp này có thể cải thiện tình trạng chảy máu và đau nhức ngay tức thì. Tuy nhiên để giải quyết tình trạng này một cách triệt để, bạn nên áp dụng thêm một số phương pháp khắc phục sau.
2. Chú ý cách vệ sinh răng miệng
Có đến hơn 70% trường hợp gặp phải tình trạng đánh răng bị chảy máu là do vệ sinh răng không đúng cách (đánh răng quá mạnh, sử dụng bàn chải cứng,…). Vì vậy để cải thiện tình trạng này, bạn cần xây dựng cách vệ sinh răng miệng khoa học.
Cần đánh răng 2 – 3 lần/ ngày sau khi ngủ dậy và trước khi ngủ. Khi chải răng, nên thao tác nhẹ nhàng để tránh xây xước mô nướu và làm mòn men răng. Bên cạnh đó, chú ý lựa chọn bàn chải có mặt lông mềm và nhỏ để làm sạch hoàn toàn mảng bám ở kẽ răng. Đồng thời hạn chế tình trạng đau nhức, ê buốt và chảy máu khi đánh răng.
Bên cạnh việc chải răng, cần súc miệng và sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch hoàn toàn mảng bám. Những trường hợp có men răng yếu, dễ bị viêm nướu và sâu răng có thể dùng máy tăm nước để tăng hiệu quả làm sạch. Giữ gìn vệ sinh răng miệng đúng cách là biện pháp hiệu quả nhất trong điều trị các vấn đề nha khoa. Ngoài ra, biện pháp này còn giúp giảm thiểu nguy cơ bị sâu răng, viêm nha chu, viêm tủy răng,…
3. Lấy cao răng định kỳ
Cao răng là kết quả của quá trình khoáng hóa mảng bám sinh học. Đây chính là nguyên nhân gây ra hàng loạt các vấn đề răng miệng như viêm nướu và sâu răng. Ngoài ra, cao răng tích tụ nhiều còn làm tăng mức độ nhạy cảm của mô nướu và khiến chân răng dễ bị chảy máu khi đánh răng. Vì vậy để bảo vệ sức khỏe răng miệng, bạn nên lấy cao răng định kỳ từ 1 – 2 lần/ năm.
Đối với những trường hợp đánh răng bị chảy máu do vôi răng tích tụ nhiều, tình trạng có thể thuyên giảm ngay sau khi lớp cao răng được loại bỏ hoàn toàn. Ngoài ra, việc thăm khám sức khỏe răng miệng định kỳ còn giúp duy trì hàm răng chắc khỏe, phòng ngừa và kịp thời phát hiện – điều trị các bệnh lý răng miệng thường gặp.
4. Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học
Ngoài nguyên nhân do cách vệ sinh răng miệng, đánh răng bị chảy máu còn là dấu hiệu cho thấy cơ thể bị thiếu hụt vi chất dinh dưỡng. Do đó để khắc phục tình trạng chảy máu răng một cách triệt để, nên xây dựng chế độ ăn uống một cách khoa học.
Chế độ dinh dưỡng giúp cải thiện tình trạng đánh răng bị chảy máu:
- Tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin C như cam, bưởi, dâu tây, việt quất, nho,… Để tăng khả năng hấp thu vitamin C, bạn có thể dùng đồng thời với các loại thực phẩm giàu sắt như thịt bò, gan, ốc, sò, rau bina và các loại đậu.
- Thêm các loại thực phẩm giàu canxi vào chế độ dinh dưỡng như cá, các loại hải sản, đậu và rau xanh. Bổ sung đầy đủ canxi giúp răng chắc khỏe, hỗ trợ phòng ngừa sâu răng và một số vấn đề nha khoa thường gặp khác.
- Bên cạnh đó, bạn cũng nên bổ sung một số loại thực phẩm giàu vitamin K như húng quế, cải bó xôi, bắp cải, cải xoăn, bông cải xanh, cần tây và một số loại rau xanh khác để cải thiện tình trạng khó đông máu.
- Để mô nướu và răng khỏe mạnh hơn, nên tăng cường các loại ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm chứa hàm lượng protein vừa phải và giàu chất chống oxy hóa. Các thành phần này giúp tăng mô liên kết giữa các mô nướu, cải thiện độ cứng chắc của răng và giúp ổn định độ pH sinh lý trong khoang miệng.
- Ngoài ra, nên ưu tiên sử dụng các món ăn ít gia vị, không chứa phẩm màu và có kết cấu mềm. Tránh dùng thức ăn cứng, khô và dai. Sử dụng các món ăn này quá thường xuyên có thể khiến men răng bị hư hại và tăng nguy cơ thoái hóa/ rối loạn khớp thái dương hàm.
5. Tìm gặp bác sĩ khi cần thiết
Trong một số trường hợp, đánh răng bị chảy máu có thể là biểu hiện của các bệnh nha khoa và một số bệnh lý nội khoa. Vì vậy nếu tình trạng không thuyên giảm sau khi áp dụng các biện pháp trên, bạn nên tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị y tế kịp thời.
Mặc dù không phổ biến những đã có nhiều trường hợp bị tiêu xương hàm và mất răng vĩnh viễn. Do đó, cần tránh tình trạng chủ quan trước các biểu hiện bất thường của cơ thể.
Bài viết đã tổng hợp một số nguyên nhân và cách xử lý tình trạng đánh răng bị chảy máu. Tuy nhiên, thông tin trong bài viết chỉ đề cập đến những trường hợp phổ biến nhất. Nếu nghi ngờ tình trạng này xảy ra do các vấn đề nha khoa và một số bệnh lý nội khoa tiềm ẩn, bạn nên tìm gặp bác sĩ để được chẩn đoán và can thiệp điều trị y tế.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!