Viêm mũi dị ứng nặng, hắt hơi liên tục phải làm sao?

Viêm mũi dị ứng nặng là một nhóm các triệu chứng gây ảnh hưởng đến mũi một cách thường xuyên. Tình trạng này có thể bao gồm hắt hơi liên tục, sổ mũi, ngứa miệng, ngạt mũi và gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Viêm mũi dị ứng nặng
Viêm mũi dị ứng nặng bao gồm các triệu chứng như hắt hơi liên tục, ho hoặc tiết dịch mũi

Viêm mũi dị ứng nặng là gì?

Viêm mũi dị ứng là thuật ngữ để chỉ một loạt các triệu chứng gây ảnh hưởng đến mũi. Tình trạng này phát triển khi hệ thống miễn dịch của cơ thể nhận ra và các phản ứng quá mức với một chất nào đó trong môi trường mà thường không gây ra bất cứ vấn đề nào đối với hầu hết mọi người.

Viêm mũi dị ứng thường được chia thành hai dạng phổ biến, bao gồm:

  • Viêm mũi dị ứng theo mùa: Các triệu chứng có thể xuất hiện vào mùa xuân, mùa hạ và đầu mùa thu. Các triệu chứng có thể được gây ra bởi sự nhạy cảm dị ứng nấm mốc trong không khí, phấn hoa, cỏ và các loại thực vật khác.
  • Viêm mũi dị ứng quanh năm: Người bệnh xuất hiện các triệu chứng viêm mũi dị ứng nặng, quanh năm. Các triệu chứng thường được kích hoạt do mạt bụi, lông vật nuôi, gián và nấm mốc. Bên cạnh đó, dị ứng thực phẩm tiềm ẩn và một số dạng dị ứng tiềm ẩn khác cũng có thể dẫn đến các triệu chứng viêm mũi dị ứng hắt hơi liên tục.

Một số người bệnh có thể gặp cả hai loại viêm mũi với các triệu chứng viêm mũi dị ứng quanh năm nghiêm trọng hơn trong các mùa phấn hoa cụ thể. Ngoài ra, một số nguyên nhân khác cũng có thể dẫn đến viêm mũi bao gồm các chất kích thích chẳng hạn như khói bụi môi trường, khói thuốc lá, nước hoa, sản phẩm tẩy rửa và các mùi mạnh khác.

Triệu chứng viêm mũi dị ứng nặng

Các triệu chứng đặc trưng của chứng viêm mũi dị ứng nặng bao gồm:

  • Chảy nước mũi (tiết nhiều dịch mũi)
  • Ngứa mũi
  • Hắt hơi liên tục
  • Nghẹt mũi
  • Tắc nghẽn mũi
  • Đỏ mắt và chảy nước mắt
  • Ho
viêm mũi dị ứng nặng hắt hơi liên tục
Viêm mũi dị ứng nặng có thể gây suy giảm khả năng tập trung và hạn chế một số hoạt động của người bệnh

Bên cạnh đó, người bệnh có thể xuất hiện các dấu hiệu thể chất đặc trưng chẳng hạn như sưng kết mạc, phát ban đỏ, sưng mí mắt, ứ trệ tĩnh mạch mí mắt dưới, sưng bên trong mũi và tràn dịch tai giữa.

Trong một số trường hợp, viêm mũi dị ứng nặng có thể dẫn đến các dấu hiệu như:

  • Giảm tập trung
  • Hạn chế một số hoạt động
  • Hạn chế khả năng đưa ra quyết định
  • Suy giảm khả năng phối hợp tay và mắt
  • Gặp các vấn đề về hơi thở như khó thở
  • Trí nhớ suy giảm
  • Rối loạn giấc ngủ
  • Mệt mỏi

Một số người bị viêm mũi dị ứng nặng thường có xu hướng ủ rũ, cáu gắt hơn, đặc biệt là ở trẻ em. Tuy nhiên, trẻ em đôi khi có thể không biểu đạt các triệu chứng thành lời và thể hiện sự khó chịu thông qua các hành động. Do đó, điều này có thể khiến các triệu chứng viêm mũi dị ứng nặng bị chẩn đoán thành chứng rối loạn thiếu tập trung. Chẩn đoán và điều trị đúng phương pháp là cách tốt nhất để tránh các rủi ro trong cuộc sống của trẻ.

Nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng theo mùa thường được kích hoạt bởi một số loại phấn hoa, đặc biệt là những loại cây thụ phấn nhờ gió. Phấn hoa được thụ phấn bởi côn trùng thường có kích thước lớn, do đó không thể tồn tại trong không khí và không gây ra rủi ro viêm mũi dị ứng.

nguyên nhân viêm mũi dị ứng
Viêm mũi dị ứng thường được gây ra bởi phấn hoa và các tác nhân môi trường khác

Ngoài phấn hoa, các chất có thể gây dị ứng khác bao gồm:

  • Mạt bụi
  • Lông động vật hoặc vảy da
  • Nước bọt của mèo

Viêm mũi dị ứng cũng có thể do dị ứng với Balsam của Peru, một hoạt chất có trong các loại nước hoa và các sản phẩm khác. Bên cạnh đó, các yếu tố có thể tăng nguy cơ viêm mũi dị ứng nặng bao gồm bệnh viêm da dị ứng và hen suyễn. Ngoài ra, việc tiếp xúc với môi trường ô nhiễm không khí và sống trong môi trường khói thuốc lá có thể khiến các triệu chứng dị ứng trở nên nghiêm trọng hơn.

Viêm mũi dị ứng nặng, hắt hơi liên tục phải làm sao?

Các biện pháp điều trị viêm mũi dị ứng nặng thường bao gồm thuốc và các biện pháp tại nhà. Trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn các biện pháp cụ thể trước khi tiến hành điều trị. Để cải thiện các triệu chứng, người bệnh có thể tham khảo các biện pháp như:

1. Tránh các chất kích ứng

Biện pháp đầu tiên trong việc kiểm soát các dạng viêm mũi dị ứng theo mùa hoặc quanh năm là tránh tiếp xúc với các chất gây ra các triệu chứng, nếu có thể.

Hạn chế tiếp xúc ngoài trời:

  • Ở trong nhà càng nhiều càng tốt khi số lượng phấn hoa ở mức cao nhất, thường là vào buổi sáng và đầu buổi tối. Bên cạnh đó, tránh ra ngoài khi gió thổi phấn hoa xung quanh.
  • Tránh sử dụng quạt cửa sổ để hạn chế lượng phấn hoa và nấm mốc được hút vào trong nhà.
  • Đeo kính râm hoặc kính cận khi ra ngoài để hạn chế lượng phấn hoa bám vào mắt.
  • Không treo quần áo ngoài trời khi làm khô, điều này có thể tránh phấn hoa bám vào khăn tắm và khăn trải giường.
  • Cố gắng không dụi mắt, điều này có thể khiến các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn.
chữa viêm mũi dị ứng nặng
Hạn chế phơi quần áo ngoài trời để tránh các tác nhân gây dị ứng

Hạn chế tiếp xúc trong nhà:

  • Đóng các cửa sổ và sử dụng máy lạnh để đảm bảo điều hòa không khí.
  • Giảm tiếp xúc với mạt bụi, đặc biệt là trong phòng ngủ. Sử dụng các loại vỏ bọc chống côn trùng, mạt bụi cho gối, chăn bông và nệm. Giặt khăn trải giường thường xuyên bằng nước nóng hoặc ít nhất là 70 độ C.
  • Để hạn chế tiếp xúc với nấm mốc, hãy giữ độ ẩm trong nhà ở mức thấp nhất (từ 30 – 50%), thường xuyên dọn dẹp phòng tắm, nhà bếp và các khu vực ẩm thấp khác trong nhà. Sử dụng máy hút ẩm, đặc biệt là những nơi ẩm ướt. Nếu nhìn thấy nấm mốc, hãy loại bỏ nấm mốc bằng các chất tẩy rửa nhẹ và dung dịch thuốc tẩy 5% theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
  • Lau sàn ghế bằng giẻ ẩm, cây lau nhà hoặc vì quét khô.

Hạn chế tiếp xúc với vật nuôi:

  • Rửa tay ngay sau khi vuốt vẻ, ôm hoặc tiếp xúc gần với bất cứ loại động vật nào. Giặt quần áo ngay sau khi tiếp xúc với vật nuôi hoặc sau khi ra ngoài trời.
  • Nếu dị ứng với vật nuôi trong nhà, hãy để thú cưng ra khỏi nhà càng nhiều càng tốt. Nếu vật nuôi cần ở trong nhà, hãy để vật nuôi ở ngoài phòng ngủ để tránh các phản ứng dị ứng khi đang ngủ.
  • Thay thảm lót sàn nhà bằng gạch cứng hoặc sàn gỗ để giữ không cho các tơ lông bám trên sàn nhà.

2. Thuốc điều trị viêm mũi dị ứng nặng

Nhiều chất gây dị ứng có sẵn trong không khí, do đó đôi khi người bệnh không thể tránh được các yếu tố gây kích ứng. Nếu các triệu chứng không được kiểm soát tốt bằng cách tránh các tác nhân, bác sĩ có thể đề nghị các loại thuốc điều trị.

Thuốc thường được bào chế dưới nhiều dạng chẳng hạn như viêm uống, thuốc dạng lỏng, thuốc xịt mũi và thuốc nhỏ mắt. Một số thuốc có thể dẫn đến các tác dụng phụ không mong muốn, do đó hãy trao đổi với bác sĩ chuyên môn để được hướng dẫn cụ thể.

Corticosteroid đường mũi:

Corticosteroid đường mũi là nhóm thuốc phổ biến nhất được sử dụng để điều trị viêm mũi dị ứng nặng. Thuốc có thể cải thiện đáng kể tình trạng nghẹt mũi, hắt hơi, ngứa và ngăn ngừa chảy nước mũi.

Trao đổi với bác sĩ chuyên môn về các loại thuốc phù hợp, an toàn. Các loại thuốc xịt thường có ít tác dụng phụ, tuy nhiên sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh các rủi ro không mong muốn. Các tác dụng phụ bao gồm gây kích ứng tại chỗ và chảy máu mũi.

Lưu ý khi xịt thuốc, không xịt thuốc vào vùng trung tâm của mũi (vách ngăn mũi).

thuốc viêm mũi dị ứng nặng
Sử dụng thuốc viêm mũi dị ứng theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn

Thuốc kháng histamine:

Thuốc kháng histamine thường được sử dụng để cải thiện các triệu chứng viêm mũi dị ứng nặng hắt hơi liên tục. Các loại thuốc này có thể chống lại hoạt động của histamine, hóa chất được cơ thể giải phóng khi tiếp xúc với các chất gây kích ứng.

Thuốc có thể được bào chế dưới dạng thuốc nhỏ mắt, thuốc xịt mũi và phổ biến nhất là dưới dạng thuốc viên hoặc siro. Thuốc được sử dụng để cải thiện các triệu chứng như:

  • Hắt hơi, ngứa, chảy nước mũi
  • Ngứa mắt, bỏng rát, chảy nước mắt và đỏ mắt
  • Da ngứa, phát ban, nổi mề đay

Hầu hết các loại thuốc kháng histamine được dung nạp tốt và chỉ tạo ra một số tác dụng phụ nhỏ. Bên cạnh đó, một số loại thuốc có thể kém hiệu quả theo thời gian. Do đó nếu người bệnh nhận thấy thuốc không mang lại hiệu quả điều trị, hãy thông báo cho bác sĩ chuyên môn.

Nếu người bệnh bị khô mũi quá mức hoặc có các chất dịch nhầy ở mũi, hãy trao đổi với bác sĩ chuyên khoa dị ứng trước khi sử dụng thuốc kháng histamine.

Hướng dẫn sử dụng thuốc kháng histamine hợp lý:

  • Thuốc kháng histamine tác dụng ngắn có thể được dùng sau mỗi 4 – 6 giờ, trong khi thuốc kháng histamine giải phóng theo thời gian được dùng sau mỗi 12 – 24 giờ.
  • Thuốc kháng histamine tác dụng ngắn thường mang lại hiệu quả tốt nhất nếu dùng 30 phút trước khi tiếp xúc với chất gây dị ứng (chẳng hạn như khi đi dã ngoại trong mùa phấn hoa).
  • Thuốc kháng histamine giải phóng theo thời gian phù hợp hơn để sử dụng lâu dài cho những người viêm mũi dị ứng nặng cần dùng thuốc hàng ngày.

Các tác dụng phụ cần lưu ý:

  • Buồn ngủ hoặc giảm hiệu suất làm việc và có thể dẫn đến một số tai nạn, thương tích cá nhân
  • Khô miệng, mũi và mắt
  • Tác dụng phụ ít gặp: Bồn chồn, lo lắng, khó chịu, mất ngủ, chóng mặt, đau đầu, hưng phấn, ngất xỉu, rối loạn thị giác, chán ăn, buồn nôn, táo bón, tiêu chảy, tức ngứa, đau họng,…
  • Nam giới bị phì đại tuyến tiền liệt có thể gặp các vấn đề về đường tiết niệu

Thuốc thông mũi:

Thuốc thông mũi có thể hỗ trợ làm giảm nghẹt mũi và áp lực do các mô mũi bị sưng. Các loại thuốc này không chứa các chất kháng histamine nên không dẫn đến các tác dụng phụ kháng histamine.

Thuốc xịt thông mũi không kê đơn có tác dụng trong vòng vài phút và kéo dài hàng giờ. Tuy nhiên người bệnh không nên sử dụng thuốc nhiều hơn một vài ngày mỗi lần trừ khi được bác sĩ chuyên khoa dị ứng hướng dẫn. Sử dụng thuốc kéo dài có thể gây viêm mũi hoặc sưng các mô mũi, dẫn đến sưng các mô mũi thường xuyên hơn.

Đôi khi người bệnh có thể bị mất ngủ khi sử dụng thuốc vào buổi chiều hoặc buổi tối. Nếu các triệu chứng này xảy ra, hãy giảm liều lượng sử dụng. Nam giới bị phì đại tuyến tiền liệt có thể gặp các vấn đề về hệ thống tiết niệu khi đang sử dụng thuốc. Ngoài ra, người sử dụng thuốc kiểm soát các vấn đề cảm xúc nên trao đổi với bác trước khi sử dụng thuốc thông mũi. Bệnh nhân huyết áp cao và phụ nữ mang thai cũng cần trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn trước khi bắt đầu dùng thuốc.

Thuốc xịt mũi khác:

Thuốc xịt mũi dạng nước muối không kê đơn sẽ giúp chống lại các triệu chứng như khô mũi hoặc chất nhầy mũi đặc. Không giống như các loại thuốc xịt thông mũi, thuốc xịt mũi muối có thể sử dụng thường xuyên nếu cần.

Một số hoạt chất thường có trong các loại thuốc xịt mũi bao gồm:

  • Cromolyn có tác dụng ngăn cơ thể giải phóng các chất gây dị ứng.
  • Ipratropium Bromide có thể giúp giảm tiết dịch mũi do viêm mũi dị ứng hoặc một số dạng viêm mũi không dị ứng.

Thuốc đối vận thụ thể leukotriene:

Các chất ức chế leukotriene có thể ngăn chặn hoạt động của leukotriene, một chất trong cơ thể có thể gây ra các triệu chứng viêm mũi dị ứng. Các loại thuốc này được chỉ định để điều trị hen và sử dụng theo toa của bác sĩ chuyên môn.

Liệu pháp miễn dịch:

Liệu pháp miễn dịch có thể được khuyến nghị cho những người không đáp ứng tốt với điều trị bằng thuốc hoặc gặp các tác dụng phụ của thuốc, những người không thể tránh khỏi tiếp xúc với chất gây dị ứng hoặc những người muốn có một giải pháp lâu dài hơn. Liệu pháp miễn dịch có thể hiệu quả trong việc kiểm soát các triệu chứng viêm mũi dị ứng nặng, nhưng không giúp giảm các triệu chứng do viêm mũi không dị ứng.

Có hai liệu pháp miễn dịch phổ biến, bao gồm:

  • Tiêm ngừa dị ứng: Là một chương trình điều trị kéo dài từ 3 – 5 năm, bao gồm tiêm các chất chiết xuất dị ứng pha loãng, được tiêm định kỳ và tăng dần liều lượng đến khi đạt được mức độ duy trì. Liệu pháp này nhằm mục đích xây dựng khả năng chịu đựng của cơ thể với tác động của các chất gây dị ứng, giảm cường độ của các triệu chứng do tiếp xúc với các chất gây dị ứng. Sau khi áp dụng vài tháng, các triệu chứng sẽ được cải thiện.
  • Viên ngậm dưới lưỡi: Bắt đầu từ vài tháng trước khi mùa dị ứng bắt đầu, bệnh nhân ngầm một viên thuốc dưới lưỡi mỗi ngày. Một số bệnh nhân có thể cần dùng thuốc điều trị kéo dài trong 3 năm để đạt hiệu quả tốt nhất.

Các phương pháp điều trị không được khuyến khích cho bệnh viêm mũi dị ứng nặng

Thuốc kháng sinh:

Kháng sinh được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn. Do đó, kháng sinh không thể điều trị các bệnh cảm cúm thông thường không biến chứng (nhiễm virus) và không có lợi cho bệnh viêm mũi không do nhiễm trùng, bao gồm cả viêm mũi dị ứng.

Phẫu thuật:

Phẫu thuật không phải là phương pháp điều trị viêm mũi dị ứng nặng. Tuy nhiên đối với bệnh nhân polyp mũi hoặc viêm xoang mãn tính không đáp ứng thuốc kháng sinh hoặc thuốc xịt mũi steroid, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật.

Các biện pháp điều trị viêm mũi dị ứng nặng phụ thuộc vào tình trạng của người bệnh và các triệu chứng liên quan. Tình trạng này thường được cải thiện bằng cách tránh các yếu tố kích ứng và sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn. Tuy nhiên, đôi khi người bệnh có thể cần các biện pháp điều trị lâu dài để ngăn ngừa các biến chứng. Trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.

Thông tin thêm: 10+ cách trị viêm mũi dị ứng tại nhà đơn giản, hiệu quả

5/5 - (3 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *