Một số nét về hiệu quả của công tác tiêm chủng phòng chống bệnh truyền nhiễm ở trẻ em (17/03/2011)

Từ năm 1986, TCMR được coi là một trong 6 chương trình y tế quốc gia ưu tiên. Và hiện nay dự án Tiêm chủng thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm và HIV/AIDS.

MỞ ĐẦU

Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) bắt đầu được triển khai ở Việt Nam từ năm 1981 với sự hỗ trợ của WHO và UNICEF. Đến năm 1985 chương trình TCMR được đẩy mạnh và triển khai trên phạm vi cả nước. Từ năm 1986, TCMR được coi là một trong 6 chương trình y tế quốc gia ưu tiên. Và hiện nay dự án Tiêm chủng thuộc chương trình  mục tiêu quốc gia phòng, chống một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm và HIV/AIDS. Điểm lại chặng đường 25 năm triển khai, chương trình tiêm chủng đã góp phần thực hiện thành công việc chăm sóc sức khỏe trẻ em nói riêng và sức khỏe cộng đồng Việt Nam nói chung, đạt được các mục tiêu cam kết Quốc tế như Thanh toán Bại liệt, Loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh và giảm tỷ lệ mắc/ chết các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em…  Đây cũng là một minh chứng rõ ràng về kết quả đầu tư của Nhà nước đã mang lại hiệu quả rõ rệt về kinh tế xã hội ở Việt Nam.

CÔNG TÁC TIÊM CHỦNG Ở VIỆT NAM

  1. Thông tin chung

Chương trình TCMR Việt Nam đã xây dựng được mạng lưới từ Trung ương tới xã phường.

Các vắc-xin triển khai trong chương trình TCMR cho trẻ em dưới 1  tuổi [8].

Từ năm 1985, chương trình TCMR của Việt Nam triển khai tiêm vắc-xin phòng 6 loại bệnh cho trẻ dưới 1 tuổi là lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và sởi.

Với kết quả giảm số mắc và tử vong do 6 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đã giảm rõ rệt ở trẻ em Việt Nam, từ năm 1997 Chính phủ đã quyết định đưa thêm văc xin mới vào chương trình tiêm chủng miễn phí cho trẻ em là vắc-xin viêm gan B, viêm não Nhật Bản B, Tả và Thương hàn. Do nguồn kinh phí nhà nước hạn hẹp nên các vắc-xin viêm não Nhật Bản B, Tả và Thương hàn chỉ triển khai ở các vùng nguy cơ bệnh. Với sự hỗ trợ của Liên minh toàn cầu về Vắc-xin và Tiêm chủng từ năm 2003 vắc-xin viêm gan B được triển khai tiêm chủng cho trẻ em trong toàn quốc.

Bảng 1. Lịch tiêm chủng vắc-xin của chương trình TCMR Việt Nam [8]

Tháng tuổi Vắc-xin cần tiêm Mũi tiêm/uống
Sơ sinh

(càng sớm

Càng tốt)

– BCG (phòng lao)

– Viêm gan B

–     1 mũi

–     Viêm gan B mũi 1

* Tốt nhất là 24 giờ sau khi sinh

2 tháng tuổi – Bại liệt

– Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván

– Viêm gan B

–     Bại liệt lần 3

–     Bạch hầu, ho gà, uốn ván mũi 3

–     Viêm gan B mũi 3

3 tháng tuổi – Bại liệt

– Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván

–     Bại liệt lần 2

–     Bạch hầu, ho gà, uốn ván mũi 2

4 tháng tuổi – Bại liệt

– Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván

– Viêm gan B

–     Bại liệt lần 3

–     Bạch hầu, ho gà, uốn ván mũi 3

–     Viêm gan B mũi 3

9 tháng tuổi – Sởi –     Mũi 1 khi trẻ đủ 9 tháng tuổi

–     Mũi 2 tiêm khi trẻ 6 tuổi

Từ 1- 5 tuổi – Viêm não Nhật Bản* –     Vắc-xin viêm não mũi 1
–     Vắc-xin viêm não mũi 2

(hai tuần sau mũi 1)

–     Vắc-xin viêm não mũi 3

(một năm sau mũi 2)

Từ 2- 5 tuổi – Vắc-xin Tả* –     2 lần uống

(Lần 2 sau lần 1 hai tuần)

Từ 3 – 5tuổi – Vắc-xin Thương hàn* –     Tiêm 1 mũi duy nhất

*Vắc-xin được triển khai ở vùng nguy cơ mắc bệnh cao

Khái niệm về tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi: Một trẻ được tiêm chủng đầy đủ là được nhận đủ 8 loại vắc-xin và đủ liều như sau: Vắc-xin BCG (phòng bệnh lao), 3 mũi vắc-xin DPT-VGB- Hib (phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và bệnh viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib), 3 mũi vắc-xin viêm gan B, 3 lần uống vắc-xin OPV (phòng bệnh bại liệt) và tiêm vắc-xin sởi.

 

  1. Tỷ lệ tiêm chủng

Để đảm bảo nâng cao tỷ lệ và chất lượng dịch vụ TCMR, đảm bảo gây miễn dịch cộng đồng cao, nâng cao tính công bằng trong việc thụ hưởng dịch vụ TCMR trên mọi miền đất nước, việc nỗ lực đạt tỷ lệ TCĐĐ trên 90% trên quy mô tỉnh, tiến tới trên quy mô huyện là rất cần thiết và cũng rất khó khăn [8]. Năm 1989, Việt Nam đã đạt mục tiêu phổ cập tiêm chủng 6 loại vắc-xin phòng bệnh với tỷ lệ tiêm chủng toàn quốc là 87% [8]. Từ năm 1993 đến nay, tỷ lệ tiêm chủng thường xuyên cho trẻ dưới 1 tuổi liên tục đạt trên 90%; tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin uốn ván cho phụ nữ có thai và nữ tuổi sinh đẻ luôn đạt 80 –90% [8]. Để đạt được thành quả duy trì tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em dưới 1 tuổi trên 90% trên quy mô toàn quốc là một vấn đề khó khăn, thách thức đặc biệt ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đến năm 1994 vẫn còn 8 xã biên giới tại huyện Mường Tè – tỉnh Lai Châu chưa triển khai được dịch vụ tiêm chủng mở rộng. Năm 1995 phải có sự nỗ lực của bộ đội biên phòng và ngành y tế tỉnh Lai Châu 8 xã trắng về tiêm chủng cuối cùng ở huyện Mường Tè đã triển khai được dịch vụ TCMR [8].

Năm 2007, tỷ lệ tiêm chủng các loại vắc-xin BCG, OPV3, DPT3 vẫn đạt tỷ lệ trên 90%, tuy nhiên do ảnh hưởng của các trường hợp phản ứng sau tiêm, việc tạm ngừng một số lô vắc-xin viêm gan B và việc cung ứng vắc-xin sởi muộn đã làm ảnh hưởng tới tỷ lệ tiêm chủng của trẻ em: tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ 7 loại vắc-xin chỉ đạt 81,8% trên quy mô cả nước [9].

  1. Tỷ lệ mắc bệnh trong TCMR qua các năm(Nguồn: Dự án TCMR Quốc gia)

3.1. Áp lực bệnh tật :

 

Trong những năm đầu thập kỷ 80 Việt Nam còn phải chịu áp lực bệnh tật của các bệnh truyền nhiễm phổ biến ở trẻ em khá nặng nề. Số trẻ mắc các bệnh truyền nhiễm trong chương trình tiêm chủng mở rộng còn rất cao. Trong năm 1980 số trẻ mắc bạch hầu là 2.385 ca, sởi là 40.219 ca,  bại liệt là 576 ca, ho gà là 36.918 ca, uốn ván là1.954. Tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi trong những năm 1980 là 83%o.

Bác sĩ Bùi Xuân Vĩnh – nguyên chủ nhiệm khoa truyền nhiễm bệnh viện Bạch Mai cho biết: ²Trong vụ dịch bại liệt 1959 -1960 có vào khoảng 20 ngàn trẻ em bị bại liệt và cứ luân phiên nhau vào bệnh viện nằm trong khoa truyền nhiễm, trẻ em nằm la liệt ở ngoài hiên, ở ngoài sân, ở cả ngoài vườn… còn trong phòng bệnh thì mỗi giường phải nằm 3 đến 4 trẻ”.

Cũng như các nước đang phát triển khác, trước khi triển khai tiêm chủng mở rộng các bệnh truyền nhiễm phổ biến ở trẻ em như bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, lao là nguyên nhân tử vong chủ yếu ở trẻ em dưới 5 tuổi và là gánh nặng cho xã hội và gia đình do số mắc bệnh hàng năm quá lớn.

Bảng 2:  Tình hình mắc và chết các bệnh truyền nhiễm giai đoạn 1976 – 1980, 1981 -1985 [8]

 

TT

 

Bệnh

Giai đoạn 1976 – 1980 Giai đoạn 1981 – 1985
Tổng số mắc trong 5 năm Tổng số chết trong 5 năm Tỷ lệ mắc/100.000 dân (1980) Tổng số mắc trong 5 năm Tổng số chết trong 5 năm Tỷ lệ mắc/100.000 dân (1985)
1 Bạch hầu 7882 878 4,44 13.814 1.721 3,9
2 Ho gà 381.862 354 180,45 308.978 236 76,0
3 Uốn ván 6064 978 3,64 7.035 1.249 2,77
4 Sởi 469.346 1476 162,4 425.172 1.790 137,1
5 Bại liệt 4.328 177 3,25 5.399 199 2,68

3.2. Hiệu quả của tiêm chủng trong phòng chống bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em

Kết quả tiêm chủng đạt tỷ lệ cao liên tục từ 1993 đến nay đã góp phần quan trọng làm giảm số mắc và chết của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em Việt Nam rất rõ rệt [1],[2],[3],[4],[5],[6],[9].

 

Bảng 3.  Tỷ lệ mắc của một số bệnh trong Chương trình TCMR qua các năm

(Số mắc/100.000 dân)

 

Năm Ho gà Bạch hầu Uốn ván Sởi Bại liệt Số ca bại liệt
1984 84,4 4,1 2,35 149,5 1,9
1985 76,0 3,9 2,77 137,1 2,8
1993 3,7 0,2 0,48 17,2 0,8 152
1994 4,7 0,2 0,51 15,1 0,12 31
1995 3,4 0,2 0,45 8,5 0,18 12
1996 2,0 0,2 0,34 6,8 0,06 2
1997 2,0 2,0 0,33 8,6 0 1
1998 1,48 1,4 0,31 13,2 0 0
1999 1,1 0,1 0,27 17,7 0 0
2000* 1,83 0,14 0,18 21,17 0 0
2005 0,24 0,04 0,04 0,68 0 0
2006 0.17 0,03 0,027 2,35 0 0
2007 0.22 0.04 0,043 0.02 0 0
2008 0,32 0,02 0,04 0,4 0 0

*Việt Nam đã đạt được mục tiêu thanh toán bệnh Bại liệt vào năm 2000 [26]

Biểu đồ 1. Tỷ lệ uống vắc-xin OPV3 và tỉ lệ mắc bại liệt ở Việt Nam

giai đoạn 1984-2008 (Nguồn số liệu: Dự án tiêm chủng mở rộng QG)

 

Mặc dù đã thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000, hiện nay Việt Nam đã và đang thực hiện chiến lược bảo vệ thành quả này, bao gồm: duy trì tỷ lệ trẻ dưới 1tuổi uống đủ 3 liều vắc-xin bại liệt đạt trên 90% trên quy mô huyện; hệ thống giám sát bại liệt (dịch tễ học và phòng thí nghiệm) hoạt động  hiệu quả và đạt các tiêu chuẩn giám sát của Tổ chức Y tế Thế giới; sẵn sàng đối phó với các ca bại liệt hoang dại xâm nhập hoặc các trường hợp bại liệt do chủng vi rút vắc-xin trở lại độc lực gây ra; chiến dịch uống OPV bổ sung cho trẻ dưới 5 tuổi tại vùng nguy cơ ngay khi phát hiện  ca bệnh [7].

 * Việt Nam đạt mục tiêu loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005.

Việt Nam đạt tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng uốn ván cho phụ nữ có thai trên 80% trên quy mô toàn quốc và trên 85% nữ tuổi sinh đẻ tại các huyện có nguy cơ UVSS cao trong nhiều năm, cùng với việc tăng cường đẻ sạch. Việt Nam đã đạt mục tiêu loại trừ uốn ván sơ sinh (số mắc uốn ván sơ sinh dưới 1/1000 trẻ đẻ sống theo đơn vị huyện) năm 2005 .

Biểu đồ 2. Tỷ lệ tiêm vắc- xin uốn ván cho phụ nữ có thai và tỉ lệ mắc uốn ván sơ sinh ở Việt Nam, giai đoạn 1991 – 2007 (Nguồn số liệu: Dự án TCMR QG)

 

Việc bảo vệ thành quả này cũng đòi hỏi nỗ lực bền bỉ thực hiện các hoạt động: duy trì tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin uốn ván cho phụ nữ có thai cao trên 80%, tăng cường công tác đẻ sạch, đẻ tại cơ sở y tế và đảm bảo tính thường xuyên của công tác giám sát chết sơ sinh, nghi ngờ uốn ván sơ sinh.

  1. II. NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC ĐẦU TƯ CHO TIÊM CHỦNG MỞ RỘNG

 

Ngân sách nhà nước dành cho tiêm chủng tăng dần từ 40 tỷ (năm 1995) lên 110 tỷ (năm 2004) cho mua văc xin, vật tư tiêm chủng và kinh phí hoạt động. Kinh phí nhà nước trong 5 năm gần đây cũng tăng dần, đáp ứng nhu cầu tiêm chủng, thực hiện các mục tiêu cam kết quốc tế và mở rộng diện triển khai văc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Biểu đồ 3: Đầu tư của nguồn ngân sách Nhà nước

cho dự án Tiêm chủng mở rộng từ 2006 – 2009

 

 

Nhận xét: Kinh phí cấp cho các địa phương phân bổ vào ngân sách các tỉnh/TP cho hoạt động TCMR cũng tăng dần qua các năm.

Nhận xét: Kinh phí mua văc xin và vật tư tiêm chủng tăng dần qua các năm đáp ứng yêu cầu mở rộng diện tiêm chủng qua các năm, tăng đối tượng trẻ em và phụ nữ được tiêm chủng.

Dự án tiêm chủng mở rộng đã sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước dành cho hoạt động này. Cùng với việc tăng tỷ lệ tiêm chủng các loại văc xin cho trẻ em,   Ban điều hành dự án tiêm chủng đã  và đang tập trung vào nâng cao chất lượng va an toàn tiêm chủng.  Trẻ em Việt Nam luôn được sử dụng những thế hệ bơm kim tiêm tiên tiến nhất để đảm bảo vô khuẩn mũi tiêm. Từ năm 2003 đến nay, bằng nguồn ngân sách nhà nước cấp, dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia đã mua và cung cấp bơm kim tiêm tự khóa và hộp an toàn để đựng bơm kim tiêm đã sử dụng nhằm đảm bảo an toàn tiêm chủng cho đối tượng và toàn cộng đồng.

Việt Nam cũng đã sản xuất được 10 loại văc xin sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Hiệu quả kinh tế của chiến lược tự lực văc xin đã thực hiện đúng đường lối y học dự phòng tích cực của Nhà nước, góp phần chủ động sử dụng văc xin trong chương trình tiêm chủng, giá thành hợp lý để có thể sử dụng nguồn kinh phí nhà nước cấp cho tiêm chủng, đảm bảo cung ứng đủ văc xin tiêm chủng cho trẻ em. Điều này đã góp phần quan trọng vào thành công của công tác TCMR ở Việt Nam.

Với sự đầu tư của Nhà nước, sự cam kết mạnh mẽ và bền vững của Chính phủ với các hoạt động của TCMR, dự án TCMR đã thu hút được nguồn viện trợ  rất hiệu quả của Chính phủ các nước, các tổ chức Quốc tế như Chính phủ Nhật Bản, chính phủ Luxembourg, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, JICA, Liên minh toàn cầu về văc xin và tiêm chủng, PATH… Sự hợp tác Quốc tế cung  với ngân sách đầu tư của NHà nước đã có tác động tích cực và rất quan trọng trong sự phát trển của chương trình TCMR.

 

KẾT LUẬN

Qua gần 25 năm hoạt động, chương trình tiêm chủng mở rộng đã đạt được những thành quả to lớn, góp phần đưa dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản tới mỗi người và mỗ gia đình trên mọi miền đất nước.

Công tác tiêm chủng đã đóng vai trò quan trọng làm thay đổi cơ cấu bệnh tật của trẻ em Việt Nam. Việt Nam đã thanh toán bệnh Bại liệt và duy trì thành quả này trong 10 năm, loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh và duy trì kết quả này trong 5 năm.

Thành quả trên là kết quả của việc thực hiện tốt đường lối y học dự phòng chủ động và tích cực của Đảng và Nhà nước ta, kết quả nỗ lực không mệt mỏi của toàn ngành y tế Việt Nam. Chương trình TCMR là một điển hình cho những hoạt động y tế được xã hội hóa cao, trên cơ sở đảm bảo bền vững về những chính sách ưu tiên của Nhà nước dành cho công tác tiêm chủng. Từ 1986 đến nay, dự án TCMR luôn là chương trình mục tiêu Quốc gia. Trong điều kiện nước ta điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn như Việt Nam, chỉ có sự đảm bảo về chính sách ưu tiên và sự đầu tư của Nhà nước mới có thể thực hiện thành công tiêm chủng mở rộng.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia (2001), Báo cáo Tổng kết Tiêm chủng mở rộng năm 2000, tr 9 -15.
  2. Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia (2002)Báo cáo Tổng kết Tiêm chủng mở rộng năm 2001, tr.7 – 11,43.
  3. Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia (2003)Báo cáo Tổng kết Tiêm chủng mở rộng năm 2002, tr.8 -10.
  4. Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia (2004)Báo cáo Tổng kết Tiêm chủng mở rộng năm 2003, tr. 4-6, 36 -40.
  5. Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia (2005)Báo cáo Tổng kết Tiêm chủng mở rộng năm 2004, tr.12 -15, tr.36 -40.
  6. Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia (2006)Báo cáo Tổng kết Tiêm chủng mở rộng năm 2005, tr. 23, 37 -42.
  7. Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia (2008)Báo cáo Tổng kết Tiêm chủng mở rộng năm 2007, tr. 1 -60.
  8. Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia (2005)Tổng kết 20 năm tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam 1985 -2005, Giấy phép xuất bản số 387/GF – CXB, tr. 5 -74.
  9. Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia (2008)Báo cáo Tổng kết Tiêm chủng mở rộng năm 2007, tr. 1 -60.
  10. Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia (2009)Báo cáo Tổng kết Tiêm chủng mở rộng năm 2008, tr. 1 -60
Đánh giá bài viết

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *