Khung lý thuyết để đổi mới và hoàn thiện hệ thống y tế (03/03/2010)

Trong 20 năm qua, hệ thống y tế Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, nhưng vẫn được đánh giá là chậm đổi mới và còn nhiều bất cập. Mặc dù Chính phủ đã phê duyệt các chiến lược và kế hoạch dài hạn đầu tư cho y tế,[2] song trên thực tế vẫn chưa có một Khung chính sách chiến lược tổng thể cho việc đổi mới hệ thống y tế. Nhiều vấn đề phức tạp và mới mẻ cả về lý luận lẫn thực tiễnđang đòi hỏi được giải đáp nhằm tiếp tục đổi mới hệ thống y tế theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển. Để hình thành chiến lược đổi mới hệ thống y tế nước ta trong 10-15 năm tới, trước hết cần xây dựng một khung lý thuyết, nêu rõ những mục tiêu, nguyên tắc và phương pháp tiếp cận chung của quá trình đổi mới hệ thống y tế. Dựa trên sự phân tích thực trạng hệ thống y tế nước ta và tổng hợp những kinh nghiệm quốc tế, dự án đã nêu ra những vấn đề chính của khung lý thuyết này như sau.

1. Tiến hành đổi mới một cách cơ bản, có mục đích rõ ràng và bền vững

Cải cách hệ thống y tế là đem lại những thay đổi tích cực: “thay đổi bền vững, có mục đích và cơ bản” (Berman P., 1998).[3]Cải cách, đổi mới hệ thống y tế không phải là một nỗ lực nhất thời, mà là một quá trình hợp lý, có kế hoạch, tập trung vào các yếu tố quan trọng, có ý nghĩa chiến lược của hệ thống y tế (Berman, 1998; Figueras I. và cộng sự, 2004). Những cải cách hệ thống y tế sâu rộng tại các nước đang phát triển gần đây cho thấy phần lớn chỉ tập trung vào những giải pháp ngắn hạn hơn là những đổi mới và cải cách mang tính chiến lược và dài hơi hơn. Thực tế cho thấy, một số chính sách y tế được ban hành ở Việt Nam những năm gần đây mới chỉ đáp ứng những tình huống cấp bách, chưa có tính đồng bộ và đến nay nhiều chính sách đã trở nên lỗi thời, cần được bố sung, điều chỉnh. Phân tích những khuyết điểm và yếu kém trong 20 năm đổi mới vừa qua, Đại hội X của Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận định: “Tư duy của Đảng trên một số lĩnh vực chậm đổi mới. Một số vấn đề ở tầm quan điểm, chủ trương lớn chưa được làm rõ nên chưa đạt được sự thống nhất cao về nhận thức và thiếu dứt khoát trong hoạch định chính sách, chỉ đạo điều hành…,”trong đó có vấn đề “đổi mới chính sách, cơ chế quản lý giáo dục, y tế, văn hoá” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2006). Để góp phần khắc phục tình trạng đó, việc nghiên cứu xác định phương hướng cơ bản và dài hạn để đổi mới chính sách y tế ở Việt Nam trong những năm tới là rất cần thiết.
Cần phân biệt những cải cách cơ bản, với những thay đổi do sự áp đặt của các yếu tố bên ngoài – như những cải cách về chính trị, xã hội và kinh tế… Kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy, những thay đổi về kinh tế bắt đầu từ năm 1978 đã nhanh chóng tác động lên hệ thống y tế (Gu & Tang, 1995). Theo nhận định của Bộ Y tế Trung Quốc thì “từ khi tiến hành cải cách và mở cửa, y tế Trung Quốc đã đi theo con đường được chứng minh là sai” và “nhìn chung cải cách đã thất bại”. Lý do chính của những thất bại đó là: i) quá coi trọng tăng trưởng kinh tế, chưa quan tâm đầy đủ sự phát triển hệ thống xã hội, bao gồm hệ thống y tế; ii) thiếu hiểu biết rõ ràng về các đặc trưng của hệ thống y tế, quá tin vào thị trường và nhà nước không thực hiện được vai trò của mình; iii) vấn đề của hệ thống khác có ảnh hưởng quá nhiều đến sự phát triển của hệ thống y tế, đặc biệt là hệ thống tài chính… (China Ministry of Health, 2005). Và đây là bài học mà chúng ta cần chú ý để tránh mắc phải những sai lầm tương tự.
Mục tiêu của đổi mới hệ thống y tế Việt Nam là hướng tới công bằng, hiệu quả và phát triển. Đó là con đường để thực hiện các sứ mệnh cao cả của hệ thống y tế là bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân, đồng thời là yếu tố quan trọng để góp phần thực hiện tăng trưởng kinh tế đi liền với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; là căn cứ để phân biệt đúng, sai của các chính sách đổi mới.
Công bằng có thể hiểu là “không có sự khác biệt có thể khắc phục hoặc tránh được giữa các nhóm dân cư khác nhau về mặt xã hội, kinh tế, nhân chủng hay địa lý”.[4] Sự khác biệt trong sức khỏe thường bắt nguồn từ sự khác biệt của các yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến sức khỏe, như nước sạch, vệ sinh an toàn thực phẩm, dinh dưỡng, nhà ở, môi trường sống và làm việc, điều kiện tiếp cận các thông tin về sức khỏe, v.v.. Sự khác biệt về sức khỏe còn bắt nguồn từ sự khác biệt trong mức độ sẵn có của dịch vụ, khả năng tiếp cận các dịch vụ và sự chấp nhận cũng như chất lượng của dịch vụ.
Sự khác biệt về tình trạng sức khỏe do sự khác biệt về các yếu tố ảnh hưởng đến sức khoẻ, hoặc các yếu tố liên quan đến dịch vụ y tế, được gọi là “bất bình đẳng về sức khỏe”. Điều này thường tồn tại và có thể đo lường được. Xét từ góc độ công bằng, thì sự bất bình đẳng về sức khỏe có thể được coi là sự mất công bằng, khi những bất bình đẳng này i) có thể tránh được hoặc có những cơ chế có thể làm giảm bớt hoặc loại bỏ các tác động của nó; hoặc ii) khi xã hội không chấp nhận những bất bình đẳng này giữa con người hoặc giữa các nhóm dân cư. Điều này có thể được phán xét khác nhau từ các góc độ của cộng đồng, hay của toàn xã hội, hay khi so sánh với các chuẩn mực hiện nay của cộng đồng quốc tế.
Do đó mục tiêu công bằng trong chính sách y tế không phải là xóa bỏ mọi sự khác biệt về sức khỏe để mọi người cùng có trình độ và chất lượng sức khỏe như nhau, vì điều này là không thể và không thực tế, mà là làm giảm đi hoặc xóa bỏ những khác biệt do những yếu tố có thể tránh được và không công bằng. Giảm sự bất bình đẳng về sức khỏe rất quan trọng, vì sức khỏe là một quyền cơ bản của con người và thực hiện ngày càng tốt quyền này sẽ giúp xóa bỏ những bất bình đẳng vốn bắt nguồn từ sự chênh lệch về tình trạng sức khỏe (ví dụ như tình trạng bệnh tật và tàn tật) và tạo cơ hội tận hưởng cuộc sống và theo đuổi các kế hoạch của cuộc đời.
Trong thực tiễn, việc áp dụng quan niệm công bằng còn phụ thuộc vào từng chính sách liên quan. Công bằng trong cung ứng dịch vụ là: (1) mọi người có cùng nhu cầu đều được tiếp cận như nhau đến các dịch vụ y tế hiện có;[5] (2) mọi người có cùng nhu cầu đều được sử dụng dịch vụ y tế như nhau; (3) chất lượng dịch vụ y tế như nhau cho tất cả mọi người. (Whitehead, 1990; Dahlgren & Whitehead, 1991). Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng không thể cung cấp các dịch vụ như nhau theo địa bàn hành chính vì cần phải cân nhắc đến các yếu tố “đánh đổi”, chẳng hạn để đạt được hiệu suất cao nhất, không cần xây dựng hoặc nâng cấp bệnh viện hoặc phòng khám khi đã có sẵn những bệnh viện hoặc phòng khám khác thuộc các xã, huyện hoặc tỉnh khác ở gần đó.
Từ góc độ tài chính y tế, công bằng là đảm bảo ai cũng được tiếp cận dịch vụ y tế cần thiết mà không phụ thuộc vào khả năng chi trả. Có nghĩa là cần có những cơ chế hiệu quả để bảo vệ người dân khỏi gánh nặng về tài chính do chi phí của các dịch vụ y tế mà họ cần sử dụng. Muốn vậy, cần xác định các cơ chế cho phép chi trả trước khi sử dụng dịch vụ (không phải dựa trên các dịch vụ sẽ sử dụng, mà trên cơ sở khả năng chi trả), và cần tập trung những nguồn tài chính khác nhau[6] để có thể chia sẻ rủi ro (đây là cách bao cấp chéo có hiệu quả, trong đó người giàu trợ giúp người nghèo và người ít có nhu cầu sử dụng dịch vụ trợ giúp người có nhu cầu nhiều hơn). Đối với các nhóm xã hội yếu thế, như người nghèo – những người hoàn toàn không có khả năng chi trả, thì chính phủ cần bao cấp toàn bộ chi phí chăm sóc sức khoẻ cho họ.
Trong điều kiện của nước ta, công bằng trong chăm sóc sức khoẻ nhân dân là không để một người dân nào bị ốm đau mà không được chăm sóc ở mức cơ bản, thiết yếu, phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội.
Tính hiệu quả của hệ thống y tếthường được đánh giá chủ yếu bằng: i) các chỉ số sức khoẻ; ii) chất lượng và hiệu quả chăm sóc sức khỏe; sự hài lòng của người sử dụng; iii) hiệu quả về tài chính; iv) nhân lực, trang thiết bị và vật tư y tế; v) giá thành các dịch vụ chăm sóc nội trú, ngoại trú. Cần xem xét hiệu suất kỹ thuật (technical efficiency), bao gồm: sắp xếp cơ cấu tổ chức và nguồn nhân lực nhằm tối đa hoá sử dụng nhân lực, lồng ghép hệ thống công và tư (hiệu suất hành chính); giảm thiểu chi phí quản lý điều hành tại các cơ sở y tế, sử dụng hết công suất của thiết bị (hiệu suất thực hiện), và hiệu suất phân bổ (allocative efficiency), bao gồm: phân bổ các nguồn lực cho các địa phương, các chương trình y tế và các vấn đề ưu tiên (phân bố theo nhu cầu, ưu tiên cho y tế dự phòng, điều trị các bệnh thường gặp, ưu tiên các kỹ thuật phù hợp, v.v…).
Trình độ phát triển của hệ thống y tế thể hiện ở một số yếu tố như: i) hệ thống cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ có chất lượng và hiệu quả cao; ii) trình độ của nền y học và khả năng ứng dụng khoa học, công nghệ, y học hiện đại; iii) trình độ chuyên môn y tế; iv) trình độ trang thiết bị y tế; v) trình độ và hiệu lực quản lý đối với hệ thống y tế…
Đổi mới hệ thống y tế theo định hướng công bằng, hiệu quả và phát triển với nội hàm nêu trên là phù hợp với quan niệm của Tổ chức Y tế thế giới về ba mục tiêu cơ bản của hệ thống y tế. Đó là cải thiện sức khỏe nhân dân; tính đáp ứng của hệ thống y tế và công bằng về tài chính.[7]

2. Các chính sách đổi mới cần phù hợp với những đặc trưng của lĩnh vực y tế

Hệ thống y tế có những đặc trưng khác biệt so với các ngành kinh tế, xã hội khác, mà chúng ta cần phân tích, làm rõ để có thể tránh áp đặt một cách đơn giản các chính sách đổi mới của các lĩnh vực khác vào lĩnh vực y tế (Kornai & Eggleston, 2002). Như đã phân tích ở trên, một trong những nguyên nhân dẫn đến những thất bại trong cải cách y tế ở Trung Quốc là “thiếu hiểu biết đặc điểm của hệ thống y tế và quá nhận mạnh đến các cơ chế thị trường”. Khi đưa ra các chính sách đổi mới, cần làm rõ những đặc trưng sau đây của hệ thống y tế.
Trước hết, y tế là lĩnh vực liên quan đến việc gia tăng “vốn quý nhất của mỗi con người và của toàn xã hội”, đó là sức khỏe. Vì vậy, đầu tư cho lĩnh vực này là đầu tư phát triển, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ.[8]
Các cuộc điều tra ở quy mô quốc gia và toàn cầu đều cho thấy tất cả mọi người đều có nguyện vọng lớn nhất là có sức khoẻ tốt (Liên Hợp Quốc, 2000). Cũng vì vậy, sức khoẻ được cộng đồng quốc tế và các công ước quốc tế ghi nhận là một trong những “nhu cầu cơ bản bậc nhất” của cuộc sống con người. Ốm đau, bệnh tật gây thiệt hại trực tiếp đến phúc lợi cá nhân, do giảm thu nhập; giảm tuổi thọ và giảm cuộc sống tinh thần. Ốm đau bệnh tật, đặc biệt trong giai đoạn đầu của cuộc đời, có thể để lại hậu quả xấu cho cả vòng đời.Một điều rõ ràng nữa là bệnh tật để lại hậu quả qua các thế hệ:bệnh tật của một người có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho các thành viên khác trong gia đình, đặc biệt là trẻ em. Nếu bố mẹ ốm đau, bệnh tật thì khó mà sinh ra những đứa con khoẻ mạnh.
Sức khoẻ được quy định là một quyền con người, có nghĩa là sức khỏe của mỗi người i) được tôn trọng; ii) được bảo vệ khi bị đe doạ; và iii) mỗi cá nhân và nhà nước có trách nhiệm thực hiện quyền này.[9] Vì vậy, mọi người đều có quyền tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản và Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm cho mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ đó. Nhà nước còn có trách nhiệm bảo vệ các nhóm người dễ bị tổn thương đang gặp khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ y tế.
Sức khỏe phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có các yếu tố hầu như không thay đổi được, như lứa tuổi, giới tính, di truyền và các yếu tố có thể thay đổi nhằm đem lại những tác động tích cực, như văn hóa, lối sống, tập quán, điều kiện lao động, môi trường kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường (Dahlgren G. 1995; Marmot M, Wilkinson RG, eds. 1999). Vì vậy, cần phải ưu tiên cho lĩnh vực y tế công cộng, bảo vệ và nâng cao sức khỏe của cộng đồng thông qua giáo dục, xây dựng lối sống lành mạnh. Đặc biệt cần thu hút sự tham gia của cộng đồng và tổ chức các hoạt động liên ngành để giải quyết những vấn đề sức khỏe.
Thứ hai, đầu tư cho y tế là đầu tư cho phát triển, thể hiện ở một số điểm sau đây: i) sức khoẻ được cải thiện là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (nâng cao năng suất lao động, nâng cao hiệu quả giáo dục, giảm chi phí vì bệnh tật); ii) đầu tư cho y tế là biện pháp tích cực để xoá đói, giảm nghèo, thực hiện bình đẳng về giới…; iii) đầu tư cho y tế là đầu tư cho lĩnh vực cơ bản của phát triển con người; iv) đầu tư cho y tế sẽ góp phần làm giảm tốc độ tăng dân số, giảm áp lực của dân số đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Một nghiên cứu hiện đại và quy mô gần đầy của Tổ chức Y tế thế giới đã chứng minh rằng “sự tăng cường đầu tư cho y tế … có thể mang lại hàng trăm tỉ đô-la thu nhập mỗi năm cho các nước nghèo” (WHO, 2001). Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra “tầm quan trọng của đầu tư cho y tế đã bị chính phủ các nước đang phát triển đánh giá thấp”. Theo Ngân hàng thế giới, các nước đang phát triển chiếm 84% dân số thế giới và 90% gánh nặng bệnh tật toàn cầu, nhưng chỉ chiếm 20% GDP toàn cầu và 12% tổng chi phí y tế. Các nước giàu dành chi phí cho y tế tính theo đầu người nhiều hơn hàng trăm lần so với các nước có thu nhập thấp (Pablo et al., 2006). Sự hạn chế của các dịch vụ y tế thiết yếu, hoặc nếu có nhưng chất lượng không đảm bảo, việc tồn tại các rào cản về địa lý, văn hóa, ngôn ngữ, đặc biệt là rào cản về tài chính, đang làm cho các gia đình, đặc biệt là người nghèo, không được tiếp cận với dịch vụ y tế. Chính vì vậy, huy động nhiều hơn các nguồn lực cho y tế, xây dựng một hệ thống tài chính y tế có thể đảm bảo một nguồn tài chính đủ, ổn định theo thời gian và công bằng là mục tiêu quan trọng của đổi mới hệ thống y tế ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Đặc trưng thứ ba, là phần lớn các dịch vụ y tếđược coi là loại “hàng hoá công cộng”.[10] Các dịch vụ này đem lại lợi ích cho cả cộng đồng, ví dụ tiêm chủng mở rộng, phòng chống HIV/AIDS, lao, sốt rét, cung cấp nước sạch, đào tạo bác sỹ và điều dưỡng, các chương trình y tế công cộng, tuyên truyền vận động, giáo dục sức khoẻ… Đặc điểm của các hàng hoá/ dịch vụ công cộng là thị trường của các dịch vụ này không có sự cạnh tranh hoàn hảo, và khi đó “sự thất bại của thị trường” có thể xảy ra. Do đó, điều đã được thừa nhận chung là việc cung cấp các hàng hoá/ dịch vụ công cộng là thuộc trách nhiệm của Nhà nước, chứ không phải là thị trường. Trong cung ứng dịch vụ y tế, còn nhiều lý do khác gây ra thất bại thị trường. Những lý do này bao gồm: người sử dụng thiếu thông tin; không có sự cân xứng về thông tin giữa nhà cung cấp và người tiêu dùng; người sử dụng không rõ về kết quả điều trị của mình. Bản thân người bệnh thường không phải lúc nào cũng có thể tự do lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ, đặc biệt là khi họ cần những dịch vụ chăm sóc sức khoẻ khẩn cấp; sự lựa chọn của người tiêu dùng không phải lúc nào cũng hợp lý, nhất là khi họ có thể bị ảnh hưởng bởi sự đau đớn và các ảnh hưởng tâm lý khác. Mọi người không phải lúc nào cũng dự đoán được hoặc lên kế hoạch về những dịch vụ chăm sóc sức khoẻ mà họ có thể cần trong tương lai. Cung và cầu của dịch vụ thường không được xác định một cách độc lập và tình trạng một số nhà cung cấp độc quyền một phần thị trường sức khoẻ cũng không phải là không phổ biến. Trong tình thế đó, không thể áp dụng chính sách “phó mặc cho thị trường” (laissez-faire) và nhà nước cần tham gia tích cực vào lĩnh vực y tế, nhưng cái nhà nước cần làm là “lái thuyền nhiều hơn và chèo thuyền ít hơn”. Quản lý, điều hànhnhà nước có hiệu quả sẽ là chìa khoá để đảm bảo mọi chức năng của hệ thống y tế hoạt động phù hợp.
Một đặc điểm nữa cần quan tâm là tình trạng sức khoẻ của mỗi người trong xã hội nhiều khi không dự báo trước được. Vì vậy, cùng với trách nhiệm cá nhân của mỗi người với sức khoẻ của mình, mọi người trong xã hội cần phải có sự đoàn kết, chia sẻ với người khác khi họ gặp rủi ro bệnh tật bằng một cơ chế thích hợp và có tính bắt buộc. Đó là cơ chế chi trả trước, thông qua các nguồn thu từ thuế và BHYT. Một xã hội công bằng không thể là xã hội trong đó “ai ốm đau nhiều thì phải chi trả nhiều”, mà phải có sự chia sẻ giữa người khoẻ và người ốm, người trẻ và người già, người giàu và người nghèo… Điều này cần được thể hiện cả trong cơ chế tài chính y tế, cũng như trong hệ thống cung ứng dịch vụ và đặc biệt là bằng vai trò của Nhà nước trong quản lý, điều hành, cũng như cung ứng dịch vụ y tế cơ bản

3. Đổi mới từng bước, phù hợp với thực tiễn đất nước và hệ thống y tế Việt Nam

Để đề xuất các lựa chọn chính sách đổi mới hệ thống y tế, cần phải xuất phát từ những đặc điểm chính của bối cảnh đất nước cũng như thực trạng và những vấn đề đặt ra của hệ thống y tế.
Việt Nam đang trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế… Trong 10-15 năm tới, đất nước ta sẽ trải qua những thay đổi về mọi mặt của đời sống xã hội với hai mốc quan trọng: phấn đấu thoát khỏi tình trạng một nước kém phát triển vào năm 2010 và cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Trong bối cảnh này, những thay đổi nhanh chóng về kinh tế, xã hội chắc chắn sẽ tác động mạnh mẽ đến sự vận hành của hệ thống y tế, trong đó có cả những tác động tích cực, cũng như những tác động tiêu cực, mà các nhà hoạch định chính sách y tế cần thấy trước và chủ động ngăn chặn. Đó là nguy cơ gia tăng cách biệt giàu nghèo và cách biệt giữa các vùng miền; sự thay đổi về quy mô và cơ cấu dân số, cùng với nguy cơ gia tăng ô nhiễm môi trường, thay đổi lối sống, sự thay đổi về cơ cấu bệnh tật do tác động của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, hội nhập kinh tế quốc tếRất nhiều vấn đề phức tạp và mới mẻ đang đặt ra để đổi mới hệ thống y tế, trong đó vấn đề trung tâm là phát triển hệ thống y tế như thế nào trong điều kiện của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập kinh tế quốc tế…
Từ những phân tích nêu trên, khung chính sách để đổi mới hệ thống y tế Việt Nam có thể và cần phải bao gồm những vấn đề chính sau đây.
·            Thực hiện công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân trong điều kiện chênh lệch giàu – nghèo, chênh lệch giữa các vùng miền đang có xu hướng gia tăng;
·            Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống cung ứng dịch vụ y tế công lập;
·            Mở rộng khu vực y dược tư nhân như một bộ phận hợp thành của hệ thống y tế quốc gia và quản lý thích hợp để khu vực tư nhân phục vụ tốt các mục tiêu chung của hệ thống y tế;
·            Đổi mới cơ chế huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực tài chính để bảo đảm tính công bằng và hiệu quả của hệ thống y tế trong điều kiện đất nước còn nghèo, thu nhập của người dân còn rất thấp, giá thành chăm sóc y tế tăng;
·            Đổi mới và nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước để đáp ứng yêu cầu đổi mới hệ thống y tế…
Để đổi mới thành công, cần phải có những điều kiện nhất định. Tổng kết 10 năm cải cách hệ thống y tế ở các nước đang phát triển, A. Berman và cộng sự (Berman & Bossert, 2000) đã chỉ ra những điều kiện của việc cải cách, đó là cơ hội chính trị thuận lợi cho sự thay đổi, sự lãnh đạo mạnh mẽ, sự ổn định của chính phủ trong thời gian dài, để bảo đảm cho cải cách được thực hiện theo một chiến lược chặt chẽ, và các điều kiện về năng lực cán bộ, thông tin và tổ chức. So với những điều kiện đó, Việt Nam có những thuận lợi, như: sự ổn định về chính trị và sự cam kết của Đảng và Nhà nước đảm bảo cho quá trình đổi mới được thực hiện liên tục trong trong tiến trình chung của công cuộc đổi mới toàn diện của đất nước. Tuy nhiên, chúng ta cần phải tạo ra một số tiền đề quan trọng, đó là: năng lực và kỹ năng của cán bộ, bảo đảm hệ thống thông tin và tổ chức. Và một điều kiện không thể thiếu là bảo đảm sự thống nhất về “tư duy đổi mới”, làm cho các quan niệm đúng về đổi mới trở thành quan niệm chính thức của các nhà hoạch định chính sách ở tầm vĩ mô để có sự thống nhất cao về nhận thức và quyết tâm cao trong hoạch định chính sách và chỉ đạo điều hành. Với cách đặt vấn đề như vậy, đổi mới hệ thống y tế không thể thực hiện một lần là xong, mà cần được giải quyết từng bước, phù hợp với bối cảnh và điều kiện của từng giai đoạn, trên cơ sở một tầm nhìn dài hạn. Trong quá trình tiến hành đổi mới, cần phải vừa thực hiện, vừa theo dõi, đánh giá để điều chỉnh và tìm những giải pháp tối ưu.
Kể từ những năm 90 của thế kỷ trước, cải cách hệ thống y tế trở thành hiện tượng phổ biến ở hầu hết các nước, nhiều kinh nghiệm thành công và chưa thành công, thậm chí thất bại, đã được tổng kết, đánh giá và trao đổi rộng rãi. Đây là cơ hội thuận lợi mà chúng ta cần tận dụng để học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm của các nước, tránh được những sai lầm mà các nước đã phải trả giá.
Tài liệu tham khảo
–           BERMAN, P. (1998). Health Sector Reform: Making Health Development Sustainable. Boston, Havard University Press.
–           BERMAN, P. A. & BOSSERT, T. J. (2000). A Decade of Health Sector Reform in Developing Countries: What Have We Learned? Washington, DC: Harvard School of Public Health.
–           BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG (2000). Chiến lược quốc gia về môi trường 2001-2010.
–           CHINA MINISTRY OF HEALTH (August 2005). Report on China’s Health Care System and Reform.
–           DAHLGREN, G. (1995). European Health Policy Conference: Opportunities for the Future. Volume II – Intersectoral Action for Health Copenhagen, WHO Regional Office for Europe.
–           DAHLGREN, G. & WHITEHEAD, M. (1991). Policies and strategies to promote social equity in health, Stockholm, Institute for Future Studies.
–           ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (2006). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Hà Nội, NXB Chính trị quốc gia.
–           GU, Y. & TANG, S. (1995). Reform of the Chinese Health Care Financing System, Boston Havard University Press.
–           KORNAI JÁNOS, EGGLESTON KAREN (2002). Phúc lợi, Lựa chọn, và Đoàn kết trong chuyển đổi: Cải cách Khu vực Y tế ở Đông Âu. NXB Văn hóa Thông tin.
–           LIÊN HỢP QUỐC (2000). Điều tra Thiên niên kỷ.
–           MARMOT, M. & WILKINSON, R. (1999). Social Determinants of Health New York, Oxford University Press.
–           PABLO, G. & GEORGE, S. (2006). Health Financing Revisited, The World Bank.
–           WHITEHEAD, M. (1990). The Concepts and Principles of Equity and Health, Copenhagen, WHO Regional Office for Europe.
–           WHO (2001). Macroeconomics and Health: Investing in Health for Economic Development. Report of the Commission on Macroeconomics and Health.
[1] Trích báo cáo “Các lựa chọn chính sách để đổi mới và hoàn thiện hệ thống y tế Việt Nam theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển”. HN, 2007. Đồng chủ nhiệm Dự án: PGS. TS. Trần Thị Trung Chiến, Bộ trưởng Bộ Y tế và TS. Hans Troedsson, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam. Ban điều phối dự án: TS. Dương Quốc Trọng; TS. Dương Huy Liệu; TS. Nguyễn Hoàng Long; GS. TS. Trương Việt Dũng; TS. Đàm Viết Cương; PGS. TS. Phạm Trọng Thanh; Ths. Nguyễn Thị Kim Phương; TS. Graham Harrison; Ths. Phạm Thị Thanh Bình; Ths. Hà Anh Đức; Ths. Dương Thúy Anh.
[2] Chiến lược chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân giai đoạn 2001-2010, ban hành theo Quyết định số 35/ 2001/QĐ-TTg, ngày 19-03-2001, của Thủ tướng Chính phủ. Chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn 2020, ban hành theo Quyết định số 36/2004/QĐ-TTG, 17-03-2004, của Thủ tướng Chính phủ. Chiến lược quốc gia y tế dự phòng Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, ban hành theo Quyết định số 255/2006/QĐ-TTg, ngày 09-11-2006, của Thủ tướng Chính phủ. Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế Việt Nam giai đoạn đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020, ban hành theo Quyết định số 153/2006/QĐ-TTg, ngày 30-6-2006, của Thủ tướng Chính phủ…
[3] “Bền vững” với ngụ ý không phải là một nỗ lực nhất thời, không đem lại những tác động vững chắc; “có mục đích” ngụ ý là xuất phát từ những căn cứ hợp lý, có kế hoạch và có dựa trên bằng chứng; và “cơ bản” với ngụ ý là hướng vào những vấn để quan trọng, chiến lược của hệ thống y tế (Berman P., 1998).
[4] Xem: Equity. http://www.who.int/healthsystems/topics/equity/en/index.html. Truy cập 10-2- 2007
[5] Tiếp cận có thể từ nhiều khía cạnh khác nhau như: các yếu tố địa lý, giao thông (khoảng cách và thời gian di chuyển, những khó khăn về giao thông như cần vượt núi, qua sông v.v..); các yếu tố tài chính (chi phí di chuyển và dịch vụ); sự chấp nhận của khách hành đối với dịch vụ (phù hợp về văn hóa, rào cản ngôn ngữ, v.v…); và sự sẵn có của dịch vụ – thời gian nhà cung cấp dịch vụ mở cửa, các loại hình dịch vụ sẵn có.
[6] Hai nguồn kinh phí thường xuyên huy động ở trong nước là (i) thuế thu nhập do chính quyền trung ương hoặc địa phương thu, và (ii) bảo hiểm y tế xã hội. Tài trợ được coi là nguồn thứ ba có khả năng chuyển ngân sách từ nước giàu tới nước nghèo và có thể đóng góp trực tiếp hoặc gián tiếp vào “quỹ chung” sẵn có cho toàn bộ hệ thống y tế.
[7] The World Health Report 2000. pp 24.
[8] Nghị quyết số 46-NQ/TW, ngày 23-2-2005, của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam.
[9] Điều 25 của Hiến chương Liên hợp quốc năm 1948 nhấn mạnh “quyền về sức khỏe” của mỗi người dân. Công ước quốc tế về Kinh tế, Xã hôi và Văn hóa năm 1966 của Liên hợp quốc quy định trách nhiệm của mối quốc gia trong việc đảm bảo quyền về sức khỏe của mỗi người dân.
[10] Hàng hoá công cộng có hai đặc tính cơ bản là: không có tính cạnh tranh (non-rival), nếu có một người tiêu dùng một hàng hóa thì trong cùng một lúc không làm cho người khác phải ngừng tiêu dùng hàng hóa đó; không loại trừ (non-excludable), có nghĩa là nếu một người tiêu dùng một hàng hóa thì có thể làm cho người khác không phải tiêu dùng hàng hóa đó nữa.
5/5 - (2 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *