Triệu chứng đau dạ dày cấp và cách xử lý nhanh
Nội dung bài viết
Đau dạ dày cấp là một triệu chứng phổ biến ở đường tiêu hóa xảy ra khi bị nhiễm khuẩn, căng thẳng quá mức hoặc do lạm dụng bia rượu… Dưới đây là hướng điều trị và xử lý đúng cách để giảm nhanh cơn đau khó chịu.
Nguyên nhân gây đau dạ dày cấp
Đau dạ dày cấp là hiện tượng tổn thương ở niêm mạc dạ dày dẫn đến sự xuất hiện cơn đau một cách đột ngột. Bệnh xảy ra do nhiều nguyên nhân như:
- Nhiễm khuẩn Hp: Vi khuẩn Hp được xác định là thủ phạm gây ra hầu hết các ca bệnh viêm dạ dày cấp. Loại vi khuẩn này có khả năng tồn tại trong môi trường axit của dạ dày và khi phát triển mạnh, chúng sẽ tấn công ồ ạt gây tổn thương niêm mạc dạ dày và khiến cho bạn bị đau.
- Sử dụng thuốc tây bừa bãi: Một số loại tân dược như thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm, kháng sinh… nếu sử dụng không đúng cách có thể gây ra nhiều tác dụng phụ, đau dạ dày cấp chính là một tác hại thường gặp.
- Ngộ độc thực phẩm: Sử dụng thực phẩm bị ôi thiu, nhiễm khuẩn, chứa nhiều chất bảo quản hoặc thuốc trừ sâu có thể khiến bạn bị ngộ độc và lên cơn đau dạ dày một cách đột ngột.
- Căng thẳng: Stress có thể kích thích các cơ trơn trong dạ dày co thắt mạnh và liên tục. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến bạn thường xuyên phải gánh chịu những đợt đau dạ dày cấp dữ dội.
- Chế độ ăn uống kém khoa học: Nhai nuốt vội vàng, không tập trung khi ăn, ăn quá no, lạm dụng bia rượu, nhịn ăn sáng… Tất cả những thói quen xấu này đều có thể khiến bạn bị đau dạ dày cấp.
- Nhiễm virus: Tác nhân gây bệnh này có thể tấn công vào dạ dày do ăn uống kém vệ sinh, sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm…
- Béo phì: Cân nặng dư thừa quá mức có thể gây chèn ép vào dạ dày, khiến cho cơ quan này hoạt động kém hiệu quả và dễ bị tổn thương, từ đó làm tăng nguy cơ bị đau dạ dày cấp.
- Do ảnh hưởng của các bệnh lý ở đường ruột: Chẳng hạn như bệnh Crohn, viêm loét dạ dày tá tràng hay xuất huyết dạ dày… Tất cả đều có thể đột ngột khởi phát một cơn đau dạ dày cấp tính.
Ngoài việc xác định chính xác nguyên nhân gây đau dạ dày cấp, bạn cũng cần nắm rõ được các triệu chứng bệnh để có thể nhanh chóng nhận diện và có hướng điều trị kịp thời.
Triệu chứng đau dạ dày cấp
Các dấu hiệu có thể gặp khi bị đau dạ dày cấp bao gồm:
- Đau thượng vị:
Cơn đau dạ dày cấp thường xuất hiện ở vùng thượng vị , khu vực nằm trên rốn và dưới mũi xương ức. Mức độ đau của mỗi người có thể khác nhau tùy thuộc vào tổn thương trong dạ dày. Có người thì chỉ bị đau âm ỉ nhưng một số trường hợp lại bị đau dữ dội ở thượng vị. Cơn đau có thể xuất hiện vào bất cứ lúc nào, ngay cả ban đêm khi đang ngủ.
- Buồn nôn:
Hầu hết những người bị đau dạ dày cấp đều gặp triệu chứng này. Khi dạ dày lên cơn đau, các cơ trơn trong dạ dày co thắt mạnh gây kích thích buồn nôn và có thể nôn ói. Tình trạng này thường xuất hiện sau khi ăn.
- Chướng hơi, đầy bụng, ăn lâu tiêu:
Khi bị đau dạ dày cấp, chức năng tiêu hóa bị ảnh hưởng đáng kể. Vì vậy thức ăn khi được đưa vào dạ dày sẽ lâu được tiêu hóa và sản xuất nhiều khí trong bụng dẫn đến cảm giác chướng hơi, đầy bụng, hay ợ hơi.
- Chán ăn:
Cảm giác khó chịu ở dạ dày kèm theo những cơn đau sẽ khiến người bệnh ăn uống không ngon miệng, chán ăn thậm chí là sợ ăn uống.
Tình trạng đau dạ dày cấp kéo dài sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, sụt cân, suy giảm sức khỏe. Vì vậy, hãy đến bệnh viện thăm khám và tiến hành điều trị ngay khi bạn có các triệu chứng nghi ngờ được đề cập ở trên.
Phương pháp chẩn đoán đau dạ dày cấp
Các kỹ thuật được áp dụng để chẩn đoán đau dạ dày cấp tại bệnh viện bao gồm:
– Thăm khám lâm sàng:
Bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa sẽ ghi nhận về các triệu chứng lâm sàng bạn đang gặp phải. Trong quá trình thăm khám, bạn cũng có thể được bác sĩ yêu cầu cung cấp các thông tin liên quan đến chế độ ăn hàng ngày, các thực phẩm sử dụng trước khi lên cơn đau, tiền sử mắc bệnh dạ dày của bản thân cũng như những người trong gia đình.
– Các xét nghiệm cận lâm sàng:
- Chụp X-quang dạ dày có sử dụng thuốc cản quang: Những tổn thương trong dạ dày có thể được phản ánh rõ nét trên phim chụp X-quang.
- Nội soi dạ dày: Nội soi dạ dày giúp xác định được chính xác vị trí viêm và mức độ tổn thương trong dạ dày. Bạn có thể được chỉ định nội soi dạ dày gây mê, nội soi dạ dày qua mũi hay qua miệng…
- Xét nghiệm vi khuẩn Hp: Thông qua nội soi, bác sĩ có thể kết hợp lấy những mảnh mô trong dạ dày để làm sinh thiết hoặc áp dụng kỹ thuật phản ứng sinh học phân tử PCR để tìm kiếm sự hiện diện của vi khuẩn Hp trong dạ dày.
- Siêu âm ổ bụng: Kỹ thuật này giúp chẩn đoán phân biệt đau dạ dày cấp với các bệnh lý khác có dấu hiệu tương tự.
Cách điều trị đau dạ dày cấp
Dựa trên kết quả chẩn đoán, bác sĩ có thể xác định được nguyên nhân cũng như mức độ tổn thương của dạ dày, từ đó đưa ra phương pháp chữa trị phù hợp.
Những sự lựa chọn trong điều trị bệnh đau dạ dày cấp bao gồm:
1. Chữa đau dạ dày cấp tại nhà bằng mẹo tự nhiên
Trường hợp bị đau dạ dày cấp nhẹ, bệnh mới chớm phát triển bạn có thể áp dụng các mẹo dân gian có thể giúp làm giảm cơn đau và cải thiện các triệu chứng có liên quan. Dưới đây là một số mẹo trị đau dạ dày cấp đang được nhiều người áp dụng tại nhà để khắc phục bệnh.
– Uống nước muối ấm
Uống nước muối ấm cách đơn giản để bạn tạm thời xua tan cơn đau ở dạ dày. Nhờ có tính kiềm, nước muối sẽ giúp trung hòa axit dư thừa trong dạ dày. Bên cạnh đó, đặc tính sát khuẩn mạnh của muối cũng giúp hỗ trợ tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh, chống viêm, giảm thiểu tổn thương ở niêm mạc dạ dày.
Cách thực hiện:
- Lấy 200ml nước ấm khoảng 40 độ đem pha với 1/2 thìa muối ăn
- Quậy cho muối tan hoàn toàn và uống hết một lần
Lưu ý không pha nước muối quá mặn hoặc uống nước muối khi còn quá nóng sẽ khiến niêm mạc dạ dày bị kích ứng, tổn thương nghiêm trọng hơn.
– Chườm nóng giảm đau dạ dày cấp
Cơn đau dạ dày cấp có thể xuất hiện đột ngột bất cứ lúc nào. Để giảm đau nhanh, bạn hãy lấy một chai nước nóng lăn qua lại trên khu vực thượng vị sẽ giúp xoa dịu cảm giác khó chịu tức thì. Nó hoạt động bằng cách làm thư giãn các cơ co bóp trong dạ dày và tăng cường bơm máu đến dạ dày để sửa chữa tổn thương.
Một cách chườm nóng chữa đau dạ dày cấp khác cũng đơn giản không kém đó chính là sử dụng muối rang. Bạn có thể dùng muối hột rang nóng và bọc vào trong một miếng vải sạch chườm lên chỗ đau. Nếu có sẵn gừng hay ngải cứu, hãy bỏ vào rang chung với muối để tận dụng đặc tính giảm đau tự nhiên của chúng.
– Bài thuốc điều trị đau dạ dày cấp từ gừng
Từ lâu, dân gian đã sử dụng gừng để thay thế cho thuốc giảm đau, chống viêm trong điều trị một số bệnh lý như viêm đại tràng, đau nhức xương khớp, viêm loét dạ dày và cả bệnh đau dạ dày cấp. Khi được hấp thu, các hoạt chất trong gừng sẽ ức chế hoạt động co thắt của cơ trơn trong dạ dày, qua đó giúp bạn giảm đau một cách tự nhiên. Ngoài ra, nguyên liệu này còn có tác dụng kích tích tiêu hóa, cải thiện các triệu chứng đầy bụng, ăn không tiêu, chướng hơi, buồn nôn do bệnh đau dạ dày cấp gây ra.
Cách sử dụng:
- Lấy 2 thìa gừng bằm nhuyễn cho vào ấm
- Chế nước sôi vào , đậy nắp lại ủ trong 15 – 20 phút để các hoạt chất trong gừng giải phóng hết ra nước. Lúc này bạn có thể thấy nước gừng đã chuyển sang màu vàng nhạt.
- Chờ cho trà nguội bớt, rót uống nguyên chất hoặc quấy thêm 2 thìa mật ong vào uống để tăng công dụng trị bệnh.
- Mỗi ngày dùng 2 – 3 tách trà gừng bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn.
– Xử lý nhanh cơn đau dạ dày cấp bằng lá bạc hà
Bạc hà chứa nhiều methol – hoạt chất đã được chứng minh về khả năng giảm đau, tiêu viêm , chống co thắt các cơ ở dạ dày. Sử dụng nguyên liệu này cũng giúp thư giãn thần kinh, giải tỏa căng thẳng, stress – một trong những nguyên nhân phổ biến gây đau dạ dày cấp.
Cách sử dụng:
- Lấy vài lá bạc hà hãm nước sôi chung với mật ong làm trà uống
- Hoặc thêm vài giọt tinh dầu bạc hà nguyên chất vào trong ly nước ấm. Khi sử dụng nhấm nháp từng ngụm nhỏ và nuốt vào trong bụng.
**Lưu ý: Các trường hợp bị đau dạ dày cấp có mắc kèm theo bệnh trào ngược dạ dày thực quản không nên dùng bạc hà vì nó có thể làm tăng nặng các triệu chứng của căn bệnh này.
– Giảm đau dạ dày cấp bằng cách massage bụng
Đây cũng là một phương pháp hữu ích để chống lại cơn đau dạ dày cấp. Việc massage bụng đúng cách có thể giúp thần kinh và các cơ co bóp trong ruột được thư giãn, đồng thời đẩy nhanh tốc độ tiêu hóa, ngăn ngừa táo bón, giảm chướng hơi, đầy bụng. Tất cả đều góp phần giúp bạn xoa dịu cơn đau dạ dày một cách tự nhiên.
Cách thực hiện rất đơn giản, bạn có thể tiến hành massage ở tư thế nằm hay ngồi đều được miễn sao bản thân cảm thấy thoải mái:
- Áp lòng bàn tay vào khu vực bị đau và massage nhịp nhàng ở khu vực thượng vị theo chuyển động tròn trong vài phút. Chú ý chỉ áp dụng một lực nhẹ lên bụng, không đè tay quá mạnh
- Tiếp tục mở rộng phạm vi massage ở khu vực phía dưới, xung quanh rốn để cải thiện chức năng hoạt động của đường ruột.
- Khi massage cần hít thở đều đặn. Hít thật sâu bằng mũi và từ từ thở ra lối miệng để phân tán tư tưởng của bạn ra khỏi cơn đau.
Những mẹo chữa đau dạ dày cấp ở trên có thể giúp giảm đau nhưng tác dụng chỉ là tạm thời và không phù hợp với người bị đau dạ dày cấp nặng. Hãy trao đổi với bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo những cách trên có thể áp dụng cho mức độ bệnh hiện tại của bạn.
2. Dùng thuốc chữa đau dạ dày cấp
Sử dụng thuốc tân dược là cần thiết nếu cơn đau dạ dày cấp có tính chất nghiêm trọng. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc giảm đau cho bạn cùng một số loại thuốc khác để cải thiện triệu chứng đi kèm.
Các loại thuốc chữa đau dạ dày cấp thường được sử dụng bao gồm:
– Thuốc ức chế sản xuất axit trong dạ dày:
Bao gồm một số loại thông dụng như Esomeprazole, Ranitidin , Lansoprazole hay Famotidin. Nhóm thuốc này có khả năng ức chế tiết axit trong dịch vị, qua đó giảm thiểu tổn thương ở niêm mạc dạ dày, cải thiện cơn đau bao tử cấp.
Khi sử dụng các thuốc trên cần chú ý đề phòng với một số tác dụng phụ như loãng xương, đau đầu, rối loạn tiêu hóa ( táo bón, tiêu chảy, buồn nôn)
– Thuốc kháng sinh:
Trường hợp xét nghiệm thấy vi khuẩn Hp, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh để điều trị đau dạ dày cấp. Được sử dụng phổ biến là các thuốc kháng sinh như Levofloxacin, Tinidazole, hay Amoxicillin… Chúng được kết hợp với các thuốc khác theo một phác đồ chung để tiêu diệt vi khuẩn, chống viêm nhiễm, giảm đau dạ dày.
Sử dụng thuốc kháng sinh kéo dài có thể gây ra một số tác dụng phụ như nổi mề đay, dị ứng, xỉn màu răng, rối loạn nhịp tim… Thông báo cho bác sĩ biết ngay khi bạn gặp phải dấu hiệu nào bất thường trong quá trình chữa đau dạ dày cấp bằng thuốc kháng sinh.
– Thuốc trung hòa axit:
Thuốc giúp giảm đau dạ dày, ngăn ngừa viêm loét dạ dày bằng cách trung hòa axit cho các trường hợp có biểu hiện dư thừa axit quá mức. Bạn có thể được chỉ định dùng thuốc Phosphalugel, Gastropulgite hay Yumangel.
Một số báo cáo cho thấy các thuốc trung hòa axit có thể gây ra một số phản ứng phụ không tốt như yếu cơ, khó đi cầu, buồn ngủ…
– Thuốc bảo vệ lớp niêm mạc dạ dày
Bao gồm Prostaglandin hay Oryzanol tablets và một số thương hiệu thuốc khác. Khi vào trong dạ dày, thuốc nhanh chóng tạo thành một lớp màng che phủ toàn bộ bề mặt niêm mạc dạ dày, bảo vệ cơ quan này trước sự tấn công của axit và vi khuẩn, qua đó cũng giúp cải thiện đáng kể cơn đau dạ dày cấp.
– Các loại thuốc khác:
- Thuốc giảm đầy hơi
- Thuốc ức chế virus
- Thuốc kháng viêm giảm đau
Sử dụng thuốc tây có thể giúp bạn kiểm soát tốt bệnh đau dạ dày cấp nhưng cần thận trọng tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ để tránh gặp phải những tác dụng phụ có hại.
Chế độ ăn uống, sinh hoạt cho người bị đau dạ dày cấp
Ngoài việc tích cực điều trị bệnh theo hướng dẫn của bác sĩ, người bị đau dạ dày cấp cũng cần chú trọng điều chỉnh lại những thói quen trong ăn uống cũng như sinh hoạt hàng ngày để nhanh hết bệnh, góp phần ngăn ngừa tái phát cơn đau trở lại.
- Thực hiện chế độ ăn nhạt: Thức ăn có quá nhiều muối sẽ gây kích ứng niêm mạc dạ dày, khiến cơn đau càng trở nên nghiêm trọng hơn. Vì vậy, một khi đã bị đau dạ dày cấp, bạn nên bắt đầu tập cho mình thói quen ăn uống thanh đạm hơn, bớt nêm muối khi chế biến thức ăn.
- Sử dụng các thức ăn mềm, lỏng: Trong những ngày dạ dày lên cơn đau, bạn nên ưu tiên ăn các thức ăn mềm, lỏng như súp, cháo, rau củ quả hầm nhừ để giảm bớt gánh nặng cho da dày, tạo điều kiện để tổn thương viêm loét ở lớp niêm mạc nhanh lành. Khi chế biến thịt hay các thực phẩm có độ cứng, dai thì nên băm nhỏ, hầm nhừ để dạ dày dễ tiêu hóa hơn.
- Uống nhiều nước ấm: Nước ấm giúp xoa dịu kích ứng ở niêm mạc dạ dày. Ngoài ra, uống nhiều nước cũng giúp thanh lọc cơ thể, hỗ trợ đào thải độc tố cùng các tác nhân gây hại ra khỏi dạ dày, giảm độ đậm đặc của axit, ngăn ngừa tình trạng mất nước cho các trường hợp có biểu hiện nôn ói nhiều, tiêu chảy khi bị đau dạ dày cấp.
- Ăn nhiều bữa trong ngày với số lượng thức ăn ít hơn: Việc chia nhỏ các bữa ăn trong ngày cũng là một cách hữu hiệu để bạn cải thiện các cơn đau dạ dày cấp. Thay vì chỉ ăn 3 bữa như thường lệ, bạn có thể ăn 5 – 6 bữa một ngày nhưng cần chú ý cắt giảm lượng thức ăn tiêu thụ trong mỗi bữa. Điều này vừa giúp đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng và năng lượng của cơ thể, vừa giúp giảm áp lực cho dạ dày bớt đau.
- Tăng cường chất xơ và các thực phẩm có lợi cho dạ dày: Khi bị đau dạ dày cấp, bạn nên ăn nhiều rau xanh và trái cây để bổ sung chất xơ, giúp đảm bảo cho quá trình tiêu hóa được nhanh chóng, thông suốt. Ngoài ra các thực phẩm như cá béo, nghệ, gừng, mật ong, bánh mì, trứng… cũng giúp hỗ trợ giảm đau, chống viêm và làm giảm axit dư thừa trong dạ dày.
- Kiêng các thức ăn khó tiêu, đồ chua, gia vị cay: Chẳng hạn như sụn, đồ chiên, thịt nướng, ớt, sa tế, xoài xanh… Sử dụng các thực phẩm này có thể kích hoạt cơn đau dạ dày cấp trở nên nghiêm trọng hơn.
- Nhai kỹ trước khi nuốt: Khi ăn, bạn nên chậm rãi nhai kỹ cho thức ăn được chia nhỏ và trộn lẫn với nước bọt. Trong nước bọt vốn chứa sẵn nhiều enzym tiêu hóa nên giảm bớt được nhiều gánh nặng cho dạ dày, giúp cơ quan này có nhiều thời gian nghỉ ngơi để nhanh bình phục tổn thương.
- Kiểm soát căng thẳng: Stress không chỉ ảnh hưởng đến tiêu hóa mà còn làm tăng nặng cơn đau ở dạ dày. Vì vậy bạn hãy cố gắng giữ cho tâm trạng luôn được thoái mái, tránh lo lắng quá mức, giảm tải khối lượng công việc để có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn.
- Giảm cân: Béo phì là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc đau dạ dày cấp. Nếu đang bị thừa cân, bạn nên giảm cân bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống và tích cực rèn luyện thể thao mỗi ngày. Tham khảo ý kiến các chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn cách giảm cân khoa học, an toàn.
Thông tin hữu ích cho bạn
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!