Chăm sóc sức khỏe hậu Covid: Giải pháp từ góc nhìn khoa học tâm lý
Nội dung bài viết
Chăm sóc sức khỏe hậu Covid hay trong quá trình bị nhiễm Covid đang là vấn đề nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân Hà Nội. Trong buổi tọa đàm “Phụ nữ và vấn đề chăm sóc sức khỏe hậu Covid”, chuyên gia tâm lý, Master Coach Bùi Thị Hải Yến đã mang đến cho các bà, cô, chị những thông tin hữu ích, mới lạ và thiết thực trong việc chăm sóc sức khỏe cho chính mình và người thân trong gia đình.
Tọa đàm “Phụ nữ và các vấn đề chăm sóc sức khỏe hậu Covid” do Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam phối hợp cùng các Hội liên hiệp phụ nữ phường Đội Cấn, phường Ngọc Khánh (Ba Đình, Hà Nội), các bác sĩ, chuyên gia từ các tổ chức chăm sóc sức khỏe uy tín tổ chức vào ngày 1/3/2022 và 5/3/2022. Đây là một hoạt động đầy ý nghĩa hướng tới cộng đồng khi dịch bệnh ở Hà Nội đang diễn biến hết sức phức tạp.
Thời gian gần đây, việc chăm sóc sức khỏe với F0 hay chăm sóc sức khỏe hậu Covid đang trở thành một chủ đề nóng với cộng đồng và những cá nhân, tổ chức làm công tác chăm sóc sức khỏe con người. Có rất nhiều thông tin xoay quanh việc chăm sóc sức khỏe trong thời gian nhiễm virus và hậu covid nhưng chúng ta đang bỏ quên những khía cạnh quan trọng khác của sức khỏe.
Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO: “Sức khỏe là trạng thái thoải mái toàn diện về thể chất, tinh thần và xã hội và không phải chỉ bao gồm tình trạng không có bệnh hay thương tật” (năm 1948). Hơn nữa, các khía cạnh sức khỏe có mối liên hệ mật thiết và tác động hai chiều đến nhau. Nếu sức khỏe tinh thần tốt thì sức khỏe thể chất cũng được tác động tích cực hơn và ngược lại. Bởi vậy, bên cạnh các việc chăm sóc sức khỏe thể chất, chúng ta cần chú ý đến sức khỏe tinh thần và sức khỏe xã hội.
Trong khuôn khổ chương trình tọa đàm, Chuyên gia tâm lý, Master Coach Bùi Thị Hải Yến đã chia sẻ đến các cô, các chị sự tác động của dịch bệnh đến sức khỏe tinh thần như thế nào và các biện pháp đơn giản để chúng ta cách chăm sóc sức khỏe cho chính mình và những người thân trong gia đình.
Dịch bệnh tác động đến sức khỏe con người như thế nào?
Dịch bệnh tác động đến sức khỏe con người qua 5 vấn đề điển hình. Đó là suy nghĩ tiêu cực, niềm tin giới hạn, cảm xúc tiêu cực, mâu thuẫn nội tâm, thói quen xấu. Những điều này làm cho kháng thể suy yếu và sức khỏe của chúng ta suy giảm. Như vậy, chúng ta sẽ dễ mắc bệnh hơn, dễ nhiễm Covid hơn, nếu đã nhiễm thì sẽ lâu hồi phục hơn và có thể mắc các vấn đề hậu Covid một cách dai dẳng và nghiêm trọng như mệt mỏi, mất tập trung, giảm trí nhớ, mất ngủ, trầm cảm, rối loạn lo âu,…
Không chỉ là vấn đề nhiễm bệnh, Covid còn tác động đến sức khỏe con người nếu chúng ta thực hiện các giải pháp giãn cách, cách ly quá lâu hoặc chúng ta tự đóng cửa để bảo vệ bản thân mình trước những đợt dịch bệnh. Bởi vì bản thể con người là kết nối với mọi người xung quanh và hòa nhập với thiên nhiên. Khi con người không được kết nối với xã hội, sức khỏe xã hội cũng bị ảnh hưởng. Khi con người không kết nối, không hướng tới thiên nhiên, sức khỏe tinh thần cũng bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, dịch bệnh còn tác động đến sức khỏe con người thông qua các thông tin tiêu cực trên báo chí, các thông tin gây ra những tranh cãi trong dư luận. Sự xuất hiện của một dịch bệnh hoàn toàn mới với khả năng lây lan cực nhanh, có thể đe dọa tính mạng của con người, các biến thể mới liên tục sản sinh, sự hiểu biết của con người về virus Corona còn hạn chế đã khiến cho những thông tin tiêu cực xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội và gây hoang mang cho cộng đồng.
Nếu bạn thường xuyên lo lắng, suy nghĩ theo chiều hướng tiêu cực, bạn sẽ rất dễ bị lôi cuốn, ám ảnh bởi những thông tin tiêu cực. Khi đó, bạn có thể có những niềm tin giới hạn rằng bản thân không có đủ khả năng để chống chọi với bệnh tật khi nhiễm Covid hoặc mình sẽ gặp các biến chứng nguy hiểm như vậy nếu mình mắc Covid…
Covid còn có thể khiến cho con người có những thói quen không tốt. Trước khi có dịch bệnh, có lẽ rất nhiều người trong chúng ta có thói quen tập thể dục tập thể hay tập thể dục ở những nơi có thiên nhiên trong lành như bờ hồ. Tuy nhiên, sự nguy hiểm của dịch bệnh đã khiến cho nhiều người bỏ quên thói quen tốt này. Lúc đầu có thể mục đích của chúng ta là bảo vệ bản thân được an toàn nhưng lâu dần, nó có thể trở thành lý do để chúng ta trì hoãn việc quay trở lại duy trì thói quen tốt.
Ngược lại, nếu chúng ta là một người thường xuyên suy nghĩ tích cực, có cảm xúc tích cực, niềm tin tích cực và tương hỗ, thói quen tốt… Chúng ta sẽ hướng bản thân đến những điều tích cực, giữ cho mình luôn bình an trong mọi tình huống thì cơ thể sẽ tràn đầy năng lượng và kháng thể cũng sẽ khỏe mạnh hơn.
Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe hậu Covid
Dù là có dịch bệnh hay không có dịch bệnh, chưa nhiễm Covid hay đang nhiễm Covid, hậu Covid, chúng ta luôn phải ý thức được tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe cho chính mình, đặc biệt là sức khỏe tinh thần và sức khỏe xã hội, những khía cạnh mà con người đang bỏ quên.
Vậy, trong khi dịch bệnh tại Hà Nội vẫn đang diễn biến căng thẳng như hiện nay, làm thế nào để chúng ta có thể chăm sóc sức khỏe gia đình mình một cách tốt nhất? Để chăm sóc sức khỏe cho gia đình mình, bản thân chúng ta cần phải có một sức khỏe tốt về cả 3 khía cạnh thể chất, tinh thần và xã hội. Bởi nếu không có sức khỏe thể chất tốt, sao chúng ta có thể chăm sóc được gia đình mình. Nếu không có sức khỏe tinh thần tốt làm sao chúng ta có thể cho người khác sự bình an, thanh thản, hạnh phúc khi được chúng ta chăm sóc. Nếu không có sức khỏe xã hội tốt, nghĩa là mối quan hệ với chính mình và với người khác tốt, làm sao chúng ta có thể kết nối để chăm sóc các thành viên khác trong gia đình một cách hiệu quả.
Bên cạnh việc tuân thủ thực hiện 5K để phòng chống dịch bệnh, chúng ta cần chủ động rèn luyện và nâng cao sức khỏe mỗi ngày. Ngoài các giải pháp quen thuộc như tập thể dục, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin, uống đủ nước, ngủ nghỉ sinh hoạt đúng giờ giấc…, chuyên gia Hải Yến đã chia sẻ đến các cô, các chị các giải pháp giúp chăm sóc sức khỏe tinh thần và xã hội mới mẻ và dễ thực hiện.
4 bước chăm sóc sức khỏe tinh thần và sức khỏe xã hội cơ bản
Bước 1: Nhận diện vấn đề của mình, tức là nhận diện những điều mà mình lo lắng, sợ hãi, hoang mang, suy nghĩ tiêu cực, niềm tin giới hạn, thói quen xấu…
Bước 2: Tìm lại sự bình an và cân bằng cảm xúc cho chính mình. Vấn đề nào thì giải pháp đó. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy bối rối không biết phải làm thế nào, hãy chia sẻ nó với những người thân mà bạn tin tưởng họ có thể giúp bạn giải quyết tốt các vấn đề này hoặc tìm đến các chuyên gia tâm lý trị liệu.
Bước 3: Thấu hiểu và yêu thương bản thân mình đúng cách. Có rất nhiều phụ nữ Việt Nam không biết yêu thương bản thân mình đúng cách mặc dù có thể họ thấu hiểu mình. Khi chúng ta không yêu thương bản thân mình đúng cách thì chúng ta cũng không thể yêu thương người khác đúng cách được. Đó chính là lý do mà chúng ta có những vấn đề về sức khỏe xã hội và tinh thần.
Bước 4: Đồng hành cùng các thành viên trong gia đình. Khi bạn đã biết yêu thương mình đúng cách, bạn sẽ học cách để thấu hiểu và yêu thường các thành viên khác trong gia đình được dễ dàng hơn. Việc kết nối và hòa hợp các mối quan hệ khác cũng trở nên dễ dàng hơn. Bước này không chỉ giúp bạn chăm sóc sức khỏe tinh thần của chính mình mà còn giúp các thành viên khác chăm sóc sức khỏe của họ.
Thiền và tập thở
Thiền giúp bạn tĩnh tâm, thanh thản, bình an hơn. Thiền đơn giản là chúng ta tập trung vào hơi thở của mình và giữ cho mình được tĩnh tâm. Vì vậy, trước khi tập thiền, chúng ta có thể tập thở trước.
Hít vào, bụng phồng lên, thở ra, bụng xẹp đi. Đó là cách thở đúng cách. Thở đúng cách sẽ giúp cho các cơ quan trong cơ thể mình nhận được nhiều oxy hơn và giúp cho bạn trở nên khỏe mạnh hơn. Tập thở cũng rất tốt cho những người mắc các triệu chứng khó thở, hụt hơi khi nhiễm Covid hoặc hậu Covid. Trong những tình huống khiến chúng ta cảm thấy lo lắng, bất an, hoang mang, lo sợ, tập thở khoảng 1-2 phút sẽ giúp chúng ta lấy lại sự bình tĩnh. Tập thở cũng giúp cho da dẻ của chị em trở nên hồng hào và có sức sống hơn.
Trong khuôn khổ chương trình, chuyên gia Bùi Thị Hải Yến còn giúp các cô, các bác, các chị trải nghiệm quy trình thiền. Sau quy trình thiền, các cô, các chị cảm thấy người khoan khoái, thanh thản, bớt đi những mệt mỏi, lo âu. Điều đặc biệt hơn là khi chúng ta tập trung vào hơi thở của mình, chúng ta sẽ còn thấy đau lưng trong ngồi thiền lưng thẳng nữa.
Giúp cơ thể sản sinh nhiều hóc môn hạnh phúc hơn
Trong cơ thể con người có 4 hóc môn được mệnh danh là hóc môn hạnh phúc: Dopamine, Oxytocin, Serotonin, Endorphin. Khi cơ thể của chúng ta cân bằng các hóc môn này thì những lo sợ, hoang mang, suy nghĩ tiêu cực, cảm xúc xấu cũng vơi dần đi. Và sự mất cân bằng các hóc môn này có thể khiến cho tâm trạng của chúng ta trở nên tồi tệ hơn. Điều tuyệt vời hơn cả là cơ thể chúng ta có thể tự sản sinh ra các hóc môn này khi chúng ta thực hiện những hành vi nhất định.
Theo phương pháp khoa học đã được chứng minh này, việc ôm người thân giúp cho chúng ta sản sinh ra hóc môn Oxytocin, giúp chúng ta có cảm giác yêu thương nhiều hơn. Như vậy, cơ thể chúng ta có nhiều năng lượng tích cực và kháng thể tốt hơn, mong chóng hồi phục sức khỏe hơn. Bởi vậy, nếu chúng ta có thể ôm người người thân là F0, F1 một cách an toàn thì đừng ngần ngại trao cho họ những cái ôm, để họ cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ và hân hoan hơn, có nhiều năng lượng để chiến đấu với bệnh tật hơn.
Bằng những giải pháp đơn giản và dễ thực hiện cộng thêm trải nghiệm thực tế, các cô, các chị đã rất vui vẻ hưởng ứng những luồng thông tin, kiến thức mới để giúp cho chính mình và gia đình được khỏe mạnh hơn.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!