Cách chăm sóc sau khi cắt bao quy đầu và lưu ý
Nội dung bài viết
Cách chăm sóc sau khi cắt bao quy đầu như thế nào đúng cách để đảm bảo vệ sinh và mau lành là mối quan tâm của không ít nam giới. Vào giai đoạn này, người bệnh sẽ chủ động tự chăm sóc tại nhà. Do đó, cần có thông tin chính xác về vấn đề này để có cách chăm sóc sau khi cắt bao quy đầu khoa học nhất.
Khi nào cần cắt bao quy đầu?
Bao quy đầu là toàn bộ phần da bao bọc xung quanh dương vật. Nó có chức năng chính là bảo vệ đầu dương vật trước những tác động dễ gây tổn thương. Bao quy đầu có thể kéo lên để che kín đầu dương vật hoặc lột xuống để lộ đầu dương vật.
Đối với trẻ em, bao quy đầu sẽ trùm kín đầu dương vật và đến độ tuổi nhất định, phần da này sẽ được lột xuống để sẵn sàng thực hiện chức năng sinh lý. Trường hợp phần da bao quy đầu bó chặt vào dương vật và không thể tự lột gọi là hẹp bao quy đầu.
Trong khi đó, nếu bao quy đầu trùm kín hết dương vật và không thể tự lột gọi là dài bao quy đầu. Da bao quy đầu dính lại với dương vật khiến cho nó không thể tự lột. Tất cả các trường hợp này đều là những bất thường của bao quy đầu và cần được xử lý.
Bao quy đầu bị hẹp, dài hay không thể tự lột đều gây nên nhiều tác động đến đời sống của nam giới. Nó khiến việc vệ sinh gặp khó khăn vì không thể rửa sạch bên trong. Không những vậy, khi đi tiểu thường không tiểu hết, nước tiểu bị són lại.
Điều này làm tăng nguy cơ dẫn đến các bệnh viêm đường tiết niệu, viêm niệu đạo. Hoạt động quan hệ tình dục vì thế cũng khó khăn, khiến đời sống “chăn gối” của nam giới không được trọn vẹn. Về lâu về dài, nó thậm chí có thể dẫn đến vô sinh.
Như vậy, những bất thường về bao quy nêu trên đầu ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của nam giới. Do đó, khi có dấu hiệu bản thân bị hẹp bao quy đầu, nam giới hãy đến ngay cơ sở y tế để thực hiện thủ thuật cắt hoặc nong bao quy đầu. Thao tác này rất đơn giản, thường chỉ mất vài phút, có thể xuất viện ngay.
Biến chứng sau khi cắt bao quy đầu có thể xảy đến?
Cắt bao quy đầu là một thủ thuật đơn giản và thực hiện nhanh chóng. Tuy nhiên, vì là phần da nhạy cảm nên sau khi cắt bao quy đầu có thể xảy ra các biến chứng như sau:
Đau
Đau là cảm giác khó tránh khỏi. Bất cứ việc tác động dao kéo nào đến cơ thể cũng đều gây ra đau đớn, tùy theo mức độ khác nhau. Trong lúc thực hiện thủ thuật, người bệnh sẽ không có cảm giác đau đớn bởi có thuốc tê và thao tác thực hiện rất nhanh.
Tuy nhiên, sau đó khoảng 15 đến 30 phút, thuốc tê hết tác dụng, người bệnh sẽ cảm giác đau rát vùng dương vật. Dương vật bị sưng đỏ và gây đau khi đi tiểu.
Đây là một dấu hiệu bình thường nếu như cơn đau thuyên giảm và hết sau 2 đến 3 ngày. Trường hợp cơn đau tăng nhiều hơn, không có dấu hiệu giảm, dương vật tiếp tục sưng tấy, cảnh báo biến chứng sau khi cắt bao quy đầu mà người bệnh cần lưu ý và đến tái khám ngay.
Nhiễm trùng
Tất cả các thủ thuật tác động đến cơ thể bằng dụng cụ y tế đều cơ thể đều tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng. Nguy cơ này càng cao khi bạn thực hiện thủ thuật ở các cơ sở y tế lạc hậu, kém uy tín.
Biểu hiện của nhiễm trùng bao gồm dương vật sưng đau, rỉ nước và có thể có mủ. Nếu như chỉ nhiễm trùng nhẹ ở khu vực khu trú thì chỉ cần thực hiện thay băng, vệ sinh hàng ngày là đủ. Sau vài ngày, tình trạng nhiễm trùng sẽ tự hết.
Nếu trường hợp cả dương vật sưng to, rỉ nước, gây đau đớn, dịch có mùi, kèm theo biểu hiện sốt, mệt mỏi thì người bệnh cần lập tức đến bệnh viện. Đây là dấu hiệu cảnh báo biến chứng nguy hiểm và là một trong những điều cần biết sau khi cắt bao quy đầu.
Chảy máu
Vùng da bao quy đầu thường có ít mạch máu. Tuy nhiên, ở một số trường hợp đặc biệt, cần xử lý vùng da rộng hơn thì nguy cơ chảy máu sẽ nhiều hơn bình thường. Chỉ cần xử lý cầm máu tức thời như băng gạc, sau vài phút máu sẽ ngừng chảy.
Nếu máu vẫn rỉ ra sau khi cắt bao quy đầu, không tự cầm máu được, thì có thể là do trong quá trình thực hiện thủ thuật, đã cắt phải mạch máu hoặc bệnh nhân mắc chứng rối loạn đông máu (máu khó đông). Khi có biểu hiện này, cần ngay lập tức đến bệnh viện để được xử lý chuyên sâu.
Tụ máu
Tụ máu sau cắt bao quy đầu rất hiếm gặp, vì đây là vị trí không tập trung nhiều mạch máu. Nếu sau khi cắt bao quy đầu mà thấy sưng to, bầm tím nhưng không có cảm giác đau đớn thì cần bác sĩ có thể thực hiện đường cắt nhỏ để giải phóng máu tụ và băng lại.
Phản ứng với thuốc gây mê
Một số bệnh nhân sẽ được gây mê trước khi làm thủ thuật. Phản ứng tiêu cực với các loại thuốc có thể xảy ra, bao gồm buồn nôn, nôn và đau đầu.
Cách chăm sóc sau khi cắt bao quy đầu
Chăm sóc sau khi cắt bao quy đầu có ý nghĩa rất quan trọng. Chăm sóc đúng cách sẽ giúp vết thương mau lành và ngược lại. Nếu không biết cách chăm sóc thì có thể khiến dương vật bị nhiễm trùng, gây ra những biến chứng không tốt cho sức khỏe. Nếu bạn đang không biết sau khi cắt bao quy đầu nên làm gì, ăn gì để nhanh bình phục thì hãy tham khảo ngay thông tin dưới đây.
Vệ sinh đúng cách
Sau khi vừa hoàn thành thủ thuật, bác sĩ sẽ băng gạc ở vết thương. Ngày hôm sau, bệnh nhân cần phải thay băng và dùng nước sát khuẩn theo đơn của bác sĩ đẻ khử trùng vết thương.
Mỗi ngày cần rửa dương vật 2 lần với nước ấm vào sáng và tối. Sau khi rửa, cần lau lại bằng khăn mềm. Trong khoảng 3 ngày đầu không nên tắm toàn thân để tránh nước bẩn từ thân trên rớt vào vết thương.
Mỗi lần đi tiểu cần dùng khăn sạch và mềm để thấm khô. Nếu không may bị nước tiểu rớt vào băng thì cần thay băng ngay để tránh nhiễm trùng. Luôn rửa và lau từ trước ra sau để tránh vi khuẩn hoặc chất bẩn từ hậu môn dính vào băng.
Những cách giảm đau
Sau khi cắt bao quy đầu, bệnh nhân thường có cảm giác đau đớn. Bệnh nhân có thế áp dụng cách giảm đau tạm thời bằng việc chườm đá vào vết thương.
Cách làm:
- Bọc 2 viên đá lạnh vào khăn xô hoặc khăn bông mềm và sạch, sau đó chườm lên dương vật.
- Không nên chườm đá lạnh trực tiếp lên dương vật.
Thông thường, các dấu hiệu sưng đau sẽ thuyên giảm và tự hết sau khoảng 2 đến 3 ngày. Nếu cơn đau kéo dài và sưng nhiều hơn hãy lập tức tái khám. Trường hợp cơn đau nhiều, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc giảm đau. Người bệnh cần tuyệt đối sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Bạn có thể thoa một chút Vaseline vào cuối dương vật có thể làm giảm cảm giác châm chích trong khi đi tiểu.
Sự cương cứng cũng có thể gây đau đớn trong giai đoạn phục hồi. Để giảm thiểu khả năng cương cứng về đêm, bạn nên:
- Đi tiểu để làm trống bàng quang trước khi đi ngủ.
- Không nhịn tiểu.
- Nằm nghiêng, thay vì nằm ngửa.
Một số lưu ý trong sinh hoạt
Sau đây là một số lưu ý khi sinh hoạt mà người bệnh cần nắm được:
- Bác sĩ sẽ cho bạn biết cắt bao quy đầu bao lâu thì quan hệ được. Thời gian kiêng quan hệ tình dục là 1 tháng. Đây là giai đoạn để dương vật phục hồi và ổn định.
- Không nên mặc quần áo bó sát vì sẽ tạo nên những va chạm vào vết thương. Nên chọn những bộ đồ thoải mái, không nên mặc quần lót trong mấy ngày đầu.
- Trong vòng 1 – 2 ngày sau phẫu thuật, bạn nên đi bộ nhẹ nhàng. Trong 1 tháng đầu, bạn chỉ nên duy trì hoạt động nhẹ nhàng, tránh những việc nặng, có tác động trực tiếp đến vết thương. Cận động mạnh có thể sẽ gây ra những tác động tiêu cực đến vết thương. Nam giới hãy nằm nghỉ ngơi tại nhà bởi các hoạt động lúc này sẽ khiến dương vật bị va chạm và dễ trầy xước hơn.
- Không nên lái xe vì khi lái xe buộc phải ngồi trong thời gian dài. Điều này khiến cho máu lưu thông bị ảnh hưởng.
- Nên uống nhiều nước để giảm độ axit trong nước tiểu, điều này giúp giảm đau khi đi tiểu.
- Không sử dụng kem sát trùng hoặc kem bôi khác mà không được bác sĩ chỉ định. Vì điều này có thể cản trở quá trình chữa lành, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và để lại sẹo.
Sau khi cắt bao quy đầu nên ăn gì? Kiêng gì?
Sau khi cắt bao quy đầu nên ăn gì là câu hỏi rất nhiều người quan tâm. Chế độ ăn uống đúng cách và khoa học sẽ góp phần thúc đẩy thời gian phục hồi nhanh chóng.
Nên ăn:
- Các loại thực phẩm tính mát như rau ngót, rau cải, bí xanh, mướp đắng, nghệ… Những thực phẩm này có tác dụng thanh nhiệt, giải độc và làm lành vết thương.
- Thực phẩm chống viêm, như các loại quả mọng, rau lá xanh, trái cây có múi…
- Uống nhiều nước lọc, hoặc trà thảo dược, soup, nước hầm xương…
Các loại thực phẩm mà nam giới không nên sử dụng sau khi cắt bao quy đầu bao gồm:
- Các đồ ăn cay nóng như tỏi, ớt và các loại thịt có tính nóng như thịt chó, thịt bò.
- Không nên ăn những món ăn từ đồ nếp vì sẽ khiến vết thương sưng tấy và mưng mủ.
- Rau muống cũng là thực phẩm nên loại trong chế độ ăn của nam giới sau cắt bao quy đầu vì nó sẽ gây sẹo lồi.
- Thịt gà nhiều chất dinh dưỡng nhưng nam giới cũng cần kiêng ăn. Vì nó sẽ khiến cho vết thương lâu lành và đau nhức.
Những điều cần lưu ý sau khi cắt bao quy đầu cho trẻ
Sau khi cắt bao quy đầu, trẻ có thể quấy khóc và cáu kỉnh. Hãy quan sát và theo dõi trẻ cẩn thận để chúng không chạm hoặc gây áp lực lên dương vật. Nếu thấy có một lớp vỏ màu vàng trên đầu dương vật, cha mẹ đừng lo lắng. Điều này là hoàn toàn bình thường và sẽ tự biến mất trong một vài ngày.
Sau đây là những điều cần lưu ý sau khi cắt bao quy đầu cho trẻ em.
- Vệ sinh hàng ngày cho trẻ nhẹ nhàng bằng nước ấm. Thay băng ngày 2 lần.
- Thấm khô nước tiểu sau mỗi lần trẻ đi vệ sinh. Thay băng mới nếu không may nước tiểu rớt vào băng.
- Trẻ có thể ăn uống khoảng 2 giờ sau khi phẫu thuật. Nên cho trẻ bắt đầu bằng chất lỏng, như nước lọc, sữa mẹ hoặc sữa công thức. Nếu con bạn bị buồn nôn hoặc nôn, hãy ngưng ăn trong khoảng 1 tiếng. Sau đó, hãy cho trẻ uống từng ngụm chất lỏng trong suốt ngày. Có thể cho trẻ ăn bánh mì nướng khô hoặc bánh quy. Khi trẻ không còn buồn nôn hay nôn, cha mẹ hãy cho con ăn uống đủ chất dinh dưỡng trở lại. Tuy nhiên không cho trẻ ăn thịt bò, rau muống, thịt gà, đồ nếp, đồ ăn cay nóng. Bởi những món ăn này sẽ khiến vết thương lâu lành.
- Mặc quần áo rộng rãi cho trẻ.
- Bố mẹ nên mặc quần áo rộng rãi cho trẻ để tránh cọ sát vào vết thương
- Hạn chế trẻ đùa nghịch, vận động mạnh để tránh tổn thương vết thương.
Đối với trẻ sơ sinh, chăm sóc sau khi cắt bao quy đầu có thể cần nhiều công sức hơn. Mẹ có thể an ủi bé bằng cách bế bé và cho bé bú thường xuyên. Khi vệ sinh cho bé, chỉ nên sử dụng xà phòng dịu nhẹ được thiết kế riêng cho trẻ sơ sinh. Nên thay bỉm thường xuyên để nước tiểu và phân không gây nhiễm trùng.
Hầu hết trẻ sau khi cắt bao quy đầu đều hồi phục nhanh mà không gặp vấn đề gì. Tuy nhiên, có khoảng 1% trẻ gặp biến chứng. Liên hệ với bác sĩ ngay nếu trẻ có những biểu hiện sau:
- Trẻ không đi tiểu trong vòng 12 giờ sau khi cắt bao quy đầu.
- Ra nhiều máu.
- Tăg đỏ hoặc sưng xung quanh dương vật, không thuyên giảm theo thời gian.
- Thấy dấu hiệu nhiễm trùng, như có mủ.
- Có mùi hôi, nước đục xuất phát từ đầu dương vật của trẻ.
- Vòng nhựa được sử dụng trong quá trình cắt bao quy đầu không rơi ra sau 2 tuần.
- Sốt, mệt mỏi.
Trên đây là những thông tin về cách chăm sóc sau khi cắt bao quy đầu và những điều cần lưu ý để vết thương nhanh lành. Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn những điều cần biết sau khi cắt bao quy đầu giúp bạn an tâm và tự tin hơn khi thực hiện thủ thuật.
Đừng bỏ lỡ:
GỢI Ý XEM THÊM
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!