Tê bì chân tay là bệnh gì? Dấu hiệu và cách điều trị
Nội dung bài viết
Bạn có thể bị tê bì chân tay do giữ một tư thế quá lâu, gây nhiều áp lực lên dây thần kinh hoặc làm giảm lưu lượng máu. Tuy nhiên, tê bì kéo dài hoặc không thể giải thích nguyên nhân có thể là dấu hiệu của một tình trạng y tế tiềm ẩn.
Bị tê bì chân tay là bệnh gì? Dấu hiệu nhận biết?
Hiện tượng tê bì chân tay khi mang thai, tê bì chân tay ở người tiểu đường (đái tháo đường) và ở người cao tuổi rất thường gặp.
Thực tế, tê bì chân tay không phải là bệnh, nó chỉ là một trong nhiều triệu chứng do nguyên nhân sinh lý và bệnh lý gây ra. Khi đó, bạn có thể cảm thấy tê, mỏi, ngứa ran hoặc nhức nhối ở dưới da. Hoặc cảm giác như có con gì đó đang bò ở dưới da.
Dấu hiệu tê bì chân tay ban đầu có thể khởi phát nhẹ nhàng. Người bệnh cảm giác tê rần ở các đầu ngón tay, rồi lan dần lên trên bàn tay, cổ tay, cẳng tay…
Ở chân, các cảm giác cũng diễn ra như vậy. Nếu nặng, nó có thể gây mất cảm giác ở tay/chân bị ảnh hưởng.
Tìm kiếm sự trợ giúp y tế khẩn cấp ngay lập tức nếu bạn bị tê bì chân tay kèm các triệu chứng sau đây:
- Tê toàn bộ cánh tay hoặc chân
- Lú lẫn
- Tê bì chân tay sau chấn thương đầu
- Đau đầu đột ngột
- Tê bì chân tay khởi phát đột ngột
- Nói khó, nói nhịu
- Đau ngực
- Khó thở
- Yếu hoặc tê liệt tứ chi
Bạn cũng nên đi khám ngay nếu các triệu chứng:
- Chỉ ảnh hưởng đến một phần của chi, chẳng hạn như ngón chân hoặc ngón tay
- Trở nặng dần mà không xác nhận được nguyên nhân rõ ràng
- Trở nên nặng hơn khi bạn chuyển động lặp đi lặp lại, chẳng hạn như gõ bàn phím
Nguyên nhân tê bì chân tay
Có nhiều nguyên nhân gây tên bì chân tay. Bệnh tê bì chân tay có nguy hiểm không cũng còn phải phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Nguyên nhân tê bì ở chân và bàn chân
Thông thường, chân có thể tạm thời bị tê vì tư thế đứng hoặc ngồi. Tuy nhiên, tê bì mãn tính hoặc kéo dài ở bàn chân và chân hầu như luôn là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn nào đó.
Tê bì ở chân và bàn chân có thể là do:
- Tư thế
Các tư thế gây áp lực lên dây thần kinh hoặc giảm lưu thông máu ở chi dưới là nguyên nhân gây tê tạm thời ở chân và bàn chân phổ biến nhất.
Những thói quen có thể khiến chân bị bị tê bì khó chịu bao gồm: Ngồi bắt chéo chân quá lâu; Ngồi hoặc quỳ trong thời gian dài; Ngồi khoanh chân hoặc gập chân; Mặc quần, đi tất (vớ) hoặc giày quá chật.
- Thương tật
Chấn thương ở thân, cột sống, hông, chân, mắt cá chân và bàn chân có thể gây áp lực lên dây thần kinh và khiến chân tê bì.
- Bệnh đái tháo đường
Một số người mắc đái tháo đường phát triển biến chứng thần kinh gọi là bệnh thần kinh do đái tháo đường. Tình trạng này có thể gây tê, ngứa ran và đau ở bàn chân. Trong nhiều trường hợp nghiêm trọng, người bệnh cũng có thể bị đau ở toàn bộ chân.
- Đau thần kinh tọa và thắt lưng
Các vấn đề ở thắt lưng, chẳng hạn như thoát vị đĩa đệm cột sống, có thể chèn ép dây thần kinh đi đến chân, dẫn đến tê hoặc rối loạn cảm giác.
Đau thần kinh tọa là tình trạng kích thích dây thần kinh tọa, chạy từ thắt lưng đến chân. Khi dây thần kinh này bị kích thích hoặc bị đè nén, người bệnh có thể bị tê hoặc ngứa ran ở chân hoặc bàn chân.
- Hội chứng đường hầm cổ chân
Hội chứng này xảy ra khi một dây thần kinh chạy xuống phía sau chân, dọc theo bên trong mắt cá chân và vào bàn chân bị đè nén, chèn ép hoặc tổn thương. Những người mắc hội chứng này có xu hướng cảm thấy tê, nóng rát, ngứa ran, đau ở mắt cá chân, gót chân và bàn chân.
- Bệnh động mạch ngoại biên
Ngoài tê bì, người bệnh động mạch ngoại biên có thể cảm thấy đau, chuột rút ở chân và hông khi đi bộ hoặc đi lên cầu thang. Một số người còn bị tê và yếu chân. Các triệu chứng thường biến mất sau vài phút nghỉ ngơi.
- Khối u hoặc tăng trưởng bất thường khác
Các áp xe, u hoặc u nang lành tính (không phải ung thư) có thể gây áp lực lên tủy sống, não, chân… Áp lực này có thể hạn chế lưu thông máu đến chi dưới và gây tê.
- Uống nhiều rượu bia
Uống quá nhiều rượu bia gây thiếu vitamin B1, B9 và B12, dẫn tới tổn thương thần kinh và gây tê bì chân tay.
- Đau cơ xơ
Đau cơ xơ là một tình trạng mãn tính gây đau toàn thân. Một số bệnh nhân cũng bị tê và ngứa ran ở tay và chân. Các triệu chứng này có thể bùng phát khoảng 3 tháng một lần. Nếu tê ở chân và bàn chân không kèm theo bất kỳ triệu chứng nào khác hoặc không kéo, thì có thể nguyên không phải do đau cơ xơ.
Ngoài ra, tê bì ở chân còn có thể do một số nguyên nhân khác, bao gồm:
- Bệnh đa xơ cứng
- Đột quỵ hoặc cơn thiếu máu não thoáng qua
Nguyên nhân tê bì ở tay
Tê ở cánh tay và tay có thể do nhiều nguyên nhân, từ nhẹ đến nặng. Tì đè hoặc ngủ sai tư thế có thể hạn chế lưu lượng máu hoặc gây áp lực dư thừa lên dây thần kinh, khiến cánh tay bị tê bì.
Tuy nhiên, tê tay không giải thích được có thể là do tình trạng sức khỏe tiềm ẩn nào đó, chẳng hạn như tổn thương thần kinh, thoát vị đĩa đệm hoặc bệnh tim mạch, nguy hiểm nhất chính là đau tim và đột quỵ.
- Tuần hoàn kém
Các mạch máu bị chặn hoặc đè nén có thể cản trở lưu thông máu đến và đi từ tim. Điều này có thể gây tê bì, cảm giác châm chích ở tứ chi và một số triệu chứng khác, như: Tay chân lạnh, da nhợt nhạt hoặc xanh xao, mệt mỏi, đau khớp hoặc cơ.
Bản thân tuần hoàn kém không phải là bệnh lý, nhưng nó có thể là một triệu chứng của các bệnh nghiêm trọng khác, như: Xơ vữa động mạch, huyết khối, động mạch ngoại biên, đái tháo đường… Đây đều là những tình trạng sức khỏe nghiêm trọng, cần được điều trị sớm.
- Hội chứng lối thoát lồng ngực (TOS)
Hội chứng này đề cập đến một nhóm các tình trạng đè nén các dây thần kinh và mạch máu đi qua giữa xương đòn và xương sườn đầu tiên. Nó gây tê hoặc ngứa ran ở tay, yếu ở cổ tay hoặc cánh tay.
- Hẹp ống sống đoạn cổ
Tình trạng này xảy ra khi phần không gian trống ở ống sống bị thu hẹp, đè nén tủy sống. Sức ép này có thể gây tê hoặc yếu ở cánh tay hoặc bàn chân, đồng thời gây đau cổ và lưng.
- Đau nửa đầu liệt nửa người
Tuy hiếm gặp, nhưng tình trạng này có thể gây nên sự khó chịu, tê, ngứa ran tứ chi hoặc một bên mặt.
- Đau tim
Cơn đau tim có thể gây đau, khó chịu ở một hoặc cả hai cánh tay, áp lực dữ dội trong ngực, khó chịu ở dạ dày, hụt hơi, đổ mồ hôi… Đây là một tình trạng nguy hiểm, cần được cấp cứu ngay.
- Đột quỵ
Đột quỵ hay tai biến mạch máu não thường gây tê ở một cánh tay, chân hoặc một bên mặt. Các triệu chứng khác bao gồm: Đau đầu đột ngột, dữ dội, thay đổi tầm nhìn, lú lẫn, khó nói, chóng mặt, mất sự phối hợp…
Nếu thấy các dấu hiệu trên, hãy gọi cấp cứu ngay.
Ngoài ra, bạn cũng có thể bị tê bì chân tay do:
- Côn trùng hoặc động vật cắn
- Các độc tố trong hải sản
- Mức độ vitamin B12, kali, canxi hoặc natri bất thường
- Xạ trị
- Dùng thuốc, đặc biệt là hóa trị
Chỉ dẫn cách điều trị tê bì chân tay
Tùy theo nguyên nhân để áp dụng phương pháp điều trị tê bì tay chân phù hợp. Tê bì chân tay do sinh lý không cần điều trị, người bệnh chỉ cần áp dụng một số biện pháp hỗ trợ và dự phòng, như tăng cường vận động, tập luyện thể dục thể thao, xoa bóp chân tay…
Nếu thường xuyên bị tê bì tay chân do bệnh lý, triệu chứng khó chịu kéo dài và ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống, người bệnh cần được điều trị từ căn nguyên để tránh các biến chứng xấu.
Tê bì chân tay uống thuốc gì – Tây y
Một số thuốc có thể được sử dụng để giảm tê bì tay chân lâu ngày là:
- Thuốc chống trầm cảm: Như thuốc Milnacipran và thuốc Duloxetine. Thuốc này có thể dùng để điều trị tê bì chân tay do đau cơ xơ.
- Thuốc corticosteroid: Có thể giúp giảm viêm mãn tính và tê liệt tứ chi liên quan đến các tình trạng như đa xơ cứng.
- Gabapentin và Pregabalin: Các loại thuốc này giúp ngăn chặn hoặc thay đổi tín hiệu thần kinh có thể giúp giảm tê liên quan đến các tình trạng như đau cơ xơ và bệnh thần kinh do đái tháo đường.
Một số kế hoạch điều trị khác nhau có thể giúp giảm hoặc kiểm soát tê bì chân tay phổ biến như:
- Đột quỵ: Bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc để điều trị huyết khối do đột quỵ thiếu máu cục bộ (trong vòng 3 giờ kể từ khi có triệu chứng đầu tiên) và phẫu thuật can thiệp nội mạch cho đột quỵ xuất huyết.
- Khối u: Phẫu thuật, xạ trị, hóa trị hoặc dùng thuốc khác.
- Bệnh thần kinh do đái tháo đường: Kiểm soát đường huyết bằng hoạt động thể chất, chế độ ăn uống lành mạnh, dùng thuốc…
- Hội chứng đường hầm cổ chân, cổ tay: Dùng thuốc giảm đau, các thiết bị hỗ trợ, đeo nẹp, phẫu thuật…
Ngoài ra, người bệnh còn có thể sử dụng thêm một số loại thuốc tê bì chân tay của Nhật, Mỹ, Úc… cũng có tác dụng hiệu quả trong hỗ trợ điều trị chứng tê bì chân tay.
Trị liệu tâm lý, vật lý trị liệu, thủy trị liệu, liệu pháp phản hồi sinh học… cũng có thể được chỉ định trong một số trường hợp cụ thể.
Thuốc Đông y chữa tê bì chân tay
Đông y quan niệm rằng tê bì chân tay thuộc chứng ma mộc. Tê bì chân tay đau mỏi vai gáy thường đi kèm với nhau. Người bệnh cũng có thể bị đau nhức xương khớp tê bì chân tay hoặc tê bì chân tay khi ngủ.
Nguyên tắc chữa tê bì chân tay theo Đông y là tập trung bổ khí huyết, thông kinh hoạt lạc, tán hàn và nâng cao đề kháng…
Tùy theo thể bệnh sẽ có cách điều trị tương ứng:
- Do can huyết hư
Phép trị là dưỡng huyết nhu can, uống thuốc và kết hợp châm cứu huyệt Cách du và Huyết hải.
- Do khí huyết hư
Phép trị là phù chính khu tà thự dự hoàn. Áp dụng bài thuốc từ can khương, bạch linh, bạch chỉ, bạch thược, biển đậu, mạch môn, hoài sơn, táo, quy đầu, quế chi, bạch truật, sài hồ, đẳng sâm…
- Do đàm thấp
Áp dụng bài thuốc Nhị truật thang hoặc Nhị trần gia.
- Do phong tà nhập lạc
Phép trị là giải biểu thông lạc với bài thuốc Quân chính tán gia giảm.
- Do khí hư ma mộc
Phép trị là tuyên bổ khí huyết với bài thuốc Tứ quân tử thang gia vị.
- Do huyết hư ma mộc
Phép trị là tuyên bổ huyết sinh tinh với bài thuốc Tứ vật thang.
- Do khí trê ma mộc
Phép trị là tuyên thông can giải uất thông lạc dưỡng cân với bài thuốc Tiêu dao tán.
- Do ứ huyết trở lạc
Phép trị là tuyên hoạt huyệt hóa ứ với bài thuốc Tứ vật đào hồng gia giảm.
- Do thấp đàm trở lạc
Phép trị là tuyên hoá đàm lợi thấp thông lạc dưỡng huyết với bài thuốc Đạo đàm thang gia giảm.
Nếu muốn điều trị tê bì chân tay theo Đông y, người bệnh nên lựa chọn khám và chữa tại các phòng khám Đông y uy tín.
Chăm sóc tại nhà
Các biện pháp khắc phục tại nhà có thể giúp giảm tê bì chân tay, bao gồm:
- Cải thiện tư thế
Nên tránh ngồi nhiều, đứng lâu hoặc mang vác vật nặng. Hạn chế các tư thế làm hạn chế lưu thông máu hoặc đè nén lên các dây thần kinh, như bắt chéo chân, quỳ hoặc ngồi lên chân, nâng tay cao…
- Chườm lạnh
Nước đá có thể giúp giảm sưng, giảm áp lực lên dây thần kinh. Nên chườm khăn lạnh hoặc đá lạnh lên vùng bị ảnh hưởng trong 15 phút mỗi lần, vài lần mỗi ngày.
- Chườm ấm
Nhiệt độ ấm áp có thể nới lỏng các cơ bị cứng, đau hoặc căng. Từ đó giảm áp lực lên dây thần kinh.
- Massage
Xoa bóp chân tay có thể giúp cải thiện lưu thông máu và có thể làm giảm các triệu chứng tê bì.
- Tập thể dục
Lười vận động hoặc tập thể dục có thể làm suy yếu tim và mạch máu, làm giảm khả năng bơm máu đến các chi, đặc biệt là chi dưới. Tập yoga, dưỡng sinh và các môn phối hợp khác có thể thúc đẩy lưu lượng máu và giảm viêm mãn tính.
- Tắm muối Epsom
Muối Epsom chứa magie giúp tăng lưu lượng và lưu thông máu.
- Giảm căng thẳng
Stress cũng có xu hướng làm cho các triệu chứng rối loạn hệ thần kinh trung ương tồi tệ hơn. Có thể giảm stress bằng nhiều cách, như ngồi thiền, tập yoga, nói chuyện với bạn bè…
- Ngủ đủ giấc
Triệu chứng tê bì chân tay có thể gia tăng khó chịu khi bạn bị mất ngủ, khó ngủ. Bởi vậy, hãy vệ sinh giấc ngủ khoa học để nâng cao chất lượng giấc ngủ. Bao gồm: Tắm nước ấm trước khi đi ngủ, uống trà thảo dược, tránh các hoạt động gây căng thẳng, tránh ăn quá no, hạn chế dùng các thiết bị điện tử…
- Chế độ ăn uống lành mạnh
Suy dinh dưỡng, đặc biệt là thiếu vitamin B cũng có thể gây tổn thương thần kinh dẫn đến tê liệt. Nên nạp đủ các vitamin và các dưỡng chất cần thiết khác cũng có thể làm giảm viêm mãn tính và đau.
Nên lưu ý bệnh tê bì chân tay nên ăn gì và kiêng gì. Hãy ăn thực phẩm giàu biotin, vitamin D, chất xơ, chất béo lành mạnh. Nên tránh chế độ ăn nhiều dầu mỡ, rượu bia, cà phê và muối.
Để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm, bạn nên đi khám để được xác định rõ nguyên nhân cũng như cung cấp phác đồ điều trị tê bì chân tay hiệu quả, phù hợp nhất.
GỢI Ý XEM THÊM
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!