Xóa cái gốc Quá Tải bệnh viện (02/01/2014)

Từ nhiều năm nay vấn đề quá tải bệnh viện, nhất là các bệnh viện tuyến trên, bệnh viện chuyên khoa đã luôn luôn là đề tài “nóng” không những trong ngành y tế mà còn trong toàn xã hội. Phải làm gì để chống “quá tải” bệnh viện đang là câu hỏi bức xúc được đặt ra hiện nay

XÓA CÁI GỐC “QUÁ TẢI”

1 – Dương Huy Liệu: Chủ tịch Hội KHKTYT Việt Nam

Từ nhiều năm nay vấn đề quá tải bệnh viện, nhất là các bệnh viện tuyến trên, bệnh viện chuyên khoa đã luôn luôn là đề tài “nóng” không những trong ngành y tế mà còn trong toàn xã hội. Hậu quả của quá tải bệnh viện không những làm cho người bệnh gặp rất nhiều khó khăn, phiền toái mà còn gây nhiều hệ lụy xấu cho các bệnh viện, cho đội ngũ thầy thuốc và nhân viên y tế.

Về phía người bệnh, 2 người, 3 người, thậm chí 4 đến 5 người bệnh nằm chung một giường bệnh thì khổ sở biết chừng nào trong lúc bản thân họ phải vật lộn với bệnh tật, và sự đau đớn về thể chất và mệt mỏi về tinh thần.

Về phía thầy thuốc và nhân viên y tế, quá tải bệnh viện cũng đồng nghĩa với “quá tải” sự phục vụ. Bởi con người chỉ có thể làm việc trong một thời gian nhất định với một số người bệnh nhất định; bệnh viện với diện tích, trang thiết bị cũng chỉ có thể phục vụ một lượng người bệnh nhất định khi quá tải thì mọi sự đều bị thay đổi, phải làm việc quá tải trong môi trường quá tải với một nghề cũng luôn quá tải (đối mặt với ốm đau và bệnh tật) thì sức chịu đựng của thầy thuốc và nhân viên y tế cũng rất dễ bị “quá tải”, sẽ sinh ra cáu gắt và các hệ lụy khác.

Quá tải bệnh viện nhi đông

Vậy chúng ta phải làm gì để trước hết là hạn chế quá tải và dần từng bước xóa cái gốc quá tải?

Thứ nhất là để xảy ra quá tải trước hết trách nhiệm thuộc về những nhà hoạch định chính sách và thực thi chính sách ở các cấp khác nhau. Thật vậy, về vấn đề về quy hoạch và thực thi quy hoạch mạng lưới bệnh viện, trong một thời gian dài cả ở tuyến trung ương và các tỉnh đều chưa chú trọng quy hoạch phát triển mạng lưới các bệnh viện. Tại Hà Nội, từ mấy chục năm nay số bệnh viện của thủ đô tăng thêm không đáng kể. Tại thành phố Hồ Chí Minh sự quá tải ở các bệnh viện Ung bướu, Chấn thương chỉnh hình, Nhi đồng…diễn ra đã nhiều năm. Thành phố cũng dự kiến xây dựng mới các bệnh viện ở 4 cửa ngõ của thành phố nhưng cho tới nay mới khởi công xây dựng bệnh viện Nhi đồng. Với số vốn đầu tư khiêm tốn, nếu không có sự chú trọng đặc biệt của thành phố thì không chắc 10 năm sau các bệnh viện ở 4 cửa ngõ của thành phố có thể đi vào phục vụ nhân dân.

Quá tải tại bệnh viện nhi đồng

Tại các tỉnh đang xảy ra tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng các bệnh viện chuyên khoa, nhất là các chuyên khoa Nhi, Ung thư, Tim mạch, Chấn thương chỉnh hình trong khi mô hình bệnh tật của Việt Nam đang chuyển sang mô hình bệnh tật của các nước đang phát triển như bệnh tim mạch, ung thư, tiểu đường, tai nạn…Do vậy, nhu cầu khám chữa bệnh chuyên khoa tăng nhanh trong khi đó quy hoạch và sự đầu tư vào các bệnh viện chuyên khoa không theo kịp nhu cầu; dẫn tới các địa phương không có hoặc có nhưng yếu và thiếu lực lượng khám chữa bệnh chuyên khoa. Hậu quả là bệnh nhân buộc phải tìm đến các bệnh viện chuyên khoa ở tuyến trên và tình trạng quá tải như đã thấy là hiển nhiên.

Để giảm dần tình trạng quá tải ở các bệnh viện chuyên khoa trung ương và Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh thì cần phải nỗ lực, khẩn trương xây dựng và đào tạo đội ngũ bác sỹ chuyên khoa cho các tỉnh và đặc biệt là một số tỉnh trọng điểm. Nếu không có bệnh viện chuyên khoa, nếu không có đội ngũ bác sỹ chuyên khoa giỏi ở các tỉnh thì không thể chống quá tải thành công ở các bệnh viện chuyên khoa tuyến trên. Thực tế cho thấy việc xây dựng và phát triển đội ngũ thầy thuốc chuyên khoa ở các địa phương diễn ra quá chậm chạp. Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ là một ví dụ, địa phương đã có chủ trương xây dựng bệnh viện từ 8 năm trước, dự kiến đầu tư từ nguồn ODA của Hungari, rồi trái phiếu Chính phủ nhưng cho tới nay vẫn tất cả vẫn chỉ là sự khởi đầu. Vậy không biết tới khi nào thì bệnh viện Ung bướu Cần Thơ mới có thể đón người bệnh đầu tiên để giảm tải cho bệnh viện Ung bướu thành phố Hồ Chí Minh. Xin lưu ý Cần Thơ là trung tâm của cả đồng bằng sông Cửu Long. Do vậy muốn góp phần xóa cái gốc của quá tải thì cần phải mở rộng hoặc xây dựng mới, đặc biệt cần nhanh chóng xây dựng và phát triển các bệnh viện chuyên khoa ở các địa phương theo quy hoạch đã được phê duyệt đồng thời phải gấp rút đào tạo đội ngũ thầy thuốc chuyên khoa giỏi cho các địa phương vì đã có bệnh viện chuyên khoa nhưng thiếu đội ngũ thầy thuốc chuyên khoa giỏi thì người bệnh vẫn chưa tin tưởng giao phó sức khỏe và tính mạng của mình cho các bệnh viện này.

Thứ hai là phải nhanh chóng củng cố và phát triển các cơ sở KCB tuyến huyện và tuyến xã. Theo điều tra của Hội khoa học kinh tế y tế Việt Nam, khi ốm đau trên 90% người bệnh tìm đến các cơ sở KCB ở tuyến huyện và tuyến xã để khám và điều trị. Nhưng tiếc thay một số không nhỏ trong số họ đến với các cơ sở khám chữa bệnh này để xin chuyển viện lên tuyến cao hơn. Ở một bệnh viện huyện ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, khi tiến hành khoán định xuất, trong năm 2012 có tới 70% số kinh phí khoán định xuất cho bệnh viện huyện này đã được BHYT tỉnh giữ lại để chi trả cho các trường hợp chuyển tuyến và vượt tuyến. Không ít trong số này họ lên thẳng các bệnh viện ở thành phố Hồ Chí Minh để khám chữa bệnh, mặc dù chỉ được BHYT chi trả 30%. Trong những năm qua ngành y tế đã rất cố gắng củng cố và phát triển mạng lưới y tế tuyến huyện, tuyến xã, đã đầu tư xây dựng, nâng cấp nhiều bệnh viện tuyến huyện theo đề án 225 và đề án 47 của Thủ tướng Chính phủ nhưng những gì đã làm được thực sự là chưa đủ. Thời gian tới phải nỗ lực vượt bậc để củng cố và phát triển mạng lưới KCB ở tuyến huyện và tuyến xã để khu vực này có thể thu hút được ít nhất 90% bệnh nhân khám và điều trị. Ở các nước châu Âu như Anh, Bỉ, Đức thì 90% người bệnh sử dụng dịch vụ KCB tại phòng khám đa khoa hoặc phòng khám bác sỹ gia đình tương tự như trạm y tế xã của ta nhưng dưới sự quản lý của bác sỹ được đào tạo ít nhất 8 năm. Muốn làm được điều đó, bên cạnh việc tiếp tục đầu tư nâng cấp các cơ sở y tế, bổ sung nguồn trang thiết bị thì một điều còn quan trọng hơn, cấp bách hơn là đầu tư phát triển năng lực đội ngũ thầy thuốc. Chúng ta đều biết hầu hết các bác sỹ đang công tác ở y tế tuyến xã là các thầy thuốc chuyên tu và cả ở tuyến huyện cũng vậy. Đây là nguồn nhân lực rất quan trọng và rất đáng quý trọng vì hầu hết các thầy thuốc đào tạo chính quy không muốn về làm việc ở tuyến huyện và tuyến xã.

Chúng tôi vừa khảo sát một bệnh viện đồng bằng của miền trung thì trong 15 năm qua không có thêm được bất kỳ bác sỹ chính quy nào. Số bác sỹ của bệnh viện đã giảm từ 35 người xuống còn 25 người. Do vậy việc đào tạo các bác sỹ đang làm việc tại các trạm y tế và bệnh viện huyện trở thành các thầy thuốc chuyên khoa cấp I là điều rất cấp bách. Có như vậy người dân sẽ tin tưởng hơn khi họ phải giao tính mạng và sức khỏe cho các trạm y tế xã và bệnh viện huyện. Kinh nghiệm đào tạo bác sỹ chuyên khoa y học gia đình cho các trạm y tế xã ở Thừa Thiên Huế và Khánh Hòa trong những năm qua là một bài học bổ ích và quý báu. Chúng ta cần sớm tổng kết và nhân rộng mô hình này.

Thứ ba là vấn đề cơ chế tài chính. Trong một thời gian dài các bệnh viện ở Việt Nam hoạt động theo cơ chế bao cấp một phần, phần còn lại thì người bệnh chi trả và nếu thiếu hụt thì bệnh viện phải tự xoay sở. Hàng năm Ngân sách nhà nước cấp cho các bệnh viện một khoản kinh phí theo giường bệnh và tùy theo khả năng cân đối Ngân sách của trung ương hoặc các địa phương. Phần còn lại thì do bệnh viện tự xoay sở trong đó có thu một phần viện phí của BHYT hoặc của người bệnh. Nhưng vấn đề là ở chỗ giá dịch vụ y tế chưa được rõ ràng và minh bạch phần nhà nước chưa ba cấp. Hậu quả là các bệnh viện, nhất là các bệnh viện tuyến dưới do nguồn thu thấp nên luôn trong tình trạng “giật gấu vá vai”. Nguồn tài chính bệnh viện cũng giống như máu trong cơ thể con người, nếu thiếu máu là thiếu dinh dưỡng, mà thiếu dinh dưỡng kéo dài thì suy dinh dưỡng, cơ thể gầy gò, ốm yếu. Bệnh viện thiếu nguồn tài chính hoạt động cũng giống như cơ thể con người thiếu nguồn lực để duy trì hoạt động, thiếu nguồn lực để tăng thu nhập cho thầy thuốc và nguồn nhân lực có tay nghề cũng dần khan hiếm. Tình trạng này diễn ra khá phổ biến ở các bệnh viện tuyến huyện và ở các bệnh viện tỉnh. Hậu quả là các bệnh viện tuyến dưới do không có nguồn thu thêm từ xã hội hóa nên ngày càng khó khăn, các bệnh viện tuyến trên có nguồn thu từ xã hội hóa nên thu nhập có khá hơn, người bệnh thiếu tin tưởng vào bệnh viện tuyến dưới và luôn có tâm lý muốn lên tuyến trên để khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, cơ chế thu viện phí hiện nay cũng góp phần làm quá tải bệnh viện. Nếu chuyển từ cơ chế thu viện phí theo dịch vụ sang thu viện phí theo trường hợp bệnh, như kinh nghiệm của nhiều nước đã thực hiện thì không những giảm chi phí cho tiền thuốc, tiền xét nghiệm, tăng phần kinh phí để tăng thu nhập cho cán bộ y tế mà còn giảm thời gian nằm viện và đương nhiên sẽ góp phần giảm quá tải bệnh viện.

Nói tóm lại, muốn xóa bỏ tận gốc “quá tải” bệnh viện cần phải tiến hành đồng bộ các nhóm giải pháp bao gồm tăng thêm giường bệnh, đặc biệt là các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh; nâng cao năng lực các bệnh viện tuyến huyện và trạm y tế xã; đổi mới cơ chế tài chính bệnh viện trong đó chú trọng tới việc cho các bệnh viện hạch toán chi phí, thu đủ đồng thời chuyển nhanh sang cơ chế chi trả theo trường hợp bệnh và cuối cùng quan trọng nhất là phải đào tạo nâng cao tay nghề cho đội ngũ thầy thuốc, nhất là phải nhanh chóng đào tạo đội ngũ bác sỹ chuyên khoa cấp II cho tuyến tỉnh, các bác sỹ CK cấp I cho tuyến huyện và xã; đồng thời cơ chế tài chính phù hợp để những thầy thuốc công tác ở tuyến huyện, xã và các bác sỹ chuyên khoa ở tuyến tỉnh có mức thu nhập tương xứng với những đồng nghiệp của họ có cùng tay nghề và trình độ đang công tác ở tuyến cao hơn.

Đánh giá bài viết

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *