Tình hình đầu tư cho ngành y tế giai đoạn 2011-2015: Thực trạng và giải pháp (17/03/2011)

Chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh ngày càng được nâng cao; chính sách bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh đã được thực hiện tốt hơn. Mức độ thụ hưởng các dịch vụ y tế của người dân tăng lên rõ rệt. Nhân dân ở hầu hết các vùng, miền đã được tiếp cận với các dịch vụ y tế cơ bản; góp phần cải thiện đáng kể các chỉ số sức khoẻ cộng đồng.

  1. Nhận định tổng quan về tình hình đầu tư – ngành y tế:

Trong những năm qua thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 23/02/2005 của Bộ Chính trị về Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới, Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 22/01/2002 của Ban Bí thư về Củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, Kết luận số 43-KL/TW ngày 01/04/2009 của Bộ Chính trị về 3 năm thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW 23/02/2005 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 06-CT/TW ngày 22/01/2002, Kết luận số 44-KL/TW ngày 01/04/2009 của Bộ Chính trị về kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/TW ngày 22/03/2005 của Bộ Chính trị về Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số-kế hoạch hoá gia đình, Kết luận số 42-KL/TW của Bộ Chính trị về đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính (trong đó có tiền lương và giá dịch vụ y tế) đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và Nghị quyết số 18/2008/QH12 ngày 03/06/2008 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật xã hội hoá để nâng cap chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân, Quyết định số 35/2001/QĐ-TTg ngày 19/03/2001 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Chăm sóc sức khoẻ nhân dân giai đoạn 2001-2010, tầm nhìn đến năm 2020, Quyết định số 255/2006/QĐ-TTg ngày 09/11/2006 phê duyệt Chiến lược quốc gia y tế dự phòng Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, Quyết định số 21/2001/QĐ-TTg ngày 02/02/2001 về việc phê duyệt chiến lược quốc gia dinh dưỡng giai đoạn 2001-2010… Công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Hệ thống y tế tiếp tục được củng cố, mở rộng và phát triển; nhiều bệnh dịch mới, nguy hiểm đã được phát hiện, khống chế và đẩy lùi, không có dịch lớn xẩy ra; bước đầu ngăn chặn được sự xuống cấp các cơ sở y tế,  bước đầu cải thiện được tình trạng thiếu giường bệnh; dần dần kiểm soát tình trạng ngộ độc thực phẩm; nhiều kỹ thuật, công nghệ mới, hiện đại đã được nghiên cứu, ứng dụng thành công; một số kỹ thuật chuyên môn cao đã trở thành thường quy, được thực hiện tại nhiều bệnh viện tuyến tỉnh.

Chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh ngày càng được nâng cao; chính sách bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh đã được thực hiện tốt hơn. Mức độ thụ hưởng các dịch vụ y tế của người dân tăng lên rõ rệt. Nhân dân ở hầu hết các vùng, miền đã được tiếp cận với các dịch vụ y tế cơ bản; góp phần cải thiện đáng kể các chỉ số sức khoẻ cộng đồng. Cụ thể, tuổi thọ bình quân dự kiến năm 2010 đạt 73 tuổi; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm xuống dưới 18%. Các chỉ số về tử vong trẻ em, tỷ suất chết mẹ có nhiều chuyển biến tích cực.Tỷ suất tử vong của bà mẹ giảm xuống còn 68/100.000 ca đẻ sống. Tỷ lệ chết trẻ em dưới 1 tuổi năm 2010 còn 15‰, tỷ lệ chết trẻ em dưới 5 tuổi là 24‰, đạt kế hoạch đề ra. Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi tiêm đủ 7 loại vắc xin đạt trên 90%. Số giường bệnh/10.000 dân đạt 27,5 giường; 100% xã có trạm y tế xã; 80% xã đạt chuẩn quốc gia về Y tế, 75% xã có bác sỹ, 7 bác sỹ/10.000 dân (đạt chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra).

Để đạt được những kết quả trên, ngoài sự nỗ lực của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức của ngành y tế, còn có sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, trong đó có tăng cường nguồn lực đầu tư cho ngành Y tế, cụ thể:

1.1. Vốn đầu tư phát triển tập trung giai đoạn 2006-2010 là 7.132 tỷ đồng:

(Đơn vị tính: triệu đồng)

  Năm 2006 2007 2008 2009 2010
  Tổng số 1.191.200 1.513.200 1.390.000 1.462.000  1.576.000
  Trong nước 685.000 890.000 763.000 896.000 980.000
  Nước ngoài 506.200 623.200 623.200 560.000 590.000
  Chuẩn bị đầu tư     3.800 6.000 6.000
I Bộ Y tế 760.200 932.200 811.200 856.000 1.054.000
  Trong nước 410.000 528.000 510.000 521.000 614.000
  Nước ngoài 350.200 404.200 301.200 335.000 440.000
II Bộ, ngành khác 431.000 581.000 575.000 600.000 516.000
  Trong nước 275.000 362.000 253.000 375.000 366.000
  Nước ngoài 156.000 219.000 322.000 225.000 150.000

 

1.2. Vốn Chương trình MTQG thuộc ngành Y tế:

(Đơn vị tính: triệu đồng)

TT CHƯƠNG TRÌNH 2006 2007 2008 2009 2010
1.317.000 1.755.000 1.895.000 2.231.000 2.220.000
A Phòng chống các bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm và HIV/AIDS 690.000 1.010.000 1.170.000 1.450.000 1.220.000
1 Vốn sự nghiệp    550.000 535.000    600.000    700.000    960.000
2 Vốn ĐTPT    140.000 170.000    180.000    230.000    260.000
3 Viện trợ         305.000    390.000    520.000  
B Vệ sinh an toàn thực phẩm 55.000 85.000 110.000 137.000 230.000
1 Vốn sự nghiệp      55.000 80.000    100.000    130.000    215.000
2 Vốn ĐTPT                   –          7.000      15.000
3 Viện trợ    5.000      10.000    
C Dân số – Kế hoạch hóa gia đình 572.000 660.000 615.000 644.000 770.000
1 Vốn sự nghiệp    442.000 490.000    535.000    624.000    740.000
2 Vốn ĐTPT      60.000 70.000      
3 Viện trợ      70.000 100.000      80.000      20.000      30.000

1.3. Vốn hỗ trợ mục tiêu Y tế:

Tổng vốn hỗ cho y tế giai đoạn 2006-2010 là 3520 tỷ đồng (470 tỷ đồng năm 2006, 900 tỷ đồng năm 2007, 900 tỷ đồng năm 2008, 750 tỷ đồng năm 2009 và 500 tỷ đồng năm 2010). Trên cơ sở tổng mức vốn được phân bổ, các tỉnh chủ động phân bổ vốn đầu tư cho các cơ sở y tế địa phương như bệnh viện tuyến tỉnh, cho các bệnh viện huyện, các bệnh viện đa khoa khu vực (bao gồm cả các phòng khám đa khoa khu vực) thuộc Đề án cải tạo nâng cấp các bệnh viện huyện, bệnh viện đa khoa khu vực được phê duyệt tại Quyết định số 225/2005/QĐ-TTg và sau này được đầu tư cho các trung tâm y tế dự phòng tuyến huyện.

1.4. Vốn trái phiếu Chính phủ đầu tư cho ngành Y tế:

1.4.1. Các bệnh viện tuyến huyện và các phòng khám đa khoa khu vực theo Đề án phê duyệt tại Quyết định số 47/2008/QĐ-TTg:

– Nguồn vốn đầu tư khoảng 17.000 tỷ đồng, gồm 14.000 tỷ đồng từ trái phiếu Chính phủ, 3.000 tỷ đồng từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác; Tỷ lệ hỗ trợ vốn TPCP, mức vốn TPCP, ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác của từng tỉnh theo Quyết định số 582/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể mức phân bổ từng năm: Tổng vốn TPCP đã được giao đến nay là 9.150 tỷ đồng, gồm: năm 2008 được giao 3.750 tỷ đồng, năm 2009 được giao 3.000 tỷ đồng  và 2010 là 2.400 tỷ đồng. Đạt 65,4% so với kế hoạch; còn lại 4.850 tỷ đồng, năm 2011 dự kiến phân bổ 1500 tỷ đồng.

 Theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, năm 2008 phân bổ cho 464 bệnh viện; năm 2009 phân bổ cho 516 bệnh viện; năm 2010 phân bổ cho 540 bệnh viện; tổng cộng đến nay 589 bệnh viện/trung tâm y tế huyện và một số phòng khám đa khoa khu vực đã được phân bổ vốn đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ, chiếm 91,3% (589/645), còn 56 bệnh viện đã có trong danh mục được đầu tư nhưng chưa được phân bổ vốn, nguyên nhân là do vốn được cấp chưa đáp ứng nhu cầu nên phải xem xét, ưu tiên đầu tư tập trung, có trọng điểm, mặt khác một số bệnh viện hiện nay mới đang hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư nên chưa được cấp vốn.

1.4.2. Các bệnh viện tuyến tỉnh theo Đề án được phê duyệt tại Quyết định số 930/QĐ-TTg:

Tổng số vốn đầu tư thực hiện Đề án giai đoạn 2009-2013 khoảng 45.280 tỷ đồng, trong đó: (1) Nguồn trái phiếu Chính phủ hỗ trợ các địa phương khoảng 32.628 tỷ đồng; (2) Ngân sách hàng năm của các địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác khoảng 10.002 tỷ đồng; (3) Từ nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) khoảng 2.340 tỷ đồng…

Năm 2009 được giao 2.000 tỷ đồng phân bổ cho 123 dự án, trong đó 1.920 tỷ đồng cho 117 dự án tại địa phương: 42 BVĐK tỉnh, 37 bệnh viện Lao, 26 bệnh viện Tâm thần, 17 Bệnh viện Nhi, Sản – Nhi và 80 tỷ đồng cho 6 đơn vị trung ương trực thuộc Bộ Y tế.

Năm 2010, tổng vốn TPCP đã giao là 3.200 tỷ đồng. Trong đó 380 tỷ đồng cho 11 đơn vị trung ương trực thuộc Bộ Y tế và 2.820 tỷ cho 148 dự án tại các địa phương gồm: 42 bệnh viện đa khoa tỉnh, 45 bệnh viện Lao và Bệnh phổi, 35 bệnh viện Tâm thần, 21 bệnh Nhi, 5 trung tâm Ung bướu.

Như vậy, tính đến hết kế hoạch năm 2010, tổng vốn TPCP đã đầu tư cho ngành y tế là 14.350 tỷ đồng (trong đó tuyến huyện là 9.150 tỷ, tuyến tỉnh là 5.200 tỷ).

  1. Nhucầu  đầu tư giai đoạn 2011-2015:

Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2011 và Dự thảo Kế hoạch 5 năm 2011-2015 đã xác định nhiệm vụ trong tâm của ngành y tế là:

Nâng cao chất lượng, hiệu quả và cải thiện các dịch vụ y tế, mức sống và gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc. Cải thiện đáng kể các chỉ số sức khoẻ cho người dân, nâng cao tầm vóc thanh niên. Tiếp tục phát triển nền văn hoá tiên tiến mang đậm bản sắc dân tộc; giải quyết có hiệu quả và cơ bản những vấn đề xã hội bức xúc, nhất là tình trạng tội phạm, ma tuý, HIV/AIDS và tai nạn giao thông. Tăng nhanh mức sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Thực hiện tốt các Mục tiêu Thiên niên kỷ theo tiến trình cam kết, bảo đảm phát triển bền vững (kinh tế, xã hội, môi trường), thực hiện xoá đói giảm nghèo, bảo đảm công bằng xã hội.

Để thực hiện được các mục tiêu về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, nhu cầu đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị cho lĩnh vực y tế là:

2.1. Nguồn vốn đầu tư phát triển Chương trình mục tiêu quốc gia về y tế:

2.1.1. Chương trình MTQG về an toàn vệ sinh thực phẩm:

Quyết định số 154/2006/QĐ-TTg ngày 30/6/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Quản lý nhà nước về dược phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm, mỹ phẩm giai đoạn 2006-2015”, trong đó có nêu giải pháp về đầu tư, tài chính: Tăng cường đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác quản lý nhà nước về dược phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm, mỹ phẩm ở trung ương và địa phương. Xây dựng hệ thống tin học phục vụ công tác quản lý nhà nước về dược phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm, mỹ phẩm từ trung ương đến cấp tỉnh, huyện. Dự kiến nhu cầu đầu tư từ ngân sách trung ương trong giai đoạn 2011-2015 là 1.500 tỷ (trung bình 300 tỷ/năm).

2.1.2. Chương trình MTQG phòng chống HIV/AIDS:

Củng cố hoàn thiện hệ thống phòng chống HIV/AIDS tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đối với các trung tâm phòng chống HIV/AIDS theo Quyết định số 1107/QĐ-TTg ngày 28/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Tăng cường năng lực hệ thống phòng, chống HIV/AIDS tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giai đoạn 2010-2015. Tổng nhu cầu vốn của Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là 1590 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương khoảng 1064 tỷ. Tính đến hết kế hoạch năm 2010, ngân sách Trung ương đã bố trí khoảng 360 tỷ đồng. Như vậy trong thời gian tới cần tiếp tục được bố trí khoảng 704 tỷ đồng.

2.1.3. Chương trình MTQG phòng chống các bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm:

Đầu tư xây mới, cải tạo nâng cấp mua sắm trang thiết bị y tế các trung tâm có chức năng nhiệm vụ liên quan tới thực hiện các mục tiêu của Chương trình như Trung tâm truyền thông, giáo dục sức khỏe, trung tâm sức khỏe sinh sản, trung tâm phòng chống các bệnh xã hội, trung tâm phòng chống phong, da liễu, trung tâm y tế dự phòng tuyến tỉnh, trung tâm phòng chống số rét, trung tâm nội tiết… Dự kiến nhu cầu đầu tư từ ngân sách trung ương trong giai đoạn 2011-2015 là 1.500 tỷ (trung bình 300 tỷ/năm).

2.1.4. Chương trình Dân số – Kế hoạch hóa gia đình:

  1. Nguồn vốn đầu tư tập trung:

Nguồn vốn này tập trung đầu tư cho các bệnh viện, các trường, các Viện trực thuộc Bộ Y tế. Tổng nhu cầu đầu tư giai đoạn 2011-2015 khoảng 5.000 tỷ đồng vốn trong nước (trung bình 1000 tỷ/năm) và vốn nước ngoài khoảng 2.500 tỷ đồng (trung bình 500 tỷ/năm).

  1. Nguồn vốn trái phiếu Chính phủ

3.1. Các bệnh viện tuyến huyện và các phòng khám đa khoa khu vực theo Đề án phê duyệt tại Quyết định số 47/2008/QĐ-TTg:

Tổng nguồn vốn TPCP để thực hiện Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là 14.000 tỷ đồng. đến nay đã bố trí được 9.150 tỷ đồng. Tuy nhiên, do tình hình biến động giá nguyên vật liệu và trang thiết bị y tế nên Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1872/QĐ-TTg ngày 12/11/2009 giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân các địa phương xác định lại tổng mức vốn đầu tư từng dự án và tổng nguồn vốn đầu tư của toàn bộ Đề án. Hiện tại, tổng nhu cầu đầu tư của Đề án khoảng 35.000 tỷ (tổng hợp theo các Quyết định đầu tư từ các địa phương), trong đó nhu cầu hỗ trợ từ nguồn trái phiếu Chính phủ khoảng 28.000 tỷ. Như vậy, trong trường hợp Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung tổng mức đầu tư của Đề án thì nhu cầu giai đoạn 2011-2015 cần được tiếp tục bố trí 18.850 tỷ đồng (trung bình 3770 tỷ/năm).

3.2. Các bệnh viện tuyến tỉnh theo Đề án được phê duyệt tại Quyết định số 930/QĐ-TTg:

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nguồn trái phiếu Chính phủ hỗ trợ các địa phương khoảng 32.628 tỷ đồng, tính đến nay đã bố trí được 5.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo tổng hợp nhu cầu từ các địa phương, tổng nhu cầu đầu tư khoảng 53.000 tỷ đồng, trong đó nhu cầu từ nguồn vốn TPCP khoảng 43.500 tỷ đồng. Trong trường hợp Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung vốn để thực hiện Đề án thì nhu cầu vốn TPCP giai đoạn 2011-2015 ước khoảng 38.300 tỷ đồng (trung bình 7660 tỷ đồng/năm).

  1. Nguồnvốn hỗ trợ có mục tiêu

Các bệnh viện tuyến tỉnh không được đầu tư bằng nguồn vốn TPCP như Y học cổ truyền, phục hồi chức năng, chuyên khoa sản, mắt, tai mũi họng .v.v. Dự kiến nhu cầu đầu tư giai đoạn 2011-2015 khoảng 3.000 tỷ đồng (trung bình 600 tỷ/năm).

Các khó khăn, thách thức:

-Trong thời gian qua, do nhu cầu thực tiễn, ngành y tế đã tổ chức, thành lập nhiều loại hình tổ chức mới nên nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị rất lớn, đặc biệt là khi thực hiện các dự án đầu tư chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng khá lớn nhưng khả năng cân đối ngân sách nhà nước không đáp ứng được nhu cầu.

– Theo Luật Ngân sách nhà nước, các địa phương phải chủ động bố trí ngân sách của địa phương để đầu tư cho các cơ sở y tế trên địa bàn nhưng thực tế thì nguồn vốn ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác của các địa phương còn rất hạn chế

– Tình trạng đầu tư dàn trải chậm được khắc phục dẫn đến thời gian thực hiện các dự án đầu tư kéo dài, chậm đưa vào sử dụng dẫn tới kém hiệu quả.

– Việc chậm triển khai thực hiện đổi mới cơ chế tài chính theo Kết luận số 42-KL/TW của Bộ Chính trị về đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính (trong đó có tiền lương và giá dịch vụ y tế) đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập dẫn đến các cơ sở không có nguồn thu để tái đầu tư, nên gần nhu hoàn toàn trông chờ nguồn vốn ngân sách nhà nước (trung ương và địa phương). Mặt khác, trong phân bổ ngân sách đầu tư, một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đầu tư cho y tế dự phòng.

– Một số địa phương phê duyệt các dự án đầu tư vượt quá quy hoạch phát triển hệ thống y tế đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 153/QĐ-TTg; vượt quá định suất đầu tư xây dựng theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng, vượt quá hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật về thiết kế mẫu các cơ sở y tế, danh mục trang thiết bị theo từng tuyến của Bộ Y tế dẫn tới nhu cầu đầu tư tăng cao, gây lãng phí nguồn lực của Nhà nước.

Giải pháp:

  1. Tăng cường đầu tư cho Y tế:

Rà soát, điều chỉnh, bổ sung  Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế giai đoạn 2006-2010 và tầm nhìn 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ban hành quy hoạch phát triển mạng lưới các cơ sở y tế chuyên ngành làm căn cứ để các địa phương chủ động xây dựng các dự án đầu tư đảm bảo hiệu quả, tránh lãng phí.

Rà soát, sửa đổi bổ sung các hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật, đặc biệt là định suất đầu tư xây dựng các công trình y tế, tiêu chuẩn trang thiết bị y tế, tiêu chuẩn thiết kế các cơ sở y tế phù hợp với từng tuyến, từng khu vực, phù hợp với khả năng khai thác sử dụng của cán bộ y tế.

Triển khai thực hiện có hiệu quả việc đầu tư, nâng cấp các bệnh viện huyện theo Quyết định số 47/2008/QĐ-TTg; một số bệnh viện đa khoa tỉnh thuộc vùng miền núi, khó khăn, các bệnh viện lao, tâm thần, ung bướu, nhi theo Quyết định số 930/QĐ-TTg; các trung tâm y tế huyện theo Quyết định 1402/2008/QĐ-TTg; các trung tâm phòng chống HIV/AIDS theo Quyết định 1107/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Tiếp tục ưu tiên các nguồn vốn để đầu tư, nâng cấp các trạm y tế xã theo Quyết định 950/QĐ-TTg, Quyết định 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt ưu tiên các xã chưa có trạm y tế hoặc có nhưng là nhà tạm, các xã mới chia tách, phấn đấu hết năm 2010, số xã có trạm y tế đạt 100% và khoảng 40% số xã đạt chuẩn quốc gia theo chuẩn mới.

Tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư cho ngành y tế, đảm bảo mức đầu tư cho y tế tăng cao hơn tốc độ phát triển kinh tế xã hội theo đúng chỉ đạo tại Nghị quyết số 18/2008/NQ-QH12, trong đó bảo đảm 30% kinh phí cho y tế dự phòng. Các địa phương chủ động, bố trí ngân sách địa phương đầu tư cho các cơ sở y tế, đặc biệt là bố trí “vốn đối ứng’ cho các dự án được đầu tư từ nguồn vốn TPCP, đảm bảo thực hiện các Đề án đúng tiến độ.

Phân bổ vốn tập trung ưu tiên cho các vùng khó khăn, các địa phương có ảnh hưởng thiên tai bão lụt, các công trình ưu tiên, các công trình có khối lượng thực hiện lớn, các công trình có có khả năng sớm hoàn thành để sớm đưa các công trình y tế vào sử dụng, phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế song phương, đa phương, các tổ chức chính phủ, phi chính phủ, các tổ chức Ngân hàng, tài chính nhằm tăng cường thu hút nguồn lực đầu tư, tiếp cận công nghệ mới, tiến tiến của Thế giới, góp phần đẩy nhanh quá trình hội nhập trong lĩnh vực y dược.

Tổ chức triển khai có hiệu quả các dự án ODA, dự án NGO. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Dự án hỗ trợ Y tế Đồng bằng Sông Cửu Long, Dự án hỗ trợ Y tế các tỉnh miền núi phía bắc; Dự án hỗ trợ Y tế Tây Nguyên; Dự án hỗ trợ y tế các tỉnh nam trung bộ… Sớm hoàn thành việc chuẩn bị để triển khai các dự án Hỗ trợ y tế các tỉnh Bắc trung bộ (vay WB); Dự án hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực y tế (ADB); Dự án Phát triển bệnh viện tỉnh, vùng từ nguồn vốn vay JICA giai đoạn 2. Tiếp tục huy động và tranh thủ nguồn viện trợ của các tổ chức Chính phủ, phi chính phủ khác cho phát triển hệ thống y tế địa phương.

Xây dựng Đề án thí điểm thực hiện việc chữa bệnh theo nhu cầu bằng kỹ thuật tiên tiến ở một số bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh trình Thủ tướng Chính phủ mục tiêu chính nhằm huy động các nguồn lực để tăng cường đầu tư trang thiết bị tiên tiến phục vụ người bệnh, với mức thu phí hợp lý, thu đúng, thu đủ, có sự giám sát của cơ quan hữu quan, đảm bảo hài hòa lợi ích của các nhà đầu tư, của thầy thuốc, đồng thời người nghèo cũng được hưởng thụ với sự hỗ trợ của Nhà nước (Thông báo số 362/TB-VPCP ngày 25/12/2009 của Văn phòng Chính phủ).

Thực hiện tốt đề án luân phiên, cán bộ y tế tuyến trên về hỗ trợ tuyến dưới, tăng cường đào tạo cán bộ y tế, đặc biệt là cán bộ y tế có trình độ cao bảo đảm khai thác, sử dụng các cơ sở y tế, trang thiết bị có hiệu quả.

Tăng cường công tác quản l‎ nhà nước đối với các dự án đầu tư cho y tế, đặc biệt là công tác kiểm tra giám sát, bảo đảm thực hiện các dự án đầu tư đúng quy định, tránh lãng phí.

  1. Xã hội hóa:

Huy động các các nguồn vốn đầu tư, tận dụng cơ sở vật chất hiện có để tăng số giường bệnh; xây dựng thêm các bệnh viện mới; Phát triển y tế ngoài công lập: tạo điều kiện khuyến khích phát triển các bệnh viện tư nhân góp phần đáp ứng các nhu cầu đa dạng của nhân dân, chia sẻ gánh nặng đối với các cơ sở y tế Nhà nước

  1. Đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính:

Khẩn trương xây dựng Nghị định đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính trình Chính phủ ban hành theo hướng tăng cường tự chủ toàn diện cho các đơn vị. Đổi mới phương thức phân bổ ngân sách. Triển khai khung giá dịch vụ y tế mới trên cơ sở tính đúng tính đủ, phần nào nhà nước chi thì không thu. Đẩy mạnh việc vay vốn tín dụng ưu đãi Ngân hàng Phát triển để đầu tư phát triển. Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định 43 của Chính phủ, chuyển các bệnh viện từ loại hình tự đảm bảo một phần kinh phí thường xuyên sang tự đảm bảo toàn bộ kinh phí thường xuyên để phát huy quyền chủ động, sáng tạo trong việc sử dụng các nguồn tài chính, sắp xếp, bố trí nhân lực để hoàn thành nhiệm vụ được giao, huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách để tổ chức các hoạt động dịch vụ, đáp ứng nhu cầu đa dạng của các tầng lớp nhân dân, tăng thu nhập hợp pháp cho người lao động. Tập trung triển khai xây dựng kế hoạch 5 năm 2011 – 2015, tiếp tục hoàn chỉnh quy hoạch phát triển các chuyên khoa, các đơn vị.

Đánh giá bài viết

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *