Danh sách thực phẩm, thức ăn, món ăn tốt cho dạ dày
Nội dung bài viết
Sữa chua, gừng, rau thì là, đu đủ, ngũ cốc nguyên hạt là những thực phẩm tốt cho dạ dày của bạn. Thường xuyên sử dụng những thực phẩm này trong món ăn hàng ngày không chỉ giúp cải thiện chức năng tiêu hóa mà còn hỗ trợ cải thiện các triệu chứng khó chịu khi mắc bệnh dạ dày.
Những thực phẩm tốt cho dạ dày
Chế độ ăn uống hàng ngày có liên quan mật thiết đến sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe của dạ dày. Thực tế những bệnh lý như viêm loét dạ dày, đau dạ dày hay trào ngược thực quản phát sinh cũng một phần bởi do chế độ ăn uống thiếu khoa học, lạm dụng các thực phẩm gây kích ứng niêm mạc dạ dày mà ra.
Để duy trì chức năng hoạt động của dạ dày, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo bạn nên ưu tiên bổ sung các thực phẩm có thể giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày, giảm tiết axit và có đặc tính kháng viêm, diệt khuẩn để chữa lành các tổn thương trong dạ dày một cách tự nhiên. Chúng bao gồm:
1. Sữa chua bổ sung vi khuẩn có lợi cho dạ dày
Sữa chua là sản phẩm được lên men từ sữa bò, sữa dê hay sữa bột. Thực phẩm này cung cấp cho cơ thể một lượng lớn men vi sinh Probiotics là những loại vi khuẩn có lợi tập trung trong dạ dày và đường ruột. Chúng giúp duy trì sức khỏe và chức năng tiêu hóa của dạ dày.
Probiotics cũng giúp giải quyết nhiều triệu chứng khó chịu khi bạn gặp vấn đề về dạ dày như tiêu chảy, táo bón, ợ hơi, ăn uống lâu tiêu. Để đạt được lợi ích tốt nhất, mỗi ngày bạn nên ăn từ 100 – 250g sữa chua, tương đương khoảng 1 – 2 hũ. Thời điểm ăn sữa chua tốt nhất là sau bữa ăn khoảng 1 tiếng. Tránh ăn lúc đói bụng bởi lúc này hàm lượng axit trong dạ dày khá cao, nó có thể giết chết lợi khuẩn và gây cồn cào, xót ruột.
2. Quả táo
Táo cũng là thức ăn tốt cho dạ dày. Loại trái cây này cung cấp hàm lượng lớn chất xơ hòa tan pectin. Chất này có tác dụng thúc đẩy tiêu hóa, kích thích nhu động ruột co bóp để đẩy thức ăn di chuyển qua dạ dày nhanh hơn. Qua đó giảm gánh nặng tiêu hóa, giúp dạ dày có thêm nhiều thời gian nghỉ ngơi.
Ngoài ra, pectin còn làm tăng thể tích cho phân, giúp bạn cải thiện được các vấn đề thường gặp ở đường tiêu hóa như táo bón, tiêu chảy.
3. Gừng trung hòa axit, giảm đau thượng vị dạ dày
Đau thượng vị, buồn nôn, ợ chua, khó tiêu, đầy bụng… là những triệu chứng xảy ra khá phổ biến khi bạn mắc các bệnh lý về dạ dày như trào ngược thực quản, viêm loét dạ dày hay viêm hang vị dạ dày… Gừng là một phương thuốc tự nhiên lâu đời có thể giúp cải thiện các vấn đề này.
Thêm gừng vào chế độ ăn là cách đơn giản để nâng cao khả năng tiêu hóa thức ăn cho dạ dày của bạn. Nguyên liệu này đã được chứng minh về khả năng trung hòa axit trong dạ dày, đồng thời làm giảm hoạt động co thắt của cơ trơn là nguyên nhân gây ra tình trạng buồn nôn và những cơn đau ở khu vực thượng vị. Ngoài ra, đặc tính kháng khuẩn, tiêu viêm tự nhiên của gừng cũng giúp ích rất lớn cho quá trình điều trị, chữa lành tổn thương viêm nhiễm ở lớp niêm mạc dạ dày.
Gừng có thể ăn tươi, giã làm nước chấm hoặc thêm vào thức ăn đều được. Thực phẩm này cũng được sử dụng phổ biến ợ dạng trà. Bạn có thể mua trà gừng được chế biến sẵn dưới dạng túi lọc hoặc tự hãm trà bằng gừng tươi đều được. Tuy nhiên cần lưu ý không nên tiêu thụ quá 5g gừng mỗi ngày.
4. Chuối làm giảm axit dư thừa trong dạ dày
Nếu bạn muốn cải thiện sức khỏe cho dạ dày nói riêng và đường tiêu hóa nói chung thông qua con đường ăn uống thì chuối chính là sự lựa chọn lý tưởng. Chuối chín có tính kiềm cao. Đặc tính này giúp chuối có khả năng trung hòa axit dịch vị, loại bỏ một lượng lớn axit dư thừa trong dạ dày. Điều này cho phép bạn có thể kiểm soát tốt bệnh trào ngược dạ dày thực quản, đồng thời ngăn ngừa nguy cơ bị sưng tấy, viêm loét ở bề mặt lớp lót bên trong dạ dày, thực quản.
Cùng với đó, thành phần pectin dồi dào được tìm thấy trong chuối có thể giúp ích trong việc cải thiện tình trạng táo bón, tiêu chảy và các rối loạn tiêu hóa khác. Chuối cũng cung cấp kali có tác dụng cân bằng chất điện giải cho cơ thể, ổn định huyết áp, ngăn ngừa tổn thương ở các mạch máu trong dạ dày.
5. Rau thì là giảm đau, chống viêm dạ dày
Rau thì là thường được dùng kèm với các món thủy hải sản để giảm mùi tanh của thực phẩm và tạo thêm hương vị hấp dẫn cho món ăn. Hàm lượng chất xơ phong phú trong món ăn này có thể giúp duy trì sự đều đặn trong hoạt động đi cầu, ngăn ngừa táo bón, tăng tốc độ làm trống của dạ dày tạo điều kiện cho tổn thương viêm bên trong nhanh được chữa lành.
Một số chất trong thì là còn có khả năng thư giãn cơ trơn, chống co thắt dạ dày. Điều này có thể giúp cải thiện tình trạng đau thượng vị, đầy hơi, chuột rút cơ bụng.
Cả lá và hạt thì là đều là những thực phẩm tốt cho dạ dày. Ngoài việc tăng cường sử dụng rau thì là trong các món ăn, người bị viêm đau dạ dày hoặc tiêu hóa kém cũng được khuyên nên lấy hạt thì là nhai kỹ rồi nuốt cả bã với liều lượng 3 – 4g một ngày để giảm nhẹ các triệu chứng khó chịu.
6. Bạc hà kháng viêm, giảm đau dạ dày
Người đang bị đau dạ dày, viêm dạ dày được khuyên nên bổ sung bạc hà vào chế độ ăn hàng ngày. Thực phẩm này chứa methol, một chất có tác dụng kháng viêm, làm thư giãn các cơ trong dạ dày và ức chế các cơn co thắt. Sử dụng bạc hà đúng cách có thể giúp cải thiện được đáng kể cơn đau thượng vị dạ dày cũng như các vấn đề khác ở đường tiêu hóa như đầy hơi, tiêu chảy.
Khi có biểu hiện đau và kích ứng trong dạ dày, bạn hãy lấy vài lá bạc hà nhai sống và nuốt cả nước lẫn bã. Ngoài ra có thể dùng bạc hà hãm trà uống hoặc bổ sung dưới dạng viên nang chứa tinh dầu bạc hà.
Thực phẩm này an toàn đối với hầu hết mọi người. Tuy nhiên, nếu bạn bị trào ngược axit, sỏi thận hoặc có các vấn đề ở gan, túi mật thì không nên sử dụng.
7. Hạt chia
Hạt chia cung cấp nguồn chất xơ tuyệt vời. Khi được sử dụng, chất xơ trong hạt chia sẽ được hấp thụ và hình thành nên một chất tương tự như gelatin. Nó giúp bao phủ, bảo vệ niêm mạc ruột, đồng thời tạo ra môi trường lý tưởng cho các vi khuẩn lành mạnh trong dạ dày phát triển.
Thêm vào đó, hàm lượng chất xơ phong phú trong hạt chia cũng giúp duy trì hoạt động đều đặn của nhu động ruột, đảm bảo cho quá trình tiêu hóa diễn ra thông suốt, ngăn ngừa táo bón, đầy bụng, giảm mức độ nghiêm trọng của cơn đau dạ dày.
8. Đu đủ nhuận tràng, bổ sung enzym tiêu hóa cho dạ dày
Nghiên cứu cho thấy, trong đu đủ có chứa một loại enzym tiêu hóa có tên gọi là papain. Chất này có thể giúp hỗ trợ dạ dày tiêu hóa chất đạm trong thực phẩm nhanh hơn bằng cách phá vỡ cấu trúc của các sợi protein.
Papain cũng hoạt động như một chất nhuận tràng tự nhiên. Nó giúp cải thiện các triệu chứng táo bón, đầy hơi, chướng bụng thường gặp ở những người mắc bệnh về dạ dày.
9. Ngũ cốc nguyên hạt – thực phẩm tốt cho dạ dày
Ngũ cốc nguyên hạt, chẳng hạn như lúa mì, gạo, kê hay ngô… Đây là những thực phẩm chưa qua quá trình xử lý tinh chế nên còn nguyên cám, mầm, nội nhũ và các chất dinh dưỡng. Chúng cung cấp nguồn chất xơ phong phú giúp cải thiện sức khỏe dạ dày theo 2 cách:
- Đầu tiên, chất xơ tham gia vào quá trình tiêu hóa thức ăn. Chất này giúp làm tăng trọng lượng phân, tạo điều kiện để thức ăn di chuyển nhanh hơn xuống đại tràng, qua đó ngăn ngừa táo bón, làm giảm gánh nặng cho dạ dày.
- Thứ 2, chất xơ trong ngũ cốc còn hoạt động tương tự như prebiotic. Nó giúp nuôi dưỡng, phát triển hệ vi sinh vật có lợi trong đường ruột, tăng cường khả năng miễn dịch, giảm nguy cơ bị nhiễm trùng ở dạ dày.
Ngoài ra, ngũ cốc nguyên hạt còn cung cấp nhiều vitamin, sắt, canxi và các chất chống oxy hóa. Thường xuyên bổ sung thực phẩm này vào thực đơn nếu bạn muốn nâng cao sức khỏe một cách tổng thể.
10. Ăn tỏi tốt cho dạ dày
Tỏi được nhiều người sử dụng như một loại thuốc kháng sinh tự nhiên giúp chống lại tình trạng nhiễm trùng vi khuẩn Hp trong dạ dày, giảm viêm loét, thúc đẩy quá trình chữa lành tổn thương ở niêm mạc ruột. Tác dụng này có được là nhờ thành phần allicilin được tìm thấy nhiều trong củ tỏi.
Theo kinh nghiệm dân gian, khi bị viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày do Hp, bạn hãy ăn 3 – 4 tép sống mỗi ngày hoặc sử dụng tỏi ngâm mật ong để cải thiện các triệu chứng bệnh.
Tỏi dù tốt nhưng nếu lạm dụng quá mức sẽ gây phản tác dụng. Bạn không nên ăn tỏi quá 1,5g trong ngày.
11. Bánh mì nướng nguyên cám
Qáu trình nướng đã phá vỡ một số carbohydrate khiến cho bánh mì trở nên dễ tiêu hóa hơn. Thức ăn này khi vào trong dạ dày sẽ thấm hút axit dư thừa, giảm buồn nôn, ợ nóng, ngăn ngừa trào ngược dạ dày thực quản.
Tuy nhiên cần lưu ý rằng, không phải tất cả các loại bánh mì nướng đều tốt cho dạ dày. Bạn nên lựa chọn loại bánh mì nguyên cám. Tránh ăn bánh mì trắng vì bột được sử dụng để làm bánh đã trải qua quá trình tinh chế nên không còn giữ được nhiều chất xơ cũng như các thành phần dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe.
Một số người có thể cảm thấy bánh mì nguyên cám hơi khô và khó nuốt. Để tăng hương vị, bạn có thể phết thêm chút kem, bơ hay mứt trái cây khi sử dụng sẽ làm thực phẩm này hấp dẫn hơn rất nhiều.
12. Trứng bổ sung năng lượng, làm nhanh lành tổn thương trong dạ dày
Trứng là thức ăn tốt cho dạ dày vì nó rất dễ tiêu hóa. Thực phẩm này cung cấp nhiều protein nhưng lại rất ít chất béo. Thành phần protein khi được hấp thu sẽ chuyển hóa thành năng lượng phục vụ cho các hoạt động trong ngày của bạn, giúp chống mệt mỏi. Ngoài ra, protein còn là vật liệu không thể thiếu cho quá trình tái tạo tế bào, giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi tổn thương ở niêm mạc dạ dày do nhiễm virus, vi khuẩn hoặc do tác hại của axit.
Điều quan trọng bạn cần nhớ là hãy đảm bảo trứng đã được nấu chín trước khi ăn. Tốt nhất vẫn là ăn trứng luộc. Không ăn trứng sống hoặc trứng ốp la chưa chín hết lòng đỏ sẽ có nguy cơ bị ngộ độc salmonella rất cao. Mỗi tuần chỉ nên ăn 3 – 4 quả trứng là đủ, tránh ăn quá nhiều.
Tham khảo thêm: Những bài thuốc dân gian chữa đau dạ dày hiệu quả nhất
13. Thịt ức gà
Thịt ức gà cung cấp một nguồn protein phong phú và lành mạnh. Cứ trong 100g thịt lại cung cấp cho cơ thể khoảng 28,16 g protein. Chất này giúp cơ thể có khả năng tự chữa lành tổn thương trong dạ dày.
Ngoài ra, thực phẩm này còn bổ sung nhiều vitamin B, kali, calo và folate giúp nâng cao sức đề kháng của đường ruột. Bạn có thể sử dụng thực phẩm này theo nhiều cách như luộc, kho, làm chà bông hay nấu súp ăn. Thêm các món ăn này vào thực đơn 2 – 3 lần trong tuần để duy trì được sức khỏe cũng như chức năng hoạt động của dạ dày.
14. Cá hồi chống viêm dạ dày
Cá hồi không chỉ cung cấp nhiều protein mà còn chứa nhiều vitamin B, canxi, folate và đặc biệt là omega-3. Đây là một loại chất béo lành mạnh dễ tiêu hóa và đã được công nhận về khả năng kháng viêm qua nhiều công trình nghiên cứu khoa học. Nó giúp chống lại phản ứng viêm trong dạ dày, ngăn ngừa sự hình thành hoặc lan rộng của vết loét.
Bạn nên ăn cá hồi đã được nấu chín. Cá hồi sống thường khó tiêu hóa và có thể chứa nhiều ký sinh trùng gây bệnh, khi ăn sẽ dễ bị tiêu chảy, đau bụng và khiến cho tình trạng viêm nhiễm trong dạ dày trở nên nghiêm trọng hơn.
15. Khoai lang
Nhắc đến các thực phẩm tốt cho dạ dày thì không thể thiếu khoai lang. Trong củ khoai chứa nhiều tinh bột, khi vào trong dạ dày sẽ thấm hút bớt axit dư thừa, làm dịu niêm mạc dạ dày.
Ngoài ra, khoai lang còn chứa các thành phần quan trọng là magie và kali. Các chất này có tác dụng giảm căng thẳng, làm thư giãn các cơ co bóp ở dạ dày, qua đó hỗ trợ giảm đau thượng vị một cách tự nhiên.
Bạn có thể ăn khoai lang trong bữa sáng hoặc các bữa xế bằng cách luộc, nướng hay hầm canh chung với các loại rau củ khác. Do khoai lang chứa nhiều chất bột nên khi sử dụng, nên cắt giảm lượng tinh bột từ cơm để bữa ăn được cân đối, tránh bị dư thừa năng lượng.
16. Cơm trắng bảo vệ niêm mạc dạ dày
Cơm trắng là một phần không thể thiếu trong các bữa ăn hàng ngày của gia đình Việt. Thức ăn này cung cấp nhiều tinh bột cho cơ thể. Chúng giúp hấp thụ chất lỏng và axit trong dạ dày, giảm tiêu chảy, ngăn ngừa trào ngược axit và giảm thiểu tổn thương đến niêm mạc dạ dày.
17. Rau cải xanh chống oxy hóa, tiêu diệt vi khuẩn Hp
Cải xanh (hay còn gọi là cải cay, cải canh) là một thực phẩm thân thiện với dạ dày. Nghiên cứu đã phát hiện ra, loại rau này chứa một loại hợp chất có khả năng tiêu diệt vi khuẩn Hp trong dạ dày mang tên isothiocyanate sulforaphane. Hoạt chất này giúp ức chế hoạt động nhân lên của vi khuẩn, giảm thiểu tổn thương đến dạ dày.
Thường xuyên ăn rau cải xanh cũng là cách để bạn tận dụng được nguồn chất chống oxy hóa quý giá từ tự nhiên. Nó giúp hạn chế thấp nhất tổn thương ở niêm mạc dạ dày khi bị gốc tự do, vi khuẩn và các tác nhân gây hại khác tấn công, đồng thời giảm nguy cơ bị ung thư dạ dày.
18. Mật ong
Mật ong cung cấp hơn 70 dưỡng chất cho cơ thể, chủ yếu là Carbohydrate, sắt, magie, kali, đường, kẽm, protein, vitamin B, C, E. Những chất này giúp bổ sung năng lượng cho cơ thể, kích thích tiêu hóa, ngăn ngừa đau dạ dày sau khi ăn, xoa dịu kích ứng trong đường tiêu hóa.
Đặc biệt, mật ong còn hoạt động như một chất kháng khuẩn. Nó giúp làm suy yếu hoạt động của các tác nhân có hại và giảm viêm trong dạ dày, đồng thời nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.
19. Dầu ô liu
Trong danh sách các thực phẩm tốt cho dạ dày còn có dầu ô liu. Sử dụng loại dầu này trong bữa ăn thay thế cho chất béo động vật sẽ giúp bạn giảm nguy cơ bị viêm dạ dày và nhiều bệnh lý về tim mạch.
Sở hữu thành phần acid oleic và omega 3 dồi dào, dầu ô liu có khả năng kháng viêm, tiêu diệt vi khuẩn có hại trong đường ruột. Ngoài ra, loại dầu này còn giúp cơ thể hấp thu một số loại vitamin hòa tan trong chất béo được tốt hơn.
Để tận dụng được những lợi ích tuyệt vời trên, bạn nên thêm dầu ô liu vào trong chế độ ăn. Sử dụng loại dầu này để xào nấu thức ăn hoặc pha 1 thìa dầu vào ly nước ấm uống vào mỗi buổi sáng cũng rất tốt cho sức khỏe. Ngoài ra, dân gian còn kết hợp dầu ô liu với quế, lòng đỏ trứng gà hay sáp ong để chữa đau dạ dày tại nhà.
20. Quả bơ tốt cho dạ dày
Những người có vấn đề ở đường tiêu hóa như viêm loét dạ dày, táo bón, tiêu chảy, ợ hơi… được khuyến khích nên thường xuyên ăn bơ để cải thiện bệnh. Các thành phần axit béo omega 3, chất xơ hòa tan, protein và folate được tìm thấy trong loại trái cây này có thể giúp ổn định hoạt động tiêu hóa, chống viêm, làm nhanh lành tổn thương trong dạ dày cũng như đường ruột.
Tùy theo sở thích bạn có thể ăn thịt bơ nguyên chất hoặc dằm nhuyễn, xay sinh tố hoặc ăn cùng với sữa chua vừa ngon miệng lại tốt cho dạ dày.
Đừng bỏ qua: Các thuốc trị đau dạ dày tốt nhất và cách dùng
Một số món ăn tốt cho dạ dày
Từ danh sách những thực phẩm tốt cho dạ dày ở trên, bạn có thể luôn phiên sử dụng trong thực đơn để chế biến ra các món ăn vừa có lợi cho sức khỏe, vừa giúp nâng cao chức năng tiêu hóa của dạ dày.
1. Canh đu đủ hầm sườn lợn
– Chuẩn bị nguyên liệu:
- 1/2 quả đu đủ
- 200g sườn lợn
- 9 quả táo tàu
- Hành, ngò và các gia vị
– Cách chế biến:
- Đu đủ gọt sạch vỏ rối cắt thành những miếng vuông vừa ăn
- Sườn lợn rửa sạch, trụng qua nước sôi
- Phi thơm hành, đổ lượng nước vừa đủ dùng vào, bỏ sườn vào nấu chung với táo tàu khoảng 20 phút.
- Tiếp tục cho đu đủ vào nấu đến khi chín mềm
- Nêm nếm gia vị, thêm một chút hành ngò và tiêu vào rồi tắt bếp
– Tác dụng:
Món canh đu đủ hầm sườn lợn có tác dụng giải nhiệt, bổ tỳ, nhuận tràng, thông tiện, cải thiện các dấu hiệu của bệnh viêm dạ dày mãn tính.
2. Món cháo kê giảm đau dạ dày
– Chuẩn bị nguyên liệu:
- Hạt kê và lạc mỗi loại 50g
- Đậu đỏ: 30g
- Đường phèn đủ dùng
– Cách chế biến:
- Đậu đỏ và lạc ngâm trong nước vài tiếng cho mềm
- Tất cả bỏ chung vào nồi, đổ ngập nước vào nấu cho chín nhừ thành cháo
- Cuối cùng, thêm ít đường phèn vào sao cho vừa đủ ngọt là được
- Quậy cho đường tan đều, tắt bếp
- Chia ăn 2 lần khi cháo còn ấm
– Tác dụng:
Món cháo hạt kê có tác dụng ngăn ngừa táo bón, làm sạch ruột, đào thải độc tố, giảm cảm giác đau rát ở khu vực thượng vị khi bị đau dạ dày. Người đang bị tỳ vị hư kém sử dụng món ăn này là thích hợp nhất.
3. Món thịt ức gà nấu nấm
– Chuẩn bị nguyên liệu:
- Thịt ức gà: 1 lạng
- Nấm rơm: 1 lạng
- Hành lá, tiêu và các gia vị thông dụng
– Cách chế biến:
- Nấm rơm rửa sạch, bổ làm đôi
- Thịt gà thái miếng vừa ăn, ướp với chút hành băm và gia vị, để 15 phút cho thấm
- Phi thơm hành, bỏ thịt gà vào đảo nhanh tay cho thịt hơi tái
- Thêm nước vào, đun sôi cho thịt gà chín rồi tiếp tục bỏ nấm vào
- Nấu thêm 5 phút nữa, nêm nếm lại gia vị cho vừa miệng rồi tắt bếp
- Dọn ăn kèm với cơm
– Tác dụng:
Thịt ức gà nấu nấm là một trong những món ăn tốt cho dạ dày. Dùng món này thường xuyên có tác dụng kiện kỳ, bổ thận, làm nhanh lành tổn thương trong dạ dày.
4. Món cháo hạt sen
– Chuẩn bị nguyên liệu:
- Hạt sen: 20 gram
- Khiếm thực và gạo tẻ: Mỗi loại 30 gram
- Đường cát trắng đủ dùng
– Cách chế biến:
- Vo gạo rồi đem nấu chung với hạt sen, khiếm thực cho chín nhừ. Chú ý loại bỏ hết tim sen trước khi nấu.
- Khi cháo chín, thêm đường vào cho vừa đủ ngọt
- Sử dụng món này trong bữa sáng hoặc thay thế cho các bữa ăn khác
– Tác dụng:
Món cháo hạt sen có độ lỏng mềm vừa phải rất dễ tiêu hóa. Nó cung cấp năng lượng và tinh bột giúp giảm axit trong dạ dày, cải thiện các rối loại tiêu hóa, giảm căng thẳng, giúp bạn ngủ ngon giấc hơn.
Thức ăn không tốt cho dạ dày
Một số thực phẩm có thể gây kích ứng, làm tăng nguy cơ bị bệnh ở dạ dày. Chúng bao gồm:
- Đồ hộp: Thực phẩm đóng hộp chứa nhiều chất phụ gia, muối, chất bảo quản và nhiều chất độc hại khác. Chúng là nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa phổ biến và nếu sử dụng thường xuyên trong thời gian sẽ làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày.
- Thực phẩm chứa nhiều chất béo không bão hòa: Đây là loại chất béo không lành mạnh được tìm thấy nhiều trong thịt mỡ, nội tạng động vật, thức ăn nhanh và các món chiên xào. Chúng làm gia tăng gánh nặng cho dạ dày vì rất khó tiêu hóa. Với một bữa ăn chứa đầy chất béo, bạn cũng sẽ rất dễ bị đầy bụng, khó tiêu, đau thượng vị.
- Gia vị cay: Nhiều người bị đau dạ dày vì thói quen ăn cay. Sử dụng các món ăn chứa nhiều tiêu, ớt, mù tạt sẽ khiến niêm mạc dạ dày bị kích ứng, bỏng rát, lâu ngày dẫn đến viêm loét dạ dày.
- Đồ sống: Các món nộm, gỏi, sushi hay ốp la… tuy rất hấp dẫn nhưng chúng có thể là nguồn lây nhiễm vi khuẩn và ký sinh trùng cho dạ dày khiến cơ quan này bị nhiễm trùng. Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe dạ dày, bạn không nên ăn thức ăn chưa được nấu chín.
- Bia, rượu: Lạm dụng bia rượu là nguyên nhân hàng đầu gây ra các vấn đề ở dạ dày như viêm loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa và nguy hiểm hơn là bệnh ung thư dạ dày.
Ngoài việc bổ sung các thực phẩm tốt cho dạ dày và tránh các thực phẩm có hại, trong chế độ ăn hàng ngày bạn cần lưu ý:
- Ăn uống đúng giờ, không bỏ bữa
- Tránh để bụng quá đói nhưng cũng không được ăn quá nhiều thức ăn trong một bữa khiến dạ dày bị quá tải.
- Ăn uống từ từ, đảm bảo đã nhai nát thức ăn trước khi nuốt
- Tập trung khi ăn uống
- Không uống nhiều nước trong bữa ăn khiến dịch vị dạ dày bị pha loãng, làm ảnh hưởng đến tiêu hóa
- Đối với những người đang có vấn đề về dạ dày thì nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, sử dụng lượng thức ăn vừa phải. Mỗi bữa cách nhau 2- 3 tiếng để hạn chế được các triệu chứng khó chịu ở đường tiêu hóa và đảm bảo cơ thể được cung cấp đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng trong ngày.
Có thể bạn quan tâm
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!