Các thuốc nhuận tràng tốt nhất 2022 và lưu ý khi dùng

Thuốc nhuận tràng có tác dụng làm mềm phân, thúc đẩy quá trình đi cầu nên thường được sử dụng trong điều trị táo bón hoặc làm sạch ruột. Dưới đây là các loại thuốc cho hiệu quả tốt cùng những lưu ý khi sử dụng giúp giảm thiểu nguy cơ gặp phải tác dụng phụ ngoài ý muốn.

Thuốc nhuận tràng là gì?

Thuốc nhuận tràng còn được gọi là thuốc xổ – loại thuốc thường được bác sĩ chuyên khoa chỉ định trong đơn thuốc điều trị cho người bị táo bón hoặc các trường hợp ăn lâu tiêu, khó đi cầu. Đôi khi loại thuốc này còn được sử dụng để hỗ trợ làm sạch đường ruột trước các ca phẫu thuật, chụp x-quang trực tràng.

thuốc nhuận tràng
Thuốc nhuận tràng thường được chỉ định để điều trị táo bón

Thuốc nhuận tràng hoạt động theo nhiều cách khác nhau như bổ sung chất xơ, kích thích nhu động ruột, giữ nước trong ruột để làm mềm phân. Một số thuốc còn hoạt động như một chất bôi trơn giúp quá trình đào thải phân được thuận lợi và nhanh chóng hơn.

Các loại thuốc nhuận trạng đang được bán trên thị trường hiện nay được bào chế theo nhiều dạng như: Viên nén, viên nang, bột, dung dịch, thuốc đặt hậu môn hay dung dịch bơm trực tràng… Mỗi loại thuốc sẽ thích hợp với các nhóm đối tượng và có mục đích sử dụng khác nhau. Vì vậy, nếu có ý định dùng thuốc nhuận tràng, hãy nói chuyện với bác sĩ để được tư vấn lựa chọn một loại phù hợp nhất.

Phân loại thuốc nhuận tràng

Các thuốc nhuận tràng hiện nay được chia thành 5 nhóm chính như sau:

  • Thuốc nhuận tràng thẩm thấu: Thuốc chứa dung dịch ưu trương có khả năng làm tăng thẩm thấu ở thành ruột, giúp kéo bước nhiều hơn vào trong ruột. Điều này có thể giúp làm tăng hoạt động co bóp của nhu động ruột để thải phân ra ngoài.
  • Thuốc nhuận tràng tạo khối: Bao gồm các polysaccharid có nguồn gốc từ thiên nhiên như psyllium, metylcellulose. Các chất này khi vào trong ruột sẽ thấm hút nước và trở thành một khối gel có tác dụng làm mềm phân, kích thích nhu động ruột.
  • Thuốc nhuận tràng kích thích: Nhóm thuốc này có tác dụng làm tăng nhu động ruột bằng cách tạo ra những kích thích trực tiếp lên các đầu mút của dây thần kinh nằm ở niêm mạc đại tràng. Thuốc cho hiệu quả sau khoảng 8 – 12 giờ kể từ lúc sử dụng.
  • Thuốc nhuận tràng làm mềm phân: Các thuốc thuộc nhóm này chứa muối của docusat – một chất có tác dụng làm giảm giảm sức căng trên bề mặt loại anion, nhờ vậy nước sẽ dễ dàng được thẩm thấu vào trong khối phân hơn. Bên cạnh đó, chất docusat còn giúp ruột non và ruột già tăng cường bài tiết dịch cùng chất điện giải. Thuốc nhuận tràng làm mềm phân cho hiệu quả kém hơn so với các thuốc thuộc nhóm khác nên chủ yếu được sử dụng để ngăn ngừa táo bón.
  • Thuốc nhuận tràng bôi trơn: Thuốc chứa dầu khoáng giúp bề mặt khối phân trơn hơn và dễ dàng di chuyển trong ruột già. Thuốc cho tác dụng sau 1 – 3 ngày

Các thuốc nhuận tràng phổ biến hiện nay

Dưới đây là danh sách các loại thuốc nhuận tràng thường được bác sĩ chuyên khoa chỉ định:

1. Thuốc Ovalax

Ovalax là thuốc nhuận tràng kê đơn do công ty dược phẩm Traphaco sản xuất. Thuốc được bào chế dưới dạng viên nén. Mỗi viên chứa thành phần chính là Bisacodyl hàm lượng 5mg phối hợp cùng một số loại tá dược khác như Lactose, Titan dioxyd, HPMC hay Magnesi stearat…

Thuốc nhuận tràng Ovalax
Ovalax là thuốc nhuận tràng theo toa

Thuốc Ovalax được chỉ định phổ biến cho các trường hợp bị táo bón. Đôi khi, loại thuốc này còn được chỉ định nhằm mục đích làm sạch đường ruột trước khi tiến hành phẫu thuật hoặc chụp X-quang đại tràng.

Chống chỉ định sử dụng thuốc Ovalax cho người có biểu hiện đau bụng cấp tính, viêm ruột thừa, tắc ruột, bị mất nước nghiêm trọng, trẻ em dưới 4 tuổi hay dị ứng với một trong các thành phần của dược phẩm. Trường hợp đang bị suy thận hoặc người cao tuổi già yếu nên thận trọng tham vấn ý kiến bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa trước khi dùng.

Trong quá trình điều trị bằng thuốc Ovalax, người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ như tiêu lỏng, buồn nôn hoặc nôn ói, đầy bụng, co thắt cơ trơn dẫn đến đau bụng, đi ngoài ra máu, mất nước, rối loạn điện giải, hạ kali máu. Bạn có thể gặp một số phản ứng phụ khác không được đề cập trong bài viết. Hãy trao đổi thêm với bác sĩ để được chia sẻ về những lợi ích và rủi ro từ việc sử dụng Ovalax.

Liều lượng và các dùng thuốc Ovalax:

Chữa táo bón:

  • Trẻ từ 4 đến 10 tuổi: 1 viên/lần/ngày
  • Trẻ > 10 tuổi và người trưởng thành: 1- 2 viên/lần/ngày

– Làm sạch ruột trước khi phẫu thuật, chụp x-quang đại tràng:

  • Trẻ từ 4 – 10 tuổi: Uống 1 viên vào buổi tối trước ngày thực hiện thủ thuật y tế
  • Trẻ trên 10 tuổi và người trưởng thành: Mỗi lần uống 2 viên x 2 lần vào buổi sáng và tối trước ngày làm phẫu thuật, chụp chiếu.

2. Thuốc nhuận tràng Sorbitol

Sorbitol được xếp vào nhóm các loại thuốc nhuận tràng thẩm thấu. Thuốc được bác sĩ kê đơn để điều trị cho các trường hợp bị táo bón kéo dài hoặc người có biểu hiện ăn uống kém tiêu hóa.

Thuốc có các dạng bào chế là bột uống hoặc thuốc đặt trực tràng với thành phần chính là Sorbitol. Khi sử dụng, dược phẩm này sẽ phát huy tác dụng làm mềm phân và thúc đẩy quá trình đi tiêu được dễ dàng hơn bằng cách làm tăng lượng nước trong ruột.

Thuốc trị táo bón Sorbitol không an toàn cho các đối tượng bị bệnh thực thể viêm ruột non, người không có khả năng dung nạp Fructose, trường hợp bị đau bụng vô căn, viêm loét đại tràng, hội chứng Crohn hoặc viêm loét trực tràng. Vì vậy, nếu đang gặp phải một trong các vấn đề sức khỏe kể trên, bạn nên thông báo cho bác sĩ biết khi đi khám.

Trong một số trường hợp, người bệnh có thể bị đau bụng, tiểu chảy hoặc chướng bụng sau khi sử dụng thuốc nhuận tràng Sorbitol theo đường uống. Đây là những tác dụng phụ thường gặp của thuốc đã được ghi nhận.

Cách dùng thuốc:

– Thuốc bột:

  • Điều trị chứng khó tiêu cho người lớn: Mỗi ngày uống 1 – 3 gói trước bữa ăn
  • Chữa táo bón: Người lớn uống 1 gói, trẻ em uống 1/2 gói. Pha thuốc với nước uống vào buổi sáng, tốt nhất là khi đang đói bụng trước bữa ăn khoảng 10 phút

– Thuốc đặt:

  • Người lớn và trẻ từ 12 tuổi trở lên: Liều 20-30% 120 ml
  • Trẻ từ 2 – 11 tuổi: Dùng 30-60 ml.

3. Thuốc Forlax

Thuốc nhuận tràng Forlax có dạng bột pha uống. Thuốc giúp khắc phục tình trạng táo bón cho người trưởng thành và trẻ em từ 8 tuổi trở lên.

Với thành phần chính là Macrogol, thuốc Forlax có khả năng làm tăng khối lượng nước trong đường ruột. Điều này có thể giúp giảm thiểu tình trạng khô cứng của phân, giúp phân luôn giữ được độ mềm cần thiết để được đào thải dễ dàng ra ngoài.

thuốc nhuận tràng Forlax
Thuốc nhuận tràng Forlax được chỉ định cho trẻ em trên 8 tuổi và người trưởng thành

Do tiềm ẩn một số tác dụng phụ nhất định ( chẳng hạn như đau bụng, tiêu chảy,…), thuốc Forlax không được chỉ định để điều trị táo bón ở trẻ em dưới 8 tuổi. Các trường hợp bị đau bụng vô căn, tắc ruột hoặc viêm ruột thực thể cũng không nên sử dụng loại thuốc này.

Thuốc Forlax thường phát huy hiệu quả sau khoảng 24 – 48 giờ sử dụng. Người bệnh được khuyến cáo nên ngưng uống sau khi tình trạng táo bón đã được cải thiện, tránh lạm dụng quá mức.

Cách sử dụng thuốc:

  • Liều dùng: Mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 1 gói
  • Hòa tan bột thuốc với nước lọc và uống trực tiếp

4. Thuốc nhuận tràng Bisacodyl

Bisacodyl là một loại dẫn chất của diphenylmethan. Dược phẩm này nằm trong nhóm các thuốc nhuận tràng kích thích. Khi sử dụng, thuốc không được hòa tan trong nước mà tác động trực tiếp lên các cơ co bóp trong ruột, làm tăng nhu động ruột để đẩy thức ăn di chuyển nhanh hơn xuống ruột già và được đào thải ra ngoài đều đặn. Bên cạnh đó, thuốc Bisacodyl còn có khả năng tăng cường tích lũy ion cũng như dịch thể trong ruột già.

Loại thuốc nhuận tràng này được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau như điều trị táo bón, làm sạch ruột trước khi thực hiện phẫu thuật hoặc chụp x-quang trực tràng.

Thuốc Bisacodyl có các dạng viên nén, viên đạn nhét hậu môn hoặc dung dịch trực tràng. Tùy theo mục đích hoặc đối tượng sử dụng mà bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định loại thích hợp.

Hướng dẫn cách sử dụng thuốc:

– Ở người lớn:

Làm sạch ruột thông thường, trị táo bón:

  • Viên nén: 1-3 viên/lần/ngày khi cần thiết
  • Viên đạn: 1 viên 10mg/lần/ngày khi cần
  • Dung dịch trực tràng: 10mg/lần/ngày khi cần

Làm sạch ruột trước khi chụp x-quang trực tràng:

Dùng thuốc trong 2 ngày trước khi chụp X-quang. Mỗi ngày uống 2 viên hàm lượng 5mg vào buổi tối.

– Ở trẻ em:

Trị táo bón:

  • Trẻ từ 6 – 10 tuổi: Uống 1 viên 5mg/lần/ngày vào buổi tối hoặc đặt trực tràng 1 viên vào buổi sáng.
  • Trẻ từ 10 tuổi trở trở lên: Buổi tối uống 1 – 2 viên (5 – 10mg) hoặc đặt trực tràng 1 viên 5mg vào buổi sáng.

Làm thuốc xổ:

  • Trẻ > 10 tuổi: Buổi tối uống 2 viên hàm lượng 5mg và đặt trực tràng 1 viên 10mg vào sáng hôm sau.
  • Trẻ< 10 tuổi: Dùng liều bằng 1/2 so với trẻ lớn hơn 10 tuổi.

Làm sạch ruột trước khi chụp X-quang:

  • Trẻ > 10 tuổi: Uống 2 viên 5mg vào hai buổi tối trước ngày chụp x-quang
  • Trẻ < 10 tuổi: Uống 1 viên 5mg trong 2 buổi tối trước ngày chụp x-quang

5. Thuốc Duphalac

Duphalac cũng là một trong những loại thuốc nhuận tràng đang được sử dụng phổ biến hiện nay. Thuốc có tác dụng làm mềm phân cho người bị táo bón. Một số trường hợp bị tiền hôn mê gan hoặc hôn mê gan cũng được bác sĩ chỉ định loại thuốc này để ngăn ngừa và điều trị bệnh.

Thuốc nhuận tràng Duphalac
Thuốc nhuận tràng Duphalac có tác dụng làm mềm phân, giúp đi cầu dễ dàng

Thuốc được bào chế từ thành phần Lactulose kết hợp cùng một số loại tá dược khác. Thành phần Lactulose khi được đưa vào trong đường ruột sẽ phối hợp cùng với các lợi khuẩn, sau đó được chuyển hóa thành axit hữu cơ có tác dụng làm mềm phân, kích thích co bóp nhu động ruột, qua đó cải thiện tình trạng táo bón cho người bệnh.

Ở liều cao, thuốc Duphalac có thể gây ra một số tác dụng phụ như đầy hơi, đau bụng, tiêu lỏng nhiều lần trong ngày. Vì vậy, tránh sử dụng thuốc vượt quá liều lượng được hướng dẫn trong đơn.

Thông báo cho bác sĩ biết trước khi được chỉ định điều trị bằng thuốc Duphalac nếu bạn bị dị ứng với Lactulose hoặc quá mẫn với bất cứ thành phần nào của thuốc. Trường hợp đang mang bầu, còn cho con bú hoặc đau bụng vô căn cũng nên thận trọng khi sử dụng.

Liều lượng được khuyến cáo:– Người lớn:

  • Trị táo bón, làm mềm phân: Liều khởi đầu từ 15 – 45mlx 1 lần/ngày vào buổi sáng. Sau đó chuyển qua liều duy trì là 15 – 30ml/ngày.
  • Ngăn ngừa và chữa trị hôn mê gan và tiền hôn mê gan: Mỗi lần uống 30 – 45ml x 3 – 4 lần/ngày.

– Trẻ em:

Thuốc Duphalac được sử dụng cho trẻ em chủ yếu nhằm mục đích điều trị táo bón hoặc làm mềm phân khi cần thiết. Liều lượng được chỉ định căn cứ vào độ tuổi của trẻ. Cụ thể:

  • Trẻ sơ sinh: 5ml/ngày
  • Trẻ 1- 6 tuổi: 5 – 10ml/ngày
  • Trẻ 7 – 14 tuổi: Uống 15ml/ngày cho liều khởi đầu và 10 – 15ml/ngày cho liều duy trì.

6. Thuốc nhuận tràng làm mềm phân Docusat

Thuốc Docusat có tác dụng nhuận tràng, làm mềm phân bằng cách tăng lượng dịch thẩm thấu vào trong phân, giúp quá trình đi đại tiện được dễ dàng, đều đặn hơn. Dược phẩm này được điều chế dưới các dạng viên nang, viên nén, dung dịch uống, siro hoặc dung dịch thụt trực tràng.

Khi sử dụng theo đường uống, Docusat sẽ được hấp thu ở đường tiêu hóa. Thuốc bắt đầu phát huy tác dụng sau khoảng 3 – 5 ngày sử dụng. Trường hợp dùng thuốc theo đường trực tràng, thuốc Docusat bắt đầu cho hiệu quả sau khoảng 5 – 20 phút.

Docusat thường được chỉ định để điều trị táo bón hoặc hỗ trợ bệnh nhân bị trĩ, nứt kẽ hậu môn, nhồi máu cơ tim đi ngoài dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, thuốc còn được sử dụng để làm sạch ruột cho các trường hợp chuẩn bị tiến hành chụp X-quang ổ bụng. Docusat có khả năng bài tiết vào trong sữa mẹ nên cũng không được khuyến cáo sử dụng cho phụ nữ đang cho con bú.

Thuốc nhuận tràng Docusa ít gây tác dụng phụ. Tuy nhiên người bệnh vẫn nên thận trọng thông báo cho bác sĩ biết khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường như buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng, nổi phát ban trên da, chảy máu hậu môn, kích ứng họng… Tránh sử dụng thuốc quá 7 ngày khi chưa được sự đồng ý của bác sĩ.

Liều lượng sử dụng:

Thuốc uống:

  • Trẻ > 12 tuổi và người trưởng thành: Ngày dùng 50 – 300mg, uống trước khi đi ngủ.
  • Trẻ ≥ 6 tháng – 2 tuổi mắc táo bón mãn tính: Mỗi lần uống 12,5 mg x 3 lần/ngày. Dùng thuốc dạng dung dịch uống.
  • Trẻ từ 2 – 12 tuổi: Uống mỗi lần từ 12,5 – 25mg x 3 lần/ngày

– Thuốc dùng theo đường trực tràng:

  • Thụt trực tràng: 50 – 120mg

– Làm sạch ruột trước khi chụp x-quang ổ bụng:

  • Người lớn và trẻ từ 12 tuổi trở lên: Dùng liều 400mg cùng với thuốc cản quang bari sulfat
  • Trẻ em dưới 12 tuổi: Uống liều duy nhất 75mg phối hợp với thuốc cản quang bari sulfat.

7. Thuốc nhuận tràng tạo khối Psyllium

Psyllium là thuốc nhuận tràng tạo khối, giúp cải thiện tình trạng táo bón, đi cầu không thường xuyên bằng cách bổ dung chất xơ cho cơ thể. Bệnh nhân có thể được chỉ định dùng loại thuốc này ở một trong các dạng thuốc bột, thuốc gói hay viên nang uống.

Thuốc Psyllium có khả năng làm tăng lưu lượng nước và dịch trong ruột để phân mềm hơn, đồng thời tăng cường lượng chất xơ cần thiết giúp tạo khối, làm tăng trọng lượng của phân. Ngoài tác dụng điều trị táo bón, một số trường hợp còn được bác sĩ chỉ định loại thuốc này để điều trị tăng cholesterol huyết, hội chứng ruột kích thích.

So với các loại thuốc nhuận tràng khác, Psyllium ít gây tác dụng phụ hơn. Một số ít trường hợp có thể gặp các tác dụng phụ như đau bụng, nôn ói, phát ban, chướng hơi sau khi dùng thuốc.

Cách sử dụng thuốc Psyllium 

– Điều trị táo bón:

  • Người lớn: Mỗi ngày uống 1 – 3 lần. Thuốc bột 1- 2 muỗng tròn/lần, thuốc gói 1 – 2 gói/lần, viên nang 5- 6 viên/lần. Uống thuốc với 240ml nước.
  • Trẻ em: Trẻ 6 – 11 tuổi ngày uống 1,25-15 g chia làm nhiều lần. Trẻ từ 12 tuổi trở lên ngày uống 2,5-30g chia làm nhiều lần.

– Điều trị hội chứng ruột kích thích cho người lớn:

Ngày dùng 1 – 3 lần. Uống thuốc với 240 ml nước

  • Thuốc bột: 1 – 2 muỗng tròn/lần
  • Thuốc gói: 1 – 2 gói/lần
  • Thuốc viên: 5 – 6 viên/lần

Khi nào nên dùng thuốc nhuận tràng?

Nhiều người khi vừa mới có dấu hiệu bị táo bón hoặc khó đi ngoài đã vội vàng tìm mua thuốc nhuận tràng về uống. Thế nhưng chẳng những không đạt được hiệu quả như mong muốn mà còn gặp phải nhiều tác dụng phụ ngoài ý muốn.

các dùng thuốc nhuận tràng
Thuốc nhuận tràng có nhiều tác dụng phụ nên chỉ được sử dụng khi thật sự cần thiết

Theo các bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa, bệnh táo bón do nhiều nguyên nhân gây ra. Hầu hết các trường hợp bị táo bón là do chế độ ăn uống không hợp lý, sử dụng nhiều thức ăn cay nóng, đồ béo, thực phẩm chế biến sẵn, ăn ít rau quả, không cung cấp đủ nước cho cơ thể. Một số người thì gặp khó khăn khi đi ngoài do bị căng thẳng thần kinh quá mức, nhịn đi cầu thường xuyên, ít vận động hoặc do ảnh hưởng của một số bệnh lý trong cơ thể. Nếu đơn thuần chỉ sử dụng thuốc nhuận tràng thì sẽ không thể giải quyết được triệt để tình trạng táo bón.

Để cải thiện tình trạng táo bón, người bệnh được khuyến khích nên thay đổi lối sống, tăng cường vận động, tập thói quen đi đại tiện vào một khung giờ nhất định trong ngày kết hợp uống nhiều nước, tránh stress, bổ sung 20 – 35g chất xơ mỗi ngày để làm tăng trương lực hoạt động của cơ ruột, giúp đi cầu đều đặn, dễ dàng hơn. Nếu các biện pháp tự nhiên không mang lại hiệu quả thì mới nghĩ đến việc sử dụng thuốc nhuận tràng.

Riêng đối với các trường hợp cần làm sạch ruột trước khi chụp x-quang trực tràng, phẫu thuật hay hỗ trợ điều trị các bệnh lý khác thì có thể dùng thuốc nhuận tràng theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Lưu ý khi dùng thuốc nhuận tràng

  • Hầu hết các loại thuốc nhuận tràng đều là thuốc kê đơn. Vì vậy người bệnh chỉ nên sử dụng khi được bác sĩ chỉ định.
  • Thuốc nhuận tràng có thể được tăng hoặc giảm liều tùy theo tính chất phân. Người bệnh nên theo dõi quá trình đi tiêu, cứ 2 – 3 ngày nên đánh giá lại tình trạng phân và thông báo cho bác sĩ biết để được điều chỉnh liều dùng cho phù hợp.
  • Khi tình trạng táo bón đã được cải thiện, hãy giảm liều từ từ. Tránh nhưng uống thuốc một cách đột ngột.
  • Kết hợp dùng thuốc nhuận tràng với việc cung cấp đủ nước cho cơ thể, bổ sung nguồn chất xơ tự nhiên từ các loại rau củ và trái cây tươi để nhanh thấy được hiệu quả, giúp hạn chế sự lệ thuộc vào thuốc.
  • Đa số các thuốc nhuận tràng đều có thể gây tác dụng phụ ngoài ý muốn. Vì vậy, tránh lạm dụng thuốc quá mức hoặc dùng liên tục trong thời gian dài. Thông báo cho bác sĩ ngay nếu bạn gặp một trong những tác dụng phụ nghiêm trọng sau: Có máu trong phân, đau bụng dữ dội, mệt mỏi, chóng mặt, co thắt mạnh ở bụng.
  • Trường hợp sử dụng thuốc nhuận tràng trong 7 ngày mà tình trạng táo bón vẫn không thuyên giảm, hãy tới bệnh viện kiểm tra lại.

Bạn nên tham khảo thêm

Đánh giá bài viết

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *