Vì sao đi ngoài ra chất nhầy màu trắng – vàng – hồng – đỏ?

Đi ngoài ra chất nhầy màu trắng, vàng, hồng, đỏ có thể liên quan đến chế độ ăn uống, một số bệnh lý hoặc do các yếu tố tác động từ bên ngoài cơ thể. Tìm hiểu một số nguyên nhân gây xuất hiện chất nhầy trong phân để có biện pháp xử lý phù hợp.

Vì sao đi ngoài ra chất nhầy màu trắng - vàng - hồng - đỏ
Đi ngoài ra chất nhầy màu trắng – vàng – hồng – đỏ có thể liên quan đến nhiều bệnh lý trong cơ thể

Đi ngoài ra chất nhầy là gì?

Chất nhầy là một chất dày có tác dụng bôi trơn và bảo vệ các mô, cơ quan trong cơ thể. Chất nhầy ở hậu môn được sản xuất từ màng nhầy của ruột già để giúp phân đi qua hậu môn dễ dàng hơn.

Ở người khỏe mạnh, chất nhầy trong phân thường không nhiều, có màu vàng nhạt hoặc trong suốt và với số lượng nhỏ đến mức không thể nhận thấy bằng mắt thường. Do đó, khi chất nhầy dày đặc, có thể nhìn thấy bằng mắt thường có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý hoặc rối loạn bên trong hệ thống tiêu hóa.

Thông thường chất nhầy trong phân thường có liên quan đến các bệnh lý như Hội chứng ruột kích thích, viêm loét đại tràng. Ngoài ra, các vấn đề như nhiễm khuẩn, nứt hậu môn, tắc ruột hoặc bệnh Crohn cũng có thể dẫn đến đi ngoài ra chất nhầy.

Đi ngoài ra chất nhầy màu vàng
Đi ngoài ra chất nhầy là tình trạng phổ biến

Đi ngoài ra chất nhầy là tình trạng phổ biến và thường không nghiêm trọng. Tuy nhiên người bệnh nên đến bệnh viện nếu cảm thấy lo lắng hoặc có các dấu hiệu như:

  • Có nhiều hoặc rất nhiều chất nhầy
  • Tần suất thường xuyên
  • Có máu hoặc mủ trong phân
  • Tiêu chảy
  • Đau dạ dày hoặc đau bụng dưới nghiêm trọng
  • Chuột rút hoặc đầy hơi chướng bụng
  • Thay đổi tính chất và tình dạng của phân
  • Thay đổi nhu động ruột hoặc thói quen đi đại tiện

Vì sao đi ngoài ra chất nhầy màu trắng – vàng – hồng – đỏ?

Màu sắc của chất nhầy trong phân có thể liên quan đến nhiều nguyên nhân, bệnh lý và điều kiện y tế bao gồm:

1. Đi ngoài ra chất nhầy màu trắng đục

– Nhiễm khuẩn:

Nhiễm trùng vi khuẩn là nguyên nhân phổ biến có thể dẫn đến tình trạng đi ngoài ra chất nhầy màu trắng hoặc màu trắng đục. Các loại vi khuẩn có thể dẫn đến nhiễm khuẩn đường ruột thường bao gồm Campylobacter, Shigella, Salmonella và Yersinia.

Những vi khuẩn này cũng là nguyên nhân phổ biến dẫn đến ngộ độc thực phẩm và một số vấn đề nhiễm trùng khác bao gồm:

  • Bệnh tiêu chảy
  • Đau dạ dày
  • Nôn
  • Buồn nôn
  • Sốt

Một số trường hợp nhiễm trùng đường ruột có thể trở nên nghiêm trọng và cần điều trị y tế. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp người bệnh có thể tự cải thiện các triệu chứng tại nhà.

Ngoài ra, nhiễm ký sinh trùng và một số loại vi khuẩn có thể có thể dẫn đến tiêu chảy nghiêm trọng và đe dọa đến tính mạng của người bệnh. Tình trạng này thường dẫn đến đi ngoài ra chất nhầy màu trắng đục và có mùi rất hôi.

đi ngoài ra dịch nhầy màu vàng
Hội chứng ruột kích thích có thể dẫn đến tình trạng đi ngoài ra chất nhầy

– Hội chứng ruột kích thích:

Các triệu chứng chính của Hội chứng ruột kích thích thường bao gồm tiêu chảy, táo bón hoặc tiêu chảy xen kẽ táo bón. Bên cạnh đó, tình trạng này cũng có thể dẫn đến một lượng lớn chất nhầy trong phần khi đi đại tiện.

– Tác dụng phụ của một số loại thuốc:

Một số loại thuốc, chẳng hạn như bismuth subsalicylate (sử dụng với liều lượng lớn) và các thuốc chống tiêu chảy khác có thể dẫn đến tình trạng đi ngoài ra chất nhầy.

Ngoài ra, một số loại thuốc hóa trị, xạ trị cũng có thể dẫn đến tình trạng đi ngoài ra chất nhầy.

2. Đi ngoài ra chất nhầy màu vàng

– Viêm đại tràng:

Viêm đại tràng là một rối loạn tổn thương ở niêm mạc đại tràng dẫn đến tình trạng đi ngoài ra chất nhầy, dính màu trắng đục hoặc vàng nhạt. Tình trạng này cũng có thể gây chảy máu và tạo mủ dẫn  đến tình trạng đi ngoài kèm chất nhầy rất hôi.

Bên cạnh đó, viêm loét đại tràng cũng dẫn đến tiêu chảy, đau bụng và chuột rút bụng nghiêm trọng.

đi ngoài ra chất nhầy màu trắng
Viêm đại tràng có thể gây đi ngoài ra chất nhầy màu trắng đục hoặc vàng

– Tắc ruột:

Tắc ruột thường bao gồm các triệu chứng táo bón, chướng bụng, nôn mửa, đau bụng dữ dội và dẫn đến tình trạng đi ngoài ra chất nhầy màu vàng hoặc trắng đục.

Tình trạng này có thể liên quan đến nhiều nguyên nhân như có mô sẹo ở hệ thống tiêu hóa, thoát vị hoành, sỏi mật, khối u hoặc do các loại thực phẩm không thể tiêu hóa.

Tắc ruột là tình trạng nghiêm trọng, cần điều trị y tế hoặc phẫu thuật để cải thiện tình trạng tắc nghẽn.

– Có vấn đề về tuyến tụy:

Viêm tuyến tụy hoặc ung thư tuyến tụy có thể chặn ống tụy hoặc khiến tuyến tụy không sản xuất đủ mật. Điều này dẫn đến tình trạng ruột không thể tiêu hóa được chất béo. Các triệu chứng thường bao gồm đi ngoài ra chất nhầy màu vàng, nhờn và có mùi hôi.

Các dấu hiệu khác thường bao gồm buồn nôn, nôn, đau dạ dày có thể lan tỏa ra sau lưng, ớn lạnh, sốt hoặc đau ở bụng khi chạm vào.

Thông thường viêm tụy hoặc ung thư tuyến tụy là một tình trạng nghiêm trọng cần điều trị y tế. Do đó, người bệnh cần đến bệnh viện để thực hiện chẩn đoán và điều trị phù hợp.

3. Đi ngoài ra chất nhầy màu hồng

Đi ngoài ra chất nhầy màu hồng thường là do có tế bào hồng cầu bên trong trực tràng hoặc đường ruột. Xuất hiện tế bào hồng cầu là dấu hiệu nhiễm trùng vi khuẩn, chẳng hạn như shigellosis (gây ra bệnh lỵ) ở hệ thống tiêu hóa.

Ngoài ra, đôi khi tình trạng này có thể là dấu hiệu của bệnh viêm ruột hoặc rối loạn ở đại tràng.

4. Đi ngoài ra chất nhầy màu đỏ

– Bệnh trĩ:

Bệnh trĩ là tình trạng gây sưng và mở rộng các tĩnh mạch ở hậu môn. Tình trạng này có thể dẫn đến đau đớn và đi ngoài ra chất nhầy. Các triệu chứng phổ biến thường bao gồm:

  • Ngứa hậu môn
  • Đi ngoài ra dịch nhầy màu đỏ nhạt hoặc kèm máu
  • Nóng rát ở hậu môn
  • Đi ngoài ra máu (có thể đau hoặc không đau)
đi ngoài ra chất nhầy màu đỏ
Bệnh trĩ là nguyên nhân gây đi ngoài ra chất nhầy màu đỏ phổ biến nhất

– Nứt hoặc loét hậu môn:

Vết nứt hoặc rách niêm mạc hậu môn hoặc trực tràng có thể dẫn đến đau đớn nghiêm trọng cũng như tiết chất nhầy khi đi đại tiện. Tình trạng này thường liên quan đến bệnh tiêu chảy mãn tính, phân quá cứng hoặc do bệnh trĩ gây ra.

Nứt hậu môn có thể gây ảnh hưởng đến nhu động ruột nhưng thường không nghiêm trọng. Người bệnh có thể giảm đau tại nhà trong vài ngày hoặc vài tuần. Tuy nhiên, đôi khi người bệnh có thể cần điều trị y tế để tránh nhiễm trùng và các vấn đề liên quan khác.

– Bệnh Crohn:

Bệnh Crohn là bệnh viêm ruột gây ảnh hưởng đến hệ thống tiêu hóa. Các dấu hiệu phổ biến bao gồm gây tiêu chảy hoặc mệt mỏi mãn tính. Các triệu chứng có thể trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian và dẫn đến nhiều rủi ro bao gồm viêm loét hậu môn, viêm da xung quanh hậu môn, thiếu máu hoặc tăng nguy cơ nhiễm trùng hậu môn.

– Xuất huyết tiêu hóa:

Chảy máu ở đường tiêu hóa dưới chẳng hạn như ruột già hoặc trực tràng có thể dẫn đến tình trạng đi ngoài ra chất nhầy màu đỏ tươi. Bên cạnh đó, xuất huyết đường tiêu hóa trên, bao gồm thực quản và dạ dày, có thể dẫn đến tình trạng đi ngoài ra chất nhầy màu đỏ sẫm hoặc đen.

Xuất huyết tiêu hóa có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng và cần cấp cứu y tế.

– Ung thư đại tràng hoặc trực tràng:

Ung thư đại tràng hoặc trực tràng thường dẫn đến tình trạng có máu trong phân, xuất huyết trực tràng hoặc giảm cân mà không rõ nguyên nhân.

Tuy nhiên đôi khi bệnh cũng có thể dẫn đến tình trạng đi ngoài ra chất nhầy màu đỏ kèm mùi hôi khó chịu.

Ngoài ra, một số nguyên nhân khác có thể dẫn đến đi ngoài ra chất nhầy màu hồng hoặc đỏ thường bao gồm:

  • Chảy máu túi thừa
  • Dị dạng động mạch hoặc có sự liên kết bất thường ở động mạch, tĩnh mạch
  • Bệnh Celiac
  • Thực phẩm có màu đỏ

Chẩn đoán tình trạng đi ngoài ra chất nhầy

Hiện tại không có biện pháp hoặc xét nghiệm cụ thể có thể xác định tình trạng đi ngoài ra chất nhầy bất thường. Để chẩn đoán bác sĩ có thể kiểm tra thể chất và xét nghiệm phân. Bên cạnh đó, mẫu phân có thể được nuôi cấy ở phòng thí nghiệm để kiểm tra dấu hiệu nhiễm trùng.

đi ngoài ra chất nhầy màu hồng
Đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị phù hợp

Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm bổ sung như:

  • Xét nghiệm công thức máu
  • Nội soi đại tràng hoặc đại tràng sigma
  • Xét nghiệm hình ảnh như chụp X – quang, CT hoặc MRI vùng chậu để quan sát các cơ quan nội tạng

Hầu hết các trường hợp kiểm tra chất nhầy trong phân có thể cho kết quả nhanh chóng. Tuy nhiên, đôi khi người bệnh có thể cần trải qua vài vòng kiểm tra để xác định nguyên nhân chính xác.

Phương pháp điều trị chất nhầy trong phân

Việc điều trị chất nhầy trong phân phụ thuộc vào nguyên nhân cũng như mức độ nghiêm trọng của tình trạng. Trong các trường hợp không nghiêm trọng, người bệnh có thể thay đổi lối sống và chế độ ăn uống để cải thiện các triệu chứng.

đi ngoài ra chất nhầy màu trắng đục
Thay đổi thói quen ăn uống có thể hỗ trợ cải thiện tình trạng đi ngoài ra chất nhầy

Một số lưu ý khi xử lý chất nhầy trong phân bao gồm:

  • Tăng lượng chất lỏng tiêu thụ mỗi ngày
  • Bô sung các loại men vi sinh hoặc các chất bổ sung có chứa men vi sinh
  • Tiêu thụ các loại thực phẩm chống viêm, bao gồm các loại thực phẩm ít axit và không chứa các chất độc hại
  • Cân bằng chế độ ăn lành mạnh các chất xơ, carbohydrate và chất béo

Trong các trường hợp nhiễm trùng vi khuẩn hoặc có các bệnh lý liên quan khác, bác sĩ có thể chỉ định kháng sinh và các loại thuốc theo toa để cải thiện các triệu chứng. Đôi khi phẫu thuật có thể được chỉ định cho tình trạng nứt hậu môn hoặc viêm loét trực tràng.

Ngoài ra, bệnh nhân rối loạn nhu động ruột, tiêu chảy, táo bón có thể được đề nghị sử dụng các chế phẩm sinh học đề cải thiện các triệu chứng. Trao đổi với bác sĩ nếu có bất cứ câu hỏi hoặc bất cứ thắc mắc nào có liên quan.

Đi ngoài ra chất nhầy màu trắng, vàng, hồng, đỏ có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý và tình trạng sức khỏe cần điều trị y tế. Do đó, người bệnh nên đến bệnh viện thực hiện các xét nghiệm và điều trị phù hợp. Trao đổi với bác sĩ chuyên môn để được hướng dẫn và tư vấn cụ thể.

5/5 - (2 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *