Viêm Loét Dạ Dày Cấp Tính: Dấu Hiệu Nhận Biết Và Cách Xử Lý

Viêm loét dạ dày cấp tính đề cập đến tình trạng sưng viêm đột ngột ở niêm mạc dạ dày do các tác nhân độc hại hoặc nhiễm khuẩn. Ở giai đoạn cấp, triệu chứng của bệnh thường khởi phát đột ngột, có tính điển hình cao nhưng hầu hết đều có thể điều trị dứt điểm và ít để lại di chứng.

Viêm loét dạ dày cấp tính
Viêm loét dạ dày cấp tính là gì?

Viêm loét dạ dày cấp tính là gì?

Viêm loét dạ dày cấp tính là tình trạng niêm mạc dạ dày bị sưng viêm một cách đột ngột do nhiễm khuẩn hoặc ảnh hưởng của các tác nhân độc hại (hóa chất, thuốc). Ở giai đoạn cấp, triệu chứng của bệnh có xu hướng khởi phát đột ngột, diễn tiến nhanh chóng nhưng có thể điều trị hoàn toàn và ít để lại di chứng.

Tuy nhiên nếu không can thiệp điều trị kịp thời, hiện tượng viêm niêm mạc có thể chuyển sang giai đoạn mãn tính và làm tăng nguy cơ phát sinh các biến chứng nguy hiểm.

Tương tự như các vấn đề khác ở dạ dày, điều trị viêm loét dạ dày cấp tính phải kết hợp giữa biện pháp y tế với chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt khoa học. Bên cạnh đó, cần cách ly với các yếu tố gây tổn thương và viêm nhiễm niêm mạc dạ dày.

Đã từng có một hành trình dài chữa viêm loét HP vô cùng gian nan và tưởng chừng như mất niềm tin vào cuộc sống, cô Đồng Thị Tâm đã cải thiện tình trạng của mình sau 45 ngày và dứt hẳn bệnh sau 3 tháng >> XEM CHI TIẾT

Nguyên nhân gây viêm loét dạ dày cấp tính

Có nhiều nguyên nhân gây ra viêm loét dạ dày cấp, trong đó phổ biến nhất là nhiễm khuẩn, lạm dụng thuốc và ngộ độc hóa chất. Ngoài ra, bệnh cũng có thể khởi phát do một số nguyên nhân và yếu tố rủi ro khác.

bệnh viêm loét dạ dày cấp tính
Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori là nguyên nhân chính gây viêm loét dạ dày cấp

Một số nguyên nhân gây bệnh viêm loét dạ dày cấp phổ biến, bao gồm:

  • Vi khuẩn Helicobacter pylori (Hp): Vi khuẩn Hp có khả năng xâm nhập vào dạ dày người thông qua đồ ăn, thức uống hoặc dụng cụ nhiễm khuẩn. Loại vi khuẩn này có khả năng tồn tại trong môi trường axit, sinh sống và phát triển mạnh trong niêm mạc dạ dày. Vi khuẩn Hp tiết ra độc tố gây ăn mòn lớp nhầy bảo vệ niêm mạc, kích thích hoạt động tăng tiết axit và gây viêm loét dạ dày.
  • Lạm dụng rượu bia: Ethanol trong rượu bia là thành phần có hại đối với niêm mạc thực quản và dạ dày. Thành phần này gây suy giảm lớp màng bảo vệ niêm mạc và kích thích dạ dày tăng tiết axit, từ đó thúc đẩy quá trình ăn mòn và xâm lấn mô. Sử dụng rượu bia trong thời gian có thể dẫn đến viêm loét dạ dày tá tràng và hàng loạt các vấn đề tiêu hóa khác như viêm loét thực quản, suy gan, xơ gan,…
  • Sử dụng thuốc giảm đau, chống viêm: Các loại thuốc giảm đau, chống viêm như NSAID, corticoid dạng uống,… được sử dụng để cải thiện cơn đau cấp và mãn tính. Tuy nhiên lạm dụng các loại thuốc này có thể khiến niêm mạc dạ dày bị viêm loét nặng nề hoặc thậm chí gây chảy máu.
  • Ảnh hưởng của các bệnh nhiễm trùng cấp: Ở một số trường hợp, viêm loét dạ dày cấp có thể xuất hiện thứ phát sau các bệnh nhiễm trùng như cảm cúm, bạch hầu, viêm ruột thừa, sởi, thương hàn,…
  • Hóa chất: Viêm loét dạ dày cấp tính có thể là hệ quả do ngộ độc muối kim loại nặng, acid sulphuric, thủy ngân,… Các hóa chất này có thể tồn tại trong không khí, nguồn nước hoặc thực phẩm nhiễm bẩn.
  • Ngộ độc thực phẩm: Ngộ độc thực phẩm là tình trạng rối loạn tiêu hóa, khó thở, hạ huyết áp, viêm loét dạ dày cấp,… do sử dụng thực phẩm chứa virus, ký sinh trùng, vi khuẩn, nhiễm hóa chất. Ngoài ra, ngộ độc thực phẩm cũng có thể xảy ra do sử dụng thực phẩm chứa độc tố như cá nóc, cóc, măng, sắn,…
  • Một số yếu tố nội sinh: Tình trạng viêm loét dạ dày cấp có thể là hệ quả do tăng đường máu cao, tăng ure máu, chấn thương, bỏng nặng, stress kéo dài,… Các yếu tố này có thể kích thích tăng tiết dịch vị, giảm lưu lượng máu lưu thông đến dạ dày khiến axit ứ đọng trong cơ quan này và dẫn đến hiện tượng ăn mòn, tổn thương niêm mạc.

Dấu hiệu nhận biết viêm loét dạ dày cấp tính

Như đã đề cập, viêm loét dạ dày cấp tính thường khởi phát triệu chứng đột ngột và diễn tiến nhanh. So với giai đoạn mãn tính, ở giai đoạn cấp triệu chứng của bệnh có tính điển hình cao và dễ nhận biết.

Một số triệu chứng nhận biết bệnh viêm loét dạ dày cấp, bao gồm:

– Đau vùng thượng vị

Đau vùng thượng vị (vùng bụng trên rốn) là triệu chứng đầu tiên và điển hình nhất của viêm loét dạ dày cấp tính. Cơn đau thường khởi phát sau khi ăn no, vận động mạnh hoặc bùng phát lúc nửa đêm.

chữa viêm loét dạ dày cấp tính
Đau thượng vị là triệu chứng điển hình của bệnh viêm loét dạ dày cấp tính

Đau thượng vị thường đi kèm với cảm giác nóng rát, cồn cào, mức độ đau âm ỉ hoặc dữ dội (đặc biệt là viêm loét do nhiễm khuẩn). Cơn đau có xu hướng thuyên giảm khi ngồi hoặc nằm gập bụng, thời gian đau kéo dài khoảng vài giờ đồng hồ và tính chất chu kỳ.

Trong trường hợp xảy ra do ngộ độc thực phẩm, đau thượng vị có thể bùng phát thành từng cơn, tức ngực, cơn đau có xu hướng lan tỏa sau lưng và toàn bộ vùng bụng.

– Buồn nôn và nôn mửa

Cảm giác buồn nôn và nôn mửa thường xảy ra sau khi ăn. Khi nôn mửa hết thức ăn, cơn đau thượng vị, cảm giác khó chịu và đầy trướng có xu hướng thuyên giảm. Ngoài ra, cảm giác buồn nôn cũng có thể xuất hiện vào sáng sớm sau khi ngủ dậy.

Tình trạng nôn mửa kéo dài có thể khiến cơ thể mất nước, rối loạn điện giải, người mệt mỏi, suy nhược và gầy sút.

– Các triệu chứng khác:

Ngoài ra, viêm loét dạ dày cấp tính còn có thể gây ra một số triệu chứng khác như:

  • Ợ hơi
  • Ợ chua
  • Sôi bụng
  • Chán ăn
  • Đầy bụng
  • Đi tiêu lỏng

Viêm loét dạ dày cấp có nguy hiểm không?

Viêm loét dạ dày cấp khởi phát cơn đau đột ngột, triệu chứng diễn tiến nhanh chóng và có tính điển hình cao. Tuy nhiên nếu kịp thời điều trị và xử lý đúng cách, bệnh có thể được chữa trị hoàn toàn và không để lại di chứng.

chữa viêm loét dạ dày cấp tính
Loét dạ dày kéo dài có thể gây xuất huyết tiêu hóa và thủng dạ dày

Tuy nhiên do có diễn tiến nhanh nên đối với những trường hợp chủ quan và không can thiệp xử lý kịp thời, viêm loét dạ dày cấp có thể gây ra các biến chứng như:

  • Viêm loét dạ dày mãn tính: Nếu hiện tượng viêm loét cấp không được xử lý kịp thời, bệnh có thể chuyển sang giai đoạn mãn tính. Ở giai đoạn mãn tính, triệu chứng thường tiến triển âm thầm nhưng dai dẳng, kéo dài và rất khó để điều trị hoàn toàn.
  • Xuất huyết dạ dày: Xuất huyết dạ dày là biến chứng thường gặp nhất của bệnh viêm loét dạ dày cấp. Biến chứng này xảy ra do tiếp tục sử dụng thuốc chống viêm, stress, uống rượu bia,… Xuất huyết dạ dày là vấn đề sức khỏe có mức độ nghiêm trọng và có thể đe dọa đến tính mạng nếu không điều trị và xử lý kịp thời. Vì vậy, bạn nên tìm gặp bác sĩ nếu nhận thấy một số triệu chứng như đi ngoài ra máu, nôn ói ra máu hoặc bã nôn có màu cà phê.
  • Thủng dạ dày: Thủng dạ dày là tình trạng thành dạ dày bị thủng do hiện tượng viêm loét tiến triển nặng. Tương tự xuất huyết dạ dày, thủng dạ dày là biến chứng nặng nề và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không chữa trị kịp thời.
  • Tăng nguy cơ mắc các bệnh tiêu hóa khác: Dạ dày giữ vai trò lưu trữ và tiêu hóa thức ăn. Tuy nhiên khi dạ dày bị viêm loét và rối loạn chức năng vận động, các cơ quan khác của hệ tiêu hóa đều có thể bị ảnh hưởng và dễ phát sinh các vấn đề tiêu cực.

Ngoài những biến chứng nêu trên, viêm loét dạ dày cấp còn ảnh hưởng đến khả năng ăn uống, gây mệt mỏi, suy nhược cơ thể và giảm mức độ tập trung. Hơn nữa, triệu chứng của bệnh còn bùng phát mạnh về đêm gây mất ngủ, gián đoạn giấc ngủ và ngủ chập chờn.

Cách xử lý khi bị viêm loét dạ dày cấp tính

Đối với bệnh viêm loét dạ dày cấp, cần điều trị trong thời gian sớm nhất để giảm nhanh cơn đau, bảo vệ ổ viêm loét và ngăn ngừa biến chứng. Trong trường hợp có nhiễm khuẩn, cần tích cực điều trị để diệt trừ vi khuẩn và bảo vệ niêm mạc dạ dày.

1. Biện pháp xử lý tạm thời

Khi xuất hiện triệu chứng của viêm loét dạ dày cấp, bạn nên thực hiện các biện pháp xử lý tạm thời sau đây:

chữa viêm loét dạ dày cấp tính
Gây nôn giúp loại bỏ thức ăn và hóa chất gây ngộ độc, sưng viêm niêm mạc dạ dày
  • Trong trường hợp ngộ độc thực phẩm hoặc ngộ độc hóa chất, nên gây nôn để loại bỏ hoàn toàn thức ăn và độc tố ở trong dạ dày. Sau đó sử dụng nước muối súc miệng để loại bỏ tạp chất có trong khoang miệng và làm dịu cổ họng.
  • Sau khi nôn, nên uống nhiều nước, có thể dùng nước ép trái cây hoặc dung dịch bù điện giải (Oresol) để cung cấp chất lỏng và khoáng chất cho cơ thể.
  • Tránh mặc quần áo chật và ôm sát, nên thay trang phục rộng rãi, có chất liệu mềm và thoáng để tránh gây áp lực lên ổ bụng và dạ dày.
  • Sau đó, nên nằm nghỉ ngơi để giảm hoạt động co bóp của dạ dày, cải thiện cơn đau thượng vị và cảm giác buồn nôn.
  • Ngưng sử dụng thuốc chống viêm và giảm đau trong trường hợp viêm loét dạ dày xảy ra do lạm dụng thuốc.

2. Thăm khám và điều trị y tế

Sau khi xử lý với các biện pháp tạm thời, bạn nên đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị y tế. Trong trường hợp ngộ độc thức ăn, nên đem mẫu thức ăn đến bệnh viện để bác sĩ dễ dàng xác định chủng vi khuẩn gây nhiễm trùng và chỉ định kháng sinh phù hợp.

bệnh viêm loét dạ dày cấp tính
Bác sĩ có thể chỉ định thuốc kháng sinh, thuốc bảo vệ niêm mạc, thuốc ức chế bài tiết axit,…

Tùy vào nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ có thể chỉ định một số biện pháp điều trị viêm loét dạ dày cấp sau:

  • Sử dụng thuốc kháng sinh: Trong trường hợp viêm loét dạ dày xảy ra do vi khuẩn Hp, vi khuẩn E. coli, Salmonella, phẩy khuẩn tả, bác sĩ sẽ chỉ định kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn và điều trị nhiễm trùng ở niêm mạc dạ dày. Tuy nhiên đối với vi khuẩn Hp, bác sĩ xây dựng phác đồ điều trị riêng biệt để hạn chế nguy cơ kháng thuốc.
  • Thuốc bảo vệ niêm mạc: Thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày (Bismuth) được sử dụng trong điều trị viêm loét dạ dày nhằm bảo vệ ổ viêm, ngăn chặn quá trình xâm lấn của axit và dự phòng biến chứng xuất huyết tiêu hóa.
  • Thuốc ức chế bài tiết axit: Tăng tiết axit có vai trò quan trọng trong cơ chế gây bệnh viêm loét dạ dày. Vì vậy để làm liền ổ loét và hạn chế quá trình ăn mòn niêm mạc, bác sĩ sẽ chỉ định một số loại thuốc có tác dụng ức chế bài thuốc axit như thuốc ức chế histamine H2 (Ranitidin, Cimetidin, Nizatidin), thuốc ức chế bơm proton (Omeprazole, Lansoprazole) và thuốc ức chế gastrin (Somatostatin).
  • Bù điện giải Oresol: Với những trường hợp viêm loét dạ dày cấp gây nôn ói nhiều, bác sĩ có thể chỉ định pha Oresol để bù điện giải và bù nước. Theo hướng dẫn của nhà sản xuất, nên pha 1 gói Oresol với 1 lít nước và uống nhiều lần trong ngày. Hạn chế pha nước quá loãng hoặc quá đặc.

Khi dùng thuốc, nên tuân thủ liều lượng và tần suất được bác sĩ chỉ định để hạn chế tác dụng phụ và đảm bảo hiệu quả điều trị. Tuyệt đối không tùy tiện sử dụng khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Trong trường hợp viêm loét dạ dày do ngộ độc nặng, bác sĩ sẽ có thể tiến hành rửa dạ dày, sử dụng than hoạt tính để hấp phụ độc tố và truyền nước biển nhằm bù dịch, cân bằng điện giải.

3. Cải thiện với các mẹo tại nhà

Bên cạnh điều trị y tế, bạn có thể làm giảm các triệu chứng của viêm loét dạ dày cấp với một số mẹo chữa tại nhà như:

bệnh viêm loét dạ dày cấp tính
Dùng nghệ mật ong giúp làm dịu cơn đau thượng vị, phục hồi và tái tạo ổ viêm loét
  • Uống trà gừng ấm: Gừng tươi có tính ấm, tác dụng chống viêm, sát trùng và giảm buồn nôn. Uống một tách trà gừng ấm giúp làm dịu cổ họng, giảm cảm giác đắng miệng, buồn nôn và giảm nhẹ cơn đau thượng vị. Ngoài ra, biện pháp này còn hỗ trợ ức chế vi khuẩn gây nhiễm trùng và cải thiện một số triệu chứng đi kèm khác.
  • Nghệ và mật ong: Nghệ và mật ong là công thức điều trị đau dạ dày có nguồn gốc từ dân gian. Hiện nay, cả 2 nguyên liệu đã được nghiên cứu khoa học và ứng dụng trong nhiều chế phẩm y tế. Mật ong và nghệ đều có đặc tính kháng viêm, tiêu trừ vi khuẩn và chống oxy hóa. Dùng nghệ ngâm mật ong đều đặn 2 lần/ ngày có thể phục hồi ổ viêm loét và điều hòa hoạt động của dạ dày.
  • Dùng nước nha đam: Nha đam chứa hàm lượng nước, vitamin và khoáng chất dồi dào. Uống nước nha đam trong thời gian điều trị viêm loét dạ dày cấp có khả năng trung hòa axit, làm dịu ổ viêm và hỗ trợ ức chế vi khuẩn gây nhiễm trùng. Ngoài ra, chất nhầy và các thành phần chống oxy hóa trong nha đam còn có hiệu quả phục hồi và tái tạo các mô niêm mạc hư tổn.

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể sử dụng một số thảo dược tự nhiên khác như dầu dừa, nghệ đen, chè dây, lá khôi,… để hỗ trợ giảm đau thượng vị, buồn nôn, nôn mửa và phục hồi vết loét ở niêm mạc.

Biện pháp chăm sóc và phòng ngừa viêm loét dạ dày cấp

Viêm loét dạ dày cấp có thể tiến triển nặng nếu không loại trừ các yếu tố gây viêm và thay đổi các thói quen xấu. Vì vậy bên cạnh các phương pháp y tế, bạn nên xây dựng chế độ chăm sóc khoa học nhằm hỗ trợ quá trình điều trị và phòng ngừa bệnh tái phát.

bệnh viêm loét dạ dày cấp tính
Trong thời gian điều trị viêm loét dạ dày, nên dùng thức ăn mềm, ít gia vị và dễ tiêu hóa

Một số biện pháp chăm sóc và phòng ngừa tái phát viêm loét dạ dày cấp tính:

  • Tuyệt đối không tự ý sử dụng kháng sinh, thuốc giảm đau và chống viêm. Tùy tiện dùng các loại thuốc này có thể gây loét dạ dày nặng, xuất huyết tiêu hóa hoặc thậm chí là thủng dạ dày.
  • Trong trường hợp dương tính với vi khuẩn Hp, nên tránh sử dụng chung vật cá nhân (thìa, muỗng, đũa, bát,…) với người khác để hạn chế nguy cơ lây nhiễm.
  • Nên tránh các loại thực phẩm và đồ uống gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe như rượu bia, cà phê, thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, gia vị hoặc thực phẩm khô cứng, khó tiêu hóa.
  • Ưu tiên dùng các món ăn mềm, ít gia vị, dầu mỡ và dễ tiêu hóa trong thời gian điều trị. Tăng cường dùng rau xanh, trái cây, tinh bột, trứng, thịt lợn nạc,… để trung hòa dịch vị dạ dày, bảo vệ ổ viêm và cải thiện sức khỏe tổng thể.
  • Tuyệt đối không sử dụng các loại thực phẩm có tiền sử dị ứng và thực phẩm chứa độc tố như cá nóc, cóc, sắn, măng,… Nên ăn chín uống sôi, hạn chế ăn các hàng quán lề đường và các loại thực phẩm dễ bị nhiễm bẩn như đồ sống, mắm,…
  • Hạn chế hút thuốc lá và sử dụng chất kích thích.
  • Không nên ăn quá no hoặc để bụng quá đói, ăn chậm nhai kỹ và tránh ăn quá sát giờ đi ngủ.
  • Cân bằng giữa thời gian làm việc và nghỉ ngơi, hạn chế căng thẳng và các suy nghĩ tiêu cực. Ngoài ra, bạn cũng có thể thực hiện một số hoạt động giúp giải tỏa áp lực lên hệ thần kinh như tập yoga, bơi lội, đọc sách, nghe nhạc,…
  • Nên ngủ trước 11 giờ và đảm bảo thời gian ngủ kéo dài 7 – 8 giờ đồng hồ.

Viêm loét dạ dày cấp tính thường khởi phát triệu chứng đột ngột, diễn tiến nhanh chóng nhưng có thể chữa trị hoàn toàn và không để lại di chứng. Tuy nhiên với những trường hợp chủ quan, niêm mạc có thể bị loét nặng, gây xuất huyết và thủng dạ dày. Vì vậy, bạn nên chủ động tìm gặp bác sĩ để được điều trị kịp thời và hạn chế các biến chứng nguy hiểm.

Tham khảo thêm: Trào ngược dạ dày thực quản là gì? Dấu hiệu nhận biết và Điều trị

2.7/5 - (29 bình chọn)

Giải pháp độc đáo và duy nhất được ứng dụng độc quyền tại Trung tâm Thuốc dân tộc - "Bí quyết vàng" người bệnh tuyệt đối không nên bỏ qua khi điều trị bệnh dạ dày.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *