Các bệnh phụ khoa thường gặp ở tuổi dậy thì – Cần biết
Nội dung bài viết
Các bệnh phụ khoa không chỉ thường gặp ở những phụ nữ đã quan hệ tình dục mà còn xảy ra ở các bạn gái đang trong độ tuổi dậy thì. Nguyên nhân là do sự thay đổi nồng độ hormone, vệ sinh vùng kín kém hoặc chăm sóc vùng kín không đúng cách, thức khuya, mặc quần bó sát… Để giúp bạn đọc hiểu thêm về vấn đề này chúng tôi đã tổng hợp các bệnh phụ khoa thường gặp ở tuổi dậy thì, nguyên nhân, cách xử lý và phòng ngừa trong bài viết.
Các bệnh phụ khoa thường gặp ở tuổi dậy thì
Tuổi dậy thì của nữ giới thường xảy ra trong khoảng 9 – 13 tuổi. Tuy nhiên tùy thuộc vào yếu tố cơ địa và thể trạng, tuổi dậy thì cũng có thể bắt đầu và kết thúc sớm hơn. Khi bước sang độ tuổi này, nữ giới sẽ có nhiều sự thay đổi cả về sự phát triển của cơ thể, suy nghĩ cũng như tâm sinh lý. Trong đó rõ nét nhất là sự thay đổi ở vùng kín cũng như cơ quan sinh dục.
Khi vùng kín và cơ quan sinh dục bắt đầu thay đổi, lông mu mọc dài và dày hơn, chu kỳ kinh nguyệt xuất hiện. Đồng thời làm tăng nguy cơ phát sinh một số bệnh lý, vấn đề bất thường về phụ khoa. Những vấn đề, bệnh về phụ khoa cần được sớm thăm khám và điều trị. Bởi nếu việc điều trị diễn ra chậm trễ, khả năng sinh sản sau này của các bé sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Mặc dù đang trong độ tuổi mới lớn nhưng các bạn gái cũng có khả năng mắc phải các bệnh phụ khoa thường gặp ở tuổi dậy thì được liệt kê dưới đây:
1. Ngứa vùng kín
Trong các bệnh phụ khoa thường gặp ở tuổi dậy thì, ngứa vùng kín là bệnh lý phổ biến nhất. Khi mắc bệnh, nữ giới sẽ nhận thấy vùng kín có cảm giác ngứa ngáy nghiêm trọng. Cơn ngứa có thể xuất hiện vào ban ngày lẫn ban đêm, tạo cảm giác khó chịu, làm ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt thường ngày của người bệnh.
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh lý và nguyên nhân gây bệnh, cơn ngứa vùng kín có thể phát sinh với mức độ nặng nhẹ khác nhau. Đối với những tường hợp nặng, vùng kín thường ngứa ngáy dữ dội kèm theo biểu hiện nổi mụn nước nhỏ li ti ở tam giác vàng.
Vùng kín bị nhiễm vi khuẩn, nấm, tạp khuẩn hoặc nhiễm giun kim là nguyên nhân phổ biến khiến vùng kín bị ngứa. Ngoài ra bệnh lý này cũng xuất hiện khi bạn không thường xuyên vệ sinh thân thể và vùng kín, vệ sinh vùng kín không sạch hoặc chăm sóc vùng kín không đúng cách.
2. Viêm âm hộ, viêm âm đạo
Viêm âm hộ, viêm âm đạo là tình trạng viêm nhiễm phụ khoa không chỉ xảy ra ở những người phụ nữ thường xuyên hoạt động tình dục mà còn xảy ra ở nữ giới đang trong độ tuổi dậy thì. Nguyên nhân là do âm đạo và âm hộ nằm gần hậu môn, có cấu tạo mở nên dễ bị nấm, vi khuẩn tấn công và gây bệnh. Đặc biệt là khi nữ giới không áp dụng các biện pháp chăm sóc và vệ sinh vùng kín phù hợp.
Để nhận biết bệnh viêm âm đạo, viêm âm hộ, bạn có thể dựa vào những dấu hiệu sau:
Viêm âm đạo do vi khuẩn
- Âm đạo tiết ra dịch nhầy màu trắng xám, xám hoặc trắng đục, mùi hôi tanh khó chịu
- Khí hư ra nhiều
- Đi tiểu đau
- Kích thích hoặc ngứa ngáy âm đạo
- Chảy máu âm đạo nhẹ hoặc máu tiết ra thành đốm
- Vùng kín có mùi hôi tanh khó chịu khi có kinh, trong những ngày rụng trứng hoặc khi giao hợp.
Viêm âm đạo do nhiễm nấm men
- Ngứa âm đạo, vùng kín
- Chất dịch dày, màu trắng giống như phô mai. Một số trường hợp, âm đạo tiết ra khí hư có dạng lỏng như nước hoặc khí hư đặc như mủ, lợn cợn thành từng mảng, màu trắng đục xuất hiện đồng thời với cảm giác ngứa ngáy, đau rát xung quanh âm hộ
- Đau khi đi tiểu
- Đau khi quan hệ tình dục.
3. Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt
Nữ giới đang trong độ tuổi dậy thì rất dễ bị rối loạn chu kỳ kinh nguyệt. Nguyên nhân là do trong tuổi dậy thì, cơ thể của các bạn nữ phải trải qua nhiều thay đổi lớn. Có thể mất từ một đến vài năm để hormone estrogen và progesterone đạt mức cân bằng. Do đó những vấn đề, bất thường của chu kỳ kinh nguyệt thưởng xảy ra ở độ tuổi này.
Nữ giới có thể nhận biết bệnh rối loạn kinh nguyệt ở tuổi dậy thì thông qua những biểu hiện sau:
Bất thường về màu kinh
- Thông thường màu kinh là màu đỏ thẫm, không có dấu hiệu đông, có mùi hơi tanh. Bất thường xảy ra khi máu kinh có màu hồng nhạt, màu đỏ tươi hoặc có lẫn máu cục.
Bất thường về máu kinh
Bất thường về máu kinh được xác định là những bất thường về ngày có kinh và bất thường về số lượng.
- Rong kinh: Số ngày hành kinh trên 7 ngày
- Cường kinh (băng kinh): Lượng máu kinh trên 20ml/kỳ.
- Thiểu kinh: Số ngày hành kinh dưới 2 ngày và có lượng máu kinh dưới 20ml/kỳ.
Bất thường về chu kỳ kinh
Bất thường về chu kỳ kinh xảy ra khi vòng kinh gặp vấn đề, kéo dài trên 35 ngày (được gọi là kinh thưa) hoặc ngắn dưới 22 ngày (được gọi là kinh mau), từ 6 tháng trở lên không có kinh (được gọi là vô kinh).
Bất thường về các triệu chứng khác phát sinh trong chu kỳ kinh nguyệt
- Đau bụng dưới khi hành kinh, đau toàn bụng, lan sang cột sống và xuống đùi
- Căng vú
- Tức ngực
- Dễ xúc động
- Buồn nôn
- Các hoạt động sinh hoạt và lao động bị ảnh hưởng.
4. Những vấn đề, bệnh lý ở tử cung
Dù chưa từng hoạt động tình dục như nữ giới ở độ tuổi dậy thì cũng có khả năng đối mặt với những vấn đề, bệnh lý ở tử cung. Cụ thể như:
Bệnh viêm cổ tử cung
Viêm cổ tử cung cũng là một trong các bệnh phụ khoa thường gặp ở tuổi dậy thì. Bệnh lý này thể hiện cho tình trạng viêm và sưng ở ống cổ tử cung do nhiễm ký kinh trùng, nấm hoặc nhiễm khuẩn. Viêm cổ tử cung có hai dạng gồm viêm cấp tính và viêm mạn tính.
Khi mắc bệnh nữ giới sẽ nhận thấy:
- Vùng kín ra nhiều khí hư, có mùi hôi tanh khó chịu
- Khí hư có màu vàng
- Ngứa ngáy vùng kín
Một số biểu hiện đi kèm gồm:
- Đau nhiều ở vùng bụng dưới, đau tại khu vực xương chậu
- Tiểu rát
- Tiểu buốt.
Viêm lộ tuyến cổ tử cung
Viêm lộ tuyến cổ tử cung là một bệnh viêm nhiễm phụ khoa thể hiện cho tình trạng cổ tử cung bị tổn thương lành tính do sự phát triển bất thường của những tế bào tuyến tồn tại trong cổ tử cung. Sự phát triển khiến những tế bào tuyến xâm lấn và tác động đến mặt ngoài cổ tử cung dẫn đến viêm nhiễm.
Viêm lộ tuyến cổ tử cung thường không được phát hiện qua các triệu chứng. Tuy nhiên ở một số trường hợp, người bị viêm lộ tuyến cổ có thể nhận thấy vùng kín xuất hiện các dấu hiệu bất thường sau:
- Tiết nhiều khí hư
- Khí hư có mùi hôi
- Tăng tiết dịch âm đạo
- Ngứa ngáy.
U xơ tử cung
Bệnh u xơ tử cung khi xảy ra ở nữ giới trong độ tuổi dậy thì thường gây cường kinh (ra nhiều máu kinh, thời gian hành kinh kéo dài), rối loạn kinh nguyệt, đau bụng kinh dữ dội hoặc âm ỉ. Ngoài ra bệnh nhân có thể bị bí tiểu do khối u xơ phát triển với kích thước lớn dẫn đến chèn ép bàng quang.
Hiện tại nguyên nhân cụ thể khiến bệnh u xơ tử cung hình thành và phát triển vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên theo các chuyên gia phụ sản khoa, nguyên nhân phát sinh khối u và khiến chúng tiến triển mạnh có liên quan đến nội tiết tố estrogen.
5. Ra nhiều huyết trắng
Một trong các bệnh phụ khoa thường gặp ở tuổi dậy thì là tình trạng ra nhiều huyết trắng. Khi bước sang độ tuổi dậy thì, âm đạo sẽ tiết ra huyết trắng với một lượng nhất định. Đối với những người có sức khỏe bình thường, khỏe mạnh, dịch tiết âm đạo trong suốt, không màu tương tự như lòng trắng trứng và không mùi. Chất dịch đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ niêm mạc âm đạo và giúp cân bằng độ ẩm.
Tuy nhiên nếu tiết ra quá nhiều huyết trắng, huyết trắng có màu xanh, màu trắng đục hoặc màu vàng, xuất hiện mùi hôi tanh khó chịu kèm theo biểu hiện đau chướng bụng dưới, nóng rát trong âm đạo, ngứa vùng kín thì cần đến bệnh viện và điều trị y tế.
6. Các bệnh viêm nhiễm lây truyền qua đường tình dục
Một số bệnh viêm nhiễm lây truyền qua đường tình dục như bệnh lậu, mụn cóc sinh dục, giang mai, mụn rộp sinh dục… có khả năng kích thích làm phát sinh các vấn đề liên quan đến viêm nhiễm bộ phận sinh dục. Đồng thời làm tăng tiết khí hư, khí hư có mùi hôi tanh bất thường kèm theo biểu hiện đau buốt khi đi tiểu, ngứa ngáy vùng kín.
Mặc dù ít gặp nhưng các bệnh viêm nhiễm lây truyền qua đường tình dục vẫn có khả năng xảy ra ở nữ giới trong độ tuổi dậy thì. Nguyên nhân thường gặp là do bị xâm hại tình dục, quan hệ tình dục quá sớm và quan hệ với người bị nhiễm bệnh.
Nguyên nhân khiến nữ giới ở tuổi dậy thì mắc bệnh phụ khoa
Các bệnh phụ khoa thường xảy ra phổ biến hơn ở những người đã lập gia đình hoặc đã quan hệ tình dục, phụ nữ trưởng thành. Tuy nhiên những bệnh lý này vẫn có khả năng hình thành và tiến triển ở những bạn nữ đang trong độ tuổi dậy thì, chưa quan hệ tình dục. Nguyên nhân là do:
1. Nồng độ hormone thay đổi
Sự thay đổi nội tiết tố được xác định là nguyên nhân chủ yếu làm tăng nguy cơ phát sịnh các bệnh phụ khoa thường gặp ở tuổi dậy thì. Trong đó, phổ biến nhất là tình trạng tiết nhiều huyết trắng, rối loạn kinh nguyệt và viêm âm đạo, âm hộ.
Ngoài ra nồng độ hormone thay đổi còn làm suy giảm chức năng của cơ quan sinh sản. Đồng thời giảm khả năng bảo vệ cơ thể khiến các loại vi khuẩn, nấm men và nhiều tác nhân gây hại khác dễ dàng xâm nhập vào vùng kín dẫn đến viêm nhiễm âm đạo, âm hộ, tử cung.
2. Vệ sinh vùng kín kém
Ở độ tuổi mới lớn, nhiều bạn gái không thường xuyên vệ sinh thân thể và không có thói quen vệ sinh vùng kín. Ở một số trường hợp khác, nữ giới bảo vệ vùng kín không đúng cách, sử dụng xà phòng hoặc dung dịch vệ sinh có tính sát khuẩn mạnh, dùng chất khử mùi hôi vùng kín, thụt rửa âm đạo.
Đây đều là những hoạt động gây hại, có khả năng tạo môi trường thuận lợi giúp ký sinh trùng, nấm, virus, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập và gây viêm nhiễm phụ khoa.
3. Vùng kín không được chăm sóc tốt trong những ngày hành kinh
Do chưa quen với sự xuất hiện của các chu kỳ kinh nguyệt nên nữ giới thường cảm thấy bối rối và không biết cách để vệ sinh vùng kín trong những ngày hành kinh. Trong khi đó, vào những ngày hành kinh, vùng kín luôn trong trạng thái ẩm ướt, máu kinh ứ dọng tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây hại sinh sôi và phát triển.
Việc không thường xuyên thay băng, không vệ sinh vùng kín sạch sẽ trong những ngày hành kinh sẽ làm tăng nguy cơ viêm nhiễm và phát sinh nhiều bệnh phụ khoa nguy hiểm. Trong đó phổ biến nhất là viêm âm đạo, viêm âm hộ ngứa ngáy vùng kín, viêm cổ tử cung…
4. Thức khuya
Thói quen thức khuya, ngủ không đúng giờ hoặc ngủ không đủ giấc, sử dụng điện thoại, thiết bị điện tử trước khi đi ngủ có thể làm tăng nguy cơ rối loạn nội tiết tố. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh phụ khoa phát sinh ở tuổi dậy thì.
5. Quan hệ tình dục quá sớm, bị xâm hại tình dục
Đối với những trường hợp quan hệ tình dục quá sớm, bị xâm hại tình dục, nữ giới sẽ có nguy cơ cao mắc các bệnh viêm nhiễm lây truyền qua đường tình dục. Nguyên nhân là do nữ giới bị xâm hại tình dục hoặc quan hệ tình dục với người bị nhiễm bệnh nhưng không áp dụng các biện pháp bảo vệ.
Ngoài ra nữ giới ở tuổi dậy thì cũng có nguy cơ cao mắc các bệnh viêm nhiễm lây truyền qua đường tình dục khi mặc chung đồ lót, sử dụng chung khăn tắm với người mang mầm bệnh.
6. Mặc quần lót quá chật, bó sát và ẩm ướt
Việc mặc quần lót và quần ngoài quá chật, ôm sát vào cơ thể, vải quần thô cứng, không có khả năng thấm hút mồ hôi khiến vùng kín bít tắc, hầm hơi và ẩm ướt. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, nấm men sinh sôi và phát triển.
Ngoài ra một số bệnh viêm nhiễm phụ khoa còn phát sinh ở tuổi dậy thì khi nữ giới thường xuyên mặc quần lót ẩm ướt, không được giặt sạch sẽ và không được phơi dưới ánh nắng mặt trời.
Biện pháp xử lý khi mắc bệnh phụ khoa ở tuổi dậy thì
Ngay khi nhận thấy vùng kín có cảm giác ngứa ngáy, tiết nhiều huyết trắng, huyết trắng có màu bất thường (vàng, xanh lá, trắng đục), có mùi hôi hoặc xuất hiện nhiều biểu hiện bất thường khác, bạn nên nhờ phụ huynh đưa đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa kiểm tra, chẩn đoán và điều trị bằng các phương pháp thích hợp.
Tương tự như các bệnh viêm nhiễm phụ khoa xảy ra ở người lớn, những người trẻ tuổi, đang trong độ tuổi dậy thì cũng cần được điều trị y tế, đúng với phác đồ của bác sĩ chuyên khoa.
Dựa vào kết quả chẩn đoán, mức độ nghiêm trọng của bệnh lý và các triệu chứng cùng nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ có thể hướng dẫn bạn sử dụng thuốc bôi rửa bên ngoài, thuốc uống hoặc dùng kết hợp ở trường hợp nặng.
Các loại thuốc được dùng trong viêm nhiễm phụ khoa thường có tác dụng kháng nấm, chống vi khuẩn, virus, ký sinh trùng. Đồng thời giúp ức chế hoạt động của các tác nhân gây hại, giảm ngứa, giảm đau rát vùng kín, giảm viêm và cải thiện một số triệu chứng đi kèm.
Thuốc đặt âm đạo thường không được chỉ định cho nữ giới ở tuổi dậy thì. Nguyên nhân là do việc sử dụng loại thuốc này có thể gây rách màng trinh, tổn thương vùng kín và gây đau nếu sử dụng không đúng cách. Đồng thời làm ảnh hưởng xấu đến tâm lý của nữ giới.
Biện pháp chăm sóc, chế độ ăn uống và sinh hoạt cho nữ giới mắc bệnh phụ khoa
Để phòng ngừa và hỗ trợ quá trình điều trị các bệnh viêm nhiễm phụ khoa ở nữ giới đang trong tuổi dậy thì, bạn cần thực hiện đúng biện pháp chăm sóc và áp dụng chế độ sinh hoạt phù hợp. Cụ thể:
- Tắm rửa mỗi ngày. Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ vùng kín (2 – 4 lần/ngày).
- Đảm bảo vùng kín luôn khô ráo, thoáng mát và sạch sẽ trước khi mặc đồ lót.
- Thường xuyên thay quần lót, không mặc quần lót và quần ngoài quá chật, ôm sát vào người. Bên cạnh đó bạn cần tránh mặc những loại quần có vải không thấm hút, vải thô cứng vì sẽ gây khó chịu, ẩm ướt vùng kín, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
- Quần lót phải khô ráo, được giặt sạch và được phơi dưới ánh nắng mặt trời.
- Khi vệ sinh vùng kín, bạn cần rửa vùng kín trước, hậu môn sau. Điều này sẽ giúp phòng ngừa vi khuẩn từ hậu môn di chuyển đến âm đạo.
- Không vệ sinh vùng kín bằng xà phòng, sữa tắm, dung dịch vệ sinh có tính tẩy rửa mạnh, chứa chất tạo mùi hoặc có khả năng gây kích ứng, không phù hợp với cơ thể. Ngoài ra bạn cần tránh sử dụng các chất khử mùi vùng kín.
- Nếu mắc bệnh phụ khoa trong thời gian hành kinh, bạn cần rửa vùng kín và thường xuyên thay băng mỗi 2 – 3 giờ. Bên cạnh đó bạn cần lựa chọn và sử dụng những loại băng vệ sinh không chứa hương liệu nhân tạo. Nên dùng những loại bằng vệ sinh chất lượng.
- Cải thiện sức đề kháng, hỗ trợ điều trị viêm nhiễm phụ khoa, chống lại sự tác động của vi khuẩn, nấm và nhiều tác nhân gây hại khác bằng cách tăng cường bổ sung vitamin C có trong nước ép cam, trái cây tươi. Ngoài ra nữ giới nên ăn nhiều rau xanh, cá, thực phẩm giàu axit béo omega-3, gia vị chứa chất kháng viêm (gừng, tỏi, nghệ).
- Tránh ăn thực phẩm cay nóng, thực phẩm chiên xào nhiều chất béo, dầu mỡ, hạn chế uống nước ngọt, rượu bia, thực phẩm mặn, nhiều đường… Bởi đây đều là những thực phẩm có khả năng gây kích ứng, tăng mức độ nghiêm trọng của các bệnh phụ khoa thường gặp ở tuổi dậy thì.
Biện pháp phòng ngừa mắc bệnh phụ khoa ở tuổi dậy thì
Việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa sẽ giúp nữ giới ở độ tuổi dậy thì giảm nguy cơ phát sinh các bệnh phụ khoa. Đồng thời phòng ngừa bệnh tái phát nhiều lần ở nữ giới có tiền sử mắc bệnh.
Để phòng ngừa mắc bệnh phụ khoa ở tuổi dậy thì, bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau:
- Vệ sinh vùng kín 2 – 3 lần mỗi ngày. Sử dụng dung dịch vệ sinh dịu nhẹ, có nồng độ pH bằng với nồng dộ pH âm đạo vệ sinh âm đạo vào sáng sớm và chiều tối.
- Khi vệ sinh vùng kín không nên thụt rửa sâu vào âm đạo.
- Giữ vùng kín luôn khô thoáng và sạch sẽ.
- Mặc quần lót và quần ngoài rộng rãi, khô ráo, được làm từ chất liệu dễ thấm hút mồ hôi.
- Dùng khăn giấy mềm và sạch thấm khô nước tiểu ở vùng kín sau mỗi lần tiểu tiện.
- Không dùng tay hay dùng bất kỳ đồ vật nào để đưa sâu vào âm đạo.
- Tránh quan hệ tình dục sớm, bổ sung kiến thức về những cách bảo vệ bản thân khi bị xâm hại.
- Tránh gãi ngứa vùng kín.
- Uống nhiều nước, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng, sức đề kháng và phòng ngừa viêm nhiễm. Ngoài ra tăng cường luyện tập thể dục thể thao cũng là một cách giúp nâng cao sức khỏe tổng thể, hạn chế phát sinh các bệnh phụ khoa.
Bài viết là thông tin cơ bản về các bệnh phụ khoa thường gặp ở tuổi dậy thì. Các bệnh phụ khoa này đều có khả năng chuyển biến nặng, phát sinh biến chứng và làm ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này của nữ giới nếu không sớm thăm khám, kiểm soát và chữa trị.
Vì thế bạn nên cùng cùng phụ huynh đến cơ sở y tế để khám bệnh khi nhận thấy vùng kín xuất hiện những dấu hiệu bất thường. Đồng thời áp dụng các biện pháp phòng ngừa để hạn chế nguy cơ phát sinh và tái phát bệnh.
Bài viết liên quan:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!