Một số giải pháp thiết yếu để tiến tới bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân vào năm 2022 (05/12/2012)

Theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế: Mệnh giá thẻ BHYT được tính bằng 4,5-6% mức lương tối thiểu. Hiện tại theo Nghị định 62/2009/NĐ-CP ngày 27/7/2009 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (gọi tắt là Nghị định 62 CP), mệnh giá thẻ BHYT được tính 4,5% mức lương tối thiểu. Theo Nghi quyết kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII thì từ 1/7/2013 lương tối thiểu là 1.150.000đ/tháng. Vậy mệnh giá thẻ BHYT có giá trị sử dụng một năm (12 tháng) là:

Ts. Hà Văn Thúy

Bs. Nguyễn Đình Thường

Bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân (UHC) là một giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu chiến lược “Tài chính y tế hướng tới chăm sóc sức khỏe toàn dân”

Theo báo cáo của Bộ Y tế [1] đến hết năm 2011 có 64,9% dân số tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), tương ứng với 57.082.000 thẻ BHYT các lọai, đem lại nguồn thu  BHYT các năm như 2009: 13.053,9 tỷ đồng; 2010: 25.597,3 tỷ đồng và 2011 là 29.980,6 tỷ đồng. Từ nguồn thu BHYT nói trên, năm 2011 Quỹ Bảo hiểm y tế đã thanh tóan cho 105.538.810 lượt khám chữa bệnh ngoại trú và 8.896.170 lượt khám chữa bệnh nội trú ở cả 4 tuyến khám chữa bệnh của ngành y tế.

Báo cáo của Bộ Y tế nêu rõ: Cùng với việc mở rộng các gói dịch vụ y tế, nhiều dịch vụ kỹ thuật cao chi phí lớn theo danh mục Bộ Y tế qui định như đặt stent, mổ tim, thay ổ khớp nhân tạo, chạy thận … cũng được Quỹ BHYT chi trả tối đa bằng 40 tháng lương tối thiểu cho một lần sử dụng dịch vụ. Đối với trẻ em dưới 6 tuổi, người có công được Quỹ BHYT chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh. Kết quả trên đã phần nào cải thiện tình trạng sức khỏe cho nhân dân, giảm gánh nặng chi phí của người dân khi ốm đau bệnh tật, góp phần bảo đảm chính sách an sinh xã hội và xóa đói giảm nghèo hàng năm của Đảng và Nhà nước ta.

Lợi ích của BHYT là rõ ràng, không những đây là chính sách an sinh xã hội nhằm bảo đảm cho nền kinh tế phát triển bền vững mà còn là nguồn lực tài chính y tế hết sức quan trọng để hướng tới chăm sóc sức khỏe toàn dân. Chính vì vậy ngày 22    tháng 11 năm 2012, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 21- NQ-TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác BHXH và BHYT giai đoạn 2012-2020. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020 có 80% dân số Việt Nam tham gia BHYT.

Vấn đề đặt ra là: Để đạt được mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân đến năm 2020 theo Nghị quyết 21-NQ-TW của Bộ Chính trị, chúng ta cần biết rõ hơn 35% dân số chưa tham gia BHYT thuộc đối tượng nào ?. Các đối tượng đó tập trung ở đâu ?. Khả năng tham gia BHYT của họ ra sao ?. Phương thức tiếp cận và các giải pháp tối ưu huy động các đối tượng đó tham gia BHYT ra sao ?.

Trước hết phải khẳng định có 3 nhóm đối tượng chính nằm trong 35% dân số nói trên, là nhóm tự nguyện; nhóm được nhà nước hỗ trợ một phần mệnh giá BHYT như các hộ gia đình có mức thu nhập trung bình, hộ cận nghèo và học sinh, sinh viên. Các nhóm đối tượng này tập trung chủ yếu ở nông thôn (hơn 70%), nơi điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, thu nhập bình quân hàng năm rất thấp, tình trạng ốm đau bệnh tật khá phổ biến vì vậy người tham gia BHYT hầu hết là những người có bệnh mãn tính cần phải chữa trị liên tục, kéo dài, tốn kém nhiều.

Để có các giải pháp tối ưu vận động các đối tượng tham gia BHYT, chúng ta cần xem xét một số vấn đề liên quan tói chính sách BHYT dưới đây.

  1. Mệnh giá thẻ BHYT.

Theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế: Mệnh giá thẻ BHYT được tính bằng 4,5-6% mức lương tối thiểu. Hiện tại theo Nghị định 62/2009/NĐ-CP ngày 27/7/2009 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (gọi tắt là Nghị định 62 CP), mệnh giá thẻ BHYT được tính 4,5% mức lương tối thiểu. Theo Nghi quyết kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII thì từ 1/7/2013 lương tối thiểu là 1.150.000đ/tháng. Vậy mệnh giá thẻ BHYT có giá trị sử dụng một năm (12 tháng) là:

1.150.000đ/tháng  X 12 tháng X 4,5% = 621.000đ/thẻ

  1. Chuẩn nghèo và cận nghèo: Quyết định 09/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chuẩn hộ nghèo và hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011-2015:

– Hộ nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 400.000 đồng/người/tháng (từ 4.800.000 đồng/người/năm) trở xuống.

– Hộ nghèo ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 500.000 đồng/người/tháng (từ 6.000.000 đồng/người/năm) trở xuống.

– Hộ cận nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 401.000 đồng đến 520.000 đồng/người/tháng.

– Hộ cận nghèo ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 501.000 đồng đến 650.000 đồng/người/tháng.

Hộ có mức thu nhập trung bình chưa có qui định cụ thể.

– Nhóm tự nguyên: phải trả 100% mệnh giá thẻ BHYT là 621.000đ.

621.000đ X 70% = 434.700đ

621.000đ X 30% = 186.300đ

– Học sinh, sinh viên, mức tính mệnh giá thẻ là 3%

[2] lương tối thiểu.

1.150.000đ/tháng X 3% X 12 tháng  = 414.000đ

  1. Mức tính giảm trừ khi mua BHYT theo hộ gia đình:

Hộ gia đình có 100% thành viên tham gia BHYT thì được tính giảm trừ [3]:

o       Người thứ nhất đóng 100% mệnh giá thẻ;

o       Người thứ hai đóng 90% mệnh giá thẻ;

o       Người thứ ba đóng 80% mệnh giá thẻ;

o       Người thứ tư đóng 70% mệnh giá thẻ;

o       Người thứ năm trở đi chỉ đóng 60% mệnh giá thẻ.

Bảng tính giảm trừ theo NĐ 62 CP (nếu mua BHYT theo hộ gia đình)

Loại hộ Người      thứ 1 Người thứ 2 Người thứ 3 Người thứ 4 Người thứ 5 trở đi Cộng

(hộ 5 người)

Hộ tự nguyện 621.000 558.900 496.800 434.700 372.600 2.484.000
Hộ trung bình 434.700 391.230 347.760 304.290 260.820 1.738.800
Hộ cận nghèo 186.300 167.670 149.040 130.410 111.780 745.200
  1. Thực trạng tham gia BHYT của các đối tượng trên:

Phân tích hơn 35% dân số chưa tham gia BHYT cho thấy:

– Nhóm đối tượng tự nguyện chiếm hơn 23% dân số nhưng mới chỉ có 24,5% trong số họ tham gia BHYT (tương đương 5,66% dân số) mà chủ yếu là những người mắc các bệnh mãn tính hoặc bệnh hiểm nghèo mới mua thẻ BHYT.

– Nhóm có thu nhập trung bình: Do chưa có qui định mức thu nhập cụ thể nên họ phải mua BHYT như nhóm tự nguyện (chưa được NSNN hỗ trợ).

– Nhóm người cận nghèo: Được Nhà nước hỗ trợ 50% [4] mệnh giá thẻ từ năm 2008-2011 và 70% từ năm 2012. Nhóm này chiếm xấp xỉ 10% dân số nhưng số người tham gia BHYT rất thấp, chỉ có 18,9% (tương đương  1,23% dân số).

Như vậy với 35% dân số thuộc các nhóm đối tượng trên mới chỉ có 7% dân sỗ tham gia BHYT.

  1. Nguyên nhân của thực trạng trên:

Trước hết phải nói tới khả năng chi trả khi tham gia BHYT của các nhóm đối tượng trên là rất thấp vì hơn 70% sống ở nông thôn, đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Một lúc họ phải bỏ ra từ 750.000đ (hộ cận nghèo) hoặc 2,5 triệu đồng (hộ tự nguyện) để mua BHYT là điều rất khó khăn. Vị vậy họ phải ưu tiên trong gia đình có ai ốm thì mua BHYT thôi.

Hệ thống chính trị ở các địa phương chưa thực sự vào cuộc. Công tác tuyên truyền vận động người dân tham gia BHYT còn phó mặc cho hệ thống BHXH Việt Nam. Tư tưởng ngại làm thủ tục chứng từ thanh toán tiền hỗ trợ BHYT cho các đối tượng được hưởng từ ngân sách Nhà nước khá phổ biến ở nhiều địa phương.

Mạng lưới Đại lý BHYT của BHXH Việt Nam có ở hầu hết các xã, nhưng họ hưởng hoa hồng theo % số tiền thực thu. Vì vậy các Đại lý nặng về bán BHYT tự nguyện (được hoa hồng cao hơn bán BHYT cho người được NSNN hỗ trợ một phần). Hơn nữa, 1 đại lý ở một xã nên họ không thể làm công tác vận động người dân tham gia BHYT được.

Chất lượng cung cấp dịch vụ y tế phần nào chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Tình trạng phân biệt đối xử giữa khám chữa bệnh BHYT với khám chữa bệnh theo yêu cầu còn phổ biến ở nhiều nơi.

  1. Đề xuất các giải pháp thiết yếu;

Một là: Cả hệ thống chính trị ở các địa phương phải vào cuộc: UBND các tỉnh, thành phố cần ra Quyết định về việc triển khai BHYT ở địa phương với mục tiêu, chỉ tiêu rõ ràng để thực hiện Nghị quyết 21-NQ-TW của Bộ Chính trị. Theo đó Chủ tịch UBND giao nhiệm vụ cụ thể cho các Ban, ngành:

– Ngành Lao động – Thương bình và xã hội  có trách nhiệm hướng dẫn chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có thu nhập trung bình … và hàng năm tổ chức rà soát xác định cụ thể các đối tượng để cung cấp cho các tổ chức có liên quan thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước ở địa phương.

– Ngành Tài chính có trách nhiệm cân đối ngân sách hỗ trợ hàng năm cho các đối tưởng hưởng chính sách an sinh xã hội của Đảng, đảm bảo việc hỗ trợ mua thẻ BHYT cho các đối tượng được thuận tiện nhanh chóng.

Đồng thời các tổ chức Đảng, chính quyền các cấp phải thường xuyên kiểm tra giám sát việc thực hiện ở các đơn vị theo thẩm quyền để bảo đảm các nhiệm vụ được thực thi nghiêm túc.

Hai là: Tiếp cận BHYT theo hộ gia đình là giải pháp khó nhưng hiệu quả to lớn về thanh khoản tài chính cho các dịch vụ khám chữa bệnh và bảo đảm tính bền vững, an toàn của Quỹ BHYT. Việc tiếp cận BHYT theo HGĐ cần vận dụng triệt để các chính sách hỗ trợ của Nhà nước tránh “bắt buộc, máy móc”.

Ba là: Khôi phục lại Quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo ở tất cả các địa phương. Đây là Quỹ của Nhà nước, có sự đóng góp của xã hội ở mỗi tỉnh để hỗ trợ phần cùng chi trả cho nhóm người có thu nhập thấp khi đi khám chữa bệnh BHYT theo Quyết định số 14/2012/QĐ-TTg ngày 01/03/2012 của Thủ tướng Chính.

Bốn là: Cải tiến phương thức quản lý và thanh toán BHYT bằng ứng dụng công nghệ thông tin qua Internet, chữ ký điện tử ở tất cả các bệnh viện đến các trung tâm quản lý Quỹ BHYT như mô hình quản lý của Thái Lan hiện nay. Điều này giảm phiền hà, bớt tốn kém cho cả cơ quan quản lý Quỹ, người bệnh và cả các cơ sở khám chữa bệnh BHYT.

Nếu các giải pháp trên được thực hiện đồng bộ dưới sự chỉ đạo chặt chẽ từ các cơ quan trung ương đến các cấp ủy Đảng và Chính quyền địa phương thì chúng ta tin rằng mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân sẽ đạt được vào năm 2020 là rất khả thi.

[1] Báo cáo tại HN tổng kết đánh gia 3 năm thực hiện Luật Bảo hiểm y tế của Bộ Y tế tháng 11/2012 

[2] Theo Nghị định 62 CP: Nếu HSSV thuộc hộ cận nghèo cũng còn  được hỗ trợ 70% mệnh giá thẻ.

[4] Quyết định 797 QĐ-TTg ngày 26/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng mức hỗ trợ đáng BHYT cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo.

Đánh giá bài viết

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *