Mất ngủ có chữa được không? Mất bao lâu?
Nội dung bài viết
Mất ngủ là một dạng rối loạn giấc ngủ dẫn đến tình trạng khó ngủ hoặc thường xuyên thức giấc giữa đêm và không thể ngủ lại. Tình trạng này có thể là cấp tính, mãn tính hoặc xuất hiện và biến mất sau một vài ngày. Vậy mất ngủ có chữa được không, mất bao lâu để điều trị, người bệnh có thể tham khảo thông tin trong bài viết bên dưới.
Mất ngủ là gì?
Mất ngủ là một dạng rối loạn giấc ngủ mà người bệnh khó ngủ hoặc thường xuyên thức dậy giữa đêm. Mất ngủ có thể là ngắn hạn (cấp tính) hoặc kéo dài (mãn tính). Ngoài ra, tình trạng này cũng có thể xuất hiện và tự cải thiện trong vài ngày.
Mất ngủ cấp tính kéo dài ít hơn 3 đêm mỗi tuần và kéo dài trong vài tuần. Mất ngủ là mãn tính là tình trạng mất ngủ xuất hiện ít nhất 3 đêm một tuần và kéo dài hơn 3 tháng.
Các loại mất ngủ phổ biến:
- Mất ngủ tiên phát: Là tình trạng mất ngủ không liên quan đến bất cứ vấn đề sức khỏe hoặc bệnh lý tiềm ẩn nào trong cơ thể.
- Mất ngủ thức phát: Là tình trạng mất ngủ hoặc khó ngủ liên quan đến một số vấn đề sức khỏe. Các bệnh lý phổ biến thường bao gồm hen suyễn, trầm cảm, viêm khớp, ung thư, ợ nóng và trào ngược dạ dày thực quản. Ngoài ra, một số cơn đau cơ học, thuốc men hoặc sử dụng một số chất kích thích như rượu, bia cũng có thể dẫn đến mất ngủ.
Mất ngủ có chữa được không? Mất bao lâu?
Việc điều trị mất ngủ phụ thuộc vào các nguyên nhân cơ bản. Mất ngủ cấp tính có thể không cần điều trị và có thể tự cải thiện ngay sau đó. Đối với mất ngủ mãn tính hoặc mất ngủ kinh niên, người bệnh có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ về các loại thuốc và phương pháp điều trị khác.
Theo các chuyên gia, mất ngủ hoàn toàn có thể điều trị được bằng nhiều liệu pháp thay đổi nhận thức và hành vi khi ngủ. Bác sĩ hoặc nhà tâm lý học có thể xác định nguyên nhân gây mất ngủ và chỉ định phương pháp khắc phục phù hợp. Thời gian điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản và mức độ nghiêm trọng của tình trạng.
Mặc dù mất ngủ là một tính trạng tương đối phức tạp, nhưng mất ngủ có thể chữa được. Điều quan trọng là người bệnh cần tuân thủ hướng dẫn và phác đồ của bác sĩ chuyên môn.
Mất ngủ được điều trị như thế nào?
Các biện pháp điều trị mất ngủ phụ thuộc vào nguyên nhân gây mất ngủ, loại mất ngủ và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Cụ thể bệnh mất ngủ được điều trị như sau:
1. Mất ngủ cấp tính
Mất ngủ ngắn hạn không cần điều trị. Người bệnh có thể thay đổi một số thói quen và thực hiện các biện pháp thư giãn, cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Một số lưu ý trong việc điều trị mất ngủ tại nhà bao gồm:
- Tránh ngủ trưa hoặc ngủ vào ban ngày, đặc biệt là các giấc ngủ gần thời gian đầu buổi tối
- Không thực hiện các hoạt động khác trên giường, giường chỉ dành để ngủ và quan hệ tình dục
- Đi ngủ vào cùng một thời điểm nhất định mỗi ngày
- Luyện tập thể dục, vận động cơ thể thường xuyên, ít nhất 3 – 4 lần mỗi tuần để tăng cường sức khỏe và cải thiện chất lượng giấc ngủ
2. Mất ngủ mãn tính
Mất ngủ mãn tính có thể được điều trị bằng các liệu pháp hành vi nhận thức hoặc thuốc để hỗ trợ thư giãn, cải thiện chất lượng giấc ngủ và điều trị rối loạn giấc ngủ.
Các liệu pháp hành vi nhận thức điều trị mất ngủ bao gồm:
- Kỹ thuật thư giãn có thể hỗ trợ giảm căng thẳng ở cơ bắp, não bộ, hạn chế lo lắng và giúp người bệnh đi vào giấc ngủ một cách tự nhiên. Các kỹ này có thể hỗ trợ kiểm soát nhịp tim, nhịp thở, cơ bắp và tâm trạng để hỗ trợ thư giãn.
- Hạn chế giấc ngủ bao gồm hạn chế thời gian nằm yên trên giường và tránh các giấc ngủ ngắn vào ban ngày. Nếu không ngủ được, người bệnh nên ra khỏi giường, đến một góc khác trong nhà đọc sách hoặc nghe nhạc yên tĩnh cho đến khi cảm thấy buồn ngủ.
- Liệu pháp kiểm soát kích thích có thể lợi bỏ các yếu tố tâm lý để khống chế giấc ngủ. Điều này bao gồm thay đổi thói quen ngủ phù hợp và sử dụng phòng ngủ đúng chức năng. Phòng ngủ chỉ dùng để ngủ và quan hệ tình dục, do đó không thực hiện các hoạt động khác trên giường ngủ.
Sử dụng thuốc theo toa
Nếu các biện pháp không dùng thuốc không mang lại hiệu quả điều trị, bác sĩ có thể kê một số loại thuốc ngủ hoặc thuốc an thần gây ngủ để hỗ trợ chất lượng giấc ngủ.
Các loại thuốc ngủ phổ biến thường bao gồm:
- Zaleplon
- Zolpidem
- Ramelteon
- Eszopiclone
Thuốc ngủ theo toa có thể dẫn đến nhiều tác dụng phụ bao gồm mệt mỏi, uể oải vào ban ngày, tăng nguy cơ té ngã và gây tai nạn. Do đó, sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ để hạn chế các rủi ro không mong muốn.
3. Biện pháp điều trị thay thế
Một số người có thể không muốn đến bệnh viện hoặc điều trị mất ngủ bằng các biện pháp y tế. Do đó, người bệnh có thể tự cải thiện các triệu chứng mất ngủ mãn tính tại nhà. Mặc dù hiệu quả của các phương pháp không rõ ràng nhưng một số phương pháp được cho là có thể điều trị mất ngủ bao gồm:
- Melatonin: Là sản phẩm bổ sung hỗ trợ giấc ngủ không cần kê đơn và được phân phối rộng rãi trên thị trường để cải thiện chứng rối loạn giấc ngủ. Mặc dù Melatonin được xem là an toàn khi sử dụng liên tục trong vài tuần, nhưng không có bằng chứng chứng minh sự an toàn khi sử dụng lâu dài.
- Valerian: Đây là thực phẩm chức năng có tác dụng an thần nhẹ và giúp cải thiện các vấn đề khó ngủ, mất ngủ. Một số nghiên cứu cho biết, sử dụng Valerian liều cao trong thời gian dài có thể gây tổn thương gan, mặc dù không rõ nguyên nhân có liên quan đến Valerian hay không.
- Châm cứu: Có một số bằng chứng cho biết châm cứu có thể cải thiện tình trạng mất ngủ, tuy nhiên các bằng chứng có thể không rõ ràng. Tuy nhiên, châm cứu cần được thực hiện bởi thầy thuốc có chuyên môn để tránh các rủi ro không mong muốn.
- Yoga hoặc thái cực quyền: Một số nghiên cứu cho thấy việc luyện tập yoga và thái cực quyền thường xuyên có thể cải thiện chất lượng giấc ngủ, điều trị mất ngủ, rối loạn giấc ngủ.
- Thiền định: Có một số nghiên cứu cho thấy thiền định có thể cải thiện các vấn đề mất ngủ, giảm căng thẳng và cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Biện pháp phòng ngừa bệnh mất ngủ
Xây dựng thói quen ngủ tốt là cách tốt nhất để cải thiện tình trạng mất ngủ và nâng cao chất lượng giấc ngủ. Một số lưu ý để có giấc ngủ ngon và sâu hơn bao gồm:
- Đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm trong ngày kể cả cuối tuần và các ngày nghỉ. Hạn chế các giấc ngủ trưa và ngủ vào ban ngày để tăng cường chất lượng giấc ngủ vào buổi tối.
- Không sử dụng điện thoại, máy tính, các thiết bị điện tử hoặc đọc sách điện tử trước khi đi ngủ. Ánh sáng từ các thiết bị điện tử có thể khiến người bệnh khó ngủ hơn.
- Tránh sử dụng các chất caffeine, nicotine và rượu vào cuối ngày hoặc trước khi đi ngủ. Các chất kích thích này có thể khiến người bệnh không ngủ được hoặc tăng khả năng thức dậy vào ban đêm và làm giảm chất lượng chất ngủ.
- Tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức khỏe và cải thiện chất lượng giấc ngủ. Tuy nhiên theo các chuyên gia, người bệnh không nên tập thể dục trước khi đi ngủ, vì điều này có thể kích thích não bộ và khiến người bệnh khó ngủ. Tập thể dục ít nhất từ 3 – 4 giờ trước khi đi ngủ để tránh ảnh hưởng đến giấc ngủ.
- Không ăn trước khi đi ngủ và ăn tối sớm với các món ăn dễ tiêu hóa. Một bữa ăn nhẹ hoặc một ly sữa ấm có thể hỗ trợ cải thiện các triệu chứng mất ngủ.
- Cải thiện không gian ngủ yên tĩnh, thoải mái, không quá nóng, không quá lạnh và có độ sáng phù hợp để tăng cường chất lượng giấc ngủ. Nếu phòng ngủ quá sáng, người bệnh có thể sử dụng mặt nạ che mắt, nếu phòng ngủ quá ồn, người bệnh có thể sử dụng nút bịt tai hoặc sử dụng tiếng ồn trắng để cải thiện môi trường ngủ.
- Tạo một thói quen trước khi đi ngủ như đọc sách, nghe nhạc nhẹ hoặc tắm.
- Nếu không thể ngủ, hãy rời khỏi giường và đến một góc khác trong nhà. Người bệnh có thể ngồi yên tĩnh, đọc sách hoặc nghe nhạc nhẹ cho đến khi cảm thấy buồn ngủ trở lại.
- Nếu thường xuyên có cảm giác lo lắng hoặc căng thẳng về các vấn đề trong cuộc sống, người bệnh có thể lập danh sách các việc cần làm trước khi đi ngủ. Điều này có thể cải thiện tình trạng căng thẳng và hạn chế các mối quan tâm của người bệnh.
Mất ngủ là một tình trạng phổ biến và ảnh hưởng đến khoảng 50% người trưởng thành. Tuy nhiên tình trạng này có thể điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau. Điều quan trọng là người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị theo phác đồ của bác sĩ.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!