Bị viêm phế quản có nên uống nước cam không?
Nội dung bài viết
Khi bị viêm phế quản, người bệnh cần bổ sung thêm nhiều dưỡng chất để giúp các triệu chứng nhanh thuyên giảm và rút ngắn thời gian hồi phục. Vậy viêm phế quản có nên uống nước cam không? Phải làm gì khi mắc viêm phế quản?
Viêm phế quản có nên uống nước cam không?
Nước cam tươi là một nguồn dinh dưỡng tuyệt vời và được coi là một trong những “siêu thực phẩm” được yêu thích nhất hiện nay.
Lợi ích của nước cam đối với sức khỏe
Một cốc nước cam (235ml) cung cấp: 110kcal calo, 25gr carbohydrate, 21gr đường, 0,5gr chất xơ, 2gr protein, 0,32gr chất béo, 82mg vitamin C, 0,28mg thiamin, 45mcg DFE folate, 0,13mg vitamin B6, 194IU vitmain A, 0,7mg niacin, 473mg kali, 27mg magie, 0,42mg sắt, 2mg natri.
Vitamin C là dưỡng chất nổi tiếng nhất có trong nước cam. Chất chống oxy hóa mạnh mẽ này đã được chứng minh là có thể mang lại vô vàn lợi ích cho sức khỏe.
Bao gồm:
- Chống ung thư
- Góp phần sản xuất collagen, tăng cường sức khỏe của làn da
- Thúc đẩy hệ thống miễn dịch
- Thúc đẩy quá trình hấp thụ sắt vào máu
Trong quả cam cũng chứa dưỡng chất choline và zeaxanthin.
Choline là một dưỡng chất quan trọng trong cam giúp ngủ ngon, hỗ trợ cơ bắp, học tập và trí nhớ. Nó cũng hỗ trợ việc truyền các xung thần kinh, hỗ trợ quá trình hấp thụ chất béo và giảm viêm mãn tính.
Trong khi đó, zeaxanthin là một loại chất chống oxy hóa có thể giảm viêm mạnh mẽ. Theo các nhà khoa học Costa Rica và Mỹ, zeaxanthin có thể mang lại lợi ích tích cực cho tim, gan, da và mắt.
Nhờ vào hàm lượng dưỡng chất dày đặc, nước cam cũng đã được công nhận những tác dụng sau:
- Duy trì huyết áp ổn định
- Giảm viêm khớp
- Ngăn ngừa sỏi thận
- Ngăn ngừa loét ở dạ dày và ruột non
- Hỗ trợ giảm cân
Nước cam và viêm phế quản
Viêm phế quản là bệnh tại đường hô hấp dưới, do lớp niêm mạc ống phế quản bị viêm. Viêm phế quản có triệu chứng dễ nhận biết bao gồm:
- Ho
- Ho có đờm, kéo dài
- Sốt
- Mệt mỏi
- Thở khò khè
- Khó thở
- Tức ngực
Trong một số nghiên cứu khoa học, nước cam đã được sử dụng để tìm hiểu tác dụng với bệnh viêm phế quản và các triệu chứng của bệnh.
Một nghiên cứu trên trẻ em Italy đã kiểm tra xem liệu rằng trái cây giàu vitamin C có giúp ích gì cho trẻ bị thở khò khè và các triệu chứng hô hấp khác. Như đã biết, thở khò khè là triệu chứng thường gặp ở trẻ bị viêm phế quản.
Kết quả cho thấy việc ăn các trái cây giàu vitamin C (kiwi và trái cây có múi, như cam, quýt), ngay cả khi ăn với lượng nhỏ, cũng có thể giảm triệu chứng khò khè ở trẻ.
Trong cuốn sách Heal without Pill của H.K.Bakhru – một bác sĩ người Ấn, nước cam cũng đã sử dụng để giảm các triệu chứng viêm phế quản cấp tính.
Theo đó, bệnh nhân nên thực hiện chế độ nhịn ăn (không ăn gì cả trong một thời gian nhất định). Trong thời gian nhịn ăn, từ 8h sáng tới 20h tối (12 tiếng), bệnh nhân chỉ cần uống nước ép của 1 quả cam pha với 1 cốc nước ấm sau mỗi 2 tiếng.
Sau đó, bệnh nhân nên áp dụng chế độ ăn trái cây tươi nguyên quả trong 2 – 3 ngày.
Đông y cũng công nhận những lợi ích của nước cam trong hỗ trợ giảm ho. Theo đó, nước cam có vị ngọt mát, hơi chua, giúp giải khát và khai vị. Vỏ cam có tinh dầu thơm, vị cay, tính ấm nên giúp tiêu đờm và đả thông khí trệ tốt.
Theo Live Strong, axit citric có trong nước cam có thể kích ho để loại bỏ đờm khỏi cổ họng. Trong khi đó, vitamin C từ cam có thể giảm tích tụ đờm.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, nước cam có thể là “con dao 2 lưỡi”. Uống quá nhiều nước cam có thể khiến bạn ho nhiều và dễ bị khàn giọng. Đối với những người bị đau họng, nên tránh nước cam. Vì nước cam có thể khiến cổ họng của bạn khó chịu hơn.
Như vậy, đối với câu hỏi “Viêm phế quản có nên uống nước cam không?”, câu trả lời là “Có”, nhưng phải đúng cách.
Hướng dẫn cách uống nước cam đúng cách khi bị viêm phế quản
Bạn có thể mua nước cam đóng hộp tại các siêu thị hay cửa hàng thực phẩm. Tuy nhiên, loại nước cam này thường đã được lọc bỏ tép và thịt quả. Các sản phẩm bán sẵn này cũng được tiệt trùng bằng nhiệt để làm bất hoạt các enzyme.
Tiệt trùng cũng tiêu diệt các vi khuẩn gây thiu hỏng thực phẩm. Quy trình làm nước cam đóng hộp có thể làm hao hụt các dưỡng chất quý có trong cam tươi.
Do đó, loại nước cam tốt nhất cho sức khỏe là loại cam tươi tự vắt tại nhà. Bạn nên uống nước cam vắt nguyên chất, hạn chế cho thêm đường hoặc đá lạnh.
Nếu muốn uống nước cam khi bị viêm phế quản, bạn nên lưu ý những điều sau:
- Dị ứng cam rất hiếm gặp, nhưng nếu bạn thấy các dấu hiệu bất thường khi uống nước cam, hãy ngừng uống và quan sát các dấu hiệu.
- Đối với những người bị ợ nóng, uống nước cam có thể làm cho các triệu chứng nặng hơn. Do nước cam có chứa axit citric và axit ascobic (vitamin C).
- Uống nước cam nhiều có thể gây sâu răng, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Vì vậy, nên dùng ống hút khi uống nước cam để hạn chế axit trong nước cam có thể gây hại men răng.
- Những người bị đái tháo đường không nên uống nhiều nước cam, vì nước cam có chứa lượng đường khá cao.
- Không nên uống nước cam khi bạn mắc viêm loét dạ dày, tá tràng và vừa phẫu thuật đường tiêu hóa.
- Ở những bệnh nhân viêm phế quản đang uống thuốc kháng sinh để điều trị bệnh, nên tham vấn bác sĩ, chuyên gia y tế trước khi uống nước cam.
Uống nước cam lúc nào cũng rất quan trọng để nhận được nhiều lợi ích hơn từ thực phẩm này:
- Nên uống nước cam sau khi ăn 1 – 2 tiếng đồng hồ.
- Uống nước cam ngay sau khi vắt là tốt nhất.
- Không uống nước cam ngay trước khi ngủ hoặc vào buổi tối. Điều này có thể gây trào ngược axit khi ngủ và kích đi tiểu đêm nhiều.
- Không uống nước cam sau khi uống sữa bò. Điều này có thể gây chướng bụng, đau quặn bụng, tiêu chảy…
- Không uống nước cam ngay sau khi uống thuốc điều trị bệnh, đặc biệt là thuốc chống đông máu.
- Không uống nước cam cùng với hải sản. Asen pentavenlent có trong hải sản có thể phản ứng với vitamin C, chuyển hóa thành asen trioxide (thạch tín) và gây ngộ độc.
Lưu ý:
- Trẻ từ 1 – 6 tuổi: Không nên uống quá 4 – 6 ounce (khoảng 118 – 177ml) nước ép cam mỗi ngày
- Trẻ từ 7 tuổi trẻ lên và người lớn: Không uống quá 8 ounce (khoảng 235ml) nước ép cam mỗi ngày.
Nên làm những gì khi bị viêm phế quản?
Khi bị viêm phế quản, bệnh nhân thường được khuyến nghị nên nghỉ ngơi nhiều. Bệnh nhân viêm phế quản nên uống nhiều nước và có thể dùng thuốc không kê đơn. Thuốc không kê đơn, như Ibuprofen, có thể giúp giảm ho và giảm đau.
Phần lớn các trường hợp bị viêm phế quản cấp thường tự khỏi, không cần điều trị.
Các triệu chứng viêm phế quản mãn tính có thể thuyên giảm và cải thiện trong một thời gian nhất định. Tuy nhiên, bệnh có thể tái phát. Các triệu chứng cũng trở nên nặng hơn nếu có tiếp xúc với khói hoặc các tác nhân khác.
Nên tham vấn bác sĩ, thầy thuốc trước khi dùng thuốc ho, thuốc giãn phế quản và thuốc kháng sinh để điều trị viêm phế quản, đặc biệt đối với trẻ nhỏ.
Một nghiên cứu năm 2014 cho thấy rằng thuốc kháng sinh không hiệu quả trong điều trị viêm phế quản cấp tính. Tuy vậy, tỷ lệ kê đơn thuốc kháng sinh cho tình trạng này vẫn là 71%.
May mắn là vẫn có những biện pháp tại nhà giúp giảm viêm phế quản cấp và mãn tính:
- Sử dụng máy tạo độ ẩm: Giúp làm loãng đờm, giảm ho.
- Uống nước ấm: Cũng giúp làm loãng đờm và ho ra đờm dễ hơn.
- Đeo khẩu trang: Đặc biệt là trong thời tiết lạnh.
- Uống mật ong: Trị ho hiệu quả.
- Dùng tinh dầu: Tinh dầu khuynh diệp, tràm trà, xạ hương, bạc hà… giúp giảm khó thở.
- Thực phẩm chức năng: Bổ sung vitamin D, N-acetyl cysteine (NAC), probiotic… giúp giảm triệu chứng viêm phế quản.
Bên cạnh đó, viêm phế quản cấp có thể thành mãn tính do điều trị không đúng cách và thói quen ăn uống sai lầm. Việc sử dụng các thực phẩm tinh chế như đường trắng, ngũ cốc tinh chế và các sản phẩm bột… có thể dẫn đến sự tích tụ chất độc tại ống phế quản.
Điều chỉnh chế độ ăn uống cũng được cho có thể giúp hỗ điều trị viêm phế quản. Người bệnh nên tránh ăn các thực phẩm kể trên, tăng cường ăn rau củ quả, thịt nạc, trứng, ngũ cốc nguyên hạt…
Trên đây là những thông tin hữu ích về viêm phế quản có nên uống nước cam không và chăm sóc người bị viêm phế quản như thế nào. Nếu thấy các triệu chứng viêm phế quản kéo dài quá 3 tuần, kèm theo sốt hoặc khó ngủ, hãy đi khám ngay.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!