Viêm bao hoạt dịch khớp vai và thông tin cần biết
Nội dung bài viết
Bệnh viêm bao hoạt dịch khớp vai là hiện tượng sưng viêm xảy ra ở túi chứa chất lỏng nằm ở khớp vai. Nguyên nhân gây bệnh là do khớp phải chịu nhiều áp lực và bị chấn thương khi các cử động ở vai được lặp đi lặp lại liên tục. Những thông tin dưới đây có thể giúp bạn phát hiện sớm bệnh viêm bao hoạt dịch khớp vai và hiểu rõ hơn về cách điều trị căn bệnh này.
Viêm bao hoạt dịch khớp vai là gì?
Bao hoạt dịch là một túi chứa nhiều chất lỏng nằm gần khớp vai hay các khớp khác trên cơ thể. Bộ phận này có chức năng làm giảm hiện tượng ma sát và áp lực cho các đầu xương trong ở khớp cũng như hệ thống gân cơ gần khớp.
Bệnh viêm bao hoạt dịch khớp vai được chuẩn đoán khi bao hoạt dịch có biểu hiện bị viêm sưng khiến bệnh nhân đau đớn và gặp khó khăn khi thực hiện các cử động ở vai. Bệnh thường xảy ra ở các vận động viên thể thao hoặc người có bệnh lý ở khớp vai.
Bệnh viêm bao hoạt dịch nếu không được điều trị sớm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chức năng vận động của khớp vai. Tổn thương do nhiễm trùng gây ra cũng có thể lan rộng vào ổ khớp gây hủy hoại xương, sụn. Do vậy, bạn nên tích cực tìm hiểu nguyên nhân và có phương pháp khắc phục phù hợp nay khi nhận thấy dấu hiệu bệnh.
Nguyên nhân gây viêm bao hoạt dịch khớp vai
Bệnh viêm bao hoạt dịch khớp vai có thể xảy ra vì một trong những nguyên nhân dưới đây:
- Khớp vai phải chịu nhiều áp lực trong thời gian dài, thường gặp nhất là ở những người thường xuyên phải khuôn vác vật nặng hay thực hiện các cử động ở khớp vai quá mức.
- Có chấn thương ở khớp vai trước đó
- Bao hoạt dịch ở vai bị nhiễm khuẩn
- Tham gia các môn thể thao sử dụng lực của đôi tay nhiều như bóng chuyền, cầu lông, ném lao… gây tổn thương cho bao hoạt dịch khớp vai và khiến cho bộ phận này bị viêm.
- Ngoài ra, bệnh viêm bao hoạt dịch khớp vai còn được xem là biến chứng của các bệnh lý xương khớp xảy ra ở vai như viêm quanh khớp vai, thoái hóa khớp vai hay bệnh viêm khớp dạng thấp…
Triệu chứng bệnh viêm bao hoạt dịch khớp vai
Bệnh viêm bao hoạt dịch khớp vai biểu hiện ra bên ngoài với các triệu chứng khá đa dạng, tùy thuộc vào mức độ viêm cũng như nguyên nhân gây bệnh. Khi mắc căn bệnh này, bạn có thể gặp các dấu hiệu dưới đây:
- Khớp vai bị bệnh sưng to, có cảm giác nóng ấm khi chạm vào
- Bệnh gây đau nhức ở khu vực ảnh hưởng. Cơn đau có thể được cảm nhận rõ ràng mỗi khi thực hiện các cử động tại khớp vai, chẳng hạn như nâng tay lên, xuống, đưa sang ngang… Một số trường hợp còn bị đau ngay cả những lúc nghỉ ngơi.
- Khó chịu và đau khi nằm nghiêng
- Các cử động ở khớp vai bị hạn chế, bệnh nặng có thể không thể cử động được
- Trường hợp bị viêm bao hoạt dịch khớp vai do nhiễm khuẩn có thể khiến bệnh nhân bị sốt.
Khi nào nên đi khám bác sĩ?
Hiện tượng sưng viêm xảy ra ở bao hoạt dịch khớp vai không chỉ khiến người bệnh đau đớn và gặp khó khăn trong công việc, sinh hoạt hàng ngày mà còn có thể gây viêm khớp vai cục bộ nếu không được kiểm soát tốt. Chính vì vậy, bạn nên đi gặp bác sĩ ngay khi gặp bất kỳ triệu chứng nào nghi ngờ mắc bệnh để được chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt.
Chẩn đoán bệnh viêm bao hoạt dịch khớp vai
Những kỹ thuật y tế đang được áp dụng để chẩn đoán bệnh viêm bao hoạt dịch khớp vai bao gồm:
– Thăm khám lâm sàng:
Bác sĩ sẽ trao đổi với bạn về tiền sử mắc bệnh, các triệu chứng đang gặp phải, kết hợp thăm khám thực thể bên khớp vai bị ảnh hưởng:
- So sánh hiện trạng giữa hai bên khớp vai. Khu vực khớp bị ảnh hưởng thường có biểu hiện sưng to, phù nề hơn so với bên không bị bệnh.
- Dùng tay ấn nhẹ vào xung quanh khớp vai để tìm kiếm vị trí đau, nóng, xác định mức độ đau cũng như nguồn gốc của cơn đau.
- Quan sát bằng mắt thường để tìm kiếm dấu hiệu bị nhiễm trùng, sưng đỏ ở khớp vai
- Bạn cũng sẽ được bác sĩ yêu cầu thực hiện một số cử động tại khớp bị ảnh hưởng nhằm đánh giá được phạm vi chuyển động của khớp cũng như mức độ nghiêm trọng của cơn đau mỗi khi cử động.
– Thực hiện các xét nghiệm hình ảnh
Để xác định mức độ tổn thương viêm trong bao hoạt dịch và chẩn đoán phân biệt căn bệnh này với các vấn đề xương khớp khác có triệu chứng tương tự, bác sĩ có thể đề nghị bạn thực hiện một số xét nghiệm hình ảnh như:
- Siêu âm khớp vai: Kỹ thuật này sử dụng sóng siêu âm để ghi nhận lại hình ảnh cấu trúc bên trong cũng như xung quanh khớp vai. Qua đó có thể giúp bác sĩ hình dung được rõ ràng tổn thương bên trong bao hoạt dịch.
- Chụp x-quang: Hình ảnh trên phim chụp x-quang cho phép xác nhận được vấn đề đang gặp ở khớp vai của bạn là viêm bao hoạt dịch hay một bệnh lý xương khớp nào khác, chẳng hạn như viêm khớp, thoái hóa khớp vai.
- Chụp cộng hưởng từ MRI: Phương pháp này sử dụng sóng radio kết hợp với từ trường mạnh để có thể phác họa được chi tiết hình ảnh cấu trúc bên trong khớp vai, bao gồm cả bao hoạt dịch.
– Sinh thiết dịch:
Trường hợp bạn được nghi ngờ bị viêm bao hoạt dịch khớp vai do nhiễm trùng, bác sĩ sẽ tiến hành chọc hút lấy một ít mẫu dịch bên trong bao hoạt dịch bị viêm bằng kim chuyên dụng. Mẫu bệnh phẩm sau đó được đem vào phòng thí nghiệm để làm sinh thiết nhằm xác định được sự hiện diện của vi khuẩn gây nhiễm trùng.
Cách điều trị viêm bao hoạt dịch khớp vai
Phương pháp chữa viêm bao hoạt dịch khớp vai được lựa chọn chủ yếu nhằm mục đích cải thiện tình trạng viêm nhiễm cùng các triệu chứng bạn đang gặp phải, đồng thời giải quyết nguyên nhân gây bệnh có liên quan. Căn cứ vào kết quả chẩn đoán, bác sĩ có thể chỉ định một trong các phương pháp dưới đây để điều trị bệnh cho bạn.
1. Dùng thuốc trị viêm bao hoạt dịch khớp vai
Các thuốc giảm đau, kháng viêm thường được sử dụng để xoa dịu cơn đau nhức khó chịu và làm giảm sưng viêm ở khớp bị ảnh hưởng. Trong trường tìm thấy vi khuẩn trong mẫu dịch khớp được xét nghiệm, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh để tiêu diệt tác nhân gây bệnh và chống lại hiện tượng nhiễm trùng trong bao hoạt dịch khớp vai.
Nếu không đáp ứng được với các loại thuốc điều trị trên và bệnh viêm bao hoạt dịch khớp vai xảy ra trong thời gian dài, bạn có thể được chỉ định dùng corticosteroid. Loại thuốc này được tiêm trực tiếp vào trong bao hoạt dịch. Thuốc có tác dụng kháng viêm mạnh, có thể giúp cải thiện tình trạng sưng đau khớp vai sau khoảng vài ngày.
2. Vật lý trị liệu chữa viêm bao hoạt dịch khớp vai
Phương pháp vật lý trị liệu cũng được ứng dụng trong điều trị bệnh viêm bao hoạt dịch khớp vai. Chuyên gia vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn cho bạn tập luyện một số bài tập đơn giản để củng cố sức mạnh cho các cơ bắp ở tay, đồng thời cải thiện phạm vi hoạt động và tính linh hoạt của khớp vai.
Ngoài ra, các phương pháp vật lý trị liệu khác như chiếu đèn hồng ngoại, nhiệt trị liệu hay điện trị liệu… cũng có thể được thực hiện. Chúng có tác dụng tích cực trong việc giảm đau, chống sưng viêm tại khớp, đồng thời tăng cường lưu thông máu đến chữa lành khu vực bị tổn thương.
3. Chọc hút dịch
Với phương pháp này, bác sị sẽ dùng một cây kim chuyên dụng chọc trực tiếp vào trong bao hoạt dịch để hút bớt lượng dịch dư thừa ra ngoài. Điều này có thể giúp tổn thương viêm trong bao hoạt dịch khớp vai nhanh được chữa lành hơn.
Khi chọc hút dịch, bạn có thể bị đau nhẹ ở khớp vai trong thời gian ngắn. Bác sĩ có thể đề nghị bạn mang nẹp cố định ở khớp vai sau khi hút dịch để giảm bớt tình trạng sưng đau.
4. Phẫu thuật điều trị viêm bao hoạt dịch khớp vai
Phẫu thuật được chỉ định cho các trường hợp viêm bao hoạt dịch khớp vai nặng, bệnh có tính chất mãn tính, tái phát nhiều lần hoặc đã áp dụng các phương pháp điều trị nội khoa nhưng không có hiệu quả. Trong ca phẫu thuật, bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ bao hoạt dịch bị tổn thương.
Hiện nay, phương pháp mổ cắt bao hoạt dịch đang được áp dụng phổ biến là phẫu thuật nội soi. Đây là một phương pháp an toàn, ít gây chảy máu hoặc biến chứng sau mổ, thời gian hồi phục cũng nhanh hơn so với mổ hở truyền thống.
Chế độ sinh hoạt khi bị viêm bao hoạt dịch khớp vai
Để đẩy nhanh hiệu quả điều trị bệnh viêm bao hoạt dịch khớp vai, bạn có thể thực hiện một số giải pháp dưới đây:
- Hạn chế các cử động tại khớp vai: Việc vận động có thể khiến cơn đau trở nên tồi tệ hơn và làm bao hoạt dịch tổn thương nghiêm trọng hơn. Vì vậy, trong thời gian điều trị bạn hãy để khớp vai được nghỉ ngơi nhiều và tạm ngưng các hoạt động mạnh có thể khiến triệu chứng bệnh bùng phát.
- Chườm lạnh: Đắp một cái khăn lạnh hoặc chườm bọc đá lạnh lên khớp vai bị tổn thương có thể giúp bạn tạm thời loại bỏ được cảm giác đau đớn và giảm sưng viêm cho bao hoạt dịch khớp vai. Thời gian chườm lạnh diễn ra trong khoảng 20 phút mỗi lần và bạn có thể lặp lại 3 – 4 lần trong ngày để dễ chịu hơn.
- Mang nẹp cố định ở khớp vai: Khi bao hoạt dịch bị tổn thương, bạn nên mang nẹp hay băng thun cố định ở khớp vai để khớp được nghỉ ngơi và không phải chịu thêm bất cứ tác động nào khác.
Bệnh viêm bao hoạt dịch khớp vai có thể tái phát trở lại nếu không có biện pháp dự phòng bệnh thích hợp. Do vậy, bạn nên chú ý tránh để khớp vai phải chịu nhiều áp lực, không khuôn vác vật nặng quá mức, tránh nằm ngủ quá lâu ở tư thế nằm nghiêng khiến khớp vai bị tì đè. Nếu phải hoạt động khớp vai nhiều, hãy dành ra vài phút nghỉ ngơi mỗi tiếng và xoa bóp cho khu vực này để khớp được thư giãn và lưu thông máu tốt hơn.
Có thể bạn quan tâm
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!