Bé bị viêm tiểu phế quản bao lâu thì khỏi hoàn toàn?
Nội dung bài viết
Bé bị viêm tiểu phế quản bao lâu thì khỏi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm nguyên nhân gây bệnh, triệu chứng và cách điều trị.
Viêm tiểu phế quản là tình trạng viêm nhiễm cấp tính ở các ống dẫn khí nhỏ/tiểu phế quản. Virus hợp bào hô hấp (RSV – Respiratory Syncytial Virus) là “thủ phạm” gây viêm tiểu phế quản thường gặp nhất.
Ở bán cầu Bắc, thời điểm bùng phát RSV là từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau, đỉnh điểm vào tháng 1 hoặc tháng 2. Ở bán cầu Nam, bệnh bùng phát vào mùa Đông, xảy ra từ tháng 5 đến tháng 9, đỉnh điểm vào tháng 5, 6 và 7.
Ở vùng khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới, bùng phát RSV thường liên quan đến mùa mưa.
Trẻ sơ sinh thường rất khó tránh được nhiễm RSV. Hầu như trẻ nào cũng nhiễm RSV, ít nhất là 1 lần. Tuy nhiên, các lần nhiễm trùng sau đó thường có mức độ nhẹ hơn. Kể từ 2 tuổi, trẻ ít có nguy cơ bị viêm tiểu phế quản hơn, nhưng vẫn có thể bị nhiễm RSV.
Bé bị viêm tiểu phế quản bao lâu thì khỏi?
Các triệu chứng ban đầu của viêm tiểu phế quản thường giống như khi bị cảm lạnh. Bao gồm:
- Nghẹt mũi
- Sổ mũi
- Ho
- Sốt 38°C hoặc hơn (không phải lúc nào cũng xuất hiện)
Thông thường, sau vài ngày, các triệu chứng trên sẽ dần thuyên giảm. Nhưng đôi khi, sau 1 tuần hoặc lâu hơn, trẻ có thể bị thêm các triệu chứng khác:
- Ho dai dẳng, có thể kéo dài từ 14 ngày trở lên
- Thở khò khè
- Thở nhanh, thở gấp
- Bụng lõm vào khi thở, hằn rõ xương sườn
- Mệt mỏi
- Khóc nhưng không ra nước mắt
- Tiểu ít hơn bình thường
- Biếng ăn hoặc bỏ ăn do nghẹt mũi, thở nhanh
- Nôn trớ
- Mất nước
- Da tím tái, rõ nhất là ở môi và móng tay
Trẻ sơ sinh bị viêm tiểu phế quản, đặc biệt là trẻ sinh non, bị bệnh phổi hoặc tim bẩm sinh, có thể có thêm triệu chứng ngưng thở trong 15 – 20 giây.
Hầu hết trẻ sơ sinh bị viêm phế quản do virus phục hồi hoàn toàn trong vòng 7 – 10 ngày. Tuy nhiên, ở một số trẻ, các triệu chứng (phổ biến nhất là ho) có thể kéo dài trong 3 – 4 tuần.
Làm gì khi bé bị viêm tiểu phế quản?
Điều trị viêm tiểu phế quản cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không quá phức tạp. Các triệu chứng của bệnh có thể được cải thiện và khỏi hẳn nếu được chăm sóc đúng cách.
Cha mẹ nên lưu ý những điều sau khi điều trị viêm tiểu phế quản cho bé:
Chăm sóc khẩn cấp
Nên cho trẻ đi khám ngay nếu các triệu chứng viêm tiểu phế quản trở nên xấu hơn, đặc biệt là khi bé có triệu chứng:
- Khó chịu, mệt mỏi
- Ngừng thở
- Da tím tái
Điều trị triệu chứng
Cho tới nay, vẫn chưa có thuốc chữa viêm tiểu phế quản đặc hiệu. Mục tiêu chính vẫn là điều trị các triệu chứng, như khó thở và sốt.
Khi chăm sóc cho trẻ bị viêm tiểu phế quản tại nhà, cha mẹ nên:
Quan sát kỹ
Hãy để mắt tới trẻ nhiều hơn. Ghi nhớ và lưu tâm sự thay đổi của các triệu chứng sau:
- Nhịp thở nhanh
- Co thắt ngực
- Chảy nước mũi
- Màu da tím tái
- Ăn/bú ít
- Lượng nước tiểu giảm rõ rệt
Cha mẹ nên liên hệ với bác sĩ để thông báo các triệu chứng trên và biết được có nên cho bé đi khám không.
Kiểm soát sốt
Vì viêm phế quản là một bệnh nhiễm trùng do virus, nên thuốc kháng sinh sẽ không giúp ích gì. Thuốc kháng sinh chỉ tiêu diệt vi khuẩn, “bó tay” với virus.
Tuy vậy, nếu con bị sốt, cha mẹ có thể cho con dùng thuốc hạ sốt dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ. Thuốc Aacetaminophen (Tempra, Tylenol) có thể hạ sốt cho trẻ từ 3 tháng tuổi.
Trong khi đó, chỉ nên dùng Ibuprofen (Advil, Motrin) để hạ sốt cho trẻ lớn hơn 6 tháng tuổi. Không dùng Aspirin cho trẻ nhỏ (dưới 18 tuổi).
Để hạ sốt cho con mà không cần tới thuốc, cha mẹ nên:
- Cho trẻ mặc trang phục thoáng mát, rộng rãi, thấm hút mồ hôi tốt.
- Lau mát cho trẻ bằng nước ấm ở trán, nách và bẹn.
- Cho trẻ tắm bằng nước ấm. Nên tắm cho trẻ thật nhanh trong phòng kín gió.
- Quấn khăn ấm quanh 2 bắp chân của trẻ trong 20 phút. Sau đó, tháo khăn và lau khô chân của bé. Đây là cách hạ sốt hiệu quả của các bà mẹ châu Âu.
Bên cạnh đó, cha mẹ có thể học các mẹo giảm sốt theo kinh nghiệm dân gian:
- Lá cỏ mực: Rửa sạch 1 nắm lá cỏ mực (nhọ nồi), cho vào máy xay, thêm nước ấm và một chút muối rồi xay nhuyễn. Chắt lấy nước cốt cỏ mực, cho trẻ uống vài thìa để hạ sốt. Dùng bã cỏ mực để đắp vào trán, 2 nách, 2 bẹn và 2 lòng bàn chân của trẻ.
- Rau diếp cá: Cách làm và cách dùng giống như lá cỏ mực.
- Quả chanh ta: Xắt chanh thành lát mỏng rồi chà lên trán, dọc sống lưng và khủy tay, chân. Hoặc, đắp vài lát chanh tươi lên lòng bàn chân và cổ tay của trẻ.
Nhỏ mũi hoặc hút mũi
Đối với trẻ lớn, cha mẹ có thể nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý cho con. Sau đó, hướng dẫn trẻ xì nước mũi ra. Nước muối có thể giúp diệt khuẩn, giảm nghẹt mũi và sổ mũi.
Trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi không thể tự xì mũi, nên cha mẹ có thể áp dụng hút mũi cho trẻ.
Ngoài ra, dùng máy tạo ẩm hoặc máy phun sương có thể cấp thêm độ ẩm cho không khí. Điều này giúp trẻ dễ thở và ngủ ngon hơn.
Chế độ ăn uống
Nạp đủ chất lỏng cho cơ thể là điều vô cùng quan trọng. Hãy khuyến khích trẻ uống nhiều nước, soup hoặc nước hầm xương để tránh mất nước.
Khi vị viêm tiểu phế quản, trẻ thường mất cảm giác ngon miệng và có thể biếng ăn, ăn ít hơn bình thường. Lúc này, cha mẹ đừng ép trẻ ăn quá nhiều. Hãy cho trẻ ăn các món ăn loãng, mềm và giàu dinh dưỡng. Cha mẹ cũng nên chia nhỏ khẩu phần và tăng thêm bữa ăn trong ngày.
Các giải pháp khác
Không nên dùng thuốc ho, thuốc thông mũi và thuốc an thần cho trẻ nhỏ. Bởi lẽ, thuốc ho và thuốc thông mũi đã được nhiều nghiên cứu chứng minh là không có tác dụng với bệnh hô hấp ở trẻ sơ sinh.
Thuốc an thần có thể làm ẩn đi các triệu chứng thiếu oxy trong máu và khó thở. Điều này gây khó khăn trong việc điều trị viêm tiểu phế quản cho bé.
Ho là cách làm sạch phổi tự nhiên và cha mẹ thường không cần phải điều trị triệu chứng này ở trẻ. Khi phổi lành lại, cơn ho do virus gây ra sẽ hết. Cha mẹ cũng nên tránh hút thuốc lá trong nhà hoặc xung quanh trẻ, vì nó có thể làm cho trẻ bị ho nhiều hơn.
Thuốc kháng sinh vô dụng trong điều trị viêm tiểu phế quản. Tuy nhiên, kháng sinh có thể cần thiết nếu trẻ bị viêm tiểu phế quản bội nhiễm, hoặc kết hợp với viêm tai giữa hoặc viêm phổi do vi khuẩn (ít gặp).
Đôi khi, cho trẻ gối cao đầu cũng có thể làm giảm các triệu chứng khó chịu do viêm tiểu phế quản. Tuy nhiên, không khuyến khích áp dụng cách làm này cho trẻ dưới 12 tháng tuổi.
Chăm sóc tại bệnh viện
Có khoảng 3% trẻ bị viêm tiểu phế quản sẽ cần theo dõi và điều trị trong bệnh viện. Những trẻ xuất hiện triệu chứng nặng có thể phải dùng máy thở và truyền dịch.
Khi bé nằm viện để điều trị viêm tiểu phế quản, cha mẹ nên lưu ý:
Tránh lây nhiễm
Vì virus gây viêm phế quản có thể lây lan mạnh mẽ, nên cha mẹ phải thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm.
Cha mẹ có thể đến thăm (và ở lại phòng bệnh để chăm sóc con), nhưng không nên để người khác đến thăm bệnh nhi. Cha mẹ cũng nên rửa tay trước và sau khi rời khỏi phòng bệnh.
Hầu hết trẻ nhập viện để điều trị bệnh viêm tiểu phế quản đều có thể xuất viện trong vòng 2 đến 5 ngày. Ở những bé cần phải thở máy và truyền dịch, thời gian xuất viện có thể sẽ lùi lại thêm 2 – 3 ngày nữa.
Sau khi xuất viện, một số trẻ cẫn có thể bị thở khò khè trong 1 tuần hoặc lâu hơn. Có thể phải mất đến 4 tuần để trẻ trở lại với trạng thái bình thường. Ở những trẻ sinh non hoặc mắc bệnh mãn tính, thời gian phục hồi có thể kéo dài hơn.
Cha mẹ cũng nên thực hiện những điều sau để ngăn ngừa bé bị viêm tiểu phế quản tái đi tái lại:
- Tránh tiếp xúc với những người bị bệnh đường hô hấp, đặc biệt với trẻ sinh non và trẻ dưới 8 tuần tuổi.
- Khử trùng các bề mặt trong gia đình và đồ chơi của bé thường xuyên.
- Che miệng bằng giấy hoặc khuỷu tay khi ho và hắt hơi. Rửa tay ngay sau đó.
- Không dùng chung đồ dùng cá nhân (bàn chải đánh răng, cốc uống nước, khăn mặt…) với bất cứ ai.
- Cho trẻ bú sữa mẹ.
- Tiêm vắc xin phòng cúm mỗi năm, kể từ 6 tháng tuổi.
Bài viết trên đây đã giải đáp thắc mắc bé bị viêm tiểu phế quản bao lâu thì khỏi hoàn toàn. Để rút ngắn thời gian hồi phục, cha mẹ nên lưu tâm tới mọi triệu chứng của trẻ, tham vấn bác sĩ trước khi dùng thuốc và có chiến lược chăm sóc trẻ đúng đắn.
Cẩm nang cha mẹ:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!