Vô sinh nữ: Nguyên nhân, dấu hiệu, chẩn đoán, điều trị
Nội dung bài viết
Nghi ngờ mắc vô sinh nữ khiến nhiều chị em cảm thấy hoang mang, lo lắng. Liệu những triệu chứng đang gặp có phải là biểu hiện của bệnh lý này hay không? Nếu không may mắc phải có chữa được không và phải chữa như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn về bệnh lý vô sinh nữ ngay dưới đây.
Vô sinh ở nữ là như thế nào?
Vô sinh nữ được định nghĩa là tình trạng trứng không thể thụ thai mặc dù tinh trùng của người chồng được nhận định là hoàn toàn khỏe mạnh. Đời sống tình dục vợ chồng diễn ra đều đặn nhưng vẫn không thể mang thai.
Bệnh vô sinh thường gặp ở những đối tượng phụ nữ:
- Tuổi cao, ngoài độ tuổi sinh sản lý tưởng
- Cơ thể bị rối loạn sản sinh các loại hormone sinh dục nữ
- Phụ nữ mắc các bệnh phụ khoa như suy buồng trứng, tắc ống dẫn trứng, u nang buồng trứng,…
- Mắc các bệnh viêm nhiễm phụ khoa kéo dài
- Từng có tiền sử nạo, hút thai
Ở nữ giới, bệnh vô sinh được chia làm 2 trường hợp:
- Vô sinh nguyên phát: Vợ chồng chưa bao giờ có con và nguyên nhân được xác định là do người vợ
- Vô sinh thứ phát: Người vợ đã từng có thai hoặc có con trước đó nhưng không thể tiếp tục mang thai. Mặc dù các hoạt động tình dục vẫn diễn ra đều đặn và không sử dụng biện pháp tránh thai.
Nguyên nhân gây vô sinh ở nữ giới
Vô sinh ở nữ do nhiều nguyên nhân gây nên, điển hình là những tổn thương, rối loạn chức năng liên quan đến cơ quan sinh sản.
Vô sinh do rối loạn phóng noãn
Hiện tượng phóng noãn thường diễn ra trước kỳ kinh nguyệt khoảng 13 – 14 ngày. Rối loạn phóng noãn được định nghĩa là tình trạng phóng noãn không theo chu kỳ nhất định. Điều này biểu hiện bằng việc rối loạn kinh nguyệt và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây vô sinh ở phụ nữ.
Rối loạn phóng noãn được xác định là do các hormone tuyến yên, vùng dưới đồi gây ra. Hiện tượng hormone GnRH suy giảm được xem là nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng đến quá trình phóng noãn. Ngoài ra, trường hợp hormone Prolactin tăng cao còn có thể cản trở hoàn toàn quá trình phóng noãn, dẫn đến vô kinh vô sinh đáng báo động.
Vô sinh do tắc ống dẫn trứng
Khi ống dẫn trứng bị tắc, tinh trùng không thể di chuyển đến gặp trứng, quá trình thụ thai bị cản trở rất lớn. Thậm chí, khi trứng và tinh trùng đã tạo thành hợp tử cung không thể di chuyển đến tử cung để làm tổ. Đây cũng là một trong những lý do khiến chị em phụ nữ khó mang thai, mang thai ngoài dạ con và vô sinh.
Theo thống kê, tắc ống dẫn trứng chiếm ⅕ số ca bệnh được chẩn đoán vô sinh. Tắc ống dẫn trứng có thể xuất hiện ở nhiều vị trí trên vòi trứng. Tùy thuộc vào các vị trí này mà khả năng điều trị cũng có tỷ lệ thành công khác nhau.
Nguyên nhân khiến vòi trứng bị tắc là do những viêm nhiễm sinh dục, bệnh lý phụ khoa như lạc nội mạc tử cung hay biến chứng hậu phẫu thuật.
Vô sinh do tử cung và cổ tử cung
Những bất thường hay tổn thương ở cổ tử cung và tử cung cũng khiến chị em phụ nữ bị mất đi khả năng làm mẹ. Một số ít trường hợp mắc dị dạng tử cung bẩm sinh như không có tử cung, tử cung đơn, tử cung có vách ngăn, tử cung hẹp,… Hoặc các bệnh lý phụ khoa ở tử cung và cổ tử cung như u xơ tử cung, dính buồng trứng tử cung; cổ tử cung ngắn, tổn thương cổ tử cung, chất nhầy cổ tử cung kém… đều có ảnh hưởng đến việc mang thai và sinh nở của phụ nữ.
Vô sinh do lạc nội mạc tử cung
Lạc nội mạc tử cung là hiện tượng lớp lót tử cung không thoát ra ngoài mà lại đi ngược trở lại và kẹt lại ở một số vị trí nhất định trong ổ bụng. Những nội mạc tử cung đi lạc này tiếp tục phát triển hình thành viêm nhiễm, dính sẹo tại buồng trứng, vòi dẫn trứng, bề mặt tử cung,… Đây chính là những vật cản trên đường di chuyển của trứng và tinh trùng. Do vậy bệnh nhân mắc lại nội mạc tử cung có nguy cơ vô sinh rất cao.
Vô sinh do lối sống sinh hoạt thiếu khoa học
Nhiều trường hợp ghi nhận bệnh nhân nữ mắc vô sinh, hiếm muộn là do những thói quen xấu, lối sống không nề nếp, không lành mạnh. Ví dụ điển hình nhất là vô sinh do thức khuya quá nhiều, do sử dụng các chất kích thích với tần suất lớn, do thường xuyên tiếp xúc với môi trường độc hại,…
Bên cạnh đó, sự áp lực, căng thẳng trong cuộc sống thường ngày cũng làm tăng tỷ lệ vô sinh không chỉ ở nữ giới mà cả các đấng mày râu.
Vô sinh không rõ nguyên nhân
Khoảng 10% các ca bệnh vô sinh ở nữ giới không chẩn đoán được nguyên nhân chính xác. Những trường hợp này dù đã thực hiện qua các xét nghiệm, chẩn đoán sức khỏe hoàn toàn bình thường nhưng vẫn không thể mang thai sau một thời gian dài kết hôn.
Dấu hiệu vô sinh nữ như thế nào?
Vô sinh nếu phát hiện sớm vẫn có hy vọng chữa khỏi; vì thế ngay khi cơ thể có những dấu hiệu sau đây, chị em nên đến các cơ sở y tế để thăm khám:
Rối loạn kinh nguyệt
Hành kinh không đều là hiện tượng chu kỳ kinh lúc ngắn, lúc dài, lúc nhiều, lúc ít,… Sự rối loạn này là biểu hiện của những sự thay đổi trong nội tiết tố, các hormone sinh dục nữ. Tuy đây là biểu hiện của nhiều chứng bệnh khác nữa nhưng để yên tâm chị em vẫn cần khám vô sinh để tiên lượng trước những trường hợp xấu nhất.
Khi nội tiết tố cơ thể thay đổi, quá trình phóng noãn cùng từ đó thay đổi theo khiến cho việc thụ thai khó khăn hơn.
Vô kinh
Khi đang hành kinh bình thường, chị em đột nhiên bị dừng kinh trong vòng khoảng 3 – 6 tháng liên tục, đấy chính là hiện tượng vô kinh. Hiểu một cách đơn giản, không có kinh nguyệt tức không có sự rụng trứng, không có trứng rụng thì tất yếu không thể mang thai được. Vậy nên, nếu 3 tháng liên tiếp không có kinh nguyệt chị em nên đi khám bác sĩ ngay. Nếu để liên tiếp vô kinh trong 6 tháng thì khả năng vô sinh là cực kỳ cao.
Thống kinh
Thống kinh là quá trình đẩy kinh nguyệt ra ngoài gây nên những cơn đau khi đến ngày đèn đỏ. Những cơn đau này có thể xuất hiện ở vùng hạ vị, lan rộng ra eo, lưng, vùng chậu,… kèm theo tức ngực, đau đầu, sốt, rối loạn tiêu hóa, dễ nóng giận,…
Cơn đau này có thể lúc dữ dội, lúc âm ỉ kéo dài. Tùy theo từng thể trạng mà cơn đau có thể có cường độ khác nhau.
Khí hư bất thường
Khí hư hay dịch âm đạo tiết ra một cách bất thường là biểu hiện của những tổn thương bên trong cơ quan sinh dục. Để nhận biết xem khí hư của bạn có ở trong trạng thái bất thường hay không có thể dựa vào màu sắc, số lượng, mùi,…
Khí hư bất thường là khi lượng dịch tiết ra nhiều hơn hoặc ít hơn đáng kể so với bình thường. Thông thường khí hư có màu trắng đục, trắng trong. Tuy nhiên khi cơ thể có bệnh khí hư sẽ dần ngả sang màu vàng, nâu, xanh, đen, thậm chí là có dính máu. Khí hư vón cục hay đặc lại, loãng như nước cũng là biểu hiện không giống với thông thường.
Dịch tuyến vú bất thường
Tuyến vú chỉ tiết dịch sữa ở phụ nữ mang thai, cho con bú. Nếu không trọng những trạng thái này mà vẫn xuất hiện dịch ở tuyến vú chứng tỏ cơ thể chị em đang không thực sự khỏe mạnh.
Dịch tuyến vú bất thường có thể ở một số dạng như:
- Dịch tiết trong suốt như nước, có dấu hiệu đặc sệt, kết cấu dính
- Dịch màu trắng như sữa
- Dịch tiết có lẫn mủ màu trắng hoặc vàng
- Dịch tiết màu vàng nhạt
- Dịch tiết có lẫn máu
Những trường hợp dịch tiết bất thường này có thể là biểu hiện của rất nhiều bệnh lý nguy hiểm như viêm vú, u nang, xơ nang, ung thư vú, tăng sinh tuyến vú và cũng là biểu hiện của bệnh vô sinh ở nữ giới.
Tuyến vú không phát triển
Tuyến vú ở phụ nữ sẽ bắt đầu phát triển ở tuổi dậy thì. Tuyến vú phát triển là do nội tiết tố estrogen trong cơ thể phụ nữ. Quá tuổi dậy thì nhưng tuyến vú không có dấu hiệu phát triển tức estrogen đang bị thiếu hụt một cách trầm trọng. Thiếu hụt estrogen cũng là một nguyên nhân làm giảm khả năng thụ thai ở nữ giới.
Đây là một biểu hiện rất dễ nhận biết, tuy nhiên nhiều chị em lại nghĩ điều này là hiện tượng bình thường nên không mấy quan tâm. Điều này vô tình khiến việc phát hiện và điều trị vô sinh bị chậm trễ.
Chẩn đoán vô sinh nữ
Để xác định đúng nguyên nhân gây bệnh, các bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán theo quy trình như sau:
Truy vấn bệnh nhân
Bước đầu tiên các bác sĩ sẽ tiến hành tra hỏi về một số tình trạng sức khỏe hiện tại của bệnh nhân. Những thay đổi, biến cố trong cuộc sống từ trước đến nay liên quan đến sức khỏe sinh sản, ví dụ:
- Bệnh nhân có mắc bệnh nội tiết nào không?
- Chu kỳ hành như như thế nào? Kinh nguyệt bắt đầu lúc mấy tuổi? Hành kinh có đều không?
- Đã từng tiến hành phẫu thuật nào ở vùng chậu, phần phụ hay chưa?
- Có tiền sử mắc viêm nhiễm phụ khoa hay không?
- Đời sống tình dục như thế nào? Tần suất quan hệ ra sao? Khi quan hệ có bât cập gì không?
- Có từng sử dụng biện pháp tránh thai nào hay không?
Tiến hành khám lâm sàng
Khám lâm sàng sẽ bao gồm khám toàn thân và khám phụ khoa để xem xét mức độ phát triển của các bộ phận trên cơ thể và xem xét các triệu chứng bệnh lý sinh dục khác.
- Đo chiều cao, cân nặng, đo chỉ số cơ thể
- Khám xem vú có phát triển hay không, có tiết dịch bất thường không; các bộ phận trên cơ thể có bị rậm lông không
- Khám lâm sàng các bệnh lý nội tiết liên quan như: huyết áp, tim mạch, bệnh tuyến giáp, đái tháo đường, bệnh lý tuyến thượng thận,…
- Khám mức độ phát triển của cơ quan sinh dục
- Đánh giá mức độ viêm nhiễm ngoài, tổn thương ở âm đạo, cổ tử cung
- Khám cổ tử cung để xem có bất thường gì hay không (cổ tử cung ngắn, hẹp, dị dạng,…)
- Khám phần phụ để chẩn đoán các bệnh lý viêm phần phụ, xuất hiện u nang buồng trứng,…
Tiến hành xét nghiệm chẩn đoán
Các xét nghiệm sẽ giúp xác định được mức độ viêm nhiễm, phát hiện các loại vi khuẩn, vi trùng gây bệnh.
- Xét nghiệm HIV, TPHA, Chlamydia, HbsAg
- Xét nghiệm kháng thể kháng lao
- Xét nghiệm nội tiết Prolactin, FSH, E2, LH
- Xét nghiệm AMH
Siêu âm chẩn đoán
Phương pháp siêu âm nhằm phát hiện những bất thường trong tử cung và buồng trứng ví dụ như khối u, áp xe, vách ngăn,…
- Siêu âm tiểu khung tổng quát
- Siêu âm buồng trứng
- Siêu âm để xác định số nang thứ cấp
- Siêu âm để theo dõi sự phát triển của nang noãn
- Siêu âm để xác định có polyp buồng trứng hay không, tử cung có dị dạng hay không
Chụp X-quang
Đây là phương pháp chẩn đoán vô sinh nữ cuối cùng, nhằm thăm dò tử cung và buồng trứng để đưa ra những nhận định chính xác nhất. Để tiến hành chụp X-quang HSG, bệnh nhân nên tiến hành vào thời điểm hoàn toàn sạch kinh. Nên tiến hành qua các bước chẩn đoán phía trên để loại trừ mọi khả năng gây bệnh khác.
Để biết được nên kiểm tra vô sinh nữ ở đâu, chị em nên tham khảo thông tin về các bệnh viện, cơ sở y tế có chuyên khoa phụ khoa để có điều kiện chẩn đoán đầy đủ và chính xác nhất.
Bệnh vô sinh ở nữ có chữa được không? Biện pháp điều trị
Dựa vào quy trình chẩn đoán bệnh, có thể thấy đây là một căn bệnh có rất nhiều nguyên nhân từ bên trong và bên ngoài tác động gây nên. Phụ nữ vô sinh có chữa được không là trăn trở của nhiều người mắc phải bệnh lý này.
Với công nghệ hiện đại của y học ngày này, bệnh lý này hoàn toàn có thể chữa khỏi trong trường hợp phát hiện sớm và điều trị đúng cách.
Khả năng thành công trong điều trị bệnh phụ thuộc rất nhiều vào thể trạng và nguyên nhân gây bệnh. Dưới đây là một số phương pháp đang được áp dụng phổ biến nhất.
Cách điều trị vô sinh nữ bằng thuốc Tây y
Dùng thuốc Tây y giúp cân bằng các hormone sinh dục nữ, đồng thời ổn định chu kỳ kinh nguyệt và kích thích rụng trứng. Bởi vậy, thuốc Tây y chỉ có thể điều trị bệnh vô sinh do rối loạn nội tiết gây nên, những trường hợp do khối u, dị dạng bất thường không có tác dụng đáng kể.
Tùy vào chẩn đoán xét nghiệm thiếu hụt hoặc dư thừa hormone sinh dục, các bác sĩ sẽ tiến hành kê đơn thêm một số loại nội tiết tố khác. Một số loại thuốc thường được bác sĩ chỉ định: hoạt chất Clomiphene, hoạt chất Gonadotropins.
Thuốc Tây y còn được sử dụng hỗ trợ trong trường hợp tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm. Lúc này, dùng thuốc với mục đích gia tăng niêm mạc tử cung giúp phôi thai có môi trường phát triển tốt nhất. Hay một số loại thuốc ngăn chặn việc rụng trứng sớm.
Chữa vô sinh nữ bằng Đông y
Thuốc Đông y được bốc theo thang, từ các dược liệu quý hiếm có công dụng bổ thận, bổ huyết, lưu thông khí trệ; trị thấp nhiệt, hư hàn, can huyết hư,…
Bài thuốc trị thấp thịnh khí suy:
- Dược liệu: Bạch linh, nhân sâm, quảng bì, sanh kỳ, thăng ma, đương quy, sài hồ, chế bán hạ, chích thảo, bạch truật.
- Cách dùng: Sắc uống mỗi ngày 1 thang. Sau 18 ngày gia giảm Đỗ trọng, tục đoạn uống thêm 10 ngày nữa.
Bài thuốc trị suy nhược khí huyết, chân khí yếu:
- Dược liệu: Sơn thù, thục địa, bạch thược, đương quy
- Cách dùng: Sắc uống mỗi ngày 1 thang, uống đều đặn liên tục trong 3 tháng.
Bài thuốc trị thận khí bất túc:
- Dược liệu: Thục địa, sơn thù, bạch truật, câu kỷ tử, ba kích, sài hồ, ba kích, sanh kỳ, nhân sâm.
- Cách dùng: Sắc uống mỗi ngày 1 thang, uống đều đặn liên tục trong 3 tháng.
Bài thuốc trị can khí uất kết:
- Dược liệu: Bạch thược, thiên hoa phấn, đương quy, hương phụ chế, bạch truật, bạch linh, đơn bì.
- Cách dùng: Sắc uống mỗi ngày 1 thang, uống đều đặn liên tục trong 1 tháng. Đồng thời giữ cho tâm luôn thanh tịnh, vui vẻ, không suy nghĩ tiêu cực, đố kị.
Phẫu thuật điều trị vô sinh nữ
Như đã đề cập ở trên, có rất nhiều nguyên nhân liên quan đến bất thường ở tử cung, ống dẫn trứng, buồng trứng gây nên tình trạng vô sinh nữ. Một vài trường hợp dị dạng tử cung, dính buồng trứng hay có khối u bắt buộc phải sử dụng đến biện pháp phẫu thuật cắt bỏ. Chỉ như vậy mới khiến cho việc thụ thai trở nên dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, không phải phẫu thuật xong thì 100% phụ nữ có thể mang thai trở lại, điều này rất khó chắc chắn. Chỉ khi hoàn tất phẫu thuật và tiến hành chẩn đoán lại mới có thể đưa ra kết luận cuối cùng.
Phương pháp phẫu thuật sẽ mất khá nhiều thời gian, bởi bệnh nhân phải hồi phục hoàn toàn trở lại mới biết được khả năng mang thai như thế nào và tiếp tục điều trị ra sao.
Sử dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản
Trong nhiều trường hợp, các bác sĩ sẽ khuyên bệnh nhân nên sử dụng một số kỹ thuật sinh sản áp dụng khoa học công nghệ. Các kỹ thuật này có thể là: bơm tinh trùng, thụ tinh trong ống nghiệm, thụ tinh nhân tạo,…
Tỷ lệ thành công của các phương pháp này khá cao, đồng nghĩa với chi phí cũng vô cùng đắt đỏ. Bởi vậy không phải đối tượng bệnh nhân nào cũng có thể sử dụng được mặc dù các bác sĩ rất khuyên dùng.
Biện pháp phòng ngừa bệnh vô sinh nữ
Vô sinh là căn bệnh không ai muốn mắc phải. Quá trình điều trị vô sinh cũng vô cùng vất vả, tiêu tốn nhiều thời gian, công sức và tiền của. Không có bác sĩ nào có thể kết luận chắc chắn về khả năng thành công khi điều trị vô sinh. Vì thế, phòng ngừa từ sớm là cách tốt nhất giúp chị em phụ nữ tránh xa khỏi căn bệnh hiểm ác này.
Để phòng tránh bệnh vô sinh, chị em nên nghiêm chỉnh thực hiện những biện pháp sau đây:
- Quan hệ tình dục lành mạnh: Duy trì quan hệ vợ chồng với tần suất đều đặn, 2 – 3 lần mỗi tuần. Nên chung thủy, không có quan hệ ngoài luồng với nhiều người. Không quan hệ một cách thô bạo, chị em cũng không nên thủ dâm quá độ.
- Duy trì dinh dưỡng đầy đủ: Một cơ thể khỏe mạnh giúp tăng cường đề kháng, chống lại các vi khuẩn gây bệnh. Không nên nhịn ăn giảm cân, không ăn quá mức gây béo phì. Chế độ dinh dưỡng nên có đủ các chất đạm, chất béo, đường, vitamin và khoáng chất.
- Tránh xa chất kích thích: Thuốc lá, rượu bia, cafe để có chứa những hoạt chất không hề tốt cho sức khỏe nói chung và khả năng sinh sản nói riêng. Hãy tập tránh xa các chất kích thích có hại này.
- Tăng cường tập thể dục: Thể dục thể thao giúp duy trì trạng thái cân nặng của cơ thể, đồng thời hỗ trợ lưu và tuần hoàn máu rất tốt. Tập luyện thể dục cũng giúp cơ thể dẻo dai hơn, nâng cao khả năng tình dục ở chị em phụ nữ. Chị em nên chọn các bài tập có cường độ vừa phải, tránh vận động quá sức.
- Hạn chế tiếp xúc với môi trường độc hại: Những chất độc hại khi tiếp xúc lâu ngày xâm nhập sâu vào bên trong cơ thể làm tăng nguy cơ mắc vô sinh ở nữ giới. Chị em nên lựa chọn môi trường làm việc và sinh hoạt không tiếp xúc quá thường xuyên với chất hóa học, tẩy rửa,…
- Khám tầm soát định kỳ: Không phải lúc nào chị em cũng có thể nhận thấy được những bất thường của cơ thể. Do vậy để phát hiện bệnh sớm nhất chỉ có cách là khám tầm soát định kỳ từ 3 – 6 tháng một lần.
Hy vọng những thông tin trên đây đã giúp chị em có được những thông tin, kiến thức nhất định về bệnh vô sinh nữ. Nếu không may mắc phải căn bệnh này, chị em cũng không nên quá nóng vội hoặc buông xuôi. Nên chuẩn bị cho mình một tâm lý sẵn sàng cho việc điều trị bởi đây là cả một quá trình dài, cần sự kiên trì và nhẫn nại.
Tìm hiểu: 10 địa chỉ khám vô sinh hiếm muộn ở TPHCM tốt nhất
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!