Nướu răng nổi cục thịt: Nguyên nhân, cách điều trị

Nướu răng nổi cục thịt là một hiện tượng phổ biến có thể liên quan đến kích ứng từ các mảng bám hoặc vụn thức ăn. Tuy nhiên, đôi khi tình trạng này có thể liên quan đến một số nguyên nhân nghiêm trọng hơn.

Nướu răng nổi cục thịt
Nướu răng nổi cục thịt là một hiện tượng phổ biến và có thể cần điều trị y tế

Nguyên nhân nướu răng nổi cục thịt

Sự tích tụ mảng bám và các vi khuẩn khác trong miệng là nguyên nhân phổ biến nhất có thể gây kích ứng nướu. Sự tích tụ này cũng có thể gây chảy máu, sưng, đỏ và dẫn đến tình trạng gây nổi cục thịt dư ở nướu.

Hầu hết các trường hợp nướu răng nổi cục thịt không nghiêm trọng, tuy nhiên đôi khi tình trạng này có thể liên quan đến các  bệnh lý nghiêm trọng cần điều trị y tế. Tham khảo các nguyên nhân có thể gây nổi khối u trên nướu như sau:

1. U nang răng

U nang là một bóng nhỏ chứa đầy không khí, chất lỏng hoặc các vật liệu mềm khác. U nang có thể hình thành trên nướu răng và xung quanh nang răng.

Trên thực tế, hầu hết các năng răng hình thành xung quanh chân răng bị chết hoặc chân răng bị gãy. Các u nang này phát triển chậm theo thời gian và hiếm khi dẫn đến các triệu chứng nghiêm trọng, trừ khi bị nhiễm trùng. Khi nhiễm trùng gây ảnh hưởng đến các nang răng, người bệnh có thể cảm thấy đau và sưng ở xung quanh nốt mụn.

Nếu u nang lớn có thể gây áp lực lên răng và khiến hàm yếu theo thời gian. Hầu hết các nốt u nang nha khoa đều không nghiêm trọng và có thể loại bỏ bằng một thủ thuật nha khoa đơn giản. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ cũng có thể loại bỏ các mô chết để ngăn ngừa các khối u nang tái phát.

2. Áp xe trên nướu

Áp xe trên nướu được gọi là áp xe nha chu, thường liên quan đến nhiễm trùng do vi khuẩn. Áp xe có thể giống như một nốt sưng nhỏ, mềm, ấm nhưng rất đau.

Mọc thịt thừa ở nướu răng
Áp xe trên nướu có thể giống gây ra những nốt sưng nhỏ, mềm, ấm và rất đau đớn

Các triệu chứng áp xe trên nướu khác có thể bao gồm:

  • Nướu răng nổi cục thịt nhỏ, mềm
  • Đau đớn ở vị trí bị ảnh hưởng, cơn đau có thể đột ngột và trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian
  • Cơn đau có thể lan đến tai, hàm và cổ
  • Cơn đau có thể trở nên nghiêm trọng hơn khi nằm xuống
  • Đỏ và sưng ở nướu hoặc mặt

Áp xe nha chu cần được điều trị y tế càng sớm càng tốt để loại bỏ nhiễm trùng và dẫn lưu mủ. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, nha sĩ có thể cần loại bỏ răng và lấy tủy răng.

3. Vết loét miệng

Vết loét miệng là những vết loét nhỏ ở miệng và có thể hình thành ở đáy nướu răng. Vết loét miệng không giống như mụn rộp sinh dục và thường vô hại. Tuy nhiên đôi khi vết loét miệng có thể gây đau đớn, đặc biệt là khi hình thành ở nướu răng.

Các triệu chứng khác của vết loét miệng bao gồm:

  • Xuất hiện đốm trắng hoặc vàng với viền đỏ xung quanh
  • Vết sưng hơi nhô lên, khi ảnh hưởng đến nướu có thể dẫn đến tình trạng nướu răng nổi cục thịt nhỏ
  • Đau dữ dội ở vị trí bị ảnh hưởng
  • Đau khi ăn hoặc uống

Hầu hết các vết loét miệng có thể tự lành trong một đến hai tuần. Tuy nhiên, người bệnh có thể sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn hoặc các biện pháp giảm đau tại nhà để hỗ trợ cải thiện các triệu chứng.

4. Sâu răng không được điều trị

Sâu răng là tình trạng phổ biến, xảy ra khi vi khuẩn tấn công vào các mảng bám dẫn đến phá hủy men răng và làm tổn thương mô răng. Hầu hết các trường hợp sâu răng có thể điều trị dễ dàng trong giai đoạn đầu và hiếm khi dẫn đến các rủi ro khác.

mọc cục thịt thừa ở lợi
Sâu răng không được điều trị có thể dẫn đến hình thành các khối u ở nướu do nhiễm trùng lây lan

Nếu không được điều trị phù hợp, sâu răng có thể trở nên nghiêm trọng. Vi khuẩn từ răng sâu có thể gây ảnh hưởng đến chân răng, nướu răng và khiến nướu răng nổi cục thịt nhỏ.

Trên thực tế, cục thịt nhỏ ở nướu răng là do vi khuẩn sâu răng gây ảnh hưởng đến tủy răng, dẫn đến viêm nhiễm và hoại tử. Dịch tủy răng sau đó sẽ chảy xuống ổ răng, tích tụ và gây sưng thành cục thịt thừa.

5. U hạt nhiễm khuẩn

U hạt nhiễm khuẩn ở khoang miệng có thể gây hình thành vết sưng đỏ bên trong miệng, bao gồm cả nướu răng. Tình trạng này xuất hiện dưới dạng một cục thịt nhỏ ở nướu. Cục thịt này thường chứa đầy máu và rất dễ chảy máu.

Nguyên nhân cụ thể dẫn đến tình trạng u hạt nhiễm khuẩn ở nướu chưa thể xác định được. Tuy nhiên các vết thương nhỏ, viêm nướu hoặc tổn thương ở nướu răng có thể làm tăng nguy cơ phát triển u hạt. Ngoài ra, phụ nữ mang thai thường có nguy cơ cao hơn do thay đổi nội tiết tố trong cơ thể.

U hạt nhiễm khuẩn khiến nướu răng nổi cục thịt. Nốt mụn thịt này thường mềm mại, không gây đau đớn, có màu đỏ đậm hoặc tím.

Để điều trị tình trạng này, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để cắt bỏ khối u.

6. U lồi hàm

U lồi hàm (Mandibular torus) là sự phát triển xương ở hàm trên hoặc hàm dưới. Tình trạng này khiến nướu răng nổi cục thịt nhỏ, lồi, dưới nhiều hình dạng khác nhau, không gây đau và thường không cần điều trị.

U lồi xương hàm tương đối phổ biến nhưng các bác sĩ không rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng ở một hoặc hai xương hàm. Cụ thể các khối u lồi này có thể xuất hiện ở:

  • Bên trong hàm dưới
  • Xung quanh hai bên lưỡi
  • Ngay bên dưới ở răng

U lồi xương hàm thường có cảm giác cứng và mịn khi chạm vào và hiếm khi cần điều trị y tế, trừ khi khối u gây ảnh hưởng đến khả năng nhai hoặc gây đau.

7. Viêm lợi trùm

Viêm lợi trùm là tình trạng viêm các mô mềm tại vị trí răng đang mọc. Tình trạng này có thể khiến nướu răng nổi cục thịt nhỏ, sưng, đau nhức, khó chịu. Trong một số trường hợp, tình trạng này có thể trở nên nghiêm trọng, chảy dịch mủ khi dùng tay ấn vào khối thịt.

Chân răng nổi cục u
Chân răng nổi cục u có thể là dấu hiệu viêm lợi trùm

Viêm lợi trùm thường gây ảnh hưởng đến răng số 8 (răng khôn) và cần điều trị để tránh các rủi ro không mong muốn. Để điều trị tình trạng này, nha sĩ có thể đề nghị cắt lợi trùm, vệ sinh răng miệng sạch sẽ hoặc nhổ răng khôn.

8. Viêm nướu triển dưỡng

Viêm nướu triển dưỡng xảy ra khi nướu bị tổn thương do vôi răng vả mảng bám. Bên cạnh đó, một số bệnh lý toàn thân chẳng hạn như rối loạn nội tiết, tim mạch, thai nghén, bệnh tiểu đường cũng có thể làm tăng nguy cơ viêm nướu.

Tình trạng này đặc trưng bởi tình trạng răng nhiều cao, nướu răng thường xuyên chảy máu và có thể gây hình thành nhiều nướu răng giả. Tình trạng nướu giả thường được biểu hiện như các cục thịt nhỏ ở nướu răng, với kích thước khoảng 3 – 4 mm.

9. Ung thư miệng

Ung thư miệng có thể dẫn đến hình thành các khối u với nhiều kích thước khác nhau ở bất cứ bộ phận nào của miệng, bao gồm nướu và cả cổ họng. Một khối u ở nướu răng có thể trông giống như tình trạng nướu răng nổi cục thịt nhỏ, cục u hoặc một nốt sần nhỏ.

Nổi cục cứng ở lợi
Ung thư miệng là nguyên nhân nghiêm trọng có thể gây nổi cục u ở nướu

Các triệu chứng khác của ung thư miệng bao gồm:

  • Các vết thương ở nướu răng và khoang miệng có thể không lành
  • Xuất hiện các mảng trắng, đỏ hoặc hồng nhạt trên nướu răng
  • Loét gây chảy máu ở nướu răng
  • Đau hàm
  • Đau lưỡi
  • Răng lung lay
  • Đau khi nhai hoặc nuốt
  • Khó nhai
  • Đau họng

Một người xuất hiện các cục u ở nướu răng kéo dài hơn 2 tuần hoặc nghi ngờ ung thư miệng nên đến bệnh viện để được chẩn đoán phù hợp. Để xác định tình trạng ung thư, nha sĩ có thể tiến hành sinh thiết nướu răng. Nếu vết sưng là khối u, việc điều trị có thể bao gồm hóa trị, xạ trị và phẫu thuật.

Nướu răng nổi cục thịt có nguy hiểm không?

Nướu răng nổi cục thịt có thể là do bị kích ứng bởi thức ăn, vôi răng hoặc một số bệnh lý không cần điều trị y tế. Tuy nhiên đôi khi tình trạng này có thể liên quan đến nhiều rủi ro, chẳng hạn như:

  • Mất răng: Đôi khi nhiễm trùng có thể gây ảnh hưởng đến chân răng, dẫn đến viêm chân răng, tổn thương tủy răng, không thể hồi phục được và gây mất răng.
  • Hoại tử niêm mạc miệng: Đôi khi vi khuẩn từ cục thịt ở nướu răng có thể gây ảnh hưởng đến niêm mạc miệng, hàm và dẫn đến hoại tử hoặc ảnh hưởng đến hệ thống hô hấp.
  • Nhiễm trùng huyết: Vi khuẩn có thể xâm nhập vào hệ thống máu thông qua các mô nướu, gây nhiễm trùng huyết và ảnh hưởng đến tính mạng.
  • Tăng nguy cơ tử vong: Ung thư miệng là bệnh lý nha khoa nghiêm trọng và có thể gây tử vong nếu không được điều trị phù hợp.

Điều trị tình trạng nướu răng nổi cục thịt

Tình trạng nướu răng nổi cục thịt cần được đánh giá y tế nếu kéo dài 2 tuần mà không được cải thiện. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, nha sĩ có thể đề nghị các biện pháp điều trị, chẳng hạn như:

1. Thuốc và thủ thuật nha khoa

Để điều trị nhiễm trùng và ngăn ngừa hình thành các cục u, nha sĩ có thể đề nghị một các phương pháp điều trị cụ thể như:

nổi cục cứng ở lợi có sao không
Trao đổi với nha sĩ để được hướng dẫn các biện pháp điều trị phù hợp
  • Sử dụng thuốc kháng sinh: Kháng sinh có thể tiêu diệt vi khuẩn gây nhiễm trùng, đặc biệt là tình trạng viêm nướu răng hoặc hình thành cục u ở nướu răng, nơi mà các phương pháp điều trị tại chỗ không thể tiếp cận được.
  • Làm sạch sâu: Thông thường, vi khuẩn có thể lây nhiễm sang nướu do bệnh nướu răng hoặc sâu răng. Làm sạch sâu là một quy trình bao gồm cạo vôi răng, loại bỏ các mảng bám và giúp nướu răng lành nhanh chóng.
  • Dẫn lưu mủ: Nếu cục u có mủ hoặc chất dịch, nha sĩ có thể chích rạch cục u để dẫn lưu mủ. Điều này có thể làm dịu cơn đau và giúp nướu răng nhanh lành hơn.
  • Phẫu thuật: Đối với người bị áp xe quanh răng, có thể do sâu răng, bác sĩ có thể đề nghị lấy tủy răng để điều trị. Nhiễm trùng nướu nghiêm trọng có thể làm hỏng răng và các mô xương. Trong trường hợp này, nha sĩ có thể tiến hành phẫu thuật để loại bỏ răng và cải tổn thương xương liên quan.

2. Các biện pháp chăm sóc tại nhà

Thông thường, nướu răng nổi cục thịt là do vệ sinh răng miệng kém. Do đó, giữ gìn vệ sinh răng miệng là một trong những cách tốt nhất để chăm sóc nướu răng và ngăn ngừa các bệnh lý liên quan. Chăm sóc tại nhà có thể bao gồm:

Vệ sinh răng miệng tốt:

Vệ sinh răng miệng hiệu quả có thể ngăn ngừa tình trạng nổi cục u ở nướu, bệnh nướu răng, sâu răng và các vấn đề răng miệng khác.

Để vệ sinh răng miệng hiệu quả, người bệnh có thể:

  • Đánh răng hai lần một ngày
  • Sử dụng chỉ nha khoa một lần mỗi ngày
  • Đến gặp nha sĩ ít nhất hai lần một năm để kiểm tra và làm sạch răng miệng
  • Tránh sử dụng các loại thức ăn và đồ uống có đường
điều trị nướu răng nổi cục thịt
Vệ sinh răng miệng đúng cách có thể phòng ngừa tình trạng nổi cục u ở lợi

Không hút thuốc lá:

  • Thuốc lá có thể là một nguy cơ dẫn đến tình trạng nướu răng nổi cục thịt. Ngoài ra hút thuốc cũng có thể làm giảm hiệu quả của các phương pháp điều trị và làm sạch nướu răng.
  • Do đó, ngừng hút thuốc lá hoặc nhai thuốc lá để giảm nguy cơ mắc bệnh nướu răng và giúp nướu nhanh chóng lành lại sau quá trình điều trị.

Súc miệng với nước muối:

  • Muối có khả năng kháng khuẩn và chống viêm một cách tự nhiên. Bên cạnh đó, súc miệng bằng nước muối có thể tăng cường sức khỏe của nướu và cải thiện việc chữa lành vết loét miệng.
  • Người bệnh có thể pha một thìa cà phê muối với một cốc nước ấm, ngậm hỗn hợp này 30 giây trước khi nhổ ra. Thực hiện 2 – 3 lần mỗi  ngày để hỗ trợ cải thiện các vấn đề nướu răng.

Sử dụng nước súc miệng hydrogen peroxide:

  • Hydrogen peroxide có đặc tính kháng khuẩn, có thể giúp điều trị bệnh nướu răng, một nguyên nhân phổ biến khiến nướu răng nổi cục thịt. Sử dụng hydrogen peroxide cũng có thể làm giảm đau và viêm ở nướu.
  • Người bệnh có thể trộn 1 phần hydrogen peroxide với 2 phần nước. Súc miệng với hỗn hợp này 30 giây mỗi lần, 2 – 3 lần mỗi ngày.

Nướu răng nổi cục thịt có thể là do áp xe, nhiễm vi khuẩn hoặc liên quan đến các bệnh lý nha khoa khác. Nhiễm trùng có thể gây ảnh hưởng đến mô nướu hoặc phát triển bên trong răng và gây ảnh hưởng đến nướu.

Đối với tình trạng nhiễm trùng hoặc áp xe nướu, người bệnh cần đến gặp nha sĩ để được hướng dẫn các biện pháp xử lý phù hợp. Ngoài ra, đôi khi nhiễm trùng có thể lan rộng khắp cơ thể và gây nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, để tránh các rủi ro không mong muốn, người bệnh nên đến bệnh viện hoặc phòng khám nha khoa trong thời gian sớm nhất có thể.

Có thể bạn nên tham khảo thêm: 10+ cách trị viêm nướu răng tại nhà hiệu quả nhanh

4.4/5 - (5 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *