Viêm tiểu phế quản: Nguyên nhân, Dấu hiệu & Điều trị cho trẻ
Nội dung bài viết
Viêm tiểu phế quản thường bắt đầu với những cơn ho nhẹ và sổ mũi không đáng kể. Sau đó, nó nhanh chóng gây ra các rắc rối và khó chịu cho bệnh nhân. Tìm hiểu những thông tin quan trọng về căn bệnh phổ biến này trong bài viết dưới đây.
Viêm tiểu phế quản là gì? Có nguy hiểm không?
Viêm tiểu phế quản (Bronchiolitis) là một bệnh nhiễm trùng làm cho các ống dẫn khí nhỏ của phổi (tiểu phế quản) sưng lên hoặc bị tắc. Điều này chặn luồng không khí qua phổi, khiến bệnh nhân khó thở.
Bệnh hô hấp cấp tính này thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh, vì đường thở của trẻ lúc này còn quá nhỏ và dễ bị chặn hơn so với người lớn. Nhiều người không phân biệt được viêm tiểu phế quản khác viêm phế quản thế nào. Không ít người đánh đồng hai bệnh là một.
Nên nhớ rằng viêm tiểu phế quản xảy ra ở các ống dẫn khí nhỏ, trong khi viêm phế quản là tiềm trạng viêm ở ống phế quản. Bởi vậy, các triệu chứng viêm tiểu phế quản cũng không rõ nét như viêm phế quản.
Bên cạnh đó, viêm tiểu phế quản có nguy hiểm không cũng là thắc mắc thường gặp, đặc biệt ở những cha mẹ mới có con nhỏ và lần đầu bị mắc bệnh.
Viêm tiểu phế quản cấp không quá nguy hiểm, nhưng khi điều trị không đúng cách, nó có thể gây ra một số biến chứng:
- Xẹp phổi: Thường gặp ở trẻ dưới 3 tháng tuổi bị viêm tiểu phế quản nặng. Tỷ lệ gặp phải từ 62 – 100%.
- Hội chứng suy hô hấp cấp (ARDS): Tình trạng cần phải cấp cứu ngay vì nó gây thiếu oxy máu trầm trọng.
- Mất nước: Dẫn tới mệt mỏi, yếu ớt.
- Ngừng thở: Thường gặp ở trẻ bị sinh non, trẻ nhẹ cân và dưới 44 tuần tuổi.
- Viêm tiểu phế quản bội nhiễm: Điều trị bội nhiễm sẽ khó khăn hơn, có nguy cơ kháng thuốc kháng sinh cao.
- Viêm phổi: Thường gặp ở bệnh nhi phải thở máy.
- Co giật, li bì: Do não không nhận đủ oxy.
- Tử vong: 79% trẻ gặp biến chứng này là dưới 1 tuổi.
Đặc biệt, một số nghiên cứu đã tìm ra mối liên hệ giữa viêm tiểu phế quản và hen suyễn. Theo đó, có trên 30% trẻ sơ sinh bị viêm tiểu phế quản do RSV sẽ bị hen suyễn khi lớn lên.
Ở người lớn, viêm tiểu phế quản tắc nghẽn một tình trạng hiếm gặp và khá nguy hiểm. Bệnh còn được gọi là viêm phổi tổ chức hóa (bronchiolitis obliterans). Bệnh này có thể gây ra sẹo ở tiểu phế quản. Sẹo sẽ chặn đường dẫn khí gây tắc nghẽn đường thở không thể phục hồi.
Nguyên nhân gây viêm tiểu phế quản
Đây một bệnh rất phổ biến trong mùa Thu, mùa Đông và đầu Xuân. Y học hiện đại đã xác định được nguyên nhân gây bệnh và các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh, qua đó giúp mọi người có chiến lược phòng ngừa, điều trị hiệu quả hơn.
Nguyên nhân thường gặp
Viêm tiểu phế quản thường là do các loại virus. Thủ phạm có thể là do nhiều loại virus khác nhau, trong đó có cúm. Tuy nhiên, tác nhân gây bệnh phổ biến nhất ở trẻ chính là virus hợp bào hô hấp – RSV.
Hầu hết trẻ em dưới 3 tuổi đều có thể nhiễm bệnh do RSV, triệu chứng thường nhẹ. Nhưng nó có thể gây viêm phế quản hoặc viêm phổi nếu điều trị sai cách.
Bé bị viêm tiểu phế quản tái đi tái lại là điều dễ gặp. Bởi lẽ, khả năng miễn dịch khi đã mắc virus này không kéo dài. Hơn nữa, bệnh cũng có thể được gây ra bởi các loại virus khác, như cúm hoặc cảm lạnh.
Ngoài những virus trên, adenovirus cũng là thủ phạm gây viêm tiểu phế quản ở trẻ. Chúng cũng gây ra khoảng 10% các ca bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính ở trẻ em.
Bệnh cũng có thể do các nguyên nhân khác (ít gặp hơn), bao gồm:
- Khói từ hóa chất, như amoniac, thuốc tẩy và clo
- Nhiễm trùng đường hô hấp
- Phản ứng khi dùng thuốc
Yếu tố nguy cơ
Viêm tiểu phế quản thường gặp nhất là ở trẻ 3 đến 9 tháng tuổi. Một vài yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bệnh này ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là:
- Không được bú sữa mẹ
- Sinh non, nhẹ cân, bị bệnh tim hoặc phổi
- Có hệ thống miễn dịch suy yếu
- Tiếp xúc với khói thuốc lá
- Dành nhiều thời gian trong môi trường đông đúc
- Dành nhiều thời gian với trẻ khác (như khu vui chơi, nhà trẻ, nhóm trẻ, bệnh viện…)
- Có người trong gia đình mắc bệnh
Đối với người trưởng thành, các yếu tố nguy cơ phổ biến nhất gây bệnh là:
- Làm việc trong môi trường nhiều hóa chất nguy hiểm
- Đã được ghép tim, phổi hoặc tủy xương
- Hút thuốc lá có chứa nicotine
- Bị bệnh mô liên kết tự miễn
Viêm tiểu phế quản có lây không?
Virus gây viêm phế quản lây lan dễ dàng qua không khí khi có người ho hoặc hắt hơi. Chúng có thể sống sót trên tay nắm cửa, bàn tay, đồ chơi, khăn giấy và các bề mặt khác.
Triệu chứng nhận biết viêm tiểu phế quản
Cả viêm tiểu phế quản do virus ở trẻ nhỏ và viêm tiểu phế quản tắc nghẽn ở người lớn đều có dấu hiệu và triệu chứng tương tự nhau. Bao gồm:
- Khó thở
- Khò khè
- Da xanh, nhợt nhạt do thiếu oxy
- Tiếng kêu lách tách hoặc tiếng rít trong phổi
- Mệt mỏi
- Khi hít vào thấy hằn rõ xương sườn (ở trẻ em)
- Mũi phập phồng (ở trẻ sơ sinh)
- Thở nhanh
- Ho
Trong vài ngày đầu, ở trẻ nhỏ, các dấu hiệu và triệu chứng của viêm tiểu phế quản tương tự như cảm lạnh, bao gồm sổ mũi, nghẹt mũi, ho, sốt nhẹ (không phải lúc nào cũng gặp) và biếng ăn.
Sau 1 tuần hoặc nhiều hơn, trẻ có thể thêm khó thở hoặc thở khò khè.
Đối với nguyên nhân là do tiếp xúc với hóa chất, các triệu chứng có thể xuất hiện trong vòng 2 tuần đến 1 tháng.
Nếu thấy trẻ có những dấu hiệu và triệu chứng sau đây, cha mẹ hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế nhanh chóng:
- Âm thanh khò khè ngày càng rõ
- Hít thở rất nhanh, hơn 60 nhịp thở một phút và thở nông
- Lõm bụng khi thở
- Bỏ bú hoặc bỏ ăn
- Mệt mỏi
- Khó ăn uống vì thở quá nhanh
- Nôn trớ nhiều
- Da tím tái, đặc biệt là môi và móng tay
- Đi tiểu ít hơn bình thường
- Quấy khóc, khóc không ra nước mắt
Trẻ bị viêm tiểu phế quản bao lâu thì khỏi?
Như đã nói, viêm tiểu phế quản bắt đầu với các triệu chứng tương tự như cảm lạnh, nhưng sau đó tiến triển thành ho, khò khè và đôi khi khó thở. Các triệu chứng có thể kéo dài vài ngày đến 1 – 2 tuần.
Hầu hết các trường hợp mắc bệnh có thể thuyên giảm và biến mất nếu được được chăm sóc đúng cách. Một tỷ lệ nhỏ trẻ phải nhập viện điều trị, đặc biệt là trẻ dưới 12 tuần tuổi, bị bệnh tim hoặc phổi.
Có khoảng 3% trẻ bị viêm tiểu phế quản cần phải nằm viện. Thông thường, trẻ có thể cảm thấy khá hơn và xuất viện trong khoảng 2 đến 5 ngày. Nếu bé bị khó thở và mất nước nghiêm trọng, bé có thể cẩn dùng tới máy thở và truyền dịch. Thời gian nằm viện sẽ kéo dài hơn, khoảng 4 đến 8 ngày.
Chăm sóc và điều trị viêm tiểu phế quản
Bác sĩ thường thăm khám thể chất cho những người nghi bị các bệnh đường hô hấp. Dùng ống nghe để lắng nghe nhịp thở và đếm nhịp thở mỗi phút để phát hiện bệnh nhân có thở nhanh hay không.
Với bệnh lý tiểu phế quản, bác sĩ ít khi yêu cầu chụp X-quang hoặc xét nghiệm máu. Nhưng nếu các triệu chứng của trẻ nghiêm trọng hoặc không rõ nguyên nhân gây ra chúng, bác sĩ có thể yêu cầu các xét nghiệm:
- X-quang lồng ngực: Điều này được thực hiện để tìm kiếm các dấu hiệu viêm phổi tiềm năng.
- Xét nghiệm máu: Kiểm tra xem bạch cầu tăng thế nào.
- Đo xung oxy: Một cảm biến được gắn vào ngón tay hoặc ngón chân để đo độ bão hòa oxy.
- Xét nghiệm dịch mũi: Giúp kiểm tra virus.
Viêm tiểu phế quản có tự khỏi được không? – Hầu hết các trường hợp viêm tiểu phế quản đều nhẹ và không cần điều trị y tế cụ thể, nhưng không thể tự khỏi. Để điều trị căn bệnh này, người bệnh cần thực hiện một số biện pháp như:
Biện pháp tại nhà
Trẻ bị viêm tiểu phế quản cần có thời gian để phục hồi, nghỉ ngơi nhiều và uống nhiều nước. Hãy chắc chắn rằng trẻ uống đủ bằng cách cung cấp chất lỏng với số lượng nhỏ thường xuyên. Đối với trẻ sơ sinh, hãy tăng cữ bú hoặc cho trẻ bú bình nhiều hơn.
Bạn có thể sử dụng máy phun sương hoặc máy làm ẩm trong phòng ngủ của trẻ để giúp làm lỏng chất nhầy trong đường thở và giảm ho và nghẹt mũi. Nên làm sạch các thiết bị này thường xuyên để ngăn ngừa sự tích tụ của nấm mốc hoặc vi khuẩn.
Không nên xông hơi cho trẻ nhỏ, vì điều này có thể tăng nguy cơ bị bỏng.
Dùng thuốc Tây
Luôn tham vấn bác sĩ trước khi cho trẻ uống thuốc. Đối với những trẻ đủ tuổi, cha mẹ có thể dùng thuốc để hạ sốt và giúp trẻ thoải mái hơn.
Paracetamol (Acetaminophen) và Ibuprofen là thuốc hạ sốt, giảm đau phổ biến. Tuy nhiên, cha mẹ nên lưu ý những điều sau:
- Paracetamol nồng độ 160mg/5ml chỉ dùng với trẻ trên 3 tháng, trẻ nhỏ hơn cần chỉ định đặc biệt của bác sĩ.
- Ibuprofen nồng độ 100mg/5ml chỉ dùng với trẻ trên 6 tháng, trẻ nhỏ hơn cần chỉ định đặc biệt của bác sĩ.
- Cả 2 thuốc trên không được dùng liên tiếp quá 5 ngày.
- Tuân thủ chính xác hướng dẫn về liều lượng thuốc giảm đau dựa trên độ tuổi và cân nặng của trẻ.
Không cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dùng thuốc ho, thuốc cảm lạnh và Aspirin. Những loại thuốc này vô dụng đối với tình trạng của trẻ hoặc gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hiểm.
Mẹo chữa dân gian tại nhà
Để giảm ho, thở khò khè, khó thở… và các triệu chứng khác của viêm tiểu phế quản, bạn có thể áp dụng mẹo dân gian như sau:
- Húng chanh: Giúp thanh nhiệt, lợi phế và giảm ho. Chỉ cần xay nhuyễn một nắm lá húng chanh và 4 – 5 quả quất xanh rồi cho ra bát, thêm đường phèn. Hấp cách thủy 20 phút. Sau đó, chắt lấy nước cốt và uống 1 – 2 lần mỗi ngày.
- Gừng tươi: Giúp giảm ho, giảm đờm và thông thoáng đường thở. Giã nguyễn 1 củ gừng già rồi đun cùng 300ml nước trong 30 phút. Đun tới sôi thì tắt bếp, lọc lấy nước trong. Pha nước gừng với 1 thìa mật ong, chia làm 2 lần, uống sáng và tối. Không dùng cho trẻ dưới 1 tuổi.
- Rau diếp cá: Rửa sạch một nắm rau diếp cá rồi giã nhuyễn. Cho rau diếp cá vào nồi, thêm 1 bát nước vo gạo. Khuấy đều, đun trên lửa nhỏ khoảng 20 phút cho tới khi sôi. Chắt nước cốt, để nguồi rồi uống, 2 – 3 lần mỗi ngày, trong 3 ngày. Chỉ áp dụng cho trẻ trên 6 tháng tuổi.
Trẻ bị viêm tiểu phế quản kiêng ăn gì, nên ăn gì?
Chế độ ăn uống rất quan trọng trong điều trị và giúp bệnh nhanh khỏi.
Dưới đây là lời giải cho câu hỏi người trưởng thành và trẻ bị viêm tiểu phế quản nên ăn gì:
- Uống nhiều nước.
- Bú sữa mẹ (với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ).
- Uống trà thảo dược, như trà bạc hà, trà cúc dại echinacea và trà mullein.
- Ăn nhiều rau xanh và trái cây có màu sắc sặc sỡ.
- Thực phẩm lên men giàu probiotic, như kimchi và sữa chua.
- Ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin C, như cam, quýt, kiwi…
- Ăn nhiều thực phẩm giàu kẽm, như đậu nành, hạt vừng, hải sản…
Bệnh nhân viêm tiểu phế quản nên kiêng:
- Thực phẩm nhiều caffeine và chứa cồn, như cà phê và bia rượu.
- Thực phẩm nhiều đường (bánh kẹo), muối (thịt muối, cá hộp), dầu mỡ…
- Đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, như gà rán hay khoai tây chiên.
Phòng ngừa viêm tiểu phế quản cho trẻ
Bởi vì virus gây viêm tiểu phế quản lây từ người sang người, nên một trong những cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh là rửa tay thường xuyên. Khi bị cảm lạnh hoặc bệnh đường hô hấp nào đó, cha mẹ nên đeo khẩu trang và rửa tay sạch sẽ trước khi chạm vào trẻ.
Nếu trẻ bị bệnh, hãy giữ trẻ ở nhà cho đến khi hết bệnh để tránh lây sang người khác.
Các cách ngăn ngừa khác:
- Hạn chế tiếp xúc với những người bị sốt hoặc cảm lạnh: Với trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ sinh non, hãy tránh tiếp xúc với người bị cảm lạnh, đặc biệt là trong 2 tháng đầu đời.
- Làm sạch và khử trùng bề mặt: Làm sạch và khử trùng các bề mặt và đồ vật thường được chạm vào, như đồ chơi và tay nắm cửa. Điều này đặc biệt quan trọng nếu trong gia đình có ai đó bị bệnh.
- Che miệng khi ho và hắt hơi: Che miệng và mũi bằng khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi. Sau đó vứt khăn giấy và rửa tay hoặc sử dụng chất khử trùng tay chứa cồn.
- Sử dụng đồ dùng cá nhân: Đừng chia sẻ đồ dùng cá nhân với người khác, bao gồm cốc uống nước, khăn mặt, bàn chải đánh răng.
- Cho con bú: Những trẻ được bú mẹ từ khi lọt lòng ít bị nhiễm trùng hô hấp hơn những trẻ uống sữa công thức. Nên cho bé bú ít nhất tới 6 tháng tuổi, bú lâu hơn nếu có thể.
- Tiêm phòng: Hiện vẫn chưa có vắc xin cho các nguyên nhân gây viêm phế quản phổ biến nhất (RSV và rhovovirus). Tuy nhiên, nên tiêm phòng cúm hàng năm kể từ 6 tháng tuổi.
Như đã nói, trẻ sơ sinh có nguy cơ nhiễm RSV cao, đặc biệt là trẻ sinh non, trẻ mắc bệnh tim, phổi hoặc có hệ thống miễn dịch yếu. Những trẻ này có thể được dùng thuốc Palivizumab (Synagis) để giảm khả năng nhiễm RSV.
Với những thông tin bổ ích nêu trên, mỗi người, đặc biệt là những ai đang nuôi con nhỏ, cần tự vạch ra một chiến lược phòng tránh viêm tiểu phế quản hợp lý. Tuy không phải là căn bệnh nguy hiểm, nhưng nó có thể dẫn tới nhiều biến chứng ở trẻ nhỏ. Cha mẹ cần thực sự lưu ý và cảnh giác.
Thông tin bổ ích:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!