Bệnh Zona Thần Kinh Ở Mặt: Chăm Sóc & Điều Trị Thế Nào Nhanh Khỏi?
Nội dung bài viết
Zona là một căn bệnh ngoài da gây mất thẩm mỹ và vô cùng khó chịu. Không chỉ xuất hiện ở những nơi kín đáo trên cơ thể, bệnh zona thần kinh ở mặt thực sự là cơn ác mộng của nhiều người.
Theo giới y khoa Mỹ, cứ 3 người trưởng thành thì có 1 người bị zona thần kinh tại một số thời điểm trong cuộc đời. Zona thần kinh (hay ngắn gọn là zona) là căn bệnh do virus varicella-zoster gây ra. Virus này cũng chính là “thủ phạm” gây bệnh trái rạ hay thủy đậu.
Một khi ai đó đã bị thủy đậu, virus sẽ vẫn ở trong cơ thể họ. Virus ẩn nấp trong các tế bào thần kinh nhưng thường không gây ra các triệu chứng tiếp theo.
Tuy nhiên, đôi khi, virus bị kích hoạt và trở lại dưới dạng bệnh zona chứ không phải thủy đậu.
Nguyên nhân bị zona ở mặt
Vị trí phát ban của bệnh zona phụ thuộc vào dây thần kinh mà virus gây viêm nhiễm. Các triệu chứng bệnh zona thần kinh ở mặt xuất hiện khi virus lây nhiễm vào các dây thần kinh mặt. Phát ban có thể phát triển ở một bên mặt và xung quanh mắt.
Cho tới nay, giới y khoa vẫn chưa thể giải thích vì sao một số người bị thủy đậu lại bị bệnh zona và những người khác thì không.
Bên cạnh đó, những người có hệ thống miễn dịch thường là những đối tượng có nguy cơ mắc zona đặc biệt cao, bao gồm:
- Người cao tuổi
- Bệnh nhân HIV/AIDS
- Những người dùng thuốc làm suy yếu hệ thống miễn dịch…
Tuy nhiên, bất kỳ ai ở mọi lứa tuổi cũng đều có thể phát triển bệnh zona trên mặt. Ở một số người, phát ban zona chỉ xuất hiện trên mặt mà không nổi lên ở các bộ phận khác. Điều này cũng chưa được khoa học lý giải rõ ràng.
Zona thần kinh trên mặt có thể bị nhầm lẫn với nhiều bệnh ngoài da khác. Thực tế, nếu quan sát và để ý kỹ, có thể phân biệt zona với các vấn đề ngoài da khác dựa trên:
Triệu chứng bệnh zona thần kinh ở mặt
Zona thần kinh trên mặt có thể bị nhầm lẫn với nhiều bệnh ngoài da khác. Thực tế, nếu quan sát và để ý kỹ, có thể phân biệt zona với các vấn đề ngoài da khác dựa trên các triệu chứng điển hình và đặc điểm riêng có:
- Có thể cảm thấy đau, bao gồm cảm giác nóng rát, ngứa ran hoặc cảm giác châm chích trên da trong 1 đến 2 ngày trước khi phát ban.
- Phát ban zona trông giống như một nhóm các mụn nước nhỏ.
- Phát ban thường phát triển ở một khu vực, một bên của khuôn mặt.
- Trang điểm, phơi nắng hoặc dị ứng không kích hoạt bệnh zona.
- Một số người có thể bị phát ban nhiều hơn sau đợt đầu bùng phát zona. Những mụn nước này có thể ở gần vị trí phát ban đầu tiên, hoặc ở một nơi khác.
- Zona thường kéo dài 1 – 2 tuần.
- Đôi khi gây ra các triệu chứng khác, chẳng hạn như sốt, nhức đầu, đau cơ, đau dạ dày hoặc nôn.
- Chỉ những người trước đây bị thủy đậu mới có thể bị bệnh zona.
Zona thần kinh ở mắt có thể gây ra nhiều triệu chứng khó chịu hơn. Phát ban có thể xuất hiện trên hoặc xung quanh mí mắt, khiến bệnh nhân khó chớp mắt, đau mắt, đỏ mắt và cản trở tầm nhìn.
Zona thần kinh ở mặt có lây không? Có nguy hiểm không?
Nhiều người cho rằng zona thần kinh có thể lây từ người này sang người khác. Không ít người chỉ coi zona thần kinh là bệnh xoàng, nên không có hướng điều trị phù hợp. Những quan điểm này hết sức sai lầm.
Zona thần kinh có lây lan?
Như đã nói, zona thần kinh chỉ xuất hiện ở một bên mặt và sẽ không lây lan từ nơi này sang nơi khác trên cùng một cơ thể thông qua tiếp xúc.
Bởi lẽ, virus nằm trong các dây thần kinh, ẩn sâu bên dưới da. Chỉ qua tiếp xúc bằng tay thông thường sẽ không thể gây lây nhiễm zona.
Bạn không thể truyền bệnh zona cho người khác, nhưng virus varicella-zoster rất dễ lây lan. Nếu bạn bị bệnh zona và tiếp xúc với người chưa bị thủy đậu hoặc tiêm vắc xin thủy đậu, bạn có thể lây lan virus varicella-zoster cho họ.
Điều này sẽ khiến họ bị thủy đậu. Tuy không phải bệnh zona, nhưng điều này khiến họ có nguy cơ bị bệnh zona sau này.
Bởi vậy, khi bị zona, hãy thực hiện những điều sau:
- Không gãi, chạm vào mụn nước hoặc tự ý làm vỡ mụn nước
- Rửa tay kỹ và thường xuyên
- Tránh tiếp xúc với những người chưa bao giờ bị thủy đậu hoặc chưa tiêm vắc xin thủy đậu, đặc biệt là trẻ sơ sinh, bà bầu, người nhiễm HIV, những người dùng thuốc ức chế miễn dịch hoặc hóa trị liệu, người nhận ghép tạng…
Zona ở mặt có nguy hiểm không?
Bị zona trên mặt có thể gây ra các biến chứng khác nhau tùy thuộc vào nơi phát ban xuất hiện.
Biến chứng ở mắt
Bệnh zona thần kinh ở mắt là loại zona cực kỳ nghiêm trọng. Virus có thể ảnh hưởng đến tất cả các bộ phận của mắt, cả bên ngoài và bên trong, bao gồm cả giác mạc và tế bào thần kinh phản ứng với ánh sáng.
Các triệu chứng bao gồm:
- Đỏ mắt
- Bọng mắt sưng
- Sưng tấy xung quanh mắt
- Nhiễm trùng
- Vấn đề về tầm nhìn
Tình trạng này có thể dẫn đến mù lòa vĩnh viễn.
Biến chứng ở tai
Phát ban zona gần hoặc trong tai có thể gây nhiễm trùng. Điều này có thể dẫn đến:
- Vấn đề thính giác
- Vấn đề thăng bằng
- Yếu cơ mặt
Đôi khi, những triệu chứng nói trên tồn tại rất lâu sau khi hết phát ban, thậm chí trở thành vĩnh viễn, không thể đảo ngược.
Biến chứng ở miệng
Nếu phát ban zona phát triển trong miệng, nó có thể gây đau đớn vô cùng và gây khó khăn khi ăn. Nó cũng có thể thay đổi khẩu vị của bệnh nhân.
Các biến chứng khác
Một trong những biến chứng phổ biến nhất của bệnh zona là đau dây thần kinh postherpetic (PHN). Tình trạng này gây ra đau đớn tại nơi bạn bị phát ban, ngay cả sau khi nó đã được chữa khỏi.
Cơn đau dây thần kinh postherpetic có thể kéo dài hàng tuần, hàng tháng, thậm chí hàng năm.
Bệnh zona thần kinh ở mặt có thể làm gia tăng nguy cơ đột quỵ trong vài tuần đến vài tháng.
Tuy hiếm gặp, nhưng bệnh có thể ảnh hưởng đến não, tủy sống và mạch máu. Nó có thể gây viêm phổi và viêm não cực kỳ nguy hiểm.
Ở Mỹ, các biến chứng do zona thần kinh có thể khiến 1 – 4% người bệnh phải nhập viện. Khoảng 30% trong số những người này có hệ thống miễn dịch bị ức chế. Zona thần kinh cũng là thủ phạm gây ra 96 trường hợp tử vong mỗi năm tại Mỹ.
Cách chăm sóc, điều trị zona thần kinh trên mặt
Nếu bạn có các triệu chứng của bệnh zona, đặc biệt là nếu chúng phát triển trên mặt và xung quanh mắt, hãy đi thăm khám ngay lập tức.
Để chẩn đoán phát ban zona, bác sĩ thường kiểm tra thể chất, hoặc lấy mẫu phát ban trên da để kiểm tra dưới kính hiển vi.
Điều đặc biệt quan trọng là nên tìm hướng điều trị zona triệt để nếu bạn có hệ thống miễn dịch suy yếu. Điều trị sớm có thể giúp giảm nguy cơ zona trên mặt phát triển thành các biến chứng nghiêm trọng.
Tự chăm sóc tại nhà
Bên cạnh việc dùng thuốc, bạn có thể áp dụng một số biện pháp tự chăm sóc tại nhà:
Mẹo chữa zona
Người bệnh có thể thực hiện những mẹo sau đây để hỗ trợ điều trị zona thần kinh ở mặt:
- Rửa mặt: Nên rửa mặt với nước mát để giảm đau, làm dịu cơn ngữa. Chỉ nên rửa 1 – 2 lần mỗi ngay. Sau đó thấm khô da mặt bằng giấy mềm hoặc khăn bông mềm.
- Chườm mát: Ngâm khăn bông trong nước mát, vắt bớt nước và đắp lên vùng bị phát ban. Điều này giúp giảm đau. Lặp lại nhiều lần trong ngày.
- Tinh dầu: Các loại tinh dầu có khả năng kháng virus và giảm đau, như tinh dầu bạc hà, capsaicin, phong lữ, xô thơm, chanh… Pha loãng tinh dầu này với dầu nền (dầu olive, dừa hoặc hạnh nhận) rồi thoa lên vùng phát ban. Không nên thoa gần mắt.
- Nước cây phỉ/witch hazel: Có thể thoa kem dưỡng có chứa nước cây phỉ lên vùng da bị kích thích để giảm viêm và giảm đau.
- Đắp mặt nạ: Bạn có thể trộn bột yến mạch với nước để rửa mặt. Hoặc đắp mặt nạ từ bột yến mạch nguyên chất để giúp giảm viêm.
- Bỏ thuốc lá: Hút thuốc làm giảm khả năng miễn dịch chống nhiễm trùng, đặc biệt là ở người lớn tuổi. Nó có làm chậm quá trình phục hồi bệnh.
- Giảm căng thẳng: Ngồi thiền, thư giãn, tập yoga… có thể giúp giảm căng thẳng.
Vì muốn che giấu các đốm mụn nước xấu xí, nên nhiều người bị zona trên mặt đã nhờ cậy tới trang điểm hoặc kem dưỡng da. Điều này là không nên, bởi nó có thể gây kích ứng các mụn nước, khiến mụn nước bị vỡ hoặc nhiễm trùng.
Nên tránh trang điểm hoặc dùng các sản phẩm chăm sóc da trong khi điều trị zona thần kinh ở mặt. Hãy giữ cho mụn nước được sạch sẽ và khô ráo.
Bị zona nên ăn gì, kiêng ăn gì?
Bạn nên chú ý tới chế độ ăn uống nếu muốn các triệu chứng zona trên mặt nhanh thuyên giảm và biến mất.
Mọi người nên đặt mục tiêu ăn nhiều các loại thực phẩm màu cam, đỏ và xanh lá cây có chứa carotenoids lycopene, lutein, zeaxanthin và vitamin A. Carotenoids rất quan trọng đối với chức năng miễn dịch, nó có sẵn trong:
- Thực phẩm có màu cam, vàng: Cà rốt, bí ngô và quả mơ
- Thực phẩm có màu đỏ: Dưa hấu, ớt chuông đỏ, bưởi và anh đào
- Thực phẩm có màu xanh đậm: Cải xoăn, rau mùi tây, rau chân vịt, mồng tơi và rau diếp
Những thực phẩm nên tránh khi bị zona thần kinh:
- Thực phẩm giàu arginine: Bao gồm chocolate, các loại hạt, cá ngừ đóng hộp, gelatin, cà chua, mầm lúa mì, nho, mâm xôi, việt quất… Arginine là một axit amin giúp virus zona nhân lên.
- Thực phẩm nhiều đường: Bao gồm nước ngọt, soda, bánh ngọt, kẹo, một số loại nước sốt… Đường có thể cản trở các bạch cầu tấn công mầm bệnh trong cơ thể.
- Carbohydrate tinh chế: Bao gồm gạo trắng, bánh mì trắng, bột chế biến, ngũ cốc có đường, khoai tây…
- Chất béo bão hòa: Có trong nhiều loại bơ, phô mai, thịt mỡ…
- Đồ uống có cồn: Như bia, rượu, cocktail…
Thuốc Tây chữa zona
Cho tới nay, vẫn chưa có thuốc giúp điều trị zona triệt để. Bác sĩ có kể kê đơn thuốc kháng virus để giúp ngắn thời gian phát tác của virus và giảm các triệu chứng khó chịu.
Hầu hết mọi người sẽ thấy kết quả tốt nhất nếu họ dùng thuốc kháng virus trong vòng 72 giờ sau khi phát ban xuất hiện.
Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ sẽ kê toa thuốc Valacyclovir hoặc thuốc Famciclovir. Những người có hệ miễn dịch yếu có thể được chỉ định dùng thuốc Acyclovir.
Hầu hết các nghiên cứu cho thấy thuốc chống zona là an toàn cho những người đang cho con bú. Tuy nhiên, phụ nữ người đang mang thai hoặc cho con bú nên thảo luận với bác sĩ trước khi dùng bất cứ loại thuốc nào.
Thuốc Corticosteroid chống viêm cũng có thể được chỉ định sử dụng đối với những người bị zona trên mặt và xung quanh mắt.
Những người bị đau dây thần kinh postherpetic cũng có thể cần dùng thuốc giảm đau đường uống (chẳng hạn như Opioids) hoặc kem bôi da.
Đông y trị zona thần kinh
Điều trị zona thần kinh bằng Đông y là một sự lựa chọn an toàn, ít tác dụng phụ.
Theo Đông y, zona hay giời leo được điều trị dựa trên từng thể bệnh.
Bệnh zona do can kinh uất nhiệt
- Phép trị chủ yếu là thanh nhiệt lợi tấp, giải độc và chỉ thống.
- Đối với zona trên mặt, áp dụng bài thuốc Long đởm tả can thanh gia giảm, thêm cúc hoa. Nếu có bội nhiễm thì thêm ngân hoa, bồ công anh và thạch cao. Nếu đau nhiều, có thể thêm huyền hồ và xuyên luyện tử. Đối với người tuổi cao sức yếu, có thể thêm đảng sâm, hoàng kỳ.
Bệnh zona do tỳ hư thấp trệ
- Phép trị chủ yếu là Kiện tỳ, trừ thấp và giải độc.
- Áp dụng bài thuốc Trừ thấp vị linh thang gia giảm. Có thể thêm bồ công anh và kim ngân hoa để tăng giải độc.
Bệnh zona do khí trị huyết ứ
- Phép trị chủ yếu là hoạt huyết, hóa ứ, hành khí đồng thời chỉ thống và giải độc.
- Áp dụng bài thuốc Phủ trục ứ thang gia giảm. Cho thêm huyền hồ, mộc dược, nhũ hướng, đan sâm nếu đau nhiều. Người tuổi cao sức yếu nên cho thêm hoàng kỳ và đảng sâm. Riêng với zona ở mặt, có thể thêm nguy bàng tử, cúc hoa, thạch quyết minh.
Tuy nhiên, khi áp dụng Đông y chữa zona thần kinh ở mặt, người bệnh nên tham vấn thầy thuốc và lương y. Người không nên tự ý chẩn bệnh và bốc thuốc.
Nếu bạn bị phát ban zona đặc biệt nghiêm trọng, có thể phải mất vài tháng để hồi phục. Nếu bị đau dây thần kinh postherpetic, người bệnh có thể cần gặp bác sĩ thường xuyên hơn.
Các biến chứng liên quan đến mắt hoặc tai có thể cần được chăm sóc liên tục, đặc biệt nếu bạn gặp vấn đề về thị lực hoặc thính giác.
Hầu hết mỗi người người chỉ bị zona thần kinh một lần, nhưng nó vẫn có thể tái phát, đặc biệt khi bạn có một hệ thống miễn dịch kém.
Riêng đối với bệnh zona thần kinh ở mặt, người bệnh nên có một chiến lược chăm sóc, điều trị hợp lý để bệnh nhanh khỏi và hạn chế để lại sẹo.
Click đọc ngay:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!