Ngứa vùng kín nữ – Nguyên nhân, dấu hiệu và cách trị
Nội dung bài viết
Ngứa vùng kín ở nữ giới thường xảy ra do thói quen vệ sinh kém, dị ứng bao cao su, nước rửa phụ khoa, nội tiết tố thay đổi,… Bên cạnh những nguyên nhân thông thường, triệu chứng này cũng có thể là biểu hiện của một số vấn đề da liễu và phụ khoa.
Ngứa vùng kín nữ – Dấu hiệu nhận biết
Khác với nam giới, vùng kín của phái nữ có xu hướng tiết dịch nhờn để giữ ẩm và bảo vệ âm đạo. Tuy nhiên nếu không vệ sinh đúng cách, nấm, vi khuẩn và virus có thể phát triển mạnh, gây viêm đỏ và ngứa ngáy. Hơn nữa, vùng da ở bộ phận sinh dục tương đối mỏng và nhạy cảm nên dễ bị ngứa và khó chịu khi có ma sát hoặc tiếp xúc với chất kích ứng, dị ứng.
Dấu hiệu nhận biết ngứa vùng kín ở phụ nữ:
- Có cảm giác ngứa ngáy âm ỉ đến dữ dội ở vùng kín
- Vùng kín có thể bị viêm đỏ nhẹ hoặc nổi mụn nước
- Bề mặt “cô bé” sần sùi và nóng rát hơn so với những vùng da xung quanh
- Có thể đi kèm với một số hiện tượng khác như ra nhiều huyết trắng, dịch tiết âm đạo có mùi hôi, màu sắc khác thường, nóng rát, đau, khó chịu hoặc thậm chí xuất huyết ngay cả khi không trong thời gian hành kinh
Trên thực tế, ngứa vùng kín ở nữ giới có mức độ và biểu hiện không đồng nhất. Điều này phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể và cơ địa của từng người.
Các nguyên nhân gây ngứa vùng kín ở nữ giới
Ngứa vùng kín ở nữ giới có thể xảy ra do các bệnh phụ khoa hoặc cũng có thể là hệ quả do thói quen sinh hoạt không lành mạnh. Trong một số ít trường hợp, triệu chứng này còn có thể là biểu hiện của các bệnh da liễu. Vì vậy để xác định được nguyên nhân cụ thể, nữ giới cần cân nhắc các triệu chứng kèm theo.
1. Ngứa vùng kín nữ do nguyên nhân thông thường
Đa phần ngứa vùng kín ở phái nữ chủ yếu xảy ra do các nguyên nhân thông thường như:
– Vệ sinh vùng kín không đúng cách:
Vệ sinh vùng kín không đúng cách (thụt rửa sâu, rửa quá nhiều lần, không lau khô sau khi rửa hoặc không vệ sinh vùng kín mỗi ngày) đều có thể là nguyên nhân gây ngứa “cô bé”. Môi trường bên trong âm đạo tương đối nhạy cảm và dễ bị thay đổi bởi các tác nhân bên ngoài. Vì vậy nếu vệ sinh không đúng cách, hại khuẩn và nấm men có thể phát triển gây ngứa ngáy, nóng rát và khó chịu.
– Sử dụng dung dịch vệ sinh phụ nữ chứa chất kích ứng:
Dung dịch vệ sinh phụ nữ là sản phẩm làm sạch dành riêng cho “vùng tam giác”. Các sản phẩm này thường chứa thành phần nhẹ dịu với độ pH cân bằng từ 4 – 4.5. Tuy nhiên, thực tế vẫn có một số sản phẩm có độ pH kiềm và chứa nhiều thành phần có khả năng kích ứng.
Sử dụng các sản phẩm này khiến làn da ở vùng kín nổi mẩn đỏ, mụn nước, khô rát và ngứa ngáy. Nếu tiếp tục sử dụng, các triệu chứng này có thể lan tỏa trên diện rộng và nghiêm trọng dần theo thời gian.
– Mặc quần lót chật, trang phục có chất liệu bí:
Mặc quần lót chật và các trang phục có chất liệu vải dày, bí cũng có thể là nguyên nhân gây ngứa vùng kín ở nữ giới. Bề mặt vải có thể ma sát với vùng da của “cô bé” và bẹn gây sưng đỏ, đau rát và ngứa ngáy. Ngoài ra thói quen mặc quần áo chật và bí còn khiến vùng kín đổ nhiều mồ hôi, ẩm ướt và tăng nguy cơ nhiễm nấm.
– Do quan hệ tình dục nhiều lần/ thô bạo:
Quan hệ tình dục nhiều lần hoặc quan hệ thô bạo có thể gây kích ứng lên niêm mạc âm đạo, dẫn đến hiện tượng viêm đỏ và ngứa ngáy. Thông thường, triệu chứng này có thể thuyên giảm sau vài ngày. Tuy nhiên trong những trường hợp nặng, âm đạo có thể bị tổn thương nghiêm trọng, xây xước và chảy máu.
– Tác dụng phụ của một số loại thuốc:
Trên thực tế, ngứa vùng kín nữ cũng có thể là tác dụng phụ do sử dụng thuốc tránh thai, thuốc kháng sinh, giảm đau, chống viêm và một số loại thuốc tây khác. Các loại thuốc này làm thay đổi nội tiết tố hoặc khiến hệ vi sinh trong âm đạo mất ổn định dẫn đến tình trạng “cô bé” ngứa ngáy, khó chịu.
– Nội tiết tố thay đổi:
Ngứa ngáy vùng kín ở nữ giới là một trong những biểu hiện do nội tiết tố thay đổi. Nồng độ estrogen và progesterone mất cân bằng có thể khiến môi trường trong âm đạo bị rối loạn, tạo điều kiện cho nấm men, hại khuẩn phát triển và gây ngứa ngáy. Tình trạng này xảy ra chủ yếu ở nữ giới sau sinh, tiền mãn kinh và mãn kinh.
– Dị ứng bao cao su:
Latex (mủ cao su) – thành phần chính trong bao cao su có thể gây dị ứng đối với một số người có cơ địa nhạy cảm. Dị ứng bao cao su thường gây ngứa ngáy vùng kín, viêm đỏ, nổi sẩn và nóng rát.
Với những trường hợp dị ứng nhẹ, tình trạng này có thể tự thuyên giảm mà không cần điều trị y tế. Tuy nhiên nếu vùng kín ngứa dữ dội và đi kèm với các triệu chứng nghiêm trọng, nữ giới nên tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn hướng điều trị.
2. Ngứa vùng kín do nguyên nhân bệnh lý
Ngoài những nguyên nhân thông thường, ngứa vùng kín nữ cũng có thể là biểu hiện của các bệnh lý phụ khoa và một số vấn đề da liễu sau:
– Nhiễm nấm Candida âm đạo:
Candida là loại nấm men tồn tại bên trong âm đạo và có chức năng cân bằng hệ vi sinh. Tuy nhiên khi độ pH trong vùng kín thay đổi, loại nấm này có thể phát triển, biến đổi cấu trúc và gây viêm nhiễm phụ khoa. Nhiễm nấm Candida âm đạo đặc trưng bởi triệu chứng ngứa ngáy, khí hư ra nhiều, niêm mạc âm hộ đỏ, âm đạo sưng tấy, đau rát, tiểu nhắt và tần suất đi tiểu tăng lên.
Bệnh lý này tương đối phổ biến và dễ điều trị. Tuy nhiên, nấm Candida rất dễ tái phát nên cần kết hợp với các biện pháp phòng ngừa và chủ động nâng cao sức khỏe, chức năng đề kháng.
– Viêm âm đạo do trùng roi, vi khuẩn:
Ngoài nhiễm nấm Candida, viêm âm đạo cũng có thể xảy ra do trùng roi (Trichomonas) và vi khuẩn (chủ yếu là hại khuẩn anaerobes có trong hệ vi sinh tự nhiên). Ngứa vùng kín là triệu chứng điển hình và thường gặp ở hai bệnh lý này. Ngoài ra, bệnh cũng có thể gây tiết nhiều dịch âm đạo, màu sắc dịch tiết bất thường, có mùi hôi kèm theo tình trạng đau bụng dưới, tiểu khó và đau khi giao hợp.
– Các bệnh lây qua đường tình dục:
Trong một số trường hợp, ngứa vùng kín ở phụ nữ cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh lây qua đường tình dục như bệnh lậu (do vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae hoặc Neisseria gonococcus), bệnh giang mai (xoắn khuẩn Treponema pallidum), sùi mào gà (do virus Human papilloma),… Các bệnh lý này có thể gây ngứa vùng kín, nổi các nốt sẩn bất thường ở “cô bé”, tay chân, sốt, đau khi quan hệ, chảy dịch tiết nhiều bất thường và có mùi hôi.
– Biểu hiện của một số bệnh da liễu:
Hắc lào, chàm sinh dục, ghẻ, rận mu, viêm da tiếp xúc,… cũng có thể là nguyên nhân gây ngứa vùng kín. Các bệnh da liễu chủ yếu gây ngứa âm ỉ đến dữ dội, dai dẳng, da viêm đỏ, phù nề, nổi mụn nước và hầu như không ảnh hưởng đến môi trường bên trong âm đạo. Chính vì vậy, ngứa vùng kín do nguyên nhân này thường không gây khó tiểu, đau bụng dưới hay rối loạn kinh nguyệt.
Trên thực tế, có rất nhiều nguyên nhân gây ra ngứa vùng kín nữ. Thông tin được tổng hợp trong bài viết chỉ đề cập đến những nguyên nhân phổ biến nhất. Trong trường hợp triệu chứng này đi kèm với những biểu hiện bất thường, nên liên hệ ngay với bác sĩ Sản phụ khoa để được chẩn đoán và điều trị.
Bị ngứa vùng kín ở nữ giới có nguy hiểm không?
Ngứa vùng kín là tình trạng khá phổ biến ở nữ giới. Nêu xảy ra do các nguyên nhân thông thường, tình trạng này có thể nhanh chóng thuyên giảm sau khoảng vài ngày. Tuy nhiên nếu khởi phát do nguyên nhân bệnh lý, triệu chứng có xu hướng nghiêm trọng dần theo thời gian.
Các bệnh phụ khoa và da liễu thông thường như nhiễm nấm Candida, trùng roi, vi khuẩn, hắc lào, rận mu, viêm da tiếp xúc,… đáp ứng tốt với điều trị và nhanh chóng thuyên giảm sau một thời gian ngắn. Ngược lại, các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục như lậu, sùi mào gà và giang mai có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của nữ giới nói chung và chức năng sinh sản nói riêng.
Ngoài ra, nữ giới bị ngứa ngáy vùng kín còn gặp khó khăn và kém tự tin khi quan hệ tình dục. Hơn nữa, sinh hoạt vợ chồng trong thời gian này cũng có thể tăng nguy cơ lây nhiễm nấm, virus, vi khuẩn và ký sinh trùng cho bạn đời.
Ngứa vùng kín – Khi nào cần gặp bác sĩ?
Trong một số trường hợp, ngứa vùng kín có thể là biểu hiện của các bệnh lý nghiêm trọng. Vì vậy, nữ giới nên tìm gặp bác sĩ khi nhận thấy những triệu chứng sau:
- Vùng kín ngứa ngáy dữ dội
- Âm đạo nóng rát, chảy nhiều dịch tiết và có mùi hôi khó chịu
- Tiểu nhiều, khó tiểu, đôi khi có mủ lẫn bên trong nước tiểu
- Đau bụng dưới và xuất huyết tử cung khi không trong thời gian hành kinh
- Đau khi quan hệ
- Xuất hiện nốt sẩn ở vùng kín, tay chân, thân mình,…
- Cơ thể mệt mỏi, uể oải và sốt nhẹ
Ngứa vùng kín ở nữ giới phải làm sao?
Ngứa ngáy vùng kín không chỉ khiến phái nữ khó chịu, thiếu tự tin khi “ân ái” và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn tác động không nhỏ đến sức khỏe sinh sản. Chính vì vậy khi nhận thấy triệu chứng này, nữ giới nên chủ động thăm khám và thực hiện các biện pháp khắc phục sau.
1. Điều trị y tế theo hướng dẫn
Nếu nghi ngờ vùng kín ngứa ngáy do nguyên nhân bệnh lý, nên chủ động tìm gặp bác sĩ chuyên khoa. Bác sĩ sẽ thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán nhằm xác định bệnh lý và chỉ định phương pháp điều trị tương ứng.
Các phương pháp y tế được áp dụng trong điều trị ngứa vùng kín nữ:
- Sử dụng thuốc là phương pháp phổ biến được chỉ định đối với viêm âm đạo do nấm, trùng roi, vi khuẩn và các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể kê toa thuốc uống + thuốc bôi nếu ngứa vùng kín xảy ra do các bệnh da liễu.
- Thực hiện thủ thuật xâm lấn như đốt điện, laser CO2, đốt lạnh hoặc phẫu thuật cắt bỏ sùi nếu xảy ra do sùi mào gà.
- Liệu pháp hormone được áp dụng đối với nữ giới bị ngứa vùng kín do suy giảm nội tiết tố. Tuy nhiên, cần sàng lọc ung thư vú và các loại u ác tính phụ thuộc hormone estrogen/ progesterone trước khi áp dụng.
Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định các phương pháp y tế khác tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý, độ tuổi và sức khỏe tổng thể của nữ giới.
2. Chăm sóc và vệ sinh vùng kín đúng cách
Trên thực tế, ngứa vùng kín ở nữ giới chủ yếu xảy ra do vệ sinh vùng kín kém, không đúng cách hoặc do các thói quen sinh hoạt thiếu khoa học. Vì vậy để làm giảm triệu chứng này, chị em nên thực hiện các biện pháp sau:
- Vệ sinh vùng kín thường xuyên, đặc biệt là trước – sau khi quan hệ và trong những ngày hành kinh. Tuy nhiên, chỉ rửa với dung dịch vệ sinh 1 lần/ ngày và những lần còn lại nên sử dụng nước sạch.
- Khi vệ sinh “vùng tam giác”, chỉ thao tác nhẹ nhàng ở bên ngoài. Tuyệt đối không chà xát mạnh và dùng tay thụt rửa sâu bên trong. Tình trạng này có thể làm mất cân bằng hệ vi sinh và làm nghiêm trọng hiện tượng viêm nhiễm âm đạo.
- Lau khô vùng kín trước khi mặc quần lót, đồng thời cần mặc quần lót đã được giặt sạch và phơi khô hoàn toàn.
- Tránh quan hệ tình dục trong thời gian vùng kín bị ngứa ngáy và kích ứng.
- Không dùng tay gãi và cào mạnh vào vùng kín. Tác động cơ học có thể làm nghiêm trọng hiện tượng ngứa, đồng thời gây trầy xước và chảy máu.
- Cách ly với các yếu tố khả năng dị ứng như dung dịch vệ sinh phụ nữ, bao cao su, gel bôi trơn và thuốc diệt tinh trùng. Ngoài ra, nên xem xét các loại thuốc đang sử dụng và thông báo với bác sĩ tình trạng ngứa ngáy vùng kín để được tư vấn hướng xử lý.
Nếu xảy ra do những nguyên nhân thông thường, ngứa vùng kín ở nữ giới sẽ nhanh chóng thuyên giảm sau khi vệ sinh và chăm sóc đúng cách. Bên cạnh đó, những biện pháp này cũng hỗ trợ hiệu quả của các phương pháp y tế và giúp rút ngắn thời gian điều trị đáng kể.
3. Dùng nguyên liệu tự nhiên trị ngứa vùng kín
Ngoài ra, chị em cũng có thể tận dụng các nguyên liệu tự nhiên để giảm ngứa ngáy, cân bằng hệ vi sinh trong âm đạo và khử mùi khó chịu ở “vùng tam giác”. Hơn nữa, một số loại thảo dược còn có đặc tính kháng sinh tự nhiên có khả năng ức chế nấm men và vi khuẩn có hại.
Một số loại thảo dược có tác dụng trị ngứa vùng kín ở nữ giới:
- Lá trầu không giảm ngứa vùng kín: Dịch chiết từ lá trầu đã được chứng minh về hiệu quả tiêu viêm, chống ngứa và ức chế nấm Candida, trùng roi âm đạo. Do đó, xông rửa với nước trầu không sắc có thể giảm ngứa ngáy, viêm đỏ vùng kín và cải thiện một số triệu chứng đi kèm.
- Chữa ngứa vùng kín bằng muối biển: Muối biển có đặc tính sát trùng và tiêu viêm. Nếu ngứa vùng kín có mức độ nhẹ, chị em có thể dùng nước muối pha loãng để ngâm rửa vùng kín 1 lần/ ngày. Áp dụng biện pháp này liên tục trong vài ngày có thể làm giảm các triệu chứng khó chịu và hỗ trợ cân độ pH bên trong âm đạo.
- Trị ngứa vùng kín bằng lá chè xanh: Xông rửa lá chè xanh đều đặn mỗi ngày có thể cải thiện các bệnh phụ khoa thường gặp như viêm âm đạo, viêm cổ tử cung,… Ngoài ra, thảo dược này còn giúp làm dịu triệu chứng ngứa ngáy, đỏ rát và phù nề do các bệnh da liễu.
Chữa ngứa vùng kín từ nguyên liệu tự nhiên có độ an toàn cao. Tuy nhiên, các mẹo chữa này chỉ có tác dụng hỗ trợ. Vì vậy nếu triệu chứng xảy ra do nguyên nhân bệnh lý, nữ giới nên kết hợp với các phương pháp y tế để đạt được hiệu quả điều trị tối ưu.
Phòng ngừa ngứa vùng kín ở phái nữ bằng cách nào?
Ngứa vùng kín ở nữ giới có thể tái phát nhiều lần nếu tiếp tục duy trì các thói quen xấu. Vì vậy sau khi điều trị, chị em nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau:
- Vệ sinh vùng kín thường xuyên và đúng cách.
- Thay băng vệ sinh sau mỗi 4 – 5 giờ ngay cả khi lượng máu ra không đáng kể.
- Giặt và thay quần lót thường xuyên. Đồng thời nên phơi quần lót dưới ánh nắng và thay quần lót định kỳ 3 – 4 tháng/ lần.
- Thận trọng khi lựa chọn các sản phẩm tiếp xúc với vùng kín như nước rửa phụ khoa, sữa tắm, nước xả vải, bao cao su, thuốc diệt tinh trùng,…
- Tránh tắm bồn – đặc biệt là trong thời gian hành kinh, khi bị rối loạn nội tiết hoặc đang điều trị các bệnh viêm nhiễm phụ khoa.
- Quan hệ tình dục an toàn và nên sử dụng bao cao su nếu chưa thực sự hiểu về đối tác.
- Thăm khám phụ khoa định kỳ 1 – 2 lần/ năm.
Ngứa vùng kín ở nữ giới có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nếu nhận thấy triệu chứng này đi kèm với các dấu hiệu bất thường, chị em cần chủ động tìm gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Tình trạng chủ quan có thể khiến cơ quan sinh dục bị tổn thương nặng và gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!