Mất ngủ ở người cao tuổi – cách khắc phục tự nhiên
Nội dung bài viết
Mất ngủ ở người cao tuổi là một tình trạng phổ biến có thể gây mệt mỏi, mất phương hướng và tăng nguy cơ mắc một số bệnh lý mãn tính khác. Tình trạng này cần được cải thiện phù hợp để tránh gây mất ngủ mãn tính và các rủi ro không mong muốn khác.
Thông tin cần biết về tình trạng mất ngủ ở người cao tuổi
Mất ngủ là vấn đề phổ biến ở người cao tuổi, có từ 5 – 33% người lớn tuổi, đặc biệt là người trên 65 tuổi, gặp các dấu hiệu mất ngủ hoặc rối loạn giấc ngủ.
Thông thường người trưởng thành cần ngủ 7 – 9 giờ ngủ mỗi đêm. Ở người cao tuổi, thường là trên 65 tuổi, nhu cầu giấc ngủ có thể giảm một ít, tuy nhiên theo các chuyên gia, thời gian ngủ phù hợp cho người cao tuổi là 7 – 8 giờ mỗi đêm.
Do đó, mất ngủ ở người cao tuổi xảy ra khi người bệnh ngủ không đủ thời gian khuyến cáo. Tuy nhiên, nhu cầu ngủ ở mỗi người thường khác nhau, phụ thuộc vào điều kiện y tế và sức khỏe tổng thể.
1. Nguyên nhân gây mất ngủ ở người cao tuổi
Có nhiều nguyên nhân có thể gây mất ngủ hoặc rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi. Hầu hết các nguyên nhân này có thể điều trị được và cải thiện bằng cách kết hợp nhiều phương pháp.
Nguyên nhân gây mất ngủ ở người lớn tuổi thường được phân thành 4 nhóm cụ thể bao gồm:
Nguyên nhân bệnh lý:
- Bệnh tim mạch
- Bệnh về đường hô hấp như hen suyễn hoặc các vấn đề về phổi khác
- Các bệnh lý gây đau mãn tính, như viêm khớp, viêm khớp dạng thấp, thoái hóa cột sống
- Có vấn đề về bàng quang hoặc tuyến tiền liệt
- Động kinh
- Mắc chứng ngưng thở khi ngủ
- Bệnh mất trí nhớ hoặc có bệnh Alzheimer
- Có bệnh khớp như viêm khớp hoặc viêm bao hoạt dịch
- Các bệnh lý về dạ dày, đặc biệt là trào ngược dạ dày thực quản
Nguyên nhân tác động từ môi trường, hành vi, lối sống:
- Khu vực sống, đặc biệt là phòng ngủ ồn ào
- Có thói quen ăn khuya hoặc ăn gần giờ đi ngủ
- Tập thể dục vào buổi tối hoặc trước khi đi ngủ
- Lối sống ít vận động
- Có thói quen uống rượu, caffeine, trà, đồ uống chứa caffeine, đồ uống cola, socola và các loại đồ uống lạnh trước khi đi ngủ
- Hút thuốc lá hoặc sử dụng chất nicotin trước khi đi ngủ
Nguyên nhân từ các loại thuốc đang sử dụng:
- Các loại thuốc chống trầm cảm
- Thuốc chứa chất kích thích
- Sử dụng các loại thuốc có lịch trình uống thuốc vào ban đêm hoặc dẫn đến tình trạng thức dậy giữa đêm, như thuốc lợi tiểu
- Thuốc không hợp pháp, bao gồm ma túy và các loại thuốc kích thích ham muốn tình dục
Nguyên nhân tâm lý:
- Có nhiều lo lắng, phiền muộn trong cuộc sống
- Có vấn đề về tài chính
- Lo lắng về tình trạng sức khỏe cá nhân
2. Dấu hiệu mất ngủ ở người cao tuổi
Mất ngủ ở người cao tuổi thường dẫn đến một số dấu hiệu nhận biết bao gồm:
- Khó đi vào giấc ngủ, có thể mất khoảng 30 – 45 phút để ngủ
- Thức dậy thường xuyên hơn, khoảng 3 – 4 lần mỗi đêm và thường có xu hướng nhớ lại nhiều chuyện trong quá khứ mỗi khi thức dậy
- Có thể buồn ngủ và thức dậy một cách đột ngột
- Cảm thấy ngủ không đủ giấc mặc dù tổng thời gian ngủ không đổi, điều này thường là do thời gian ngủ sâu ít và có thể có nhiều giấc ngủ chập chờn
- Thay đổi đồng hồ sinh học, thức dậy sớm hơn vào buổi sáng và có xu hướng ngủ sớm vào buổi tối
- Có sự nhầm lẫn giữa ngày và đêm
- Khó tập trung, suy giảm trí nhớ
- Ngủ trưa nhiều hoặc cảm thấy buồn ngủ suốt cả ngày
- Khó thức dậy khi ngủ vào ban ngày
Nhận biết các dấu hiệu mất ngủ ở người cao tuổi là điều vô cùng quan trọng. Điều này giúp người chăm sóc cũng như bác sĩ có biện pháp xử lý phù hợp và ngăn ngừa các rủi ro liên quan đến mất ngủ. Đến bệnh viện nếu người cao tuổi có dấu hiệu mất ngủ hoặc rối loạn giấc ngủ.
Chẩn đoán và điều trị tình trạng mất ngủ ở người cao tuổi
Người cao tuổi thường xuyên mất ngủ hoặc rối loạn giấc ngủ cần được tiến hành chẩn đoán, xác định nguyên nhân và điều trị theo phác đồ của bác sĩ chuyên môn.
1. Chẩn đoán tình trạng mất ngủ ở người lớn tuổi
Để chẩn đoán và xác định nguyên nhân gây mất ngủ ở người lớn tuổi, bác sĩ có thể đề nghị các kiểm tra như:
- Lịch sử sức khỏe: Bao gồm các thói quen ngủ, thời gian ngủ và chất lượng giấc ngủ của người bệnh. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể yêu cầu người bệnh cung cấp danh sách các loại thuốc đang sử dụng, bao gồm thuốc kê đơn, không kê đơn và thực phẩm chức năng.
- Kiểm tra thể chất: Bác sĩ có thể tiến hành kiểm tra thể chất để xác định mối liên hệ giữa các vấn đề sức khỏe thể chất và tình trạng mất ngủ. Kiểm tra thường bao gồm một hoặc nhiều xét nghiệm liên quan đến chức năng tim, phổi, thần kinh, cơ xương khớp, xét nghiệm máu hoặc nước tiểu.
- Ghi lại nhật ký giấc ngủ: Nhật ký giấc ngủ bao gồm thời gian ngủ và thức dậy, các thói quen, rối loạn, tình trạng thiếu ngủ,… được ghi lại trong 1 – 2 tuần có thể hỗ trợ chẩn đoán tình trạng mất ngủ ở người cao tuổi.
- Nghiên cứu giấc ngủ: Người bệnh có thể được yêu cầu ngủ lại phòng nghiên cứu giấc ngủ và bác sĩ sẽ theo dõi các phản ứng của cơ thể khi ngủ, như nhịp thở, nhịp tim, tình trạng co giật, bão hòa oxy hoặc các hành vi vận động khác, thông qua các thiết bị theo dõi.
2. Điều trị mất ngủ ở người cao tuổi bằng phương pháp tự nhiên
Trong hầu hết các trường hợp, thiếu ngủ, rối loạn giấc ngủ hoặc mất ngủ ở người cao tuổi được điều trị bằng các phương pháp bão hòa, không dùng thuốc. Tuy nhiên, trong các trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc phù hợp để ngăn ngừa rủi ro không mong muốn. Các phương pháp điều trị thường bao gồm:
Xây dựng thói quen ngủ khoa học:
- Đi ngủ và thức dậy vào một thời gian nhất định trong tất cả các ngày, kể cả ngày nghỉ và các ngày lễ.
- Đọc sách, nghe nhạc hoặc thiền định trước khi đi ngủ. Điều này có thể giúp người bệnh cảm thấy buồn ngủ và đi ngủ một cách tự nhiên.
- Tắm nước ấm để hỗ trợ thư giãn và não bộ trước khi đi ngủ.
- Tránh ăn nhiều vào bữa tối, đặc biệt là không ăn các bữa ăn lớn, nhiều chất dinh dưỡng gần giờ đi ngủ. Tuy nhiên uống một ly sữa ấm trước khi đi ngủ được cho là có thể thúc đẩy giấc ngủ khỏe mạnh ở người cao tuổi.
Xây dựng môi trường ngủ phù hợp:
- Chỉ sử dụng phòng ngủ để ngủ và các hoạt động thân mật tình dục. Không làm việc, xem phim, sử dụng điện thoại di động hoặc các thiết bị điện tử khác trên giường ngủ.
- Sử dụng giường với độ cứng vừa phải, nệm có độ đàn hồi tốt và chăn, gối thoải mái.
- Cố gắng hạn chế tất cả các tiếng ồn có thể gây ảnh hưởng đến giấc ngủ và khiến người bệnh thức dậy giữa đêm. Nếu cảm thấy cần thiết, người bệnh có thể sử dụng nút bịt tai hoặc mặt nạ che mắt.
- Không đặt đồng hồ trong phòng ngủ. Nếu cần thiết sử dụng đồng hồ, hãy chắc chắn đồng hồ không phát ra âm thanh hoặc kim dạ quang để tránh gây ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Một số lưu ý khác:
- Tránh ngủ trưa hoặc ngủ vào ban ngày
- Tránh các chất kích thích như caffeine hoặc thuốc lá trong vòng 6 giờ trước khi ngủ
- Tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức khỏe thể chất và giúp cơ thể mệt mỏi, đi vào giấc ngủ tự nhiên vào buổi tối. Tuy nhiên không nên tập thể dục trước khi đi ngủ 3 giờ.
- Không uống rượu, bia hoặc chất cồn trước khi đi ngủ. Rượu có thể giúp người bệnh ngủ sau khi sử dụng những có thể khiến người bệnh thức dậy giữa đêm.
- Hạn chế lo lắng, suy nghĩ trên giường ngủ. Nếu cảm thấy lo lắng hoặc phiền muộn, người bệnh có thể lập một danh sách các điều cần làm và những lo lắng trước khi đi ngủ. Cố gắng thư giãn và không suy nghĩ khi nằm trên giường ngủ.
Sử dụng thuốc:
- Mặc dù hầu hết các trường hợp mất ngủ không được khuyến khích sử dụng thuốc, tuy nhiên đối với trường hợp mất ngủ nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc điều trị như benzodiazepine và các loại thuốc khác.
- Sử dụng thuốc ngủ theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh các rủi ro không mong muốn. Cụ thể các tác dụng phụ có thể bao gồm mệt mỏi vào ban ngày, chóng mặt, mất thăng bằng, đau đầu, ác mộng, buồn nôn, suy giảm trí nhớ.
Mất ngủ ở người lớn tuổi là tình trạng phổ biến và các thể dẫn đến các rủi ro không mong muốn. Do đó, cải thiện chất lượng giấc ngủ là điều quan trọng và cần thiết. Trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể các phương pháp cải thiện giấc ngủ và tăng cường chất lượng cuộc sống.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!