Bà Bầu Bị Trào Ngược Dạ Dày Có Ảnh Hưởng Thai Nhi?
Nội dung bài viết
Thay đổi hormone, chế độ ăn uống không hợp lý, căng thẳng quá mức là những nguyên nhân phổ biến khiến cho bà bầu bị trào ngược dạ dày. Bệnh không được kiểm soát tốt có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của mẹ và thai nhi. Vì vậy, việc sớm chẩn đoán và điều trị trào ngược dạ dày khi mang thai là điều cần thiết.
Hiện tượng trào ngược dạ dày ở bà bầu
Trào ngược dạ dày là hiện tượng xảy ra khi van nối giữa thực quản và dạ dày bị suy yếu, giãn nở rộng khiến cho axit từ dạ dày có cơ hội rò rỉ lên trên. Bệnh có thể xảy ra ở bất cứ độ tuổi, giới tính nào, trong đó phụ nữ mang thai là một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất.
Bà bầu bị trào ngược dạ dày thường có các dấu hiệu như sau:
– Ợ chua, ợ nóng, đầy hơi
Hầu hết phụ nữ bị trào ngược dạ dày khi mang thai đều trải qua những triệu chứng khó chịu này. Sự ăn mòn của axit có thể gây cảm giác nóng rát từ vùng thượng vị cho tới cổ họng. Kèm theo đó là tình trạng ợ hơi, ợ nóng, ợ chua. Một số mẹ bầu bị trào ngược dạ dày nặng thậm chí còn nếm thấy cả vị chua của axit trong miệng.
Các dấu hiệu này thường xuất hiện sau bữa ăn hoặc khi nằm ngủ vào ban đêm khi các mẹ bị gián đoạn giấc ngủ.
– Buồn nôn hoặc nôn ói
Buồn nôn, nôn ói là hiện tượng xảy ra ở hầu hết phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu do bị ốm nghén. Tuy nhiên đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Khi axit bị trào ngược lên trên, chất này kích thích niêm mạc họng và miệng gây cảm giác buồn nôn và có thể khiến cho bà bầu bị nôn ói.
Triệu chứng này xảy ra nặng nề nhất vào ban đêm. Đây là thời điểm mà hệ thần kinh phó giao cảm hoạt động mạnh mẽ và dạ dày gần như nằm ngang với thực quản, cổ họng khi ở tư thế nằm. Điều này khiến cho axit dễ dàng xâm nhập lên trên.
– Đau thượng vị, tức ngực
Khi tiếp xúc với axit, các đầu mút thần kinh ở thực quản bị kích thích gây cảm giác đau tức ở khu vực thượng vị, vùng ngực cũng có cảm giác như bị đè ép rất khó chịu.
Tuy nhiên, các bệnh lý ở tim mạch hay phổi cũng có thể gây ra triệu chứng tương tự. Bà bầu cần chú ý thêm các triệu chứng khác để phân biệt cho đúng.
– Khó nuốt thức ăn
Bà bầu bị trào ngược thực quản nặng có thể khiến niêm mạc thực quản bị phù nề, sưng tấy và thu hẹp đường di chuyển của thức ăn. Chính vì vậy mà các mẹ luôn có cảm giác vướng víu trong cổ họng, khó nuốt hoặc bị nghẹn khi ăn.
– Ho, khàn tiếng
Dây thanh quản khi tiếp xúc với axit dạ dày thường xuyên sẽ có hiện tượng ăn mòn và bị tổn thương, phù nề. Điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến giọng nói của bà bầu. Nó gây khàn tiếng, mất tiếng. Dịch tiết ra từ khu vực bị ảnh hưởng cũng có thể chảy xuống thanh phế quản kích thích cơn ho.
– Tiết nhiều nước bọt ở miệng
Khi axit bị trào ngược lên khoang miệng, cơ thể sẽ phản xạ lại bằng cách tăng tiết nước bọt để trung hòa, làm giảm nồng độ của axit.
– Các triệu chứng khác có thể gặp khi phụ nữ mang thai bị trào ngược dạ dày:
- Khó tiêu
- Đầy bụng
- Đau họng
- Nấc cụt
Nguyên nhân khiến cho bà bầu bị trào ngược dạ dày
Có nhiều nguyên nhân khiến phụ nữ mang thai bị trào ngược dạ dày. Bao gồm:
- Thay đổi hormone: Trong thai kỳ, lượng hormone progesterone có sự gia tăng đáng kể. Hiện tượng này khiến cho cơ vòng thực quản bị mềm giãn. Từ đây, axit trong dạ dày có thể dễ dàng len qua kẽ hở và xâm nhập lên trên thực quản.
- Sự phát triển của thai nhi: Càng về những tháng cuối của thai kỳ, phụ nữ càng có nguy cơ bị trào ngược dạ dày cao hơn. Lúc này, thai nhi phát triển mạnh về cân nặng, kích thước cùng với sự nở rộng của tử cung sẽ gây áp lực chèn ép lên dạ dày và cơ vòng thực quản, từ đó dẫn đến chứng trào ngược axit.
- Nhiễm khuẩn Hp: Loại vi khuẩn này là thủ phạm gây ra hầu hết các vấn đề ở dạ dày, bao gồm cả bệnh trào ngược axit. Vi khuẩn Hp có thể tồn tại sẵn trong dạ dày nhưng với số lượng ít và không gây hại. Tuy nhiên khi mang thai sức đề kháng bị suy giảm khiến cho vi khuẩn phát triển mạnh và có cơ hội gây bệnh.
- Trang phục không phù hợp: Một số bà bầu có thói quen mặc quần áo ôm sát vào bụng. Đây cũng chính là mầm mống cho bệnh phát triển.
- Tăng cân: Việc ăn uống tẩm bổ quá mức có thể khiến bà bầu tăng quá nhiều cân trong suốt thai kỳ. Sự tăng cân quá mức có thể gây áp lực lên dạ dày, thực quản khiến cho mẹ bầu mắc chứng trào ngược axit.
- Căng thẳng, lo âu: Khi mang thai, bà bầu rất dễ bị căng thẳng. Nguyên nhân là do sự thay đổi cua hormone khiến mẹ trở nên nhạy cảm hơn, một phần vì lo lắng đến chuyện sinh nở sau này. Stress kéo dài sẽ kích thích cơ thể sản sinh nhiều cortisol khiến cho dạ dày sản xuất nhiều axit hơn, đồng thời cũng làm suy yếu van co thắt dưới thực quản khiến cho axit dư thừa bị trào ngược lên trên.
- Do chế độ ăn uống thiếu khoa học: Thói quen ăn uống vội vàng, ăn quá nhiều, đi nằm ngay sau khi ăn… đều có thể khiến bà bầu trở thành đối tượng tấn công của bệnh trào ngược dạ dày.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ bị trào ngược dạ dày ở phụ nữ mang thai
Bên cạnh các nguyên nhân phổ biến ở trên, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ khiến phụ nữ mang thai bị trào ngược dạ dày như:
- Bổ sung sắt không đúng cách
- Có tiền sử bị hen suyễn hoặc mắc bệnh thoát vị hiatal
- Từng bị trào ngược dạ dày trước đây
- Đang được điều trị bằng các loại thuốc tân dược: Chẳng hạn như thuốc NSAIDs, thuốc chống dị ứng, thuốc chữa cao huyết áp…
- Hút thuốc lá chủ động hoặc thụ động
Như vậy, các nguyên nhân khiến bà bầu bị trào ngược dạ dày khá đa dạng. Chị em có thể bị bệnh do một hay nhiều nguyên nhân kết hợp. Điều quan trọng là cần xác định chính xác thủ phạm gây bệnh để có hướng điều trị cho phù hợp.
Bà bầu bị trào ngược dạ dày có nguy hiểm không? Ảnh hưởng đến thai nhi không?
Hầu hết các trường hợp bị trào ngược dạ dày khi mang thai thường không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên nếu không có biện pháp kiểm soát tốt, bệnh có thể ngày càng tiến triển nặng hơn. Điều này không chỉ gây tâm lý hoang mang mà còn khiến bà bầu phải đối diện với nhiều rủi ro về mặt sức khỏe làm gián tiếp ảnh hưởng đến sự phát triển của em bé trong bụng. Cụ thể:
- Các dấu hiệu buồn nôn, nôn ói diễn ra thường xuyên khi bị trào ngược dạ dày sẽ khiến cho bà bầu mệt mỏi, chán ăn, sụt cân, suy giảm sức khỏe. Em bé sinh ra dễ bị nhẹ cân, suy dinh dưỡng.
- Hiện tượng trào ngược axit xảy ra vào ban đêm khiến cho các mẹ bị mất ngủ, rối loạn giấc ngủ. Ngủ không đủ giấc sẽ khiến cho cơ thể uể oải, mệt mỏi, thiếu sức sống và kém tập trung trong các công việc hàng ngày.
- Dưới tác động của axit, bà bầu có thể mắc một số bệnh lý như viêm họng, viêm loét dạ dày cấp tính, loét thực quản. Bệnh trào ngược dạ dày ở phụ nữ mang thai cũng có thể kéo dài ngay cả sau khi sinh khiến cho bà bầu có nguy cơ gặp phải các biến chứng nguy hiểm như ung thư vòm họng, ung thư thực quản hay ung thư dạ dày, đặc biệt là các trường hợp bị nhiễm vi khuẩn Hp.
Trước những tác hại trên, nhiều chị em khá phân vân không biết bị trào ngược dạ dày có nên mang thai không. Bệnh trào ngược axit dù ở mức độ nào ít nhiều cũng có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe thai kỳ. Tốt nhất chị em nên tiến hành điều trị bệnh triệt để trước khi có ý định mang thai.
Trường hợp không may bị trào ngược dạ dày trong thai kỳ, cần thăm khám và tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ để duy trì được sức khỏe và hạn chế tối đa những ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thai nhi.
Đừng bỏ qua: 5 cách chữa trào ngược dạ dày bằng thuốc nam hiệu quả nhất hiện nay
Cách chữa trào ngược dạ dày cho bà bầu
Để làm giảm trào ngược dạ dày ở bà bầu, các biện pháp khắc phục tự nhiên thường được khuyến khích áp dụng nhằm giảm nhẹ các triệu chứng và đảm bảo an toàn cho thai kỳ. Việc sử dụng thuốc tân dược chỉ được xem xét tới khi mẹ bầu bệnh nghiêm trọng và việc thay đổi lối sống không mang lại kết quả.
Dưới đây là những cách trị trào ngược dạ dày khi mang thai an toàn:
1. Cách làm giảm trào ngược dạ dày ở bà bầu bằng liệu pháp tâm lý
Kiểm soát căng thẳng là một trong những mục tiêu quan trọng của quá trình điều trị bệnh trào ngược dạ dày ở phụ nữ mang thai. Khi mắc căn bệnh này, bà bầu được khuyên nên cố gắng duy trì tâm lý thoải mái, tránh lo nghĩ quá nhiều hoặc để stress kéo dài khiến cho các triệu chứng của trào ngược axit thêm tồi tệ.
Trường hợp có biểu hiện lo âu, trầm cảm, hãy nhờ đến sự giúp đỡ của chuyên gia tâm lý để được bác sĩ tư vấn tìm ra hướng giải quyết những khúc mắc đang gặp phải. Ngoài ra, bà bầu bị trào ngược dạ dày do stress cũng có thể áp dụng một số kỹ thuật khác để giải tỏa căng thẳng như: Ngồi thiền, tập yoga, nghe nhạc thư giãn, đọc sách báo, chia sẻ với người thân hay làm những công việc mà mình yêu thích…
Điều quan trọng không kém là phải luôn luôn lạc quan, hướng suy nghĩ đến những điều tốt đẹp nhất sắp diễn ra trong tương lai. Điều này sẽ góp phần tích cực vào việc cải thiện các triệu chứng trào ngược dạ dày ở phụ nữ mang thai.
2. Điều chỉnh thói quen và tư thế ngủ
Vào ban đêm, bệnh trào ngược dạ dày ở phụ nữ mang thai có khuynh hướng xảy ra thường xuyên hơn. Để ngăn ngừa tình trạng này, bà bầu hãy sử dụng gối kê cao đầu lên khi ngủ.
Hãy thử tưởng tượng dạ dày của chúng ta giống như một chiếc bình đựng axit và phần đầu của bình chính là van nối giữa thực quản với dạ dày. Khi bạn nằm ngủ, chiếc bình giống như bị xô đổ khiến cho axit dễ dàng bị tràn ra khỏi miệng bình len lỏi lên trên thực quản. Việc sử dụng gối nhằm mục đích kê cao phần đầu của dạ dày lên, giữ cho axit luôn nằm dưới đáy nên không còn cơ hội trào ngược lên trên.
Ngoài ra, bà bầu cũng cần chú ý đi ngủ sớm và đúng giờ, tránh thức quá khuya. Khi ngủ nên nằm nghiêng qua bên trái thay vì bên phải. Tư thế ngủ này không chỉ giảm thiểu nguy cơ bị trào ngược dạ dày mà còn giúp bà bầu tránh được hiện tượng giảm huyết áp và giảm oxy trong máu – những vấn đề có thể gây nguy hiểm cho thai nhi.
3. Cách trị trào ngược dạ dày khi mang thai bằng mật ong
Sử dụng mật ong chính là một trong những cách chữa trào ngược dạ dày cho bà bầu đơn giản và khá an toàn. Nghiên cứu cho thấy, mật ong có tác dụng trung hòa axit dạ dày, làm suy yếu hoạt động của vi khuẩn Hp và xoa dịu kích ứng ở niêm mạc dạ dày, thực quản. Ngoài ra, nguyên liệu này còn cung cấp một nguồn dưỡng chất phong phú giúp bồi bổ sức khỏe, tăng cường hệ miễn dịch cho phụ nữ mang thai.
Để cải thiện các triệu chứng bệnh, bà bầu bị trào ngược dạ dày thực quản được khuyến cáo nên duy trì thói quen uống 2 thìa mật ong vào mỗi sáng khi bụng đang trống rỗng và buổi tối trước khi đi ngủ. Nuốt trực tiếp hoặc pha với nước ấm uống đều được.
4. Cách chữa trào ngược dạ dày ở phụ nữ mang thai bằng gừng
Sử dụng gừng đúng cách có thể giúp làm giảm axit dư thừa, xoa dịu cơn đau rát ở khu vực thượng vị, đồng thời ngăn ngừa viêm loét niêm mạc dạ dày thực quản cho bà bầu khi bị trào ngược dạ dày.
Cách sử dụng gừng chữa trào ngược dạ dày cho bà bầu khá đơn giản. Hàng ngày, các mẹ hãy lấy 50g gừng tươi băm nhỏ, cho vào ấm hãm với nước sôi khoảng 15 phút. Sau đó, vớt bỏ bã, thêm vào 2 thìa mật ong. Chờ cho trà nguội rồi uống từ từ từng ngụm nhỏ vài lần trong ngày.
5. Chế độ ăn uống khoa học chống trào ngược dạ dày khi mang thai
Chế độ ăn uống có liên quan mật thiết đến sự khởi phát của bệnh trào ngược dạ dày ở phụ nữ mang thai. Vì vậy, một khi đã mắc căn bệnh này, bà bầu cần xem xét điều chỉnh lại thói quen ăn uống cho hợp lý để cải thiện các triệu chứng khó chịu.
Dưới đây là một số thói quen ăn uống lành mạnh giúp ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị trào ngược dạ dày cho bà bầu:
- Uống nhiều nước để làm loãng nồng độ axit trong dịch vị, giảm thiểu tác hại của nó đến thực quản cũng như niêm mạc đường thở. Ngoài ra, việc bổ sung đủ nước còn giúp phụ nữ mang thai ngăn ngừa táo bón, thúc đẩy tiêu hóa và duy trì lượng nước ối cần thiết cho bào thai.
- Chia 3 bữa chính thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày để giảm gánh nặng tiêu hóa và áp lực nên dạ dày.
- Ăn uống đúng giờ giấc, khi ăn nên tập trung nhai kỹ trước khi nuốt. Tránh ăn uống một cách vội vàng.
- Chỉ ăn vừa đủ no, không dùng quá nhiều thức ăn một lúc khiến cho bà bầu bị trào ngược dạ dày nặng hơn.
- Tránh các thực phẩm, đồ uống có tính kích thích như tiêu, ớt, cà phê, socola, bia, rượu, bạc hà, thức ăn được tẩm ướp nhiều gia vị.
- Không ăn nhiều đồ béo và các thức ăn được chế biến sẵn
- Ngoại trừ sữa chua thì bà bầu bị trào ngược dạ dày nên kiêng sử dụng các thực phẩm có nhiều axit như dưa muối, cam, quýt, xoài…
- Không ăn khuya hoặc ăn tối quá muộn. Nếu cảm thấy đói bụng bà bầu có thể ăn một ít thức ăn nhẹ hoặc uống một ly sữa nóng để chống đói nhưng cũng cần chờ 30 phút đến 1 tiếng sau mới được đi ngủ
- Bổ sung thêm chất xơ vào chế độ ăn bằng cách tăng cường rau xanh và hoa quả tươi
- Sau khi ăn chỉ nên đi lại, làm việc nhẹ nhàng. Tránh vận động quá mạnh hoặc đi nằm ngay.
Tham khảo chi tiết: Bị trào ngược dạ dày nên ăn gì? Uống gì ? Và kiêng gì?
6. Bà bầu bị trào ngược dạ dày uống thuốc gì?
Các loại thuốc tây đều ẩn có thể ẩn chứa nhiều tác dụng phụ gây hại cho thai nhi. Vì vậy mà việc sử dụng thuốc là phương pháp chữa trào ngược dạ dày cho bà bầu được lựa chọn sau cùng khi các phương pháp tự nhiên không mang lại hiệu quả.
Bác sĩ có thể chỉ định một số thuốc để làm giảm triệu chứng và điều trị các bệnh lý đi kèm như:
- Thuốc ức chế bơm Proton
- Thuốc trung hòa axit
- Thuốc kháng viêm
- Thuốc giảm đau
- Thuốc kháng sinh
Những loại thuốc được pháp sử dụng trong thai kỳ sẽ được ưu tiên lựa chọn. Bác sĩ cũng sẽ cân nhắc về liều lượng và thời gian điều trị dựa trên số tháng của thai kỳ, mức độ bệnh và tình trạng sức khỏe chung của bà bầu.
Hãy trao đổi với bác sĩ để biết được những lợi ích và rủi ro tiềm ẩn khi sử dụng thuốc điều trị trào ngược dạ dày khi mang thai, đồng thời tuân thủ tuyệt đối theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa để sớm khắc phục được bệnh một cách an toàn.
Có thể bạn quan tâm
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!