Chảy máu chân răng thiếu chất gì? Cách bổ sung
Nội dung bài viết
Ngoài những nguyên nhân thông thường, chảy máu chân răng còn có thể xảy ra do thiếu hụt vi chất dinh dưỡng. Để tìm kiếm giải pháp khắc phục phù hợp, bạn nên tham khảo thông tin giải đáp “Chảy máu chân răng do thiếu chất gì?” trong bài viết sau.
Chảy máu chân răng thiếu chất gì?
Chảy máu chân răng là tình trạng tương đối phổ biến, có thể gặp ở cả trẻ nhỏ, người trưởng thành và người cao tuổi. Tình trạng này xảy ra khi mô nướu bao xung quanh chân răng bị tổn thương dẫn đến hiện tượng vỡ mao mạch và gây chảy máu. Chảy máu chân răng thường bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân như do sử dụng chỉ nha khoa, thay đổi nội tiết tố (trong thời gian mang thai), bệnh viêm nướu răng, viêm nha chu,…
Ngoài ra, hiện tượng chân răng rỉ máu còn có thể là do thiếu hụt vi chất dinh dưỡng. Theo các chuyên gia, tình trạng này có thể bắt nguồn từ việc thiếu hụt một trong những thành phần dinh dưỡng sau:
1. Thiếu Vitamin C gây chảy máu chân răng
Vitamin C được biết đến là thành phần quan trọng trong việc duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh, tham gia vào các phản ứng sinh hóa của cơ thể và chống lại quá trình oxy hóa. Bên cạnh đó, loại vitamin này còn có chức năng sản xuất sợi collagen và elastin – các thành phần có vai trò liên kết mao mạch, sụn và mô xương.
Việc thiếu hụt vitamin C có thể cấu trúc mô nướu trở nên lỏng lẻo, chân răng lung lay và gây chảy máu chân răng. Ngoài ra, tình trạng này còn có thể gây ra các đốm xuất huyết và máu tụ ở mô nướu. Nếu không kịp thời điều trị, tình trạng có thể chuyển biến nặng và dẫn đến bệnh Scorbut (Scurvy) – bệnh khiếm khuyết collagen và các mô liên kết do thiếu hụt vitamin C nghiêm trọng.
Ngoài ra, bạn cũng có thể nhận biết chảy máu chân răng do thiếu hụt vitamin C thông qua một số triệu chứng đi kèm như tóc gãy rụng, dễ bị cảm lạnh, cảm cúm, da xuất hiện nhiều vết bầm tím không rõ nguyên do, mệt mỏi, buồn ngủ, chảy máu cam,…
2. Vitamin K
Vitamin K là một trong những thành phần dinh dưỡng vô cùng quan trọng. Khác với các loại vitamin thông thường, vitamin K có tác dụng sản sinh một loại protein đặc hiệu có tác dụng cầm máu. Do đó chỉ một vết xây xước nhỏ, máu có thể chảy ồ ạt và mất nhiều thời gian để ngưng hẳn.
Trường hợp chảy máu chân răng cũng có thể là dấu hiệu tiềm ẩn do thiếu hụt vitamin K. Mô nướu là cơ quan khá nhạy cảm và dễ bị tổn thương khi sử dụng bàn chải cứng, thao tác chải răng quá mạnh. Những tác động này vô tình hình thành vết xây xước ở mô lợi bao quanh chân răng và dẫn đến tình trạng chảy máu.
Tương tự như thiếu hụt vitamin C, thiếu vitamin K còn biểu hiện qua tình trạng cơ thể xuất hiện nhiều vết bầm tím lớn, vết thương dễ chảy máu và chậm lành hơn so với bình thường.
3. Một số loại khoáng chất
Ngoài những nguyên nhân do mô nướu, chảy máu chân răng có thể bắt nguồn từ tình trạng răng suy yếu. Vì vậy, hiện tượng này cũng có thể xảy ra do cơ thể thiếu hụt các loại khoáng chất cần thiết cho răng như canxi, photphat, magie,…
Bổ sung đầy đủ khoáng chất giúp quá trình tái khoáng diễn ra thuận lợi và hỗ trợ duy trì hàm răng chắc khỏe. Ngược lại, thiếu hụt khoáng chất khiến răng suy yếu, chân răng lung lay và có thể gây ra tình trạng chảy máu chân răng.
Cách bổ sung dinh dưỡng giúp cải thiện chảy máu chân răng
Trong trường hợp chảy máu chân răng do thiếu hụt vi chất dinh dưỡng, bạn nên bổ sung các thành phần cần thiết để cải thiện sức khỏe mô nướu và độ chắc khỏe của răng. Dưới đây là một số cách bổ sung dinh dưỡng giúp khắc phục tình trạng chảy máu chân răng:
1. Bổ sung qua chế độ dinh dưỡng
Hầu hết các loại vitamin và khoáng chất cần thiết cho sức khỏe răng miệng đều có thể bổ sung qua chế độ ăn uống. Vì vậy để cải thiện tình trạng chảy máu chân răng, bạn nên tăng cường các nhóm thực phẩm sau:
- Thực phẩm giàu vitamin C: Bao gồm các loại trái cây họ cam chanh, dâu tây, việt quất, các loại rau củ,… Tuy nhiên, nên hạn chế các loại thực phẩm chứa quá nhiều axit như tắc, me, chanh,… Bởi hàm lượng axit quá cao có thể gây kích thích mô nướu và bào mòn men răng.
- Thực phẩm giàu vitamin K: Vitamin K có trong hầu hết các loại rau xanh – đặc biệt là rau có màu xanh đậm như bông cải xanh, cải bắp, rau bina, cải xoăn,… Ngoài ra, đậu nành, sữa nguyên kem, dâu tây và trứng cũng là nguồn cung cấp vitamin K dồi dào cho cơ thể.
- Thực phẩm giàu khoáng chất: Để cải thiện độ chắc khỏe của xương, bạn nên bổ sung các loại thực phẩm giàu khoáng chất như sữa chua, phô mai, sữa tươi, cá, nghêu, sò, tôm, mực, các loại đậu, hạt,… Tuy nhiên, cần tránh sử dụng các loại hải sản chứa hàm lượng thủy ngân cao.
- Thực phẩm giàu protein: Bên cạnh vitamin C, protein cũng là thành phần quan trọng trong quá trình sản xuất collagen. Vì vậy, bạn nên bổ sung đồng thời với các loại thực phẩm giàu đạm như thịt gà, lợn, trứng, hải sản,… để tăng liên kết của mô nướu và cải thiện tình trạng chảy máu chân răng trong thời gian sớm nhất.
- Thực phẩm chứa probiotic (lợi khuẩn): Khoang miệng chứa rất nhiều loại vi khuẩn có hại. Trong điều kiện thích hợp, các vi khuẩn này có thể phát triển mạnh và gây tổn thương mô nướu. Để cân bằng hại khuẩn và lợi khuẩn trong khoang miệng, bạn nên bổ sung các loại thực phẩm giàu probiotic như sữa chua, sữa chua uống, phô mai,…
2. Sử dụng viên uống hỗ trợ
Bổ sung vi chất dinh dưỡng thông qua chế độ ăn uống có độ an toàn cao và hầu như không gây ra bất cứ tình huống rủi ro nào. Tuy nhiên, biện pháp này mang lại hiệu quả tương đối chậm. Vì vậy trong trường hợp thiếu hụt nghiêm trọng, bạn nên cân nhắc sử dụng các viên uống hỗ trợ.
Trước khi dùng viên uống bổ sung vitamin và khoáng chất giúp chắc răng, cần tìm gặp bác sĩ để được kiểm tra tình trạng sức khỏe. Nếu chảy máu chân răng do thiếu chất dinh dưỡng, bác sĩ sẽ tư vấn dùng các sản phẩm hỗ trợ. Tuy nhiên bên cạnh đó, bạn nên kết hợp với chế độ ăn uống để mang lại hiệu quả nhanh chóng hơn.
3. Dùng kem đánh răng, nước súc miệng chứa khoáng chất
Ngoài việc sử dụng sản phẩm hỗ trợ và thay đổi chế độ ăn, bạn cũng có thể bổ sung khoáng chất cho răng bằng cách sử dụng kem đánh răng và nước súc miệng chứa khoáng chất dồi dào.
Hiện nay bên cạnh các thành phần làm sạch, các sản phẩm chăm sóc răng miệng còn được bổ sung thêm flour, zinc (kẽm) và một số loại khoáng chất thiết yếu để bù lấp những lỗ sâu li ti trên bề mặt răng, giúp răng chắc khỏe và sáng bóng.
Tuy nhiên, cách bổ sung này mang lại hiệu quả khá hạn chế. Chính vì vậy, bạn nên kết hợp với 1 trong 2 cách trên để mang lại kết quả tối ưu.
Chảy máu chân răng – Khi nào cần gặp bác sĩ?
Chảy máu chân răng là tình trạng xảy ra khá phổ biến. Ngoài nguyên nhân do thiếu hụt chất dinh dưỡng, tình trạng này còn có thể là biểu hiện của hàng loạt bệnh lý răng miệng như viêm nướu, viêm nha chu,…
Vì vậy bạn nên tìm gặp bác sĩ nếu nhận thấy các triệu chứng sau:
- Chảy máu chân răng có xu hướng nặng dần theo thời gian
- Hơi thở hôi mặc dù đã vệ sinh răng miệng đều đặn và đúng cách
- Mô nướu bị viêm đỏ, phù nề và có hiện tượng ứ mủ
- Hàm đau nhức, sốt nhẹ
Hy vọng qua bài viết, bạn đọc đã hiểu rõ hơn về vấn đề “Chảy máu chân răng thiếu chất gì?” và có thể khắc phục tình trạng này một cách dễ dàng. Tuy nhiên trước khi áp dụng các biện pháp nêu trên, cần loại trừ các khả năng khác có thể xảy ra như chấn thương, viêm nướu răng, viêm nha chu,… và tìm gặp bác sĩ trong trường hợp cần thiết.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!