Trào Ngược Dạ Dày Gây Viêm Họng Có Tự Khỏi Không?

Trào ngược dạ dày gây viêm họng là một tình trạng phổ biến và có thể gây ho khan, khó thở và một số bệnh lý liên quan khác. Do đó, người bệnh cần tìm hiểu các thông tin liên quan và có biện pháp khắc phục phù hợp.

Viêm họng trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược dạ dày thực quản có thể gây viêm họng, ho dai dẳng và một số bệnh lý liên quan khác

Trào ngược dạ dày có thể gây viêm họng không?

Trào ngược dạ dày xảy ra khi axit dạ dày đi ngược vào ống dẫn thức ăn, gây kích ứng niêm mạc thực quản. Tình trạng này có thể dẫn đến chứng ợ nóng, có vị đắng trong miệng, thường xuyên nôn mửa, khó tiêu, khó nuốt. Ngoài ra, kích ứng này cũng có thể dẫn đến đau họng, viêm họng hoặc ho khan.

Ợ nóng là triệu chứng trào ngược dạ dày phổ biến nhất. Tuy nhiên có khoảng 20 – 60% các trường hợp trào ngược dạ dày gây viêm họng hoặc ảnh hưởng đến đầu, cổ mà không gây ợ nóng.

Các triệu chứng phổ biến nhất khi viêm họng có liên quan đến tình trạng trào ngược thường bao gồm:

  • Đau họng
  • Có cảm giác nghẹt thở hoặc có vật chèn vào cổ họng
  • Ho mãn tính
  • Hắng giọng liên tục
  • Có cảm giác thức ăn dính ở cổ họng
  • Giọng khàn
  • Hôi miệng
  • Có cảm giác nóng rát ở cổ họng và miệng
  • Có vị chua hoặc vị axit trong miệng
  • Amidan chuyển sang màu đỏ hoặc dễ bị kích ứng
  • Có các triệu chứng của Hội chứng nhỏ giọt mũi sau hoặc có chất nhầy trong cổ họng

Tình trạng trào ngược dạ dày gây ho và viêm họng thường dễ bị chẩn đoán nhầm thành các bệnh lý liên quan khác, bao gồm đau họng mãn tính hoặc viêm Amidan. Điều này có thể gây ảnh hưởng đến công tác điều trị và hồi phục của người bệnh. Vì vậy, nếu nghi ngờ hoặc có các các vấn đề về dạ dày, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Trào ngược dạ dày gây viêm họng có tự khỏi không?

Trong các trường hợp nhẹ, bệnh trào ngược dạ dày gây viêm họng có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Bên cạnh đó, người bệnh có thể thay đổi lối sống cũng như áp dụng chế độ ăn uống phù hợp để cải thiện tình trạng trào ngược và viêm họng.

Tuy nhiên trong các trường hợp trung bình và nặng, người bệnh cần điều trị chứng trào ngược dạ dày để cải thiện tình trạng viêm họng. Các loại thuốc không kê đơn và thuốc theo toa có thể hỗ trợ trung hòa axit hoặc ngăn ngừa sản xuất axit quá mức. Điều này có thể cải thiện chứng ợ nóng và tình trạng viêm họng.

Cách điều trị viêm họng trào ngược
Trong các trường hợp nhẹ tình trạng trào ngược dạ dày gây viêm họng có thể tự khỏi

Ngoài ra, nếu không được điều trị phù hợp, trào ngược dạ dày gây viêm họng có thể dẫn đến một số biến chứng nghiêm trọng hơn như:

  • Viêm thực quản: Axit dạ dày có thể kích thích các mô lót trên trong thực quản dẫn đến viêm thực quản.
  • Ho liên tục: Một số bệnh nhân trào ngược dạ dày có thể cần ho thường xuyên để loại bỏ axit cũng như các thức ăn bên trong thực quản. Điều này có thể gây đau họng dai dẳng và khàn giọng.
  • Thu hẹp thực quản: Axit dạ dày có thể làm hỏng các tế bào trong ống thực quản dẫn đến hình thành các mô sẹo. Điều này có thể làm hẹp ống thực quản và gây chứng khó nuốt.
  • Khó thở: Tình trạng thu hẹp thực quản có thể dẫn đến đau họng kéo dài và ảnh hưởng đến khả năng hô hấp.
  • Tổn thương các mô: Axit dạ dày cũng có thể gây ảnh hưởng, tổn thương các mô ở cổ họng và thực quản. Tình trạng này dẫn đến hình thành các vết loét và bệnh viêm thực quản ăn mòn.
  • Thực quản Barrett: Đây là tình trạng dẫn đến một số thay đổi bên trong lớp mô của ống thực quản. Những thay đổi này có thể làm tăng nguy cơ ung thư thực quản.

Xử lý tình trạng trào ngược dạ dày gây viêm họng

Cải thiện tình trạng trào ngược axit dạ dày là cách hiệu quả nhất để điều trị chứng đau họng. Thông thường tình trạng này có thể điều trị bằng thuốc hoặc các biện pháp xử lý tại nhà như:

1. Thay đổi thói quen ăn uống

Thay đổi thói quen ăn uống có thể cải thiện tình trạng trào ngược dạ dày gây viêm họng.

Tìm hiểu các loại thực phẩm và đồ uống có thể gây chứng ợ nóng và tránh sử dụng. Bởi vì các loại thực phẩm kích ứng ở mỗi người là khác nhau nên người bệnh có thể ghi lại nhật ký ăn uống và các triệu chứng liên quan. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, người bệnh trào ngược dạ dày thực quản nên tránh các loại thực phẩm như:

Trào ngược dạ dày thực quản và viêm họng
Không sử dụng rượu và các loại đồ uống có gas để hỗ trợ cải thiện tình trạng trào ngược gây viêm họng
  • Thức ăn cay
  • Thức ăn nhiều chất béo và thực phẩm chiên
  • Một số loại hoa quả và rau như dứa, trái cây họ cam quýt, cà chua, tỏi và hành
  • Một số loại đồ uống như rượu, cà phê, trà, đồ uống có ga, nước ép cam, dứa hoặc cà chua

Bên cạnh đó người bệnh nên ăn các bữa ăn nhỏ và thường xuyên thay vì ăn một bữa lớn. Cố gắng không nằm xuống ngay trong vòng 3 giờ sau khi ăn để ngăn ngừa các triệu chứng trào ngược dạ dày.

Mắc dù có thể gây khó chịu nhưng các triệu trào ngược dạ dày gây viêm họng thường không nghiêm trọng. Tuy nhiên, hãy trao đổi với bác sĩ nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hoặc kéo dài.

2. Sử dụng thuốc

Trong một số trường hợp, người bệnh có thể sử dụng thuốc để cải thiện tình trạng trào ngược dạ dày gây viêm họng. Các loại thuốc phổ biến thường bao gồm thuốc kháng axit, thuốc ức chế thụ thể H2 và thuốc ức chế bơm proton.

– Thuốc kháng Axit:

Đây là các loại thuốc có thể trung hòa axit dạ dày và làm giảm các triệu chứng trào ngược dạ dày. Người bệnh nên sử dụng các loại thuốc có chứa các hoạt chất cải thiện tình trạng trào ngược như:

  • Canxi Cacbonat
  • Magie Hydroxit
  • Sodium Bicarbonate
  • Nhôm Hydroxit
Trào ngược dạ dày gây viêm họng có tự khỏi không
Một số loại thuốc có thể ngăn ngừa hoặc làm giảm sản xuất axit dạ dày và cải thiện tình trạng viêm họng

– Thuốc chẹn H2:

Các loại thuốc chẹn H2 có thể ngăn chặn các tế bào bên trong dạ dày sản xuất quá nhiều axit. Thuốc có sẵn ở dạng kê đơn và không kê đơn. Các loại phổ biến thường bao gồm:

  • Ranitidine
  • Famotidine
  • Nizatidine
  • Cimetidine

– Thuốc ức chế bơm Proton:

Các loại thuốc ức chế bơm proton là thuốc mạnh nhất được sử dụng để làm giảm sản xuất axit dạ dày. Trong hầu hết các trường hợp, các loại thuốc này được sử dụng dưới dạng kê toa và khi thật sự cần thiết. Các loại phổ biến bao gồm:

  • Omeprazole
  • Rabeprazole
  • Esomeprazole
  • Pantoprazole
  • Lansoprazole

Phòng ngừa trào ngược dạ dày gây viêm họng

Trào ngược dạ dày gây viêm họng có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh và làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh lý khác. Do đó bên cạnh việc điều trị, người bệnh nên tham khảo một số biện pháp phòng ngừa như:

Trào ngược dạ dày gây viêm họng
Thay đổi thói quen ăn uống và phong cách sống có thể ngăn ngừa tình trạng trào ngược
  • Tránh nằm ngay sau khi ăn, ít nhất là 3 giờ
  • Ăn các bữa nhỏ và thường xuyên trong ngày
  • Mặc quần áo rộng rãi thoải mái, đặc biệt là không gây áp lực lên ngực hoặc thắt lưng
  • Giảm cân nếu thừa cân béo phì
  • Không hút thuốc lá
  • Tránh các thực phẩm có thể gây trào ngược như thức ăn béo, chocolate, bạc hà, thức ăn cay hoặc các loại đồ uống có gas
  • Nâng cao đầu giường để hạn chế áp lực lên dạ dày và ngăn ngừa tình trạng trào ngược
  • Tránh sử dụng một số loại thuốc khiến tình trạng trào ngược trở nên nghiêm trọng hơn như Aspirin, Ibuprofen và Naproxen
  • Giảm căng thẳng bằng các bài tập yoga, thiền định
  • Nhai kẹo cao su sau các bữa ăn có thể hỗ trợ tiết nước bọt, trung hòa axit và cải thiện tình trạng ợ nóng

Tình trạng trào ngược dạ dày thực quản có thể dẫn đến các bệnh lý liên quan bao gồm ho và viêm họng. Do đó, hãy đến bệnh viện hoặc trao đổi với bác sĩ nếu nghi ngờ tình trạng đau họng có liên quan đến bệnh trào ngược dạ dày. Kiểm soát lượng axit dạ dày là cách tốt nhất để ngăn ngừa viêm họng và các bệnh lý tiềm ẩn khác.

Tham khảo thêm

4.5/5 - (2 bình chọn)

Chữa trào ngược tại Thuốc dân tộc
Giới chuyên môn gọi đây là "giải pháp vàng" trong chữa trào ngược dạ dày. Bệnh nhân côi đây là "cứu cánh" giúp thoát khỏi mọi ám ảnh phiền toái do bệnh tật gây nên.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *