Táo bón theo đông y và cách chữa trị hiệu quả
Nội dung bài viết
Táo bón theo Đông y là trạng thái đi tiêu phân cứng, buồn mà không đi đại tiện được hoặc mất nhiều thời gian để đi đại tiện. Ngoài việc điều chỉnh chế độ ăn uống, Đông y sử dụng các bài thuốc từ thảo dược thiên nhiên và châm cứu, bấm huyệt, xoa bóp để cải thiện các triệu chứng.
Bệnh táo bón theo quan niệm Đông y
Táo bón theo Đông y là một chứng bệnh phổ biến do khí hư, huyết hư, nhiệt tà tích tụ ở đại trường gây ra. Bên cạnh đó, táo bón cũng có thể liên quan đến các bệnh toàn thân, nhiễm độc chì, hư lao, ức chế thần kinh hoặc lối sống thiếu lành mạnh gây ra.
Táo bón là chứng bệnh phổ biến trong thời tiết khô hanh và ở những người ít uống nước, chế độ ăn uống ít chất xơ, rau quả. Điều này khiến phân trở nên khô cứng, rắn ở đại trường, dẫn đến tình trạng 3 – 4 ngày không đi đại tiện.
Nguyên nhân gây táo bón có thể liên quan đến các bệnh đại trường (bao gồm đại trường co thắt, nhu động giảm, phình đại trường). Các bệnh ngoài đường ruột như một số bệnh ung thuw cũng có thể gây chèn ép hệ thống tiêu hóa hoặc các bệnh lý toàn thân như suy giảm chức năng tuyến giáp, nhiễm độc chì, hư lao, thần kinh bị ức chế, tức giận, buồn phiền,… cũng có thể dẫn đến tình trạng táo bón.
Bên cạnh đó, một số chứng táo bón cấp tính có thể liên quan đến việc thay đổi thói quen sinh hoạt, do bẩm tố âm hư huyết nhiệt, thiếu máu, giảm sinh tân dịch. Người cao tuổi, phụ nữ sau sinh để nhiều lần cơ nhục yếu, khí trệ luân chuyển khó khăn cũng khiến phân khó bài tiết ra khỏi cơ thể và dẫn đến táo bón. Nếu không được điều trị phù hợp, táo bón có thể dẫn đến tình trạng dương khí không vận hành, tân dịch không lưu thông và gây táo bón mãn tính.
Điều trị táo bón theo Đông y bao gồm các biện pháp hỗ trợ lưu thông khí huyết, giải nhiệt tích ở đại trường và thay đổi chế độ ăn uống.
Các dạng táo bón theo Đông y và các bài thuốc điều trị
Đông y chia táo bón thành nhiều dạng khác nhau, phụ thuộc vào nguyên nhân và các triệu chứng phổ biến. Cụ thể các dạng táo bón theo Đông y bao gồm:
1. Táo bón do huyết hư
Táo bón do huyết hư là tình trạng người bệnh đi ngoài phân táo kết, khô rắn, cứng, bụng đầy bí, da xanh xao, người mệt mỏi, nhợt nhạt, hay bị chóng mặt, hoa mắt.
Tình trạng táo bón này thường phổ biến ở người lao lực quá độ, thực hiện các công việc nặng nhọc và không có thời gian nghỉ ngơi đầy đủ. Để cải thiện tình trạng này, Đông y chỉ định các biện pháp dưỡng huyết, sinh tân, nhuận trường.
Các bài thuốc chủ trị táo bón theo thể huyết hư bao gồm:
Bài thuốc số 1:
Các loại dược liệu cần chuẩn bị:
- Thục địa, Đương quy, Hà thủ ô, Thiên môn, Mạch môn, mỗi vị đều 16 gram
- Chỉ xác, Bạch thược, Đào nhân, mỗi vị đều 12 gram
- Cam thảo 10 gram
- Kim ngân hoa tươi 15 gram
Dùng các loại dược liệu trên sắc thành thuốc, dùng uống mỗi ngày một thang.
Bài thuốc số 2:
Chuẩn bị dược liệu:
- Hồng hoa 5 gram
- Đại táo, Chỉ xác, mỗi vị đều 10 gram
- Nhục thung dung, Sinh đại, Ngân hoa, mỗi vị đều 12 gram
- Ngưu tất, Sa sâm, mỗi vị đều 16 gram
Sắc các dược liệu thành thuốc, mỗi ngày dùng uống một thang.
2. Táo bón do khí trệ
Người bệnh táo bón do khí trệ, đại tiện táo kết, 3 – 4 ngày không thể đi ngoài, bụng chướng khó, trương phình, khó tiêu, đau bụng xì hơi liên tục.
Dạng táo bón này thường phổ biến ở người cao tuổi, người cao thể trạng hư yếu, mệt mỏi, thường hay toát mồ hôi, sườn hồng đầy ách, mắt hồng, lưỡi đỏ. Đông y điều trị táo bón do khí trệ bằng cách điều khí, nhuận trường. Sử dụng một trong các bài thuốc sau để cải thiện các triệu chứng:
Sử dụng các loại dược liệu:
- Hồng hoa 6 gram
- Thăng ma, Cam thảo, Mơ muối, mỗi vị đều 10 gram
- Trần bì, Chỉ xác, mỗi vị đều 12 gram
- Mộc thông, Sa sâm, Sinh đại, Sâm hành, mỗi vị đều 16 gram
Sắc thành thuốc mỗi ngày dùng uống một thang.
3. Táo bón do nhiệt tích tụ tại đại trường
Táo do do nhiệt ở đại trường tích tụ khiến người bệnh đi ngoài phân rắn, bụng chướng khí, bí, khi gõ hố chậu bên trái có thể nghe được tiếng đục. Bên cạnh đó, người bệnh có thể gặp tình trạng miệng khô, họng ráo, bụng cứng nổi cục u, lưỡi có sắc đỏ, khó ngủ.
Đông y điều trị tình trạng táo bón do nhiệt ở đại trường bằng cách thông nhuận, thanh nhiệt. Dùng một trong các bài thuốc điều trị sau:
Bài thuốc số 1:
Cần dùng các loại dược liệu:
- Hồng hoa 10 gram
- Chỉ xác, Trần bì, Đại táo, mỗi vị đều 12 gram
- Phòng sâm, Đương quy, Mạch môn, Thiên môn, Cát căn, mỗi vị đều 16 gram
- Cỏ mực, Rau má, mỗi vị 20 gram
Sắc dược liệu thành thuốc, mỗi ngày dùng uống một thang.
Bài thuốc số 2:
Cần dùng các vị thuốc:
- Trần bì, Hoàng bá, Đại táo, Hồng hoa, Tri mẫu, mỗi vị đềi 10 gram
- Chỉ xác, Đào nhân, Thiên môn, Trần bì, Mạch môn, Bạch thược, Liên kiều, mỗi vị đều 12 gram
- Cát căn, Sinh địa, mỗi vị đều 16 gram
Sắc dược liệu thành thuốc, mỗi ngày dùng uống 1 thang.
4. Táo bón do hàn kết
Người bệnh táo bón do hàn khí thường gặp ở người lớn tuổi, người bệnh nằm lâu một chỗ, người kém vận động. Các dấu hiệu phổ biến của chứng táo bón này bao gồm đại tiện sáp trệ, khó bài tiết phân, đau bụng nghiêm trọng, ưa vị trí ấm và kỵ lạnh.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này thường là do dương khí hư yếu ở trung hạ tiêu, không có khả năng sưởi ấm đại tràng, hàn tà ngưng đọng, trọc âm tích tụ trong cơ thể, gây lấn át khí đến đại tràng và khiến việc thải phân trở nên khó khăn.
Táo bón do hàn kết theo Đông y dùng phép trị ôn dương trợ khí tán hàn. Sử dụng bài thuốc sau:
Dùng Bán hạ, Nhục thung dung , Qui đầu, mỗi vị 12 gram, Lưu hoàng 6 gram luyện với mật ong làm thành hoàn. Mỗi ngày dùng 8 – 10 gram.
Chữa táo bón theo Đông y cần chú ý lựa chọn thuốc tốt để đạt hiệu quả tốt nhất. Bên cạnh đó, các vị thuốc có thể dễ gây nhầm lẫn và một số vị thuốc có thể không phù hợp với một đối tượng cụ thể. Do đó, trước khi sử dụng các bài thuốc chữa táo bón theo Đông y, người bệnh nên đến cơ sở y học cổ truyền để được chẩn đoán và chỉ định bài thuốc phù hợp.
Xoa bóp, bấm huyệt chữa táo bón theo Đông y
Theo Y học cổ truyền, táo bón phần lớn là do ăn ít chất xơ, rau xanh, trái cây, ít uống nước, thiếu vận động gây ra. Bên cạnh đó, người có thói quen ăn nhiều gia vị cay nóng có thể dẫn đến chứng nhiệt táo, ăn quá lạnh có thể dẫn đến hàn táo.
Bên cạnh các bài thuốc, Đông y thường áp dụng các biện pháp xoa bóp, bấm huyệt để cải thiện các triệu chứng táo bón. Cụ thể, các huyệt đạo được ứng dụng cải thiện chứng táo bón bao gồm:
– Thiên khu:
Vị trí: Từ rốn đo ngang ra hai tất
Tác dụng: Sơ điều đại tràng, tiêu khí trệ, hỗ trợ lưu thông
Thủ thuật: Dùng 3 ngón tay day ấn, xoa bóp huyệt khoảng 5 – 10 phút
– Túc tam lý:
Vị trí: Từ dưới lõm ngoài độc tỵ (xương bánh chè) đo xuống ba tấc, cách mào xương chày 1 khoát ngón tay về phía bên ngoài.
Tác dụng: Hóa trướng tiêu trệ, kiện tỳ vị
Thủ thuật: Người bệnh co gối lại, sử dụng ngón trỏ hoặc ngón giữ day ấn lên huyệt
– Thần khuyết:
Vị trí: Rốn
Tác dụng: Thoát kiện tỳ vị, ôn dương cố
Thủ thuật: Sử dụng 2 – 3 ngón tay hoặc dùng hai tay nắm lại, tay này đè lên tay kia để day ấn huyệt từ nhẹ đến nặng, sau đó có thể massage xung quanh bụng theo chiều kim đồng hồ để kích thích nhu động ruột
– Khí hải:
Vị trí: Từ rốn thẳng xuống 1.5 tấc
Tác dụng: Ôn hạ tiêu, điều khí, khử thấp trọc
Thủ thuật: Day ấn huyệt bằng 3 ngón tay trong 5 – 10 phút
Ngoài ra, khi châm cứu tùy theo tình trạng các thể châm kết hợp các huyệt như:
- Đối với người thân nhiệt nóng, miệng khô, lưỡi rát nên phối hợp châm thêm huyệt hợp cốc (ở giữa ngón tay cái và ngón tay trỏ), nội đình (ở giữa kẽ ngón chân 2 và 3). Tác dụng bao gồm nhuận táo, thông trệ, thanh tiết nhiệt.
- Đối với người tay chân lạnh, không ấm do hàn táo, nên kết hợp châm các huyệt ôn thông khai khí bí như quan nguyên (dưới rốn 3 tấc), tam âm giao (từ đỉnh mắt cá bên trong đo lên 3 tấc, ở sát bờ xương chày).
- Đối với người cao tuổi, ăn kém, ốm lâu do hư táo nên phối hợp bấm các huyệt hỗ trợ thông tiện, bổ hư vận trường như đại tràng du (bên dưới gai đốt sống thắt lưng L4 đo ra 1.5 tấc) và huyệt trung quản (từ rốn đo lên 4 tấc).
Lưu ý khi chữa táo bón theo Đông y
Để việc điều trị táo bón theo Đông y đạt hiệu quả tốt nhất, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề như:
- Sử dụng thuốc theo các thể táo bón và chỉ định của bác sĩ y học cổ truyền. Mặc dù thuốc Đông y được bào chế từ các loại thảo dược tự nhiên, tuy nhiên nếu dùng sai thuốc có thể gây hại cho sức khỏe, thậm chí là dẫn đến tử vong do kiêng kỵ thuốc.
- Sử dụng thuốc theo liều lượng quy định của thầy thuốc. Dùng thuốc Đông y trong thời gian dài có thể gây ngộ độc, suy thận, suy gan và một số rủi ro khác.
- Đảm bảo các nguyên tắc khi phối thuốc, tránh các vị thuốc kiêng kỵ, tương tác. Do đó, người bệnh cần ghi nhớ hướng dẫn của thầy thuốc để tránh các tác dụng phụ nghiêm trọng.
- Không nên tự ý kết hợp thuốc Đông và Tây y để tránh các ảnh hưởng xấu.
Bên cạnh đó, để đạt hiệu quả điều trị táo bón tốt nhất, người bệnh cần ghi nhớ một số biện pháp tự chăm sóc như:
- Bổ sung nhiều loại thực phẩm giàu chất xơ trong chế độ ăn uống, bao gồm đậu, rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt.
- Hạn chế các loại thực phẩm ít chất xơ như thực phẩm chế biến sẵn, các sản phẩm từ sữa và thịt.
- Uống nhiều nước, bao gồm nước trái cây, nước hầm xương và các chất lỏng không chứa thành phần kích thích.
- Thường xuyên vận động, tập thể dục thể thao để hỗ trợ tăng cường nhu động ruột, ngăn ngừa táo bón hiệu quả.
- Hạn chế căng thẳng, stress, dành thời gian thư giãn.
- Đi đại tiện khi có nhu cầu và không bỏ qua nhu động ruột.
- Tạo thói quen đi đại tiện mỗi ngày, đều đặn, đặc biệt là sau các bữa ăn.
Táo bón theo Đông y là chứng bệnh phổ biến ở người có chế độ ăn uống ít chất xơ và ít uống nước. Điều này khiến phân khô cứng, đọng lại ở trực tràng, dẫn đến tắc nghẽn ở đại trường. Các phép điều trị thường áp dụng các bài thuốc điều trị, khai trệ, nhuận trường, sinh tân, dưỡng huyết. Bên cạnh đó, tăng cường bổ sung chất xơ, uống nhiều nước và vận động phù hợp để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!